Chùa làng, vốn là tài sản của làng, “một đêm thức dậy thành chùa phố”

Bài và ảnh: Trần Trung Chính

Sáng thật sớm, sương ban mai chưa tan, tôi đã thấy cậu bé hàng xóm dắt bà nó qua đường vào chùa Phương Viên (Hà Nội) và biết hôm nay là ngày rằm hay mùng một. Hình ảnh ấy làm tôi nhớ những năm ở quê theo bà nội ra chùa La (Nam Định), rồi theo mẹ tôi lên chùa Chân Tiên (Hà Nội) chỉ cách nhà chừng mươi phút đi bộ, hoặc ở thành phố Bagan (Myanmar) là cô bé chân trần bám thummy (váy) mẹ trên con đường đất đỏ tỏa bụi mịn dẫn đến những ngôi chùa tháp thấp thoáng sau những rặng cây thưa…

Vô lượng Phật

Đô thị nào chẳng vốn là nông thôn xưa, Hà Nội cũng vậy, ở châu thổ Bắc kỳ của “Nền văn minh nông dân” (Pierre Gourou 1900 -1999) làng nào cũng có chùa. Hà Nội thành hình từ những cái làng, hơn trăm ngôi chùa hiện có của thành phố này (không tính quốc tự – chùa của nước) hầu hết là chùa của làng, nhiều chùa vẫn mang “tên cộc” làng xưa (Sủi, Sét, Đậu, Láng…).

Trong 13 loại tài sản công của các làng châu thổ sông Hồng (ruộng, đường, nghĩa trang, chợ, đình, đền, miếu, ao, giếng, điếm, cầu, quán…) có chùa. Đô thị hóa như vết dầu loang ôm trọn hết thảy chúng vào nó, nhưng “cơn siêu bão” đô thị hóa lại làm ra số phận khác nhau của mỗi loại tài sản. Đình chẳng hạn, thường bị “quốc hữu hóa” và biến mất rất nhanh.

Thí dụ làng Phương Viên xưa có ba không gian, công trình lớn: chợ, chùa, đình, thì nay còn chợ Đức Viên và chùa, đình Phương Viên chẳng còn dấu vết dù xưa cách chùa chưa đến 100m.

Chùa Phương Viên (phố Trần Xuân Soạn, Hà Nội)

“Cơn siêu bão” đã phá vỡ toàn diện cấu trúc làng này (không gian, dân cư, sinh kế…) mà “to như cái đình” chỉ là một hình ảnh tiêu biểu. Cách đây dăm năm dân phố quanh “nền đình Phương Viên xưa” (chỗ giao phố Trần Xuân Soạn – Lê Ngọc Hân bây giờ) còn kháo nhau có mấy cụ từ đâu đến xin phép vào cái ngõ đầu phố đã chi chít nhà cửa, để thắp hương. Thì ra các cụ vốn người làng Phương Viên thuở nào dắt nhau về “tưởng niệm di sản” ở chỗ đã từng là đình làng mình. Vâng, vẫn trên mảnh đất ấy, nhưng người làng cũ đã phiêu bạt tứ tán, người mới về phố thậm chí còn chẳng biết cái nhà họ ở đang “đè lên cái đình”.

Hẳn có nhiều lý do để chùa sống sót sau “cơn siêu bão và cuộc xã hội đổi thay kinh hồn”, trụ lại được trong phố, như dân ta (cả ông chính quyền nữa) vốn sợ Phật hơn các vị thành hoàng làng, họ không dám quá phạm vào chùa. Hoặc dẫu chùa, đình… vốn cùng là tài sản của một làng cụ thể, nhưng “Trống làng nào làng nấy đánh/Thánh làng nào làng nấy thờ”, nên khi tổ chức làng tan vỡ, đình mất luôn vai trò tâm linh địa phương.

Nhà chùa phát lộc ngày rằm.

Còn “Phật pháp vô lượng”, là tôn giáo toàn cầu, không bị giới hạn lãnh thổ, tiếp tục “tỏa bóng thiêng” cho đông đảo bá tánh thập phương chẳng cứ là thành viên của làng (nhân tiện nói người Việt tha hương khắp thế giới đến xứ nào cũng tìm cách xây chùa, chứ không phải đình, cũng bởi lý do đó).

Rằng, đình “một không gian của đàn ông”, là “trụ sở hành chính lẫn chốn tụ bạ đánh nhắm của các bác nhiêu xã…” đã mất sức yểm trợ từ cộng đồng nam giới theo địa dư, trong khi đàn bà ở đâu đâu cũng một cách nhẫn nhịn của giới tính, vẫn thầm lặng bền bỉ công quả vào chùa. Còn thêm lý do mà người ta hay nói đến, giữa thời tao loạn này con người mất khá nhiều niềm tin vào đủ thứ, thì lại phải rủ nhau đặt niềm tin nơi Đức Phật (không tin lấy gì sống?).

