Khi văn chương vinh danh khoa học (*)

Cao Huy Thuần

 

Edouard Manet, Chân dung Emile Zola, 1868, Bảo tàng Orsay

Khoa học và văn chương là hai lĩnh vực riêng biệt, ai cũng biết thế. Nhưng đâu phải chúng hoàn toàn xa lạ nhau. Người làm khoa học cũng biết mộng mơ, người làm văn chương cũng biết quan sát. Thế giới trăng sao đâu phải của riêng phe nào. Thám hiểm đáy biển cũng là nghề của Jules Verne. Nhà văn, nhà thơ, nhà triết học có khi dẫn đường cho nhà khoa học. Nhà khoa học choáng ngợp trước bí ẩn có khi phải mượn đến bút của nhà văn.

Nếu khoa học chuộng cái chân và văn chương chuộng cái mỹ, thì ai dám bảo trong cái đẹp chẳng có cái thật và trong cái thật chẳng có cái đẹp? Lý tưởng chẳng phải là chân thiện mỹ? Cứ nhìn con chim làm tổ. Cứ nhìn con ong làm mật. Nó vừa là nhà văn, nó vừa là nhà khoa học. Và khi chàng ong đực chết trong giao hoan với bà chúa của nó, làm sao phân biệt được mỹ với chân?

Vậy thì, hai lĩnh vực tuy riêng nhưng nếu biết khám phá thì thấy cái chung. Dưới đây là hai ví dụ, hai trường hợp tiêu biểu về phía nhà văn để nói lên ảnh hưởng của khoa học trên văn chương, sức quyến rũ của anh chàng thường được xem là khô khan trên cô nàng thường được xem là ướt át. Trường hợp thứ nhất là nhà văn lấy khoa học làm mẫu mực để xây dựng một lý thuyết văn chương. Trường hợp thứ hai là nhà văn dùng văn chương để thuyết minh một lý thuyết khoa học. Cả hai đều có tham vọng hoặc đem một phương pháp, hoặc đem một định luật khoa học áp dụng vào lĩnh vực tiểu thuyết, đưa văn chương lên địa vị tiếp nối – tiếp nối khoa học trên con đường dài khám phá sự thật cùng đi.

I

Cùng đi trên một con đường dài, ấy là trường hợp của nhà văn Emile Zola và nhà khoa học Claude Bernard: nhà khoa học tiên phong, nhà văn tiếp nối để lập thuyết. Claude Bernard (1813 – 1878) là nhà khoa học đã làm nên một cuộc cách mạng trong y khoa khi ông đưa phương pháp thực nghiệm từ thế giới vô tri của vật lý, hóa học vào thế giới sống của con người, mở đầu cho y khoa thực nghiệm. Thì cũng vậy, Emile Zola, dưới ngọn đuốc của Claude Bernard, đưa phương pháp thực nghiệm vào văn chương, mở đường cho tiểu thuyết thực nghiệm. Và cũng giống như khoa học đã giải phóng con người ra khỏi thời đại thần bí và siêu hình, tiểu thuyết thực nghiệm sẽ giải phóng văn chương ra khỏi tiểu thuyết trừu tượng và lãng mạn. Vinh danh người đi trước, Zola hạ tuyên ngôn:

Claude Bernard (1813-1878)

“Suốt đời ông, Claude Bernard đã tìm tòi và tranh đấu để đưa y khoa vào con đường khoa học. Nhờ ông, một khoa học đã bập bẹ thoát ra khỏi chủ thuyết duy nghiệm để vào ở hẳn trong chân lý, nhờ phương pháp thực nghiệm. Claude Bernard chứng minh rằng phương pháp ấy, áp dụng vào việc nghiên cứu những chất thô, vào hóa học và vật lý, cũng phải áp dụng vào việc nghiên cứu những chất sống, vào sinh lý học và vào y khoa. Đến phiên tôi, tôi sẽ cố gắng chứng minh rằng, nếu phương pháp thực nghiệm đưa đến hiểu biết về đời sống vật lý, nó cũng phải đưa đến hiểu biết về đời sống đam mê và trí thức. Đó chỉ là một vấn đề trình độ trên cùng một con đường, từ hóa học đến sinh lý học, rồi từ sinh lý học đến nhân chủng học và xã hội học. Tiểu thuyết thực nghiệm là điểm tận cùng”.

Nhưng thực nghiệm là gì? Và tại sao phải thực nghiệm? Zola giải thích: tại vì thực nghiệm chính là điểm mới. Giống như khoa học quan sát, tiểu thuyết đã biết quan sát. Bây giờ, khi khoa học đã đi vào thực nghiệm, tiểu thuyết cũng phải đi vào thực nghiệm. Giữa khoa học quan sát và khoa học thực nghiệm có cái gì khác nhau? Có một đường ranh giới rất rõ. Chính Claude Bernard đã cắt nghĩa: “Người quan sát là người dùng những cách thức truy vấn, hoặc đơn giản hoặc phức tạp, để nghiên cứu những hiện tượng mà người ấy không làm thay đổi được, thiên nhiên tạo ra thế nào thì phải nhận thế ấy. Người thí nghiệm là người dùng những cách thức truy vấn, hoặc đơn giản hoặc phức tạp, để làm thay đổi, vì một mục đích nào đó, những hiện tượng thiên nhiên và làm chúng hiện ra trong những hoàn cảnh hoặc những điều kiện mà thiên nhiên không tạo chúng ra như thế”. Ví dụ: thiên văn là khoa học quan sát, bởi vì chẳng ai đủ ngông cuồng để tưởng tượng ra rằng, một nhà thiên văn nào đó có thể rờ mó chị Hằng để làm biến đổi chị, còn hóa học là khoa học thực nghiệm vì nhà hóa học hành động trên thiên nhiên và làm biến đổi thiên nhiên.

Nhưng, ngoài cái ranh giới vừa nói, thực nghiệm thật ra chỉ là quan sát được kích thích. Tại sao? Tại vì đâu phải thực nghiệm một lần là lòi ra kết quả! Nhà khoa học quan sát, quan sát đưa đến giả thuyết, giả thuyết đưa đến thí nghiệm để xem giả thuyết ấy đúng sai, thí nghiệm có thể đưa ra một giả thuyết khác, lại phải quan sát, lại phải thí nghiệm, như thế không dứt cho đến khi có kết quả cuối cùng. Thực nghiệm là giai đoạn tiếp theo một giả thuyết và bắt đầu một giả thuyết.

