Điều có thể làm bạn đau lòng – Bài ca tụng một quốc gia, từ một người dân Canada bất đắc dĩ

Mary Walsh

Tôi đã học được từ trên lòng mẹ tôi (đúng hơn, từ trên chiếc chân gỗ của bà cô tôi với đầu gối gắn khớp xương kim loại) nỗi oán giận lớn lao đối với Canada và mọi thứ của người Canada.

Năm 1949, gần 50 phần trăm dân Newfoundland – và tôi đánh cuộc là tất cả mọi người dân ở St. John’s – đều bỏ phiếu chống lại việc sát nhập vào liên bang với Canada. Cử tri tỉnh lẻ đã bỏ một số phiếu áp đảo để ủng hộ việc tái lập một chính phủ có trách nhiệm. Thế nhưng thay vì thế, chúng tôi đã đi từ chế độ bảo hộ của Anh Quốc dưới một Ủy ban của Chính phủ để trở thành tỉnh bang trẻ nhất và nghèo nhất của Liên bang. Đang là cái thảm chùi chân trước cửa của Anh quốc, chúng tôi trở thành một kho truyện cười của Canada.

Tôi sinh năm 1952; ít nhất là ở St. John’s và các vùng phụ cận, tình cảm chống lại liên bang lên rất cao. Không thể nào kể hết những chuyện phàn nàn về hàng hóa tồi tệ sản xuất ở Canada cùng bản chất khắc khổ và tấm lòng hẹp hòi của dân Canada.

Tôi thực sự chưa hề đụng độ với một dân Canada nào cho đến tận năm lớp 5, khi Janet, một cô gái đến từ Toronto, bước vào lớp học của chúng tôi. Cô có năm chị em, cha là công chức lớn của chính phủ liên bang, mẹ đi làm và một người giúp việc nhà – hầu như toàn những thứ đẹp đẽ đủ khiến cho bọn Newfoundland 10 tuổi như tôi phải chóng mặt.

clip_image002

Nhưng điều thật đáng ghi nhớ ở Janet là cái túi che mũi ấm áp mà bà ngoại cô từ Winnipeg đã đan và gửi cho cô để bảo vệ cái mũi Toronto thanh tú của cô qua khỏi mùa đông khắc nghiệt ở St. John’s. Chúng tôi giận điên người. Chúng tôi có truyền hình chứ; chúng tôi dư biết Winnipeg đủ lạnh để biến thành nước đá ngay lập tức cái gì thò ra trên khuôn mặt của bất kỳ ai. Cho dẫu thời tiết ở St. John’s đôi khi làm ta khốn khổ nhưng – đâu có bao giờ lạnh đến nỗi phải đội mũ cho mũi, cảm ơn cô nhiều nhé!.

Tôi không nhớ đã gặp gỡ hay trông thấy bất kỳ người Canada nào khác. Những người lên tự bến tầu là công dân Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Nga, Ba Lan, Mỹ, và bạn có thể nhìn thấy họ ở Phố Water. Nhưng ở trường học, ngoại trừ Janet, căn bản chỉ có chúng tôi. Theo cách nói của nhà trào phúng tên tuổi Ray Guy của Newfoundland, chúng tôi đã nhảy ra từ cái ao di truyền chỉ lớn bằng một cái bát đựng bánh pudding.

Cuộc gặp gỡ tiếp theo của tôi với dân Canada cũng không khá hơn bao nhiêu. Tôi chuyển đến Toronto để theo học tại trường kịch nghệ, sống trong một căn nhà đầy dân Newfoundland ôm ấp nỗi nhớ nhà và cô đơn. Chúng tôi quyết tâm dù chết cũng cố kết bạn với dân Canada. Có một căn chung cư đầy nhóc dân Canada ở bên kia đường và chúng tôi nhắm làm quen với những người này. Chúng tôi định giành cho họ một chuyến viếng thăm bất ngờ vào tối thứ Sáu, nhưng vì tuổi trẻ, nhút nhát và vụng về về mặt giao tế xã hội, chúng tôi nghĩ nên uống trước ít rượu để cảm thấy thoải mái hơn. Kết quả là chúng tôi đã quá chén, chân nam đá chân xiêu lảo đảo sang nhà của họ, nói chuyện huyên thuyên, tưởng chừng như họ phải chịu đựng cả mấy tiếng đồng hồ. Ấy là chưa kể khi chúng tôi bắt đầu nôn mửa – một kết hợp của rượu và thần kinh. Tôi còn nhớ, tất cả chúng tôi nôn mửa tùm lum khắp mọi nơi. Tôi nghĩ cuối cùng họ đã mời chúng tôi ra khỏi nhà và đối với chúng tôi, đây là bằng chứng rõ ràng rằng bản chất bủn xỉn và lạnh lùng của người Canada khiến họ không bao giờ còn nghĩ tới chuyện tiếp xúc với chúng tôi lần nữa.