Có thể với phép cộng thảy các lý do cho thấy Phật giáo Việt Nam trong hình ảnh ngôi chùa trong đô thị, đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, đang phục hồi, theo nghĩa được chính quyền trả lại toàn bộ hay một phần và đã được sửa chữa, xây mới khá nhiều.

Sống Phật

Quý bạn nào đã đi Trung Quốc, Myanmar, hẳn đều thấy các công trình Phật giáo cổ xưa của họ thường lớn hơn chùa Việt. Tôi không có ý so sánh về quy mô công trình mà công sức lao động của mỗi dân tộc kết tinh trong đó, vì với hơn 3.000km đê sông, đê biển ở đồng bằng Bắc bộ làm ròng rã nhiều thế kỷ thì “nó (đê) nhắc ta nhớ lại những công trình tập thể to lớn mà con người đã thực hiện được: Kim tự tháp Ai Cập, đền tháp Angkor” (Pierre Gourou – Người nông dân châu thổ Bắc kỳ).

Đại khái tôi hiểu cái gì cần phải thật to thì ông bà mình cũng đã làm rồi, kém gì thiên hạ.

Một gia đình hành lễ ở chùa Vàng Shwedagon (thành phố Yangon, Myanmar).

Nên chùa Việt có các lý do để nhỏ một cách “đủ dùng”. Cũng vẫn theo Pierre Gourou, vào những năm 1920 vùng châu thổ Bắc kỳ có khoảng 7.000 làng xã (tạm ước chiếm hơn 50% số làng xã cả nước), thì cũng tạm ước có tới chừng 7.000 ngôi chùa. Nhỏ vì trước hết nó cần tương ứng với nhu cầu sử dụng của mỗi làng xưa (phổ biến dưới 1.000 người).

Thứ nữa, hầu hết các ngôi chùa sử dụng những vật liệu tại chỗ (gỗ, gạch…) tái tạo được, không phải khai thác từ xa, không hủy hoại môi trường, và cũng không mất quá nhiều thời gian để xây cất.

Còn thêm, nhu cầu tâm linh, tu dưỡng tinh thần là thường xuyên như ăn uống, người trong làng có thể đến chùa làng mình bất cứ lúc nào lòng họ cần, mà không phải đi xa (mất chi phí giao thông, thời gian… kiểu như ở trỏng ra tận Bái Đính, Ninh Bình mới thấy Phật). Sự phân tán với quy mô nhỏ của hệ thống chùa Việt đáp ứng nhu cầu thường xuyên đó, khá thiết thực còn vì nhỏ dễ sửa chữa, trùng tu, bảo quản.

Chùa phố hôm nay cũng vậy, còn nhỏ hơn diện tích vốn có do bị lấn chiếm, do bị xén đất mở đường… Vào khu phố cổ Hà Nội thấy lắm chùa “lòi ra mặt phố” không còn sân, tín đồ ngồi nghe Pháp lẫn tiếng còi xe, loa đài xập xình. Chẳng sao, miễn dân phố chỉ dăm bước chân đã được vào chốn bình yên của lòng mình.

Đại để quy mô nhỏ và sự phân tán của hệ thống chùa ít nhiều thể hiện hoạt động sống người Việt (gọi là bản sắc càng oai), là luôn tìm cách nương vào các điều kiện tự nhiên nuôi dưỡng họ. Điều mà lắm quý vị cùng mấy “sư ông đại gia” hôm nay mồm gọi là “thân thiện với môi trường”, nhưng tay lại “chặt rừng, bạt đồi, phá núi” xây những tòa chùa khổng lồ, mở hàng trăm loại dịch vụ hốt tiền, đưa nó thành “một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận”.

Chùa tháp ở Bagan – Myanmar vẫn được ghi nhận của tư nhân và họ có trách nhiệm bảo quản, chăm sóc.

Nói gì cũng nên quay lại chuyện “chùa phố”. Sở dĩ hưng thịnh vì ngoài chừng hai mươi lễ trọng mỗi năm (tính từ ngày 8.12 âm lịch lễ Phật Thích Ca thành đạo của năm trước đến 17.11 âm lịch năm sau) cùng những ngày rằm, mùng một và tổ chức các khóa tu, khóa thiền chữa bệnh… thì chùa phố còn cung cấp kha khá các “dịch vụ” như nhận chủ trì lễ động thổ, cất nóc, nhập trạch, nhận bán khoán con (một cách cha mẹ gửi mệnh đứa trẻ “khó nuôi” vào chùa), viết các loại sớ, dâng sao giải hạn, nhận làm cỗ chay; nhận, phát đồ từ thiện, nhận cầu siêu cho người vừa mất, nhận làm lễ thất thất lai tuần, nhận tiếp nhận linh vị người chết vào chùa… cho cư dân phố.