Câu hỏi đặt ra là: trong văn chương mà đến nay chỉ có quan sát là được thực hiện, có thể nào làm thí nghiệm? Zola trả lời: được. Nhưng trước hết, quan sát thì phải biết quan sát, người quan sát chỉ làm mỗi một công việc thôi là ghi nhận những hiện tượng trước mắt, người ấy phải là người chụp ảnh các hiện tượng, thiên nhiên hiện ra thế nào thì chụp ảnh thế ấy. Người biết quan sát thì biết thế nào là “tiểu thuyết thiên nhiên”. Nhưng một khi sự kiện đã ghi nhận và hiện tượng đã quan sát kỹ, ý nghĩ chợt đến, suy luận bật ra, và người thí nghiệm xuất hiện. Xuất hiện để diễn dịch các hiện tượng, so sánh các kết quả, phán đoán các giả thuyết.

Zola lấy cuốn tiểu thuyết “Cousine Bette” của Balzac làm ví dụ để lập luận rằng, người viết tiểu thuyết là người đi tìm sự thật. Balzac quan sát gì? Sự tàn phá của đam mê ái tình nơi nhân vật, nơi gia đình của nhân vật, nơi cả xã hội chung quanh. Đầu tiên, Balzac chọn đề tài. Rồi, đi từ những hiện tượng được quan sát, ông thực hiện thí nghiệm bằng cách đặt nhân vật Hulot vào trong một chuỗi thử thách, cho nhân vật sống trong nhiều môi trường, nhiều hoàn cảnh, nhiều điều kiện khác nhau để trình bày tất cả những động thái của đam mê, xem đam mê tạo ra những kết quả gì. Như vậy, Balzac đâu phải chỉ quan sát? Chỉ làm ông thợ chụp ảnh? Ông cho nhân vật biến chuyển nhưng ông không rời khỏi luật thiên nhiên, ông viết “tiểu thuyết thiên nhiên”. Bởi vì một tiểu thuyết thực nghiệm như “Cousine Bette” là một phiên bản – một phiên bản của thí nghiệm. Nhà văn thay đổi môi trường, thay đổi hoàn cảnh, điều kiện để làm thí nghiệm nhưng vẫn theo sát thiên nhiên, không trái với những luật của thiên nhiên. Như vậy, ta mới hiểu được con người, hiểu một cách chính xác, khoa học, trong hành động của người ấy về mặt cá nhân cũng như về mặt xã hội.

Tất nhiên, không thể bắt tiểu thuyết thực nghiệm có một mức độ chính xác, khoa học như hóa học hay sinh lý học. Tiểu thuyết thực nghiệm đang còn trong trứng sữa. Nhưng y khoa của Claude Bernard cũng chỉ mới bập bẹ trên con đường khoa học thôi. Y khoa tiến đến khoa học thực sự thì tiểu thuyết thực nghiệm cũng phải thế. Thực sự, đó là thí nghiệm mà nhà tiểu thuyết làm trên con người, qua quan sát. Con đường đi của khoa học thẳng tắp, với điểm khởi hành và điểm kết thúc. Điểm khởi hành là hóa học, vật lý. Rồi sinh lý học và y khoa. Một ngày nào đó, khi y khoa chứng minh được rằng cơ thể của con người là một bộ máy có thể gỡ ra rồi lắp lại nhờ thí nghiệm, lúc đó ta phải bước qua giai đoạn tháo gỡ những hoạt động đam mê và trí thức của con người. Lúc đó khoa học mới bước vào được lĩnh vực cho đến bây giờ vẫn còn thuộc vào triết lý, văn chương. Đó là con đường tất định, đi từ việc khám phá những định luật của vật thể thô đến việc khám phá những định luật của tư tưởng, tình cảm. Bộ não của con người được cai trị bởi một luật tất yếu giống như luật tất yếu cai trị viên gạch lót đường.

Trong những luật tất yếu đó, Zola quan sát và làm thí nghiệm trên hai hiện tượng mà ông cho là rất quan trọng trong những biểu hiện của đam mê và trí thức: di truyền là một, môi trường là hai. Claude Bernard, bằng phương pháp thực nghiệm, đã khám phá ra sự vận hành của “môi trường bên trong” – bên trong cơ thể của con người. Đến phiên tiểu thuyết thực nghiệm khám phá “môi trường bên ngoài”, một gia đình, một thế hệ, một cộng đồng xã hội. Đi từ con người thực, sống trong một môi trường thực, tiểu thuyết thực nghiệm nghiên cứu con người như thế ảnh hưởng trên xã hội như thế nào và xã hội như thế làm thay đổi con người ra sao. Tiểu thuyết thực nghiệm từ bỏ con người trừu tượng, con người siêu hình để nghiên cứu con người thiên nhiên đặt dưới định luật vật lý, hóa học, và được quyết định tất yếu bởi những ảnh hưởng của môi trường. Đó là văn chương của thời đại khoa học y như văn chương cổ điển và lãng mạn là sản phẩm của thời đại trung cổ và thần học.

Với chủ trương đó về tiểu thuyết thiên nhiên, với phương pháp đó của y khoa thực nghiệm, với Claude Bernard như ngọn đuốc soi đường, Zola viết bộ trường thiên tiểu thuyết “Les Rougon-Macquart” với tiểu đề: “Lịch sử thiên nhiên và xã hội của một gia đình dưới Đệ Nhị Đế Chế”. Tham vọng của ông làm choáng ngợp văn học một thời: mô tả những biến đổi xã hội qua một triều đại lịch sử và những thăng trầm của một gia đình qua năm thế hệ với hai mươi cuốn tiểu thuyết để chỉ rõ một cách khoa học ảnh hưởng tất yếu của di truyền và của môi trường bên ngoài. Mỗi thành viên của gia đình ấy ở mỗi thế hệ lần lượt là nhân vật chính trong mỗi cuốn tiểu thuyết, sống trong những môi trường xã hội khác nhau: “dân hạ cấp”, “dân buôn bán”, “dân tư sản”, và một thứ “dân không xếp hạng  được “: gái điếm, giết người, thầy dòng, nghệ sĩ… Tên của bộ trường thiên tiểu thuyết là tên của hai nhánh kết hợp thành một gia đình. Rougon, nhánh chính thức, gồm giới tiểu thương, tiểu tư sản; Macquart, nhánh lai, gồm nông dân, các tay săn lậu, buôn lậu cùng có một vấn đề chung là nghiện rượu. Một số thành viên của gia đình ấy leo lên được những nấc thang cao nhất của xã hội, một số khác rơi tõm xuống bần cùng, nạn nhân của thất bại và của di truyền. Cuốn truyện muốn vén lên màn bí mật của cơ thể xã hội và cơ thể con người trong tận cùng thâm sâu tăm tối nhất bằng cách vẽ ra như thế nào một căn bệnh di truyền đã lan đến và làm biến đổi một gia đình. Di truyền là dụng cụ khoa học, là sợi chỉ hồng xuyên suốt tập truyện trường thiên.

