Bi kịch của chữ (kỳ 3)

(Tiểu thuyết tự truyện của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến đăng 30 kỳ trên báo Đời sống Pháp luật)

NHỮNG DỰ CẢM TRONG MỘT NĂM DÀI U ÁM (TRÊN TRANG FANPAGE CỦA NGUYỄN VIỆT CHIẾN)

Như đã giới thiệu ở kỳ trước, “tai họa nghề nghiệp” năm 2008 đã làm cho một số nhà báo trải qua thời kỳ đầy thăng trầm. Kỳ báo này, cuốn sách nói về quãng thời gian nhà báo Việt bị cơ quan điều tra thẩm vấn trong hơn một năm. (Bản quyền tiểu thuyết tự truyện “Bi kịch của chữ” thuộc về tác giả Nguyễn Việt Chiến, mọi sao chép về tự truyện này (nếu có) trên các báo, các trang mạng, các báo điện tử khác… đều phải được sự đồng ý của tác giả, nếu tác giả không cho phép, đề nghị các báo không được sử dụng vì sẽ vi phạm bản quyền cuốn tiểu thuyết tự truyện này).

• Kỳ báo này, cuốn sách nói về quãng thời gian nhà báo Việt bị cơ quan điều tra thẩm vấn trong hơn một năm.

Diễn biến về vụ án lớn xảy ra năm đó nóng bỏng đến nỗi, Việt còn nhớ thời điểm ấy, một sỹ quan điều tra viên cao cấp và giàu kinh nghiệm của bộ Công an (người trực tiếp tham gia triệt phá những băng nhóm xã hội đen lớn trước đây) đã tỏ ra ngạc nhiên khi trao đổi với anh em báo chí:

“Xét về mặt thông tin báo chí, vụ án này nhanh nhậy hơn vụ án Năm Cam nhiều. Chưa có vụ án nào dư luận nóng bỏng đến thế, cứ hôm trước cơ quan điều tra tiến hành khai thác, truy xét, điều tra về vấn đề gì và với đối tượng nào, nhất là việc khởi tố bị can nào thì ngay hôm sau những diễn biến đó đã tràn đầy trên các mặt báo. Phải công nhận, các chú làm báo hôm nay giỏi thật, giỏi như cánh báo chí tư bản, làm thế nào mà các thông tin bí mật về vụ án lại được các chú phơi bày nhanh đến vậy?”

Thấy các nhà báo cười, vị sỹ quan điều tra này lại nheo mắt, phán tiếp: “Đành phải nói theo kiểu một nhân vật của nhà văn Nam Cao trong truyện ngắn Đôi Mắt: “Tiên sư anh Tào Tháo! Giỏi đến thế là cùng!” Nhưng anh nói cho các chú biết, nếu không cẩn thận thì anh Tào Tháo nó đuổi cho các chú té re, tóe tòe loe cả lượt, không còn quần mà thay kịp nữa đâu nhé, hề hề!” Nghe ông anh điều tra viên cao cấp phán một câu xanh rờn vậy, cánh báo chí lại cười vì không biết ông ấy định khen ngợi hay định nói xoáy họ?

Hơn một năm trước ngày Việt bị bắt, Cơ quan Điều tra (CQĐT) đã khởi tố vụ án “Lộ mật” để điều tra hàng chục nhà báo từng tham gia viết bài phanh phui vụ án gây chấn động dư luận hồi đó.

Việt đã liên tục bị triệu tập lên làm việc tại CQĐT và là người bị gọi hỏi nhiều nhất trong số hàng chục phóng viên nội chính của các báo bị triệu tập thời điểm ấy. Một số bạn bè cho Việt biết, vụ án kỳ bí này đang được “lật ngược lại” để điều tra những người trong Ban chuyên án trước đây và cả những nhà báo tham gia viết bài chống tiêu cực trong vụ án này. Việt cứ mơ mơ hồ hồ về điều ấy, vì tin tưởng rằng mình có thể bị CQĐT gây phiền phức trong một thời gian với mục đích răn đe các nhà báo, chứ họ không thể bắt giữ người cầm bút được.

