(phần tiếp theo)
thanh thảo
XXI
Có một thời trong văn học Việt Nam người ta hay dùng chữ “đông vui” để chỉ một đội ngũ sáng tác. Nếu đó là một lời khen, thì tôi nghĩ nó buồn cười. Văn học, chưa bao giờ “đông” mà “vui” cả. Đó không phải là cuộc tụ tập ăn nhậu, một “Ngày hội Đại đoàn kết” hay một bữa giỗ. Văn học, mỗi người đi một đường, mỗi người một kiểu, và như tôi, chỉ thích đi một mình. Lặng lẽ. Như thế thì không thể “đông vui”, nhưng bù lại, nó được việc. Người ta chỉ sáng tác được khi một mình. Nó không hề cô đơn. Nó có thể rất “vui”, nhưng là vui một mình. Chỉ có người đọc thứ hai, thứ ba… nếu tác giả quyết định chia sẻ bản thảo. Khi được về Trại sáng tác văn học quân khu Năm, tôi cũng chỉ nghĩ đó là một cơ quan, một nơi tôi có thể yên ổn ngồi và viết, sau những lúc đi chơi với bạn bè. Trại ấy đúng là như vậy. Chúng tôi chơi với nhau rất thân, ăn nhậu hàng ngày với nhau, nhưng tuyệt đối không ai biết ai đang viết gì. Chỉ khi nào chia sẻ, thì mới biết. Và cũng tuyệt đối không ai góp ý cho ai khi bản thảo chưa hoàn thành. Lúc xong, ra công khai rồi, mới biết. Tôi nghĩ, trại sáng tác, là như vậy. Nó phải tuyệt đối tôn trọng tự do và bí mật của người sáng tác cũng như của tác phẩm. Nghe nói, hồi ấy, trại trưởng Nguyễn Chí Trung cũng có “rèn giũa” hay góp ý cho người này người kia, nhưng tôi hoàn toàn không biết, và cũng không để ý. Khi tôi viết xong trường ca “Những người đi tới biển”, tôi đã đọc bản thảo cho mấy anh em bạn thân nghe, và đọc cho trại trưởng Nguyễn Chí Trung nghe. Anh Thu Bồn, khi đọc tới hai câu thơ trong trường ca: “Xin mẹ cứ nhai trầu cho buổi chiều yên tĩnh/ Chưa tắt ngấn cười kia thì trăng khuyết lại tròn” anh đã bật khóc. Tôi biết, anh Thu Bồn lúc ấy còn mẹ già mà anh không thể phụng dưỡng vì phải đi kháng chiến bao nhiêu năm. Câu thơ tôi đã chạm tới nỗi xót xa của anh – một người con hiếu thảo. Tôi cũng chưa biết số phận bản thảo của mình thế nào, cho tới khi nó được gửi cho NXB Quân đội. Hồi ấy, anh Nguyên Ngọc đã ra Hà Nội, và anh đề nghị ban biên tập NXB cho anh đọc bản thảo. Sau đó, chính anh Ngọc đã thúc đẩy để bản thảo này được in trong thời hạn ngắn nhất, chỉ mất chưa đầy ba tháng kể từ ngày gửi. Phần tôi, điều khiến tôi phấn khởi nhất là được… ứng tiền nhuận bút. Nhà thơ Tạ Hữu Yên, vốn cùng phòng Binh Vận với tôi, đã về công tác tại NXB Quân đội, và ông trực tiếp biên tập bản thảo của tôi. Nhờ mối thân quen đó, tôi cứ gạ ông cho ứng nhuận bút, và lần nào cũng được chấp nhận. Nhớ có lần, nhà thơ Tạ Hữu Yên vào Đà Nẵng công tác, ở lại ngôi nhà Trại sáng tác bố trí cho chúng tôi. Buổi sáng, ông lên sân thượng tập thể dục. Tôi theo lên, không phải để cùng tập với ông, mà nghĩ cách để… mượn tiền ông. Tôi giả vờ không để ý ông đang hăng hái hít thở, cứ hát rống lên một đoạn trong bài hát nhạc sĩ Nguyễn Thành phổ thơ ông: “Không