Tập truyện dần dần gây chấn động và đến cuốn thứ bảy, “L’Assommoir”, thì danh vọng của Zola vọt lên đến mức của Balzac. Nhưng từ tả qua hữu, ông phải đối mặt tứ phương với chống đối, đả kích, mạ lỵ, vì bức tranh xã hội và con người mà ông vẽ ra chạm đến những cấm kỵ, rào cản. Phe tả đả đảo ông đã bôi nhọ “dân hạ cấp”. Phe hữu tố cáo một tiểu thuyết khiêu dâm, vô luân. Nhưng cuốn truyện hấp dẫn độc giả, bán rất chạy, và lần đầu tiên Zola rủng rỉnh xu hào. Ông tuyên bố trong lời tựa để trả lời phe tả: “L’Assommoir là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về dân hạ cấp mà không nói láo và có thật mùi của dân hạ cấp”. Hình ảnh lãng mạn của dân nghèo cao quý kiểu Victor Hugo bị đuổi ra khỏi văn chương. Zola quan sát, điều tra, tập trung tư liệu cực kỳ công phu trước khi viết mỗi cuốn truyện. Trước khi viết L’Assommoir, ông phác thảo ý chính như sau để theo đó mà viết: “Cuốn truyện phải như thế này: trình bày môi trường sống của dân hạ cấp, tại Paris, và qua môi trường đó, giải thích tập quán của họ như thế nào, say rượu, thất bại, cả một gia đình như thế, những trù dập, thói quen chấp nhận mọi nhục nhã và mọi khổ cực, tất cả là đến từ chính những điều kiện của đời sống thợ thuyền, từ những công việc nhọc nhằn, từ những buông thả… Chọn Gervaise ở tuổi 22, vào năm 1850, đưa cô ấy cho đến năm 1869, ở tuổi 41. Cho cô ấy trải qua mọi khủng hoảng, mọi tủi nhục không tưởng tượng nổi… Vẽ cô ấy ở tuổi 41 kiệt quệ vì lao động và khốn cùng”. Bi kịch của Gervaise diễn ra trong môi trường thợ thuyền, với những bộ mặt nhem nhuốc, sa đoạ, cả về thể xác lẫn tâm hồn, của những người thợ bị xã hội đẩy vào những điều kiện sống tồi tệ. “Nhân vật của chúng tôi, Zola viết, không phải là hoàn toàn nặn ra từ đầu óc, không phải là con người trừu tượng của thế kỷ 18. Đó là con người sinh lý của khoa học hiện nay, một sinh vật gồm những cơ quan và nhúng mình vào một môi trường, thấm ướt môi trường đó từng giờ từng phút”.

Từ phác thảo và tuyên ngôn đó, Gervaise Macquart hiện ra trong cuốn truyện, năm 22 tuổi, đem hai con theo anh tình nhân Lantier, thợ làm mũ, lên Paris. Vừa lười, vừa lăng nhăng, anh này bỏ cô theo gái. Bơ vơ đất lạ, may sao cô kiếm được việc làm trong một tiệm giặt ủi. Khá xinh và đầy can đảm, cô làm việc để vươn lên, giấc mộng của cô là tạo được một đời sống hạnh phúc, an lành. Trong khi vươn lên như vậy thì cô gặp Coupeau, anh thợ kẽm, hai người lấy nhau, cùng ra sức làm ăn. Họ thuê được một tiệm giặt ủi, kiếm được tiền, đẻ được một đứa con, giấc mơ hạnh phúc toại nguyện. Nhưng hạnh phúc không bền: một hôm, trong khi làm việc trên mái nhà, anh thợ kẽm muốn nhìn con gái chơi, sẩy chân rơi xuống đất, hai chân gãy một. Để anh chàng khỏi nằm nhà thương, Gervaise săn sóc chồng tại nhà, tiêu sạch tiền dành dụm. Lành bệnh nhưng tàn tật, Coupeau chán nản, bắt đầu lai vãng quán Assommoir. Một lần nữa, Gervaise lại cố vươn lên nhờ mượn được tiền của người hàng xóm, anh thợ rèn Goujot, đang yêu trộm thương thầm cô. Cô mua lại tiệm giặt ủi, lại kiếm ra tiền, trong khi anh chồng càng ngày càng say sưa trong quán rượu, xài hết tiền, rượu càng vào càng cộc cằn, thô lỗ. Giữa lúc ấy thì anh tình nhân Lantier cũ trở về, duyên xưa lại nối, nối với vợ và nối cả với chồng, vì anh chồng và anh tình cũ trở thành bạn nhậu, nhà cùng ở, quán cùng say, tiền cùng xài, túi cùng cạn, bộ ba cùng túng. Dưới ảnh hưởng của Lantier, cô Gervaise cũng dần dần gia nhập đoàn thể bợm nhậu Assommoir, đầu say ít sau say nhiều, biếng nhác, bỏ việc. Sa đọa tinh thần kéo theo sa đọa thể xác, cô ham ăn, người phì ra, xấu xí, nhớp nhúa. Nợ nần lút đầu, hàng xóm xa lánh, cả anh thợ rèn thầm yêu cũng bỏ cô. Gervaise rơi xuống vực thẳm. Cô bán tiệm, dọn nhà vào ổ chuột, sống chung đụng với người cùng khổ. Anh chồng mất trí, bị tống vào nhà thương điên, chết trong một cơn điên loạn thảm khốc. Tận cùng dưới đáy vực, Gervaise phải đi ăn xin, làm điếm, rồi chết không ai hay, vì đói và lạnh. Trong bộ ba, chỉ còn anh Lantier. Anh này phây phây, bắt bồ với một cô giặt ủi, trước làm công cho Gervaise, bây giờ trả thù bà chủ cũ bằng cách mua lại tiệm giặt ủi và thuê bà chủ làm công, quét nhà như đầy tớ.

