Bờ kia (kỳ 6)

Nam Dao

*

Quay lưng lại, co chân lên nằm co như tôm, Kiều thủ thỉ, thôi anh, qua Bờ Kia đã, em sẽ dâng hiến anh sự trinh trắng toàn vẹn của em. Anh Giáo nén tiếng thở dài, tay duỗi ra để dưới gáy, mắt mở nhìn trần căn nhà nghỉ thấp thoáng ánh đèn đường vàng vọt nhẩy múa. Kiều nhỏ nhẹ, đừng giận em nghe, em cần chút thời gian để gột sạch quãng đời qua mà em không hề, và không có, chọn lựa nào. Chân lỡ đạp bùn, phải rửa rồi mới lên giường, chuyện tự nhiên mà. Anh Giáo không hiểu sự trinh trắng trọn vẹn là chi nhưng vòng tay qua dịu dàng vuốt má Kiều. Tay nhoè nhoẹt nước mắt, anh nghe lòng mình mặn chát.

Sáng tinh mơ, hai người lên đường. Bắt xe buýt, rồi đi bộ vòng gò Ai Ơi, hai người đến cổng chùa khi một chút nắng đầu đông chớm điểm mái tam quan chùa Lọ. Từ ngày Vện bị bọn trộm chó bắt, Vằn nay thấy người lạ không dám sủa, chỉ chúi đầu xuống đất kêu hích hích. Nhìn ra, thấy Anh Giáo, Chà a lên một tiếng, chạy ra mở cổng chùa. Giọng khôi hài, Chà nói:

– Khách thập phương lên lễ Phật sớm thế, hẳn Phật động tâm từ bi, độ cho mọi bề!

Nhìn người phụ nữ đi cùng Anh Giáo, Chà cảm tình ngay, thân mật:

– Cô em vào uống chén nước, cứ coi Chà này như anh em ruột thịt!

Nghe tiếng khách vào, hai đứa bé từ trái sau thò đầu ra cười. Sân sau, ven bờ ao, con sáo lanh lảnh kêu “Mô Phật”. Sư bước lên chánh điện sửa soạn hương đèn, chắp tay Mô Phật, giọng hiền hoà:

– Chư vị cứ tự nhiên nhé!

Chưa hết tuần trà, cô Đồng gọi nheo nhéo. Đứa bé trai chạy ra mở cổng. Bước vào, cô Đồng thấy Kiều và Anh Giáo, chẳng chút nào ngạc nhiên, cao giọng:

– Đồng đạo lên đền Ngọc Trần chống càn, quen nhau cả. Nhìn Kiều, cô Đồng tiếp – Chị nói để em biết, cái mối chùa Lọ này là chị mách Anh Giáo đấy nhé!

Nhân đó, Chà chen lời:

– Này cô Đồng, ngày trước hỏi làm sao cô biết lên chùa để qua Bờ Kia mà cô không đáp. Hôm nay không khai là… tôi biện pháp đấy!

– Gớm… Cứ như kiêu binh phụ trách an ninh Tổng cục C… không bằng. Ngúng nguẩy, cô Đồng réo rắt – thì đây, cô bảo cho mà biết nhé, đừng có mà dọa cô, thánh vật cho lăn quay ra bây giờ!

Chậm rãi, cô Đồng kể lại sau khi tuyến 3 đền Ngọc Trần bị vỡ vì các em đói ăn thèm coca và bánh mì thịt thì cô, ông thủ đền, và mấy người phục dịch quét dọn đền bị trói giật cánh khuỷu. Kiêu binh đánh phủ đầu mọi người, kết vào tội thông tin lệch lạc mê tín dị đoan nhưng chính nhằm tra hỏi xem tiền đền thu nay giấu đâu. Thường thường, cô Đồng giữ một khoản “lộc thánh” phòng thân khi cơ nhỡ, còn lại thì thủ đền “quản lý” cả. Vị này có cái đức tính keo kiệt chắt bóp, lớn tuổi và lại không con không cháu nên phần thất thoát nếu có cũng chẳng bao nhiêu. Cô Đồng xưa là bộ đội, nay có giấy thương binh hạng 3/5, kiên cường đổ hết tội cho thủ đền, bảo mình chỉ biết hầu Mẫu để phụng sự xã hội, thế thôi. Kiêu binh đánh, cô Đồng đau, quát “Tao là chiến sĩ đánh Tàu khựa ở Lão Sơn, sợ đéo gì chết, chúng bay chỉ là đồ… bú c… cho tao! “. Kiêu binh cười oang oang, đồng thanh: “Đúng hồ sơ thì còn đâu c… mà bú với chẳng mớm!”.

