Một ngày cho tình đầu

Truyện Hoàng Nga

Đám cưới của Thu Hiền tổ chức vào ngày Valentine. Cả bọn được thông báo trước đó một tháng như lời Thủy, chuẩn bị quần áo, nữ trang để khoe, tai để nghe bạn tra tấn, bao tử để ăn, và tinh thần để… xuống!

An chỉ xin nghỉ được thêm một ngày, mà chồng nàng, với cái cớ từ chối rất tròn trịa, không được phép, nên nàng phải đi một mình. Mấy tiếng đồng hồ đường trường lái xe làm nàng mệt ngất ngư, nhưng vừa chạm mặt bạn, là nàng đã bị bạn trêu muốn đi một mình cho thiên hạ tưởng nàng vẫn còn độc thân! An nhăn mặt. Thủy ba đía bảo nàng đã phí công vô ích vì chỉ cần đưa mắt nhìn thoáng qua một cái thôi, thiên hạ cũng dư sức đoán được đám tụi nàng thuộc dòng dõi hoàng tộc Chiêm Thành, con cháu Chế Bồng… Con! Nàng phì cười theo. Đám bạn quỷ quái, cà rỡn từ hồi còn đi học, đến lúc già đầu vẫn nguyênxi không đổi tí nào. Cả lũ vừa nhào ra xách hộ túi xách cho nàng, vừa oang oang kể đủ thứ chuyện làng nước, xã tắc sơn hà, bất chấp hàng xóm láng giềng có thể cự nự, kiện thưa. Nàng ngất ngư lẽo đẽo đi theo sau lưng Thủy. Thu Hiền lấy chồng, con chim cuối cùng trong đám lìa bầy, hai bên cha mẹ họ hàng đều không có, chỉ có đám bạn bè thân thiết đến phụ giúp và rộn ràng đình đám. Thủy khoe, buổi tối sau khi ở nhà hàng về, sẽ có mục tao đàn, văn nghệ, karaoke. An trêu lại Thủy:

– Lâu quá mới nghe mi hát, chắc chắn thế nào sau chuyến này về, ta cũng phải đi bác sĩ chuyên khoa đặt mua một cái máy trợ thính!

Thủy lầu bầu một câu trả lời. An bật cười khoái trá vì bình thường không dễ gì nàng trêu được cô bạn tinh lanh này. Thủy vung tay kể lể thêm chuyện gì đó nhưng An không để tâm nghe. Nàng vừa lúc thúc đi theo bạn, vừa ngước mắt nhìn chung quanh. Đã nhiều lần An nói với Thu Hiền, cứ mỗi lần nhìn thấy căn nhà bên vách núi này, là nàng lại bâng khuâng nhớ mảnh trời nhỏ với tiếng thông reo, nhớ những đêm nằm quắp người nghe gió trở, nhớ những mảng nắng vàng mỏng manh trên vạt cỏ sau nhà. Và chưa bao giờ An nghĩ mình nhớ Đà Lạt bằng cái nhớ thông thường của nhiều người về thành phố thơ mộng nhất nước, mà nàng như thể gắn liền, như không bứt rời mình ra được khỏi mảnh đất ấy. Nàng thường phân trần, một khúc đường ngắn, từ nhà nàng đi lên đường Yersin, vòng qua khách sạn Palace, đổ xuống chợ Hòa Bình rồi trở về bờ hồ, hay con dốc nàng vẫn thường đi học mỗi ngày, ngang qua những ngôi nhà trồng sen Nhật đỏ thắm hai bên giậu, hoặc tầm thường hơn nữa là những hình ảnh quen thuộc, vạt cỏ xanh, dăm cây dẻ, mảng tường vôi ngà ngà dưới mái ngói nâu đỏ… mà người ta có thể bắt gặp ở một nơi nào đó khác, chắc chắn chẳng thể Đà Lạt, hay đại diện cho Đà Lạt được.

