Cầm Thư quán (kỳ 4)

Tiểu thuyết

Hà Thủy Nguyên

XXIV

“Ếch giếng sở dĩ không thể nói cho biết chuyện biển là bởi câu nệ về chỗ, sâu hè sở dĩ không thể nói cho biết chuyện băng là bởi khư khư về mùa. Kẻ hẹp hòi sở dĩ không thể nói cho biết chuyện đạo bởi bó buộc về lối dạy. Nay ngươi ra khỏi bờ bến, nhìn xem biển cả mới biết mình là xấu, vậy sẽ có thể nói chuyện cho ngươi về lẽ cả…”

– Đó chẳng phải là lời của Nhược ở biển Bắc nói với Hà Bá đấy ư?

– Chị không bao giờ mơ tới biển, em nói xem có phải chị là kẻ tầm thường…

Ngọc Cầm vọc tay xuống con sóng to. Nước biển xanh thế mà hoá ra trong lòng bàn tay lại trong suốt như gương. Nàng không để ý tới câu hỏi của Ngọc Thư. Nàng còn mải nghịch nước. Càng nghịch nàng càng lấy làm thú vị vì nước biển trông vậy mà cũng chẳng khác nước trong hồ.

– Chị à… Tại sao nước biển mặn mà nước hồ lại nhạt nhẽo thế?

Ngọc Thư tựa vào mạn thuyền, mắt bị hút về phía mặt trời chói chang:

– Em nói thử xem tại sao các nhà sư lại ăn nhạt… Dục vọng của con người lớn như biển ư?

Ngọc Cầm ngạc nhiên nhìn Ngọc Thư. Nàng cười như muốn tan vào gió:

– Chị vốn dĩ thường ngày vẫn tụng kinh niệm Phật, sao lại hằn học với giới qui của Phật môn thế?

Ngọc Thư bẽn lẽn đỏ mặt. Nàng vuốt vuốt giải tóc:

– Có lẽ vì chị chỉ là một con ếch giếng tình cờ một lần được ra biển.

Chợt, một con rùa biển lớn, vân hoa trên mai như được đục khắc bởi một ông thợ cả trồi lên giữa sóng. Nó vẫy vẫy chân tạt ngang qua thuyền của hai nàng. Ngọc Thư khẽ lướt tay trên mai rùa thấy ráp ráp, sần sần. Đoạn, nàng nhíu mày khẽ nói:

– Một con rùa chết đã ba nghìn năm, được người ta đưa đến miếu đường mà khấn vái. Nó có sung sướng không nhỉ?

– Thế gian vẫn còn nhiều kẻ trói chân trói tay để làm bộ xương rùa trong miếu đường để được thờ tự… Em thà mãi mãi làm một con rùa con… Nếu một ngày người ta nhận ra rằng bộ xương ấy không mang lại tài lộc cho họ, chẳng phải nó sẽ bị quẳng cho chó gặm ư?

Ngọc Thư nhíu mày, nàng sẵng giọng:

– Sao em lại nặng lời thế? Bộ xương ấy bị chó gặm hay không bị chó gặm thì rốt cuộc con rùa cũng đã chết được ba nghìn năm rồi…

Ngọc Thư và Ngọc Cầm lại cười thật sảng khoái.

– Thực ra chị rất tò mò… Cái thú của một kẻ quay tơ dệt lụa, quanh năm cày cấy cũng đáng để ngưỡng mộ lắm…

– Và tất nhiên… – Ngọc Cầm thả dòng nước trong xuống mặt biển xanh thẳm – Con cá trong ao thì chẳg bao giờ được biết tới sóng biển.

Ngọc Thư lấy trong khoang thuyền một cuốn “Nam Hoa kinh” từ tốn ngâm:

– “ Gíông nấm sớm không biết ba mươi, mồng một, ve sầu không biết mùa Xuân mùa Thu. Đó là hạng tuổi nhỏ. Miền Nam nưứoc Sở có giống rùa minh linh, lấy năm trăm năm làm xuân, năm trăm năm làm thu…”

Ngọc Cầm khẽ ho mấy tiếng gián đoạn sự cao hứng của Ngọc Thư:

– Nhưng nếu lỡ ra… nếu lỡ ra em chết sớm… thì em không biết đến cái thú của tuổi già ư? Em cũng không có nhu cầu biết đến tuổi bảy mươi…

Ngọc Thư vội giơ tay bịt miệng Ngọc Cầm:

– Em nói linh tinh gì thế… Sao lại nói những điềm gở như vậy…

Ngọc Cầm chỉ lắc đầu, nàng mỉm cười đến thần tiên cũng phải xiêu lòng. Trời xanh kia liệu có phải vô cùng chăng?

– Mà có khi em lại nói đúng… – Ngọc Thư thở dài… – Sống mà làm gì đâu! “Cũng như người ta ai chẳng ăn uống, nhưng ăn uống mà biết mùi vị thật chẳng mấy người”.

Ngọc Cầm phá lên cười:

– Chị bắt đầu làm em khó hiểu rồi đấy… Cầm sách Trang Tử mà lại bàn đến Khổng Tử ư?

Ngọc Thư trầm ngâm:

– Ở đời ai cũng khuyên nhau diệt dục để đạt tới sự tự do… Ham muốn tự do cũng là dục vọng. Vậy chẳng phải họ đi từ cái chuồng này để vào một cái chuồng khác sao? Chuồng sắt càng rộng, chúng ta càng xa chấn song…

– Chị có thấy rằng càng giải thích thì càng đặt ra cho mình những câu hỏi khác không… Xin chị đừng lí giải điều gì và đừng đặt ra điều gì nữa… Trời đất vô biên, sao ta không quên ta còn có ở trên đời đi…

Ngọc Thư buông xoã tóc xuống lòng và bắt đầu chải. Cây lược gỗ màu đen xẻ dải tóc của nàng thành những khoảng sáng ma quái.

– Chị em ta là hai người con gái đẹp nhất thế gian… vì thế chúng ta không có cái phúc được hưởng tuổi già và cũng không có hứng thú với cái phúc ấy!

Ngọc Thư ngừng lược sững sờ nhìn em gái. Đôi mắt của Ngọc Cầm lại trôi dạt một phương xa bất tận nào. Đôi mắt ấy không làm người đời thấy sợ hãi mà chỉ thấy âu lo về một dự cảm bất thường.

Một sợi tóc của Ngọc Thư rụng xuống tà áo trắng tinh. Ngọc Thư giật mình. Hai má nàng đỏ bừng.

– Chị đang có gì lo nghĩ à?

Ngọc Thư bối rối. Nàng cúi đầu nhìn từng cơn sóng dập dềnh:

“Nhị bát giai nhân thích tú trì

Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly

Khả liên vô hạn thương xuân ý

Tận tại đình châm bất ngữ thì”

(Cô gái đẹp tuổi đôi tám chầm chậm thêu

Dưới bóng hoa tử kinh, chim hoàng ly nhảy nhót

Đáng yêu là cái ý thương xuân vô hạn

Đọng lại tất cả ở lúc dừng kim không nói năng)

– Thiền sư Huyền Quang còn biết thương xuân vô hạn, em có dám nói rằng thiền sư chưa đắc đạo chăng?

Ngọc Thư ngẩng đầu lên vẫn không thấy Ngọc Cầm bàn thêm câu nào nữa. Đôi mắt mơ màng của nàng sáng bừng lên. Ngọc Thư nhìn về phía Ngọc Cầm đang chăm chú theo dõi.

