Ngày N+… (kỳ 6)

Hồi ký của Hoàng Khởi Phong

Ngày N + 13, 12 giờ trưa

Tôi và Trung úy Kiệm gặp nhau riêng trong văn phòng của Kiệm, bây giờ tôi đang ở nhờ làm gì còn văn phòng. Tôi nói với Kiệm:

– Tôi có chuyện tối quan trọng muốn bàn với ông.

– Bộ mình rút ngay bây giờ hở Đại úy?

– Không phải, nhưng có liên quan đến chuyện rút lui.

– Đại úy chạy từ Pleiku rồi về tới đây. Thấy cái gì phải làm, Đại úy cứ ra lệnh.

– Bây giờ cậu cho tôi một chiếc Jeep tuần tiễu quanh Ty ngân khố, nếu cần thì cho một người túc trực ở đó.

– Bộ mình định làm một cú đặng có tiền chạy hay sao?

– Cậu điên rồi, nội cái ý đó không cũng đủ mười năm tù, còn thực hiện nó thì phải bắn. Nhưng ý cậu cũng không sai ý mấy sếp bự là mấy. Người ta sẽ ẵm bạc trước rồi mới dọt. Mình cho người túc trực ở đó, hễ các sếp bự đến đây là sắp dọt đó. Tôi cho một xe Jeep đi bên cạnh Đại tá Tiểu khu trưởng, ngoại trừ việc để củng cố uy quyền, cũng có vụ này luôn. Bây giờ mình phải có hai tần số để liên lạc. Một tần số chung với tần số của Tiểu khu. Nhưng khi nào phải báo động cho đơn vị thì dặn các toán tuần tiễu vào máy xin đổi sang tần số làm việc riêng của mình. Thế là đủ hiểu.

– Đại úy đã nói vậy thì cứ như thế mà làm.

– Bây giờ cậu dặn riêng cái toán tuần tiễu ở kho bạc cho tôi, còn toán đi với Đại tá Tỉnh trưởng tôi đã dặn họ rất kỹ rồi. Tuyệt đối kín và tuyệt đối tỉnh táo. Tình hình ở bến tàu ra sao?

– Nản lòng lắm đại ca, quân dụng đi cũng lắm và điếm dọt theo cũng nhiều. Em nào cũng nói là vợ con quân nhân.

– Lính của mình có đủ để làm việc ở ngoài đó không?

– Dư nữa là khác Đại úy.

– Chiều nay tập họp binh sĩ, cậu thay mặt tôi phổ biến một nội lệnh thông báo cho mọi người biết kể từ giờ phút này mỗi người trong lúc hành sự, thi hành công tác, v.v. phải mang đủ hai bộ quần áo, lương khô và súng đạn đầy đủ. Tất cả những thứ này để ngay trên xe tuần tiễu. Cậu họp với mấy sĩ quan bên đại đội chuyên trách, phân phối trước xe cộ cho từng toán, từng tiểu đội, chớ có làm ồn lên. Về phương tiện, tôi có ba GMC, hai xe Dodge cùng năm xe Jeep. Nhập quân số hai đơn vị lại, cộng chung số xe cộ và phân phối cho hợp lý. Bây giờ tôi về lại Phú Tài. Xế chiều tôi sẽ ra.

*

Ngày N + 13, 2 giờ 30 chiều

Mãi hai ngày nay, bây giờ mới có chút thì giờ để thở. Tôi nói Phúc lái xe tạt qua nhà. Căn nhà vô chủ nào cũng lạnh lẽo, cũng vô duyên. Phúc làm như quen thuộc căn nhà hơn tôi. Hắn lôi ra đủ thứ để ăn được, để gói mang đi được, những thứ ăn tại chỗ, những thứ ăn dọc đường, gã thấy tôi nhìn chăm chú, gã nói:

– Những thứ này chị Hải làm sẵn, dặn em lo cho anh, chị với Bác lo cho anh quá trời. Chị dặn em đủ thứ việc nào là anh không thích ăn cá, anh thích ăn phở, không thích mì, thích hủ tíu bò viên có gân, sách, v.v.

Tôi bâng khuâng, không biết giờ này vợ con tôi đang làm gì? Còn ở Nha Trang hay đã vô được Sài Gòn ? Sáng nay liên lạc với Đại úy Vũ đồn Quân cảnh Nha Trang, song không dược gặp. Tôi liên lạc với Võ Ý cũng không được, chỉ gặp Trung tá Trang của Sư đoàn 2 Không quân, ông cũng không hứa hẹn được điều gì. Ông chỉ nói là sẽ cố để giúp vợ con tôi một chỗ ngồi trong phi cơ quân sự.