L’Assommoir là cuốn truyện đặt đời sống thợ thuyền vào trọng tâm, nhưng khác với Balzac, đây không phải chỉ là bức tranh xã hội, đây còn là một tác phẩm “khoa học”, thực nghiệm, mà mỗi chi tiết được chụp lại trung thực. Đây không phải chỉ là tiểu thuyết tả thực, tả chân. Đây là Balzac cộng với khoa học của thế kỷ 19. Chắc độc giả Việt Nam không biết L’Assommoir nhiều bằng Germinal, cuốn thứ mười ba, viết sau đó tám năm. Cũng với từng chi tiết chính xác như thế, cũng với tác giả lăn lưng vào sống chung với thợ thuyền, xuống với họ tận hầm mỏ, Germinal mô tả bi hùng của một cuộc đình công và bộ mặt đen tối của xã hội phu mỏ: gái hoang, đĩ điếm, cờ bạc, và rượu. Rượu, như một định mệnh tất yếu của họ, định mệnh mà Claude Bernard diễn giải rất rõ trong cách vận hành của cơ thể con người. Thiên tài của nhà văn là có một ý tưởng. Còn kết quả là nhờ ở phương pháp, Zola quả quyết như vậy. Y như Claude Bernard đã viết về công việc của nhà khoa học: “Ý tưởng là hạt giống; phương pháp là đất cung cấp cho hạt giống những điều kiện để phát triển, để nảy nở, để sinh ra những trái ngon nhất tùy theo thiên nhiên”.

 Kẻ đi sau còn muốn đi xa hơn người đi trước: Zola không bằng lòng về quan điểm của Bernard khi nhà khoa học này động đến văn học, triết lý. “Về nghệ thuật và văn chương, Claude Bernard viết, nhân cách của tác giả ngự trị trên tất cả. Đây là sáng tạo tự khởi của đầu óc, và điều này chẳng có gì liên quan đến sự ghi nhận những hiện tượng thiên nhiên”. Với Zola, nhà tiểu thuyết thực nghiệm chẳng khác gì nhà khoa học: đó là một “nhà bác học đặc biệt”. Một tác phẩm văn chương, theo ông, không phải hoàn toàn là công trình của một tình cảm cá nhân, bởi vì tình cảm cá nhân chỉ là rung động đầu tiên thúc đẩy nhà văn phải viết. Sau đó là thiên nhiên – thiên nhiên mà nhà khoa học đã khám phá bí mật – áp đặt định luật và nhà văn không còn quyền nói dối nữa. Có thể đồng ý rằng, nhà văn và triết gia vạch đường cho nhà khoa học, bởi vì giả thuyết và kinh nghiệm đi trước phương pháp và khám phá khoa học. Nhưng một khi khoa học đã đạt được chân lý, nhà văn phải chấm dứt ngay giả thuyết và chấp nhận chân lý, xem đó như là đất đứng vững chắc để từ đó, bằng trực giác và linh cảm, lần mò đi đến những giả thuyết khác về những vấn đề chưa khám phá. Việc làm của họ khác gì việc làm của nhà khoa học đâu?

Ngày nay, đọc lại tuyên ngôn của Zola, người đọc không khỏi cười thầm về thái độ khoa học hơn cả khoa học, khoa học gia hơn cả Claude Bernard. Nhưng phải hiểu ông và đặt ông vào bối cảnh của thế kỷ 19, khi khoa học thu hút mọi tư tưởng như một thần lực. Ông đem một tư tưởng mới vào văn chương, chứng minh tư tưởng đó với tài ba xuất chúng của ông bằng những tác phẩm rạng danh văn học thế giới. Tài ba của ông đã làm cả những người chống đối ông khâm phục. Nhưng họ chống đối không phải không có lý do. Cùng phía tả của ông, Anatole France đã chỉ trích ông với những lời lẽ mạt sát thậm tệ, cho rằng ông đã quan sát với cặp mắt mù, bởi vì ông chỉ thấy cái xấu, không thấy cái đẹp, nhất là cái đẹp cao sang ẩn khuất trong chính cái xấu. “Có vẽ đẹp nơi người nông dân. Ông Zola không thấy. Nét thâm trầm u uất, dáng cứng cỏi long trọng in trên thân thể họ vì nhọc nhằn thường xuyên, hòa âm giữa người và đất, cao quý của khổ cực, thánh thiện của lao động, lao động đích thực, lao động của cái bừa, tất cả những vẽ đẹp ấy chẳng làm ông Zola động lòng chút nào. Cái duyên dáng quyến rũ nơi mọi sự vật lẩn tránh mắt ông; cái đẹp, cái vương giả, cái đơn sơ trốn ông biệt tăm. Khi ông đặt tên cho một thôn xóm, một con sông, một người, ông chọn tên gì xấu nhất… Ông Zola không biết cái đẹp của chữ cũng như ông không biết cái đẹp của sự vật”.

Anatole France bồi thêm: Cũng giống như thợ thuyền, nông dân dưới ngòi bút của Zola chỉ toàn là dân thô kệch, bê tha, vô luân, say rượu, nhớp nhúa, nói năng thô lỗ, thú vật. Triệt để, một cách có hệ thống, ông chọn toàn cái xấu, cái xấu của cảnh vật cũng như cái hạ tiện của nhân vật. Tưởng tượng của ông ác đến nỗi ông cho một phụ nữ nông dân đẻ cùng lúc với con bò cái, để nhét vào miệng một người đứng xem một lời reo ác khẩu: “Toét ra rồi!”, tất nhiên không phải là nói về con bò. Ông Zola không thấy cái thiêng liêng trong việc sinh con. Ông báng bổ thiên nhiên, dù thiên nhiên có mặt nơi người phụ nữ hay nơi con bò. Ông không thấy cái thơ ngây của con bò cái khi phơi bày ra tất cả khổ đau của việc sinh nở. “Con bò mẹ đau đớn dữ dội trong câm nín. Khi con nghé lọt lòng, bò mẹ đảo mắt về phía con với hai mắt thấm ướt, rồi rướn cổ ra, liếm thật lâu cái sinh vật bé nhỏ đã làm nó đau đớn đến thế. Thấy mà cảm động. Mà thấm cái đẹp. Báng bổ những bí mật cao cả đó, thật là nhục nhã”. Đó là mấy câu viết về cuốn tiểu thuyết La Terre, cuốn thứ mười lăm trong bộ trường thiên Rougon-Macquart.