Một dải những trang giấy dập dềnh trên nước. Ngọc Cầm chèo thuyền vội vàng… Gío thổi mỗi lúc một lớn. Con thuyền gặp gió cản nhưng vẫn rẽ sóng lướt tới.

Ngọc Cầm tự dưng bất động. Nàng như một kẻ bị thu mất hồn. Nàng không để ý tới Ngọc Thư cũng đang thốt lên kinh ngạc:

– Quả là tuyệt tác… Em xem này… Con chim phượng uốn lượn trong trăng như mang theo cả dải ngân hà xuống nhân gian… Giọt sương sớm đọng trên mạn thuyền tựa muốn rơi xuống mà lại muốn níu lại… Cánh hoa đào phủ đầy bức tượng Quan Âm…

Ngọc Cầm bị thoát mất hồn thật rồi! Giờ đây nàng không nghe thấy tiếng sóng biển hay bất kỳ một âm thanh nào nữa. Nàng chỉ nghe thấy tiếng chuông chùa trầm đục chậm rãi trong một đêm mưa xuân… cả tiếng mèo gào thê thiết! Nàng mơ hồ cảm nhận thấy một ngòi bút lông đang mơn man sau gáy, sổ một nét dài lên tấm lưng rồi điểm mấy nét chấm thuỷ đè nặng trên ngực nàng.

Ngọc Thư tiếp tục chèo thuyền chạy dọc theo dấu tranh. Mỗi bức tranh như một bước chân đọng lại trên mặt sóng. Nét vẽ siêu thoát ấy giữa chốn trần gian này chỉ có được khi bám theo gót hài của Ngọc Cầm trong buổi xuân sang. Nàng mặc cho gió thổi tung bay làn tóc mỏng và nhẹ. Bất giác quanh nàng phảng phất mùi tro giấy lẫn vào mùi đất ẩm ướt trong vườn nhà. Vì quá mải mê chèo thuyền, tràng hạt nhỏ đeo ở tay nàng vuột đứt. Hạt gỗ nảy tung trên sàn thuyền, hỗn loạn theo nhịp sóng.

Xa xa giữa ngàn khơi đâu đó có tiếng tụng kinh đều đều, lặng lặng…

———

Chú thích:

12 – Trích chương “Thu thuỷ”- “Nam Hoa Kinh” của Trang Tử

13 – Trích chương “Tiêu dao du”- “Nam Hoa Kinh” của Trang Tử

14 – Trích sách “Trung dung”

XXV

Ngàn vạn sao đuổi nhau nhảy nhót trên sóng biển. Gío đưa hương rượu xa bay lẫn với vị nồng và mặn.

– Hương rượu sen…

– Phải rồi… hương sen thơm ngát của Tây hồ! Giữa biển trời mênh mông này cuối cùng cũng tìm ra… Em chèo hộ chị một quãng, để chị vấn tóc lên…

Ngọc Thư với chiếc lược chải tóc. Nàng vấn cao tóc lên lộ mảng gáy màu bạch của trăng thu. Nàng bắt đầu nhìn thấy nhấp nhô trên biển một mui thuyền và cũng bắt đầu nghe thấy tiếng cười hào sảng của bậc quân tử. Ngọc Thư vén lại tóc mai, nàng đột nhiên cất tiếng hát văng vẳng mà mơ hồ:

“Lửng lơ vầng quế soi thềm

Hương đưa bát ngát càng thêm bận lòng

Dao vàng bỏ đẫy kim nhung

Biết người quân tử có dùng ta chăng…”

Nàng thả tiếng ngân theo ngọn hải phong. Từ con thuyền xa lạ cũng vang lên tiếng hát trầm trầm:

“Đèn tà thấp thoáng bóng trăng

Ai đem người ngọc thung thăng chốn này…”

Ngọc Cầm bắt đầu đặt tay lên phím dây. Đó là khúc hát dân gian mà thánh thượng vẫn thường hát khi tới chỗ nàng. Nhưng nàng biết đó không phải là thánh thượng.

Ngọc Thư ngẩng đầu thấy vòm trời đính sao như muôn ngàn ngọn nến:

– Liệu mấy kẻ trên đời hiểu được cái thú nương theo gió lốc lên tới chín vạn dặm của con chim bằng?

Sóng biển được yên lòng xô nhau trong phút chốc, từ bên thuyền kia lại sang sảng tiếng ngâm:

– “Thầy Trang nói: Kìa đàn cá lượn lờ bơi chơi, đàn cá mới sướng chứ!- Thầy Huệ hỏi: Bác không phải cá, sao biết cái sướng của cá? – Thày Trang đáp: Bác không phải tôi, sao biết tôi không biết cái sướng của cá – Thày Huệ nói: Tôi không phải bác, không biết bác đã đành. Nhưng bác không phải cá, bác hẳn là không biết cái sướng của cá.”

– Trên đời này chẳng có ai hiểu được ai ư? Muôn sự vật đều chỉ một mình giữa biển trời rộng lớn ư? Âm và Dương chẳng bao giờ giao hoà, sống và chết luôn luôn xa cách ư?

Ngọc Thư bất giác thở dài. Chiếc thuyền mỗi lúc tiến lại gần. Bên kia lại bật lên tiếng cười thoả chí:

– Cho nên:

“Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ

Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh”

(Thoát kiếp rồi bàn câu tịch diệt

Không sinh hãy nói chuyện siêu sinh)

Hai con thuyền đang đi về phía nhau. Ngọc Cầm ngơ ngác nhìn Ngọc Thư vuốt lại xiêm y, đôi mắt sáng bừng màu lửa.

– “Nếu chia ra mà xét cho rõ thì râu và lông mày có tên khác nhau. Nhưng hợp lại mà xét thì đều là lông của thân thể cả. Kẻ hiếu dị không chịu xét về gốc gác, mà ai nấy chỉ nói đến mình mà thôi, chứ không xét đến cái lẽ phải nương cậy lẫn nhau, rồi hoá ra tàn hại lẫn nhau, thù địch lẫn nhau, thế thì khác nào cắt đứt chi thể ra mà không biết đau.”

Hai chiếc thuyền lúc này đã ghé sát nhau. Trên con thuyền xa lạ kia là một bàn rượu. Ngồi thưởng rượu sen giữa biển khơi có một nhà sư và một chàng thư sinh. Khuôn mặt chàng thư sinh thanh tú, trầm ngâm, sâu lắng như biển cả. Chàng dường như không quan tâm tới cuộc đàm đạo vừa rồi mà chỉ rót rượu liên tục. Ngọc Thư mỉm cười trìu mến. Nàng không lấy làm lạ mà cũng chẳng ngạc nhiên vì đã nhận ra nhà sư cùng nàng chôn tranh hôm Tết ngay từ tiếng hát ban đầu.

– Thật là hân hạnh cho bần tăng được gặp hai vị tiểu thư Ngọc Thư và Ngọc Cầm của Cầm Thư quán…

Ngọc Thư e lệ cúi người đáp lễ, cặp má của nàng phơn phớt hồng:

– Thày là bậc thiền sư thoát tục mà cũng biết tới chị em thiếp ư?

– Từ thuở nhỏ bần tăng đã nghe danh Cầm Thư quán. Đồn rằng ông chủ Cầm Thư quán có muôn vàn sách trong thiên hạ và có ngón đàn tuyệt duyệt làm lòng người bay bổng siêu thoát như được cưõi trên cánh chim bằng.

