ĐI VỀ NƠI HOANG DÃ (KỲ 7)

Tiểu thuyết Nhật Tuấn

 

mười lăm

 

Suốt hai ngày liền, ông toán trưởng không bắt chúng tôi phát cây, không nói năng, chỉ lặng lẽ chờ đợi cái điều mà tôi biết nó chỉ tới qua cái máy VTĐ của ông. Thái độ thằng học giả cũng làm tôi ngạc nhiên, nó thôi không giở ra tập thư ngày ngày vẫn viết nữa, nó cứ lầm lì tha thẩn hết xó nhà này sang xó nhà khách như tìm kiếm cái gì đó và càng ngày càng tỏ ra lo lắng. Sau cùng nó thôi không tìm kiếm nữa, kéo tôi ra chỗ chỉ có hai đứa, thổ lộ:

“Cái bản này lạ lắm mày ạ. Suốt từ hôm tới đây, tao không thấy bóng dáng một con chuột nào”.

Tôi nhìn nó thấy ghê ghê, không lẽ thằng này thèm thịt đến định bắt cả chuột ăn? Nó lắc đầu quày quạy:

“Không không, tao không nói chuyện ăn thịt chuột. Tao chỉ thắc mắc cả cái bản lên này sao không thấy bóng dáng một con.”

“Chắc chúng nó cũng chuyển xuống núi định cư cùng với dân bản.”

“Không phải đâu, chuột ở đây chết hết rồi.”

Tôi nhìn bộ mặt tái mét của nó:.

“Vậy thì đã sao?”

“Dịch hạch chứ sao. Mấy hôm nay tao nghĩ ngợi rất lung. Khu nhà mồ có rất nhiều mả mới chứng tỏ hàng loạt người mới chết. Điều đó cắt nghĩa vì sao dân ở đây bỏ bản đi đột ngột vậy”.

Một biểu lộ chưa bao giờ tôi được thấy, ngay cả lần nó bị trượt ngã suýt toi mạng ở vách đá: sự kinh hoàng, làm tôi phải thú nhận sẽ chẳng bao giờ mình hết kinh ngạc về những người xung quanh. Giá cứ ngu như tôi, như thằng hộ pháp, chẳng cần biết làm gì đến cái “cơ chế truyền bệnh của những con chuột mang mầm bệch dịch hạch” mà nó đang lắp bắp nói kia thì chẳng bao giờ phải hoảng hốt vậy.

Nó cuống lên rủ tôi tới gặp ngay ông toán trưởng yêu cầu lập tức cho cả toán rời khỏi bản Mù U trước khi những con bọ chét rời bỏ xác những con chuột chết bay đi tìm con người, và mai kia nếu nó có lên cơn sốt, yêu cầu cáng ngay xuống bệnh viện gần nhất… “Tao không thể chết một cách vớ vẩn như vậy được, mày biết không, đêm qua tao đã quyết định rồi, nhất định cuối năm nay tao sẽ về phép để cưới vợ. Tao đã suy nghĩ nát óc ra rồi, con gái có thì phải không nào? nàng đã chờ tao đi xây sự nghiệp ba năm nay, nhưng bây giờ tao đã hiểu, đó “không phải là một chuyến rong thuyền đi buôn trên biển, đó là công việc lâu dài, bởi vậy tao không thể bắt nàng chờ đợi lâu hơn được nữa. Cuối năm nay tao phải cưới nàng. Ấy thế mà nếu không rút nhanh khỏi đây, công trình tình yêu bao nhiêu năm tao cất công xây dựng rất có thể xụp đổ tan tành vì những con chuột chết đó”. Thế là tôi đã rõ về cái nỗi hoảng kinh đáng ngạc nhiên của nó. Tôi mới bảo nó rằng mày là cái thằng luôn miệng nói đến cái hố thẳm trong con người, vậy thì những con bọ chét mang trùng dịch hạch kia có khi chẳng đáng sợ bằng cái hố thẳm trong lòng nàng búp bê. Tôi nói thế cốt trấn an nỗi khiếp sợ của nó thôi, chẳng ngờ nghe tôi nói chưa dứt câu, nó đã nồi giận, thộp ngực áo tôi đến rách cả khuy tới tấp mắng vào mặt tôi đủ loại ngôn từ về tội xúc phạm đến nữ chúa trời thiêng liêng của nó, về cái đầu tối tăm, méo mó của tôi lúc nào cũng chỉ nhìn thấy cái phần xấu xa trong con người. Tôi cứ ngẩn mặt nghe, mặc cho nó tuôn ra bằng hết cơn sốt ngôn từ, rồi tôi mới sửa lại khuy áo, từ tốn bảo nó:

“Thế là rõ, mày đang sợ cái hố thẳm trong lòng nàng chứ chẳng phải những con chuột chết mang trong mình những con bọ chét. Tao nói đúng tim đen mày phải không nào nếu không, mày đã chẳng nổi đóa lên như thế”.

Nó quay bộ mặt méo xệch đi, lắp bắp điều gì không rõ nhưng tôi hiểu nó đang căm ghét tôi, nó không muốn đấm vào mặt tôi chẳng qua nó sợ bẩn tay đó thôi. Ôi, dính dáng đến thằng mọt sách này mệt đầu, rã rượi cả người, chẳng thà rủ thằng hộ pháp đi bổ củi còn tốt hơn. Tôi đi tìm, gặp nó đang nằm võng dưới cây đào dâm mát, mắt lim dim dở thức dở ngủ, lạy trời, chỉ mong sao nó đừng đang tơ tưởng tới cô nàng vợ ông xã đội, tránh cho tôi phải nghe một bi kịch tình yêu nữa. Nghe tiếng chân tôi, nó mở choàng mắt, vẫy tôi lại gần:

“Tao hỏi mày tít trên cao kia có cái gì?”

“Mây xanh”

“Tít trên nữa?”

“Có vệ tinh nhân tạo và con tàu vũ trụ”

“Vậy tít trên nữa?”

“Có mặt trăng, mặt trời và các ông sao”.

“Trên nữa trên nữa kia, có cái gì?”

Tôi nổi cáu:

“Có cái ông trời chứ còn cái gì? Mày điên đấy phải không?”

“Không phải, từ nãy tao cử nằm ngửa mặt lên trời và cứ nghĩ bụng phải có cái gì ở tít tịt trên đó chứ”.

Cái đó đến thằng học giả cũng khó trả lời cho nó, chịu, tôi đành lôi nó ra khỏi cái cơn ngẫm nghĩ trừu tượng đó bằng cách rủ nó đi bổ củi. Nó từ chối phắt và lại còn trách tôi đầu óc lúc nào cũng chỉ quẩn quanh củi nước, chẳng có nghĩ ra được cái gì hay ho hơn.

“À thôi phải rồi, nó vỗ đét vào vai tôi kêu to, tao vừa nhặt được mảnh nhôm đẹp lắm, mày bảo nên dùng làm gì?”

“Đưa cho thằng cấp dưỡng khi cần nó vá nồi xoong”.

“Lại nồi với xoong. Tao cứ tưởng cái đầu mày đâu đến nỗi bã đậu thế?”

Tôi nhìn nó mân mê miếng nhôm to bằng bàn tay, hoang mang quá, chẳng biết xui nó dùng làm gì để nó khỏi chê mình đần độn. Nó nghĩ một chút rồi cười toét miệng:

“Tao định đục thành một cái gì đó làm quà tặng con vợ thằng xã đội. Mày bảo nên không?”

“Nên lắm chứ”.

“Theo mày nên đục thành cái gì?”

“Cái chính là mày có biết đục chạm không đã?”