– Hôm qua em hỏi thằng Quang nó đi với mẹ hay ở với bố. Nó nói với em nó muốn ở với bố. Thằng nhỏ trông giống anh như hai giọt nước. Con Hằng cũng giống anh, nhưng có vẻ giống chị Hải nhiều hơn. Nếu không có giặc giã chắc anh chị hạnh phúc lắm.

– Chú làm gì vậy?

– Em nấu bậy bạ nồi cơm, có thức ăn sẵn anh em mình làm một bụng. Nói dại, có chết bất đắc kỳ tử thì mình cũng no, không có làm ma đói khổ lắm.

Tôi bỏ lên lầu. Căn nhà bốn tầng này là kết quả buôn tần, bán tảo của một đời bà mẹ vợ tôi. Ông già có vợ hai ở trên Pleiku, một tay bà cụ gây dựng cho các con. Tôi nhìn quanh các phòng. Trên bức tường phòng chính của lầu hai, có hình vợ chồng tôi hôm đám cưới, hình hai đứa nhỏ. Đây chắc là phòng bà cụ dành cho vợ tôi. Tôi lên lầu ba, một căn phòng để thờ Phật Tổ, có hình bà cụ ngoại của vợ tôi, mới mất được hai năm, có hình cô em vợ tôi mới chết vì đau màng óc được mấy tháng. Tôi leo tuốt lên sân thượng.

Từ trên vị trí cao này nhìn được bao quát cả thành phố Quy Nhơn. Biển vẫn trong và xanh, nhưng cái chợ ồn ào náo nhiệt khi trước chỉ có vài người lèo tèo qua lại. Tôi đã thấy những thành phố chết: Pleiku, Phú Bổn và bây giờ là Quy Nhơn, mỗi nơi chết một cách khác. Pleiku, nơi có cả trăm ngàn quân, hàng trăm đơn vị lớn nhỏ, chết như mãnh hổ trúng ngọn lao chí tử, nó lồng lên, sải bốn vó trên đường chạy trốn. Phú Bổn lại giống như một con nai trúng đạn, nằm thở dốc chờ chết. Nhưng Quy Nhơn thì khác hẳn, nó cũng là mãnh thú, chưa bị trúng lao, chưa bị trúng tên, nhưng đang bị dồn tới đường cùng. Hẻm núi ở trước mặt lại bị chặn, nó đang co cái thân thể khôi vĩ lại. Nó biết được những gì sắp đến nên trông rõ sự đau đớn tuyệt vọng nơi mỗi con đường, mỗi ngõ hẻm, mỗi căn nhà, và mỗi người dân. Tôi thèm được nghe tiếng ngựa hí, voi lồng, quân reo, trống thúc. Nhưng tôi chỉ nghe dược tiếng chân rón rén của Phúc lên gọi tôi xuống ăn cơm.

Ngày N + 13, 3 giờ chiều

Đích thân tôi lái xe tới nhà Nguyễn Mộng Giác. Nhà đóng im ỉm, gọi cửa mãi không thấy ai trả lời. À thì ra tên thầy giáo trông có vẻ lù đù hiền hòa này không chậm chạp như tôi nghĩ, lại thêm một Từ Thứ nữa thoát thân. Tôi lái xe tới nhà Lữ Quỳnh, gã còn ở trong trại chưa về, gặp vợ Lữ Quỳnh mới biết Giác đổi về Sài Gòn khá lâu, thế mà hồi nãy tôi nghĩ sai về Giác, dẫu sao cũng được, còn ai là bạn tôi ở thành phố này, tôi đều muốn họ có cánh mà bay cho hết.

*

Ngày N + 13,3 giờ 30 chiều

Phúc vừa lái xe lọt vào trong cổng trại tôi đã thấy ông bác sĩ Huấn đứng thơ thẩn nơi hành lang. Tôi giận điên người lên. Cái ông này chậm hiểu thế mà lại đậu được bác sĩ. Tôi đã dặn kỹ ông ta là không vội ra ngoài này. Có ai phạt vạ gì đâu mà ra sớm thế. Tôi cố giữ giọng hòa nhã hỏi:

– Sao ra sớm thế ông Đốc? Có lo được thuốc men cho đầy đủ không?