Ngọc Thư cười gượng, nàng tránh ánh mắt của nhà sư:

– Cha của tiện thiếp đã truyền lại khúc “Hải du” cho Ngọc Cầm…

– Phải! – Chàng thư sinh đột nhiên lên tiếng cắt ngang câu nói của Ngọc Thư – Thuở nhỏ ta từng tới Cầm Thư quán nghe trộm tiên sinh chơi khúc “Hải du”. Ngẫm cho cùng khúc “Quảng Lăng tán” của Kê Khang cũng chỉ tới thế là cùng.

Dứt lời, chàng lại cạn sạch chén rượu. Ngọc Cầm bấy giờ mới so dây. Nàng nhìn thẳng vào những chén rượu cứ liên tục, liên tục được chàng thư sinh uống cạn.

– Kẻ tài tử không uống rượu thô tục. Huống hồ hương sen thanh nhã chẳng thể hít một hơi thật mạnh để mà ngấm say. Điệu đàn hay sao có thể gẩy tai trâu và bắt nó mê đắm được!

Chàng thư sinh dừng chén nhếch mép:

– Chỉ e cô còn nhỏ tuổi, chẳng tấu được hết sự vi diệu trong khúc “Hải du”.

Ngọc Cầm xiết chặt mép áo:

– Dám mong được biết trong hai vị, chẳng hay ai là người vẽ những bức tranh vừa rồi!

Chàng thư sinh nâng chén trước tầm mắt, xoay xoay chiếc chén, không thèm nhìn Ngọc Cầm lấy một cái:

– Phải rồi! Phải rồi! Trang Chu hoá hồ điệp hay hồ điệp hoá Trang Chu, có trời mà biết! Chỉ biết có hồ điệp, có Trang Chu, có trời, có biển, có tranh… Ai vẽ mà chẳng thế…

Ngọc Cầm bấm chặt dây đàn cố kìm cơn giận.

– Xin lỗi hai vị tiểu thư… – Nhà sư khoát tay – Hiền đệ của bần tăng bản tính vốn kiêu bạc, lại đã quá chén, thật là thất lễ!

Ngọc Cầm không đáp. Nàng búng dây đàn nhẹ tênh. Chàng thư sinh đưa mắt nhìn nàng. Chập chờn mờ mờ nhân ảnh của những ảo giác!

Nhà sư nâng chén, tiếp lời:

– Những bức tranh ấy chỉ lộ được thần của sự vật mà không thoát ra được cái thần ấy để đạt tới cực lạc. Chỉ có bức tranh hoạ tiểu thư Ngọc Cầm là tuyệt mĩ.

– Không! – Chàng thư sinh ngắt lời – Bức tranh ấy lại thiếu sự lắng đọng của một giọt lệ thương xuân…

Ngọc Cầm càng bội phần bối rối không thể phân biệt được ai là người vẽ bao bức tranh kỳ mĩ kia… Ngọc Thư gượng cười. Nhà sư chắp tay cúi mình trước thuyền của hai nàng:

– Mọi sự gặp gỡ đều là duyên nghiệp… Biển cả mênh mông tới vậy mà thí chủ và bần tăng còn có duyên hội ngộ thì thật hoang đường nếu chúng ta không cùng thưởng rượu đàm luận về chữ đạo ở đời… Nếu hai tiểu thư không chê, mời tiểu thư sang thuyền chúng tôi…

Ngọc Thư quay lại nhìn Ngọc Cầm. Ngọc Cầm vẫn không rời mắt khỏi những dây đàn đang ánh lên bóng sáng của ngọn đèn.

– Chị vẫn muốn tìm người thông hiểu Phật pháp để cao đàm khoát luận… Chị hãy sang đó đi… Em muốn một mình…

Ngọc Thư thở khẽ, nàng đưa mắt về phía nhà sư. Nàng nhìn thấy những đường gân xanh nổi rõ trên thái dương của nhà sư. Những đường gân xanh ấy giật giật như nhịp đập của trái tim nàng. Nàng gật đầu rồi bước chân sang thuyền.

– Hết rượu rồi! – Chàng thư sinh thốt lên nuối tiếc – Có lẽ phải quay lại đảo lấy rượu.

– Không sao đâu… – Ngọc Thư mỉm cười – Cảnh trời biển đẹp vậy, không rượu cũng đã đủ say…

– Đệ không thích Phật, đệ chỉ thích rượu thôi… Không có rượu thì cảnh đẹp mấy cũng chỉ là một mặt hồ không sóng…

Ngọc Thư nhíu mày, đăm chiêu giây lát:

– Công tử có thể dùng thuyền của chúng tôi để về đảo lấy rượu cũng không muộn…

Chàng thư sinh nhún vai uể oải đứng dậy, chẳng nói chẳng rằng cứ thế xăm xăm bước qua thuyền. Ngọc Cầm vẫn không thèm để ý tới. Nàng mân mê những sợi đàn.

– Nếu nàng không sang thuyền bên, ta buộc phải đưa nàng về đảo đấy!

Ngọc Cầm vuốt lọn tóc rủ xuống:

– Có hề gì… Nếu công tử thật sự say, biết đâu ta lại chẳng biết được ai là người vẽ bức tranh kia?

Chàng đẩy mái chèo. Con thuyền này bắt đầu rời khỏi con thuyền kia. Nhà sư vẫn cứ nhìn theo con thuyền mất hút dần sau nhiều đợt sóng.

– Biển cả bao la phải chăng là cõi mơ còn bờ kia là cõi thực, chỉ có bãi cát chạy dài là ranh giới giữa thực và mơ…

——–

Chú thích:

15- Trích “Thu thuỷ”- “Nam Hoa Kinh”- Trang Tử

16 -Thơ của Quảng Nghiêm Thiền Sư

17 -Lời của Nguyễn Tịch

XXVI

Chỉ có tiếng sóng biển rì rầm vỗ vào mạn thuyền… Chỉ có tiếng gió vút qua mui thuyền… Chỉ có sự im lặng tới tuyệt đối.

– Ai là người vẽ bức tranh ấy! Quan trọng lắm ư?

Hương rượu sen toả ra từ hơi thở của chàng thư sinh. Ngọc Cầm không đáp. Nàng lướt tay trên dây đàn. Dây thứ nhất rung lên tiếng những tràng cát trượt dần theo đợt sóng… Dây thứ hai rung lên tiếng cánh chim lướt cánh trên mặt nước… Dây thứ vô tận là tiếng của nước muốn chạy tới chỗ mênh mông không bến bờ để chạm được vào mặt trời nóng bỏng…

Chàng thư sinh bất ngờ ngửa mặt lên trời cười ha hả, cười thê lương không dứt:

– Tại sao nàng lại không nghĩ rằng sự vô tận của biển không phải ở cái rộng lớn mênh mang mà là ở cái sâu thăm thẳm… Dưới nước có cát, còn dưới cát có cái gì… ai biết…

Ngọc Cầm vứt cây đàn xuống biển. Chàng thư sinh kinh ngạc nhìn theo cây đàn bập bềnh trên cánh sóng.

Nàng đứng dậy, đôi mắt nhìn sâu vào khuôn mặt nhuốm phong sương của chàng. Bước đi làm chòng chành con thuyền. Nàng khẽ đặt tay lên bàn tay đang nắm chắc mái chèo. Có hai vì sao lấp lánh trong mắt nàng:

– Thiếp biết là chàng… Tại sao chàng lại trốn thiếp? Tại sao chàng lại bỏ thiếp mà đi? Tại sao chàng lại lạnh lùng uống rượu khi đã nhận ra thiếp… Chàng đừng nói với thiếp rằng chàng vô cảm khi đối mặt với thiếp…

Chàng trai rút tay lại, lãnh đạm nhìn xuống cây đàn trôi xa dần.