thể nói trời không trong hơn/ và mắt em xanh khác ngày thường/ khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy/ nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường”. Tôi hát không hay, dĩ nhiên, nhưng rất nhiệt tình. Và tôi liếc thấy nhà thơ Tạ Hữu Yên như đứng sững lại. Ông cảm động. Đúng là nhà thơ, mau xúc cảm. Ngay lúc ấy, tôi ngỏ lời… vay tiền ông, và Tạ Hữu Yên đã vô cùng hào hứng cho tôi… vay. Không kèm bất cứ điều kiện nào. Hồi ấy anh em sống với nhau dễ thương như vậy, dù cùng nghèo túng. Có thể tạm cư, nhưng viết thì không thể tạm bợ. Suốt gần mười năm, từ 1975 tới 1984, lúc nào tôi cũng có cảm giác mình đang ở tạm. Có thể là ở Hà Nội, ở Hải Dương, ở Đà Nẵng hay ở Qui Nhơn. Nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình viết tạm, dù chỉ một câu thơ. Cơ sự chỉ vì nhà cửa tôi ở lúc ấy rất tạm bợ. Tôi có cảm giác đó là những chỗ trú thân, chưa phải chỗ ở. Vì thế chưa bao giờ tôi nghĩ mình phải mua, phải trang bị cho nơi ở của mình bất cứ thứ gì. Kể cả cái giường nằm, hay cái bàn viết. Kiếm được đồng nào đổ vào ăn nhậu với bạn bè cho vui, thế thôi. Có lẽ lối sống ấy bây giờ không thích hợp, nhưng hồi đó tôi coi là chuyện bình thường, thậm chí chưa bao giờ nghĩ phải khác đi. Có thể hoàn cảnh đất nước lúc ấy cũng thế, có bình mà chưa có an. Và nhiều khi không có cả bình an. Bây giờ thì đã khác nhiều, có thể ngồi viết một cách thoải mái hơn, nhưng cảm giác bất an vẫn còn. Nó lơ lửng ở đâu đó, trong những gì khác với cái tôi đã trải qua. Nếu thi sĩ Trần Vũ Mai từng viết trường ca “Cảm giác lạc quan” ngay sau hòa bình, thì bây giờ không biết nên gọi cái cảm giác mà tôi thoáng nhận là cảm giác gì? Lạc quan chăng, không, mà bi quan, cũng chưa hẳn. Có lẽ nó đi giữa lạc quan và bi quan. Nó đi giữa cái lơ lửng. Đúng kiểu đi mà lâu nay Việt Nam vẫn đi giữa Trung Quốc và Mỹ. Bởi tôi nghĩ nhiều tới biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên. Cạn kiệt tài nguyên chưa chắc đã chết ngay, nhưng biến đổi khí hậu thì dễ… toi lắm đấy. Vậy mà lâu nay nghe tuyên truyền về biến đổi khí hậu rất hời hợt. Người ta nói khai thác tài nguyên theo kiểu tận diệt luôn đi cùng tham nhũng. Đúng như thế. Tham nhũng cũng là một kiểu tận diệt. Tôi đã từng thấy nhiều công trình xây dựng lên tốn hàng trăm tỉ rồi bỏ hoang. Người ta gọi đó là lãng phí. Không phải. Đó là tham nhũng. Chỉ vì mấy chục “phần trăm” bỏ túi cá nhân mà người ta sẵn sàng thiết kế, phê duyệt, xin kinh phí thi công rầm rộ, xong rồi bỏ. Không phải họ không biết, nhưng cứ làm. Đó khác hẳn với lãng phí, là làm mà không biết mục đích sử dụng, không tính được hiệu quả sử dụng. Cũng may là trong một xã hội mà người tốt nhiều hơn kẻ xấu, việc tốt nhiều hơn việc xấu, thì xã hội ấy vẫn tiến lên, dù rất ì ạch. Lãng phí lớn nhất ở nước ta, là lãng phí chất xám. Chất xám vô hình, nhưng sẽ hữu hình khi được thể hiện. Chất xám cũng có thể bị bào mòn, bị thui chột nếu không có đất sống. Bây giờ hư học tràn lan, thực học nghẽn tắc. Người giỏi thật và người “giỏi giả” lẫn lộn, người giỏi thật thiếu điều kiện để chứng tỏ mình, người giỏi giả tăng cường khoa…nói giỏi. Nếu chỉ nghe các chức danh và học hàm học vị, thật chẳng biết ai giỏi ai kém. Trong cái cõi “tù mù” ấy, cộng với internet giúp sức, những kẻ bất tài nhưng già mồm lém miệng tha hồ “đăng đàn” nói xuôi nói ngược, và được hưởng ứng bởi một ít những người “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”. Như thế, môi trường trí thức là rất có vấn đề. Đó không phải việc của tôi. Vâng, hoàn toàn có thể nghĩ như thế. Nhưng ai cũng nghĩ như thế thì đất nước này nguy to. Ngày xưa, thời thuộc Pháp, nếu ai cũng nghĩ việc cứu nước không phải việc của mình, thì lấy đâu ra những anh hùng hy sinh thân mình cứu nước mà bây giờ chúng ta ngợi ca và cả lợi dụng ? Tôi vừa trao đổi với thành phố Quảng Ngãi nên tổ chức một hội thảo khoa học về Trương Quang Trọng – một thủ lĩnh Thanh niên cách mạng đồng chí hội, tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam. Ông Trương Quang Trọng nguyên là một sinh viên trường Thuốc Đông Dương, một người trí thức, con một gia đình khá giả ở huyện Sơn Tịnh-Quảng Ngãi. Sớm tham gia cách mạng, bị Pháp bắt đi đày ở ngục Kon Tum, Trương Quang Trọng đã thể hiện khí phách của một con người có nhân cách vĩ đại, khi tiến lên đối đầu với họng súng của tên quan ba Pháp. Tên này muốn tìm tù nhân Lung để “xài hàng nóng”, nhưng hắn đã gặp Trương Quang Trọng: “Tao đây! Không có Lung nào hết! Mày muốn bắn thì bắn tao đây này!” Ông Trọng phanh ngực áo nói với tên quan ba bằng tiếng Pháp. Đó là hành động của một người hy sinh vì bạn, hy sinh để giữ danh dự cho những người tù Việt. Tên quan ba Pháp đã nổ súng. Trọng vừa ngã xuống, thì một bạn tù của ông – cũng là người Quảng Ngãi – đã bay lên với “hàng lạnh” trong tay là một con dao nhọn, quyết ăn thua đủ với tên quan ba Pháp. Hồ Độ cũng bị bắn, may không chết. (trích theo hồi ký “Ngục Kon Tum” của Lê Văn Hiến). “Và lồng ngực Trương Quang Trọng ngang tàng thách thức/ và lưỡi dao Hồ Độ phóng qua cái chết/ máu gào thét/ máu/ sáng rực trong khoảnh khắc”(trích trường ca “Bùng nổ mùa xuân”, thơ tôi). Có lẽ, với những người tù can đảm, “slogan” lúc bấy giờ là “đéo sợ!”. Ngay thời Pháp thuộc với hàng loạt cuộc đấu tranh chống Pháp trong nhà tù, thì tấm gương hy sinh của Trương Quang Trọng là oanh liệt nhất, hào hùng nhất. Lẽ ra, tỉnh Quảng Ngãi đã phải vinh danh Trương Quang Trọng từ lâu rồi. Lý do cho sự chần chừ chậm trễ này có lẽ vì Trương Quang Trọng không phải… đảng viên cộng sản. Không phải cộng sản, nhưng là thủ lĩnh Thanh Niên cách mạng đồng chí hội – là… anh ruột cộng sản, tổ chức do chính Bác Hồ sáng lập từ năm 1925.