Nó nhìn xuống bàn tay, xòe ra rồi nắm lại:

“Vậy mày tưởng tao chỉ biết có cầm dao thôi hả? Làng tao có lão thợ bạc, vẫn nhờ tao thụt bễ cho lão do vậy lão mới dạy tao làm được khôi thứ. Chỉ khó một điều là mình không có dụng cụ thôi”.

Lại một điều bất ngờ với tôi khi từ trước tôi vẫn nghĩ về nó như một con voi đực chỉ biết hùng hục phát cây. Lược trâm cài tóc, hộp đựng tăm… tôi căng óc nghĩ xem nó nên đục chạm thành cái gì? Nó cũng cau trán lại nghĩ ngợi. Sau cùng, tôi kêu to:

“Tao nghĩ ra rồi, mày gò cho nó một cái đèn ngủ thật đẹp.”

“Mẹ kiếp, để soi cho thằng xã đội ngủ với nó à? Mày chỉ xui dại tao thôi”.

Nó trừng mắt lên, quả quyết:

“Thôi được, tao sẽ gò cho nó một con dao”.

“Phải đấy, gò con dao thật sắc cho nó bổ cam, bổ bưởi, đàn bà chúa ăn vặt”.

“Không phải, để nó… cắt dái thằng xã đội.”

Tôi giật thót, trố mắt nhìn nó cười gằn, hoang mang chả hiểu sao bỗng dưng nó phẫn chí thế. Nó hất võng đứng dậy, cầm mảnh nhôm đi gò con dao mặc tôi cứ đứng đực ra bên gốc cây đào. Rắc rối thật rồi, thằng nào cũng muốn nổi điên lên cả, tôi đành đi tìm thằng cấp dưỡng phụ nó gọt sắn cho qua cái ngày trống rỗng này vậy. Có lẽ trong mấy đứa chỉ còn nó là ít nỗi niềm riêng nhất. Tôi vừa ló mặt vào căn buồng vừa dùng làm nhà ăn, vừa làm bếp đã thấy nó đang lúi húi đào góc nhà.

“Mày làm trò gì thế?”

Nó ngước lên bộ mặt đầm đìa mồ hôi:

“Lạ lắm mày ạ, ở góc nhà có đống đất mới. Tao ngờ nó chôn của. Mày đào giúp tao một tay, nếu được, chia đôi.”

Tôi giằng lấy cuốc trong tay nó:

“Mày điên hả? Của đâu, nhỡ ra nó chôn xác người thì sao?”

“Xác người đâu ra?”

Để nó khỏi đào nữa, tôi bịa chuyện dân bản ở đây có phong tục chôn trong buồng những trẻ sơ sinh chết ngay khi mới lọt lòng.

Nó ngờ vực:

“Mày nghe chuyện đâu ra? Tại sao phải thế?”

Tôi đáp bừa:

“Thì tại mới đẻ chưa có tên, chưa đăng ký hộ khẩu nên không được chôn trong khu nhà mồ chứ sao.”

“Man rợ thế kia ư?”

Nó văng một câu chửi rất tục rồi quẳng cuốc không đào nữa, ngẩn ngơ như người mất của, làm tôi phải bật cười:

“Tao không ngờ mày lại hám của thế?”

“ Tao gửi về cho mẹ.”

Nó thở dài kể tôi nghe hồi này nhà nó sa sút lắm bố nó đau ốm luôn, mẹ nó dầm mưa dãi nắng cả ngày, công điểm cũng vừa đủ ngày có hai bữa gạo đổ nồi. Nó mở ba lô khoe gói tiền dày cộp đã giành dụm, chắt bóp được để mai kia về phép mang về cho mẹ. A, tôi đã hiểu vì sao thằng cấp dưỡng lại nổi tiếng hà tiện đến thế. Trước đây mỗi lần được ghé qua thị trấn, việc đầu tiên của bọn tôi là đâm bổ vào cửa hàng ăn, có lần mậu dịch viên thấy chúng tôi ăn uống hoang toàng quá, lại tưởng biệt kích mới trên núi xuống bèn chạy đi báo công an. Những lúc như thế chỉ mỗi thằng cấp dưỡng ngồi ngoài cửa trông đồ cho cả toán, khát nó uống nước trong bi đông đeo kè kè bên mình, đói nó giở cơm nắm ra, nhất định không tiêu lấy một xu. Nó chẳng bao giờ mời ai hoặc ăn của ai cái gì, lúc nào trên miệng cũng cắm một cái tăm ra vẻ ta đây mới ăn hãy còn no lăm. Thảo nào nó tích cóp được số tiền lớn thế kia. Tôi khuyên nó lúc nào tiện nên gửi dần cho mẹ qua bưu điện. để tích cả cục thế nhỡ mất thì công cốc. Nó trừng mắt:

“Mất sao được, thằng nào muốn mất mạng thì rớ vào đây…”

Nói xong nó buộc chặt lại, gói ra ngoài một miếng vải nhựa, nhét kỹ dưới đáy ba lô. Chao ôi hóa ra chỉ có tôi là chẳng có tích cóp mong chờ cái gì, sống trên rừng hoặc trở về xuôi cũng thế thôi, “bấc đến đâu dầu đến đến”, cho tới lúc nào “dầu cạn”, hai tay buông xuôi là xong một đời. Tôi nằm cuộn tròn trên võng buồn đến ứa nước mắt. Sao tôi không lo toan, ham hố như chúng nó? Sao cứ nghĩ tới những mục tiêu ông toán trưởng vạch ra và hứa hẹn, tôi đã thấy chán rồi? Giá như tôi cũng có mẹ để mà góp tiền gửi về như thằng cấp dưỡng, có ngươi yêu để mà nhớ mong như thằng học giả, thằng hộ pháp thì liệu tôi còn hay nghĩ ngợi ẩm ương về có hay không có cái hố thẳm trong tôi nữa hay không? Chịu, chẳng biết được, biết đâu khi đã có cái để mà lo toan, mong đợi rồi, tôi lại chẳng nghĩ ngợi ẩm ương về cái khác?

Thằng học giả bỗng chạy bổ vào, mặt tái mét:

“Có đúng là góc nhà ăn có xác người mới chôn không?”

“Có đúng là mày nghe thằng cấp dưỡng nói không?”

“Nó vừa kể cho tao nghe đấy. Mày nói láo, làm gì có chuyện trẻ sơ sinh mới chết phải chôn trong góc buồng vì chưa đăng ký hộ khẩu.”

Tôi nhỏm dậy:

“Đồ ngu, tao nói thế để nó thôi không đào nữa. Nhỡ nó đào được xác thật thì sao?”

Thằng học giả càng lo sợ:

“Đúng là ở đó người ta chôn người chết thật chứ còn gì nữa. Mày không biết, khi gia đình có người chết vì dịch tả thì cả làng đều sợ không ai dám đến nhà nữa kia. Chắc gia đình người chết chỉ có hai vợ chồng già nên đành mang chôn trong góc buồng.”

Tôi chẳng hơi sức đâu mà nghe những tưởng tượng rùng rợn của nó, đành phải theo nó đi tìm ông toán trưởng. Ông cũng đang nằm lơ mơ trên võng mắc trong một căn nhà khá rộng, trên vách còn sót lại vài trang họa báo vàng o. Nghe thằng học giả lắp bắp trình bày, ông cau mặt:

“Làm gì mà cuống lên thế. Chết đến đít rồi sao? Các cậu cứ yên tâm mài dao chuẩn bị mai đi làm, mọi chuyện tôi đã nắm hết rồi, phải chờ ý kiến của Ban chỉ huy. Tối nay nếu nhận được điện tôi sẽ họp phổ biến tỉnh hình: Thôi, ra đi…”

Ông lại nằm xuống với cái vẻ một ông thánh tuẫn đạo sửa soạn chỗ để chết, thôi không còn dính dáng gì tới việc đời. Tôi kéo thằng học giả ra ngoài:

“Mày thấy chưa? Gái góa cứ lo việc triều đình. Mọi việc chân tơ kẽ tóc ông ấy đều biết trước, tính trước cả rồi. Phải tin tưởng cấp trên chứ. Các ông ấy để mình chết được đâu mà lo.”