Sau này, khi Zola chết, chính Anatole France đọc điếu văn tôn vinh tài ba của Zola. Nhưng trước đó, bao nhiêu đả kích thậm tệ. “Chưa bao giờ có ai cố gắng đến mức đó để hạ nhục nhân loại, mạ lỵ tất cả những khuôn mặt của cái đẹp và của tình thương, từ khước tất cả những gì là tốt, là thiện. Chưa bao giờ có ai lệch lạc đến mức đó về lý tưởng của con người. Trong tất cả chúng ta, dù người nhỏ hay người lớn, người tầm thường hay người danh giá, đều có một bản năng của cái đẹp, một ham muốn về một cái gì để tô điểm, để trang sức, và bản năng ấy, ham muốn ấy, đâu cũng có, đem lại duyên dáng cho cuộc đời. Ông Zola không biết. Trong con người, có một nhu cầu yêu thương vô biên làm con người trở thành thần thánh. Ông Zola không biết. Ham muốn và thẹn thùng đôi khi trộn lẫn với nhau thành những màu sắc lưng chừng kỳ diệu. Ông Zola không biết. Trên mặt đất, có những hình thái tuyệt vời và những tư tưởng cao quý; có những tâm hồn trong trắng và những trái tim anh hùng. Ông Zola không biết. Ngay cả những yếu đuối, ngay cả những sai lạc và lỗi lầm, nhiều khi cũng có những vẽ đẹp đầy cảm động. Ông Zola không biết. Đau khổ là thiêng liêng. Thánh thiện của giọt lệ nằm sâu trong tất cả các tôn giáo. Bất hạnh đủ để làm con người cao cả với con người. Ông Zola không biết… Ông Zola xứng đáng được thương hại sâu xa”.

Hai ông nhà văn lớn, ông này nói ông kia không biết, không thấy. Tất nhiên, ông kia cũng sẽ nói lại ông này không thấy, không biết. Là vì mỗi ông nhìn sự vật ở mỗi mặt! Mặt tối và mặt sáng. Mặt không thấy với mắt thường và mặt lồ lộ cơ quan sinh lý không khác con vật. Hơn nữa, là vì mỗi ông chọn một quan điểm. Và quan điểm của Anatole France là: nghệ thuật thuộc lĩnh vực của cảm xúc, không phải là khoa học. Vậy thì: vinh danh khoa học có cần phải khoa học gia hơn cả Claude Bernard? Văn chương có thể vinh danh khoa học một cách ít cực đoan hơn?

 

II

           

“Johann Wolfgang von Goethe ở tuổi 80” do Joseph Karl Stieler vẽ năm 1828

Từ Zola, xin bắt qua Goethe với cuốn tiểu thuyết có cái tên khó nghe: “Những đồng điệu lựa chọn” (1809). Có lẽ, muốn văn hoa hơn, nên dịch “Đồng điệu tương tầm” hoặc “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Nhưng đang nói chuyện khoa học chính xác, lẽ nào lạc qua bóng bẩy văn hoa? Có gì dính dáng giữa hai ông? Khoa học! Hơn Zola, Goethe không phải chỉ là nhà văn, nhà thơ, ông còn là nhà khoa học: một năm sau khi xuất bản cuốn tiểu thuyết vừa nói, ông viết một nghiên cứu “Khảo luận về màu sắc” (1810), khoa học đàng hoàng có thua ai. Với máu khoa học trong người, ông cũng áp dụng phương pháp quan sát và thí nghiệm vào tiểu thuyết, sử dụng nhân vật như nhà khoa học sử dụng axít và kiềm, cũng để xác minh giả thuyết, kiểm chứng định luật của thiên nhiên. Nhưng trước khi nói chuyện về khoa học khô khan, tưởng nên tóm tắt nội dung cuốn truyện để… thư giãn, vì đây là chuyện tình ướt át, diễn ra trong giới thượng lưu thơm tho, thanh lịch, giữa khung cảnh thơ mộng của một lâu đài mênh mông, trù phú.

Mở đầu truyện là hai nhân vật, bá tước Edouard và vợ, Charlotte, sống với nhau hạnh phúc trong lâu đài. Cả hai đều đứng tuổi, chậm lấy nhau vì trước đó hai bên đều phải lấy người không vừa ý. Hạnh phúc đến với họ khi cả hai đều được trả lại tự do, kẻ chết chồng người chết vợ. Họ có tất cả để hạnh phúc: tình yêu, lâu đài, của cải. Họ yêu nhau, hai người yêu nhau.

Thế nhưng, sắp có một người thứ ba đến ở với gia đình. Ông không có tên, cuốn truyện gọi ông là “ông đại úy”, bạn thân của Edouard, học rộng, biết nhiều, nhưng cô đơn, nghèo túng. Thương bạn, chủ nhà mời ông đến ở chung, nhân tiện cùng nhau mở mang, khai khẩn, tô điểm cho lâu đài. Vốn là người sáng suốt, lúc đầu Charlotte không đồng ý. Bà nói: Chúng ta đang hạnh phúc, sao bỗng dưng lại để cho người thứ ba xen vào đời sống riêng tư, biết chuyện gì sẽ xảy ra? Sau, vì chồng nài nỉ, bà đành bằng lòng, với điều kiện là Edouard cũng nhận cho một cô cháu gái mồ côi đến ở chung. Từ một cặp, bây giờ dân số trong lâu đài tăng lên thành bốn. Chuyện gì xảy ra? Chàng Edouard mê tít cô gái xinh đẹp 17 tuổi ngay khi vừa chạm mắt. Dù kín đáo, cô Odile (Ottilie trong tiếng Đức) cũng cảm thấy bị ông chủ nhà thu hút mãnh liệt. Hay thật, dường như hai người sinh ra là để thu hút nhau. Về phần Charlotte, tuy lý trí nhiều hơn nhưng sóng tình vẫn xiêu, vẫn thích được gần ông đại úy. Con người mới đến này sao mà có những tính nết, suy nghĩ giống mình! Bốn người chung sống êm ả, ban ngày đi dạo, mở mang vườn tược, ban đêm chuyện trò, thảo luận, đọc sách, vẽ, đàn. Thanh bình ở bên ngoài, rạo rực ở bên trong, trái tim mở ra, nhận những tình cảm mới càng ngày càng thắm thiết.