XXII
Chính những ngày lang thang sau chiến tranh đã cho tôi một thói quen: thích lang thang. Bây giờ lớn tuổi, thích ngồi nhà, uống cà phê cũng ở nhà, chứ hồi trẻ, tôi chỉ thoải mái khi ở ngoài đường. Tôi có thể ở ngoài đường suốt ngày, tới đêm luôn. Với một chiếc xe đạp, thế là miên man và rời rạc, hết chỗ này lại chỗ kia, hết nhà này tới nhà khác. Tôi không du lịch, chẳng phượt, chỉ lang thang. Vô mục đích và vu vơ. Nhưng tôi thích. Bây giờ đến nhà ai cũng ngại, chứ hồi ấy, thấy vui. Nghe nói hồi xưa ở Nga cũng có những người lang thang cơ nhỡ như vậy, họ hành hương khắp nơi chứ không hành hương riêng về Đất Thánh. Người Nga gọi họ là “palomnhik”. Tôi chẳng biết mình có giống những palomnhik ấy không, nhưng đúng là tôi thích lang thang. Dĩ nhiên đích đến luôn là bạn bè. Bạn bè tôi đều nghèo, nhưng không ai lấy đó làm điều. Bây giờ nghèo thấy khổ, hồi ấy không. Nhà tôi 12m2 nhưng lúc nào cũng có khách. Từ những nhà văn tên tuổi trong cả nước tới những anh lang thang cơ nhỡ như tôi. Tất cả đều được đón chào ở nhà tôi, và tất cả đều vui lòng khi cùng gia chủ dùng tạm bữa cơm đạm bạc (ít đạm và ít tiền) hay vầy các cuộc nhậu. Tôi nhớ, có lần nhà thơ Xuân Diệu tới nhà tôi chơi, vợ tôi nấu món bún chả cá, ông ăn ngon miệng tới mức đứng lên không nổi luôn. Vì ngồi trên giường ăn cơm, chứ nhà tôi không có bàn ăn. Giờ nghĩ lại, vẫn thấy xúc động: hồi ấy khổ, mà vui. Chính từ cuộc sống thiếu bài bản như thế, đâm ra tôi viết được, viết được rất nhiều. Nhà thơ, cũng không cần quá tiện nghi để sáng tác. Nhiều khi sướng quá chưa chắc đã có tác phẩm. Vì khi viết, anh chỉ tập trung vào trang viết, dù là viết trên giấy hay trên máy tính, ngoại cảnh khi ấy bị xóa. Đã bị xóa, thì tiện nghi hay bất tiện cũng thế thôi. “Thân thể ở ngoài lao/Tinh thần ở ngoài luôn”, tôi hay ngâm nga câu thơ độ chế lại từ “Ngục trung nhật ký” của Bác Hồ, người có một tuổi thanh niên vô cùng vất vả và lang thang cơ nhỡ gần như khắp địa cầu. Người như thế, chưa cần làm lãnh tụ hay gì cả, đã vô cùng đáng kính trọng. Những trải nghiệm của riêng người ấy đã bằng trải nghiệm của rất nhiều người cộng lại. Ở nhà số 9 ngõ Công Poăng (9 Impasse Compoint), dù ôm viên “gạch hồng” hay ôm gối ngủ, thì người thanh niên Nguyễn Ái Quốc vẫn là người Việt Nam yêu nước lang thang bậc nhất thời ấy. Không phải ôm cái gì, mà sống như thế nào. Bác Hồ, có thể còn những bí mật đời tư mà chúng ta chưa biết, nhưng chỉ với những gì đã biết, thì tuyệt đối không cần “huyền thoại hóa” gì cả, Bác đã là một vĩ nhân.
