Cửu Long cuộn dòng biển Đông dậy sóng (kỳ 1)

Sau khi Văn Việt đăng phần 1 bản PDF của tác phẩm “Cửu Long cuộc dòng biển Đông dậy sóng” của nhà văn Ngô Thế Vinh, nhiều bạn đọc đã ngỏ ý muốn được đọc tác phẩm qua văn bản dạng word. Văn Việt đã chuyển ý kiến tới tác giả và nhanh chóng nhận được từ tác giả văn bản nói trên; xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc

Văn Việt

CHƯƠNG I

ZAJIADUJIAWANGZHA ĐI RA

TỪ NGUỒN NƯỚC THIÊNG

Everybody Lives Downstream

(World Water Day 03-22-99)

Vẫn với mối quan tâm bấy lâu về con sông Mekong, không chỉ thuần khía cạnh môi sinh mà cả tính nhân văn của cư dân sống hai bên bờ con sông ấy, Cao đã quyết định mở một “hồ sơ Tây Tạng”cho riêng anh. Có lẽ vì phong cách làm việc ấy cộng thêm với mấy bài viết rất giá trị xuất hiện gần đây của Cao một ngòi bút không chuyên, khiến ông Khắc một ký giả lão thành đã đi tới nhận định lẽ ra Cao phải là một nhà báo thay vì kỹ sư môi sinh.

Khoảng ba trăm triệu năm trước, Tây Tạng còn nằm dưới đáy biển Tethys nguyên là một đại dương mênh mông bao trùm cả diện tích Châu Á và Ấn Độ; Địa Trung Hải là phần còn sót lại của biển Tethys ngày trước. Khoảng một trăm triệu năm trước lúc đó thì chưa có khối đất Ấn Độ tách rời ra khỏi tiền lục địa Gondwanaland. Do hành trình va chạm dữ dội của hai khối tiền lục địa Gondwanaland và Laurasia tạo nên cơn địa chấn với sức ép khổng lồ từ khối đất Ấn Độ dồn lên phía bắc tạo thành một địa hình mới nổi bật là sự hình thành dãy Hy Mã Lạp Sơn và cả vùng Cao nguyên Trung Á.

Xứ tuyết Tây Tạng là vùng đất cao từ 3500 tới 5000m – được mệnh danh là “nóc của trái đất”, diện tích hơn một triệu km2 gần bằng Tây Âu nhưng cô lập với thế giới bên ngoài bởi ba bề núi non hiểm trở: phía nam bao bọc bởi dãy Hy Mã Lạp Sơn, phía tây bởi rặng Karakoram và phía bắc là các rặng Kunlun và Tangla. Riêng phía đông cũng bị cắt khoảng bởi các dãy núi không cao và lũng sâu nhưng thoải dần xuống tới biên giới Trung Hoa giáp hai tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam.

Các con sông lớn như mạch sống cho toàn vùng Châu Á đều bắt nguồn từ Cao nguyên Tây Tạng.

Phía tây, gần rặng núi Kailash là hai con sông Indus và Sutleji chảy về hướng tây nam và giao thoa với ba con sông khác để hình thành bình nguyên Punjab giữa hai nước Ấn và Hồi.

Phía nam là con sông Tsangpo hay “nguồn tinh khiết” với ghềnh thác ngoạn mục xuyên qua dãy Hy Mã Lạp Sơn trước khi đổ vào vịnh Bengal.

Phía đông là khởi nguồn của các con sông lớn khác: hai con sông Irrawaddy và Salween chảy xuống Miến Điện ở phía nam; con sông Dương Tử dài nhất Châu Á với hơn 6500km chảy về hướng đông theo suốt chiều ngang lãnh thổ Trung Hoa tới Thượng Hải, còn Sông Hoàng – Hoàng Hà thì chảy về hướng bắc rồi sang đông tới tận Thiên Tân – Tianjin, cả hai cùng đổ ra biển Trung Hoa.

Riêng con sông Mekong hay Dza-Chu “nguồn nước của đá” thì chảy dài hơn 4000km về hướng nam băng qua những hẻm núi sâu và hoang dã của tỉnh Vân Nam với tên Trung Hoa là Lancang Jiang – Lan Thương giang “con sông xanh cuộn sóng”, qua biên giới Lào Thái mang một tên khác Mae Nam Khong “con sông mẹ”, xuống Cam Bốt lại mang một tên khác nữa Tonle Thom “con sông lớn” cuối cùng đổ qua Việt Nam mang tên Cửu Long “chín con rồng” với hai nhánh chính là Sông Tiền và Sông Hậu đổ ra Biển Đông bằng chín cửa sông thắm đỏ phù sa.

Phía tây bắc Tây Tạng là vùng đất hoang đông giá gần như không người no-man’s-land trải dài hơn 1200km từ tây sang đông. Phía nam là vùng núi non với thảo nguyên, nơi sống của dân du mục với các đàn cừu dê và những con bò Yaks. Bò Yaks đúng là một giống vật kỳ lạ khiến đức Đạt Lai Lạt Ma phải gọi là “một giống vật trời cho người dân Tây Tạng”, không những to khỏe với bộ lông dài sống trên cao độ 3000m, có thể chở tải đồ nặng và là nguồn thịt của người dân Tây Tạng, riêng giống bò cái tên Dri thì cho rất nhiều sữa. Nếp sống của họ vẫn vậy như từ hai ngàn năm trước.

Phía đông là tỉnh Kham và đông bắc là Amdo (quê hương của đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14) là vùng trù phú và đông dân nhất. Thứ đến là những vùng đất phía nam nơi khí hậu bớt gay gắt, nơi có con sông Tsangpo như một mạch sống với phong phú những phụ lưu.

Người nông dân Tây Tạng chủ yếu trồng lúa mạch, khoai tây là hoa màu phụ. Khí hậu thay đổi bất thường như mưa đá, đông giá hay hạn hán nên mùa màng luôn luôn bị hư hại. Nguồn thực phẩm ổn định hơn là nuôi gia súc ngoài bò Yaks còn có trừu, dê và gà để lấy trứng. Tsampa bột lúa mạch sấy là món ăn thường nhật của người Tây Tạng cũng như gạo đối với người dân vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Theo thống kê của Trung Hoa (1982) có 3.87 triệu người Tây Tạng “sống trong nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc”.

Tây Tạng là hình ảnh mênh mông của thảo nguyên với núi cao và lũng sâu, bầu trời thường thì trong xanh như ngọc. Những người dân Tây Tạng thì đơn sơ và hiếu khách nhưng họ là một dân tộc đang phải sống trong nô lệ và chịu nỗi khổ đau vô hạn.

Đạo Phật du nhập vào Tây Tạng 12 thế kỷ sau khi Phật Thích Ca nhập niết bàn, khoảng thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên. Khí Tông Cương Tán – Songtsen Gampo một tù trưởng tài ba đã thống nhất được các bộ lạc rất hiếu chiến trên vùng băng tuyết tới chân Hy Mã Lạp Sơn, cưới công chúa Nepal xứ sở của Phật giáo làm hoàng hậu và chính nàng công chúa này đã du nhập đạo Phật vào Tây Tạng. Cũng vị vua Tây Tạng này đã đem quân sang đốt phá thành Lạc Dương khiến vua Trung Hoa đời nhà Đường phải nghị hòa và gả công chúa cho Khí Công Cương Tán, nàng công chúa dòng Hán này cũng đem đạo Phật vào Tây Tạng. Đạo Phật từ đó đã phát triển rất mạnh trên vùng đất mới hòa nhập với tín ngưỡng Bon đa thần để biến thể thành một thứ đạo Phật cao siêu và thần bí. Nguyên là dân du mục thuộc những bộ lạc rất hiếu chiến, người dân Tây Tạng dần dà thấm nhuần tư tưởng từ bi của đạo Phật qua nhiều thế kỷ họ trở nên hiếu hòa hơn trong giao tiếp với lân bang.

Tới thế kỷ 14 một vị chân tu tên Tống Cáp Ba – Tsongkhapa sáng lập nên phái Hoàng Mão Hoàng Y của Phật giáo chính thống Tây Tạng. Người thừa kế sau khi ông mất cũng là một vị chân tu tên Gendun Drup được toàn thể giới tăng lữ suy tôn làm Đại Lạt Ma (Lama là một từ Tây Tạng có nghĩa là ông thầy), ông có công phát huy đạo Phật đồng thời cũng xây dựng được một nền hành chánh kết hợp với giáo quyền trị vì quốc gia Tây Tạng. Vị đại sư mưu trí này đã đặt ra quy luật tái sanh của Đại Lạt Ma theo đó khi chết linh hồn vị Đại Lạt Ma sẽ nhập vào một trẻ sơ sinh như hiện thân của Bồ Tát Quán Thế Âm – Bodhisatva Avalokitesara. Bổn phận của toàn thể tín đồ là phải tìm cho ra đứa trẻ đó, nuôi dạy theo giáo lý để sau này tiếp tục điều khiển quốc gia Tây Tạng.

Cũng chính vị Đại Lạt Ma này đặt thêm ra chức vị Ban Thiền Lạt Ma – Pachen Lama mà người Trung Hoa gọi là Phó Hoạt Phật như hiện thân của Phật A Di Đà đặc trách tế lễ.

Tới thế kỷ 16, do bị các giáo phái khác chống đối dẫn tới sự can thiệp của quân Mông Cổ, sau đó thì chính Đại Hãn Mông Cổ là Altan Khan cảm phục kiến thức cao sâu của vị đại sư nên cũng xin quy y, đồng thời phong tước cho vị Đại Lạt Ma là Đạt Lai Đạt Ma – Dalai là từ Mông Cổ có nghĩa biển cả, bao hàm kiến thức mênh mông.

Tiếp sau đó là thời kỳ cực thịnh của Phật giáo Tây Tạng ghi dấu bằng công trình xây cất Lâu Đài Mùa Đông – Cung Điện Potala 1000 phòng của các Đạt Lai Lạt Ma, được coi như một kỳ quan kiến trúc của thế giới.

Nhưng ngôi chùa Jokhang mới chính là di tích cổ kính nhất, được xây dưới triều vua Khí Tông Cương Tán, nơi chứa tượng Phật do công chúa Nepal thỉnh về; kỳ quan của chùa là tấm bia đá trước chùa như di tích lịch sử về một quá khứ hùng mạnh của quốc gia Tây Tạng, đã từng gây khốn đốn cho vua Trung Hoa đời nhà Đường. Trên tấm bia là bản hiệp ước được phê chuẩn bởi Đại Hoàng đế Tây Tạng và Đại Hoàng đế Trung Hoa vào năm 821- 822 khắc bằng hai thứ tiếng Tây Tạng và Trung Hoa với nội dung “thỏa thuận cùng nhau về sự liên minh giữa hai quốc gia… tìm cách ngăn ngừa những nguyên nhân gây tàn hại cho hai xứ sở bây giờ và mai sau… để mang lại hòa bình lâu dài cho thần dân hai xứ. Thỏa ước được khắc trên bia này để cho các thế hệ tương lai được biết tới.”[sic]

Giữa thời kỳ hưng thịnh của quốc gia Tây Tạng [618-907] thì Việt Nam lại đang phải sống trong tối tăm nhục nhã dưới ách thống trị của người Tàu với cái tên An Nam Đô Hộ Phủ.