Thu Hiền hay cười, bảo trí nhớ của nàng nhỏ nhoi, nhỏ nhoi đến độ không đi đâu ra khỏi quá khứ, không vượt nổi một con dốc, không chạy hết một ngọn đồi thời thơ ấu. Thu Hiền trêu nàng giống hệt một cụ già, suốt ngày cứ lẩn quẩn trong nhà tương tư quá khứ. Thật ra, chính An cũng lấy làm lạ về cái nỗi nhớ nhung kỳ quặc của mình. Bởi ngay từ ngày còn ở Việt Nam, mỗi bận về lại Đà Lạt, là nàng lại có những cảm nhận khác hẳn nhau về nơi chôn nhau cắt rốn ấy, nhưng rồi nàng vẫn cứ xốn xang. Vẫn cứ khát khao một chuyến đi, về, mỗi khi có dịp. Thủy thì trêu An, bảo chẳng phải nàng nhớ Đà Lạt, nhưng nhớ anh chàng mắt đen, tóc bồng bềnh nghệ sĩ mà nàng đã gặp trong một lần về. An phì cười. Đám bạn bè tri kỷ nghịch ngợm của nàng, khi nghe kể, dầu đứa nào cũng xuýt xoa mơ ước trên đoạn đường xa nào đó của mình, sẽ được tao ngộ một anh chàng đồng hành dễ thương như vậy, nhưng lâu lâu vẫn có đứa trong bọn quỷ quái chất vấn, hỏi câu chuyện Đà Lạt kỳ ngộ ấy có thật hay nàng đã tưởng tượng ra. Có đứa ba trợn nhận xét “Thằng cha mắt đen mà tóc nhiều như vậy, thì chắc chắn là thuộc loại… dê cụ!”, xong tự kết luận:

– Và vì… dê, nên chi chiều hôm đó con An mới nhận lời đi uống cà phê với hắn. Đến tối còn đưa nhau về dưới ánh đèn mờ ảo, sương khói mù mịt.

Thủy hay bắt chước giọng ca Duy Khánh, hát trêu “Em ơi trại đật vận tròn, chụng mình hai đựa sẹ còn gặp nhau…“, rồi xúi nàng:

– Đăng báo. Phải đăng báo An à. Phải đưa tin, tìm trẻ lạc, “Tìm kẻ đã cùng tui dự… chuyến tàu tình ái từ Sài Gòn lên Đà Lạt, dáng người cao ráo, bảnh bao, loại… rậm râu sâu mắt, hiện nay ở đâu xin thư về địa chỉ X.Y.Z...”.

Bị An nhăn nhó, đấm cho mấy phát vào vai, Thủy trợn mắt tiếp:

– Ta chấm tử vi, quẻ… mắc dịch cho biết nhà mi thế nào cũng có ngày hội ngộ được thằng cha này! Vì thế ta nghĩ mi nên ra tay sớm, chứ đừng để cho tới lúc đã lụm khụm, gối mỏi chân chồn mới tìm gặp nhau, thì hỡi ơi, lúc ấy chỉ có nước “Liếc đưa nhau mắt đi rồi/Con mắt còn có đuôi” chứ còn… làm ăn quái gì được nữa!

An lườm bạn:

– Câu chuyện gặp gỡ nên thơ của ta, mà lọt tới những cái tai phàm tục như tụi mi, thì bao nhiêu hình ảnh đẹp đẽ thanh tú bỗng biến thành… Rambo, vai u thịt bắp hết trơn!

Cả lũ cười hì hì. Và rồi lại bàn tán, lại xuýt xoa, và lại thêm mắm dặm muối, sáng tạo đủ mọi tình tiết gay cấn ly kỳ vào câu chuyện của nàng. Thủy tuyên bố nếu gặp bất cứ ai ngoài đường mà có mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ, có mắt đen sầu cổ độ như đã được nghe tả, thì sẽ nhào tới tấn công, làm vài màn phỏng vấn bỏ túi xem có phải là người ấy của An hay không. Lâu lâu nếu có dịp ra đường với nhau mà tình cờ câu chuyện xưa được nhắc đến, là có đứa lại réo An ơi An hỡi, nhớ quay đầu tìm người năm cũ.

Đôi khi vui, An đùa lại với bạn, bảo phải chi sau buổi tối hai người đi uống cà phê với nhau ấy, mà nàng có thêm chút thì giờ để anh chàng, thì chắc chắn bây giờ nỗi nhớ của nàng đã có chính nghĩa hẳn hoi rồi. Thủy cù nhầy:

– Cá không ăn muối, con cãi cha mẹ, An ơi! Ở đời này, chỉ cần một giây chậm chạp thôi, là mọi việc có thể lỡ làng, trật lất như bù loong con tán hết răng. Nên chi ta đề nghị mi phải viết gấp một cái thư lên tòa soạn…

Chỉ cần một cái tích tắc, một bước hụt, là cuộc đời đã không dành chỗ cho mình“. An nhớ anh cũng nói với nàng vào buổi tối hai người chia tay nhau ở đầu con dốc về nhà nàng một câu tương tự như thế, khi biết ra những lần về trước của hai người chỉ xê xích nhau một vài ngày, hoặc thậm chí chỉ vài giờ, chuyến xe trước, chuyến xe sau. An đã cười, đùa lại với anh, có lẽ tại hai người không có duyên. Anh cười đáp:

– Tôi không tin tôi vô duyên đến thế đâu.

