Muôn thuở người ơi

Truyện Thái Sinh

Câu chuyện hư hư thật thật về một vùng quê heo hút hoang sơ, vậy mà con người nơi ấy vẫn không thể thoát khỏi những thói hư việc ác tưởng chỉ thấy nơi bọn thị dân hung hãn. Người càng ở tầng nấc thấp lại càng phải chịu đựng nhiều hơn. Phải chăng vì vậy mà cái người già cũ kỹ lẫn cẫn sống gần cả trăm năm kia không thể tìm ra chỗ ẩn náu trong ngôi nhà của con cháu, phải chạy trốn vào thiên nhiên hoang dã. Nhưng thiên nhiên độ lượng cũng chẳng thể chở che cho bà, vì chính thiên nhiên cũng đang bị xâm lấn, tàn hại…

Muôn thuở người ơi của Thái Sinh tưởng nhẹ nhàng mà lại rất “gào thét” về một sự mất mát lớn của Con Người…

VĂN VIỆT

Gần tháng nay, dân bản Khoang thường nghe thấy tiếng tru rất lạ từ phía núi Pá Linh vọng tới vào lúc chặp tối và nửa đêm. Tiếng tru ấy không giống tiếng tru của chó sói, nghe từa tựa như tiếng chim Mãnh Ma, nhưng ghê rợn và thảm thiết lắm. Tiếng tru bắt đầu gióng nhịp đôi “hú…à”, rồi kéo dài một hồi “hú …à”, nghe sằng sặc như bị ai bóp cổ. Lũ trẻ con co rúm người lại, đám đàn bà con gái thì tất bật cài then đóng cửa, cánh đàn ông lắc đầu thở dài, còn những người già thì chắp tay vào ngực, miệng lầm bầm câu gì không rõ.

Người dân bản Khoang đồn cụ Nhân già quá nên hóa thành tinh, bởi tiếng tru xuất hiện trùng với hôm cụ Nhân đi thả trâu không trở về. Đêm ấy và mấy ngày sau, dân bản Khoang đi tìm dọc bờ suối Bon, nơi thường ngày cụ vẫn dong trâu ra thả, người ta nghĩ cụ có thể lỡ chân rơi xuống suối bị dòng nước cuốn đi, nhưng nào có thấy đến cả dấu vết nơi cụ rơi xuống. Con bé Sim bạn thả trâu của cụ kể lại rằng: Buổi chiều hôm ấy khi nó dong trâu trở về thì cụ vẫn ngồi trên tảng đá, đôi mắt mờ đục ngước nhìn lên đỉnh núi Pá Linh còn rớt lại một vạt nắng chiều tím nhạt. Đi được một đoạn khá xa nó mới thấy cụ chống gối đứng lên, cụ không đi vào con đường trở về bản mà ngược lên núi Pá Linh. Nó hoảng hốt quay lại sợ cụ lạc lối, nhưng không kịp, bóng cụ đã khuất lấp sau dải mây trắng vừa sà xuống chân núi rồi tan biến vào cái màu xanh thẫm của núi rừng. Nó chạy khắp chân núi hú tìm gọi cụ, núi chỉ đáp lại nó tiếng vọng não nề. Không còn cách nào khác, nó đành lê đôi chân mỏi rã rời trở về nhà. Đêm ấy nó đứng tựa cửa nhìn đăm đăm về phía núi Pá Linh, chợt nó kêu lên khi nghe thấy tiếng tru từ phía núi Pá Linh vọng tới.

– Mẹ ơi, tiếng hú của cụ Nhân đấy…

– Sao? Mẹ nó rùng mình đặt vội thúng gạo xuống đất – Con nói gì thế, tiếng cụ Nhân nào? Đó là tiếng con Mãnh Ma đấy chứ?

– Không! Sim lắc đầu – Chiều nay cụ Nhân không về. Cụ bỏ lên núi Pá Linh rồi…

Cả bản Khoang đổ đi tìm cụ, người ta không thể tin cụ có đủ sức để vượt lên núi Pá Linh, chẳng qua đó là tiếng kêu của chim Mãnh Ma hay loài thú nào đó. Nhưng khi  không tìm thấy cụ Nhân, người ta mới ngờ ngợ: hay cụ hóa thành tinh? Bản Khoang không ai biết tuổi cụ, tám mươi hay một trăm? Họ chẳng biết quê quán cụ ở đâu, bởi họ đều là dân tứ chiếng, người là thợ gặt đấu, kẻ vỡ nợ, người không một tấc đất cắm dùi sống lang bạt kỳ hồ… trôi dạt tứ phương, về đây tụ lại thành bản từ mấy chục năm nay. Người ta cũng chẳng biết cụ Nhân đến đây hồi nào, cụ sống với vợ chồng người cháu trai ở cuối bản, dường như chẳng ai để tâm đến cụ, cụ sống trong sự lãng quên của mọi người.

Con bé Sim có một dị tật, bên tai trái nó mọc thêm một nhánh nữa, bọn trẻ gọi nó là “con ba tai”. Nó xấu xí, chân lại đi vòng kiềng nên bị bọn trẻ xa lánh. Nó thui thủi một mình, ngày ngày dắt trâu ra bờ suối Bon thả, cụ Nhân cũng thường dắt trâu ra đó, hai người trở thành đôi bạn chăn trâu. Họ tha thủi bên nhau dưới bóng núi Pá Linh, khi mặt trời tắt lịm sau đỉnh núi xa mờ, cụ Nhân lọm khọm cắp vào nách một đon cỏ theo đàn trâu trở về. Một bận con bé hỏi cụ:

– Cụ ơi, năm nay cụ bao nhiêu tuổi rồi?

Ngẩn người giây lát, cụ mới xòe đôi bàn tay ra:

– Già không nhớ năm nay già bao nhiêu tuổi, chín mươi hay một trăm, nhưng già thấy mình có mặt ở trên đời này lâu lắm rồi con ạ.

Cụ cười lục khục trong cổ rồi nhia đôi lợi nhợt nhạt không còn một cái răng cho Sim nhìn, miệng cụ choãng ra như miệng nghé nhây nhớt cốt nước trầu.

– Con ạ, già lại mọc răng đấy. Người ta bảo người già mà mọc răng là sắp thành tinh, sẽ ăn hết của cải của con cháu…

Cụ Nhân cúi xuống gõ chiếc gậy vào tảng đá thô nhám, một lát sau cụ ngẩng lên, đôi giọt nước mắt trong veo chảy ra từ hai hố mắt sâu hoắm, giọng cụ rời rạc và cay đắng.

– Già muốn chết lắm rồi, lũ cháu chắt cũng không muốn già sống nữa. Ồ, mà tại sao cái chết chưa đến với già hả con?

– Cụ chết thì ai chơi với cháu? Mẹ cháu bảo chết là được lên Thiên đàng, là thành Tiên. Cháu muốn cụ thành Tiên bây giờ cơ. Nếu thành Tiên cụ cho cháu ba điều ước nhé.

– Cháu sẽ ước gì?

Ngẫm ngợi một lát nó ngước nhìn cụ, nét mặt đăm chiêu.

-Cháu ví thử như thế này nhé, điều thứ nhất cháu muốn mọi người không ai khinh ghét cháu nữa, tất cả đều sống tốt với nhau. Điều thứ hai cháu ước nhà cháu có nhiều thóc để không phải ăn ngô ăn sắn, điều cuối cùng, cháu ước tất cả những người già không chết mà hóa thành Tiên, tặng cho trẻ con những điều ước như là bóng bay, kẹo chẳng hạn…

– Ôi con ơi, già chẳng muốn mình thành Tiên, già chỉ muốn mình chết thôi, chết cho đỡ khổ con ạ…

Vừa kéo vạt áo lên thấm những giọt nước mắt, cụ Nhân vừa liêu xiêu bước đi, dáng cụ gầy đét như một cành củi khô. Đi được một đoạn cụ lại phải dừng lại chuyển bó củi sang bên tay kia, bờ vai cụ rung lên từng hồi.

Bữa cơm tối cụ không ăn cơm, ngồi một mình trên chiếc giường ọp ẹp kê ở chái nhà, nơi lũ trẻ che qua quýt mấy tấm phên để làm kho chứa mấy cái thúng mủng, vài tải sắn lát khô cùng những bộ quần áo rách… Đêm đêm lũ chuột trèo qua người cụ, chúng chui vào tận trong chăn gặm các ngón chân ngón tay cụ, cụ lầm bầm chửi:

– Tao đã chết đâu mà chúng mày đến gặm chân tao hả lũ chuột khốn kiếp kia?