Sau đó, vào thập niên 70, khi cùng một đoàn kịch hài Newfoundland lưu diễn trên toàn quốc, thật khó để chúng tôi hiểu được những vật vã, trăn trở đang diễn ra tại Canada nhằm tạo nên một bản sắc để định hình được họ là ai. Bởi vì đã đi guốc trong bụng họ nên chúng tôi không mảy may hồ nghi về họ trong tâm trí chúng tôi. Người Canada tự mãn, nghĩ rằng họ giỏi hơn chúng tôi nhiều lắm.

Chắc chắn là thay đổi khác rồi những ngày mà dân Toronto đầy nhóc trong một cái thang máy đã ngã cười lăn lóc chỉ vì nghe nói bạn đến từ Newfoundland. Chúng tôi, những người đến từ Newfoundland, vẫn luôn vui vẻ, xin bạn nhớ cho như vậy! Tuy nhiên, có lẽ không phải là những tay sặc mùi rượu rum hoặc những kẻ có bàn tay dê xồm như tiếng tăm đồn thổi về chúng tôi.

Ngày nay, tôi tin rằng cuối cùng thì Canada đã vượt qua được câu hỏi “chúng ta là ai?” Trong một thời gian dài, chúng ta giống như cái lỗ hổng trong chiếc bánh rán doughnut: được định nghĩa bởi những gì chúng ta không có nhiều hơn những gì chúng ta đang có. Không phải là một nước Mỹ, được hình thành và sinh ra trong bạo lực nhờ cuộc Cách mạng Mỹ và cuộc Nội chiến.

Ngay tại Canada này, chúng ta không là nước Mỹ đến độ, trong cuộc Bạo loạn năm 1837, khi một điều kỳ diệu xảy ra ngay tại góc đường Yonge và Eglinton. Phiến quân dưới quyền của William Lyon Mackenzie đã hiện diện ở đó, sẵn sàng chiến đấu cho tự do. Song, họ bắt đầu băn khoăn với cung cách rất Canada, họ bắt đầu đặt câu hỏi, và họ bắt đầu không cảm thấy hoàn toàn yên tâm về cuộc nổi loạn mà họ đã bị cuốn vào. Và, mầu nhiệm thay, cũng cùng lúc ấy, ở góc đối diện, ờ, hãy tạm gọi họ là nhóm thủ túc của Gia đình Compact, hoặc những kẻ Trung thành, họ cũng đang đứng ở đó. Và những kẻ này cũng bắt đầu ý thức rằng họ không cảm thấy 100 phần trăm muốn đứng đằng sau những điều áp bức mà họ đang thể hiện. Vì vậy, nghe nói cả hai phía, cùng một lúc, khởi sự lùi lại.

Chúng ta, dân Canada, là thế đấy: những kẻ hay lùi bước. Đó là phần nổi tiếng trong lịch sử của chúng ta. Dennis Lee gọi đó là sự tháo lui hồn nhiên và đồng tình đầu tiên được ghi lại trong toàn bộ chiến sử của nhân loại. Và, điều này thật hữu lý bởi vì chúng ta sở hữu quá nhiều không gian, quá nhiều chỗ trống. Đất nước chúng ta rộng mênh mông.

Vì vậy, chúng ta rất giỏi lùi lại. Đó là đặc ân Trời ban. Có nhiều quốc gia thật sự nhỏ bé, tạm kể như vùng Balkans – chỉ là một miếng đất chiếm dụng, một bán đảo nhỏ xíu. Vấn đề của họ là có quá nhiều lịch sử. Còn vấn đề của chúng ta, nếu thậm chí bạn coi nó là vấn đề, do nơi chúng ta có quá nhiều về mặt địa lý. Ai cũng nói về hai thực thể cô đơn, nhưng xem ra nó giống như mười thực thể cô đơn với ba vùng lãnh địa rất, rất, rất đỗi hiu quạnh.[1]