Sau đó anh tiếp, vẻ tiếc nuối:

– Nhưng thôi, nếu đi không được, tôi sẽ trở lại Đà Lạt lần nữa. Sẽ vào nhà dì An, giới thiệu tôi là… thầy giáo cũ của An, muốn tìm tin tức cô học trò giỏi nhất lớp hồi ấy, để xem An ra sao.

An đã phì cười vì câu nịnh đầm và cái ý nghĩ ngộ nghĩnh của anh. Anh bảo xưng là thầy giáo, thì khả năng bị đuổi cổ ra khỏi nhà sẽ ít nhất. Và rồi anh đưa cho nàng mảnh giấy nhỏ, ghi vội vàng địa chỉ của mình, nói nàng không cần xưng là… cô giáo của anh nếu có dịp ghé lại nhà anh. Cứ thế, suốt buổi tối anh làm nàng không nhịn được cười. Cũng như chẳng chút e dè tranh cãi với anh về quan niệm sống, về những nỗi ưu tư hằng ngày trước thời cuộc, trước thế thái nhân tình, mà mãi cho đến lúc vào nhà, nằm vắt tay trên trán, nhớ lại câu chuyện hạnh ngộ hôm ấy, nàng mới khe khẽ giật mình, không hiểu tại sao mình bạo gan, bạo phổi, đã dám để bị làm quen khơi khơi, lại còn dám đi uống cà phê một cách thân mật suốt buổi tối với một người xa lạ như thế.

Người nào đó, vào cái thuở vàng thau lẫn lộn, quen nhau ở ngoài đường, là đã bị cả gia đình lẫn bạn bè đánh giá, lên án rồi, huống gì còn gặp gỡ tình cờ trên một chuyến xe đò. Chính An, lúc nghe câu làm quen bên cạnh khe khẽ vang lên, “Hình như cô mới lên đây lần đầu?”, và nhận ra có người đã quan sát mình khá kỹ và khá lâu như vậy, cũng đã cau mày quay lại, định nhăn mặt, tỏ một cử chỉ khó chịu không bằng lòng.

Tuy nhiên, như câu đùa của anh sau đó, thiên mệnh, lúc bắt gặp ánh mắt thật hiền, cùng nụ cười thân thiện, cái ý định làm mặt ngầu của nàng đã dịu xuống rất nhanh. Sau cái chớp mắt, cái liếc thoáng qua trên khuôn mặt người thanh niên trạc tuổi anh nàng, nàng đã ngập ngừng một hồi rồi hạ giọng:

– Không. Tôi đi khá nhiều lần rồi.

Người thanh niên gục gặc đầu, “À” lên nho nhỏ. Đâu đó trong mắt anh đọng lại vẻ ngạc nhiên. Như không hiểu tại sao đã quen thuộc với đường đi như vậy, mà trông nàng lại có vẻ bồn chồn, loay hoay đến độ gần như không biết chung quanh mình còn có sự hiện diện của người khác nếu anh đã không cất tiếng làm quen. Anh đâu biết, lần nào cũng vậy, chỉ cần xe chạy qua khỏi ngã ba Dầu Giây, lên nửa chừng con dốc, Dốc Mơ, là lòng nàng đã chộn rộn một cách lạ kỳ như thế cho đến lúc xe ngừng hẳn ở trạm cuối cùng. Anh càng không thể tưởng tượng, mặc dầu nàng biết chắc đoạn đường từ đó, chạy đến nơi nàng muốn đến, về tới nơi nàng muốn về, còn phải qua rất nhiều chặng, còn phải trải rất nhiều khổ ải, và mặc dầu nàng thường nhủ thầm có gì đâu mà phải hồi hộp đến thế, nhưng dường như chưa bao giờ nàng có thể lắng lòng xuống được. Chưa bao giờ cái nỗi háo hức lại không đến rộn rã, tưng bừng như vậy. An vẫn hay tự diễu mình đã run quá sớm. Bởi đáng lý, ít nhất là phải qua khỏi ngã ba Tùng Nghĩa, ít nhất là phải được nhìn thấy những cụm hoa quỳ vàng nở dọc đường, phải nghe cái lạnh chạy dọc cột xương sống, ngấm từ từ lên vai, tỏa lan dần ở hai đầu cánh mũi đến phải hắt ra vài hơi như sắp sửa nhuốm bệnh mới gọi là…