Ở đầu truyện, Charlotte là một thiếu phụ nghiêm trang, thận trọng, tự chủ, có ý thức về bổn phận và ý muốn làm tròn bổn phận. Dần dần, việc gì phải đến thì đến thôi, không hôm ấy thì hôm khác. Vậy thì hôm ấy, hai người chèo thuyền dạo trên hồ. Charlotte đang buồn vì ông đại úy sắp rời lâu đài ra mặt trận, Âu châu lúc ấy không thiếu chiến tranh. Buổi chiều cô quạnh, hiu hắt, càng làm bà buồn hơn. “Chiếc thuyền xoay, mái chèo khua nhẹ trong nước, gió thổi làm rung mặt hồ, lau sậy rì rào bên bờ vắng, sao trên trời bắt đầu nhấp nhánh, tất cả đượm một vẽ bí ẩn trong lặng yên của vũ trụ. Charlotte có cảm tưởng bạn mình đang đưa mình đi xa, thật xa, để đặt nàng xuống đất và bỏ mặc nàng một mình. Nàng cảm thấy cảm động lạ kỳ, nhưng không khóc được”. Không ngăn được cảm xúc, bà bảo ông đại úy ngừng chèo và đưa bà lên bờ. Ông đại úy quá thạo nghề chèo nhưng lại không thạo nghề nước, thiếu kinh nghiệm về mức nước nông sâu, nên đâm thuyền vào chỗ cạn và thuyền mắc cạn. Đành xuống thuyền lội nước, và như vậy là đành phải ôm người đẹp trong tay bì bõm lên bờ. Charlotte thì cũng quá biết người đàn ông kia mạnh mẽ và thừa khéo léo để không làm mình rơi, nhưng cũng quàng tay vào cổ người kia bằng một cử chỉ chắc là vô tình bản năng. Dù lý trí có chỉ đạo ông đại úy đến mấy đi nữa, lúc ấy cũng khó chống lại cái quàng tay yếu đuối. Cho nên, trước khi đặt người thiếu phụ xuống cỏ, ông đại úy ôm chặt người đẹp, đặt một cái hôn trên môi nàng, rồi… quỳ xuống chân nàng xin lỗi. “Cái hôn mà bạn của nàng dám tặng cho nàng, và gần như được nàng trao trả, làm Charlotte trở lại với mình. Nàng siết chặt bàn tay của bạn, nhưng không đỡ bạn dậy. Cúi xuống gần chàng và đặt tay lên vai chàng, nàng thốt lên: “chúng ta không thể ngăn cấm giây phút này ghi khắc lịch sử trong đời chúng ta…”

Ấy là chút chi tiết về cặp Charlotte. Cũng xin kể chút chi tiết về cặp Odile. Cặp này thì chẳng cần phải lôi thôi dàn trận để chống lại lý trí. Edouard là anh chàng đam mê, và cô Odile thì quá đẹp, quá trẻ, quá dễ thương. Chàng thổi sáo thì nàng đệm dương cầm, chàng thổi sai thì nàng khéo léo đàn theo cho đúng. Nàng học cả chữ viết của chàng, học thầm kín, cho đến khi viết hệt chữ chàng, khiến chàng khám phá ra nỗi lòng thầm kín nơi cô con gái. “Vậy là em yêu tôi, chàng reo lên, em yêu tôi!” Hai người rơi vào tay nhau, không biết ai rơi trước.

Mở đầu truyện, chàng Edouard và nàng Charlotte yêu nhau nồng nàn. Chàng sốt ruột đợi nàng chấm dứt góa bụa để cùng chắp cánh bay vào hạnh phúc. Vậy mà bây giờ chàng mừng rỡ thấy nàng bâng khuâng tim mới, lại còn tìm cách đẩy nàng vào tay ông đại úy, mong được ly dị với vợ để chắp cánh mới với cô cháu trẻ son.

Vậy là ông đại úy phải đi. Charlotte đề nghị cô cháu cũng phải về lại trường cũ, ở nội trú. Nhưng Edouard đời nào chịu! Thay vì nàng đi thì chàng đề nghị chàng sẽ đi, cũng làm chiến tranh, hết chiến tranh sẽ về. Một ngày đó, cô gái không thấy bóng ông chủ nhà trong lâu đài nữa; buổi tối, ba cái khăn ăn đặt trên bàn chỉ còn hai. Cô thương nhớ, đau khổ, mất hy vọng, héo hon. Nhưng trong lâu đài bỗng có sự lạ: Charlotte có thai! Mà lại có thai với chồng! Cái thai làm tiêu tan giấc mộng của Odile. “Chúng ta là hai, nhưng chúng ta không thể chia hai”, cô gửi cô đơn như thế vào nhật ký. Lâu đài xuất hiện một cái nôi. Rồi lâu đài xuất hiện một đứa bé. Đứa bé mà Odile bồng bế, nuôi dưỡng. Hòn máu của Charlotte và Edouard! Làm sao Odile tách rời được một hôn nhân mà hòn máu bỗng làm dính chặt?

Từ mặt trận, Edouard trở về. Đứa con chẳng làm chàng gần vợ hơn. Đam mê vẫn cháy bỏng. Đến độ anh chàng van nài ông đại úy thuyết phục giục giã vợ ly dị. “Tôi biết anh yêu Charlotte. Hãy nhận nàng từ tay tôi. Mang Odile lại cho tôi. Chúng ta sẽ là những người hạnh phúc nhất trên trái đất này”. Chàng lẻn vào lâu đài bằng một con đường kín. Odile đang ngồi dưới bóng cây, đứa bé đang ngủ. Đôi uyên ương quấn quýt nhau, quên cả thời gian. Ngày tắt dần, mặt trời khuất sau non, trải dài bóng cây trên cỏ. Chết rồi chàng ơi, Odile sực tỉnh. Trời tối rồi mà Charlotte không thấy con về, thiếp phải chia tay chàng thôi, thiếp nhảy xuống chiếc thuyền này nhé, chèo về nhanh hơn. Thuyền tròng trành, tay thiếp run, tim thiếp đập, thiếp vô ý sẩy mái chèo, thuyền nghiêng, đứa bé rơi xuống nước.

Phần sau của cuốn truyện tả tâm trạng của Odile, từ hối hận đến dày vò, từ héo mòn đến tàn tạ, ốm đau, nhịn đói, chết. Tất cả hoa trong lâu đài đều được hái hết để phủ lên quan tài, như thử mùa đông vừa đến, làm rụng hết hoa. Từ sáng sớm, quan tài được đưa ra khỏi lâu đài, nắp hòm mở ra, mặt trời vừa mọc chiếu ánh hồng trên gương mặt thiên thần.

Odile chết thì Edouard làm sao sống nốt được. Charlotte chôn hai người trong một mồ chung. “Và như vậy, hai người tình nằm cạnh nhau. Thanh bình vờn bay trên nơi ở cuối cùng của họ. Từ nóc nhà thờ, hình ảnh an lành của thiên thần nhìn xuống họ. Và êm ả biết bao khi họ cùng nhau thức dậy, một ngày nào đó”.