– Lòng tự trọng của thiếp… thiếp đã để quên ở Cầm Thư quán mất rồi…

Chàng trai lại cầm lấy mái chèo. Thuyền lướt nhanh hơn giữa bầu trời và mặt biển chan chứa ánh sao.

Ngọc Cầm bước trở lại chỗ cũ. Nàng quay lưng lại. Nàng nghe thấy những giọt rưng rưng đang lăn quanh khoé mắt. Những vì sao kia làm sao mà hiểu được!

– Hoá ra những cánh đào vẫn bám theo gót hài thiếp mà thiếp có bao giờ biết được…

Chàng thư sinh nhìn đôi vai nàng rung rung không biết vì xúc động hay vì thuyền. Trên trán chàng rịn mồ hôi lấm tấm. Gío trở nên vô nghĩa hơn lúc nào hết!

XXVII

Đảo vắng có một vách đá dựng đứng sần sùi đầy những cặp chim nép cánh say ngủ. Dựa vào vách đá là một căn lều tranh xiêu vẹo.

– Nàng đợi ta ngoài này…

Chàng thư sinh lẳng lặng xách đèn bước vào căn lều.

Ngọc Cầm rút chân ra khỏi hài và khẽ chạm năm đầu ngón chân xuống mặt cát ram ráp mát hơi đêm. Sóng xô tà váy và đập vào cổ chân nàng. Vô vàn hạt cát li ti trườn qua mu bàn chân chạy về phía khơi xa… Nàng rón rén bước đi… nhè nhẹ… nhè nhẹ… Gió thổi mạnh làm lệch mảnh khăn vấn tóc. Ngọc Cầm đưa tay tháo tung để mặc mái tóc toả ra như những sợi tơ trời.

Gió lặng trong khoảnh khắc, nàng ngồi sụp xuống, đôi mắt dõi ra xa tít phía sao rơi xuống biển sâu. Nàng nghe thấy tiếng một vì sao nảy lên từ đáy cát sâu ngút ngàn…

Phảng phất mùi rượu sen luồn qua gáy nàng… Ngọc Cầm giật mình, bừng tỉnh khỏi thứ âm thanh bí ẩn mơ hồ ấy.

Một bàn tay ấm áp nắm chặt lấy đôi tay nàng. Một cánh tay khác vòng quanh vai nàng. Một khuôn mặt của ai đó đang ghé sát khuôn mặt nàng.

– Nàng đã hỏi ta quá nhiều và cũng đã nói với ta quá nhiều, nàng có biết không? Đông Đô đâu phải chỗ cho chúng ta…

Ngọc Cầm áp má vào ngực của chàng. Chàng ngẩng đầu nhìn những vì sao.

– Nàng đang lạnh à…

Ngọc Cầm xiết chặt lấy chàng thư sinh:

– Từ khi sinh ra, lúc nào cơ thể thiếp cũng lạnh như vậy…

– Vì vậy nên ông trời mới sinh ra ta…

Cả hai bật cười. Phút im lặng kéo dài miên man bất tận…Vụt một con chim trên vách đá đập cánh trong cơn mơ. Chàng thư sinh vuốt nhẹ một sợi tóc của Ngọc Cầm:

– Chúng ta sẽ nói điều gì lúc này nhỉ? Về chúng ta chăng? Ta đã bỏ quên Khổng Tử ở Đông Đô mất rồi…

– Chàng không cần phải nói gì cả! Thiếp không muốn nghe giọng nói của chàng. Thiếp chỉ muốn nghe tiếng của một vì sao bị rơi xuống đáy biển kia…

Ngọc Cầm đặt tay lên tấm ngực nóng ran của chàng. Nàng nghe thấy tiếng đập liên hồi của những sợi thần kinh đang rúng động.

Từ khi nào nàng đã nghe thấy tiếng sóng biển, hít vào vòm ngực mùi mằn mặn của muối, những con dã tràng đội cát trồi lên bò qua lưng chàng thư sinh rồi bò lên sống mũi của nàng. Nó ngơ ngác và lại quay ngược trở lại kéo theo sự tê tê, buồn buồn tới thích thú. Mãi một lúc sau, nó mới đặt chân xuống cát và lại đùn đống cát ướt lên, trốn biệt!

Sóng biển mang theo cả mùi rong rêu lẫn vào mái tóc buông xoã trên mặt cát. Hơi thở của biển hoá ra cũng nhịp nhàng như tiếng thở của thiếu nữ trong đêm xuân. Mười đầu ngón tay của Ngọc Cầm đã trở thành những chiếc chân mảnh khảnh của loài dã tràng lạc đường trên cánh tay, trên tấm lưng dài rộng của chàng trai trẻ. Những ngón tay ấy chạm vào mái tóc sũng nước biển.

Chàng thư sinh khẽ đặt môi lên trái tim nàng. Có gì đó ngọt ngào đầu lưỡi, lẫn vào vị mặn của nước biển đọng lại… Sự mơn man trong đôi bàn tay Ngọc Cầm đang rung lên sự sâu lắng của biển. Tiếng nhạc ray rứt trái tim chàng… Chàng ngậm đôi ba sợi tóc dài đã thấm ướt. Vẫn vị mặn của sóng!

Lại một con chim đột ngột thức dậy trong đêm vỗ cánh xoàn xoạt!

Chàng thư sinh giật mình nhìn vách đá mỉm cười. Con chim lại ngủ yên trong đêm thanh vắng. Ánh sao không sáng nhưng cũng đủ soi rõ khuôn mặt thanh tú của Ngọc Cầm. Bao sợi tóc mai dính nước thành những đường vẽ màu mực tàu trên trán và gò má nàng. Chàng áp lòng bàn tay lên má nàng vuốt nước đọng. Nàng di đầu ngón tay trỏ trên cặp môi của chàng:

– Chàng biết không, thiếp vừa thấy bước chân của mình lẫn vào hoa rụng… Lại cả rừng trúc lao xao trong gió… Cả một cánh hạc bị mây mù đè nặng khi bay qua núi cao.

Chàng thư sinh không nói một lời, nắm chặt tay nàng, kéo nàng dậy. Đôi chân hai người chạy thật nhanh qua những con sóng bạc. Nước dâng dần, dâng dần qua mắt cá, qua đầu gối, rồi tới bụng, tới ngang lưng…Mái tóc Ngọc Cầm bồng bềnh trên mặt nước, xô dạt theo sóng.

Có những sợi rong rêu quấn quít lấy nhau trong nước ấm. Từng hạt cát vẫn lăn mình dưới lòng bàn chân…

Hai vò rượu sen đã vỡ từ lúc nào. Gío và nước biển làm loãng cả hương nồng trong loài mĩ tửu.

XXVIII

– Ngọc Cầm, nàng mở cửa ra đi… Nàng đã về, tại sao lại còn tránh ta… Đã lâu lắm rồi ta không được nghe tiếng đàn của nàng, đã lâu lắm rồi ta không được ngắm dung nhan của nàng… Nàng mở cửa cho ta… Hãy ra đây! Ta hứa sẽ không để ý tới Ngọc Thư nữa… Ta chỉ cần có nàng thôi!

Ngọc Cầm ghé sát đầu vào Ngọc Thư:

– Chị đừng giả vờ ngủ thế chứ… Làm thế nào đây! Thánh thượng không muốn để ý tới chị nữa rồi…

Ngọc Thư cố nhịn cười làm vẻ nghiêm túc:

– Nghiệp chướng của em gây ra, em tự gánh vác lấy đi…

– Chị ăn nói ngày càng giống cái chàng hoà thượng chẳng ra hoà thượng ấy…

Ngọc Cầm giận dỗi, nhấp nhổm không yên. Ngoài cửa, thánh thượng vẫn tiếp tục nói:

– Đêm nay là Rằm tháng Bảy, nàng nhớ không… Đã một năm rồi kể từ khi ta có được nàng… Những bông sen trong đầm cũng rã cánh hết rồi!