Nhưng rồi cũng không tránh được lẽ thịnh suy, những thế kỷ sau đó Tây Tạng bị Trung Hoa xâm lấn, thủ đô Lhasa thường xuyên bị chiếm đóng. Đến đầu thế kỷ 20 khi triều đình Mãn Thanh bị cuộc Cách Mạng Tân Hợi lật đổ, nhân dân Tây Tạng đã vùng lên đuổi hết quân xâm lăng và tuyên bố độc lập nhưng đã gặp phải sự thờ ơ đến tàn nhẫn của cả thế giới. Trung Hoa cho dù dưới thể chế chánh trị nào vẫn xem Tây Tạng như phần lãnh thổ của mình.

Năm 1933 khi đức Đạt Lai Lạt Ma 13 viên tịch, tương truyền rằng người ta thấy mặt ngài thay vì xoay về hướng nam thì lại ngoảnh sang hướng đông bắc. Kết hợp với một số điềm báo triệu khác, các vị trong hội đồng giáo phẩm đã tới được ngôi làng Takster thuộc tỉnh Amdo miền đông bắc Tây Tạng và họ đã tìm ra đứa trẻ hai tuổi tên Lhamo Thondup nguyên là con thứ tư trong một gia đình nông dân nghèo khó, sau một chuỗi những trắc nghiệm thử thách, cậu bé được công nhận là hiện thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 với tên hiệu Tenzin Gyatso.

Amdo lúc đó đang thuộc quyền kiểm soát của Trung Hoa nên phải trải qua hai năm thương thuyết khó khăn, cậu bé Tenzin Gyatso và đoàn tùy tùng mới được rời Amdo để lên thủ đô Lhasa và được đưa vào Cung Điện Mùa Hè Norbulingka rồi Cung Điện Mùa Đông Potala để được nuôi dưỡng và giáo dục đúng theo giáo lý bởi những vị cao tăng uyên bác. Trong thời gian đó, một quan nhiếp chính được chỉ định để lo việc nước.

Tình hình trở nên tệ hại khi Tưởng Giới Thạch bị thua phải chạy ra đảo Đài Loan, Hồng Quân chiếm trọn Hoa Lục đồng thời cũng xua quân vào cưỡng chiếm Tây Tạng với chiêu bài “giải phóng nhân dân Tây Tạng đang bị giai cấp phong kiến áp bức.”

Cho dù có sự đồng thuận của dân Tây Tạng hay không thì cũng đã có ngay từng đợt hàng chục ngàn binh lính Trung Cộng tiến vào Tây Tạng, kéo theo sau là gia đình của họ. Khác xa với hứa hẹn ban đầu bảo đảm tự do tín ngưỡng và phong tục tập quán của dân Tây Tạng, họ mở ngay chiến dịch chống tôn giáo, đồng thời thi hành “chánh sách tàm thực” không ngừng di dân gốc Hán vào đất nước Tây Tạng.

Năm 1950, do nhu cầu cấp bách của thời cuộc, ở cái tuổi mới 16, Tenzin Gyatso đã phải rất sớm đứng ra đảm đương mọi trách nhiệm chánh trị điều hành quốc gia Tây Tạng. Năm 1954, Gyatso bị đưa sang Trung Quốc gặp Mao Trạch Đông trong ý muốn thuyết phục vị Lạt Ma trẻ tuổi ấy chấp nhận một xứ sở Tây Tạng sát nhập vào trật tự nước Trung Hoa.

Trước nguy cơ diệt vong, năm 1959 nhân dân Tây Tạng lại nhất loạt nổi dậy, kéo quân về kinh đô Lhasa nhưng đã bị Hồng Quân trấn áp và tàn sát không thương tiếc. Trong cuốn tự truyện Tự Do Trong Lưu Đầy – Freedom in Exile, Tenzin Gyatso viết:

“Trong gần một thập niên, ở cương vị người lãnh đạo chánh trị và tôn giáo cho dân tộc, tôi đã cố gắng tái tạo mối liên hệ hòa bình giữa hai quốc gia Tây Tạng và Trung Hoa, nhưng trách vụ không thể hoàn thành. Tôi đi tới kết luận là tôi sẽ phục vụ dân tộc tôi được nhiều hơn nếu tôi sống ở nước ngoài”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã dẫn hơn một trăm ngàn dân Tây Tạng vượt biên giới thoát sang Ấn Độ. Bất chấp sự chống đối và cả hăm dọa của Bắc Kinh, chánh phủ Ấn vẫn giúp định cư số người Tây Tạng lưu vong này trong thị trấn Dharmasala dưới chân rặng Hy Mã Lạp Sơn. Một chánh phủ lưu vong Kashag được hình thành như niềm hy vọng sống còn đối với người dân Tây Tạng trong nước.

Phía Trung Hoa bất kể nguyện vọng dân Tây Tạng ra sao, họ vẫn sát nhập quốc gia này vào “Nước mẹ vĩ đại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Tháng 9 năm 1965, Bắc Kinh tuyên bố lập “Vùng tự trị Tây Tạng – Tibetan Autonomous Region” trực thuộc nước Trung Hoa. Và giai đoạn thảm khốc nhất đã diễn ra trong suốt thập niên sau đó khi có cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Cả một di sản văn hóa của dân tộc Tây Tạng bị tận diệt một cách công khai và có hệ thống bởi những đoàn Vệ Binh Đỏ. Các đền đài tu viện bị phá trụi tới tận nền, các tranh tượng tôn giáo bị hủy hoại. Hàng chục ngàn người Tây Tạng bị kết tội “phản động” vì không chịu lên án đức Đạt Lai Lạt Ma và từ bỏ đức tin của họ.

Hai mươi sáu năm sau – tháng 10 năm 1987, không còn kiên nhẫn hơn được nữa, dân Tây Tạng lại vùng dậy và cũng lại bị quân chiếm đóng Trung Cộng đàn áp tàn bạo. Đã có khoảng 1.2 triệu người Tây Tạng bị giết do hậu quả Trung Cộng cưỡng chiếm đất nước Tây Tạng, một con số thật khủng khiếp nếu so với tổng số dân Tây Tạng chưa tới 4 triệu.

Để phối hợp với các cuộc đấu tranh ở trong nước, đức Đạt Lai Lạt Ma đã rời Dharmasala du hành nhiều quốc gia trên thế giới để nói lên nguyện vọng được sống trong độc lập và tự do của nhân dân Tây Tạng.

Đức Đạt Lai Lạt Ma không chỉ là vị lãnh đạo tinh thần của dân Tây Tạng, ông còn là tiếng nói của từ tâm đấu tranh cho nhân quyền và bảo vệ môi sinh cho toàn hành tinh này.

Cách đây ba năm trong một chuyến viếng thăm Úc Châu, dưới áp lực hăm dọa của Trung Cộng, Úc đã phải nhượng bộ, chỉ có ngoại trưởng Úc tiếp đức Đạt Lai Lạt Ma một cách không chính thức.

Nhân chuyến viếng thăm đó, khi được hỏi về con sông Mekong phát nguồn từ Tây Tạng – mà có nhà báo Tây Phương đã ví von là “con sông Danube của Á châu”, và kế hoạch khai thác của Trung Quốc thì đức Đạt Lai Lạt Ma đáp vì phúc lợi của mọi người, nhân dân Tây Tạng sẽ gìn giữ sự tinh khiết của những dòng sông.

Lưu vực sông Mekong chỉ trong vòng hơn hai thập niên gần đây thôi đã có tới ba giải Nobel nhằm mưu cầu hòa bình cho khu vực. Lê Đức Thọ và Kissinger (1973) được chọn do công lao đem lại hòa bình cho Việt nam – thực ra là cho nước Mỹ để họ được yên ổn rút quân để rồi “Après moi, Le Deluge” chưa đầy hai năm sau Bắc Việt xua quân thô bạo cưỡng chiếm toàn miền Nam. Giải thứ hai dành cho đức Đạt Lai Lạt Ma (1989) do kiên trì đấu tranh bất bạo động cho sự sống còn của quốc gia Tây Tạng đang bị thống trị bởi Trung Hoa và niềm hy vọng chỉ là chút ánh sáng le lói ngày càng xa hơn nơi cuối đường hầm. Và giải thứ ba dành cho người phụ nữ mảnh mai Aung San Suu Kyi (1991) cũng đang bền bỉ tranh đấu cho nền dân chủ đất nước Miến Điện với vũ khí là thời gian cho tới khi các ông tướng quân phiệt bị vô hiệu vì lão hóa.

Rõ ràng những “Cành Olive từ Stockholm” chỉ để bày tỏ niềm ước mơ hòa bình nhưng đã không làm trùn được các tay súng và cũng chẳng thể biến được những con diều hâu thành bồ câu.

Tuy chưa từng gặp mặt nhưng là người mà bấy lâu Cao ngưỡng mộ, anh có ý định tìm cách tiếp xúc với đức Đạt Lai Lạt Ma, mời ông là thành viên danh dự của Nhóm Bạn Cửu Long do mối quan tâm của ông trong nỗ lực bảo vệ hệ sinh thái của con sông Mekong.

Trong buổi lễ trao Giải thưởng Nhân quyền 1998 tại Đại Học Georgetown, đức Đạt Lai Lạt Ma tỏ ý ao ước được viếng thăm Việt Nam năm 2000. Chấp nhận hay không cuộc viếng thăm ấy là một thử thách can đảm đối với nhà cầm quyền Hà Nội. Đó cũng là thước đo mức tự chủ của Việt Nam đối với Trung Hoa.

Đức Đạt Lai Lạt Ma còn đề nghị các học giả Việt Nam cung cấp cho các nhà sử học Tây Tạng những sử liệu liên quan tới quan hệ giữa Việt Nam với Trung Hoa.

Bằng trực giác rất nghề nghiệp ông Khắc hiểu rằng đức Đạt Lai Lạt Ma muốn nhân dân Tây Tạng tìm đến bài học Việt Nam, làm thế nào dân tộc Việt vẫn lấy lại được nền tự chủ sau cả ngàn năm đã bị Trung Hoa quyết tâm đồng hóa và đô hộ. Đó như một sứ điệp hy vọng của những người dân Tây Tạng đang bị áp bức.

Nhưng ông Khắc đã thấy ngay một khác biệt sâu xa: trong hơn một ngàn năm ấy Trung Hoa chưa có nạn nhân mãn đất chật người đông, Việt Nam vẫn là xứ xa xôi còn bị coi là man di không phải đối đầu với chính sách tàm thực “di dân Hán hóa” như thảm trạng ngày nay của Tây Tạng. Dân Tây Tạng đang mau chóng trở thành thiểu số trong biển người Trung Hoa ngay trên chính quê hương mình.

Ông Khắc nói:

_ Không phải Khổng Tử mà là Karl Max viết: “Một dân tộc tìm cách nô lệ các dân tộc khác là tự rèn lấy xiềng xích cho chính mình” và Trung Hoa thì đang nô lệ hóa dân tộc Tây Tạng.

Không nhắc gì tới vụ thảm sát Thiên An Môn, ông Khắc tiếp giọng đượm vẻ hài hước:

_ Nói một cách khác một dân tộc có tự do thì không thể xích hóa các dân tộc khác. Đây là phần luôn luôn đúng của chủ nghĩa Mác ngay cả khi nhân loại bước vào thiên niên kỷ thứ Ba.

Chỉ nhận mình là một nhà sư giản dị, không bao giờ tự huyền thoại hóa mình là Phật Sống, chỉ nguyên điều ấy đã khiến Cao càng thêm ngưỡng mộ ông hơn.

Bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, Tenzin Gyatso vẫn luôn luôn là một con người thông minh, nhu hòa không định kiến, vượt lên trên mọi khen chê. Ông là một con người giàu lòng từ bi, hơn thế nữa là con người của tự do. Với tinh thần bất bạo động linh hoạt – active non-violence, ông luôn luôn cố gắng tái tạo mối liên hệ tin cậy và hòa bình với phía thù nghịch cho dù Bắc Kinh không từ một thủ đoạn nào để gây tai tiếng và bôi nhọ ông. Kể cả cuộc tổng nổi dậy đòi độc lập của dân Tây Tạng cũng bị gán ghép cho như mưu đồ thất bại của CIA nhằm chống lại Trung Quốc.

Sự kiện sau khi vị Ban Thiền Lạt Ma hay Phó Hoạt Phật viên tịch, Bắc Kinh đã chọn ngay người thay thế đồng thời bắt giữ Gedhun Choekyi Nyima một cậu bé được đức Đạt Lai Lạt Ma tuyển chọn đúng theo đức tin của người dân Tây Tạng. Gendhun Choekyi Nyima mới được tròn 9 tuổi, đối với thế giới thì đây là “tù nhân chánh trị trẻ nhất” của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Cho dù ngày nay thì Trung Cộng đang cho xây dựng lại một số chùa chiền ở Tây Tạng bề ngoài như một “sửa sai sau Cách Mạng Văn Hóa” nhưng là để thu hút thêm du khách; cùng một lúc họ cho gài công an chìm vào khắp các tu viện, đi xa hơn nữa Bắc Kinh còn cấm người trẻ đi tu và đồng thời cưỡng bách các vị sư già ngoài 60 tuổi phải về hưu trong khi vẫn không ngừng rêu rao “Tự do tôn giáo là điều được ghi trong hiến pháp”.

Nhân chuyến viếng thăm Tây Tạng “như một khách du lịch” ông Khắc đã tìm đến một ngôi chùa nhỏ bên ngoài thủ đô Lhasa. Ông Khắc hiểu rằng nếu chỉ theo đoàn du khách với cô hướng dẫn người Trung Hoa thì mọi sự đều rất êm thấm, cũng như một số khách Tây Phương – kể cả chánh trị gia lão thành Edward Heath cựu thủ tướng Anh, được Bắc Kinh tổ chức cho đi thăm Tây Tạng, khi trở về nói mọi chuyện ở đó đều tốt đẹp. Họ nói thật qua những điều dàn dựng và được phép cho thấy. Và bao giờ cũng vậy, những điều cho thấy ấy là một sự dối trá trắng trợn. Ông Khắc trong suốt cuộc đời làm báo đã có quá nhiều kinh nghiệm về “những sự thực dối trá ấy” khi ông đặt chân tới đất nước Tây Tạng.

Ông Khắc được tiếp trong một nhà khách, cung kính đứng sau vị sư già là một chú tiểu mà ông biết là “quốc doanh” đứng hầu. Ông Khắc được mời ăn một thứ bánh làm bằng lúa mạch giống như bánh xếp và được cho uống chung trà nóng pha muối và bơ Dri hương vị lạ nhưng rất ngon. Sau đó thì vị sư già Tây Tạng 78 tuổi kiếu từ đi ra ngoài khu vườn. Hẹn ông Khắc mà làm như một gặp gỡ tình cờ, khi biết không còn bị công an theo dõi, nhà sư đã thố lộ:

_ Như ông nhà báo biết đấy “tôn giáo không có về hưu”, tôi sẽ còn ở trong tu viện này cho tới chết để rồi tấm xác thân vô thường được “thiên táng” đem chặt ra từng khúc làm thức ăn cho bầy kên kên. Chứ bây giờ còn sống thêm ngày nào tôi chỉ có một ước nguyện sửa sang lại chùa chiền, dạy cho giới trẻ biết thế nào là tín ngưỡng văn hóa của dân tộc Tây Tạng và biết đức Đạt Lai Lạt Ma của họ là ai đang làm gì ở đâu.

Vị sư già quay gót trở vào khi có bóng dáng vẫn chú tiểu hầu ấy thấp thoáng đi ra. Trên cao vẫn là bầu trời xanh với một chút nắng ấm. Chỉ bằng đôi mắt chim có ai mà thấy được là tấn thảm kịch Tây Tạng vẫn cứ đang âm thầm diễn ra trên vùng Đất Tuyết này.

Bây giờ là buổi trưa bên ngoài kinh đô Lhasa, là 8 giờ tối bên California. Ở một nơi gần đỉnh trời này không hiểu sao ông Khắc lại nhớ tới Cao tới những người bạn trẻ mà ông biết chắc rằng mai mốt đây khi trở về bên đó ông sẽ bị họ “tấn công” bằng vô số những câu hỏi liên quan tới chuyến đi Tây Tạng của ông. Đã bước qua tuổi “cổ lai hy” mà xem ra ông Khắc chưa có dấu hiệu nhường bước cho lớp người đi tới ấy.

Cho dù đang có những mối lo âu về sự tồn vong của quê hương nhưng đức Đạt Lai Lạt Ma cũng rất quan tâm tới những vấn đề chung của nhân loại trên hành tinh này. Ông đã đề cập tới vấn đề môi sinh với một tầm nhìn xa và trong mối tương quan rộng lớn:

“Hòa bình và sự sống trên trái đất đang bị đe dọa bởi những hoạt động của con người thiếu quan tâm tới những giá trị nhân bản. Hủy hoại thiên nhiên và các nguồn tài nguyên thiên nhiên là do hậu quả của lòng tham lam và thiếu tôn kính đối với sự sống trên hành tinh này… Chúng ta dễ dàng tha thứ cho những gì đã xảy ra trong quá khứ do bởi u minh. Nhưng ngày nay do hiểu biết hơn, chúng ta phải duyệt xét lại theo tiêu chuẩn đạo đức phần gia tài nào mà chúng ta thừa hưởng, phần nào chúng ta có trách nhiệm sẽ truyền lại cho thế hệ mai sau.

Giống như khi vun xới mối tương quan dịu dàng và hòa bình với đồng loại, chúng ta cũng sẽ hành xử tương tự đối với môi trường thiên nhiên. Chúng ta nên quan tâm tới môi sinh như một toàn thể. Quyết định cứu lấy môi trường phải phát xuất từ trái tim căn cứ trên tình thương, mối quan tâm và sự minh triết.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma năm nay 64 tuổi rồi, vẫn sống lưu vong xa đất nước Tây Tạng. Diễn tiến tình hình trong nước thay đổi từng ngày, một thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên bị tuyên truyền và tẩy não một cách tinh vi đang dần dà bị sói mòn cả đức tin.

Tình hình bên ngoài cũng không phải là lạc quan. Sau ngót 40 năm, những người Tây Tạng lưu vong vẫn chưa có khả năng tự túc về kinh tế. Trong khi quân đội chủ nhà Ấn Độ cũng đã mỏi mệt trong công việc bảo vệ khu tự trị và chánh phủ Ấn thì luôn luôn phải đối đầu với sự căng thẳng ngoại giao với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, cũng sau 40 năm sống bên ngoài đất nước Tây Tạng, một lớp người trẻ đã lớn lên, được hấp thu nền văn hóa Tây Phương, họ có trình độ và hướng về tương lai đất nước Tây Tạng với những ý tưởng mới. Chính lớp thanh niên có học này đã tổ chức những chuyến du hành của đức Đạt Lai Lạt Ma qua Âu Châu, Úc và Mỹ Châu và đã đạt được những thành quả ngoại giao ngoạn mục.

Với Hoa Kỳ, không phải chỉ có chánh phủ mà cả giới làm phim Hollywood cũng đã sản xuất những tác phẩm điện ảnh giá trị hậu thuẫn cho công cuộc tranh đấu của dân Tây Tạng. Kundun phim của nhà đạo diễn lừng danh Martin Sorsese về tuổi thiếu thời của đức Đạt Lai Lạt Ma đã gây xúc động cho người xem và dĩ nhiên cả phẫn nộ cho nhà cầm quyền Bắc Kinh. Chánh phủ Mỹ từ những năm 1990, đã lập Phân Bộ Tỵ Nạn giúp định cư những người dân Tây Tạng bị đàn áp.

Trong nỗ lực phục đạo và phục quốc không phải luôn luôn có sự thống nhất giữa các cộng đồng Tây Tạng lưu vong. Điển hình là các vụ bạo động do nhóm trẻ có tên là Ủy Hội Thanh Niên gây ra. Họ theo một khuynh hướng cứng rắn tranh đấu cho một đất nước Tây Tạng hoàn toàn độc lập tách biệt với Trung Hoa vì theo họ trong suốt mấy ngàn năm lịch sử cho tới khi Hồng Quân cưỡng chiếm Tây Tạng, đất nước họ chưa bao giờ thuộc Trung Hoa và “không ai có quyền thay đổi lịch sử”. Không chỉ bằng lời nói họ cực đoan cả trong hành động: ngay trong khu tự trị Dhamarsala, họ đã đột nhập vào tư dinh của đức Đạt Lai Lạt Ma giết chết mấy cộng sự viên của ông với tội danh gán cho là đã nhượng bộ Trung Hoa. Bom cũng đã nổ ở Lhasa khi tổng thống Mỹ Clinton viếng Trung Hoa và đài “Tây Tạng Tự Do” đã lên tiếng nhận trách nhiệm và ra tuyên cáo tiếp tục chiến tranh du kích cho tới khi Trung Cộng rút hết quân. Ngoài hiệu quả gây tiếng vang, cứ sau mỗi vụ phá hoại của quân kháng chiến, dân Tây Tạng lại bị trả đũa bằng các đợt khủng bố và biện pháp an ninh bị siết chặt hơn.

Vượt lên trên những mối bất hòa ấy thì chỉ còn đức Đạt Lai Lạt Ma là mối giường của hòa giải và đoàn kết của toàn thể nhân dân Tây Tạng.

Do hiểu rõ tình thế lưỡng nan của xứ sở, Tenzin Gyatso đã phải hết sức cứng rắn ép buộc những người xung quanh chấp nhận đàm phán, ông tỏ ra rất thực tiễn: “phải tồn tại cái đã”, do đó thay vì lên tiếng đòi độc lập ông đã tự hạ mình chỉ yêu cầu nền tự trị cho Tây Tạng không tách khỏi nước Trung Hoa.

Trung Hoa thì vẫn cứ tiếp tục xâm lấn và không ngưng tìm mọi cách triệt hạ uy tín của đức Đạt Lai Lạt Ma, gọi ông là “kẻ thù của nhân dân”, “con chó sói trong áo cà sa” cả gieo tin đồn là đức Đạt Lai Lạt Ma đang lưu vong đã hủ hóa “cả ăn nằm với bà Indira Gandhi”.

Ai cũng biết yếu tố thời gian sẽ chỉ có lợi cho Bắc Kinh. Đức Đạt Lai Lạt Ma liệu còn sống thêm được bao lâu, đây là mối ưu tư hàng ngày của mỗi người dân Tây Tạng. Khi được các nhà báo vấn an, ông nói sức khỏe còn rất tốt có thể sống tới 100 tuổi; chắc cũng chỉ là một cách nói để trấn an mọi người.

Một mai khi đức Đạt Lai Lạt Ma viên tịch không người lãnh đạo thay thế, đất nước Tây Tạng sẽ lặng lẽ trôi vào trật tự nước Trung Hoa – Pax Sinica.

Một vấn đề cốt lõi nữa là trước trào lưu tiến hóa của toàn thế giới, hơn ai hết chính đức Đạt Lai Lạt Ma không thể không có những suy tư về triết lý của chế độ thần quyền – theocracy, trong bối cảnh của một đất nước Tây Tạng bước vào thế kỷ 21. Ông đã viết: “Xứ Tây Tạng không phải là nơi hoàn thiện nhưng phải nói rằng cách sống của chúng tôi có nhiều điều đáng chú ý. Chắc chắn có nhiều thứ đáng giữ lại thì ngày nay chúng tôi đã mất đi vĩnh viễn”.