Kể lể dông dài chuyện tình giữa bốn nhân vật này như vậy để làm gì? Đâu là khoa học trong chuyện? Ấy, khoa học quá đi chứ, khoa học từ cái tên khó nghe của cuốn tiểu thuyết. Goethe mượn tên đó từ một cuốn sách của một nhà hóa học Thụy Điển, Tornberg Bergman, xuất bản bằng tiếng la tinh năm 1775 và dịch ra tiếng Đức năm 1782 dưới nhan đề “Die Wahlverwandtschaften”, tạm dịch theo bản tiếng Pháp là “Những đồng điệu chọn lựa”. Tại sao lại có hóa học ở đây? Tại vì trong lịch sử hóa học có thuyết mang tên ấy (les affinités électives) thịnh hành hồi thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, và hãy còn chiếm một vị thế quan trọng trong những công trình nghiên cứu của Berthollet và Laplace. Sách của Bergman có một câu về thuyết ấy như sau: “Cho A là một chất mà những chất khác a, b, c… lôi kéo: giả sử A trộn lẫn với c đến mức hòa tan (Ac) và giả sử ta thêm b vào mà c tách ra thì ta nói rằng A lôi kéo b mạnh hơn c hoặc nói rằng b có một sức thu hút lựa chọn mạnh hơn c. Cuối cùng, giả sử ta thêm a vào mà Ab rời nhau ra và b bị tống đi còn a thì chiếm vị trí của b thì ta nói sức thu hút của a mạnh hơn sức thu hút của b, và như vậy, chuỗi a, b, c... là sắp đúng theo thứ tự thu hút của những lực chọn lựa trong ba chất ấy”.

Ông đại úy trong truyện trình bày thuyết ấy cho Edouard và Charlotte nghe say mê trong suốt chương 4. Khi ấy, Odile chưa tới ở trong lâu đài. Ông giản lược hơn, giản lược đến mức độc giả tối dạ nhất cũng hiểu và đoán trước được câu chuyện: “Các bạn hãy thử tưởng tượng giữa A và B có một kết hợp bền chặt đến nỗi dù bao nhiêu thử thách, trù dập, cũng không làm chúng rời nhau được; rồi các bạn hãy thử tưởng tượng C và D cũng khăng khít với nhau tương tự như vậy; bây giờ các bạn đặt hai cặp ấy bên nhau: A sẽ đi đến với D, C sẽ đi đến với B mà ta chẳng có thể nói được cái nào đã từ bỏ cái kia trước, cái nào đã kết hợp với nhau trước cái kia”.

Vốn là người học rộng biết nhiều, ông đại úy bắt qua ngôn ngữ hóa học: “Cái mà ta gọi là đá vôi (CaCO­2 – carbonate de calcium) là một thứ đất calcaire ít nhiều tinh khiết có thấm một thứ acide tinh tế mà ta biết dưới dạng khí (H2CO3 – acide carbonique). Nếu ta nhúng một miếng đá ấy vào trong acide sulfurique pha loãng (H2SO4) thì acide đó sẽ chiếm lấy vôi và tạo thành với vôi một chất gọi là sulfate de calcium (CaSO4). Trái lại, chất acide tinh tế dưới dạng khí nói trên được phóng thích. Như vậy, ta thấy có một sự tách ra và một sự tạo thành của một hỗn hợp mới, khiến ta có thể dùng từ “đồng điệu chọn lựa”, bởi vì sự việc đã xảy ra như tuồng một trong những thành phần thích một thành phần khác, lựa chọn một thành phần khác để kết tụ”.

Kẻ ngoại đạo khoa học viết bài này rất sợ mình dịch không chuẩn, lại pha trộn chữ Tây với chữ ta, khó nghe. Nhưng cái lý thuyết hóa học này là nòng cốt của cuốn truyện, làm sao bỏ qua được. Cho nên đành phải tiếp tục gắng sức nói thêm. Nhà khoa học Etienne-François Geoffroy long trọng trình bày thuyết đó tại Paris năm 1718 trước Hàn Lâm Viện. Ông nói : “Trong hóa học, người ta quan sát được một số tương quan giữa những chất khác nhau khiến chúng kết tụ dễ dàng với nhau. Những tương quan đó có mức độ của chúng và định luật của chúng. Người ta quan sát các mức độ khác nhau đó và thấy rằng, trong nhiều chất lẫn lộn với nhau và có tính kết hợp cùng nhau, một trong những thành phần luôn luôn kết hợp một cách lựa chọn với một thành phần nào đó so với tất cả các thành phần khác”.

Rõ hơn, “mỗi khi hai chất nào có khuynh hướng đến với nhau và đã cùng nhau kết hợp rồi, mà nếu có một chất thứ ba có tương quan nhiều hơn với một trong hai chất kia thì nó kết hợp ngay với chất ấy và bỏ rơi chất kia”.

Ôi, hóa học sao mà lãng mạn thế! Các vật vô tri kia, chúng mày có tâm hồn cả hay sao? Chúng mày cũng thế, tình yêu nào cũng là tình đầu? Chúng mày cũng biết cưới nhau rồi ly dị? Này, anh sắt, thả anh vào một dung dịch acide vitriolique có chất bạc hoặc chất đồng: chẳng phải vì chị axít có đồng điệu nhiều hơn với anh nên phải lòng anh ngay lập tức và lập tức quát anh đồng hoặc anh bạc kia phải cuốn gói ra đi?

Hình như thuyết đồng điệu ấy không được thịnh hành nữa trong hóa học từ lúc Lavoisier đưa ra những khám phá mới. Nhưng có hề chi. Chuyện đáng nói là Goethe đã làm thuyết ấy sống động trong văn chương. Các nhân vật trong tiểu thuyết hành động, thương yêu, ăn nói, hút nhau vào, đẩy nhau ra y như các hóa chất, và Goethe điều khiển các nhân vật, tạo ra các hoàn cảnh, y như một nhà hóa học quan sát, thí nghiệm, chứng minh giả thuyết. Lâu đài trong truyện là phòng thí nghiệm, ông đại úy là xướng ngôn viên của một định luật áp dụng cho cả người, áp dụng cho cả ông.