Cụ là người phụ nữ không biết sinh nở, thời trẻ cụ lấy hai đời chồng nhưng họ đều lần lượt bỏ cụ. Ôi, tạo hóa thật độc ác! Cụ chỉ cầu mong trời cho cụ đẻ được một đứa thôi, dẫu nó đui mù, què quặt thì cũng là con. Tạo hóa bắt cụ tuyệt sinh, cụ phải nuôi một đứa con nuôi, nó cũng chẳng biết sinh nở và nhặt một đứa trẻ con ngoài chợ về làm con. Bây giờ cụ ở với đứa cháu nuôi, nó sinh được năm đứa, lũ chắt của cụ cũng đã lớn vổng lên cả rồi. Thằng Tuy lấy vợ năm kia, đang tại ngũ. Tuy ăn riêng nhưng chưa ra nhà, vợ chồng nó ở gian buồng bên trái. Sợ va chạm, nó bịt cái cửa thông ra gian ngoài, mở cửa phía sau đầu hồi, gian buồng trở thành thế giới riêng của vợ chồng nó. Hai đứa con gái, cái Hoa, cái Thảo đang tuổi dậy thì, đứa nào cũng phổng phao, trước kia chúng ngủ chung với cụ, bây giờ chúng nằm riêng ở cái giường bên cạnh cửa sổ quay ra đường. Thằng Thao bỏ ngũ rủ thằng Quí đi buôn, mỗi tuần chúng lên biên giới một lần, nó bảo: “Đời chả là cái đinh gì, lý tưởng mà không có tiền là vứt. Khối ông tướng, ông tá cả đời xông pha trận mạc theo đuổi cái lý tưởng cao siêu, các ông dè bĩu bọn làm thuê, bán nước. Cuối cùng khi về hưu các ông lại đi làm thuê. Đời phải có tiền, tiền mua được tất cả – Nó vứt tờ giấy ra trước mặt đám bạn bè – Quyết định hoàn thành nghĩa vụ quân sự đấy. Có được quyết định này cũng là nhờ có “cụ” dẫn đường…”.

Thằng Thao và thằng Quí nằm ở cái giường bên này, còn giường của cụ kê cạnh lối vào buồng của mẹ chúng, nơi bà ấy suốt ngày ở trong đó. Vốn là người đàn bà có máu ghen, bà ấy đã nổi tam bành, xé tan quần áo nhân tình của bố nó. Không thể để vợ làm nhục nhân tình trước mặt mình, bố chúng đã dạy cho mẹ chúng phải sống thế nào để làm sang cho chồng con. Mẹ chúng bị bố đánh què cả đôi chân, chỉ tới bữa mới lê ra khỏi buồng. Vốn chẳng ưa gì đứa cháu dâu, bởi trước đây cụ với nó có vài lần va chạm, nó rủa cụ là đồ ăn hại, loại người bất nhân nên trời bắt tuyệt sinh, đồ đàn bà cô độc chết không nhắm  mắt… Mỗi lần nghĩ tới những lời rủa ấy, nỗi uất nghẹn lại trào lên cổ cụ. Trời không trừng phạt nó, vậy mà giờ nó như con rùa suốt ngày thui thủi trong bóng tối. Dẫu chẳng khỏe mạnh gì, nhưng ngày ngày cụ còn đi được từ nhà ra đồng, còn nhìn thấy mặt trời mọc, mặt trời lặn. Còn nó, cũng tại bởi cái tính ghen tuông, lăng loàn. Cứ mặc mẹ cái thằng khốn kiếp nó đi với ai thì đi. Bọn đàn ông chúng nó đều là những con dê già cả thôi, họ đã gieo mầm tội ác lên bọn đàn bà chúng ta, chúng ta chửa đẻ, phải tự nuôi con, còn họ sau lúc ấy họ rũ quần đứng lên, thế là hết trách nhiệm. Giận con mẹ chúng nó lắm, nhưng thỉnh thoảng cụ vẫn vào buồng kể cho nó nghe những chuyện của làng nước, như cưới xin, ma chay… Nó tỏ ra hối hận xin cụ hãy tha lỗi cho nó và xin cụ vào nằm ngủ với nó cho đỡ buồn. Cụ không muốn, vì thằng Hiên thỉnh thoảng vẫn về.

Hai đứa con gái dường như ngại với đám bạn trai, mỗi lần chúng đến nhà thấy cụ ngồi co ro trên giường, chúng nói như thể trách móc:

– À cụ mình đấy, cụ mình hơn một trăm tuổi rồi. Đến khổ, già đâm lẫn cẫn và nom bệ rạc quá.

Một hôm thằng Quí va phải giường cụ, nó kêu toáng lên.

-Giường của cụ Khốt đặt ở đây chướng lắm, mai làm cho cụ cái buồng ở chái nhà, ở đấy chả ai động chạm gì cả, tha hồ rộng…

Kể từ hôm cụ vào nằm ở đây, lũ cháu chắt dường như cũng quên luôn cụ. Có bữa cụ nhớ thì ra ăn, bữa nào quên thì thôi, lũ trẻ chả đứa nào gọi cụ. Một bận không hiểu vì sao cụ đánh đổ canh ra mâm, cái Hoa gắt luôn.

– Mắt cụ để đâu, thật xấu hổ, ăn uống xì xoạp như ma đói ma khát, nước mũi nước dãi chảy nhây nhớt nom đến kinh. May mà nhà mình ít khách, nếu cứ như nhà ông Đại thì thật đẹp mặt con cháu…

Thằng Quí chống đũa xuống mâm, tuyên bố dõng dạc.