Nhưng rồi cứ bị họ gọi lên tra vấn nhiều lần trong suốt một năm liền, Việt mong manh cảm thấy có thể điều đen tối nhất sẽ xảy ra với anh và gia đình. Việt và những người thân nhất sống trong phập phồng lo âu một thời gian quá dài. Cứ mỗi sớm mai thức dậy, một câu hỏi lại lảng vảng trong đầu: Liệu hôm nay mình có bị họ bắt không? Sống trong một tâm trạng dở sống, dở chết như vậy thì quả chẳng có gì là hay ho, thú vị cả. Việt chỉ tự an ủi mình bằng công việc và thi ca. Việt chúi mũi vào công việc viết báo, đi khắp nơi săn nhặt từng mẩu tin như một kẻ làm công cần mẫn cho chính tờ báo nơi anh đã gắn bó gần hai chục năm liền. Cũng có những lúc Việt cảm thấy mình bị kiệt sức và thấy mình như một “kẻ nô lệ tự nguyện” cho nhu cầu thông tin của độc giả của tờ báo nơi anh làm việc.

Thời điểm ấy, ngày nào cũng 22h-23h Việt mới về đến nhà. Đi săn tin suốt ngày, rồi về viết bài, anh hăm hở lao vào công việc như để cố quên đi nỗi ám ảnh mình sắp bị bắt giữ cứ chập chờn hiện lên mỗi lúc một gần. Chưa hết, ngày đã bị vắt kiệt sức mình vì báo chí, đêm về Việt lại thao thức với thi ca vì anh là một nhà thơ chuyên nghiệp.

Trong mấy chục năm dài, Việt coi việc viết báo như một nghĩa vụ công dân của người cầm bút và cũng vì đời sống. Nhưng thi ca mới chính là lẽ sống của cuộc đời Việt, vì anh là một nhà thơ bẩm sinh, tự dâng hiến mình cho thi ca – thứ nghệ thuật bị không ít người đời coi là sự vô bổ, phù phiếm, sáo rỗng nhất trong các loại văn chương làm tốn giấy, tốn mực của thiên hạ mà không giúp ích gì được cho đời. Nhưng chính thi ca lại như một liều thuốc giải toả bớt phần nào tâm trạng u ám của anh trong quãng ngày mệt mỏi, lo sợ đã kéo dài hơn một năm ròng.

Làm việc hối hả, yêu thương hối hả, đi và viết hối hả nhưng sống chẳng ra sống, ăn chẳng ra ăn, ngủ chẳng ra ngủ, vui chơi nào dám vui chơi, thời gian dài trước khi bị bắt, tuy chưa là kẻ mất tự do nhưng Việt đã bị rình rập, bị đe doạ tới mức sắp trở thành một kẻ tâm thần. Cuộc sống gia đình anh ngày một nặng nề và u ám. Vợ Việt, một giáo viên tiếng Anh ngày hai buổi rạc người vì giảng bài, chữa bài trên lớp cho học sinh, chiều về lại phải dạy thêm để lấy tiền chi tiêu thêm thắt cho gia đình. Không những phải lao tâm tổn sức vì nghề “bán cháo phổi”, vì lũ học trò ham chơi hơn ham học và nghịch như quỷ sứ nhà giời, nàng còn phải quanh năm suốt tháng tối mặt, tối mũi chăm sóc, nuôi dạy hai đứa con nhỏ hay đau ốm cho tôi.

Kể như nàng đã trở thành một “bà vợ Việt Nam” anh hùng từ ngày nàng phát hiện ra Việt có “một nàng thơ” khác cứ luẩn quẩn trong giấc mơ của mình. Ấy là khi nàng phát hiện ra Việt có những ngày trở nên thơm tho, sạch sẽ khác thường. Trước đó, cả tuần chàng không thay giặt quần áo, không thường xuyên vệ sinh thân thể, còn giờ thì đến cả áo lót, quần lót của chàng cũng sạch bong. Sao cuộc sống cứ u ám mãi thế nhỉ! nỗi nghi ngờ chồng mình “bồ bịch” cắn dứt nàng âm thầm cùng với nỗi lo anh ấy có thể bị bắt bất kỳ lúc nào đã khiến nàng nhiều lúc muốn hoá điên. Hai con người, hai tâm trạng, hai nỗi đau đớn tinh thần ấy dường như đã đưa cuộc sống gia đình Việt tới mấp mé một vực thẳm.

