Tại sao lại sợ hai tiếng “độc lập” đến thế?

(Nhân sự kiện ra đời Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam)

Hoàng Hưng

 

Ngày 4/7/2014 Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam tuyên bố thành lập với nhiều thành viên sáng lập là đồng nghiệp và chiến hữu của người viết bài này. Tuy không có tên trong đó vì những lý do riêng, nhưng tôi hoàn toàn tán thưởng và đánh giá cao sự kiện này như một cái mốc quan trọng trên con đường khẳng định lại những quyền căn bản tự nhiên của con người và công dân đã bị Nhà nước toàn trị tước đoạt từ lâu.

Nhân đây, tôi muốn đặt vấn đề với các “cơ quan chức năng” về thái độ đối xử của họ với các hội đoàn dân sự ĐỘC LẬP đã và sẽ ra đời không ít trong thời gian tới.

Bản thân tôi và nhiều bạn viết là thành viên trong Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam (gọi tắt là BVĐ VĐ), cũng như trang mạng của Ban (vanviet.info) đã trải nghiệm cách đối xử bất minh, bất chấp pháp luật, bất chấp thực tế, bất chấp hiệu quả, bất chấp lòng người của một số “cơ quan chức năng” ấy.

Tôi ghi nhận: trong thời gian đầu, cơ quan An ninh có thái độ khá đứng đắn đối với việc thành lập Ban VĐ VĐ. Bằng nghiệp vụ theo dõi của họ, An ninh đã biết ngay từ lúc manh nha sự kiện này, và đã đến gặp vài người có tên sớm trong danh sách, trong đó có một nhà thơ nổi tiếng. Nhưng họ chỉ hỏi để biết, chứ không yêu cầu, sách nhiễu gì. Bản thân tôi được “mời làm việc” vài ngày trước khi Tuyên bố Ban VĐ VĐ lên mạng. Họ cũng chỉ hỏi thông tin, và tôi đã thẳng thắn trình bày quan điểm của mình về việc vận động cho một tổ chức xã hội dân sự nghề nghiệp có mục tiêu lành mạnh, trong sáng của các nhà văn. Trong buổi “thăm hỏi” của một số sĩ quan an ninh mới đây, tôi cũng khẳng định lại và nói rõ thêm mấy điểm:

1/ Việc ra đời Ban VĐ VĐ là hoàn toàn chính đáng, hợp pháp, hợp hiến, hợp quy luật phát triển của xã hội. Chúng tôi chỉ làm cái việc tương tự ông Kim Ngọc đã “khoán hộ” cho nông dân trước Đổi mới. Rồi đây, chẳng lâu đâu, những việc như việc này sẽ là bình thường và Nhà nước sẽ phải chấp nhận, nhất là sau khi Luật Lập hội được ban hành.

2/ Các hội đoàn chính thống từ trước đến nay thực chất đều là các cơ quan nhà nước được bao cấp. Việc ấy có thể thích hợp với thời chiến để huy động mọi lực lượng cho cuộc “chiến tranh nhân dân”, nhưng sang thời bình, lẽ ra phải chấm dứt từ lâu, đã bị kéo dài quá mức cần thiết. Theo quy luật, cứ được “bao” (và “lãnh đạo”, và “bao” chính là để “lãnh đạo”) như thế, chúng sẽ thoái hoá, biến chất, trở thành ít nhất là quan liêu, trì trệ, thụ động, tệ hơn là vô tích sự, ăn bám, tệ hơn nữa là biến thành các nhóm lợi ích, mất hết uy tín với ngay trong giới của mình.

3/ Bản chất tự nhiên của các hội đoàn phải là ĐỘC LẬP với kinh phí tự lo toan, tự trang trải. Có ĐỘC LẬP, chúng mới thực sự là của những người cùng chí hướng, nguyện vọng, tự nguyện tổ chức và hoạt động. Có ĐỘC LẬP, chúng mới có thể làm những công việc thực sự hữu ích cho nghề nghiệp của mình và cho xã hội, nói đúng tiếng nói của giới hữu quan cho Nhà nước biết sự thật. Thế là xã hội, Nhà nước có lợi, mà chẳng tốn kém gì (tất nhiên Nhà nước nên tài trợ một cách bình đẳng cho mọi hội đoàn căn cứ vào hiệu quả hoạt động của họ, thông qua những Quỹ Tài trợ được điều hành bởi các nhân vật có uy tín, công tâm, phi quan cách, giống cách làm của các nước văn minh trên thế giới).