– Kể từ mai bà Thảo dọn cho cụ và mẹ một mâm ở dưới bếp…

Cái Thảo đặt vội bát cơm đang ăn dở xuống mâm ngơ ngác nhìn thằng Quí như chưa hiểu điều nó vừa nói. Nhà này chỉ cái Thảo là thương cụ nhất, vào mùa đông, hôm nào nó cũng dậy sớm nấu nước nóng cho cụ và mẹ rửa mặt, còn mùa hè nó kéo nước cho cụ tắm. Mỗi lần cụ ốm, nó lại cuống cuồng chạy nháo nhào tìm thuốc cho cụ. Hồi tháng giêng năm nay tưởng đâu cụ chết, nó khóc um lên, níu lấy tay cụ.

– Cụ ơi, cụ có thương cháu không? Nếu thương cháu cụ đừng bỏ cháu đi nhé…

– Cụ sẽ phù hộ cho con…

Nó lắc đầu, môi mím lại, nước mắt chảy giàn giụa trên đôi gò má. Cụ thương nó lắm, cái con bé sao mà nhút nhát đến thế, là chị thằng Quí nhưng nó sợ thằng Quí nhất. Hai đứa đẻ cách nhau một năm, hai năm nay thằng Quí lớn vượt lên, tính lại hung hãn nên con bé đành chịu nhịn. Cái ác không phải do trời sinh, mà lây lan từ người này sang người khác, thằng Quí học được cái ác của chính bố nó, nó lừ mắt nên con Thảo không dám nói năng gì nữa.

Cụ Nhân cảm thấy tủi thân lắm, cụ chẳng thiết ăn, có ngày ăn một bữa, có ngày nhịn, cụ dửng dưng nhìn lũ trẻ ăn uống, chúng chan húp xì xoạp, lườm nguýt ganh nhau từng miếng. Điều ấy chẳng khiến cụ buồn, bởi từ lâu cụ vẫn mong có một lũ cháu chắt đông như thế này.

Cụ thường kể cho lũ trẻ nghe những chuyện ngày xưa, ông của chúng mày hay sài đẹn lắm, phải ăn mày cửa chùa, cửa Phật, năm mười hai tuổi suýt nữa thì chết đuối ở ao làng. Sống ở quê không đủ ăn hai mẹ con phải bồng bế nhau tha phương cầu thực mãi rồi mới trôi dạt về đây. Còn bố Hiên của chúng mày tao nhặt được ở góc chợ Hiên đấy, lúc đem về tao ngỡ chẳng thể nuôi được, trời tháng chạp mà chỉ quấn độc mỗi cái áo rách, tay chân lạnh cóng, hàm đã cứng lại rồi. Tao hô hét ông mày.

– Đốt lửa lên, sao lại đứng đực ra thế kia!

– Con ai thế hả mẹ?

– Nó là con hoang, có lẽ thế. Người ta vứt nó đi, tao nhặt về cho vợ chồng mày đấy. Nào đốt lửa nhanh lên các con…

Tao vừa hơ vừa xoa bóp cho người bố mày nóng lên, một lát sau thì bố mày cựa quậy, ọ ẹ như một con sâu. Tao nhớ như in bố mày lúc ấy, đôi mắt nhỏ tý lóng lánh, đôi môi hệt hai cánh hoa cúc dại cứ nhóp nhép đòi ăn. Tao đưa bố mày cho bà nội chúng mày.

– Đón lấy con chó con này mà nuôi, trông nó kháu khỉnh và dài rộng như vậy mà người ta nỡ vứt bỏ đi. Chao ôi, sao có người độc ác và nhẫn đến thế?

Cụ Nhân lặng đi, đôi mắt mờ đục ngước nhìn lên mái nhà như thể nhớ lại cái quá khứ xa xăm đầy những đắng cay tủi hờn. Cụ thở dài.

– Thằng Tuy đẻ ở Láng, thằng Thao đẻ ở Bùng hôm máy bay Mỹ ném bom chợ Thượng, còn cái Hoa, cái Thảo, thằng Quí thì đẻ ở đây. Con mụ Nghệ cắt rốn cho cái Thảo, còn thằng Quí thì chính tay tao cắt rốn cho nó bằng cái cật nứa mà mẹ mày đẻ rơi ở trên rừng…

– Thôi cụ Khốt – Thằng Quí xua tay – Chuyện ấy bọn tôi biết cả rồi, nghe cụ kể cả ngàn lần, lúc nào cũng chuyện ngày xưa. Thời nay người ta tư duy hiện đại, sống hiện đại chứ chẳng cũ kỹ như các cụ Khốt đâu.

Bị chặn họng, cụ Nhân đang hứng khởi, gương mặt già nua bỗng xịu lại như chiếc bánh đa nhúng nước.

