Gặp một người đàn ông trên một chuyến tàu

Vũ Thành Sơn

Khi tàu bắt đầu lăn bánh ra khỏi thành phố, hai cô gái ngồi ở hàng ghế đối diện cũng bắt đầu nói chuyện. Trên tay mỗi người một chiếc điện thoại, họ vừa lướt xem trên màn hình vừa cười nói vui vẻ. Cái bàn nhỏ trước mặt dành cho bốn hành khách đã bị hai cô chiếm bày hết bánh trái. Tiếng ồn và loa phát trong toa không ngớt. Tôi đứng lên mở chiếc ba lô để ở ngăn hành lý phía trên đầu lấy cuốn sách đọc dở. Bây giờ mới vào tháng Bảy, cũng như tôi, gần như phần lớn hành khách trên tàu là những người đi trốn cái nóng ngột ngạt oi bức của thành phố. Nhìn va li, túi xách, quần áo và vẻ hớn hở trên gương mặt của họ thì biết. Tàu ra đến Phan Thiết mất khoảng bốn tiếng đồng hồ. Mười một giờ đến nơi, kiếm chỗ ăn trưa nghỉ ngơi, đợi gần hai giờ đến khách sạn check-in nhận phòng. Bốn tiếng trên tàu, chưa kể còn hơn một tiếng đồng hồ lang thang ở thành phố Phan Thiết, nếu không ngủ gà ngủ gật, coi chương trình ca nhạc tấu hài phát trên truyền hình đường sắt thì chỉ còn mỗi việc đọc sách để giết thì giờ.

Tàu chạy ra tới cầu Bình Lợi. Chiếc cầu sắt màu đỏ sáng bật lên trên nền trời như một vết máu tươi rói giữa khung cảnh nhàm chán của nhà cửa, xe cộ. Tàu chạy chậm, âm thanh đều đều của nó là một thứ hủy diệt tàn bạo, làm cho bất kỳ bộ não bằng thép nào cũng sẽ nhanh chóng trở nên mê muội. Cuốn sách lấy ra còn để mở trên đùi, tâm trí tôi không thể tập trung được vì hành khách còn tiếp tục đi lại, sắp xếp hành lý, chỗ ngồi cho những đứa trẻ đứng ngồi nhốn nháo và vì hai cô gái trước mặt nói chuyện không dứt. Chắc phải đợi một lúc nữa cho đến khi tàu chạy ra khỏi thành phố hoặc ra đến bìa rừng khi trật tự đã vãn hồi, tiếng động từ người và máy đã dịu bớt. Chiếc ghế kế bên tôi cạnh cửa sổ vẫn để trống, có lẽ của một hành khách sẽ lên từ một nhà ga lẻ. Tôi quay ra nhìn đường phố chạy dọc bên cửa sổ con tàu, nghĩ ngợi mông lung.

Tôi rất ít khi ra biển một mình, ngoại trừ những chuyến đi công việc, như lần tôi ở những hơn chục ngày ở một tỉnh ven biển Thái Lan. Những ngày đó khi không có việc tôi thường chui rúc trong một cái quán hoặc đi lang thang trên phố ngắm nghía, mua sắm chứ không ra biển, cho dù khách sạn tôi ở chỉ cách biển trước mặt một con đường. Biển chỉ dành cho gia đình và những cặp tình nhân. Sự lẻ loi ở bãi biển trong con mắt của mọi người là một điều không bình thường thảm hại, chỉ khêu gợi sự tọc mạch hay thương hại. Chỉ có ở biển người ta mới học được cách sống sót thật sự. Bốn ngày sắp tới ở biển tôi sẽ làm gì? Trang bản thảo viết dở còn nằm trong chiếc máy tính, đi dạo buổi sáng, cà phê kéo dài lê thê, nằm phơi nắng đọc Thomas Bernhard nghe sóng biển ì ầm dưới chân, ngồi quầy rượu buổi tối.

Các nhân vật của Thomas Bernhard đều nung nấu ý nghĩ tự sát và thường chọn nó như một giải pháp chung cục, không phải chỉ vì cuộc đời không còn ý nghĩa nữa mà vì nó chán ngắt như một chiếc bánh mì cũ. Tôi nghĩ đến nhân vật của tôi. Đời sống của các nhân vật khi bản thảo chưa hoàn thành là một đời sống chỉ mới bắt đầu và ngay cả khi tác phẩm đã thành hình thì đời sống ấy cũng không bao giờ kết thúc. Tự sát, đối với các nhân vật tiểu thuyết, vì vậy, là một hành động bất khả. Tác giả bao giờ cũng hụt hơi, thậm chí kiệt sức đến chết, vì bị dẫn đi quá xa. Có lẽ thân phận con người dưới bàn tay của Thượng Đế cũng hệt vậy. Chúng ta chỉ là những vai tuồng hư cấu.