Khi lối văn chương sáo rỗng lên ngôi, người ta gọi đó là “văn mẫu”. Tới điếu văn cũng phải dùng “điếu văn mẫu” thì hết biết! Tôi đang dùng một lối văn “phi mẫu” để viết quyển sách này. Có thể coi đó như một phản ứng về lối viết. Tôi cứ viết tự nhiên, nghĩ gì viết nấy, không theo ai và chẳng mong ai theo mình. Khi ký ức ùa về, thật khó “thành kính phân lô”, vì ký ức có khi rất lộn xộn, vừa mập mờ vừa rời rạc, vụt sáng rồi vụt tắt. Chúng ta sống với ký ức, nhiều hơn là ký ức sống với ta. Bởi nó độc lập, trong ta và ngoài ta. Nhiều lúc, tôi muốn để ký ức tự vận hành khi viết, nhưng như thế sẽ rất tù mù. Thăm dò món này thật không đơn giản. Nhớ hồi cơ nhỡ đó, tuyệt đối không ai có điện thoại, vậy mà sao chúng tôi vẫn gặp nhau hàng ngày một cách khá dễ dàng. Luôn biết giờ nào thì bạn mình ở đâu, cứ tới đúng nơi đúng lúc là gặp. Gặp nhau, anh em biết nhau có tiền hay không ngay. Nếu đều không có, thì phải nghĩ cách. Còn chỉ một người có, là xong. Khoảng sau năm 80, khi nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn nổi tiếng thế giới, anh đã có tiền mua cho bố-nhà thơ Đặng Đình Hưng-một căn hộ khiêm nhường ở Giảng Võ. Rất khiêm nhuờng với bây giờ, nhưng hồi đó là ngon. Tôi nhớ nhiều lần tới thăm nhà bác Đặng Đình Hưng và uống rượu với bác, mỗi khi ra về bác Hưng lại dặn: “ Cậu nhớ gọi điện thoại cho mình nhé! Số máy của mình là…”. Đó là số máy bàn. Nhưng hồi đó tôi có biết điện thoại là cái gì đâu! Lấy đâu ra điện thoại, dù điện thoại bàn, để gọi cho bác Hưng. Người già sống một mình, con cái sắm cho cái điện thoại để gọi “chém gió” cho đỡ buồn, nhưng ở thời chả ai có điện thoại, nhất là những bạn văn nghệ nghèo, thì đành chịu. “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, thôi thì lại hát và lại đi. Trời có xanh hay mù, thì cũng đi tới quán rượu, hay khá hơn, tới quán bia hơi. Hồi đó đơn giản quá. Bây giờ, chỉ cần tắt điện thoại, là coi như rơi vào khoảng mịt mùng. Phương tiện khiến chúng ta trở nên ỷ lại, và đó là điều không nên. Nhưng thời này mà không dùng điện thoại di động như ông Ngô Thế Oanh bạn tôi, thì cũng không ổn. Nhiều khi muốn gọi điện, muốn trao đổi từ một khoảng cách xa hàng nghìn cây số, nếu không dùng điện thoại di động, thì biết làm sao ? Vi tính cũng không dùng nốt, thì biết thế nào ? Tôi có những người bạn lạ, theo nghĩa cá tính lạ, ông Oanh này là một. Là Tổng biên tập tạp chí Thơ của Hội nhà văn, mà điện thoại không có, vi tính không dùng, chỉ thích đi bộ. Xe “ba nghìn con trâu” thật vô cùng xa lạ với một nhà thơ như thế. Tôi cũng là người không quan tâm mấy tới tiện nghi, nhưng tối thiểu như điện thoại di động (dù loại “cục gạch”) hay vi tính thì phải có. Để làm việc chứ không phải để chém gió. Tôi rất hâm mộ những người biết làm chủ phương tiện, vì họ có kỹ năng tốt. Người như thế luôn tự tin và chủ động. Nhất là với những người lớn tuổi, khi họ có kỹ năng tốt, họ luôn trẻ hơn tuổi của mình. Tư duy và lao động luôn làm chúng ta trẻ lại. Tỉ phú Warren Buffett là một tấm gương lớn về chuyện này. Ông tự lái một chiếc xe cũ, rất ít xài tiền, nhưng luôn vận động đầu óc, và luôn ở tốc độ cao trong tư duy. Người như thế trẻ lâu lắm. Vì họ chỉ “tham” kiến thức, tham trí tuệ, không tham tiền. Hàng tỉ đô đối với họ chỉ để chứng minh năng lực làm việc. Biết cho đi chính là biết sống. Tôi không có tiền nhiều, không phải tỉ phú, nhưng tôi biết cho đi, và biết sống. Vì thế đầu óc tôi luôn thanh thản. Biết làm “rỗng” đầu óc để có thể tích chứa, chúng ta luôn vui với bất cứ tuổi nào. Bây giờ hay quên một số thứ, nhưng như thế là hợp qui luật bộ nhớ. Lại nhớ, cách đây 25 năm, một quan chức tuyên huấn hay rao giảng về chuyện “chúng ta phải tăng cường độ “bít” thông tin”. Tôi nghe không hiểu gì cả, nhưng tôi biết vị quan chức này cũng chẳng biết gì hơn tôi về công nghệ thông tin. Nói những điều mình không biết, thì còn khó hơn cho “lạc đà qua lỗ trôn kim”, như Kinh thánh dạy.