– Phải, tôi là người xưa mà…

Thằng Quí bập bập điếu thuốc lá, đôi môi thâm xì dẩu ra nhả một làn khói đặc quánh trùm lấy cái gương mặt non choẹt nhưng lỳ lợm, từng trải. Nó đã bỏ hẳn học theo thằng Thao và lũ bạn đi làm ăn. Nó khuân về bao nhiêu thứ, nào đài, nào xe…, tuy là út nhưng giọng của nó vừa kẻ cả vừa xấc xược. Bố nó họa hoằn lắm mới đảo qua nhà, mặc thây bọn trẻ với người vợ tàn tật. Hai năm nay sau ngày đi cải tạo về, hắn ở hẳn với con nhân tình trên thị xã. Thằng Quí hầm hừ trong cổ.

– Các cụ Khốt đến lạ, cứ hay tham dự vào những chuyện thời nay, lúc nào cũng nhăm nhe dạy khôn con cháu. Ngày xưa ấy à? Toàn những chuyện ngày xưa quần lĩnh yếm sồi, mang mốt thời xưa để dè bĩu thời nay. Chao ôi, nếu cứ bắt con cháu sống y như các cụ thì thật loạn, nếu không nói là mất trí…

Lũ trẻ cười rộ lên, chúng nheo mắt nhìn cụ với sự tò mò thích thú như nhìn biếm họa con người ở thế kỷ trước. Cái Hoa cười ngúng nguẩy.

– Các anh chưa biết chứ, cụ tôi một thời đẹp nghiêng nước nghiêng thành với nón thúng quai thao để bao cụ ông đưa đón.

Thằng Hùng người yêu của cái Hoa thò tay bẹo vào má nó một cái, cười nhăn nhở.

– Cụ ơi, ngày xưa các cụ yêu nhau, chắc các cụ chẳng hôn và ôm eo nhau như bây giờ phải không?

– Ờ, ờ…

Cụ Nhân cũng cười, miệng cụ méo xệch như mếu và nước mắt chảy giàn giụa trên đôi gò má nhăn nheo. Lũ trẻ xô nhau đứng dậy, chúng dẹp bàn ghế vào một góc, bật đài vang lên một điệu nhạc nhảy.

– Chúng cháu xin phép cụ, thời nay chúng cháu yêu nhau là phải nhảy – Vẫn cái giọng chớt nhả của thằng Hùng – Nào bắt đầu đi các cậu, chúng ta sẽ làm cho cụ nhớ lại mối tình trong bóng tối của mình thuở trăm năm trước…

Cụ Nhân loạng choạng bước ra khỏi căn nhà tưởng như sắp bung ra bởi tiếng nhạc và những bước chân hỗn loạn. Con bé Sim đi tới, nó dúi vào tay cụ củ khoai còn nóng hôi hổi, đôi mắt thơ ngây của nó ngước nhìn cụ.

– Nhà cháu hôm nay dỡ khoai, toàn khoai nghệ, ngọt lắm. Cụ ăn đi…

Cụ Nhân lắc đầu, mặc dù tối nay cụ chưa ăn gì. Con bé Sim dường như biết được hôm nào cụ ăn và hôm nào cụ nhịn, nên nó để phần cho cụ khi củ khoai khi quả chuối. Nhà nó nghèo, đói quanh năm, những hôm đi thả trâu nó thường mót sắn ở các đám nương cũ nướng ăn. Trông nó gầy còm, cóm róm như bà cụ, nó sợ sệt lảng tránh đám trẻ cùng trang lứa, bọn trẻ gọi nó là con ba tai, mụ phù thủy. Ôi, miệng người đời sao độc ác thế? Cụ với con bé như người thừa trên cõi đời này, càng bị hắt hủi thì nó càng gắn bó với cụ hơn. Cụ ấn trả củ khoai vào tay nó.

– Già ăn rồi, già chẳng đói đâu con ạ.

– Khoai mới ngọt lắm cụ ơi- Con bé nhét củ khoai vào túi áo cụ – Cứ để đây khi nào đói thì cụ ăn.

Cụ Nhân lững thững trở về, căn nhà cụ vài tháng nay là nơi tụ bạ của lũ trẻ, chúng nói chuyện đánh quả, đảo chính, áp phe, những cây, những chỉ…, cụ nghe mà chẳng hiểu nổi. Cái bản Khoang của đám dân tứ chiếng hơn hai chục năm nay tưởng như bị lãng quên nhưng mấy năm nay bỗng phình to ra, người ở đâu kéo đến, họ chiếm đất phá rừng, núi Pá Linh không ai được đụng đến bởi đó là núi cấm. Suốt đêm ngày bản Khoang náo loạn, ồn ĩ bởi tiếng nhạc và bao chuyện làm ăn động trời. Người lớn nói với nhau sẵng hơn, đám trẻ thì ăn mặc lòe loẹt, nói năng bỗ bã, chúng đi lại nghênh ngang, trai gái bá vai khoác cổ nhau cả giữa ban ngày. Thời cụ, người ta cho đó là chuyện phàm tục, kẻ chửa hoang thì bị cạo trọc đầu bôi vôi dong đi khắp làng xã để bêu riếu. Còn bây giờ, trai gái ôm hôn nhau trước mặt cha mẹ là chuyện thường. Thật lạ lùng.