Một nhân viên đường sắt lê dép lệt sệt đi lại trong toa phát cho hành khách mỗi người một chai nước uống và cái khăn giấy. Khi chìa chai nước ra cho tôi, tôi nhìn thấy trên cổ tay cô nhiều vết sẹo vằn vện như những nếp gấp của một tờ giấy, như thể bằng chứng cho một sự kết liễu bị thất bại. Đến ga Biên Hòa một người đàn ông lên tàu và ngồi vào chiếc ghế trống bên cạnh. Người đàn ông trên dưới bốn mươi, quần áo cũ kỹ, nước da ngăm đen, râu để lởm chởm đầy cằm không cạo. Sau khi cố nhét cho vừa chiếc ba lô căng phồng vào khoang hành lý một cách chật vật, anh ngồi ôm khư khư cái túi nhựa trước bụng, mùi nắng khét tỏa ra từ quần áo, da thịt. Sự có mặt của người khách mới làm cho câu chuyện của hai cô gái tạm dừng trong chốc lát. Cô gái ngồi đối diện với người đàn ông vội vàng co một chân đang duỗi dài trước mặt lại, ngồi thẳng lưng lên, mắt lướt nhanh về phía anh ta rồi lại cúi xuống màn hình chiếc điện thoại. Tất cả diễn biến thật nhanh, không một lời đối đáp qua lại và hình như người đàn ông cũng chẳng mấy quan tâm đến điều đó, bởi sau khi đã ngồi yên chỗ, anh ta đưa mắt ngó một lượt chung quanh nhưng không thực sự tập trung chú ý vào một đối tượng nào trước mặt rồi với tay ra sau lưng kéo tấm rèm che bớt ánh sáng từ cửa sổ, ngoẹo đầu qua một bên và nằm duỗi người ra, nhắm hai mắt lại. Chưa đầy năm phút sau, tôi đã nghe thấy tiếng ngáy khe khẽ, đều đều. Có cảm tưởng như người khách mới này khá mệt mỏi và thiếu ngủ. Thật không dễ đoán được anh ta làm công việc gì nhưng chắc hẳn không phải là một người đi du lịch.

Tàu đang tăng tốc chạy vào địa phận Long Khánh. Những vườn điều hai bên đường nối tiếp những vườn điều làm thành một bệt màu xanh kéo dài không đứt đoạn xen kẽ với màu nâu đỏ của đất. Mùa này điều đã ra trái, chỉ còn trơ lại những tán lá chớm ngả sang sắc vàng hiu quạnh. Thấp thoáng những căn nhà phía bên trong, vài con chó chạy sủa bâng quơ. Truyền hình đường sắt bắt đầu cho phát chương trình ca nhạc tấu hài, trên toa nhiều hành khách đã thiu thiu ngủ. Tôi tiếp tục với trang sách đọc dở của mình, thỉnh thoảng nghe nhói lên một cảm giác ngẩn ngơ vô cớ khi nghe tiếng còi tàu rúc lên bất chợt. Không có gì buồn bã cho bằng tiếng còi tàu rúc vào buổi sáng tinh mơ hay vào một buổi chiều muộn. Nó như làn gió từ một cõi miền quá vãng xa xăm thổi qua để lại trong lòng một khoảng trống mơ hồ hiu hắt.

Tiếng ngáy bên cạnh tôi mỗi lúc to dần. Hai cô gái nhìn người đàn ông rồi quay sang nhau cười khúc khích. Anh ta đang chìm sâu vào giấc ngủ mặc cho âm thanh từ cái ti vi trước mặt dội ra không nhỏ, vòng tay ôm trước bụng đã nới lỏng và cái túi nhựa khẽ lệch qua một bên đủ để thấy loáng thoáng những cái hộp ở bên trong. Ngoài trời nắng to nhưng bên trong tàu vẫn mát lạnh. Tôi nghe cô gái trước mặt kêu lạnh rồi cô cúi xuống dưới chân lúi húi tìm trong túi một cái áo khoác mặc lên người. Mới mười giờ, còn cả tiếng đồng hồ nữa. Người đàn ông vẫn ngủ say. Con tàu bò chậm chạp qua một cây cầu cũ, thân tàu rung lắc, gầm gừ, hổn hển.