Mỗi phần của Canada là một sự tách biệt: British Columbia bị cắt khỏi Vùng Đồng Cỏ Prairies bởi Rặng Núi Đá, The Rockies; rồi lại những Prairies bị tách rời khỏi Thượng và Hạ Canada bởi vùng nội địa cũ, rộng lớn, nằm về phía bắc Ontario; Quebec bị phân chia với vùng biển Maritimes bởi sự án ngữ hùng vĩ của tiểu bang Maine (Hoa Kỳ); và Maritimes thì than khóc trong sự cô đơn khổ đau của họ với một Newfoundland bị cắt ngang bởi một vùng biển màu xám hoang vắng.

Điều đó có thể làm bạn đau lòng… nếu bạn để lòng mình đau.

Ai đó đã nói lịch sử dạy chúng ta rằng chúng ta không học được gì từ lịch sử, nhưng một thiên tài lớn của Canada là Northrop Frye, thì nói chúng ta có thể học đủ mọi thứ từ địa lý của chúng ta. Đúng vậy, sức mạnh đích thực của chúng ta là ở địa lý và diện tích đất đai bao la với căn bản một dân số rất nhỏ, một thời từng là vấn đề của chúng ta.

Vẫn theo ông Frye, văn hóa của chúng ta được hình thành bởi những nét đặc trưng về mặt địa lý của nền văn hóa ấy; chỉ cần nhìn lại để biết chúng ta may mắn biết bao khi có được khối lượng khổng lồ những điều kể trên. Chúng ta có tới ba đại dương, và mờ mờ trên tất cả mọi ngăn cách, ẩn náu một miền Bắc ngàn đời câm nín, huyền bí, băng giá, mà hầu hết chúng ta hoàn toàn không biết đến. Tổng cộng, con số là chín triệu chín trăm tám mươi bốn ngàn sáu trăm bảy mươi (9.984.670) cây số vuông đất tốt, là diện tich đất lớn thứ hai trên toàn thế giới. Bối rối do địa lý giầu có nghĩa là chúng ta có rất nhiều chỗ.

Có rất nhiều chỗ để chấp nhận, để khoan dung, để mở rộng vòng tay của chúng ta, để đại lượng, để hào phóng trong giao dịch với thế giới và với nhau. Emily Carr nói: “Thật tuyệt vời khi cảm nhận được sự vĩ đại của Canada thô sơ, tinh tuyền, không phải chỉ vì đó là Canada, mà là vì một cái gì cao quý hơn từ đó chúng ta được sinh ra, một thứ quyền lực to lớn mà tất cả chúng ta dự phần.” Phải, tất cả chúng ta. Những người bản địa sinh trưởng ở Canada, từng cư ngụ trên vùng đất tuyệt mỹ này hàng ngàn năm, đã chia sẻ rất hào phóng, với thành ý và với cả nhiều tổn phí cá nhân. Đám người đã đưa chúng ta đến với nhau 150 năm trước đây. Thậm chí cả những người đến muộn như chúng tôi từ Newfoundland và Labrador, những người cần đối mặt với sự thật, đã chẳng hề ngây ngất tới trời xanh với cuộc hôn nhân được dàn xếp ngay từ thuở ban đầu.

Thế mà chúng tôi đã sống sót.

Bây giờ, khi đã biết chúng ta là ai, chúng ta sẽ làm gì với cái biết đó? Điều gì xảy ra sau khi sống sót? Câu trả lời ở Newfoundland là hãy thêm nhiều sự sống sót nữa. Và ở đó có hạt ngọt biến tôi thành một Newfoundlander, toàn diện; và một người Canada, bất đắc dĩ.

Nguyễn Đức Tường chuyển ngữ

 

Nguyên bản tiếng Anh:

http://nationalpost.com/g00/news/canada/as-a-newfoundlander-born-in-1952-i-learned-a-great-resentment-for-all-things-canadian/wcm/4b3e007b-822c-4e71-b01e-9b649b3eb869?i10c.referrer=https%3A%2F%2Fwww.google.ca%2F


[1] Canada gồm có 10 tỉnh bang (Provinces) và 3 vùng lãnh địa ở miền cực Bắc (Territories); tiếng nói gồm có 2 ngôn ngữ chính, tiếng Anh và tiếng Pháp thường được gọi tượng trưng là 2 thực thể cô đơn (Solitudes) – chú thích của người dịch.

Comments are closed.