Những điều đang bị mất đi đó là sắc thái chủng tộc, tôn giáo, ngôn ngữ của người dân Tây Tạng bị hy sinh cho chiêu bài giải phóng và canh tân. Còn về phần không hoàn thiện là cấu trúc xã hội dựa trên thần quyền độc tôn tuy trong quá khứ đã từng là nền tảng sức mạnh đức tin nhưng cũng là phần nghịch lý khi xây dựng một đất nước Tây Tạng dân chủ. Chính đức Đạt Lai Lạt Ma và giới trẻ Tây Tạng ở hải ngoại hiểu rõ điều đó và đang suy tư hình thành một thể chế chánh trị sao cho phù hợp với khung cảnh một đất nước Tây Tạng độc lập vẫn giữ vững được đức tin và vẫn linh hoạt hướng về tương lai.

Rất sớm từ những năm 60, chính đức Đạt Lai Lạt Ma ngay khi lập chính phủ lưu vong đã cho cải tổ nền hành chánh và dân chủ hóa toàn diện. Ông cho lập “Hội Đồng Dân Cử Tây Tạng”, khuyến khích quyền phát biểu của mỗi người dân và từng bước mạnh bạo chuyển từ “thần quyền” sang “dân chủ” cho quốc hội quyền truất phế đức Đạt Lai Lạt Ma nếu 2/3 biểu quyết đồng ý với lý lẽ thuyết phục cho rằng lý thuyết dân chủ rất gần với triết lý Phật giáo. Ý kiến quá táo bạo đó khiến đa số người dân Tây Tạng phải sửng sốt nhưng Tenzin Gyatso vẫn cứng rắn bảo vệ quan điểm đó. Trong hoàn cảnh nào ông cũng đối đầu với khó khăn “trong sự an lạc và quyết tâm.”

Trong chuyến viếng thăm Hoa Thịnh Đốn mới đây, đức Đạt Lai Lạt Ma đã phát biểu: “Một phần thưởng quý giá cho tôi là được sống ở một đất nước dân chủ và được học hỏi về thế giới bằng cách mà người Tây Tạng chúng tôi chưa từng biết đến.” Là một bậc đại trí có tầm nhìn xa, trong mấy chục năm lưu vong ông đã và đang hướng tới sự hình thành tập quán sinh hoạt dân chủ cho các cộng đồng Tây Tạng hải ngoại. Đó sẽ là những ngọn đuốc sáng chuẩn bị cho bước canh tân một đất nước Tây Tạng độc lập trong tương lai.

Lại nói tới dân chủ và quyền đầu phiếu. Cách đây 20 năm đức Đạt Lai Lạt Ma đã từng thách đố một cuộc trưng cầu dân ý cho người Tây Tạng cơ hội lựa chọn thì ngày nay do chánh sách “tầm ăn dâu” và “Hán hóa – Sinicization” với hàng triệu người gốc Hán liên tục đổ vào Tây Tạng lập nghiệp và định cư vĩnh viễn, như ngay tại thủ đô Lhasa đã có hơn 50% người gốc Hoa, nếu chấp nhận một cuộc đầu phiếu như vậy khi nhân dân Tây Tạng chỉ còn là thiểu số sẽ là một thảm họa tự sát.

Là kỹ sư môi sinh, Cao hiểu rất rõ rằng xa hơn cả tham vọng bành trướng, Trung Hoa bằng mọi giá phải chiếm cho được Tây Tạng không chỉ vì nhu cầu phát triển mà còn vì giá trị chiến lược môi sinh. Bởi vì nguồn nước từ “Cao Nguyên Xứ Tuyết” ấy trực tiếp ảnh hưởng trên 40% cư dân của địa cầu, cộng thêm với tiềm năng thủy điện lên tới 1/4 triệu MW gấp 40 lần công suất con đập khổng lồ Hoover của Mỹ, gấp 10 lần con đập Tam Hợp – Three Gorges lớn nhất thế giới của Trung Hoa.

Tây Tạng không chỉ là đáp số cho tình trạng thiếu nước và cạn nguồn năng lượng không thể tránh của Hoa Lục khi bước vào thiên niên kỷ mới, hơn thế nữa “sau Tây Tạng” sẽ là bước “Tây Tạng hóa Biển Đông”, Trung Hoa nghiễm nhiên sẽ ở thế thượng phong với “thứ vũ khí môi sinh” ngàn lần khốc hại hơn súng đạn, giúp Bắc Kinh có toàn quyền định đoạt vận mệnh và cả sự sống còn của các nước Đông Nam Á trong những năm đầu của thế kỷ 21.

Với một Trung Hoa ngày càng hùng mạnh và cả hung hãn thì triển vọng một nước Tây Tạng độc lập chỉ còn là chút ánh sáng le lói đang tắt dần nơi cuối đường hầm, đức Đạt Lai Lạt Ma biết rất rõ điều đó nhưng bề ngoài ông vẫn cố giữ vẻ lạc quan và nói với các phóng viên rằng: “Tôi thấy thế giới vẫn có nhiều điều tốt lành mặc dù tấn bi kịch Tây Tạng còn đang tiếp diễn”, ông cũng nói tiếp là sau khi đạt được giải pháp tự trị – chứ không phải là độc lập cho Tây Tạng ông sẽ “tìm về ẩn tu như một con vật bị thương”. Nhưng đó vẫn chỉ thuần là nỗi ước mơ bởi vì trong bài kệ mà ông tụng niệm mỗi ngày thì: “Khi còn thế giới, khi còn chúng sinh, tôi nguyện đời mình, giúp đời bớt khổ”.

Và ông sẽ vẫn còn trong vòng luân hồi, còn phải cùng chúng sinh leo mãi trên dốc nhân sinh cho tới hết đời mình và để rồi lại hóa thân giúp đời bớt khổ cho đến những đời sau.

CHƯƠNG II

LANCANG JIANG

MÂY BÃO TỪ PHƯƠNG BẮC

Họa là nơi phúc nương náu

Phúc là nơi họa ẩn tàng

Họa hề phúc chi sở ý

Phúc hề họa chi sở phục [Lão Tử]

Vân Nam như một mẩu dưới của cao nguyên Tây Tạng, diện tích 394 ngàn km2 – lớn hơn Việt Nam chỉ có 340 ngàn km2, cao trung bình 1800m trên mặt biển, gồm những thung lũng phì nhiêu, núi cao sông sâu với Lan Thương Giang – Lancang Jiang là tên con sông Mekong; tiếp giáp với Việt Nam Lào Myanmar – Miến Điện và Tây Tạng, khí hậu rất biến đổi: tuyết giá ở phía bắc, bán nhiệt đới phía nam và ôn hòa quanh năm vùng Côn Minh nên còn có tên gọi là Thủ Phủ Mùa Xuân; dân số 38 triệu với nhiều sắc tộc thiểu số Bạch – Bai, Thái – Dai, Di – Yi… mỗi nhóm đông tới cả triệu, rồi tới những sắc dân nhỏ bị lãng quên như Nô – Nu, Bố Lăng – Bulang, Độc Long – Dulong… Còn phải kể số “nạn kiều” từ Việt Nam chạy qua trong vụ đánh tư sản người Hoa sau đó xảy ra cuộc chiến biên giới 1977 khi Bắc Kinh muốn giáng “cho Việt Nam một bài học”. Thế kỷ thứ 7, dân Bạch dựng nước Nam Chiếu – Nanzhao trở nên hùng mạnh đánh bại quân Nhà Đường vào thế kỷ thứ 8. Sang thế kỷ thứ 10 trở thành vương quốc Đại Lý – Dali. Đến thế kỷ 14 thời Nguyên Mông – Mongol Yuan, Vân Nam mới hoàn toàn trực thuộc vào Trung Hoa. Là một tỉnh xa với Bắc Kinh tới 2 ngàn km về hướng tây nam, thường bất ổn với các nhóm Hồi giáo ly khai. Đầu Thế Kỷ 20 do có nhu cầu khai thác thuộc địa, Pháp đã mở đường xe lửa nối cảng Hải Phòng qua Hà Nội lên tới Côn Minh (1904-1910), con đường sắt ấy vẫn còn được sử dụng tới nay. Từ ngày có nguồn điện từ đập Manwan trên sông Mekong, Côn Minh đã đô thị hóa một cách mau chóng, không còn là một Côn Minh “như một thị trấn Đông Phương hẻo lánh im ngủ” như ghi nhận của Claire Chennault viên tướng không quân huyền thoại của Phi Đoàn Flying Tigers từng trú đóng ở đây hồi Thế Chiến thứ Hai.

Hẹn nhau ở Côn Minh. Sau hai tuần thỉnh giảng tại Đại Học Y Khoa Bắc Kinh và Thượng Hải, Duy em trai của Cao, có hẹn gặp Bé Tư sau Hội Nghị Hạc Quốc tế – ICF Conference diễn ra ở Côn Minh. Một tình cờ hi hữu, Duy có thể gặp anh Cao và cả giáo sư Hộ Khoa trưởng Khoa Nông Học Đại Học Cần Thơ – được biết tới từ trước 1975 như một trong số những chuyên gia có công đưa lúc Thần Nông – High Yield Variety vaò Đồng Bằng Sông Cửu Long; cả hai cùng tới dự Hội Nghị Khoa Học Kỹ Thuật Vân Nam về Tương Lai Phát Triển Sông Mekong. Điểm hẹn là nhà ông Bách, chú của Cao và Duy. Căn nhà xinh nhỏ ấm cúng nhưng không đủ rộng cho cả bốn người nên chỉ có Cao do nhu cầu công việc nên được ưu tiên làm khách vãng lai của gia đình ông Bách. Duy và Bé Tư thì sang ở bên khách sạn Kim Long, cơ sở liên doanh với Hồng Kông trên đường Bắc Kinh Nanhu, chỉ cách phi trường Côn Minh phía đông bằng 15 phút đường xe buýt.

Đến với khu Rừng Đá.

Qua một đêm ở Côn Minh, Cao và Gs Hộ thì ở lại chuẩn bị cho Hội Nghị Vân Nam. Duy và Bé Tư có một thời khó biểu tủy nghi nên sáng hôm sau bằng xe buýt tới khu Rừng Đá – Thạch Lâm. Cách Côn Minh 130 km về hướng đông sát huyện Lộ Nam – Lunan, có lịch sử địa chất từ 280 triệu năm cùng với rặng Hy Mã Lạp Sơn. Nguyên là một vùng núi nham thạch bị nước và thời gian xói mòn tạo nên một địa hình kỳ lạ 260 km2 với vô số những chỏm đá xám nhọn hoắt cao tới 30m đủ mọi hình dạng với những tên gọi theo trí tưởng tượng phong phú của người dân Vân Nam: nấm bất tử, vũng gươm, voi con… Với những hải vật hóa thạch tìm thấy chứng tỏ trước đây đã từng là vùng biển. Tương truyền rằng do các “tiên ông” muốn có chốn riêng tư nên đã cho nghiền nát ngọn núi đá thành những mê cung và các cặp trai gái ngày nay tới đây cũng không quên dẫn nhau vào chốn mê cung ấy. Thương mại hóa là đặc tính các tụ điểm du lịch Trung Hoa. Từ cửa vào đã gặp những phụ nữ sắc tộc Di chào mời bán đồ lưu niệm hay sẵn sàng làm mẫu đứng chụp hình với du khách. Phải chờ cho ngày nhộn nhịp qua đi, từ Lầu Vọng Phong người ta mới có thể yên tĩnh ngắm toàn cảnh Thạch Lâm. Buổi chiều mặt trời đỏ lặn sau khu rừng đá – vẫn cảnh tượng ấy bình minh rồi lại hoàng hôn đã có từ hàng triệu năm. Cảm giác mê hoặc như đứng trước một bức tranh vĩ đại siêu thực, hai người với trên tay một ly rượu sương hồng, nhìn nhau say đắm dưới một bầu trời vạn cổ lấp lánh những vì sao như những hạt kim cương. Họ đang là hai hạt bụi âm dương mong manh và chơi vơi giữa cái vô thủy vô chung ấy.

