Cuộc tình ngắn sau cuộc nội chiến dài

Tạp bút Nguyễn Xuân Nghĩa

Hắn quê tôi – một xã làm nghề biển của huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Hắn chỉ ít hơn tôi 3, 4 tuổi, nhưng vì thứ bậc trong họ, hắn phải gọi tôi bằng chú. Hắn chỉ học hết lớp 4 rồi bỏ học, lý do thứ nhất: không quân Mỹ ném bom Miền Bắc, lý do thứ hai, học không vào, học thêm “cũng chẳng mần được cái chi!” (phát âm theo phương ngữ).

Bỏ học, hắn làm “liền em” trên thuyền đánh cá của bố hắn. Người dân quê tôi gọi thanh niên mới vào nghề đánh cá là “liền em”.

Năm 17 tuổi, hắn bị binh chủng hải quân gọi nhập ngũ.

Vì trình độ học vấn thấp, bơi lội giỏi hắn bị phân vào đơn vị đặc công hải quân (đặc công nước – cách gọi thứ hai). Hắn tập bơi, lặn với một ống thở ngậm miệng, ôm thuốc nổ hẹn giờ tiếp cận tàu chiến đối phương, gắn vào tàu và bơi nhanh ra vùng nước an toàn…

Chiến thuật này xưa như, lạc hậu như trái đất nên đơn vị đặc công nước của hắn chưa tham gia trận đánh nào. Hắn cũng chưa bắn một phát đạn bộ binh nào về phía đối phương dù đơn vị của hắn tập cả cách tác chiến của thủy quân đánh bộ.

Ba ngày sau ngày 30/4/1975, khi bộ binh Bắc Việt đã tràn ngập Sài Gòn, tàu hắn cập cảng Nhà Rồng.

Hắn đứng trên bong tàu với bộ lính thủy có chiếc mũ dính hình mỏ neo và hai dải vải nhỏ bay về phía sau, nhìn vào Sài Gòn. Hắn quên hắn có cái vinh dự là “Chiến sỹ hải quân nhân dân Việt Nam” như đồng chí chính trị viên đơn vị luôn nhắc nhở. Hắn chỉ thấy choáng ngợp trước một Sài Gòn hoa lệ, dù đã qua cuộc chiến…

Theo quy định của đơn vị, mỗi ngày chỉ hai người được lên bờ và phải đi cùng nhau. Số còn lại phải trên tàu trực chiến.

Lần ấy đến phiên hắn được lên bờ với một đồng đội cùng quê.

Hai đứa hắn được trang bị một khẩu K54 để phòng tàn quân “ngụy” manh động. Khẩu súng do hắn giữ. Dù có súng trong người, có bộ quân phục lính thủy, và nhiều lúc cũng gặp các đồng đội là bộ binh đi trên đường phố Sài Gòn, nhưng hắn vẫn thấy lạc lõng, thiếu tự tin. Sài Gòn lớn quá, đẹp quá và lạ quá, không giống Hải Phòng, Hà Nội của hắn.

Chiều xuống hắn cùng đồng đội ngồi nghỉ trên một ghế đá vườn hoa.

Đang ngồi hắn bỗng nghe tiếng hô “cướp, cướp”. Phản xạ của người lính, hắn bật dậy rút súng. Hắn thấy ở phía bên kia có một nhóm người đang đuổi theo một người.

Hắn bắn một viên lên trời. Nhóm người đang chạy đứng lại, chỉ duy nhất một người vẫn tiếp tục chạy. Hắn xác định được đó là kẻ cướp giật. Hắn không thể bắn tiếp vì kẻ cướp giật đã chạy khỏi tầm bắn. Hắn đút súng vào bao, không tiếp tục can dự vào câu chuyện…

Vài phút sau, khi đám người kia giải tán, có một cô gái đi đến. Cô gái làm hắn ngỡ ngàng vì xinh đẹp, vì các động thái tự nhiên, lịch lãm. Trong lúc hắn đang bối rối, cô gái cất lên giọng Sài gòn, êm và mượt:

– Em cảm ơn hai anh “Giải Phóng”.

Thì ra cô gái là nạn nhân của vụ cướp. Nhờ phát súng bắn lên trời của hắn, tên cướp giật phải vất dây chuyền lại để tháo thân. Cô gái thu hồi sợi dây và đến cảm ơn hai người

Họ làm quen nhau. Đúng hơn cô gái chủ động làm quen với hắn khi biết hắn là người bắn phát súng. Còn hắn hoàn toàn bị động. Hơn cả bị động, hắn lúng túng. Hắn quê mùa, thật như đếm. Hắn không có được cái kiêu hãnh “là người giải phóng” như lính bộ binh đã qua trận mạc…

Qua câu chuyện, hắn biết cô gái là sinh viên văn khoa Sài Gòn. Trường của cô bị đóng cửa vì “bộ đội giải phóng” vào. Cô chờ “bộ đội giải phóng” cho mở cửa để tiếp tục đi học… 

***

Tôi tiếp hắn trong căn hộ tập thể độc thân bốn người ở Hải Phòng. Tuy cuối hè của năm 1975 nhưng không khí oi nồng đến ngạt thở. Ba anh bạn chia phòng và phòng bên cạnh ngồi quanh nghe các bài cải lương “Thoại Khanh Châu Tuấn”, “Lan và Điệp”, … phát ra từ chiếc máy quay đĩa của hắn. Hắn không mang ra Bắc Honda, quạt điện, AKAI… Hắn chỉ mang ra Bắc thứ này cùng chục cái đĩa vọng cổ…

Nhưng với tôi, hắn mang ra cả một lá thư tình.

Là lá thư tình của cô gái sinh viên đại học văn khoa Sài Gòn. Nghe hắn kể câu chuyện và được đọc lá thư, tôi tự hỏi trên đời này sao có một mối tình lạ kỳ, mối tình như người bị bịt mắt. Hãy bỏ qua chính trị – một sinh viên văn khoa Sài gòn với một anh lính Bắc mới học lớp 4. Ngôn ngữ của lá thư là thứ ngôn ngữ của văn học châu Âu thế kỷ Ánh Sáng và văn học Việt Nam thời tiền chiến, dùng mô tả trái tim của một thiếu nữ đang yêu hiện tại. Với học vấn lớp 4 của một thanh niên mộc mạc, đơn giản, quê mùa như hắn, làm sao hắn hiểu hết những từ ngữ đó. Tôi hỏi:

– Cháu tính thế nào?

– Tui (tôi) ra quân, về quê, đi giã (đánh cá), lấy vợ…

– Thế còn cô sinh viên văn khoa Sài Gòn?

– Tui có dịp nào vô Sài Gòn nữa mô! Thư trả lời tui cũng không biết viết.

Đêm đó, tôi không thể ngủ. Tôi không ngủ không chỉ vì trên cái giường chỉ rộng 80cm phải chứa hai người nằm, trong tiết trời oi bức mà còn vì câu chuyện tình ngắn ngủi của hắn. Tôi cảm thấy tôi cô đơn hơn mọi đêm. Ngày ấy, tôi đã quen một cô gái cùng thành phố, rồi biết ở cô ấy không có gì để yêu… Rồi tôi ước: “Giá cô sinh viên văn khoa Sài Gòn gặp mình thay vì gặp hắn”.

Ba năm sau, tôi về quê. Hắn đã trở thành một ngư phủ lành nghề với một vợ hai con cách nhau mỗi đứa một năm.

Tôi hỏi:

– Lá thư của cô gái văn khoa Sài gòn đâu cho chú xin?

Hắn nói:

– Vất đâu mất rồi!

Comments are closed.