Lũ trẻ chợt thấy cụ Nhân trở về, chúng xúm lại công kênh cụ lên vai, chợt một đứa kêu lên.

– Trời, cụ Khốt giấu khoai ở trong túi.

Cái Hoa thọc tay vào túi áo cụ lôi ra củ khoai đã nát bét, mặt nghiêm nghị.

– Cụ đói hay sao mà phải giấu khoai để ăn. Thảo nào lũ chuột cắn hết cả chăn màn…

– Cái Sim vừa đưa cho già – Cụ nói như phân bua.

– Thôi, thôi –  Thằng Hùng xua tay – Người già thường hay lẫn cẫn, ăn rồi bảo chưa ăn, họ ăn tham lắm. Cho qua, tất cả cho qua.

Nó lột chiếc khăn cụ Nhân đang đội để lộ cái đầu nhăn nhúm chỉ còn lơ thơ vài sợi tóc gầy guộc bạc trắng như cước, rồi chụp lên đầu cụ bộ tóc giả màu bạch kim, hét lên nồng nặc mùi rượu.

– Hãy tạo cho cụ một gương mặt mới. Hoa ơi, cho tao mượn hộp son phấn.

– Buông tao ra, bọn trời đánh, chúng mày sắp động rồ rồi đấy! Cụ Nhân giãy giụa, nhưng làm sao cụ thoát được những cánh tay lực lưỡng. Chúng bôi cho cụ một cái mũi đỏ chót, rồi dùng nhọ nồi khoen hai nốt đen to gần bằng cái trôn chén lên đôi gò má. Chưa xong, chúng còn khuyên quanh mắt cụ đôi vòng trắng, lúc này trông cụ ngộ nghĩnh như mặt hề.

– Hượm nào, trời ơi cụ đừng giãy lên như thế. Đẹp chưa, đấy! Trông cụ lúc này xinh đẹp như cô dâu thế kỷ hai mốt chứ đâu phải bà già cổ lổ sỉ…

Chúng nắm tay cụ nhảy như điên và cười sặc sụa. Mỗi lần cụ rũ xuống chúng lại xốc nách cụ lên, cụ chửi rủa rồi van lạy chúng mà chúng chẳng tha. Bố chúng, cái thằng cháu khốn nạn cụ nhặt được ở góc chợ Hiên, hắn vừa đi đâu về nhìn thấy cụ như thế cứ ôm bụng mà cười, cười như xổ cả ruột ra. Trời ơi, cụ chết mất, các khớp xương như sắp long ra hết cả rồi. Cụ khóc như một đứa trẻ, tiếng khóc của cụ chìm trong tiếng cười điên dại.

– Tha cho cụ. Ôi bọn trời đánh …

Có kẻ nào đó hét lên như thế chúng mới buông cụ ra, cụ sụp xuống như một cái cây bị đốn gốc. Ai đưa cụ vào trong chái nhà cụ không biết nữa. Lần ấy cụ ốm liệt giường hơn một tháng trời. Bây giờ thấy bọn trẻ tụ tập mở nhạc là cụ bỏ nhà đi lang thang hay ngồi vạ vật ở đâu đó cho đến khi chúng kéo nhau đi đâu hết cụ mới trở về. Một hôm cụ thấy bụng cái Hoa nổi phồng lên và lũ trẻ không đến nhà cụ nhảy nhót nữa, cụ lờ mờ đoán biết cái gì đã đến với đứa chắt của cụ sau những lần nhảy kia. Cụ hỏi nó nhân một hôm nó ngồi vơ vẩn sưởi nắng bên hè.

– Hoa à, sao dạo này thằng Hùng ít đến nhà ta thế?

– Nó trốn về xuôi rồi – Con bé thở dài cay đắng – Bố mẹ nó chê con già cụ ạ…

– Bây giờ thì thế nào?

– Con không biết nữa…

Hoa cúi xuống lồng hai bàn tay vào nhau ghì chặt lấy cái bụng chật căng qua lần vải, chợt nó gục đầu vào ngực cụ khóc nức nở. Cụ xoa xoa bàn tay khô gầy lên lưng nó.

– Ngày xưa người ta coi đây là chuyện tày đình, họ sẽ nhục mạ con. Còn bây giờ…, cứ đẻ mà nuôi con ạ.

Cái Hoa lặng đi một lúc lâu mới ngẩng lên, giọng đầy nước mắt.

– Nhưng mà bên ấy họ không muốn con có con trước khi cưới. Anh ấy lánh đi đến ngày ấy thì về…

Cụ Nhân thở dài nhìn đăm đắm vào quãng đời rất xa, giọng cụ trở nên não nề.