Thằng học giả văng tục:

“Mẹ kiếp, lão ấy già rồi, có chết cũng chẳng sao, tao còn trẻ, chết tiếc đời lắm.”

Mặc cho tôi tha hồ trấn an, ngay từ nhá nhem tối, thằng học giả đã đốt bốn, năm đống lửa thật to quanh nhà và ngay gần chỗ nó mắc võng để xua đuổi tử thần núp trong những con bọ chét có cánh, rồi đi tất, bịt mặt, nó mắc màn che kín mít và chui tọt lên võng làm thằng hộ pháp hí húi gò miếng nhôm cũng phải bật cười:

“Cái số phải chết thì mày có chui vào hòm sắt cũng cứ chết. Cái số được sống thì có bắt bọ chét bỏ vào người vẫn cứ sống nhăn.”

Thằng học giả không thèm đối đáp kéo chăn chùm kín đầu. Thôi cứ để yên cho nó nằm tơ tưởng cô nàng búp bê, tôi can thằng hộ pháp và bỗng giật mình khi từ phía khu nhà mộ lại vẳng tới tiếng chó tru. Trời ơi, con chó hoang ấy vẫn còn sống, hai hôm nay, để yên cho nó chết theo chủ, tôi không tìm ra chỗ đó nữa và tin chắc cái phần sống cuối cùng trong nó là quả tim cũng đã ngừng co bóp, sáng mai tôi sẽ vác cuốc đào cho nó một ngôi mộ ngay bên cạnh chủ. Vậy mà chẳng ngờ… Tôi buông một tiếng thớ dài:

“Tội nghiệp con chó, vẫn chưa chết được, còn sống ngày nào còn khổ ngày đó?”

“Chết sao được, nó còn sống cho tới ngày… nó chết?”

Thằng hộ pháp nở một nụ cời bí mật rồi im bặt. Tôi chưa kịp đoán thái độ của nó, nó đã khoe tôi con dao:

“Cho mày xem, đẹp chưa, thợ chuyên môn cũng chỉ gò được đến thế…”

Quả thực con dao được chạm trổ rất công phu, hai bên má đều có khắc hai con chim câu châu mỏ vào nhau với hàng chữ nhỏ li ti “ tặng em” và “nhớ mãi”. Tôi ngắm nghía nước dao sắc ngọt rờn rợn trên ngón tay làm tôi bần thần:

“Tao tưởng mày nói đùa hoá ra thực hả?”

“Thực hẳn đi chứ, mày được nhìn cảnh thằng xã đội đánh đập nó thì mày mới biết, không khéo ở địa vị tao mày lại đúc cho nó hẳn cái mã tấu ấy chứ.”

Tôi doạ nó:

“Nếu con đó giết chồng thực bằng con dao này, thể nào công an cũng truy ra mày bắt đi tù.”

Vẻ mặt nó làm tôi thấy sợ. Tôi đánh bạo hỏi:

“Đẹp trai như mày, đời thiếu gì con gái sao nhất thiết cứ phải nhắm vào con vợ thằng xã đội cho rách việc ra”.

Nó nhìn chăm chăm vào mặt tôi, cười gằn:

“Mày khác gì con gà sống thiến, hiểu thế nào được chuyện đó. Sống như mày, chết mẹ nó đi cho xong”.

Tôi không giận nó, chỉ thấy buồn cười. Hóa ra trong cái tập thể mà ông toán trưởng vẫn báo về Ban chỉ huy rằng “mọi người vẫn gắn bó nhau thành một khối thống nhất”, trong cái tập thể đó rất ít có những đường dây cảm thông giữa các ốc đảo của mỗi con người. Thằng nào dường như cũng chỉ đắm đuối vào chính nó, ngoài ra, mọi người đều là hàng xóm với nhau cả. Chính vào lúc những ý nghĩ buồn rầu cứ như con sâu đo bò dọc ngang trong đầu, tiếng chó tru lại vẳng tới tai tôi. Mọi người xung quanh đã ngủ hết, chỉ còn tôi nghe được những tiếng gọi cuối cùng của con chó hoang tội nghiệp ấy.

Mười sáu

 

Những phỏng đoán lo ngại của thằng học giả được ông toán trưởng xác nhận ngay sau khi ông nhận được điện của Ban chỉ huy. Người ta cho biết cách đây hơn một tháng ở bản Mù U đã xảy ra một trận dịch tả lan tràn khắp mọi nhà, mặc dù cơ quan y tế đã tới tiến hành mọi biện pháp nhưng vẫn không ngăn được thần chết mang di gần nửa số người. Cả bản đã vội vã rút xuống núi sau khi chôn cất qua loa những người thân. Như vậy nỗi hiểm nguy mang tới không phải do những con bọ chét mà là những con vi khuẩn còn sống sót trong các nguồn nước.

“Nhiệm vụ chính trị cao nhất hiện nay vẫn là tiếp tục kế hoạch thăm dò tới đỉnh Hua Ca. Trong bất cứ tình huống nào cũng không được bỏ dở…”

Ông toán trưởng cao giọng đưa mắt nhìn khoảng không trước mặt như muốn tìm ở đó những ngôn từ giúp ông diễn đạt những chỉ thị quan trọng ông vừa mới nhận được của Ban chỉ huy qua máy VTĐ.

“Nhiệm vụ cao nhất của chúng ta ngay lúc này là phải rút ngay khỏi đây kẻo chết vì bệnh dịch tả…”

Thằng học giả cướp lời làm ông toán trưởng trừng mắt:

“Anh khỏi dậy khôn cấp trên. Để bảo đảm sức khỏe cho anh em, Ban chỉ huy đã quyết định chúng ta phải rút ra khỏi bản Mù U cách xa năm kilômét theo đường tuyến.”

Theo hướng tuyến tức là rời xa khu vực dân cư, xa con đường xuống núi dẫn tới nơi có xã hội con người để lại đi vào mênh mông rừng xanh, núi đá trăng nhằm tới cái đỉnh Hua Ca xa xôi nào đó mới chỉ có ông toán trưởng thấy nó trên bản đồ. Thằng cấp đường không nghĩ ngợi xa xôi, nó hỏi thẳng vào vấn đề của nó.

“Thế còn gạo? Ăn mãi sắn sao được. Vả lại cứ mót mãi quanh đây cũng gần sạch cả rồi.”

Giống như một đầu bếp khéo, giờ đây ông toán trưởng mới dọn ra món ngon nhất:

“Để kịp thời khen thưởng thành tích bước đầu của anh em, Ban chỉ huy đã cử đồng chí liên lạc chở gạo, thịt hộp, đường sữa lên tận tuyến cho chúng ta.”

“Hoan hô…”

Tôi reo lên, vỗ tay đồrn độp và đắc ý nhìn thằng học giả. Thấy chưa, cứ lo lắng hão, cấp trên người ta chu đáo nhìn thấy hết, lo cho hết, mình cứ tin tưởng tuyệt đối, tập trung lo làm cái nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, nó không thiết để ý tới vẻ châm chọc của tôi, mặt nó cứ đần ra lo lắng:

“Không hiểu kỳ này liên lạc vào có mang thư cho anh em không.”

“Cái trước hết là liệu có ai viết thư cho mày không đã, nếu có ắt liên lạc phải mang theo rồi.”

Mặc cho cả bọn phá lên cười, nó vẫn lầu bầu:

“Tao sợ nó mải lo thịt hộp với đường sữa quên mất thư tao.”