An đã đưa mắt nhìn lại người bạn đồng hành lần nữa. Đoán, có lẽ cái vẻ nhấp nhổm hết nhìn bên này rồi bên kia, như chừng không muốn bỏ sót lại một chi tiết nào trên đường, từ những hàng cao su thẳng tắp, những dãy bá tỵ đen nhánh ở hai bên mặt lộ, đến những hàng quán, những mô đất thấp cao đang lần lượt lùi về phía sau, đến cả những cột cây số, những mảng nắng đậu trên mái ngói, tàn cây vừa kịp lướt qua mắt nàng…, đã khiến anh phải để ý đến nàng. Nàng định nói với anh, tôi về thăm Đà Lạt, nhưng lúc trông thấy vẻ ngơ ngác, thắc mắc hiện lên trên khuôn mặt người thanh niên, nàng bỗng muốn phì cười. Nghĩ đến điều khác. Có lẽ anh nghĩ nàng đi buôn, đang hồi hộp không biết có vượt qua được trạm thuế dọc đường nào đó trước mặt thì đúng hơn. A ha! Nàng kêu thầm lên trong bụng, và tự dưng thấy vui ra. Nàng bật cười, trêu:

– Bao giờ xuống trở lại, gặp tôi, anh cho tôi gửi một gói cà phê hay một ký tiêu sọ cầm giúp qua trạm nhé!

Người thanh niên cười theo An, hiểu ra. Anh đùa lại:

– Thế mà tôi lại định nhờ cô như thế nếu có cơ hội gặp lại.

An đáp xui vậy sao, và trêu anh thêm vài câu. Anh cũng đáp lại một cách rất tự nhiên. Như thể hai người đã quen với nhau lâu lắm rồi. Như cái khoảng cách sơ giao hoàn toàn không có, mà An không hiểu vì giọng nói ấy ấm cúng quá, hay vì lời lẽ đối đáp rất dễ thương và có thể tin cậy được của anh. Anh nói bâng quơ:

– Thời buổi này cái gì cũng có thể xảy ra nhỉ.

Buổi trưa, xe dừng ăn cơm ở Bảo Lộc, lúc hai người ngồi nhìn ra mặt lộ, anh bất chợt hỏi An thích con đường nào nhất ở Đà Lạt, rồi anh bỗng nói với nàng, như nói với một người thân đã lâu, cách chân tình, không ngần ngại, không sợ sệt, rằng anh về lần ấy là để giã từ. Anh chép miệng cười:

– Chỉ tiếc là quen với An muộn màng quá.

An cười lại với anh, không trả lời. Anh cũng im một hồi rồi lãng qua chuyện khác, kể cho nàng nghe về những ước mơ thời mới lớn, những dự tính bất thành trong đời anh bằng một giọng thật bùi ngùi, buồn bã. Có lúc anh khiến nàng đã phải giật mình, vì những điều anh nói ra gần gũi với nàng như anh đang bộc lộ giùm nàng những suy tư giấu kín, nói hộ ra cho nàng những ý nghĩ sâu lắng trong lòng. Và lúc ở quán cà phê ra, anh chặc lưỡi, bảo nàng:

– An biết không, mãi cho đến sáng nay, tôi vẫn nghĩ, vẫn hy vọng không phải về Đà Lạt lần nữa để giã từ. Vậy mà bây giờ thì bỗng dưng tôi lại muốn đổi ý…

An đã phải cắn môi quay đi, nhìn về phía bóng tối cuối đường, thật lòng chẳng biết nên nói câu gì với anh để không sợ bị chê vội vã, nhưng chẳng làm anh ngượng ngùng. Với chỉ hơn nửa ngày quen biết, dẫu muốn hay không, nàng cũng không cho phép mình vượt quá cái ranh giới con gái, nhưng tận trong thẳm lòng mình, An cũng cảm thấy tiếc nuối, man mác buồn như anh. Anh nói với nàng:

– Không biết An có ý định gì cho tương lai không, nhưng tôi đang tưởng tượng đến một ngày nào đó sẽ được gặp lại An trên một chuyến métro, hay ở một trạm xe bus nào đó, xa lăng lắc phía bên kia… Trời ơi, lúc ấy, lúc ấy chắc có lẽ sẽ ngỡ ngàng lắm, nhưng vui, thì vui biết mấy, An nhỉ?