Bé Tư chỉ biết Duy là em anh Cao, con út trong một gia đình gốc người Bắc lớn lên ở trong Nam và tốt nghiệp ở Mỹ, giáo sư trẻ tuổi của Đại Học Stanford như một ngôi sao đang lên với nhiều công trình được đăng tải trên các tập san y khoa uy tín. Gia đình Duy và anh Cao ra sao thì cô không được biết. Được anh Điền – anh ruột của Bá Tư, kể cho nghe về quan niệm khá độc đáo của Duy về tương lai Đồng Bằng Sông Cửu Long, đó sẽ là cái nôi của nền văn minh Việt Nam bước vào thiên niên kỷ tới do bởi cái gene trẻ trung khỏe mạnh của nền văn minh sông nước thay thế cho một nền văn minh Sông Hồng đã già cỗi suy kiệt và cả biến thể – defective gene nói theo ngôn từ Y Học của Duy.

Quan điểm của Duy có vẻ mới vì sử dụng ngôn từ Di Truyền Học nhưng điều mà có lẽ Duy chưa hề biết là chính Đức Phật Thầy Tây An cách đây hơn một thế kỷ đã nói tới Vùng Hoa Địa nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long và rồi nửa thế kỷ sau đó Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ cũng lại nói về một “Cõi Trung Ương luân chuyển Phương Nam.”

Với Duy thì Bé Tư là hình ảnh tinh khiết của con sông Mekong, biểu tượng cho nền văn minh của những thế hệ tiên phong khai phá trên bước đường Nam Tiến. Duy quay qua hỏi Bé Tư:

_ Các anh ấy bảo Bé Tư chưa biết sợ là gì, nhất là trong cuộc hội thảo ở Melbourne mới đây, mà có phải vậy không?

Bé Tư đáp bằng một giọng Nam trong vắt:

_ Có chứ, em sợ nhiều thứ như sợ ba sợ má và không bao giờ muốn làm má buồn.

Nhìn sâu vào mắt Duy, ngưng một chút Bé Tư tiếp:

_ Và em còn rất sợ sự không chân thật.

Cô gái rất hồn nhiên ấy nói một câu không gợn chút hậu ý nhưng vẫn làm Duy sửng sốt. Ánh mắt tuổi trẻ và ngời sáng thông minh của cô ấy như có sức chiếu rọi vào chốn sâu thẳm của lòng người. Không có điều gì là không chân thật, nhưng Duy cảm thấy bối rối về hoàn cảnh hiện nay của anh. Mẹ đã chọn cho anh một người vợ môn đăng hộ đối theo kiểu cách người Bắc và Duy thì chưa bao giờ làm trái ý mẹ. Khi lập gia đình Duy nghĩ tới tương lai những đứa con. Duy không méo mó nghề nghiệp như người bạn chuyên về sản khoa là phải chọn người con gái mông chậu nở để khỏi phải làm Caesarean mỗi khi sinh con, nhưng anh lại rất quan tâm tới cái gene trẻ trung và vẻ đẹp khỏe mạnh nơi người mẹ. Khác hẳn với người anh là Điền, gốc người Nam nóng nảy và bộc trực, Bé Tư thông minh sâu sắc nhưng rất chính chắn, bề ngoài tưởng như cứng cỏi nhưng lại tràn đầy nữ tính, với Duy đó là hình ảnh đẹp của người đàn bà muôn thuở mà người đàn ông mơ ước cưới làm vợ. Dưới bầu trời đầy trăng sao của Vân Nam, chỉ trong một sát na Duy đã dứt khoát có một chọn lựa tuy không nói ra nhưng anh cảm thấy mình đã chân thật với Bé Tư hơn.

Camellia_ Trà Hoa Mộc

Hiểu biết nhiều về chim muông vì Bé Tư là một nhà điểu học – ortnithologist nhưng Duy còn rất ngạc nhiên về kiến thức của Bé Tư đối với các loài hoa ở Vân Nam. Qua Bé Tư, Duy được biết khi người Tây Phương tới Vân Nam họ đã đã bị quyến rũ bởi sự phong phú các giống hoa nơi đây. Camellia một trong những loài hoa đẹp nhất, người Trung Hoa gọi tên là Trà Hoa Mộc, là giống hoa đầu tiên được Công ty Đông Ấn – East India Company của Anh du nhập vào Âu Châu từ thế kỷ 17. Loại hoa thứ hai là Rhododendron – Hoa Đỗ Quyên gồm hơn 200 loại cũng được xuất cảng từ Vân Nam. Phải nói là 80% các loài hoa ở Âu Mỹ châu hiện nay là đem về từ Vân Nam Trung Hoa. Với Duy từ nay Bé Tư sẽ mang tên một loài hoa: Camellia, cũng là kỷ niệm ý nghĩa của chuyến đi Vân Nam.

Những bước chân khổng lồ của Marco Polo

Bằng Con Đường Tơ Lụa, Marco Polo đã cùng với cha rời Âu Châu năm 1271, tới Cung Điện Mùa Hè của Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt – Khubilai 4 năm sau, phục dịch cho Đại Hãn suốt 17 năm, du lịch khắp Trung Hoa rồi trở về Âu Châu bằng đường thủy tới Venice 1295. Sau đó tham gia cuộc chiến chống Genoa, Marco Polo chiến đấu cho phe Cộng hòa Sarene và bị bắt làm tù binh 1298, thời gian ở tù may mắn được giam chung với nhà văn nổi riếng Rustichello of Pisa, nhờ đó mà ngày nay người ta biết được chi tiết cuộc du hành của Marco Polo. Trong cuốn du ký ấy hình như chỉ thiếu có Vạn Lý Trường Thành điều mà sau này được giải thích với lý do hài hước là kỳ quan đó chẳng phải là món hàng mà Marco Polo có thể đem bán rao. Hình ảnh thủ phủ Côn Minh vào thế kỷ 13 đã được Marco Polo ghi lại như sau:

“Đó là nơi rất lớn và sang cả, gồm thương gia và các nghệ nhân… Đất đai thì màu mỡ với những cánh đồng lúa. Tiền bạc trao đổi thì dùng vỏ sò trắng và cũng còn được dùng như những món đồ trang sức… Thổ dân không coi là bị xúc phạm khi có ai dan díu với vợ mình vì cho đó là hành vi tự nguyện từ phía người đàn bà. Nơi đây có hồ lớn cả trăm dặm và lưới được rất nhiều cá. Dân ở đây quen ăn thịt sống gia cầm và họ cũng ăn theo lối nấu chín như chúng ta…”

Căn bệnh vĩ đại của giáo sư Wang và Ba Bước Nhảy Vọt

Từ những thập niên 50 cùng với kế hoạch bước nhảy vọt, nhịp độ xây đập thủy điện của Trung Hoa gia tăng nhanh tới mức chóng mặt: trung bình cứ 600 con đập lớn được xây mỗi năm, bất kể ảnh hưởng trên môi sinh và đời sống dân cư ra sao. Điển hình là con đập Tam Môn – Three Gates Gorge, trên Sông Hoàng 1957. Trước đó đã có một số nhà thủy học uy tín Trung Hoa như giáo sư Li lên tiếng phản đối dự án vì thấy nguy cơ con đập sẽ mau chóng bị ngập các chất lắng phù sa và bùn nhưng bị gán “tội hữu khuynh” nên bị trấn áp ngay. Hậu quả là chỉ trong vòng có 3 năm đã có hơn 50 tỉ tấn bùn và chất lắng đọng lại ở phía trên con đập khiến nước sông dâng cao ngập các vùng gia cư và đe dọa cả cố đô Tây An – Xian cổ kính vốn là thủ phủ của triều đại Nhà Chu, 10 thế kỷ trước Tây Lịch. Và chỉ mới đây thôi, Clinton là tổng thống Mỹ đầu tiên tới Tây An, được tiếp đón như một ông vua với các đoàn chiến binh và vũ công rực rỡ trong y phục cổ truyền đời Nhà Đường – biểu tượng cho sự vinh quang và trường tồn của dòng dõi Hán Tộc với đầy tự hào là một nền văn minh trung tâm và cổ xưa.

Trước thực trạng suy thoái của con đập và cố đô Tây An bị đe dọa, khi được thỉnh ý Mao Chủ Tịch đã nổi sùng: “Nếu không làm được thì cứ cho nổ tung con đập đó đi!” Cuối cùng để cứu cố đô Tây An toàn thể con đập phải thiết kế lại thay vì công suất 1200 MW tụt xuống chỉ còn 250MW cùng với cái giá rất đắt phải trả là gây ngập lụt 66 ngàn hecta vùng ruộng đất phì nhiêu nhất và phải tái định cư cho ngót nửa triệu nông dân sống trên đó. Rồi cũng phải kể tới những thảm họa vỡ đập như tại Hà Nam 1975, đó là hai con đập Bản Kiều – Banquiao và Thạch Mãn Đàm – Shimantan trên Sông Hoài một phụ lưu sông Dương Tử làm thiệt mạng hơn 230 ngàn người và thế giới bên ngoài chỉ được biết đến một phần thảm kịch này mãi hai chục năm sau…

Tương lai những cuộc chiến tranh vì nước

Rời Los Banos phía nam thủ đô Manila, sau cuộc họp tại Viện Nghiên Cứu Lúa Gạo Quốc Tế, Gs Hộ trở lại Bangkok với tâm trạng nặng trĩu nhưng anh vẫn không bi quan. Hộ như một nông dân luôn luôn cắm cúi vun xới thửa đất của mình cho dù thời tiết bất lợi cho sự gieo trồng. Tưởng cũng nên nhớ lại Hộ là người có công đầu đưa giống lúa thần nông vào Đồng Bằng Sông Cửu Long những năm 60 từng được bà con nông dân thân thương đặt tên cho là Thày Hộ Tiến Sĩ Lúa Honda vì nhờ cây lúa cao sản mà bà con sung túc mua sắm được máy phát điện và xe gắn máy Honda. Thời vàng son đó sắp qua rồi và hội nghị đã đi tới kết luận khá bi quan: rằng ngót 6 tỉ người trên thế giới không những thiếu nước mà còn không có cả những ngụm nước sạch để uống. Dân số vẫn cứ mau chóng gia tăng, người ta vẫn chiếm đất mở mang thêm các khu gia cư, tăng lượng nước tiêu dùng trong khi đất trồng trọt ít hơn, nước ít hơn và nhu cầu lúa gạo mỗi ngày một cao hơn.

Cùng với hiện tượng hâm nóng toàn cầu từ hiệu quả nhà kính – greenhouse effects do chính con người gây ra, trái đất đang bị khô cạn dần. Lượng nước cung cấp chỉ bằng nửa so với cách đây 20 năm trong khi nhu cầu tiêu thụ nước thì lại tăng gấp đôi cứ mỗi hai thập niên. Vựa lúa Á Châu trong đó có Đồng Bằng Sông Cửu Long đang bị đe dọa vì thiếu nước trong khi phải cần tới 5 ngàn lít nước mới thu hoạch được 1 ký gạo. Và ai cũng biết gạo là nguồn sống của 2/3 nhân loại. Cuộc Cách Mạng Xanh vào những thập niên 60 với giống lúa thần nông tăng sản lượng gấp đôi đã cứu sống nhiều vùng trên thế giới thoát khỏi nạn đói và cả đem lại trù phú cho vùng đồng bằng châu thổ.