Chúng tôi chuyển khỏi bản Mù U ngay hôm đó. Ngang qua khu nhà mồ tôi ghé xuống quăng cho con chó mẩu sắn luộc. Nó vẫn chưa chết như tôi tưởng, ngược lại còn có vẻ khá hơn mấy bữa trước. Nó ngước mắt nhìn tôi rồi cúi xuống ngoạm củ sắn nhai khó nhọc. Tôi vỗ nhẹ vào đầu nó:

“Thôi, vĩnh biệt mày, mày đã chọn cái chết theo chủ, tao có can cũng chẳng được, chúc mày sớm gặp lại chủ ở bên kia thế giới.”

Khi tôi bước đi, bỗng nó sủa lên oăng oẳng. Hình ảnh cuối cùng tôi được thấy trước khi đi vào lối rẽ ngoặt là nó cố gượng đứng dậy, lảo đảo đi gần lại ngôi mộ mới đắp.

Mãi gần trưa bọn tôi mới đi cách xa khỏi bản Mù U và tìm được sườn núi thoai thoải làm chỗ trú quân. “Quan ôn”đã lùi lại chắc không còn đuổi theo bọn tôi tới tận cái hốc núi tối mù này nữa. Sau khi đi xem xét khắp bốn xung quanh, thằng học giả đắc ý xoa tay:

“Tao đã tìm kỹ rồi, không một vết chân người, chắc chắn vi trùng dịch tả không bén mảng tới đây được.”

Mấy hôm nay mới lại thấy nó tươi tỉnh, rũ được cái vẻ gà rù. Nó huyên thuyên kể về những vụ dịch tả lớn trên thế giới làm chết mấy thành phố, người ta buộc phải kéo cờ đen trên những con tàu chở người bệnh và thế là nó cứ lênh đênh vĩnh viễn ngoài biển khơi, không một hải cảng nào dám cho cập bến… Hết chuyện dịch tả nó chuyển sang chuyện dịch hạch rồi nhảy sang dịch tự tử vì tình của các cô gái thành phố, toàn những chuyện chắc nó đọc trong sách thôi, tôi chỉ lấy làm lạ mới có tý chút hơi hướng những bức thư tình thằng liên lạc có thể mang tới và tránh xa cái nguy cơ dịch tả mà thoắt cái nó biến ngay thành người vui vẻ, khỏe mạnh, yêu đời. Tuy nhiên sáng hôm sau, khi ông toán trưởng thổi còi đi làm, tôi lại nghe tin nó ốm, phải nghỉ. Nhìn cái võng của nó vẫn mắc màn sùm sụp, tôi chạy đi hỏi thằng hộ pháp:

“Thằng học giả sao thế? Không khéo nó bị thổ tả thì toi…”

Thằng hộ pháp có vẻ không ngạc nhiên như tôi, nó chỉ cười nhếch miệng:

“Ôi giào nó cảm cúm qua loa thôi, hôm nay tao với mày mỗi thằng phát dấn lên một tý thay nó vậy”.

Mặc dầu mới có mấy củ sắn luộc nhét bụng, thằng hộ pháp vẫn vung dao hăng hái lắm, nó lại còn giục tôi nhanh tay lên, đạt năng xuất cho xong để về sớm. Bởi vậy hôm nay dù bọn tôi gặp toàn các thứ khó gặm như song mây, tre gai mà mới xế chiều ông toán trưởng cộng sổ đã thấy đi được hơn hai kilômét rồi. “Vậy thôi về…”, thằng hộ pháp nhẩy cẫng lên và cuộn lại cái thước vải đo đường. Ông toán trưởng im lặng đồng tình, không bắt chúng tôi làm tới hết giờ để vượt năng suất như mọi khi. Trên đường về thằng hộ pháp cứ nhảy thoăn thoắt qua những tảng đá rêu trơn như đổ mỡ rải rác tronglòng những con suối cạn, miệng tủm tỉm như có điều gì vui lắm làm tôi phải quát nó đi chậm lại không ngã gãy cổ. Vừa về gần chỗ trú quân, tôi đã thấy thằng cấp dưỡng đứng đón ở đầu dốc mặt mũi hí hửng.

“Chúng mày về sớm thế là hay lắm. Tao cũng vừa xong xuôi mọi thứ. Hôm nay tao đãi chúng mày một bữa đại tiệc”.

Nó khoe sáng nay nó mới bắn được con cheo nặng cả chục kí lô, thịt mềm và thơm lắm, thứ thì nướng, thứ nấu rựa mận, thứ xào lăn, chỉ tiếc không đánh được tiết canh vì khi bắn, nó chảy hết cả máu. Thằng học giả cũng đang lăng xăng dọn bát, xếp đũa, múc thức ăn. Dường như hơi thịt đã làm nó hết sạch cả cảm cúm. Thằng hộ pháp cứ để nguyên cả giày lẫn ghệt, xấn tới, vỗ hai tay vào nhau:

“Nào, tế sớm khỏi ruồi…”

Quả thực suốt từ ngày bắn được con lợn rừng, ba tháng nay chúng tôi không động tới miếng thịt, thiếu đạm động vật, người mệt mỏi, da khô, mắt mờ, đêm nằm mơ thường chỉ thấy mình sắp được ăn món nọ, món kia, món nào cũng kề miệng rồi tỉnh giấc. Bởi vậy mới chỉ đặt miếng thịt cheo vào đầu lưỡi đã thấm cái vị bùi bùi của nó chạy lan khắp người, rung chuyển cả hệ thấm kinh và rồi dạ dày như được đánh động, co bóp thật mạnh để đón chờ những dưỡng chất thần kỳ, từ lâu rồi đã vắng mặt. Bọn tôi ăn rào rào không thằng nào hé răng nói nửa lời khỏi ảnh hưởng tới công việc đang làm một cách hết sức chăm chú. Ông toán trưởng cũng bỏ thói quen ăn riêng mỗi ngày và bằng vào cung cách của ông, tôi ngờ ông cũng có một cái dạ dày khỏe khoắn không kém gì bọn tôi. Đó quả là một bữa tiệc ngon nhất trong đời mà rồi sau này dù có vào các nhà hàng sang trọng gọi những món ăn đặc biệt, những người ngồi đây khó mà gặp đợc một bữa nào ngon miệng hơn.

Ngược với lần ăn thịt lợn rừng, tối nay cả bọn chui lên võng nằm sớm, trừ ra mỗi thằng học giả vần lúi húi ngồi bên đống lửa làm cái công việc rút ruột viết thư quen thuộc của nó. Tôi nhắm mắt ngủ ngay và rồi dường như có tiếng chó tru thảm thiết làm tôi thức giấc. Đêm đã khuya lắm, cái giá buốt thấm qua lần võng len vào người làm tôi run bần bật. Tôi ngồi nhỏm dậy, nhảy xuống đất đi tới đống lửa ấm áp. Thằng học giả vẫn kéo dài những gióng chứ như giun bò, ngước lên nhìn tôi ngạc nhiên.

“Rét không ngủ được, tao phải dậy sưởi lửa.”

Nó ký loằng ngoằng bên dưới trang giấy đặc sệt chữ, gấp cuốn sổ lại, lẩm nhẩm:

“Lời mà không có tư tưởng bay sao được lên thiên đàng?”

Tôi đập tay vào người nó:

“Lạ lắm mày ạ, mình cách bản Mù U xa thế sao tao vẫn nghe thấy tiếng con chó ấy tru lên”.

“ Con chó nào?”

“Con chó nằm chờ chết bên mộ chủ nó ấy”.

Thằng học giả bỗng bật lên cời sằng sặc, cúi gập cả đôi người lại.

“Có cái gì mày cười dữ thế?”