Để tránh dấu vết có thể qui là đàn áp tôn giáo, ông thủ đền bị bỏ vào một cái phi đựng nước làm bằng thiếc và cứ thế an ninh lấy gậy nện vào, được nửa ngày thì thủ đền đầu hàng, nước mắt chan hòa chỉ chỗ giấu lộc. Thời gian bị giam, cô Đồng ngày ngày niệm đạo hiệu chúa Liễu Hạnh, cầu động lòng Mẫu để Người chỉ con đường thoát thân. Một tối, cô Đồng thấy có tiếng người nhỏ như tiếng muỗi vo ve. Góc phòng giam chớp sáng như có đom đóm bay vào. Cô Đồng biết cơ duyên tới, quì xuống, nhắm mắt cầu khẩn, và tai nghe rõ ràng, đi đâu đến chỗ ai ơi/ ở bên chùa ắt có người cứu cho. Nhưng chỗ ai ơi là chỗ nào. Phải xử dụng khoa học kỹ thuật hiện đại. Khi được thả, cô Đồng mò ra cà-phê Internet, gạ một thằng bé đang chơi ghêm điện tử, bảo cô nghe có cái gọi là gúc-gờn, tìm gì cũng được. Cô tìm chỗ ai ơi, cháu giúp nhé. Cho thằng bé hai mươi ngàn, nó nói, đợi một tí, tìm ra phải thưởng cho đủ trăm nghìn. Nhoáy một cái, nó sợc ra gò Ai Ơi. Cô lại hỏi, ở đâu. Thằng bé cười, dễ thôi. Nó bấm bấm thì màn hình hiện ra cái gò, và gần đó, có một điểm ghi Chùa Lọ. Kể đến đây, cô Đồng nhìn Chà, bỡn:

– Anh giai bằng lòng chưa? Có còn định “biện pháp” em không?

Chà cười khằng khặc, đứng lên lôi Anh Giáo ra bờ ao. Con sáo ríu rít rồi cất tiếng cà tửng “Mô Phật! Đ. má mày”. Nhìn hai người đàn ông ngồi bàn tán, mặt mũi nghiêm trọng, cô Đồng nói giỗi với Kiều:

– Đấy, chứng nào tật ấy, cứ đại sự là không cho đàn bà chúng mình nghe! Nỡm thế nên trăm chuyện hỏng đến chín mươi! Thắng lợi mà chỉ 10% chỉ tiêu thì cả nước có mà đi ăn cám!

Kiều bật cười, định đùa bảo đàn bà “chúng mình” phải chinh phục quyền lực chứ cứ để yên thế này thì đúng sẽ thành heo phải ăn cám thật. Nhưng ngại cô Đồng lại huyên thuyên bàn về nữ quyền, nàng cắn răng ngậm miệng.

Trong chùa, tiếng tụng kinh của Sư ê a nhịp tiếng mõ lóc cóc vang lên giữa một buổi sáng ít khi có nắng. Sau bữa ăn trưa, Chà và Anh Giáo khăn gói lên đường, cả hai cùng tránh không đáp câu hỏi đi đâu.

*

Mùa đông tối nhanh đến độ chớp mắt là thấy bóng đêm chập chùng, nhất là ở nơi không có nhiều đèn điện. Sư ngồi thiền, lặng lẽ lần tràng. Hai đứa bé dựa vào nhau ngủ dưới bếp, hơi ấm từ tro than tỏa ra, “mẹ” Vằn chúi đầu bên cạnh lim dim. Kiều và cô Đồng nhìn nhau không nói năng gì. Dưới ánh đèn dầu vặn nhỏ, bóng hai người trộn vào nhau tạo ra một khoảng tối che nửa cái vách ở trai phòng dành cho khách lỡ độ.

Hắng giọng, cô Đồng lên tiếng:

– Em có hay biết gì về Bờ Kia không?

– …

– Chị cũng chẳng có thông tin nào, chỉ đặt hết niềm tin vào ông Chà.