Ngọc Cầm vùng đứng dậy, nàng bước nhanh tới gần cửa. Bóng thánh thượng in hình trên rèm:

– Thánh thượng… xin ngài hãy hồi cung… Đêm đã khuya rồi… Chỗ của chị em thiếp không phải ở hoàng cung! Nếu thánh thượng vẫn nhớ tới tiếng đàn của thiếp thì bao giờ ngài cũng có thể nghe thấy, nếu thánh thượng còn nhớ tới dung nhan của thiếp thì lúc nào ngài cũng như có thiếp bên cạnh… Thiếp đã nói với thánh thượng rằng thiếp là kẻ đi trên cát không muốn để lại dấu chân… Vì vậy, mong ngài hãy trở về với triều đình!

Tiếng thở dài từ bên kia cánh cửa làm lay động mảnh vải rèm:

– Ta hiểu rồi… Thực ra chưa bao giờ trong lòng nàng có ta… Ta hiểu… Nhưng một ngày nào đó, nhất định nàng sẽ nhớ tới ta, sẽ mơ tới ta!

Thánh thượng đặt một bông hoa sen xuống chân cửa. Ngài đi thẳng xuống thuyền. Trước mặt ngài là một đám sen đã tàn tạ của buổi đầu thu.

XXX

Trăng chưa lên tới đỉnh mà đã sáng tới trong vắt. Gío khiến ly rượu sen cũng nổi sóng.

– Lâu rồi không được thưởng thức rượu sen và cũng không được nghe tiếng đàn của em Ngọc Cầm!

Nữ sĩ Ngô Chi Lan nâng chén rượu trước mũi đưa hương nồng lẫn vào trong gió.

– Phải rồi! – Phù Thúc Hoành tiếp lời – Ngày hôm nay đã là mười bốn, mai trung thu… Trăng đẹp quá, em chơi cho chúng ta nghe khúc “Hải du” như mọi năm được chứ?

Ngọc Cầm gượng cười:

– Em xin được dùng rượu thay cho đàn được không… Mai là trung thu, em sẽ tấu khúc “Hải du”, còn hôm nay, em đành phải thất lễ!

Đoạn, nàng cạn chén rượu. Ngọc Thư vội đỡ lời:

– Trăng hôm nay đẹp quá! Chưa bao giờ trăng mười bốn đẹp như vậy!

Ngọc Cầm nhìn lên vầng trăng. Nàng chợt bùi ngùi. Tiếng trò chuyện luận đàm về thế sự, về thi phú cứ lãng dần… lãng dần bên tai nàng. Bất giác nàng thở dài:

– Trăng mười bốn mà đã đẹp thế này, e rằng ngày mai không có trăng…

Ngọc Thư mặt biến sắc, nàng nhăn mày:

– Đừng có nói gở thế! Đã trung thu thì không thể không có trăng!

Ngọc Cầm chỉ buồn rầu nâng chén. Hai vợ chồng Phù Thúc Hoành và Ngô Chi Lan ngơ ngác cũng lặng lẽ nâng chén.

Vầng nguyệt lơ lửng mỗi lúc một cao giữa mênh mông trong vắt.

Cứ mỗi lúc Ngọc Cầm ngước mắt nhìn lên, nàng càng cảm thấy trăng đẹp để rồi trong lòng lại cộn lên ý nghĩ: Ngày mai sẽ chẳng còn trăng nữa…

XXXI

Trời mưa rào rào suốt từ sớm tinh mơ. Hai nàng bị đánh thức bởi tiếng mưa không ngớt trên mái tranh.

Ngọc Cầm vùng dậy, nàng điểm trang vội, khoác áo, bước nhanh chân… Bức tranh sẽ ướt hết mất… Chàng sẽ ướt hết mất…

Nước mưa luồn trên từng viên vạch nâu đỏ rêu phong rỏ từng giọt xuống khoảnh sân chùa ướt bóng. Chính ngọ mà trời như lúc sâm sẩm tối. Khí lạnh làm tan rã đám sen tàn trên mặt ao. Bức tường vẫn trống trơn không một bức tranh.

Ngọc Cầm nép dưới mái hiên. Những giọt nước đọng rỏ từ tốn xuống vũng bắn văng ra tứ phía. Nàng bắt đầu nghĩ về những bức tranh… nghĩ về những đợt sóng đập vào mạn thuyền… cả về đáy đại dương sâu thẳm… có gì ẩn chứa trong ấy?

“Dưới bầu trời là mặt nước… dưới mặt nước là lòng biển… dưới lòng biển là đáy cát… Hoá ra mặt đất mới là nơi rộng lớn mênh mông chứ không phải biển khơi! Ta đã sai ư? Ta đã ra đến tận biển để tìm được sự tự do nhưng rồi vẫn thấy băn khoăn… Biển dù rộng vẫn bị ngăn bởi đất, thậm chí chính đất lại chứa biển trong lòng…”

– A di đà Phật… Mời thí chủ vào xơi nước…

Ngọc Cầm giật mình, một sư thầy đang cúi người. Nàng cũng mỉm cười đáp lễ:

– Dạ vâng… xin được thất lễ…

Nhà sư lắc đầu quay đi… Mưa không ngớt. Gío mạnh đẩy mưa tạt vào ướt hết cả bức tường gạch nâu.

“Chắc chắn chàng cũng đang đội mưa để đến đây… Bức tranh này sẽ không bị nhoè như những bức tranh khác của chàng được! Đâu đây lạ thế! Sao lại có mùi rong rêu quấn theo vị muối mặn… Hay là chàng đã đến!”

Ngọc Cầm cố căng mắt nhìn qua màn mưa trắng xoá… Chàng đang đến ư? Không!… Chỉ vắng lặng cổng tam quan…

Tiếng chuông chùa trầm đục rền rền trong mưa. Lòng Ngọc Cầm thấy trống trải như gió.

“Mưa tạnh trăng lên chắc chàng sẽ tới! Đó là bức tranh tận thiện tận mĩ, vì thế không thể để nhoè dù chỉ một nét mầu…”

Trời sẩm tối mà trời vẫn mưa, thậm chí càng lúc càng mưa dữ dội.

“Trăng lên thì chàng sẽ tới… Hoá ra ta đợi trăng chứ đâu có đợi chàng! Nhưng nếu trăng không lên thì sao? Thiếp đã dự cảm rằng sẽ không có trăng mà…”

Chuông chùa điểm canh khuya. Ngọc Cầm rùng mình. Lúc này nàng mới cảm thấy lạnh. Nàng mơ hồ nhận ra rằng mình đang dần tuyệt vọng.

Mưa ngớt dần, ngớt dần… Trăng ló ra khỏi mây mù tỏa ánh sáng yếu ớt. Trong ánh sáng mỏng mảnh của trăng vẫn còn vẩn lên những đường đen sâu hoắm.