Thế nhưng những cây lúa lùn cao sản của những năm 60 nay không còn là lời giải cho nhân loại này bước vào thế kỷ 21. Một lần nữa muốn tránh nạn đói, tránh những cuộc chiến tranh vì nước chỉ có cách phải tìm ra loại “cây lúa siêu thần nông” có đặc tính không còn phần cho rơm rạ mà cọng nào cũng phải cho hạt với sản lượng lớn hơn cần ít nước hơn và ít hóa chất hơn lại có khả năng tự kháng sâu rầy và dĩ nhiên cũng phải cứng cỏi để có thể mang nổi thay vì 800 hạt trên mỗi thân lúa nay tăng lên tới 2000 hạt. Có nghĩa là năng suất sẽ phải tăng gấp 3, không phải 4 tấn mà là 12 tấn mỗi hecta để kịp đáp ứng đà gia tăng dân số theo cấp số nhân trên hành tinh này.

Đi tìm Siêu Cây Lúa Tây Phi Châu. Người ta đang ngày đêm tìm cách cấy ghép các mẫu chủng tử các loại lúa trồng được trong những điều kiện cực kỳ khô hạn của vùng Tây Phi Châu nhằm tạo được một siêu cây lúa. Theo Ken Fisher, thuộc Viện Lúa Gạo Quốc tế thì phải mất ít nhất hai thập niên nữa mới có đủ hạt giống “Siêu Thần Nông” cho hơn nửa tỉ nông gia trên toàn thế giới. Đạt tới thời điểm ấy hay không là cả một vấn đề sinh tử cho toàn hành tinh này. Rồi ra trong thiên niên kỷ tới, mỗi thân cây lúa còn phải chắt chiu và cưu mang thêm bao nhiêu miệng ăn nữa.

Khung cửa hẹp vào Trung Hoa

Do có cuộc họp bất thường của Ban Thường Vụ Hội Đồng Sông Mekong, Hộ đã không thể cùng Cao đi Côn Minh tham dự cuộc hội thảo do Hội Đồng Khoa Học Kỹ Thuật Vân Nam tổ chức. Qua trung gian của Gs Hộ, tòa Đại Sứ Việt Nam ở Bangkok đã chẳng giúp Cao có tài liệu gì thêm về các con đập Vân Nam. Đám nhân viên sứ quán như những công chức, hình như họ chỉ có mối quan tâm là rình rập Việt Kiều và lo chuyện làm ăn buôn bán riêng. Không với tính cách du lịch, lần này Cao đặt chân tới Trung Quốc với thái độ cẩn trọng. Anh tự nhủ nếu cần thì chỉ phát biểu chừng mực, không đi vào chi tiết mà anh không nắm chắc, anh muốn hình dung một bức tranh lớn và toàn cảnh của 7 nước trong Lưu Vực Sông Mekong – Mekong basin kể cả Trung Hoa và Myanmar – Miến Điện.

Hiểu biết lịch sử Trung Hoa, Cao sẽ không nêu lên những vấn đề gai góc có thể được xem như là xúc phạm tới giới lãnh đạo Trung Hoa, đó là điều nguy hiểm khi mà vấn đề “thể diện” là trên hết đối với người Á Đông nhất là với “những đứa con trời – Thiên Tử”. Tinh thần ái quốc cực đoan với những khẩu hiệu là biểu hiện của thứ mặc cảm nhược tiểu chỉ đưa tới bế tắc. Đối với một nước lớn Trung Hoa bắt đầu mở cửa thì bước đầu tạo được mối liên hệ tin cậy với giới khoa học kỹ thuật Vân Nam nhất là với thành phần chuyên viên trẻ tốt nghiệp tại các nước Tây Phương, là điều Cao nhắm tới. Điều ấy sẽ tạo thuận cho đối thoại cởi mở và hợp tác về sau.

Được biết năm 1989, Vân Nam Nhân Dân Thư Xã đã cho ấn hành một cuốn sách dày hơn 600 trang với nhan đề “Lan Thương Giang: Tiểu Thái Dương – Lancang Jiang: Xiao Taiyang”. Do chỉ có một ấn bản tiếng Trung Hoa, Cao phải nhờ ông Bách người chú của Cao và Duy, một đảng viên kỳ cựu Việt Quốc cũng từng là nhà báo sống lưu vong ở Côn Minh đọc và tóm lược các phần thiết yếu của cuốn sách. Một tuần lễ ở Côn Minh tuy rất bận rộn nhưng những ngày sống với ông Bách, Cao như bước vào một thế giới thanh khiết. Tuy là một tuần lễ rau đậu vì hai ông bà ăn trường chay nhưng Cao không có điều gì để than phiền vì nghệ thuật nấu ăn của bà Bách. Cao bảo đùa chắc Duy sẽ phải ganh với anh vì cách đối xử chân tình của ông Bách với một trong hai đứa cháu ruột thịt của ông. Biệt nhãn ấy cũng một phần do ông Bách được biết Cao còn là bạn vong niên của ông Khắc, một nhà báo lão thành hiện đang sống ở Mỹ.

Cao có ý so sánh ông Khắc, từng được mệnh danh là “nhà báo của các nhà báo” như một chiếc chìa khóa mầu nhiệm giúp Cao mở tung được nhiều cánh cửa để có thể thênh thang đi vào.

Ở cái tuổi 22, ông Bách đã từng theo chân đảng trưởng Nguyễn Tường Tam sang Trung Hoa bôn ba qua các tỉnh Quảng Châu, Nam Kinh, Thượng Hải và Vân Nam vận động chánh phủ Trùng Khánh và Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch giúp vũ khí. Khi đại bộ phận Việt Nam Quốc Dân Đảng được lệnh trở về trong nước hoạt động thì riêng ông Bách được chỉ định ở lại Côn Minh điều hợp chi bộ Việt Quốc ở hải ngoại. Nay tuổi đã cao trên nét mặt đầy vết hằn của những tháng năm gian khổ nhưng ông Bách còn nét quắc thước và minh mẫn, đôi mắt vẫn linh động trẻ trung và cương quyết. Ông Bách có một người anh cũng là Việt Quốc bị Việt Minh bắt ở Bắc Giang mất tích và chắc đã bị thủ tiêu như bao nhiêu đồng chí khác. Ông có bà vợ người Hoa cùng hoạt động Quốc Dân Đảng, như một chi bộ hai người sống với nhau mấy chục năm không có con. Ông Bách là hình ảnh của Dũng trong Đôi Bạn đã từng làm say mê bao thế hệ thanh niên của hơn một nửa thế kỷ trước. Cao luôn luôn bị cuốn hút bởi cặp mắt vẫn rất sáng nghiêm nghị và đầy tin tưởng của ông Bách, giọng ông thì sang sảng vẫn có chất hăng hái bồng bột của tuổi thanh xuân khi bàn chuyện gì liên quan tới Việt nam. Tuy ít ngủ nhưng riêng đêm nay ông Bách đã được bà vợ pha cho bình trà đậm thức thâu đêm để đọc xong hơn 600 trang sách. Hồi tuổi trẻ theo chân các lãnh tụ đàn anh ông rất thường thức trắng đêm như thế.

Toàn cuốn sách gồm 45 bài viết về các đề tài khác nhau nhưng có điểm chung và thuần nhất là chỉ đề cập tới những lợi lộc về thủy điện và nước của chuỗi 8 con đập bậc thềm trên sông Mekong ở Vân Nam, với công suất là 15400 Megawatt tổn phí lên tới 7.7 tỉ đôla, sẽ điện khí hóa các tỉnh phía nam Trung Hoa và cả thặng dư điện để xuất cảng sang Thái Lan. Cũng vẫn theo ông Bách thì ngoài một hai đoạn quan tâm tới giao thông trên khúc sông Mekong thuộc tỉnh Vân Nam, không thấy có bài viết nào đề cập tới hậu quả của chuỗi các con đập bậc thềm ấy đối với 5 nước vùng hạ lưu sông Mekong Myanmar – Miến Điện, Thái, Lào, Cam Bốt và Việt Nam.

Khúc sông cuồng nộ. Từ Tây Tạng chảy xuống Vân Nam, đặc biệt 1/3 khúc sông phía bắc chảy rất siết là cảnh tượng ngoạn mục khiến người dân Vân Nam đặt tên là Lan Thương Giang – khúc sông cuộn sóng, với nhiều thác ghềnh có nơi cao tới hơn 600m. Với độ dốc ấy, dòng chảy siết ấy lại thưa thớt dân cư nên được coi là lý tưởng cho những con đập thủy điện. Từ những năm 70 Trung Hoa đã có kế hoạch xây một chuỗi 8 con đập – Mekong Cascade trên thượng nguồn nhưng do thiếu ngân sách nên mãi tới năm 80, con đập đầu tiên Manwan cao 99m mới được khởi công. Đập chắn ngang khúc sông giữa hai ngọn núi với bức tường thành cao 35 tầng và 13 năm sau mới xây xong và bắt đầu cung cấp điện cho thủ phủ Côn Minh, khu kỹ nghệ Chuxiong và nhiều quận huyện phía nam. Chỉ mới sau một con đập Manwan, cảnh thiếu điện tối tăm của Côn Minh đã mau chóng trở thành chuyện quá khứ.

Giáo sư Wang chủ tịch Phân Cục Thủy Điện Vân Nam, là chất xám và cũng được coi là Chuyên viên Đỏ – Party’s red specialist hàng đầu của những dự án đập lớn, là đảng viên lâu năm rất giáo điều tốt nghiệp kỹ sư thủy điện ở Liên Xô, với quá khứ vừa hồng vừa chuyên như thế nên ông ta đầy quyền uy và có tiếng nói luôn luôn được các đồng chí ở trung ương lắng nghe. Đứng bên con đập Manwan, giáo sư Wang giọng đầy kiêu hãnh:

— Con Sông Lan Thương này như một khu hầm mỏ than trắng giàu có với lưu lượng nước thì khổng lồ. Đây là tiềm năng tạo sức bật phát triển cho toàn tỉnh Vân Nam.

Chỉ trên một sơ đồ giản đơn về vị trí 8 con đập, cũng vẫn “đồng chí giáo giáo sư ” Wang nói tiếp:

— Con đập thứ hai Đại Chiếu Sơn_ Dachaoshan cũng đã được khởi công năm 1996; sẽ tới con đập thứ ba Cảnh Hồng – Jinghong chủ yếu nhằm xuất cảng điện sang Thái Lan. Con đập thứ tư Xiaowan cao 248m, được coi là con đập mẹ – mother dam, trong chuỗi 8 con đập bậc thềm dự trù xây xong trước thập niên thứ nhất của thế kỷ 21. Do ba con đập đầu tiên có thành cao với các hồ chứa theo mùa_ seasonal reservoirs lấy nước tối đa trong mùa mưa để có đủ lượng nước chạy turbin trong mùa khô từ tháng 11 tới tháng 4 và đó cũng là mùa có nhu cầu điện cao nhất. Hậu quả tất nhiên là làm giảm lưu lượng lũ có nghĩa là sẽ chống lũ lụt nơi các quốc gia hạ nguồn.