“Tao cười cái bệnh hoang tưởng của mày đấy. Cái con chó bản Mù U chết rồi còn đâu mà tru lên được nữa?”

“Chết hồi nào, hôm qua chuyển quân tao còn thấy nó.”

Nó nhìn thẳng vào tôi, đầy chế giễu:

“Thằng ngu, con chó ấy chết rồi. Nó chui cả vào bụng mày chiều nay đấy thôi”.

Tôi lặng người, hiểu ra mọi chuyện. Trời ơi, thật tôi không ngờ…

“Mày không việc gì phải đớn đau sầu não như thế. Đằng nào con chó ấy cũng chết, vậy tao hỏi mày 10 kilôgram prôtít ấy nên để cho nó thối rữa ngoài rừng hay nên cho nó chui vào năm cái dạ dày đói kia. Đằng nào lợi hơn?”

Tôi muốn hét lên cái lý lẽ đó chỉ có ở những cái đầu lắm sách vở, lắm chữ nghĩa như nó. Tuy nhiên, cổ tôi tắc nghẹn, không nói được câu nào, vả lại làm sao tôi cãi nổi nó, cái thằng trí thức nửa vời ấy.

“Lẽ ra thằng cấp dưỡng còn định vỗ béo một thời gian nữa, chiều nào nó cũng giấu mày mang cho con chó bát cơm. Ngặt vì cái bệnh thổ tả kia làm mình phải chuyển đi xa quá nên đành phải thịt sớm. Thế là sáng nay tao cáo ốm ở nhà để giúp thằng cấp dưỡng một tay.”

Tôi thốt lên bằng cái giọng khàn khàn:

“Thằng nào bắn.”

“Lẽ ra là thằng cấp dưỡng. Nhưng lúc nó xách súng tới gần, con chó lại ve vẩy đuôi, mừng rỡ, tưởng nó mang cho ăn như mọi khi làm nó sợ quá loay hoay mãi không dám bóp cò. Tao chờ sốt cả ruột, bèn giằng ngay lấy súng, đòm một phát vào giữa đỉnh đầu. Con chó còn ngáp được một cái rồi mới chết.”

Nói xong nó ợ lên một cái. Chẳng hiểu sao tôi cũng ợ lên theo nó rồi tôi bỗng thấy nôn nao cả ngời, hai bên tai ù ù như gió đánh, mặt mày sây sẩm, tôi cố gương đứng dậy, lảo đảo đi về võng nằm vật mặc thằng học giả chạy theo hỏi rối rít:

“Mày sao thế? Trúng gió hả? Phải trúng gió không?”

Nằm lọt thỏm người trong chiếc võng đu đưa, tôi thấy mình bồng bềnh như đang trên một chiếc mảng gỗ bị xô đẩy bởi muôn vàn con sóng dữ ngoài biển khơi. Người tôi như bị dồi lên, dập xuống, cố ói ra hết mọi thứ trong người nhưng cổ bị vít chặt nên đành chịu vật mình vật mảy trong cái cảm giác buồn nôn đang quẫy lộn trong người.

Theo lời thằng cấp dưỡng kể lại, ngay đêm hôm đó thằng học giả đã xách quần chạy cả chục lần ra rừng ôm bụng kêu trời làm tất cả mọi người phải trở dậy, trừ ra có mỗi tôi ngủ như chết. Sáng hôm sau thằng học giả không còn sức chạy ra xa nữa, cứ mười lăm hai mươi phút nó lại phải nhờ thằng hộ pháp xốc nách tụt xuống võng, ngồi lên cái ống bương thật to. Bao nhiêu nước trong người nó đã thoát ra gần hết, mới chỉ sau không đầy một ngày đôi mắt đã hõm xuống, thân hình tóp lại, nằm thụt sâu trong võng, nó rên hừ hừ:

“Tao chết đến chân rồi chúng mày ơi… dịch tả… đúng là dịch tả rồi…”

Thằng cấp dưỡng đốt một đống lửa ngay cạnh nó, thỉnh thoảng lại ép nó uống bát nước nấu lá ổi rừng mà thằng hộ pháp mò mẫm suốt cả buổi sáng mới kiếm ra. Ông toán trưởng lục túi thuốc, tiêm một ống nước gì đó, nó ngủ thiếp đi được một lát rồi lại mở hé mắt nhìn bọn tôi, kêu toáng:

“Ối giời ơi tao chết đến bụng rồi chúng mày ơi, khiêng đi, khiêng tao xuống bệnh xá đi. Tao sắp chết dịch tả rồi đây khiêng đi…”

Ông toán trưởng chạy tới, quát to:

“Làm cái gì cuống lên thế? Dịch tả đâu nào, cậu bị kiết lỵ thôi, nốc cho lắm thịt chó nướng vào rồi lại uống nước chưa sôi….”

Thằng học giả mở mắt nhìn ông toán trưởng và thật bất ngờ, nó chắp tay vái lia lịa:

“Thủ trưởng ơi, em lạy thủ trưởng, thủ trưởng lệnh cho bọn nó khênh em đi trạm xá cho em sống, đúng là em sắp chết vì bệnh thổ tả rồi đây…”

“Thổ tả thì phải miệng nôn trôn tháo chứ, cậu có bị nôn đâu mà lại đi ra phân lầy nhầy, chả phải kiết lỵ là gì?”

Tôi phải lôi ông toán trưởng đi chỗ khác đỡ cho thằng học giả đang lên cơn tuyệt vọng phải lạy lục, van xin và đỡ cho tôi phải nhìn cái cảnh khổ tâm ấy. Ông nhất định không cho tôi và thằng hộ pháp khiêng nó quay trở lại đường mòn, xuống núi tìm trạm xá. Ông bảo rằng nó bị kiết lỵ thôi và đã cầm được tiêu chảy rồi, chẳng còn gì đáng lo nữa. Ông phàn nàn chưa thấy một thằng nào hèn đớn, ham sống sợ chết như cái thằng này. Tôi bảo ông rằng nó mới đốc chứng ra kể từ hôm nó quyết định cuối năm nay về cưới vợ đấy thôi; ngày trước đâu đến nỗi thế? “Càng ham hố lại càng sợ chết” nghe tôi nói vậy ông chỉ nín lặng. Tôi ngờ rằng ông tưởng tôi nói móc cả chính ông. Thôi kệ, lúc này lòng dạ đâu nghĩ chuyện đó, tôi quay lại chỗ thằng học giả đang mê sảng.

“Ối giời ơi tôi dại quá, giá như tôi đừng có ăn thịt cái con chó chết ấy thì đâu đến nỗi này… Chúng mày ơi, tao chết đến cổ rồi đây này… Sao không khiêng tao đi, bọn dã man… Ấy ấy, đôi mắt con chó lại nhìn tao đấy… Nó làm tao nhớ tới đôi mắt của mẹ tao cũng nhìn tao như thế… Con ơi con giết bố rồi con ơi…”

Nó òa lên khóc vật vã làm cả tôi lẫn thằng hộ pháp phải gồng cứng đôi tay mới giữ được nó nằm yên trên võng. Đêm đó cả hai đứa phải thức canh nó. Thằng hộ pháp nhìn rất lâu vào ngọn lửa, mặt bần thần:

“Con chó thiêng thật, không khéo nó vật chết thằng học giả”.

“Nếu đúng thế thật thì nó phải vật chết cả năm thằng chứ?”

“Không, nó chỉ thù thằng nào bắn nó thôi. May cho tao, suýt nữa tao tranh với thằng học giả ở lại bắn chó.”