An quay lại nhìn anh bằng một nụ cười dịu dàng trên môi. Nụ cười cầu chúc may mắn. Như cầu chúc cho chính nàng với chút giễu cợt. Nàng không dám nói với anh, thật ra, chính nàng cũng đang về. Cũng đến nơi nàng muốn đến với mục đích giã từ như anh, dầu dường như chưa bao giờ nàng tin chuyến đi của mình sẽ thành công, trót lọt. Mãi lâu sau An mới đáp, giọng nửa thật nửa khôi hài, ờ, biết đâu… “Biết đâu cuộc đời này vẫn còn huyền thoại thì sao?”. Anh tiếp lời nàng, rồi gật gù:

– Mà thật đấy, biết đâu! Hữu duyên thiên lý mà. Nhiều ông thầy bói bảo số tôi hên, cầu được ước thấy đấy An ạ…

Những hữu duyên thiên lý, những gặp gỡ ngẫu nhiên trong đời sống, thường khi vẫn đem đến cho người ta dăm ba thứ hạnh phúc, một vài niềm vui dịu ngọt nào đó. Thỉnh thoảng nhớ về Đà Lạt, An vẫn nhớ về anh với một nụ cười đằm thắm. Nàng không thể nào tưởng tượng có ngày cái hữu duyên thiên lý ấy lại làm lao xao mạch đời vốn thầm lặng, an thân của nàng. Nên khi người đàn ông được giới thiệu với nàng có đôi con mắt ươn ướt, hàng mi đen với những sợi ở cuối đuôi dài, tạo ra tia nhìn rất ấm áp nhưng buồn bã, cộng thêm cái tên của anh, nàng đã giật mình sửng sốt, ngơ ngác đến cả giây lâu. Thu Hiền hỏi nàng: Quen không? Nàng không biết trong trường hợp ấy, quen, lạ có định nghĩa được hay chăng. Nàng làm thinh không trả lời. Chẳng có ai trả lời. Một khoảng im lặng ngắn ngủi trước hai cái gật đầu chào hỏi thường tình, nhưng cơ hồ như có một cái gì đó không thường tình cho mấy.

Đám bạn bè nàng, rúc rích đùa sau lưng nhau. Thằng cha có bàn tay mềm mại chi lạ. Cái nước da trắng trẻo sạch sẽ, hợp vệ sinh ghê! Loại thơm ngon tinh khiết bổ rẻ đó nghe. Vài ba đứa khác chen vào. Chỉ tiếc là ván đã đóng thuyền. Có đứa ngâm nga. Người đâu gặp gỡ làm chi, trăm năm… chả có duyên gì hết trơn!!!

Xôn xao mỗi đứa một câu, rộn ràng mỗi đứa một giọng cười. Tưng bừng. Như hội. Như Tết. Chỉ trừ nàng. Chỉ trừ nàng đứng yên một chỗ, hai bàn tay đan chéo trên vai, ôm tròn theo vòng cổ đã trống trơn những sợi tóc mun đen phủ quanh. Chỉ trừ nàng lặng lẽ cố giữ không cho vẻ khác thường lộ ra trên mặt, nhưng vẫn nghe hai má mình nóng rát, vùng ngực trái vẫn râm ran những nhịp thở khó chịu. Nàng không dám ngó về phía bên kia, nơi tia nhìn cứ dăm phút lại rớt về hướng nàng. Đầy dọ hỏi. Nghi vấn. Người đàn ông, tình cờ gặp gỡ trên chuyến xe đò, mười mấy, hai chục năm trước, An không hiểu cái linh tính nào đã khiến hai người còn có thể nhận ra nhau một cách dễ dàng như vậy. Như huyền thoại vẫn chưa hoàn toàn biến mất trên cõi đời này.