Ở đây không bàn chuyện sai-đúng, phân biệt tín ngưỡng dân gian với thực hành tôn giáo, mà chỉ muốn nói chùa phố có thể đã được ủy nhiệm để thực hiện nhiều chức năng thế tục hơn so với chùa làng. Cũng tức là người phố tự nguyện “giao nộp tự do” của họ nhiều hơn cho nhà chùa? Và từ việc kê ra những công việc của nhà chùa, cũng cho thấy tần suất hoạt động của chùa phố dày đặc một cách đáng ngạc nhiên, để một cách tự nhiên giúp phát triển cơ sở vật chất của hệ thống chùa đô thị. Đó chính là cách tồn tại của chùa phố vốn là chùa làng, nhưng đã mất các nguồn lợi thu từ ruộng chùa, từ việc cúng hậu…

Ý tôi rằng người Việt ở đô thị hôm nay vẫn tiếp tục truyền thống của ông bà họ từ chốn thôn ổ, là huy động sức đóng góp của cộng đồng trong tạo dựng và chăm sóc các di sản tôn giáo. Hoặc nói chính xác hơn, dù chùa phố có thể “bị quốc hữu hóa về tài sản”, nhưng vẫn tự do, tự chủ tương đối trong cách vận hành.

Ở Trung Quốc khác, những danh lam thắng cảnh nơi có công trình tôn giáo tôi được biết, hết thảy thuộc về tổ chức của nhà nước. Không thể phủ nhận sự ngăn nắp, sạch sẽ ở những chỗ đó là tuyệt đối trong bàn tay quản lý cứng rắn của chính quyền. Nhưng các không gian đó lại thiếu đời sống thực hành tôn giáo, với phổ biến chỉ hình ảnh những người lặng lẽ đến chiêm bái, thưởng ngoạn một vẻ đẹp đã hết sức sống.

Cảm giác này rõ nhất lúc tôi lên đến tòa tu viện Phật giáo Songzanlinsi của người Tạng (Tiểu Tây Tạng – Vân Nam) lớn mênh mông, giá lạnh, yên lặng hoàn toàn và gần như không bóng người tu hành cùng tín đồ.

Tu viện Phật giáo  Songzanlinsi (Trung Quốc) hầu như chỉ có  khách du lịch.

Ở chiều ngược lại, tôi tìm thấy ở thành phố Bagan (Myanmar) nơi có hàng ngàn ngôi chùa tháp sáng ánh hoàng kim lúc ban mai hay hoàng hôn. Nơi nhà nước chỉ quản lý (thực ra rất nhàn vì dân Myanmar phần lớn theo đạo Phật) một số chùa lớn do các vua đời trước xây cất. Số nhiều chùa tháp nhỏ còn lại là của tư nhân xây, hiện vẫn thuộc sở hữu tư nhân.

Bạn có thể thấy ở trước mỗi ngôi chùa tháp nhỏ này một tấm bia đá, trên bia khắc số của tháp và tên chủ nhân công trình, trách nhiệm bảo quản, tu bổ thuộc về họ. Tôi hỏi người hướng dẫn nếu chủ ngôi chùa tháp không ở Bagan, không có điều kiện về chăm sóc ngôi tháp của mình thì sao? Câu trả lời là các công trình đó có thể đã được xây cách đây nhiều thế kỷ, được nhiều thế hệ gia đình duy tu, nay nếu họ không còn ở thành phố thì anh em, bà con họ vẫn chăm sóc…

Thậm chí nếu dòng họ đó không còn ai ở Bagan thì cộng đồng người Myanmar tại nơi anh ta đang ở (Thái Lan hay Mỹ chẳng hạn) sẽ quyên góp tiền bạc giúp chăm lo nơi thờ Phật tại quê nhà.

Đó là đời sống Phật, chọn từ này hay từ khác chỉ mang sắc thái khác nhau chút ít, tựu trung đều bao chứa lối thực hành tôn giáo rộng nhất, không chỉ giới hạn ở các hành vi lễ bái, tụng niệm… mà trong cách người ta tạo dựng và nuôi dưỡng tài sản tôn giáo qua các thế hệ. Nghĩ về chuyện này, tôi thấy có lẽ người Việt chúng ta đã tạo ra thiết chế bảo tồn di sản Phật giáo gần người Myanmar hơn người Tàu.

Năm nay mấy cây hoa sữa quanh chùa Phương Viên nở “nhị độ hoa”, hẳn giao thừa Canh Tý sắp đến sẽ có mưa ấm. Trong làn mưa xuân ấy tôi lại như được thấy chú bé dắt bà nó sang chùa, ước mình được cõng trên lưng thằng cháu còn ngái ngủ, hòa vào dòng người đi bái Phật trong những giờ đầu tiên của năm mới và tiếng chuông chùa đã vang khắp phố…

(Bài cũng đăng trên báo Người Đô Thị)

Comments are closed.