– Ngày xưa cụ ao ước…

– Thôi, con xin cụ đừng nhắc chuyện ngày xưa nữa – Con bé đứng dậy nét mặt khó đăm đăm, giọng gay gắt – Tôi chán chuyện ngày xưa và cả chuyện ngày nay rồi. Ôi khốn nạn! Cuộc đời đầy khốn nạn!

Cho đến một đêm cụ Nhân tỉnh giấc, nhìn thấy phía trong chái nhà loe hoe một ngọn đèn. Trong ánh sáng mờ đục cụ nhìn thấy một bóng người lặng im như pho tượng đang nhìn một cái gì đó dưới đất, những tiếng rên khe khẽ từ đâu đó phát ra. Thấy lạ lùng, cụ nhỏm người dậy lần bước tới góc chái nhà, chợt cụ sững lại. Trước mắt cụ là cái Hoa ngồi rũ xuống, bên đứa trẻ mới sinh đặt nằm tô hô trên tấm ni lông giá ngắt. Một đoạn ruột lòng vòng dưới rốn vắt qua cái bụng trắng như ếch của nó. Đứa trẻ ngắc ngắc cái đầu, miệng phát ra những tiếng kêu eo éo như tiếng mèo hen. Cụ Nhân kêu lên, giọng thảng thốt.

– Hãy cắt rốn cho nó. Trời! Cứ để thế nó sẽ chết mất.

Cái bóng đen gạt cụ sang bên, giọng lạnh lùng:

– Không phải cắt! Cứ để thế nó sẽ đi nhanh hơn.

– Cha mẹ ơi!

Cụ Nhân lảo đảo, hai tay chới với bám vào vách nhà mà các ngón tay cứ chuội đi, đôi chân bủn rủn như có kẻ nào đó vừa giáng vào gáy cụ một nhát búa.

Sau cái đêm khủng khiếp ấy cụ Nhân càng trở nên bơ phờ, ngày ngày cụ dắt trâu đi mà lòng buồn rười rượi. Cụ muốn chết lắm mà không chết nổi, trời bắt tội cụ phải sống để nhìn thấy con người đang trừng phạt lẫn nhau. Một sớm ngủ dậy cụ thấy bận bận ở hàm dưới, cụ đưa ngón tay lần rờ, có một cái gì nhọn sắc cứa vào tay cụ. Cụ nhia miệng cho lũ trẻ xem, chúng thét lên kinh ngạc.

– Trời, cụ lại mọc răng!

Thằng Quí khịt khịt mũi giọng khinh bạc.

– Cụ sắp thành tinh rồi hay sao mà lại mọc răng nữa? Vậy cụ còn lâu mới chết.

Buổi tối lũ chắt cụm lại bàn chuyện phân công nhau sau này ai nuôi bố mẹ chúng và cụ. Không đứa nào chịu nhận nuôi cụ, cuối cùng chúng phải gắp thăm, thằng Quí giãy nãy khi nhặt được phiếu ghi tên cụ. Khẽ đập tay xuống bàn, bố chúng đứng lên, đôi mắt lừ lừ nhìn lũ trẻ một lượt.

– Nếu gọi đây là nghĩa vụ, thì không đứa nào được trốn nghĩa vụ….

– Thôi đi! Thằng Quí cắt ngang lời bố, giọng xít qua hai hàm răng – Ông không còn đủ đức tin để rao giảng đạo đức cho chúng tôi nữa. Tôi muốn phá tan cái nhà này đi rồi, toàn bọn ma quỉ. Tôi hỏi ai đã lấy của tôi chiếc đồng hồ KD để trong tủ kia?

Mắt thằng Quí long lên sòng sọc, nó đấm tay xuống mặt bàn làm cốc chén nẩy tung lên. Cụ Nhân vội bịt lấy mắt.

– Trời ơi, xin đừng bắt tội tôi nữa. Hãy cho tôi về cõi niết bàn. Đừng bắt tôi phải sống với lũ người này, chúng quá đông đúc nên chúng độc ác với nhau…

Cụ gục xuống đống chăn khóc nức nở và hôm sau cụ đi thả trâu mà không trở về…

Lão Khột là tay súng săn giỏi nhất ở các bản nằm quanh núi Pá Linh. Một hôm lão ngồi rình lũ khỉ trong lõng Hua Đán, con đường lũ khỉ thường đi kiếm ăn trở về. Chiều ấy lũ khỉ như ngửi thấy hơi người, chúng vòng qua khe Pùa để về hang. Lão chờ mãi thấy sốt ruột mà mặt trời thì sắp lặn, lão bỏ chỗ nấp đi xuống đón lõng, vừa đi được vài bước chân, chợt lão sững lại. Từ chỗ ngoặt sau tảng đá một con vượn nhô ra, tay nó cầm một củ sắn đi ngược lại phía lão. Nó khựng lại, giương đôi mắt tròn xoe nhìn lão. Không chậm trễ lão Khột nâng khẩu súng lên, con vượn rùng mình toàn thân co rúm, củ sắn tuột rơi xuống đất, nó đưa đôi bàn tay lông lá gầy guộc lên bịt lấy mắt.