Khuya, thiên hạ ì xèo văn nghệ, An ngồi co người trong góc ghế bành cuối phòng, không tham gia hát hò, kể chuyện. Nhiều người quen quay lại hỏi han. Bạn bè nàng đùa bằng một câu hát, “Tôi ca không hay tôi đàn nghe cũng dở…” và xôn xao với nhau. Trời, lời nhạc thực tế y như… tâm sự của con nhỏ An! An góp một nụ cười gượng. Tay ôm tròn vòng cổ trống tóc. Đầu óc rồng rắn loanh quanh, khi tản mạn ven đồi, khi phất phơ cuối phố. Nàng nhớ câu nói. Hầu như thành phố nào ở nước mình cũng có những con đường mang tên các vua triều Nguyễn, Hàm Nghi, Duy Tân, Minh Mạng…, và ở đâu cũng mang những ý nghĩa na ná giống nhau đối với mọi người, nhưng bắt đầu từ bây giờ, riêng tôi, thì ở đây chắc chắn sẽ đặc biệt hơn, thân thiết hơn. Bàn tay An luồn vào mái tóc ngắn sau gáy nhột nhạt. Cái gió se lạnh của tháng mười Đà Lạt như vẫn thổi ngang qua đâu đây làm tung bay bờ tóc của nàng. Nàng nhớ có một người đã ngập ngừng hỏi xin nàng sợi tóc. Với một cái lý do chẳng thể gọi là lý do. Tôi muốn xem vài ba chục năm sau, sợi tóc có trổ bạc hay không…

An nuốt nước bọt. Khó khăn lắm mới giữ được tầm nhìn của mình ở mãi trong một góc tối không người. Vào giữa khoảng thời gian tàn tiệc và bắt đầu phần văn nghệ, người đàn ông đã đến đứng bên cạnh nàng. “Tôi có về Đà Lạt hai lần sau đó, trước và sau khi bị bắt, có vào nhà dì An, xin địa chỉ của An, mà không được. Có lẽ vì không ai biết tôi là ai. Cũng có lẽ vì tôi đã không biết nhiều về An. Ba bốn ngày trước khi đi hẳn, rời Đà Lạt hẳn, tôi kiếm cớ qua lại ngôi nhà ấy nhiều lần, mong được nhìn thấy An, gặp An, để từ giã vài lời, nhưng dĩ nhiên đã không có ai. Tôi chép số nhà của dì An vào sổ tay, sang đến đấy là tôi gửi thư về ngay. Một lần. Hai lần. Nhiều lần. Rồi chờ mãi, mà chẳng có hồi âm”.

Giữa những câu nói ấy là vài ba thinh lặng ngắn. Buồn. Cái buồn như loãng tan, hòa vào từng hạt không khí, tỏa ra chung quanh, khiến An có cảm tưởng mình đang đi lạc vào một cõi nào đó khác, lạ hoắc lạ huơ. Một cõi, không có quá khứ, không hiện tại, cũng chẳng tương lai. Thỉnh thoảng bên tai nàng, vang lên những thanh âm mềm mỏng, ấm cúng. “Chuyện, nghe qua, thấy như không có thật vậy, phải không An? Bởi vì chỉ mới gặp An lần ấy, đâu có biết rõ An như thế nào, là ai, vậy mà An biết không, tôi cứ xôn xao đi tìm An nhiều năm liền, cứ giật mình khi nghe ai đó trùng tên An, cứ thấy người nào gốc gác Đà Lạt, hay dính dáng gì đến thành phố ấy, là cũng tìm gặp để hỏi thăm xem có ai biết An, hoặc gia đình An ngày xưa và hiện nay ở đâu hay không…”.

An cong người ngồi sâu vào lòng ghế. Trong trí cứ hiện lên một nhịp sống tầm tầm mỏi mệt, hoàn toàn chẳng chút sôi động, chẳng chút sinh khí thường ngày, cùng một khuôn mặt người chưa bao giờ biết hài lòng với đời sống chính mình, chưa bao giờ biết thiết tha trân trọng sự có mặt của kẻ đã song hành cùng mình trong nhiều năm dài… Và dẫu An tự nhủ lòng, có chắc gì cuộc đời mình đã vui hơn, ngọt ngào hơn khi sánh vai với một người khác, nhưng rồi nàng vẫn xa xót nghĩ tới những li ti gai nhọn, những dằn xóc đau đớn mà nàng đã trải. Nỗi chua chát, cay đắng lướt thướt kéo tới như một cơn giông vần vũ trong lòng nàng. An cố giữ tiếng thở dài. Cái bứt rứt, khó chịu mười mấy, hai chục năm vẫn chưa chịu trôi qua. Nàng thấy rõ mình, một buổi sáng thức dậy nằm im trong chăn, co người, quặp lại như một con tôm, nôn nả, rồi chần chừ không biết có nên đi ra ngoài, đổ con dốc, xuống chợ, ra bến xe nói một vài lời chúc lành, đưa cái địa chỉ, và dặn dò dăm ba điều. Nhớ giữ liên lạc. Nhớ viết thư…