– Còn em, thì em tin Anh Giáo…

– Chị em mình cả tin đàn ông, chết lúc nào chẳng biết, cô Đồng cười.

– Em không tin Anh Giáo thì chẳng còn một ai để có thể tin trên đời này!

Cô Đồng chép miệng:

– Chị chẳng thể sống Bên Này được nữa… Qua Bờ Kia, may ra!

Cô Đồng ngưng nói, cúi đầu xuống, giọng rưng rưng nước mắt. Kiều đợi một lát, rồi phá vỡ cái tịch mịch nặng nề:

– May tức là sao?

– May thì đúng lời đồn, Bờ Kia có những chuyên gia phẫu thuật có thể chuyển giới tính cho chị. Cứ “lại cái” thế này như người đời chửi, chị sống không ra sống, chết chẳng ra chết. Chị mơ ước thành một người đàn bà hoàn toàn, nghĩa là như mọi người đàn bà khác. Như em….

– Nếu như em thì giấc em mơ đơn giản lắm. Em muốn hiến cho người yêu phần trinh trắng tuyệt đối, hồn cũng như xác, ở Bờ Kia. Em đi cấy lại màng trinh rồi, và hẹn sẽ trao thân gửi phận cho anh ấy một khi đến nơi. Em sẽ nâng khăn sửa túi cho anh ấy, là một người vợ, rồi sau cũng mong có hai, ba đứa con, thành một người mẹ. Em mơ ước sống không phải cứ lúc nào cũng sợ sệt ngày mai!

– Em còn may hơn chị nhiều – cô Đồng thở dài – Em có người để thương yêu, rồi mong xây dựng lứa đôi. Chị thì còn phải chờ, xem mình có thể thành đàn bà rồi mới nghĩ đến chuyện chồng con. Lắm khi chị nghĩ xưa cứ chết quách ở Lão Sơn thì còn được tiếng liệt sĩ, nay sống thì hoá ra ái nam ái nữ, chẳng ra cái giống gì cả!

Cô Đồng giơ tay lau nước mắt, khóc ừng ực trong cổ như có người bóp họng. Sau nhịn không được, cô òa lên nức nở. Nghe tiếng động, Sư chạy vào. Thấy hai người đàn bà ngồi châu đầu chảy nước mắt, Sư mô Phật, rồi thủng thỉnh:

– Thân nghiệp trả nợ xong thì tức đến bến chánh niệm, nơi khóc cười là một, chẳng phiền chẳng lụy!

– Đó là Bờ Kia?

– Sư này tri huệ chẳng bao nhiêu, làm sao biết mà trả lời thí chủ cho được! Duy có một điều…

– Bạch Thày, điều chi…

Sư không đáp, lại niệm Phật rồi quay lưng lẩn vào bóng đêm.

*

Nghe tiếng huýt sáo vẳng lại, Nhà Chài cũng huýt sáo đáp, và dăm phút sau nhô người ra sau lùm cây ven bờ. Nhìn thấy một thanh niên lạ đi với Chà, Nhà Chài dừng chân, mắt nhìn dò hỏi. Chà vui vẻ sáp gần, giới thiệu Anh Giáo.

– Đây người cùng hội, đến xem chuyện sông nước ra sao. Bác đừng ngại, hà hà…

Ba người nối chân nhau đi nửa giờ đến bờ nước giấu chiếc bè đã đóng xong dưới những lớp lá ngụy trang. Cột những thanh tre to bằng bắp chân vào với nhau bằng những sợi chão chắc nịch, bè khá chắc chắn, dư sức chở vài chục nhân mạng. Nhà Chài hào hứng :

– Bè này thì vượt ba con sông qua Bờ Kia cũng cứ như không!

Chà giở cuốn sổ tay có ghi chép giờ giấc của đoàn tuần giang, nói:

– Mùa thu, cứ 3 giờ có một lần kiểm tra, chúng nó chạy thuyền máy giữa sông. Ban đêm thì hai lần, một lúc 9 giờ tối, và một lúc 4 giờ sáng. Không hiểu sang đông thời khắc có đổi không, ta cẩn thận kiểm tra xem sao!

Nhà Chài ngẫm nghĩ:

– Tôi sẽ quan sát, còn chỗ xuất phát thì phải tính chuyện bè giạt theo dòng nước xuôi về phía hạ lưu trước khi đổ ra biển. Có lẽ chọn chỗ xuất phát thế nào khi có sự cố bất ngờ thì bè giạt vào nơi ta có thể ẩn nấp tránh bọn tuần giang.