4/ Nếu muốn, Nhà nước vẫn có thể kiểm soát các hội đoàn này qua nhiều kênh, tốt nhất là qua luật pháp nghiêm minh, công khai – thậm chí Đảng Cộng sản vẫn “lãnh đạo” được thông qua các đảng viên của mình (như trong Ban VĐ VĐ, thiếu gì đảng viên lâu năm, đầy công trạng!).

5/ Một số việc làm sách nhiễu, ngăn chặn BVĐ VĐ rất không hay, mang tiếng mà chẳng ích gì. Thí dụ: Chặn tường lửa Văn Việt mà số người gửi bài, số người đọc… cứ tăng lên (có khi càng bị chặn, càng kích thích tò mò!). Đi “vận động” rút tên thì đại đa số đều gặp câu trả lời KHÔNG. Ngăn cấm bài của các thành viên đăng báo thì… cũng chẳng ai cần (tuy có những người mất thu nhập hàng tháng khoảng 5-6 triệu đồng nhưng thời buổi này đâu có ai… chết đói), ngược lại chính các báo bực mình vì mất những cây viết được bạn đọc yêu thích (và thực tế đã có những báo “xé rào” vẫn đăng bài của thành viên BVĐ VĐ).

6/ Tóm lại, Nhà nước nên ủng hộ các hội đoàn ĐỘC LẬP, đâu có hại gì cho Nhà nước, mà lại có được thiện cảm với dân và với quốc tế, và chắc chắn sẽ thuận lợi hơn trong việc vào TPP!

Tôi vẫn hy vọng “các cơ quan chức năng” biết nhìn nhận thực tế và quy luật phát triển xã hội, đoạn tuyệt với tư duy quá cũ kỹ, để có đối sách đúng đắn với các hội đoàn dân sự độc lập, trước mắt là với Hội Nhà báo Độc lập mới ra đời.

Tại sao?

Trước nhất tôi biết không ít người có trách nhiệm cao trong các “cơ quan chức năng” thực lòng nghĩ giống chúng tôi, nhưng miễn cưỡng làm trái lòng mình chỉ vì phải chấp hành chỉ thị từ đâu đó. Một kinh nghiệm cá nhân: tôi có nhiều bạn học làm lãnh đạo Ban Tư tưởng Văn hoá Trưng ương. Một vị Phó Ban rất quý mến tôi, vị ấy từng làm Lớp trưởng trong khi tôi làm Lớp phó phụ trách Học tập nên rành nhau quá!  Có lần, trong một lần họp lớp cũ, cựu Lớp trưởng mở đầu cuộc họp bằng một câu làm tôi sửng sốt: “Mấy mươi năm qua, trong lớp ta có nhiều người thành công, như… anh Hoàng Hưng đóng góp rất nhiều cho Văn học!” (đúng thời gian đó, tôi đang bị “tổng xỉ vả” trên hầu hết báo chí vì mấy tập thơ “ngoài luồng” của mình).  Tôi kêu lên: “Ông Phó ban Tư tưởng Văn hoá vừa nói đấy nhá!”. Cả lớp cũ (trong đó rất nhiều Giáo sư văn học, cán bộ tuyên huấn các cấp) cười ầm! Các “cán bộ chức năng” không còn tin ở việc mình phải làm, cứ phải làm ngược lòng mình, hỏi làm sao làm cho tốt được kia chứ?

Hai nữa, giờ đây, có nhắm mắt cũng thấy… quy luật nó cứ xồng xộc đến, bất kể anh thích hay không thích. Mà đâu như ông Ăngghen từng nói: “Tự do là hành động đúng quy luật”. Vậy có ai muốn hình dung mình sẽ… “mất tự do” vào một ngày không xa?

Để kết luận, tôi xin long trọng nhắc lại: Với các hội đoàn, thì quy luật là: Hội đoàn phải là tổ chức quần chúng ĐỘC LẬP, thuộc về xã hội dân sự!

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.