Tiếng ngáy to ngay bên tai cắt đứt sự tập trung của tôi nhiều lần. Có lẽ tôi sẽ phát điên lên được nếu cứ tiếp tục bị tra tấn như thế này đến hết chuyến đi. Không thể kiên nhẫn hơn được nữa, tôi rủa thầm trong bụng và những muốn bóp cổ, bịt miệng người đàn ông này lập tức nhưng thay vì làm vậy, tôi gập sách lại, quay qua bên cạnh nhìn anh ta đang ngủ say sưa, mắt nhắm nghiền, miệng há hốc, trong một tư thế hoàn toàn thả lỏng tự nhiên. Cái nhìn ban đầu từ bực dọc nhưng sau một lúc thì chuyển dần qua kinh ngạc trước những gì mình thấy trước mặt. Tôi nghĩ mình đang ngồi bên cạnh bức tượng cái đầu của Giacometti, head of a man on a rod, bằng xương bằng thịt đầy thống khổ, bế tắc và tuyệt vọng. Nhưng không chỉ kinh ngạc mà phải thú nhận không thể hiểu hết. Sự hiện diện của những con người bên cạnh đời sống mình mỗi ngày luôn luôn đem lại cảm giác xa lạ đến kỳ quặc không dễ giải thích nổi. Trong khung cảnh của con tàu, người đàn ông này có vẻ như đã bị đặt không đúng vị trí. Cũng như hai cô gái ngồi trước mặt. Cũng như chính tôi. Mỗi người bỗng dưng trở thành một chi tiết thừa thãi đến vô lý một khi bố cục toàn thể mà trước đây họ vẫn dự phần bất ngờ đảo lộn, bỗng dưng họ là một Berenger trong vở kịch Nhng Con Tê Giác của Ionesco. Biến cố đẫm máu 1975 là một sự kiện thay đổi kinh hoàng nhất trong lịch sử đã xô đẩy hầu hết người Việt Nam trong một tâm trạng chung như vậy, cho đến nay.

Tàu dừng ở Tháp Chàm, ga dừng cuối cùng trước khi đến ga Phan Thiết. Hai cô gái ngồi trước mặt cũng xuống ở ga này. Họ soi gương chăm chút lại mái tóc, rồi đeo kính, đội mũ, kéo hành lý đi, để lại trên bàn những bao giấy, vỏ hộp, vỏ hai chai nước và mùi nước hoa nồng đậm trong không khí. Người đàn ông khẽ cựa mình, một lúc thì đổi tư thế nằm, ngủ tiếp. Nhà ga nhỏ và cũ như hầu hết các nhà ga trong suốt lộ trình. Nắng chảy tràn bên ngoài sân. Toa đã vơi bớt hành khách, chỉ còn độ mươi người.

Lúc sau thì tàu rúc còi và tiếp tục chạy về ga Phan Thiết. Những vườn cây thanh long hai bên đường đỏ rực lần lượt bị bỏ lại phía sau, biển thấp thoáng bên ngoài cửa sổ, biển đã rất gần. Tôi đứng lên nhét cuốn sách trở lại ba lô, khi chuẩn bị ngồi xuống tôi bắt gặp người đàn ông đã thức giấc. Anh mở mắt nhìn tôi ngơ ngác rồi nhìn quanh toa khắp lượt như anh đã làm y hệt vậy lúc mới lên tàu, nhưng lần này tôi hiểu anh ta có một chủ đích rõ rệt.

Ủa, đến Tháp Chàm chưa anh? Người đàn ông hỏi tôi, giọng gấp gáp.

Đến rồi, cách đây hơn mười phút.

Người đàn ông ngồi nhổm dậy, nhanh nhẹn, vội vàng. Bây giờ thì anh ta đã tỉnh ngủ hoàn toàn.

Gương mặt hốt hoảng ấy cho tôi ý nghĩ có lẽ anh ta vừa phát hiện một sự lầm lỗi nào đó của mình. Sự bực dọc lúc nãy không còn nữa.

Ôi cha mẹ ơi, tôi ngủ say quá.