Luật ấy, không ai cưỡng lại được. Edouard lao vào Odile, bất kể đúng sai. Đúng sai, Charlotte biết, nhưng rốt cuộc chấp nhận ly dị. Ở châu Âu thời ấy, nhà thờ mạnh thế kia, cấm ly dị nhường ấy, hôn nhân thiêng liêng nhường kia, lại là xã hội quý tộc, bá tước hẳn hoi chứ có phải phu mỏ đâu, mà cũng đành giơ tay đầu hàng trước luật thiên nhiên của hóa chất. Vì luật là tất yếu, luật là luật. Viết trái với thiên nhiên là nói láo, nhà văn không được dối trá, Emile Zola đã tuyên ngôn như vậy rồi. Cho nên Charlotte cũng phải cúi đầu, áp dụng luật. Bà nói với ông đại úy: “Đáng lẽ em phải chấp nhận như vậy sớm hơn… Có những sự việc mà số mệnh nhất quyết bảo phải tuân theo. Lý trí và đức hạnh, bổn phận và những gì thiêng liêng muốn chặn đường số mệnh cũng vô ích thôi: một việc phải làm, số mệnh cho là đúng, ta cho là không đúng, chính số mệnh quyết định cuối cùng và ta chỉ bàn cãi cho vui… Chẳng phải chính em đã xem Odile và Edouard như là cặp tình nhân hợp nhau nhất đấy sao? Chẳng phải chính em đã tìm cách làm họ gần nhau?”

Edouard là anh chàng sống đúng với luật của hóa chất nhất. Không những thế, anh chàng còn linh cảm trước cả những chuyện sẽ xảy ra. Khi ông đại úy diễn giảng thuyết đồng điệu lựa chọn, khi ấy Odile chưa đến, anh chàng đã nói đùa với vợ: “Em, Charlotte, em là A, và anh là B của em, bởi vì anh chỉ lệ thuộc em và anh theo em như B theo A. C thì rõ ràng là ông đại úy, người đang cuỗm mất em khỏi anh. Vậy thì, để em khỏi lẩn trốn vào phân vân, người ta phải công bình đem đến một D, và đó là cô nàng Odile đáng mến mà em không thể cứ ngăn cản mãi không cho đến”.

Trước đó, anh chàng còn nói: “Luật đồng điệu chỉ lý thú khi nó gây ra ly dị”. Rồi đùa: “Danh dự của các ông hóa học gia là được tặng cho cái tên nghệ sĩ của chia rẽ”. Khi đó, Charlotte còn đính chính: “Kết hợp là một nghệ thuật lớn hơn, xứng đáng hơn. Cả thế giới chào đón, trong mỗi lĩnh vực, một nghệ sĩ của kết hợp”. Công việc bình thường của nhà hóa học là phân tích và tổng hợp, là tách và nối. Cuốn truyện không làm khác. Nhân vật hút nhau và rời nhau. Hôn nhân và ly dị. Người hay vật đều thế. Ông đại úy bình luận: “Các hóa chất tưởng là bất động, vậy mà bên trong luôn luôn sẵn sàng tư thế để hành động. Phải quan sát với thiện cảm chúng nó tìm nhau như thế nào, lôi kéo nhau như thế nào, ôm nhau, hủy hoại nhau, thẩm thấu nhau, ăn thịt nhau như thế nào, để rồi tái hiện, gắn kết nhau đến tận cùng sâu thẳm, dưới một hình thức mới, khác hẳn, bất ngờ. Lúc đó, và chỉ lúc đó, người ta mới gán cho chúng một cuộc đời vĩnh cửu, người ta nói chúng có đầu óc và lý lẽ”.

Thế đấy, vật hay người đều thế cả, trong thiên nhiên. “Khi ta quan sát trong thiên nhiên để xem cái gì tự đến với ta, trước hết ta để ý rằng tất cả đều được thu hút bởi chính ta”. Đó là lời ông đại úy. Đó là lý thuyết về lực hút của cái giống nhau bởi cái giống nhau. Edouard cho ví dụ: “như nước, như dầu, như thủy ngân, mỗi thứ kết hợp với mỗi thứ thành một đồng thể của nó, một sự khăng khít chặt chẽ giữa các thành phần trong đó. Các thành phần ấy chỉ từ khước đồng thể khi bị bắt buộc hay bị hướng dẫn một cách khác. Một khi ảnh hưởng bên ngoài bị triệt tiêu, chúng tức khắc tái hợp thành một”. Hai giọt nước gặp nhau thành một, hay đó là Edouard với Odile?

Có hai chi tiết trong cuốn truyện làm nổi bật thêm lý thuyết đồng điệu lựa chọn. Chi tiết thứ nhất là đứa con của Charlotte và Edouard. Hai người này hết thu hút nhau nhưng tình cờ của một đêm mưa gió đưa đến một giọt máu. Thế nhưng, lạ lùng thay, đứa con vừa có nét của ông đại úy, vừa có nét của cô Odile! Người này trong tay người kia, A trong tay B, nhưng dù thế đi nữa, A vẫn nghĩ mình đang ân ái với C và B cùng tâm trạng ấy với D. Vắng mặt vẫn hút nhau trong tâm tưởng! Chi tiết thứ hai là cho đến chết B vẫn nằm bên cạnh D và cùng nhau chờ một ngày nào đó sẽ thức dậy BD với mặt trời.

Goethe viết tiểu thuyết để vinh danh một lý thuyết hóa học. Ông thổi linh hồn vào các hóa chất để biến chúng thành người. Zola cũng vậy: ông viết tiểu thuyết để thổi linh hồn của khoa học vào văn chương. Nhưng nếu khoa học đã gợi hứng cho văn chương như vậy, phải chăng vì trong khoa học đã có sẳn một cuốn tiểu thuyết đầy chàng và nàng? Đầy rượu và định mệnh? Đầy con người như thần thánh và đầy con người như những cơ quan sinh lý?

 

Chú thích:

Hai tài liệu chính (ngoài các tài liệu khác) được dùng để viết bài này là:

– Emile Zola: Le roman expérimental, 1880.

– Bernard Joly: “Les affinités électives” de Goethe: entre science et littérature, Methodos, Savoirs et Textes, n° 6, 2006.

Xin chép lại nguyên văn câu viết của Zola về “nhân vật của chúng tôi…”: “Notre héros, écrit Zola, n’est plus le pur esprit, l’homme abstrait du 18è siècle. Il est le sujet physiologique de notre science actuelle, un être qui est composé d’organes et qui trempe dans un milieu dont il est pénétré à chaque heure” (Journal Petite Lune, avril 1879).

Những câu trích Anatole France là lấy từ Anatole France, La Terre, La vie littéraire, Le Temps, http://fr.wikisource.org/wiki/La_Terre_%28Anatole_France%29

 

http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&News=7538&CategoryID=41


[*] Được phép trích từ kỷ yếu Hạt Higgs và Mô Hình Chuẩn, Nhóm chủ biên: Cao Chi, Chu Hảo, Pierre Darriulat, Nguyễn Xuân Xanh, Phạm Xuân Yêm. Nxb Tri Thức, Hà Nội, tháng 3, 2014.

Comments are closed.