Vào cái ngày định mệnh ấy, ngay từ sáng sớm, một dự cảm không lành đã bao trùm lên gia đình Việt. Sau chuyến đi nghỉ cuối tuần với anh em trong toà soạn báo về, vợ chồng Việt và hai con nhỏ vẫn còn khá mệt mỏi. Sớm ấy, khi từ tầng ba xuống phòng ngủ của vợ và hai con nhỏ, Việt thấy nàng đang tất tả chuẩn bị đến trường. Công việc nhàm chán của một giáo viên tiếng Anh từ lâu đã khiến nàng cảm thấy bức bối. Ngoài việc phải hàng ngày chịu đựng tính khí thất thường của chồng, trong mấy năm qua, nàng đã phải cắn răng trước nỗi khổ đau khôn cùng từ việc mẹ đẻ và anh trai bị mất đột ngột. Nay nàng lại phải nén chịu việc tai hoạ có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào nếu chồng bị cơ quan công an bắt giữ. Vì thế, con người của nàng dường như đã rắn đanh lại như một thỏi sắt nguội bị vứt bỏ lăn lóc đâu đó trong cuộc đời. Và dẫu “thỏi sắt” đó có bị dẫm đạp lên nữa thì cũng không thể làm nó biến dạng hơn được nữa.

Đã từ nhiều năm nay, Việt không có thói quen ngủ chung cùng vợ con. Ở thời điểm căng thẳng nhất của các vụ án lớn mà Việt phải viết bài , sau một ngày vắt kiệt sức mình cho công việc báo chí, viết lách, anh trở về nhà, leo lên tầng ba, đổ ập xuống giường như một khúc củi khô héo và cỗi cằn cảm xúc. Tình cảm vợ chồng cũng khô héo trong chuỗi ngày căng thẳng ấy. Việt còn nhớ như in vẻ mặt dỗi dằn bất cần của vợ trong buổi sớm ấy khi tôi nói: “Có khả năng hôm nay anh sẽ bị bắt”. Nàng nói một câu giận dữ: “Bắt thì bắt luôn đi, chứ từ hơn năm nay anh phải sống trong cảnh lo âu, thấp thỏm ngày nào cũng sợ họ đến bắt thì cứ như sống dở, chết dở chứ có hơn gì!”.

Việt biết nàng thương chồng lắm, trong chuỗi ngày tai hoạ đang rình rập này, nàng chăm sóc cho anh từng bữa ăn, từng quả cam, từng viên thuốc…Và tránh cho chồng phải làm mọi công việc gia đình, con cái. Việt biết, tuy nói ra miệng theo kiểu bất cần đời vậy thôi, nhưng nàng cũng đau đớn tâm can lắm chứ. Anh lẳng lặng lên nhà mặc quần áo đi làm. Sáng ấy, vì xe máy của vợ bị hỏng, Việt chở nàng đến trường bằng xe của mình. Đã lâu rồi Việt không đèo vợ đi chơi, nên cái cảm giác sớm mai trong lành được chở nàng đi dạo phố khiến anh cũng cảm thấy chút thư thái trong lòng. Vợ Việt chắc cũng thế, nàng tựa vào lưng anh một cách tin tưởng, rằng anh là điểm tựa lớn lao về mọi mặt cho ba mẹ con nàng. Nhưng than ôi! chỉ dăm tiếng đồng hồ nữa là điểm tựa ấy bị bẻ gãy bởi một cái lệnh khởi tố bắt người rất bất thường và kỳ quặc…

(Còn tiếp…)

clip_image002

clip_image004

clip_image006

Comments are closed.