“Chàng có thấy trăng lên rồi không? Tất cả chỉ là một giấc mơ trong đêm xuân… Gíông như cái ảo vọng về sự tiêu diêu tự tại khi được lênh đênh trên biển. Cả cuộc đời ta luôn đuổi theo những ảo ảnh. Nào là chàng… nào là đáy biển mênh mông vô tận… nào là khúc “Hải du”. Ta đang đi đâu, đang ở đâu giữa cõi tục thế này? Rừng trúc có thật nhưng hơn ai hết thiếp hiểu rằng rừng trúc trong tranh của chàng chẳng bao giờ có thật… Biển mênh mông trước mắt nhưng vẫn nhìn thấy bờ, còn khúc “Hải du” thì chẳng bao giờ có thể thấu tới tận cùng… Đáy của biển ấy phải chăng chính là không có đáy!”

Mưa ướt sũng khắp người Ngọc Cầm. Dáng chàng thư sinh lờn vờn như hồn ma bóng quế lững thững đi giữa ánh trăng…

XXXII

Lờ mờ nét bức tranh hoa đào bám vào gót hài… Lờ mờ cây độc huyền… Lờ mờ một người đàn ông đang bóp trán suy nghĩ.

Ngọc Cầm khẽ ho tiếng nhỏ. Người đàn ông bừng tỉnh, quay người lại.

– Ông là ai?

Người đàn ông ôn hoà, cúi chào Ngọc Cầm:

– Tôi là ngự y thánh thượng cử đến thăm bệnh cho tiểu thư…

Ngọc Cầm thở một hơi nặng nhọc. Chân tay nàng bủn rủn tới không thể nào gượng dậy nổi.

– Hãy tâu với thánh thượng rằng tôi không cần… Bệnh của tôi không chữa khỏi được…

– Đó là thánh chỉ!

Ngự y nhún vai và từ tốn ngồi xuống chiếc ghế cạnh giường Ngọc Cầm:

– Thánh thượng đã ở đây suốt hai ngày qua… Tiểu thư thật có phúc lớn!

Ngọc Cầm thất thần:

– Chị Ngọc Thư của tôi đâu?

– Tiểu thư Ngọc Thư đã tới chùa Đông Long từ sớm cầu an cho tiểu thư!

Ngọc Cầm quay mặt vào trong tường. Nàng hiểu rõ rằng Ngọc Thư không đến chùa để cầu an.

– Hôm nay đã là mười tám rồi… Có còn trăng nữa không?

Viên ngự y chợt sững sờ, ông nhìn ra khung cửa sổ:

– Tiểu thư không thấy rằng trời vẫn mưa ư?

Mưa vẫn còn rả rích và trời sầm sì buồn não. Ngọc Cầm nằm yên không nói thêm lời nào nữa nhưng đôi mắt nàng không rời bức tranh.

Chàng đã không tới thật rồi… Phải! Biển có quá nhiều cơn gió đi qua… Tại sao những con chim biển lại luôn vỗ cánh trong giấc mơ… Tại sao những con dã tràng cứ rúc sâu xuống cát… Rõ ràng đó là điềm trời báo trước… Nếu người ta quên ngắm trăng vào mười bốn thì sẽ chẳng bao giờ được thấy trăng rằm…

Những hạt mưa ngoài kia sao hồng hồng như cánh đào rơi buổi đêm xuân. Nàng lại chìm vào cơn mộng mị mất rồi… Biết bao con dã tràng đang vây xung quanh nàng… Tiếng vỗ cánh của loài chim biển… Lửa bùng lên thiêu những bức tranh cháy rụi… Một bông sen gãy cuống gục xuống mặt hồ lăn tăn sóng…

– Ngọc Cầm… Ngọc Cầm… em sao thế…

Ngọc Cầm hất chăn vùng dậy. Nàng thở dốc… Ngọc Thư đỡ nàng nằm xuống, nàng vẫn không lấy lại được bình tĩnh.

– Em sốt cao quá…

– Chị à… – Giọng nói của nàng chỉ còn hổn hển – Sau trận ốm này, liệu em có chết không?

– Vớ vẩn! – Ngọc Thư quát to – Chị xin lỗi… Tại sao em lại chán nản đến thế! Từ lâu lắm rồi chị không thấy tiếng cười của em trong như ngọc nữa…

Ngọc Thư vuốt mái tóc của Ngọc Cầm, trìu mến dõi ánh mắt mơ màng.

– Chị à… Chị có thấy rằng càng trong thì càng dễ vẩn đục không? Nếu chị không muốn thấy em khóc, chị đành phải nghe tiếng cười của em vậy!

Ngọc Thư thật chẳng biết nói gì hơn là im lặng. Sự im lặng càng lôi kéo Ngọc Cầm vào bức hoạ treo trên tường.

– Mùa xuân sao lại ở sau lưng em… Hoá ra nó chẳng đuổi kịp nổi em rồi…

Ngọc Thư kéo ghế dịch lại, che tầm mắt của Ngọc Cầm đang hướng về phía bức tranh.

– Cả Đông Đô đang đồn đại về em, về mối tình của thánh thượng dành cho em… E rằng em không thể không nhận sắc phong được rồi…

Ngọc Cầm thở một hơi nặng nhọc:

– Cho dù chị có che bức tranh đi thì em vẫn nhìn thấy nó. Một bức tranh đầy mê cảm thì cho dù nó có bị đốt cháy thành tro bụi, người ta vẫn bị ám ảnh…

XXXIII

Viên ngự y bê một bát thuốc nóng nghi ngút đặt lên trên bàn. Ngọc Cầm hé mắt, nàng gượng người dậy.

– Lần sau thánh thượng tới, ông nhớ đánh thức tôi… Tôi có chuyện muốn tâu với ngài…

Viên ngự y khẽ khuấy nhẹ thìa thuốc, giật mình gật đầu. Ngọc Cầm lại tiếp lời:

– Ta không phải con gái ông, cũng không phải chủ nhân của ông, sao ông lại chăm sóc ta tận tình đến vậy…

– Nghiệp y lấy đức làm trọng… Thánh thượng cũng thế mà một đứa trẻ lang thang cũng thế…

Ngọc Cầm lại thở dài:

– Giá như trên đời này còn được người có y đức như ông… Ngày mai ông không cần chăm sóc cho ta nữa… Đằng nào ta cũng sẽ chết, ông bị truy tội thì thật không công bằng… À, thuốc đã đỡ nóng chưa!

Ngự y bưng bát thuốc tới cho Ngọc Cầm. Nàng ghé sát môi, thấy vị đắng, nhăn mặt khó chịu. Nàng trầm ngâm trước bát thuốc sóng sánh màu đen:

– Ta nói trước với ông để ông biết rằng không phải là ta chê y thuật của ông kém… Chỉ vì ta cảm nhận được cái chết rất gần ta… Có thế thôi!

Nàng lại đưa bát thuốc tới chạm môi. Viên ngự y đột ngột quỳ xuống, mặt tái lại vì xúc động:

– Trong thuốc có độc…

– Ta đã đoán trước hết rồi… Hôm nay ông khuấy thuốc nhiều hơn bình thường và sắc mặt ông cũng không được thư thái như mọi ngày… Ta cảm nhận được!

Ông lắc đầu vì thất vọng:

– Tại sao… tại sao chứ… Ta sẽ tìm tiểu thư Ngọc Thư về và sẽ giúp hai nàng trốn khỏi đây…

Ngọc Cầm xua tay cười:

– Còn gia quyến của ông thì sao… Số mệnh đã vậy rồi, cũng chẳng thoát được… Cuộc sống của ta đến đây, ta còn cảm thấy nó đáng sống… Nếu mai này, khi ta trở nên khôn ngoan hơn, thành bậc mẫu nghi thiên hạ để rồi chết khô trong hoàng cung… thì thà ta chết trong Cầm Thư quán còn sung sướng hơn biết bao lần… Ông hãy về đi! Ta muốn chết một mình… tiêu diêu tự tại đi giữa biển xanh… ông về đi!