Tiếng nhạc ngưng lại bao giờ An không hay. Nàng tình cờ ngước lên vừa đúng ngay lúc phía bên kia òa vỡ ra một giọng kể mềm mướt. “Mỗi năm ở Mèo Vạc, Mường Khương, có một ngày chợ phiên giành cho những cặp tình nhân cũ gặp gỡ nhau, để ôn lại mối tình đầu dang dở, và để được sống đúng nghĩa trọn một ngày cho nhau, mà không hề bị điều tiếng, mà người vợ hoặc chồng của họ không được quyền ghen tuông…”.

Cả phòng không ai bảo ai mà cùng bật kêu lên những tiếng lớn, trời ơi, người Mèo, người Mường biết sống hơn người Kinh! Suy nghĩ lãng mạn hơn cả người tây phương! Cánh đàn ông lao nhao lên với các bà, em ơi, ngày mai là tới phiên chợ của anh rồi đó nghe. Cùng lúc, nhiều người quay đầu hỏi đùa nhau không biết người ta đã làm gì trong ngày ấy và mình sẽ làm gì trong ngày của mình.

An ngồi im. Thật im. Như không hề biết cử động. Như không hề hay cái ánh mắt, sau câu chuyện kể đã hướng về phía nàng. Nhanh. Ướt. Lấp loáng những hò hẹn ân cần. Người An run lên nhiều nhịp. Giọng Thu Hiền lao xao với mọi người:

– Sang năm, dầu ở đây chẳng có phiên chợ nào, chẳng có mối tình đầu nào dang dở, nhưng mọi người nên gặp lại nhau để kỷ niệm ngày thành hôn của vợ chồng tụi này nhé!

An gập mắt ngó xuống ly nước được nàng ôm lấy bằng cả đôi bàn tay của mình. Đám đông cứ tiếp tục nói cười chung quanh nàng. Mà nàng thì cứ muốn ứa nước mắt. Muốn bật òa lên khóc như một đứa con nít. Hơn bao giờ hết, cái ý nghĩ muốn tung hê cả đất trời để được sống một ngày cho chính mình, muốn mở bừng mắt, ngước mặt thật cao và ưỡn ngực thách đố cuộc đời để dành lại cho mình chút thanh xuân tươi trẻ mà chừng như nàng đã không được hưởng từ lâu, bỗng đến với nàng một cách mãnh liệt.

Trời ơi, An kêu thầm một mình. Nàng có cảm tưởng như nàng có thể nổi loạn, có thể thay đổi những uể oải nhàm chán trong đời sống mình chỉ trong vòng vài ba giây, dăm ba cái chớp mắt là xong hết. Tựa thể cốc nước nàng đang cầm trên tay, chỉ cần hắt xuống sàn nhà một cái, là sẽ rỗng trơn, sẽ chẳng có giọt nào vướng đọng lại trên thành…

Tuy nhiên chỉ chừng một giây sau đó, là nàng lại thôi, lại xa xót thở dài. Nàng biết chắc dẫu có nhiều can đảm cách mấy đi chăng nữa, cùng lắm là cũng chỉ đến tám giờ sáng mai, khi mọi người chia tay nhau, là nàng sẽ trở lại với chính mình, với những chán ngán hằng ngày, với những lưỡng lự, không dứt khoát quen thuộc của mình.

An đặt ly nước lên bàn, níu hai tay vào với nhau, mường tượng đến những lần sẽ trở lại thăm Thu Hiền. Sẽ gặp gỡ nhiều người nữa, ở đây.

Nhưng nàng biết chắc, cái ngày hò hẹn chợ phiên sẽ luôn luôn xa lăng lắc, ở Mèo Vạc, Mường Khương hay ở một chân trời nào đó, hoàn toàn chẳng bao giờ thuộc về nàng…

Comments are closed.