– Chỗ nào, nhà bác đã xem xét chuyện này chưa?

– Nếu bị phát hiện thì phải tìm một nơi có cồn đất giữa sông để bè giạt vào, Nhà Chài đáp. Có cái cồn tên là Cồn Tiên ở mé trên, cây cối um tùm, dễ trốn tránh!

Anh Giáo nhìn sông nước, đề nghị ba người đi xem tận mắt, và tối nay ở lại quan sát thời điểm kiểm soát của bọn tuần giang. Chà cũng muốn gặp xem giò xem cẳng những thanh niên sẽ chống bè. Anh Giáo đồng ý, lẩm bẩm:

– Nay mà bị bắt, tôi chắc mọt gông, phải cẩn thận mới được!

Tối hôm đó, bốn tay chống bè lục đục kéo tới. Tất cả là dân chài, nhưng có một đến từ Hà Nội. Đó là cậu con út của Nhà Chài, mặt mũi linh lợi, mắt cứ đáo ngang đáo dọc. Đợi đến 9 giờ tối thì tầu tuần giang đi qua. Lên bè, cứ hai thanh niên một bên, thọc gậy chống rồi bước chừng 10 bước về phía đầu mũi bè. Nước nổi bọt xoáy tròn quanh thân những chiếc gậy, đẩy bè trôi khá nhanh. Lát sau lòng sông sâu khiến không thể chống, đám thanh niên dùng chèo đã cột sẵn hai bên bè và bắt đầu chèo. Đâu chừng sau ba khắc, bè đi ngang một cái cồn đất trên cây cối um tùm. Nhà Chài khẽ bấm tay Chà, bảo:

– Cồn Tiên đấy!

– Có ai ở đấy không?

– Không… Lâu lâu có người đi câu giạt vào rồi lại đi! Nhà Chài đáp.

Chà hít một hơi dài, thu người vào chiếc áo len, bảo:

– Ta vượt sông, đến Bờ Kia xem mất bao lâu nhé. Và xem có về kịp trước 4 giờ sáng tránh tàu tuần giang không?

Anh Giáo nhìn đồng hồ, gật đầu, quay sang hỏi Nhà Chài:

– Bác sang bờ bên kia lần nào chưa?

– Chưa…Tôi đánh cá Bên Này, qua bên kia làm gì, gặp chuyện không hay thì chỉ tổ rách việc!

Đi một lúc lâu, Nhà Chài thốt tiếng :

– Đây là giữa sông đấy. Bắt đầu giang phận Bờ Kia, bọn tuần giang không bao giờ qua… Không phải sợ chúng nó nữa!

Chà bỗng thấy nhẹ hẳn người, rút thuốc lá, châm lửa rít khoan khoái. Nhà Chài bắt chước lôi điếu cày ra, vê thuốc, hút sòng sọc, mắt lim dim miệng thở khói sặc sụa. Chợt Chà nghe thấy một tiếng hò. Giỏng tai, Chà hỏi :

– Có ai nghe thấy gì không? Hình như có tiếng người…

Lắng tai nhưng không ai nghe thấy gì, ngoài tiếng nước va vào mạn bè và tiếng chèo khuơ đều đặn. Cứ thế, bè trôi, yên ả. Đáp vào bờ bên kia, nhìn đồng hồ, Anh Giáo bảo :

– Lên bờ thì sợ lượt về sẽ quá 4 giờ sáng, không kịp tránh tầu tuần giang đi kiểm tra đâu!

Tiếc rẻ, Chà vỗ vai Nhà Chài, nói :

– Thôi, đi về vậy!

*

Bây giờ thì thật là vào đông. Gió buốt, ẩm, chẳng thương gì da thịt con người run rẩy, nhất là những người nghèo mặc không đủ ấm. Thời hiện đại, khi nhà có máy sưởi, ra đường leo lên ô tô, người sang khác. Nhìn Kiều co lại vì lạnh, Anh Giáo cởi chiếc áo khoác bằng da đưa, nhưng nàng lắc đầu. “Năm nay lạnh sớm”, Anh Giáo thốt lên, giọng cố lấy vẻ thản nhiên. “Sắp Tết, anh nhỉ!”, Kiều lơ đãng nhìn qua cửa kính xe buýt. Đến trạm chót, hai người xuống xe. Anh Giáo bảo đi thêm 20 phút thì sẽ đến gò Ai Ơi, để anh đeo cho Kiều cái balô nhìn nặng chình chịch. Kiều lắc đầu, miệng bảo nhẹ thôi, đừng thắc mắc.