Mấy ngày chăm sóc Ngọc Cầm, chưa bao giờ ngự y thấy nàng nói nhiều như thế. Ông đành lặng lẽ đứng dậy, cúi người lui ra…

– Ai là nguời muốn hại ta…

Ngự y cúi đầu không đáp. Ngọc Cầm nhếch khoé hạnh, lắc đầu rồi ngửa mặt cười lớn…

Ngọc Cầm thấy ông khuất bóng, nàng uống cạn bát thuốc rồi gượng dậy đi ra cửa sổ. Ao sen chỉ còn một đám khô đen xơ xác giữa bầu trời ảm đạm.

Trời chiều đè nặng cánh chim bằng một thứ mây vô định.

XXXIV

“Nhi nữ đa tình nguyên thị Phật

Anh hùng mạt lộ bán vi Tăng”

(Nhi nữ đa tình thì thỉnh Phật

Anh hùng cùng đường nửa là Tăng)

Tiếng ngâm thơ văng vẳng sau điện thờ khiến Ngọc Thư không khỏi kinh ngạc. Nàng ngừng khấn, vội đứng dậy, bước nhanh tới gần điện. Từ sau bức tượng Thích Ca, một nhà sư áo trắng bước ra giữa nghi ngút khói hương.

Ngọc Thư không giấu được sự vui mừng:

– Đó không phải lời Thích Ca muốn dạy chúng tăng…

– Có hề gì… Những lời dạy chỉ dành cho những kẻ còn mê muội… Còn tranh giành, còn muốn nói là còn ngu xuẩn…

– Tiếc rằng thầy nói không phải ít…

Nhà sư nghiêng người chắp tay:

– Khi Thích Ca muốn truyền đạo, ông cũng không phải người nói ít… Cái nói của kẻ ngu và kẻ tuệ khác nhau…

Lư hương đột ngột bốc lửa cháy nghi ngút. Lửa rừng rực thiêu đốt cả trăm nén hương đang đốt dở làm rụng xuống tro tàn.

– Đã qua Trung thu từ rất lâu rồi…

Nhà sư cúi đầu:

– Bần tăng sẽ cùng tiểu thư về Cầm Thư quán…

Ngọc Thư vuốt lọn tóc rũ xuống gò má, mỉm cười:

– Bức tranh của Cầm Thư quán đang đợi thày tới hoá duyên…

Lửa lại bùng lên lần nữa, đỏ hơn và khói toả mùi trầm lẫn khét ám cả vào tượng Phật.

XXXV

Nhà sư và Ngọc Thư vừa thấy rặng trúc trước cổng thì đã nghe thấy tiếng huyền run run… Nghe đâu đó đầu lưỡi vị mặn của bọt biển…

Một màu đen vô cùng của đáy sâu thăm thẳm. Dưới đáy biển thì có bao giờ có sóng nhưng lại luôn làm dậy sóng. Mặt trời, mặt trăng, trời xanh, mây trắng rơi xuống đáy cũng chỉ đành tan vào màu đen bất tận ấy. Đàn lặng nén ngực tới ngừng đập.

Ram ráp lòng bàn chân. Từng bước chân dưới đáy sâu hoá ra chỉ là những dấu chân hoảng loạn của con dã tràng trên bờ biền. Từng cung bậc cưa đứt lòng người thành trăm khúc… Từng ngón tay nổi lên đường gân tím chằng chịt quái trận.

Một giọt máu đọng bám theo bầu đàn chạy vệt đỏ dài xuống dây… Dây đàn nhuốm màu đỏ tươi…

Có gốc đào đâm chồi dưới đáy sâu… Nụ đào vừa he hé mượt nhung đã bung nở lung linh ánh hào quang ngũ sắc. Con rùa vô tình bơi qua uể oải làm rung thân cây… Cánh đào rời ra khỏi đài hoa… Vô vàn cánh đào không rụng xuống đáy mà dâng lên theo sóng… Sóng cứ dâng… Đào cứ lơ lửng, chơi vơi… Đâu đâu cũng thấy cánh đào… Mặt nước biển xanh lấm tấm những chấm phớt hồng kéo tới tận chân mây trắng…

“Hoá ra chỉ là một tràng mộng của kẻ khát thèm. Sự tuyệt mỹ, khoái lạc vốn dĩ không có thực trên cõi đời này. Thấu tới tận cùng trời đất là chạm một đầu ngón tay vào cái chết… Chàng đã bỏ ta rồi, đã quên ta rồi… Chàng chỉ cần ta cho bức tranh tận thiện tận mỹ của chàng… Bức tranh ấy đâu còn là ta nữa… Chàng sẽ chẳng tới đâu vì trăng cũng không tới… Trăng rằm cũng đành chết dưới đáy trời bởi chẳng bao giờ đạt tới tận thiện, tận mĩ… Trăng đêm qua tuyệt đích nhưng nào có phải trăng rằm… Hương rượu sen… Hương rượu sen trong hơi thở của chàng… Rồi ta lại ra giữa trùng khơi tìm hương rượu sen…”

Đàn vụt đứt. Máu ròng ròng trên sợi cước. Ngọc Cầm gục xuống thân đàn. Mái tóc nàng buông xoã phủ kín cây độc huyền. Đôi ba sợi tóc còn rung rung, phập phồng cũng lặng dần… lặng dần…

Gót hài của nàng trong bức tranh như được nhập thần… Những cánh hoa đào đang bám theo gót hài về tận nơi xa vút…

XXXVI

Trời sầm xuống… Mây đen đẩy lùi mây trắng xuống tận đáy biển sâu vạn dặm. Trời loang lổ, biển cũng loang lổ… Một con thuyền lạc giữa mênh mang…

– Biển động!

Nhà sư bình thản toạ thiền. Ngọc Thư áp lòng bàn tay lên sóng.

– Ngọc Cầm vừa chạm tới đáy là biển động!

– Điều bần tăng cần nói với tiểu thư Ngọc Cầm trở thành vô nghĩa mất rồi…

Ngọc Thư rút tay lại vì nước biển đột ngột lạnh:

– Vậy còn với ta… chẳng lẽ thầy không có điều gì muốn nói với ta hay sao? Thầy có sợ rằng sẽ có một ngày điều ấy trở nên vô nghĩa…

– A di đà Phật…

Nhà sư nhắm mắt cố định thần rồi đưa tay mở tay nải.

Ngọc Thư chết lặng người. Nàng sững sờ. Trước mặt nàng là pho tượng Phật được điêu khắc tinh vi, màu sắc tươi tắn như đang sống động. Nhưng sự tinh tế trong từng đường khắc không khiến nàng kinh ngạc. Nàng bị choáng váng bởi hình thù quái dị của pho tượng. Một Phật Ông và một Phật Bà đang ôm nhau, nét mặt hoàn toàn thoát tục, mọi chiếc áo cà sa đều trở nên vô nghĩa… Ngọc Thư rón rén rờ tay khắp pho tượng, nàng vẫn im lặng, chưa hết sự hoảng loạn.

– A di đà Phật…

– Thày vẫn có thể đi theo Phật A di đà được ư? Bức tượng đẹp nhưng là vật dị giáo…

Nhà sư chợt bật cười lớn át cả sóng đang mỗi lúc một dữ dội. Tiếng cười của nhà sư như được cất lên từ cõi sâu hun hút.

– Đôi khi ta vẫn luôn tự hỏi mình rằng thày có phải là người theo Phật?