Anh xuống ga Tháp Chàm hay sao? Tôi hỏi.

Người đàn ông gật đầu thay cho câu trả lời, rồi nói tiếp:

Hôm nay sinh nhật con gái tôi, hai mươi hai tháng bảy. Nó năm tuổi rồi đó. Chắc tôi phải về trễ rồi.

Giọng người đàn ông mằn mặn mùi cá ươn miền duyên hải.

Đây hẳn là lý do cho sự có mặt của những cái hộp trong túi nhựa. Tôi thoáng nghĩ. Tôi nói tàu từ Phan Thiết chạy ngược trở lại Tháp Chàm sẽ khởi hành vào khoảng một giờ hay một giờ ba mươi gì đó, theo tôi nhớ. Ba mươi phút sau, chừng hai giờ anh đã có mặt ở Tháp Chàm rồi.

Nhà anh ở đâu? Tôi hỏi.

Tôi ở An Hòa, Xuân Hải.

An Hòa. Đồng cừu. Dãy núi thấp, đồng cỏ cháy, hồ nước ngọt. Chúng tôi đã đến đó một lần đã lâu vào một buổi chiều, đứng giữa một bầy cừu và bò đang thong thả ăn cỏ trên một cánh đồng khô cằn. Tháng Hai mà cánh đồng vẫn xác xơ. Phía sau cánh đồng cỏ và sâu vào tận bên trong là xóm người Chăm. Mặt trời khi ấy đã xuống thấp nhưng nắng còn gay gắt. Những con cừu nhút nhát thường bỏ chạy khi thấy sự xuất hiện của người lạ mặt trong đàn. Ngày hôm đó chúng tôi chẳng chụp được một tấm ảnh nào coi được. Đó là chuyến đi cuối cùng của chúng tôi trước khi vĩnh viễn chia tay nhau.

Câu chuyện của anh làm cho tôi bắt đầu cảm thấy hứng thú.

Anh là người Chăm?

Dạ, anh nói nhỏ nhẹ.

Bây giờ thì cái chi tiết ấy đã trở nên sáng sủa hơn. Tôi nhìn kỹ lại người đang đối thoại với mình. Trang phục không có gì đặc biệt nhưng nước da, gương mặt, cách nói chuyện, phát âm, không thể rõ ràng hơn nữa, một người Chăm lưu lạc. Tôi đang có trước mặt mình một hình ảnh hoàn hảo của một con cừu lưu lạc trong chuyến tàu này.

Đã đến ga Phan Thiết. Trong khi lấy hành lý và chờ cho hành khách trong toa xuống bớt, sự cởi mở của người đối thoại thúc đẩy tôi tò mò hỏi tiếp:

Anh làm việc ở Biên Hòa hay sao?

Chúng tôi theo hành khách lục tục tiến dần ra cầu thang nằm ở đầu toa để xuống sân ga. Lúc đứng dưới sân nhìn lên tôi mới thấy đôi giày vải màu xanh của người đàn ông đã bạc phếch như quần áo anh mặc trên người.

Vừa đi anh vừa cho tôi biết ngoài quê cuộc sống mỗi lúc một khó, vợ và con gái nhỏ của anh ốm đau luôn luôn, anh vô Sài Gòn kiếm sống, làm bảo vệ, trông xe cho một cửa hàng, lúc còn thì giờ thì chạy thêm Grab. Tiền kiếm được đủ trang trải cho nhu cầu cần thiết ở một thành phố đắt đỏ nhất nước và gửi chút đỉnh về quê cho vợ con. Nhiều người ngoài quê cũng bỏ vô thành phố kiếm sống như anh. Gian nan lm anh à. Câu nói của những đêm trắng mất ngủ, những ngày nắng cháy khét thịt da và thấm đẫm mùi đất khô cong nứt nẻ, mùi mồ hôi mặn đọng lâu ngày thành những bệt trắng viền quanh cổ áo.

Chúng tôi đã ra đến cửa nhà ga, đứng lại nói nốt câu chuyện rồi mới chia tay nhau. Tôi đón xe taxi vào thành phố. Ra đến bên ngoài, nhìn qua cửa kính xe tôi còn thấy người đàn ông vẫn đứng một chỗ, dưới giàn bông giấy thấp, ngó dáo dác quanh nhà ga, chiếc ba lô căng phồng trĩu nặng trên lưng.

Tên anh là Hiền.

Comments are closed.