Khi hai người đến cổng chùa, Sư đang đứng ngoài sân với hai đứa bé. Con Vằn vẫn chưa dám sủa, chỉ kêu hinh hích. Sư chẳng tỏ vẻ ngạc nhiên, lẳng lặng mở cổng chùa, miệng nói A di đà Phật. Chung quanh vắng vẻ không có lấy một bóng người, cảnh vật tiêu điều, cây bàng lối vào nay trụi gần hết lá. Anh Giáo và Kiều chào Sư, miệng cũng A di đà Phật. Ba người thủng thỉnh đi vào chánh điện. Kiều xin phép Sư rồi xuống bếp nấu nước pha trà. Hai đứa bé quẩn chân, miệng hỏi, cô ơi, Tết Hà Nội ra sao, có vui không? Kiều bảo mình người Sài Gòn nên không biết, nhưng Tết Sài Gòn từ mấy năm trước cấm không được đốt pháo. Dân thành phố thổi một tràng bong bóng rồi làm cho nổ dây chuyền thay tiếng pháo, nhưng bóng nổ không to và nhất là không có xác pháo hồng với mùi thuốc pháo thơm lừng nên Tết cũng chẳng ra Tết những năm xưa.

Cuối tuần trà, Sư thủng thỉnh :

– Hai vị chắc sắp lên đường. Nên sửa soạn tâm thế trong vận hạn mới!

– Bạch thầy, sao lại vận hạn… Kiều ngạc nhiên.

– Ở đâu thì cũng có vận hạn chứ! Bên Này hay Bờ Kia cũng vậy, cứ chưa đạt chánh đẳng chánh giác thì vận hạn cho con người lúc nào chẳng có…

Anh Giáo mỉm cười:

– Bạch thầy, kẻ còn đui mù này chỉ biết Bên Này và mang hy vọng cái Bờ Kia khác đi, thôi không cần đến người chuyên viết đơn khiếu kiện những nỗi oan ức!

– Hừ hừ… – Sư chép miệng – không còn oan ức tức là sao? Là không có kẻ gây ra oan ức? Tức là không ai có khả năng gây oan? Chuyện đó khó đấy! Nhưng nếu làm sao không kẻ nào có nhu cầu gây oan thì… may ra. Đầu tiên mỗi một người tự thanh tẩy khỏi cái vòng tham sân si, chẳng hạn!

Anh Giáo trầm ngâm, rồi buột miệng:

– Cái ghê rợn nhất là tham. Nó là động cơ của quyền lực, ở mọi dạng! Và là lửa thiêu sống những con người va chạm tới quyền lực! Khi con người là số nhiều và phải cộng sinh, quyền lực là sự kiện khó tránh. Nhưng quyền lực trên mẫu số chung nào?

– Hà hà… gì thì nó cũng phải bắt nguồn từ mỗi con người. Nếu ai cũng từ bi thì chẳng còn vấn đề quyền lực. Nhưng thế giới người có đâu là thế giới toàn chân thiện mỹ đâu!

Sư cười rồi lấy ngón tay vẽ một vòng tròn trong không khí, rồi một vòng nữa lớn hơn, và cứ thế cho đến lúc vươn dài đến hết cánh tay. Kiều ngẫm nghĩ, hỏi :

– Ý thầy là không? Không có gì… quí hơn chữ không?

Sư cười hiền hoà, im lặng.

– Phần con, Kiều nói, con đi tìm sự thanh tẩy phần xác cũng như phần hồn. Con muốn gột sạch những thứ nhớp nhơ Bên Này… Hôm trước, thầy có nói sẽ cho một điều…

Sư nhắm mắt một lúc lâu. Tay lần tràng, Sư chìm đắm trong quán tưởng. Khi mở mắt, Sư đọc:

Bờ Kia là an lạc

nếu không tham sân si

Bên Này thời mạt pháp

vì quên lượng Từ Bi

*

Anh Giáo mỗi lúc một sốt ruột. Mặt trời đã xế bóng mà vẫn chưa thấy Chà đâu. Dặn Kiều chờ, anh vào gõ cửa trai phòng. Sư hắng tiếng mời vào. Anh Giáo nói nỗi lo lắng:

– Chẳng biết Chà có sao không? Ông ấy lắm lúc không mấy bình thường, đôi khi nói những chuyện chẳng ai hiểu được!