– Á…!

Con vượn rú lên một tiếng kinh hãi khi khẩu súng trên tay lão Khột rung lên, tảng đá sau lưng con vượn bung ra một mảnh, khói bốc mù mịt. Lão Khột biết lão đã bắn trượt. Rất nhanh lão lắp tiếp viên đạn thứ hai, người lão run lên, lần đầu tiên lão gặp một con mồi to và vừa tầm bắn như thế này. Lão bóp cò, con vươn lại rú lên, nó hơi nhô người về phía trước rồi lập tức thu mình lại, hình như cái khoảng cách giữa nó và lão quá gần, lại quá sợ hãi, nó không đủ sức tháo chạy. Lại trượt. Lão Khột lắp tiếp viên đạn thứ ba, viên đạn cuối cùng, lão quì xuống thận trọng rê mũi súng ngắm trúng vào cái ức trăng trắng của nó. Con vượn lại đưa tay lên bịt mắt. Đầu khẩu súng tóe lửa, lão nhận thấy con vật nhảy dựng lên, hai tay ôm lấy ngực rồi từ từ gục xuống.

– Trúng rồi!

Lão lẩm bẩm hất cái bao đạn làm bằng da thú ra phía sau lưng, chậm rãi bước tới chỗ con vật, lật ngửa con vật ra để xem viên đạn bắn trúng vào đâu. Con vượn ật đầu ra phía sau mồm há hốc nhia ra hai vòng lợi không còn một cái răng, mặt nó nhăn nhúm như một bà lão, trên đầu chỉ còn lưa thưa vài sợi tóc bạc trắng. Lão rùng mình, chợt lão nhớ tới câu chuyện người bản Khoang đồn cụ Nhân thành tinh. Tay chân lão bủn rủn, khẩu súng tuột khỏi tay lão, trời đất quanh lão như tối sầm lại, lão nghe đâu đó có nhiều tiếng rú rít, cây trên rừng chuyển động ào ào, toàn thân lão sụp xuống như bị trọng thương. Chợt lão vùng đứng lên quay đầu chạy, nhưng đôi chân lão cứ ríu vào nhau. Ngã, lão đứng dậy chạy, lại ngã. Cuối cùng lão đi bằng cả hai tay và hai chân.

Nửa đêm hôm ấy lão mới bò về được tới nhà, vừa tới cửa lão rú lên một tiếng kinh hãi rồi ngất đi. Người ta phải khiêng lão vào nhà, họ không hiểu lão bị làm sao, cùi tay và hai đầu gối đều bị xây sát, máu chảy loe loét. Hỏi, lão không nói mà chỉ ú ớ, đôi mắt thì bạc trắng đầy vẻ khiếp sợ. Ba hôm sau lão Khột mới tỉnh, lão kể cho mọi người nghe lão đã bắn chết con vật có gương mặt giống người. Ngay hôm đó thanh niên trong bản hò nhau lên núi Pá Linh, mọi người ngạc nhiên khi tới nơi không thấy con vật lão Khột bắn chết, một vũng máu đã thâm lại còn in trên tảng đá, khẩu súng bị đập vỡ nát vứt bên cạnh củ sắn mà con vật gặm nham nhở. Sau hôm ấy bản Khoang không còn nghe thấy tiếng tru buồn thảm thiết từ núi Pá Linh vọng tới.

Bẵng đi chừng hai năm tức là đầu mùa mưa vừa qua, những người đi lõng bè tình cờ nhặt được cái sọ đã vỡ mất hai mảnh, có lẽ do trôi suối bị va đập vào đá dạt vào bãi cát, nên trông chẳng còn ra hình thù gì nữa. Có người cho rằng đấy là sọ của con khỉ già bị trôi suối, nhưng có người lại quả quyết đó là sọ người, vì xương hàm của người không nhô ra như xương hàm của khỉ và họ ngờ đây là xương sọ cụ Nhân. Có lẽ cụ tự tử ở vực nào đó, suối Bon có biết bao nhiêu là vực… Những người đi lõng bè vội vàng đào một cái hố cạnh bờ suối, chôn cái sọ ấy xuống và đắp lên thành một ngôi mộ.

Sau dịp đó ít lâu, những người thăm dò địa chất lại tìm thấy một bộ xương đã mủn nát trong hang núi Pá Linh, họ cũng không rõ đó là xương người hay xương vượn. Mọi người đồn rằng đó là xương cụ Nhân.

Con bé Sim lại khóc một lần nữa.

Comments are closed.