“Mày là thằng mê tín…”

Nó không cãi chỉ nhếch miệng cời:

“Ngày thường nén hương không mất, lúc gấp ôm Phật mà kêu. Kia kìa, mày không nghe thằng học giả lầm bầm cái gì sao? Nó cầu bố nó đấy, nãy tao nghe được lõm bõm: Lạy cha sống khôn chết thiêng phù hộ cho con… Ấy thế mà hàng ngày mày đã nghe nó nói sách giỏi chưa? “

Về cái điều này tôi phải chịu nó, con người ta chỉ thừa nhận trời, Phật khi cần tới Ngài. Tôi hỏi nó có tin rằng “tít tịt trên cao” kia có một đấng Thượng đế toàn năng không, nó lắc đầu:

“Tao không tin có một ông như thế, nhưng tao tin có những phép lạ…”

Một trong những “phép lạ” nó kể là chiếc áo lót của nó mà cứ mỗi lần con vợ thằng xã đội cho vào nồi đất rang lên là ruột gan nó cứ nóng như lửa đốt, vừa nhớ thương vừa lo lắng.

“Sau này nó nói tao mới biết vì sao nó đòi giữ bằng được áo lót của tao. Lạ một điều những lần nó mang áo tao ra rang, tao đều nghiệm thấy đúng hệt, cha mẹ ơi, ruột gan cứ bổi hổi bồi hồi.”

Nhìn vẻ mặt của nó, tôi bật cười:

“Chắc lúc này nó đang mang áo mày ra rang đây”.

Thằng hộ pháp thở dài đánh sượt:

“Chả biết được, không khéo nó lại đang quắp thằng chồng nó cũng nên.”

“Nếu đúng thế mày có ghen không?”

Nó lại thở đài nữa:

“Tức chết đi được ây chớ. Nhưng mình cũng phải thông cảm cho nó là đàn bà, đêm đông rét mướt cưỡng thế nào được cái thằng đàn ông nằm cùng một giường. Vả lại, nó vẫn đang còn là vợ thằng xã đội kia mà, thằng đó mới đáng phải ghen…”

Nó lại cười hềnh hệch làm sáng khuôn mặt rất trẻ thơ của nó. Thằng này đúng ruột để ngoài da, vui đó buồn đó, chẳng giữ được cái gì lâu trong đầu, trừ ra mỗi hình ảnh con vợ thằng xã đội. Quả nhiên, quẩn quanh một hồi rồi nó lại quay lại chuyện đó:

“Tao nghĩ kỹ rồi mày ạ. Kỳ này nghỉ phép: tao về rủ nó bỏ thằng kia trốn lên bản Mù U ở với tao. Mấy bữa trước tao đã đi khắp cả bản xem xét kỹ lắm rồi. Thung thổ rất tốt thuận tiện chăn nuôi, làm rẫy. Tao còn tìm được cả một cái nhà toàn bằng gỗ rất chắc chắn. Chịu thương chịu khó thì chỉ sau một vụ tha hồ ngô, sắn đầy nhà. Mà mẹ kiếp, hai đứa đã đem nhau tới đây thì mười thằng xã đội cũng chả biết được đâu mà tìm. Cả bản nó rời hết đi rồi, cả cái tên Mù U cũng rời luôn, thế là chẳng còn lo đăng ký kết hôn với đăng ký hộ khẩu con mẹ gì nữa. Mày bảo tao tính thế có xuôi không?”

Tôi vạch cho nó một khả năng:

“Thế nào thằng xã đội cũng tìm tới Ban chỉ huy, thế nào Ban chỉ huy cũng chỉ đường cho nó lên đây. Còn ở cái xứ này mày chạy đâu cho thoát.”

Đúng nó chưa nghĩ tới chuyện đó, mặt nó nghệt ra:

“Ừ nhỉ, nó ngu gì mà không tìm tới Ban chỉ huy. Hay tao xin cac ông đó chớ có chỉ đường cho nó.”

“Không được, nguyên tắc tổ chức ai người ta che giấu cho mày tội quyến rũ vợ người khác.”

“Ừ nhỉ, thế còn nước non gì, mẹ kiếp, đã đưa nhau tới cái nơi u tỳ này còn chửa yên thân biết làm sao giờ?”

Nó lại ngồi ngẩn, mặt dài thượt và rồi dường như không chịu nổi những nghĩ ngợi căng thẳng, nó lại toét miệng ra cười:

“Ối già, bấc đến đâu dầu đến đó, tính toán trước chẳng ăn thua mẹ gì hết, cứ thích thì làm thôi…”

“Phải đấy, cứ thích thì làm thôi, biết đâu mà tính trước…”

Nghe tôi xui thế mắt nó sáng lên:

“Nhất định tao sẽ làm, kỳ này về phép tao sẽ mua sẵn hạt giống cải, vài con lợn con, gà vịt thì không nên mua ở dưới xuôi, sợ lên đây không hợp thung thổ, màn với chăn bông có rồi, chỉ cần một chiếc chiếu cạp điều thôi, ôi già, chả tốn hết mấy, bò có rồi, còn cái chuồng nữa thôi, ăn nhằm gì…”

Tôi không nhịn được cười:

“Phải rồi, chỉ lo con bò cái của mày nó không chịu theo mày lên rừng thôi.”

“Ha ha, mày lại giở cái giọng gà sống thiến ra rồi, chỉ có những thằng như mày mới không tin ở đàn bà thôi. Mày có biết nó đã bảo tao như thế nào không, nó bảo: anh ơi, một đêm ở với anh bằng ba năm em ở với chồng. Nó còn bảo khắp cả cái xã này, khắp cả cái huyện này, em chỉ thấy mỗi anh là đàn ông thôi, còn toàn những thằng chỉ đáng mặc quần đàn bà. Ây đấy, ăn thua ở cái chỗ ấy đấy. Giờ lên rừng chứ bảo xuống biển nó vẫn theo tao.”

Nó nói bằng cái giọng khỏe khoắn và chắc chắn như đóng đanh lên cột làm tôi cũng phấn chấn, hoa chân múa tay theo nó. Tôi bàn sắp tới khi đến được đỉnh Hua Ca, tôi cũng sẽ có một số tiền góp cho nó sắm sửa và lúc đó tôi cũng có thể đi phép cùng nó giúp một tay giải thoát con vợ thằng xã đội. Thế thì chỉ có nhất, nó cười thích chí, mày sẽ đưa nó đi một hướng, tao đi hướng khác để đánh lạc thằng xã đội, bố nó cũng chẳng mò ra.”

Thằng học giả bỗng rên hừ hừ và đòi uống nước làm đứt đoạn câu chuyện. Khi uống xong trả lại tôi cái bát, nó trừng mắt:

“Mày đừng có xúi thằng hộ pháp làm bậy. Manh động chỉ có chết thôi. Biết chưa?”

Mười bảy

 

Lâu ìắm rồi, những tia mặt trời mới chọc thủng được tầng sương dày quanh năm bao phủ để soi xuống cái hẻm núi nơi bọn tôi đang mang hết quần áo ra phơi trên những sợi dây chăng dọc ngang. Nắng lên xua tan vẻ ngoài ảm đạm của cảnh vật, xua tan cả những ý nghĩ nặng nề trong đêm, bọn tôi trở lại công việc muôn thủa hàng ngày là đi tuyến, phát cây, nhích dần lên đỉnh Hua Ca. Tiến bộ kế hoạch như một mũi tên lạnh lùng và khắc nghiệt, tồn tại bên ngoài mọi biến cố, muốn ra sao thì ra, nó luôn luôn phải được tiến tới và tiến tới. Bởi vậy ngay sau khi thằng học giả qua được cơn kiết lỵ, nó đã phải thay thằng cấp dưỡng ở nhà nấu cơm để thằng kia cùng đi làm với bọn tôi.