– Đúng, ông ấy quả là quai quái nhưng xin đừng lo… Nhiều khi ông ấy cố tình diễn màn kịch giả rồ hoang tưởng. Từng bị giữ trong Bệnh viện Tâm thần ở Thường Tín đến 2 lần nên mỗi lúc bị kiêu binh bắt, ông ấy lại lôi giấy chứng bệnh ra, và thế là được tha… Ông bảo bệnh chẳng ai thèm giữ, trốn dễ chứ bị giam trong tù thì khó ra hơn!

– Ông ấy đi từ lúc nào, thưa thày?

– Từ sớm tinh mơ, lúc gà chưa gáy…

Anh Giáo ra sân tìm Kiều, nhưng chỉ thấy hai đứa bé và con Vằn. Hỏi, chúng bảo Kiều ở bên bờ ao. Dựa vào gốc cây sung trụi lá, Kiều nhắm mắt tựa như ngủ. Anh Giáo rón rén đến ngồi cạnh. Nhẹ nhàng nắm tay anh nhưng Kiều không nói gì. Gió xao xác lùa qua những tàn cây thổi rơi những chiếc lá khô chưa kịp rụng. Thình lình, Kiều cất lời:

– Anh mơ ước gì bên Bờ Kia?

Anh Giáo đáp:

– Một cuộc đời mới, có tự do, không để ai chăn giắt mình như một con cừu…

– Em khác, em mơ có được hạnh phúc…

– Hạnh phúc… Là gì?

– Thứ hạnh phúc bình thường. Cho một người như em, là có chồng, rồi sanh con, và sống có nhân phẩm, không ai dè bỉu khinh khi. Mặt vật chất, em chỉ cần đủ ăn, và không sợ sệt những ngày mai bất trắc!

Quay sang Anh Giáo, Kiều hai tay nâng mặt anh lên, nhìn vào mắt, dịu dàng:

– Em xin được làm vợ anh, trao dâng anh sự trinh trắng của thân xác và tâm hồn bên Bờ Kia. Nếu anh ưng, chúng ta sẽ có con, một vài đứa, trai có gái có…

Nói được đến đấy thì Kiều òa khóc. Anh Giáo siết lấy Kiều vào lòng, nghẹn lời, lát sau mới thốt lên “Kiều ơi, đừng, sao lại khóc!”

Hai đứa bé ra bờ ao. Thấy Kiều khóc đứa bé gái nói:

– Chú đánh cô hả?

– Sao cháu nói vậy? Anh Giáo hỏi.

– Thì như bố cháu đánh mẹ cháu ấy mà. Mẹ cháu than là bố cháu nện ngay một trận, quát tao cũng khổ như mày, mày than tao không làm gì được làm tao khổ hơn….

– Bố mẹ hai cháu đâu? Kiều nhẹ giọng.

Thằng bé trai nhanh nhẩu:

– Trước kia bố mẹ cháu bảo đợi ở cổng chùa, tí sẽ đến đón. Nhưng bố mẹ cháu đi mất tiệt, chắc lạc đường rồi. Hà Nội chứ có phải cái làng nhà cháu nhỏ tí téo đâu!

– Thế là chúng cháu nhận Vện làm bố, Vằn làm mẹ. Nhưng bọn trộm chó bắt bố chúng cháu, nay chỉ còn mẹ Vằn, sợ đến không còn dám sủa! Con bé chêm vào, miệng mếu xệch.

Đúng lúc đó, có tiếng người nói ở chùa trên. Chà đã về, với cô Đồng và Bà Mệnh phụ. Anh Giáo thở phào, nắm tay kéo Kiều đứng lên.

*

Họ ngồi ăn, không chuyện trò, mắt nhìn xuống đăm chiêu. Ai nấy giữ vẻ bên ngoài bình tĩnh, giấu những cơn sóng ngầm đang luồn quanh trong tâm khảm. Hai đứa bé thấy người lớn nghiêm trang, không dám nói gì, lén ngước lên, nhìn nhau. Sư chay tịnh, ngồi một góc, nhắm mắt. Tối nay chùa Lọ không hương không đèn. Không có tiếng mõ và tiếng ê a tụng kinh. Đứa bé gái len lén đến ngồi bên Sư. Nó thỏ thẻ:

– Thầy có đi không?