Nhà sư lại càng cười lớn hơn… cười như chưa bao giờ được cười… cười khiến những đám mây cọ vào nhau thành tiếng sấm…

– Tại sao nàng không cười đi! Đây là bức tượng Phật Đại Hoan Hỉ … Tại sao nhìn thấy Phật Hoan Hỉ, nàng lại hoảng sợ tới vậy? Nàng muốn nghe điều ta muốn nói với nàng kia mà…

Ngọc Thư đỏ mặt quay đi. Thuyền chòng chành khiến nàng bám chặt vào thành thuyền. Nhà sư đột ngột gỡ tay nàng và nắm thật chặt, gối chàng quỳ xuống đè lên tà váy Ngọc Thư.

– Nàng đã bao giờ nghĩ tới nếu Thích Ca, Lão Đam, Khổng Khâu cùng sống với nhau thì như thế nào chưa? Chỉ có những kẻ bám theo gấu áo của ba ngài mới nhốn nháo tranh cãi nhau và đưa ra trăm vàn giới luật… Những kẻ ấy chẳng bao giờ xót thương để biết đem chôn và hoá duyên cho những bức tranh trong một ngày xuân… Ta chẳng muốn đi theo ai… Ta chỉ muốn đi trên con đường của ta giữa bể khổ và chẳng cần biết đến quay đầu… Ai không phải chết, chết giữa bể khổ và chết trên bờ thì có gì khác nhau?

Bức tượng Phật Hoan Hỉ rơi tùm xuống biển. Phật Bà chìm trước, Phật Ông chìm sau giữa muôn trùng tăm tối. Hai vị Phật ở dưới đáy sâu vẫn sẽ ấp ủ sự hoan hỉ. Này thì “định”, này thì “tuệ”… đều chẳng là gì giữa màu đen của biển khơi.

Trên mặt nước, sóng vẫn chồm cao. Sét rạch ngang bầu trời mặt biển như muốn xé đôi tất cả để tìm thử xem pho tượng Hoan Hỉ đang nằm ở đâu dưới đáy sâu vạn dặm kia.

———-

Chú thích:

19 -Phật Hoan Hỉ là một trong số những bức tượng thờ Phật của phái Mật Tông. Phật Hoan Hỉ có hình thù của đôi trai gái loã thể, tượng trưng cho sự thoát tục, người nam đại biểu cho “tuệ”, người nữ đại biểu cho “định”, như hai bánh xe của một cỗ xe, như một con chim có hai cánh. Hai thân thể nam nữ ôm nhau đã thể hiện sự thành công về cả trí tuệ lẫn phương pháp, gọi là “bi trí tương hợp”, nam nữ tương hợp là một con người hoàn chỉnh, là một sự viên mãn đầy đủ. Bức tượng cũng thể hiện cho việc song tu sẽ sớm thành Phật.

KẾT

“Ai đếm nổi bao cánh đào rơi buổi xuân tàn? Ai thấu hết thanh hương từ bầu rượu sen đang lênh láng trên mặt bàn… Gót hài kia đang đi về đâu thế? Đất trời rộng bao la làm vậy mà sao chẳng nơi nào có thể là nơi ta tung cánh tự do? Thế gian chua ngoa, độc ác đâu có chỗ cho những cánh hoa đào mỏng mảnh sống qua được mùa xuân…

Tại sao ta còn cố đi tìm một bức tranh chân thiện, chân mỹ? Gót hài của nàng… gót hài của nàng… Không kẻ nào có thể chiếm đoạt, cưỡng bức…”

Chàng thư sinh gạt tay! Bầu rượu vỡ tan tành trên sàn gỗ. Những giọt rượu lăn dài qua kẽ hở giữa hai tấm ván, trườn nhẹ trong thinh không rồi chìm dần trong đáy nước xôn xao của Dâm Đàm.

Mười đầu ngón tay như những bước chân của loài dã tràng trên cát chạy dài lên sợi tơ đàn bật ra dải âm thanh day dứt khôn nguôi. Cứ mỗi một phím tơ rung lên là một bông hoa đào rụng xuống trước hiên.

– Ta biết là ngươi sẽ xuất hiện! Ta biết… ta biết…

Chàng giật mình nhìn về phía cánh cửa gỗ dẫn ra thuỷ đình. Thánh thượng đã lặng lẽ đứng đó từ khi nào.

– Ta biết vì ngươi mà nàng lánh xa ta… ta biết ngươi sẽ quay lại Cầm Thư quán để tìm nàng… Ta không biết ngươi là ai, nhưng mỗi lần nhìn thấy bức tranh kia, ruột ta như đứt đoạn… Ngươi còn về đây để làm gì?

Một phút im lặng kéo dài! Im lặng tới còn nghe thấy cả những bông hoa đào chạm vào nền gỗ ướt mưa. Bất chợt, chàng thư sinh ngửa cổ dốc ngược bầu rượu sen. Lần đầu tiên trong cuộc đời chàng thấy rượu đang thiêu đốt cổ họng tan thành tro bụi. Chàng cười lớn, cười thật lớn để thổi cao ngọn lửa đang bừng bừng.

– Ngươi đam mê nàng ư? Không! Ngươi chỉ muốn chiếm giữ cả thân xác, cả tâm hồn, cả khúc “Hải du” của nàng thôi… Kẻ làm vua… Kẻ làm vua bao giờ chẳng coi những điều chân thiện, chân mĩ như vàng bạc, châu báu trong kho… Ngươi hãy ra khỏi đây đi… Cầm Thư quán không phải chỗ cho kẻ dơ bẩn như ngươi. Hãy về với cung vàng điện ngọc của nhà ngươi, hãy ôm ánh hào quang của ngươi vào lăng mộ để muôn vàn bóng ma nhảy múa ngợi ca, đừng bắt nàng hay ta phải khuất phục trước ngươi…

Lại một khoảng im lặng. Có cơn gió luồn qua vai thánh thượng, khẽ lay bức tranh Ngọc Cầm, làm rung rung gót hài. Thánh thượng giật mình. Bước chân Ngọc Cầm mang theo cơ man nào là đào hoa đang đi xa dần ngài… ngài sẽ không bao giờ với tới. Bất giác, ngài thở dài… quay đi…

Chàng nghe tiếng kẽo kẹt của mái chèo xa dần. Chàng lại tiếp tục say hương rượu.

Kìa lửa! Lửa! Lửa lan bốn phía tường. Lửa cao dần ngút trời khói. Tiếng cười của chàng như rạch lửa xao động cả mặt hồ. Hơi khói lẫn vào hơi rượu sen.

“Nàng đang đi đâu thế? Đợi ta cùng đi! Ta sẽ nhặt từng cánh hoa đào còn vương vất giữa quãng đường mòn… Ở chốn ấy, không có cánh đào rơi… không có những kẻ luôn muốn cưỡng đoạt nàng để biến nàng thành thứ ngọc ngà, vàng bạc… không có biển và chẳng có đất liền… Nơi ấy là nơi ta và nàng đã ra đi để bây giờ lại cùng nhau trở về… Chờ ta cùng về…”

Tia chớp rạch ngang trời! Bầu rượu sen trên tay chàng rực lửa đỏ. Lửa cũng rơi xuống đáy hồ… Tro tan thành bọt nước…

Giữa đống tro tàn nhú lên một búp hoa trắng muốt tựa trăng thu, he hé hàm tiếu – một loài hoa sương lẫn tuyết, thấm hồn trinh nữ nở trong đêm.

Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2005

H.T.N.

Nguồn: http://bookhunterclub.com/13491-2/

Comments are closed.