Bây giờ, ông toán trưởng thôi không còn xét nét như trước nữa, ông mặc kệ bọn tôi muốn làm gì thì làm, trò chuyện tán phét khuya mấy cũng mặc, ông chỉ tập trung vào mỗi cái mục tiêu mỗi ngày phải đi cho đợc hai ngàn mét, để tới đỉnh Hua Ca trước mùa mưa. Ngày nào cũng như ngày nào, ông chỉ nhắc chuyện đó và dường như ông quên hẳn cái việc trọng dại nhất đối với bọn tôi lúc này là thằng liên lạc mang gạo, đường, thịt hộp liệu có leo lên được đây không? Kẻ bồn chồn, nóng ruột nhất vẫn là thằng học giả, hầu như lúc nào nó cũng chỉ nghe bọn tôi có một tai, còn tai kia nó để ngoài rừng hóng thằng liên lạc. Càng ngày mặt nó càng bần thần và những lúc rảnh, tôi thấy nó chỉ quanh quẩn ở đầu núi nhìn sang con đường mòn phía bên kia. Rồi sự chờ đợi dường như làm nó không chịu nổi, nó kêu lên với tôi:

“Hay thằng đó đi lạc mất rồi.”

“Lạc sao đợc, tới bản Mù U, cứ thẳng đường tuyến đã phát là tới đây, nhắm mắt vẫn đi được.”

Thằng học giả nhỏ giọng:

“Tao nghi lắm mày ạ, có khi ông toán trưởng dựng chuyện động viên bọn mình cũng nên. Biết đâu lúc này thằng liên lạc vẫn nằm khểnh ở Ban chỉ huy?”

“Nếu đúng thế thì mày tính sao?”

Thằng học giả tái mặt, đôi môi mỏng của nó mím chặt, không thốt ra một tiếng. Tôi chợt thấy sợ cái lầm lì, khó hiểu của nó. Nó có thể làm gì? Đào ngũ chăng? Không, không bao giờ nó dám trở về với cô hàng xóm trong cái nỗi nhục nhã đó. Nổi điên, gào thét, chửi mắng ông toán trưởng? Không, tưởng tượng của tôi đã đi quá xa. Tuy nhiên, tôi cứ phân vân, nếu đúng thế thật, thằng học giả sẽ giở cái trò gì? Chịu, không đoán được, tôi đành an ủi nó sớm muộn thằng liên lạc cũng phải tới, thư của mày chưa đọc vẫn còn đó, chẳng mất đi chữ nào, đừng quá nghĩ ngợi sinh bực bội, vừa ốm người vừa mất lòng ông toán trưởng, ảnh hưởng tới chuyến đi phép cuối năm. Nó nghe tôi, mắt rưng rưng:

“Mày không phải là cái đứa đang yêu mày hiểu sao được tao. Mấy đêm nay, không đêm nào tao chợp mắt, một linh cảm lạ lắm cứ thúc nhoi nhói trong ngực tao. Bố tao chết rồi, mẹ tao bỏ vào chùa đi tu, nhất định không thèm nhìn mặt tao, bây giờ tao chỉ còn có nàng mà thôi. Nàng vừa yêu thương tao, vừa cảm thông, hiểu rõ được mọi ngóc ngách trong tâm tao, nàng vừa là điểm tựa, vừa là nguồn sống của tao trong cuộc đời này. Mày vẫn bảo tao sợ cái hố thẳm trong lòng nàng. Tao không sợ, tao chỉ hồ nghi không hiểu nó có hay không? Chính cái đó mới kinh khủng. Nó như cái lưỡi câu móc vào đầu tao nhức nhối. Nhiều lúc tao muốn phát điên muốn chuồn thẳng về nhà nhìn thẳng vào sự thật, phá tan cái mối ngờ vực này đi. Nhưng… tao sợ…”

“Mày sợ ông toán trưởng kỷ luật?”

Thằng học giả cười nhạt:

“Không, tao sợ sự thật. Thà chịu đựng sự ngờ vực còn hơn phía trước chẳng có gì mà chờ đợi nữa.”

“Nếu thế mày chẳng nên sốt ruột vì thằng giao liên chậm tới làm gì.”

“Không, tao vẫn nóng lòng mong nó tới. Nhất định nó sẽ mang đến cho tao tin vui.”

Mẹ kiếp, cái thằng trí thức rởm này rõ rắc rối, mong mà lại sợ, sợ mà vẫn mong, đúng là thân làm tội đời. Tuy nhiên, chuyện trò một lúc, thằng học giả có vẻ nhẹ nhõm, tươi tỉnh hơn, cứ như đã trút bớt được sang tôi đôi chút buồn đời. Tôi cũng vái trời cho thằng liên lạc mau mau mang những bức thư thắm tình thương nhớ của cô nàng búp bê cho thằng học giả khỏi ốm đau sầu não, khỏe khoắn lên mà đi phát cây, chứ để thằng cấp dưỡng thay nó, lóng ngóng và chậm chạp lắm biết đến thủa nào chúng tôi mới tới được đỉnh Hua Ca. Việc đi đến đó, ông toán trưởng còn sốt ruột hơn tôi nhiều, cứ cuối ngày cộng sổ đo tuyến thường thường chỉ được trên một kilômét, ông lại thở dài sưòn sượt. Cái năng xuất hai ngàn mét một ngày đã lùi xa vào dĩ vãng, phần vì ăn sắn mãi bọn tôi quá mệt nhọc, phần vì càng đi tới, rừng càng ken đặc với những tùm búi song mây, tre gai, dao bổ vào cứ bật văng ra sái cả tay. Cứ như thế chúng tôi nhích tới với tốc độ chậm kinh ngời. Mặc dầu vậy, ông toán trưởng cũng không dám hối thúc, cũng không bắt chúng tôi viết khẩu hiệu dán mũ nữa. Tối nào ông cũng lại lôi ra tờ bản đồ, giở kính lúp soi, đánh dấu đoạn đường đã đi và phỏng đoán địa hình sắp tới. Ông thôi không còn ý định giao phó tôi thay ông khi có sự cố nữa, tôi chắc ông đã thất vọng về tôi và đã nhằm tới đứa khác.

Theo tôi, tốt nhất là ông nên đào tạo thằng cấp dưõng, nó vừa là cháu họ ông, vừa là cái thằng tuy chậm mà chắc, tính nết cẩn thận, đắn đo mà lại không vướng cái đường tình làm phân tán tư tưởng như hai thằng kia. Một buổi tối, tôi thấy nó lúi húi giở ra lại buộc vào gói tiền, tôi mới bảo nó:

“Ông toán trởng đang cần một thằng để đào tạo mai kia thay thế ông. Sao mày không hăng hái lên, nhảy vào cái chân đó lại chẳng hơn là tối nào cũng ngồi đếm tiền? Có ngần ấy thôi, đếm đi đếm lại có đẻ thêm được đồng nào đâu? Sau này mày thành lãnh đạo ấy à, khối tiền, nhiều gấp mấy lần chỗ đó. Tội gì cứ làm mãi thằng công nhân quèn, lương ít bổng chả có.”

Nó nhét kỹ gói tiền xuống đáy ba lô mới thủng thẳng bảo tôi:

“Mày có biết các cụ ta ngày xa nói câu gì không, có an cư rồi mới lạc nghiệp, nói thực với mày, tao có mỗi mục tiêu là cái nhà thôi. Năm ngoái tao về phép đúng mùa mưa, chao ôi, trong nhà chẳng khác gì ngoài sân, nước cứ qua các lỗ hồng trên mái tranh tuôn vào, ban đêm chỉ còn cách là khoác nylông ngồi chờ sáng. Tường vách cũng mục hết rồi, chỗ này che tấm tôn, chỗ kia chắn mảnh gỗ, thật chả khác gì cái áo thằng ăn mày, rách bươm mà cứ vá mãi, vá mãi. Trước khi vác ba lô lên đơn vị, tao bảo mẹ tao:

“Nhà mình phải xây lại mẹ ạ. Chừng nào gom đủ tiền con sẽ mua gạch ngói. Mẹ yên tâm, mình sẽ có một ngôi nhà to đẹp bằng mấy thế này.”