Còn điều đó ảnh hưởng trên hệ sinh thái ra sao đã không được giáo sư Wang nhắc tới. Không bày tỏ ngay sự bất đồng nhưng Cao đã có một cái nhìn hoàn toàn khác. Chẳng hạn như vùng Biển Hồ, đâu phải chỉ biến Biển Hồ thành Vùng Bảo Tồn Sinh Thái – International Biosphere Reserve là đủ, vì ai cũng biết rằng luôn luôn có một gắn bó hữu cơ giữa Biển Hồ và con sông Mekong. Nay đứng trước viễn tượng lưu lượng nước mùa mưa bị giảm sút do các con đập Vân Nam, nếu không còn nước lũ để tạo dòng chảy ngược vào Biển Hồ thì rõ ràng đó là tương lai của một Biển Hồ chết. Không còn lũ sẽ chẳng còn giống lúa xạ lúa nổi, cũng chẳng còn phù sa màu mỡ để hàng năm tưới bón ruộng đồng, chưa kể tới tác hại trên các giống cá và lượng hà sản vốn phong phú trên suốt dọc con sông Mekong ra sao.

Vào năm 1993 do một hiện tượng được coi là bất thường xảy ra khi mực nước con sông Mekong đột ngột tụt thấp xuống mà không vào mùa khô, chỉ lúc đó người ta mới biết là do ảnh hưởng của con đập Manwan. Sau biến cố đó, phải nói là càng ngày càng có nhiều mối quan tâm dòm ngó và cả e ngại từ bên ngoài đối với kế hoạch chuỗi 8 con đập bậc thềm đang tiến hành ở Vân Nam. Mối lo lắng đó không phải là không có nguyên nhân do thiếu hẳn cung cấp thông tin từ phía Trung Hoa. Và cũng không trách được khi nỗi lo lắng ấy được thể hiện qua những chiến dịch đổ lỗi lời qua tiếng lại với cả thông tin sai lạc – disinformation. Một thí dụ điển hình là bản tin đăng tải trên tờ Bangkok Post số 29 tháng 7 năm 1996 khi nói tới nạn lụt ở Chiang Khong – nơi rất nổi tiếng hàng năm với ngày hội thi cá Pla Beuk đông bắc Thái, “chánh quyền địa phương cho rằng đó là hậu quả xả nước từ 8 con đập trên Vân Nam”. Điều mà ai cũng biết là ngoài con đập Manwan những con đập khác đang còn trên dự án!

Cao cũng biết rất rõ rằng đập hay không đập, ngay trong nội tình nước Trung Hoa đã là điều rắc rối huống chi giữa các quốc gia lân bang với nhau. Cả phe ủng hộ hay chống lại việc xây đập mạnh ai nấy nói và không ai muốn nghe ai. Điều tệ hại hơn nữa là cố tình xuyên tạc hay bóp méo quan điểm đối phương làm cho vấn đề trở nên rối mù khiến người bên ngoài không còn biết dựa vào đâu mà nhận định.

Mặc dầu trong nửa thế kỷ qua thế giới đã có một số kinh nghiệm bước đầu về hợp tác phát triển vùng qua các tổ chức ASEAN, APEC… Nhưng liệu có cơ may hợp tác đa phương trong lưu vực sông Mekong hay không? Từ những năm 90, đặc biệt vào năm 93, các tổ chức WB, ADB, UNDB đã có những cố gắng để cải thiện hợp tác giữa sáu nước trong Lưu Vực Sông Mekong nhưng xem ra không có dấu hiệu thành công.

Với cái nhìn chiến lược và toàn cảnh, Cao có niềm tin sắt đá rằng để tiến tới hợp tác khai thác và phát triển hài hòa tài nguyên sông Mekong như một con sông quốc tế giữa các quốc gia trong lưu vực thì bước khởi đầu là chấm dứt những màn tung hỏa mù, phải xây đắp niềm tin qua các cuộc gặp gỡ đối thoại cởi mở và trao đổi thông tin, để cùng thấy rằng không có phát triển bền vững kể cả không có một nền hòa bình trong vùng nếu chỉ chạy theo những lợi nhuận cục bộ mà không kể gì tới phần an sinh của các quốc gia liên hệ. Nếu bảo rằng có chánh trị trong vấn đề môi sinh thì Cao vẫn luôn luôn tin rằng có một nền chánh trị vương đạo để tiến tới một Tinh Thần Sông Mekong – The Mekong Spirit, từ đó mới có thể đạt tới Những Thỏa hiệp_ Compromises trong ý nghĩa Phúc-Lợi-Chung.

Đồng ý với anh hay không nhưng Cao đã đến với các bạn đồng sự trong nước cũng như ngoại quốc của anh với một nhân cách đáng trọng.

Do thấy được những thiếu sót về thông tin bên ngoài, và cũng tự thấy là kỳ quặc nếu chỉ nói mãi tới lợi lộc của những con đập Vân Nam, nên mới đây thôi vào giữa năm 1996, Hội Đồng Khoa Học Kỹ Thuật Vân Nam và Học viện Khoa Học Tự Nhiên Trung Hoa đã chấp thuận tài trợ cho hai nhóm nghiên cứu trong vòng 5 năm tới năm 2000: nhóm thứ nhất trách nhiệm khảo sát phát triển và vận dụng các nguồn nước vùng thượng lưu sông Mekong; nhóm thứ hai với sự tiếp tay của các nhà khoa học và chuyên gia thuộc các quốc gia hạ nguồn sẽ tập trung nghiên cứu về hậu quả của chuỗi con đập bậc thềm Vân Nam đối với vùng hạ lưu về phương diện thủy văn môi sinh như phẩm chất nước, tôm cá trên sông Mekong và Biển Hồ…

Cho đến nay người ta chỉ nói tới “Hiệu quả có thể – likely effects” của những con đập Vân Nam trên dòng chảy. Trong điều kiện bình thường, trước khi có đập Manwan lưu lượng trung bình trong mùa khô của khúc sông Mekong gần biên giới Vân Nam Lào khoảng 689m3/giây. Những tháng gần đây, sau con đập Manwan theo giới chức Vân Nam lưu lượng khúc dưới sông Mekong có phần gia tăng trong mùa khô. Nhưng theo Ban Thường Vụ Sông Mekong thì cho dù sau khi hoàn tất 3 con đập Manwan, Đại Chiếu sơn – Dachaoshan và Cảnh Hồng – Jinghong thì hiệu quả gia tăng lưu lượng là không đáng kể – negligible. Cũng vẫn theo các nhà kế hoạch xây đập Vân Nam thì vào năm 2010, khi xây xong hồ chứa mẹ Xiaowan có thể_ lại có thể có hiệu quả gia tăng lưu lượng trong mùa khô tới 50% và khi có con đập Nuozhadu hoàn tất thì lưu lượng mùa khô dự trù sẽ tăng cao hơn nữa. Nhưng dữ kiện của các cuộc khảo sát thì rất thô sơ và hiệu quả tích cực nêu ra thì chỉ có “tính chất giai thoại – anecdotal” trong khi những tác hại của nó ra sao trên hệ sinh thái động và thực vật trên suốt dòng sông Mekong ra sao thì chưa được biết đến.

Đồng chí giáo sư Wang đặt câu hỏi như một thách đố trước toàn thể hội nghị:

— Vấn đề đặt ra ở đây như giữa trắng với đen đó là: giữa bảo tồn sinh cảnh với đa dạng của hệ sinh thái và cải thiện mức sống của cư dân hai bên bờ sông Mekong, thì chọn lựa nào là đúng?

Khác với cuộc hội thảo ở Úc, Cao tới đây chủ ý là thu thập và lắng nghe thay vì gây không khí tranh luận gay gắt.

Người kỹ sư già đơn độc. Đối nghịch với giáo sư Wang mẫu người của căn bệnh vĩ đại thì kỹ sư Li là một con người rất phóng khoáng và can đảm, suốt mấy thập niên ông luôn luôn là người chống lại dự án những con đập lớn. Điều đáng chú ý là cái tiểu sử rất dày và hấp dẫn của ông Li. Xuất thân là con một đảng viên Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc, là giáo sư trưởng khoa Thủy Văn Đại Học Bắc Kinh, tuổi ngoài 60 kiến thức uyên thâm và là một kỹ sư dày dạn kinh nghiệm. Nguyên tốt nghiệp kỹ sư cấu trúc_ structural civil engineer Đại Học Nam Kinh, từng phải chứng kiến cảnh lũ lụt và vỡ đập trên Sông Hoàng, ông Li quyết định chuyên thêm về các ngành Thủy học Địa chất và Thiên văn. Được du học Mỹ tốt nghiệp master Đại Học Cornell về Địa chất, rồi Ph D. Đại Học Illinois về Thủy văn, sau đó đi tham quan tất cả các dự án đập lớn trên khắp nước Mỹ như Grand Coulee, Hoover… lại thêm cả 6 tháng nội trú tại Tennessee Valley Authority trước khi trở về Trung Quốc. Là một nhà khoa học chân chính có cái nhìn bao quát và toàn cảnh, ông luôn luôn là người dám công khai chỉ trích các dự án đập lớn điển hình là hai con đập Tam Môn_ Three Gate Gorge trên Sông Hoàng và Tam Giáp_ Three Gorge Dam trên Sông Dương Tử. Và thực tế thất bại của con đập Tam Môn đã chứng minh là ông tiên liệu đúng. Ông vẫn dạy học, chỉ chuyên mà không hồng nên không có chức quyền, là tác giả của nhiều bài viết trên những tờ báo khoa học kỹ thuật tiếng Anh uy tín và được coi như tiếng nói thẩm quyền trong lãnh vực xây đập. Cao có ý nghĩ không phải chờ tới năm 1989, giáo sư Li đã là hạt giống của Tinh Thần Thiên An Môn gieo rắc từ mấy thập niên trước. Do được đọc các công trình của giáo sư Li trước khi gặp ông tại Vân Nam nên Cao đã đến với ông bằng tình cảm mến phục nể trọng và Cao tin rằng ông sẽ là một đầu cầu cho các mối liên hệ bền vững với giới khoa học kỹ thuật Trung Hoa trong tương lai.

Nhưng có điều mà trong cả hội nghị ai cũng biết là cơ hội thì đã không đồng đều cho ba nước cuối hạ nguồn Lào Cam Bốt và Việt Nam. Trung Hoa đã từng nổi tiếng với những con sông ô nhiễm nhất thế giới, thì nay đến lượt con sông Mekong với 8 đập thủy điện với 90% phế thải kỹ nghệ và tiện dụng gia cư – domestic đều được xả xuống dòng sông, chẳng bao lâu nữa vẻ trinh nguyên và những tháng ngày hoang dã của con sông Mekong cũng sắp phải chấm dứt. Cái viễn tượng khúc hạ nguồn sông Mekong ngày thêm cạn kiệt và toàn hệ sinh thái bị suy thoái với nhiều chủng loại cá có nguy cơ bị tiêu diệt, đó chẳng phải là chương sách hư cấu của một cuốn tiểu thuyết giả tưởng sau năm 2100.

Cái nhìn từ bên ngoài. Mới đây nhân đọc cuốn sách Silenced Rivers – Những Con sông Câm nín của Patrick McCully đề cập tới “Vấn đề Môi Sinh và Chánh Trị của Các Con Đập,” không phải là ngẫu nhiên mà McCully đi tới nhận định: World Bank vẫn thích ký hợp đồng với các chánh quyền độc tài điều mà họ gọi là các quốc gia có tình hình chánh trị ổn định vì nếu như có các phong trào chống đối của quần chúng thì sẽ dễ dàng bị trấn áp ngay. Do đó ai cũng biết là nguồn tài trợ lớn nhất để xây các con đập lớn ở Trung Hoa là từ Ngân Hàng Thế Giới.