– Có!

– Qua Bờ Kia liệu hai anh em có được gặp bố mẹ chúng con không?

– Gặp chứ! Bờ Kia cầu gì được nấy, nếu giữ lòng lành! Và đừng đem lòng trách bố trách mẹ nữa! Khổ lắm mới phải bỏ đi máu thịt mình, Sư thở dài.

Đứa bé gái ứa nước mắt, lại ngồi cạnh thằng anh. Nó ôm con Vằn, vuốt ve, thì thào mẹ Vằn ơi, Thầy bảo qua đến Bờ Kia là hết khổ. Ở đó, chắc không còn ai ức hiếp trù dập ai, hết cảnh màn trời chiếu đất, thôi phải lê la đi ăn xin, ngửa tay ê a lạy ông lạy bà, cháu đói lắm rồi, và cứ xa xa có bóng công an là phải trốn chui trốn nhủi. Bố mẹ chúng tao kêu, sống thế này còn khổ hơn chó. Đấy, mẹ Vằn may thế mà không biết. Tuy mất bố Vện, nhưng mẹ Vằn còn chúng tao, nay lại sắp qua Bờ Kia, nơi không có bọn trộm chó vì không có người ăn thịt chó, không có quán nhậu đầy đường zzô zzô nồng nặc mùi mồ hôi và rượu đế. Đừng sợ. Chẳng sẽ sinh ly tử biệt như bố mẹ đẻ chúng tao rên rỉ với nhau khi vứt chúng tao ở cổng chùa. Có lẽ khi ấy bố mẹ chúng tao biết chắc sắp bị ăn thịt như chó, đành lòng bỏ chúng tao để cứu sống chúng tao chăng. Thầy nói đúng, thôi trách móc làm chi, phải sửa soạn sống cho ra sống ở Bờ Kia, nơi hết trù dập ức hiếp, nơi không phải sợ sệt như Bên Này. Con bé lại thò tay vuốt ve. Mẹ Vằn vẫn chỉ kêu hinh hích, thỉnh thoảng lại khụt khịt rồi rên ư ử. Nó giúm gió, đầu rúc vào lòng con bé như định trốn, tai cụp xuống. Có tiếng gọi, thằng anh con bé đứng lên. Nó kéo tay con bé, giục đi vào bếp sau sân chùa. Con sáo lanh lảnh “Đ. má mày” khi không còn bóng người.

*

Ăn xong, mọi người lục tục đi kiểm tra hành trang. Chà dặn:

– Gọn, nhẹ. Bờ Kia gì cũng có!

Khi trời tối hẳn thì mọi người sẵn sàng.

– Nào, ta lên đường! Chà nói như ra lệnh.

Ra khỏi cổng chùa, Chà sấn lên đi đầu dẫn đường. Ngay đàng sau là cô Đồng và Bà Mệnh phụ. Không biết bà lót vàng bạc đô la gì dưới lớp quần áo che phần hạ thể mà nhìn như phình ra, đi đứng hơi khó khăn, chậm chạp. Cô Đồng khác, dấn bước, mắt sáng quắc, hy vọng đổi giới tính mỗi lúc một gần. Đoạn giữa là Anh Giáo và Kiều, cuối là Sư, hai đứa bé và con Vằn. Nó vẫn không dám sủa, chỉ kêu hinh hích trong cổ, giãi rớt chảy dài đầu mõm.

Con đường đến chỗ giấu bè Chà thuộc nằm lòng. Cuối tháng, không trăng không sao, trời đen kịt như đổ mực. Chà chậm bước cho mọi người theo, nhưng Bà Mệnh phụ nay lùi xuống tốp cuối. Thở hổn hển, bà xin “đoàn ta” nghỉ chân một tí. Chà làu bàu văng tục rồi đi ra sau. Ngồi cạnh, Chà lần tay xuống quần bà, hỏi nhỏ : “Vàng hả?”. Bà khẽ gật. Chà thì thào: “Có đô không?”. Bà kéo tay Chà áp vào bụng mình. Sợ bà nổi cơn mè nheo như đêm hôm ấy đêm gì thì hỏng kế hoạch, Chà hoảng hốt rút tay ra, trống ngực thình thịch đánh báo nguy.