Từ đó tao không còn nghĩ gì khác ngoài cái nhà, bóp mồm bóp miệng vì nó, đêm không ngủ được vì nó. Tao cứ hình dung nó phải chắc chắn, chống được mưa bão, rồi lại phải rộng mát và đẹp nữa. Tao chẳng eần thuê đứa nào vẽ kiểu sất, tự tao nghĩ ra thôi. Này nhé, nhà phải có hai buồng ngủ, một cho mẹ tao, một cho tao, rồi buồng ăn riêng, buồng tiếp khách riêng, hiên phải thật rộng có hàng lan can. Riêng có cái mái tao còn đang nghĩ, mày bảo nên làm mái nghiêng lợp ngói hay là đổ bằng cả…”

Tôi cứ ngồi trố mắt ra trước cái nhà tưởng tượng của nó. Nếu nó xây được đúng như thế, nhà nó đẹp không kém gì nhà ông chủ tịch xã. Mà cứ cái vẻ tầm ngầm thế kia, tôi tin rằng nó làm đưọc, thằng này gớm chứ chẳng phải lờ đờ như cái vẻ bề ngoài của nó. Hóa ra trong bọn tôi, vô tích sự nhất lại là thằng tôi. Hay là tôi cũng dành dụm như thằng cấp dưỡng lấy một cái vốn làm nhà và cưới vợ? Tôi bật cười ý nghĩ của mình, chao ôi, bóp miệng lại như thằng cấp dưỡng? Thà chết còn hơn, chăm chăm vào có cái mục tiêu như thằng học giả? Chịu thôi, không khéo lại thành thằng dở người, cũng đành, xin lại cứ “bấc đến đâu dầu đến đấy” vậy. Hóa ra đến giờ tôi mới hiểu tại sao mấy thằng đó chỉ có dốc bầu tâm sự ra với tôi thôi, còn giữa chúng nó với nhau, chẳng thằng nào chịu làm cái thùng để cho thằng kia giải tỏa tâm tình cả. Riêng có ông toán trưởng vẫn kín bưng, suốt từ hôm tôi hỏi thăm bà trưởng phòng dạo trước ấy, ông có vẻ ngại chuyện riêng với tôi, chắc ông sợ tôi lại thọc mạch vào những điều ông muốn giấu. Cho tới tối nay, sự chờ đợi thằng liên lạc đã làm mấy thằng kia sắp phát rồ cả rồi, tôi mới đành gặp riêng ông để hỏi cho ra nhẽ. Ngược với tôi tưởng, khi tôi bước tới chỗ ông mắc võng ông rời tờ bản đồ, vồn vã mời tôi ngồi ghé bên, nhờ tôi cộng sổ đo tuyến rồi với giọng ngậm ngùi ông bảo:

“Ăn sắn mãi, đi làm mệt lắm phải không? Tôi rất thông cảm với các cậu, khó khăn khắc phục vậy, mai mốt có liên lạc lên, tha hồ ăn bồi dưỡng”.

Tôi hỏi ông chuyện đó có thực hay ông dựng lên để trấn an tinh thần anh em? ông trừng mắt nhìn tôi, giọng buồn buồn:

“Tôi không ngờ các cậu nghĩ về tôi tệ đến thế. Nhưng tôi biết thắc mắc này không phải của cậu, cậu chỉ là cái loa phát ngôn cho kẻ khác thôi, kẻ đó là ai thì tôi thừa biết”.

Tôi thò tay vặn to ngọn đèn bão, ánh sáng làm gương mặt ông bớt ảm đạm, tôi chợt nhói lên thương cái dáng ngồi còm cõi của ông. Lúc này tôi mới nhận thấy trong cả toán, ông là ngời gầy sút đi nhiều nhất, bởi những vất vả, thiếu đói, lo toan đủ mọi bề. Suy cho cùng, ông có hưởng thụ hơn bọn tôi là mấy mà phải chịu gánh nặng gãy lưng như vậy. Ở tuổi ông, nhiều ngời đã có cháu nội, vợ con quây quần, cơm bưng nước rót yên tâm sửa soạn bước vào tuổi già chứ chẳng phải xông pha, vất vả, đơn côi, lạnh lẽo như ông. Nhưng tôi giúp gì ông được, phận số đã qui định vậy rồi, ông đã nhận con đường ông đã đi, chẳng thể nào thay đổi được nữa.

“Thôi được, nếu hai ngày nữa không có liên lạc tới, tôi sẽ để các cậu đi theo đường mòn xuống bản Mù Cang mua gạo và thức ăn.”

Tôi ngẩn người trước giọng nói quả quyết của ông. Ông giở tấm bản đồ ra, chỉ cho tôi một chấm nhỏ xíu, nơi đó, vừa đi vừa về nhanh nhất cũng mất vài ngày trong khi để chạy đua với mùa mưa, ông phải tính đếm từng giờ để tiến tới đỉnh Hua Ca. Tôi ái ngại nhìn ông:

“Thế còn công việc thăm dò?”

“Đành phải tạm đình lại. Kéo dài tình trạng thiếu đói mãi thế này, các cậu lăn ra ốm hết thì càng chết”.

“Vậy bác đã điện báo cáo Ban chỉ huy chưa?”

Ông nín lặng, do vậy tôi hiểu rằng ông chưa xin ý kiến cấp trên, có lẽ đây là lần đầu tiên ông dám thế, một việc trước đây ông tối kỵ, nhất nhất cái gì ông cũng phải chờ ý kiến Ban Chỉ huy. Chính thế tôi lại áy náy, tôi lo cho ông sau này, tôi khuyên ông cứ đánh điện hỏi, việc đình sản xuất đâu phải chuyện chơi. Ông lặng lẽ moi trong túi ra một điếu thuốc nhầu nát, trời, ông vẫn giữ được thứ cuả quý này? Ông là người nghiện nặng, ngày ít cũng phải một gói, vậy nhưng từ hơn một tháng nay tôi không thấy ông hút nữa, tôi chắc ông đã hết thuốc và đành ngấm ngầm chịu cho cơn nghiện hành hạ. Thật ứa nước mắt nhìn ông kính cẩn vuốt điếu thuốc cho thẳng, bật lửa rít một hơi thật dài, bao nhiêu khói dường như đã chui hết vào phổi, ông nhắm nghiền mắt, những nếp nhăn trên gương mặt giãn ra, run bần bật, ông rít một hơi nữa rồi dụi điếu thuốc, cẩn thận lấy tờ giấy gói lại, nhét túi áo.

“Cảm ơn cậu đã lo cho tôi, tôi đã đánh điện về hỏi rồi, Ban chỉ huy không cho phép đình chỉ sản xuất, thôi đành, hai ngày nữa nếu không có liên lạc tới, các cậu sẽ nghỉ đi tuyến, xuống bản mua gạo”.

Ông vịn vào người tôi trèo lên võng, co ro trong tấm mền bông mỏng chùm kín mặt. Tôi quay trở lại đống lửa, cả ba thằng vẫn đang ngồi đợi. Thằng học giả nhổm người lên, rối rít:

“Sao? Thế nào? Đúng thế không? Đúng lão ấy dựng chuyện để trấn an tinh thần anh em phải không?”

Tôi không trả lời, chỉ đưa mắt nhìn quanh một lượt rồi sẵng giọng:

“Bọn mày đúng là một lũ khốn nạn…”

Comments are closed.