Từ kinh nghiệm hòa mình vào dòng chính – mainstream, Cao có thói quen không tin vào những tiền đề đã có sẵn. Cũng vì thế mà chính anh muốn biết các chuyên viên được coi như đầy uy tín và là những tiếng nói có thẩm quyền của World Bank họ đã thấy những gì và thẩm định ra sao tình hình các quốc gia đang mở mang, trước khi quyết định đổ tiền vào tài trợ cho các kế hoạch phát triển. Cao bắt đầu đích thân tìm đọc các bản tường trình của các tổ chức quốc tế này. Điển hình qua một bản tường trình của World Bank về Việt Nam: tập tài liệu có một bề dày đồ sộ có màu sắc công phu nhưng lại không đưa ra ánh sáng toàn bộ sự thực lẽ ra với tinh thần trách nhiệm và lương tâm khoa học buộc họ phải làm. Chẳng hạn như nạn độc tài tham nhũng vi phạm nhân quyền như những yếu tố hiển nhiên gây trở ngại cho mọi kế hoạch phát triển thì đã không được nhắc tới như một hành vi che đậy né tránh – bảo rằng như thế là không mang màu sắc chánh trị nhưng sự im lặng cũng là gián tiếp đồng lõa với tội ác. Hậu quả tất nhiên là những kế hoạch ấy chỉ đem lợi cho một thiểu số cầm quyền, cho World Bank và các công ty tư bản nhà thầu liên quốc. Các cuộc đầu tư lớn lao ấy tuy có đem lại vẻ bề ngoài phát triển nhưng thực chất họ đã tạo ra một thứ công bằng xã hội theo tiêu chuẩn đối cực: một thiểu số cầm quyền ngày một thêm giàu sụ đối lại với đa số quần chúng “cùng nghèo khó như nhau.”

Cổ thành Đại Lý – Dali

Trên cao độ 1900 mét vẫn được so sánh như một Tiểu Katmandu của Nepal, với phía tây là núi non phía đông là hồ Erhai hay Nhĩ Hải, nơi có nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử của sắc dân Bạch – Bai và cả những kiến trúc cổ xưa nhất như chùa ba ngôi San Ta được xây cất từ thế kỷ thứ 9. Vẫn còn cả những tòa nhà đá cổ những con đường đá quanh co thân mật. Đại Lý vẫn được coi như một Mecca cho du khách đặt chân tới Vân Nam. Sắc tộc Bạch với dân số lên tới 1 triệu rưỡi có gốc rễ văn hóa lâu đời từ hơn 3 ngàn năm.

Mặc dù rất nhiều quảng cáo mời mọc, Duy và Bé Tư không chọn tới ngôi khách sạn 5 sao cực kỳ sang trọng do liên doanh Đài Loan và Trung Hoa mới khai trương. Họ chọn cái không khí thân mật của nhà khách Nguyên Viên nằm trên mút đường Huguo Lu, còn được dân địa phương đặt tên là Phố Ngoại với đủ cả quán cà phê, bia lạnh… nơi tiếp đón đông đảo các nhóm du khách ngoại quốc.

Từ Huguo Lu đi bộ xuống hết dốc đồi là tới hồ Nhĩ Hải, một Biển Hồ Nước Ngọt Khác của con sông Mekong trên thượng lưu, nơi những con cá Pla Beuk từ phía hạ lưu ngược dòng sông Mekong tới đây để đẻ trứng. Tương truyền rằng đoàn cá Pla Beuk vào khoảng tháng tư thì tụ hội ở vũng sâu Luang Prabang phía bắc Vạn Tượng để tuyển chọn xem con nào sẽ tiếp tục lên hồ Nhĩ Hải đẻ trứng, con nào sẽ hy sinh làm mồi cho ngư dân làng Chiang Khong trong ngày hội thi cá Pla Beuk. Ngư dân Thái và Lào sống hai bên bờ sông Mekong cho tới nay vẫn tin rằng cá Pla Beuk là loại linh ngư đem tới cho họ may mắn trong các mùa chài lưới.

Marco Polo trên đường từ Bắc Kinh đi Bengal theo Con Đường Tơ Lụa Phương Nam – Southern Silk Route cũng đã đến thăm hồ Nhĩ Hải với ghi nhận cá ở đây được kể là “nhất thế giới”. Cũng khoảng thời gian đó (1278) Marco Polo đã vượt qua sông Mekong khúc phía tây Vân Nam để ra khỏi Trung Hoa.

Sáu trăm năm sau Marco Polo, đoàn thám hiểm Pháp với Doudart de Lagrée / Francis Garnier từ Sài Gòn ngược dòng sông Mekong bằng cuộc hành trình gian truân kéo dài hai năm khi bằng đường sông khi đường bộ cuối cùng họ cũng đặt chân tới Đại Lý (1868) tới hồ Nhĩ Hải hùng vĩ ngay phía đông khu cổ thành sau khi trả giá bằng cái chết của Doudart de Lagrée trưởng đoàn.

Hơn 130 năm sau Francis Garnier, hai anh em Cao Bé Tư và Duy tới đây. Họ đang tìm tới những sinh cảnh đẹp đẽ cuối cùng của một dòng sông sắp vĩnh viễn đi vào quá khứ.

Buổi sáng chưa tan hết màn sương, người sắc dân Bạch đã chèo những chiếc thuyền nhỏ tới các đáy tre mà họ đặt qua đêm để bắt cá. Đến trưa thì mặt trời đỏ rực trên cao, ánh nắng lấp lánh phản chiếu trên mặt hồ. Không gặp ngày gió lớn, đàn chim cốc – cormorants được thả ra cho đi săn cá trên hồ. Cảnh này cũng được thấy ở Quế Lâm nhưng Nhĩ Hải thơ mộng và hùng vĩ hơn. Được chủ thuần hóa trước, mỗi con đều mang trên cổ một chiếc vòng đủ chặt để ngăn chúng nuốt xuống những con cá bắt được. Cảnh tượng thật kỳ lạ, chỉ bằng âm thanh đặc biệt của mái chèo là cả một đàn chim cốc cùng lặn sâu dưới mặt nước rồi trước sau từng con trồi lên với trên mỏ là những con cá trắng rẫy rụa và bác ngư dân chỉ việc tới gỡ mỏ từng con và thu hoạch.

Thụy lệ – Ruili thị trấn biên thùy

Từ vùng biên ải xa xôi phía cực tây nam Vân Nam giữa Trung Hoa và Miến Điện, từ thập niên 90 đã mau chóng mọc lên một thị trấn có tên là Thụy Lệ, trong số 13 thị trấn biên thùy của Trung Hoa từ Tây Bá lợi Á xuống tới Việt Nam. Thụy Lệ là nơi trao đổi buôn bán rất phát đạt giữa Myanmar – Miến Điện và Trung Hoa, nơi tụ hội dân tứ xứ cả dân gốc Miến chiếm tới một phần ba. Hàng hóa Made in China tràn ngập nhưng nét đặc thù và cũng là sinh hoạt chủ yếu của Thụy Lệ là buôn bán ngọc trai đá quý đem tới từ Miến Điện, thuốc phiện bạch phiến từ khu Tam Giác Vàng và cả tràn ngập các ổ mãi dâm dưới dạng các tiệm tắm hơi xoa bóp thu hút các cô gái Hoa và Miến lưu lạc từ khắp phương trời xa tới. Số bị AIDS đã tăng nhanh tới mức đáng sợ do nạn ghiền ma túy chích choác và đông đảo gái làng chơi. Thụy Lệ được mô tả như một thị trấn hoang dã nhất của Trung Hoa. Nhưng đây cũng là nơi khá hấp dẫn ngay đối với cả đám du khách Tây Phương có chút máu phiêu lưu và không sợ thiếu an ninh.

Bé Tư theo Duy tới đây có chủ đích của cô, là thành viên tích cực của Hội Bảo Vệ Thú Vật và Môi sinh, Bé Tư muốn được thấy tận mắt nơi mà người ta gọi là Xưởng Gấu Á Châu. Hơn 300 con thú bẫy từ Miến Điện bị nuôi nhốt trong từng chiếc cũi sắt để hàng tuần bị luân phiên đâm thích lấy mật như vị thuốc Bắc hiếm quý và cũng vô cùng đắt để xuất cảng sang Hồng Kông, Đài Loan hay Nam Hàn. Chuyến đi Thụy Lệ với Bé Tư là để có thêm một kinh nghiệm khá bẽ bàng: khi chính đồng loại nơi đây cũng như đồng bào của cô nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long cũng chưa được chăm sóc bảo vệ thì mục tiêu bảo vệ những con hạc con gấu của cô trở thành điều khá mỉa mai và xa xỉ. Từ bảo vệ chim muông sang tới môi trường, mặt trận của cô bây giờ trải rộng ra những vấn đề xã hội.

Cảnh Hồng – Jinghong chan chứa nắng hè

Họ lại gặp nhau ở chặng cuối cuộc hành trình trước khi rời Trung Quốc. Từ Đại Lý men theo con sông Mekong đi xuống phía nam là vùng Tây Song Bản Nạp – Xishuangbanna gốc tên Thái Lan Sip Sawng Panna là vùng “Thái Tộc Tự Trị Khu” như một tiểu Thái Lan trong nước Trung Hoa, làng mạc với phụ nữ sắc tộc Thái – Dai mặc những chiếc áo sặc sỡ, những vườn trái cây nhiệt đới dừa đu đủ dứa cam, các đền chùa và những khu rừng mưa_ rainforest đang bị tàn phá mau chóng và ngày một thu hẹp. Theo ngữ chủng – ethnolinguistic thì sắc tộc Thái thuộc nhóm Thái Lào, theo đạo Phật Tiểu Thừa, sống trên những nhà sàn và cùng chung những ngày hội lễ như ngày Hội Tạt Nước vào giữa tháng 4 với những ngày hội chợ, đua thuyền rồng trên sông Mekong – giống ngày hội đua ghe ngo dưới đồng bằng sông Cửu Long, và đặc biệt là phong tục tạt nước có ý nghĩa rửa sạch bụi nhơ xua hết ma quỷ của năm cũ và cầu phúc lành cho năm mới. Do sẵn mối liên hệ huyết thống chủng tộc có tự lâu đời nên đường biên giới địa dư chánh trị trên bản đồ không có nghĩa lý gì với người dân thiểu số. Hồi Cách Mạng Văn Hóa khi bị các Vệ Binh Đỏ truy lùng họ đã dễ dàng chạy thoát sang Thái, Lào, Miến và Việt Nam nơi không thiếu những bà con thân thuộc.

Hai anh em Cao Bé Tư và Duy, ba người đứng từ trên chiếc cầu lớn mới bắc qua con sông, để thấy những hoạt cảnh người sắc tộc Thái sống chan hòa với con sông Mekong ra sao. Phụ nữ ngồi giặt giũ hay mặc nguyên cả những chiếc váy, đầm mình xuống sông tắm. Trẻ con thì từng đám phóng mình từ trên bờ cao xuống giòng sông nước nâu ấm áp bơi lội vùng vẫy giữa những giê lục bình trổ bông tím và những cành củi mục. Nhìn con sông Mekong đang cuộn mình chảy qua bên kia biên giới nước Lào, trên cao là trời xanh nắng ấm với những đám mây trắng đẹp Vân Nam đang theo dòng nước trôi về Phương Nam, không nói ra nhưng cả ba có chung một ý nghĩ là với người nông dân Nam Bộ sống nơi đồng bằng châu thổ thì đó lại là những đám Mây Bão báo hiệu thiên tai đang đổ đến từ Phương Bắc.

Comments are closed.