Lát sau, đoàn lại tiếp tục dấn bước về miền đất hứa. Đi dọc con sông ngoằn ngoèo uốn khúc, ai cũng nhướng mắt nhìn nhưng Bờ Kia còn xa, lại chìm trong đêm đen, nên chẳng thấy được gì. Trừ cô Đồng. Cô nói vào tai Kiều, đẹp lắm, bình yên, và được chư Thánh bảo trợ phù hộ cho đấy. Nắm chặt tay Anh Giáo, Kiều nghe lòng mình êm ả như con nước róc rách ven bờ. Nhìn đồng hồ, anh độ chừng 10 giờ tối mới lên bè, vừa vặn tránh tàu tuần giang và chắc chỉ nửa đêm là đến giữa sông, vượt qua được là khỏi phải lo chuyện bắt bớ. Chao ôi, anh thầm nhủ, con cừu sắp hóa người rồi, ô cái ranh giới giữa người và thú thật mỏng mảnh! Rồi anh chua xót, con người hóa chó thì cũng qua cái ranh giới đó, có phải thế không, hả cái ông Trời cao tít trên kia?

Đến chỗ giấu bè, Nhà Chài nhô người ra. Chà nói: “Mọi sự như dự tính, lên bè thôi!”. Lúc đó, Chà mới nhớ là quên mất con sáo ở chùa. Chết, phải làm sao? Bỗng dưng Chà thèm nghe tiếng “Đ. má mày”, mày là thằng Chà bỏ lại đàng sau con sáo bè bạn đã giúp mày quên nỗi cô đơn. Chà cắn răng, phất tay. Bốn thanh niên có nhiệm vụ chèo chống cũng đã sẵn sàng. Nhà Chài ra hiệu, bè đẩy sát bờ, neo xuống đất nhưng vẫn chút bềnh bồng. Trong lau lách, ếch nhái kêu vang, bản hợp xướng uồm uộp được đệm bằng tiếng gió vi vu trầm bổng. Trời lạnh, hơi nước hắt lên mặt sông khiến đã lạnh lại càng lạnh, thứ lạnh buốt đâm như kim chọc vào da. Bóng người nhủi xô nhau khi bước lên chiếc bè làm bằng những cột tre đực buộc vào nhau bằng dây chão và loại thứ lạt đã ngâm nước không sợ mục ra được. Họ lục đục khuân hành trang lên bè. Im như thóc, nín thở, lưng đeo gùi nhô cao, nhìn họ trong bóng đêm như những người gù lưng vì sức nặng từ trên trời đè xuống nhân gian. Ai đó hụt chân dẵm tõm xuống nước, rồi tiếng kêu khẽ, giọng re ré. Chắc là một người đàn bà. Tiếng làu bàu văng tục trong cổ.

Hai đứa bé và con Vằn lên bè. Chỉ còn Sư trên bờ, bất động. Chà giục:

– Thầy lên là ta đi!

Sư khe khẽ lắc đầu, tay chỉ ra sông, mời mọi người lên đường. Chà quát nhỏ:

– Sao thế? Thày xuống nhanh!

Lần nay, Sư quay bước đi lên. “Khoan! Đợi tôi!”, Chà cũng nhẩy lên bờ, chạy theo Sư, tay níu áo.

– Tại sao? Thầy phải đi với chúng tôi chứ!

Sư ngừng bước, quay nhìn Chà, nhỏ nhẹ nhưng quyết liệt:

– Bên Này thời mạt pháp nên cần người hoằng pháp cứu chúng sinh. Ta lòng nào mặc họ mà bỏ đi!

Gạt nhẹ tay Chà, Sư niệm Nam mô bổn sư Thích Ca cứu khổ cứu nạn, tiếp tục bước. Con Vằn thình lình từ bè nhẩy lên bờ chạy theo Sư.

Đứa bé gái hiểu Sư ở lại, bụm mặt khóc ấm ức. Thằng anh nó đến ôm vai em lắc lắc. Chà nhẩy xuống bè, miệng chửi “Đ. má mày” như con sáo, nhưng nước mắt ứa ra.

N.D.

(Xem tiếp kỳ sau)

Comments are closed.