Huấn cười, cái cười không ai có thể giận được, anh nói nhỏ nhẹ:

– Thưa Đại úy, không. Ở trong đó cũng như ngoài này, chẳng có ai làm việc, tôi có chờ thêm vài ngày nữa cũng thế thôi. Nha Trang cũng thế, Quy Nhơn cũng vậy. Tôi muốn ra ngoài này với đơn vị.

Tôi nhìn thật sâu vào mắt Huấn, tôi thấy rõ là Huấn hiểu những ý ngầm của tôi. Có thể anh muốn ra đây chia sẻ với mọi người, anh như có mặc cảm phạm tội nếu ở lại Nha Trang, đây không phải là phạm kỷ luật của quân đội, bởi lẽ anh đọc rõ

ý tôi là ở lại trong đó. Anh muốn ra ngoài này, đó là tình đồng đội, tình Người, và cũng có thể đó là lương tâm của một y sĩ trẻ. Đột nhiên tôi nhớ lại lời vợ tôi nói hôm nào:

– Người ta chết nhiều quá. Lại chết toàn người tốt bụng không à!

Tôi vỗ vai Huấn hỏi thân ái:

– Ông Đốc ăn gì chưa? Chú Phúc ơi, làm cái gì ăn đi, có chết cũng thành con ma no. Bảo mấy ông ở Nha Trang mới về lại ăn luôn một thể. Ăn xong là bọn mình dọt, ăn xong là giã biệt Phú Tài.

*

Ngày N + 13, 4 giờ chiều

Chuông điện thoại reo vang, tôi cũng không buồn nhấc,

Phúc cầm lấy ống nghe, gã nói:

– Anh ở bên ban Truyền tin gọi anh xuống, có một ông Thiếu tá nào ở Cục An ninh Quân đội Sài Gòn muốn nói chuyện trực tiếp với anh trên máy siêu tần số.

Tôi đứng dậy ra ngoài. Thì ra bố mẹ tôi ở Sài Gòn quá nóng ruột, đã nhờ một ông chú họ liên lạc với tôi. Tôi nhờ chú thưa với bố mẹ tôi là vợ con tôi đã vào Nha Trang, ở nhà đừng lo cho tôi lắm.

Bây giờ tôi mới nhớ mẹ tôi. Dường như trong đời tôi hiếm khi nào tôi nhớ tới mẹ. Tôi nhớ bà cụ lo cho tôi từng lọ chà bông khi tôi học ở Thủ Đức. Hồi đó khi nói chuyện quân trường tập diễn binh cho cả nhà nghe, bọn sinh viên sĩ quan chúng tôi hay đếm bò, gà, cá, heo thay vì đếm một hai ba bốn. Bà cụ hỏi tại sao lại đếm bò, gà, cá, heo. Tôi giải thích đó là thực đơn của trường cứ một bữa ăn bò, một bữa gà, một bữa cá, một bữa heo. Bà cụ biết tôi không ăn cá, nên tuần sau về phép tôi có một hũ chà bông, khi thì giò kho khô. Tôi nhớ tới bố tôi, tôi nhớ tới bài thơ làm riêng cho ông cụ:

… Chúng con đem xương máu đắp đường,

Nâng gót chân cha trở về nhàn hạ…

Đường về chắc chắn lại không có trong đời bố tôi. Đường đi cho đời tôi rồi lại cũng không có nốt. Không biết đời các con tôi sẽ ra sao?

Tôi ngồi thừ ra ở trong phòng truyền tin, tiếng rè rè của cái loa khuếch âm của hệ thống siêu tần số đều đều liên tục, Phúc tiến vào nói:

– Anh về ăn cơm, bác sĩ Huấn và mọi người đang đợi anh.

*

Ngày N + 13, 5 giờ chiều

Thế là chúng tôi bỏ lại đơn vị, chúng tôi đi trong lặng lẽ, ông sĩ quan Tiếp liệu trước khi đi còn khóa cổng đơn vị bằng ba cái khóa tổ chảng. Doanh trại này tôi mới ở có ba ngày. Thế mà tôi nhớ từng pháo đài, từng vọng gác, từng cái bóng đèn hàng rào phòng thủ. Nói chi tới sân cờ, tới phòng hội, câu lạc bộ. Phải chi tôi đổi về đây vài tháng trước, có một ít ngày thần tiên với vợ con. Phải chi… ước chi… Nếu mà…

*

Ngày N + 13, 5 giờ 30 chiều

Xe rẽ vào đồn Quân cảnh Quy Nhơn, tôi đã thấy lố nhố một đám thanh niên quân phục lẫn thường phục. Tôi hơi ngạc nhiên vì sự hiện diện của đám người này, thì Trung úy Kiệm đến chào và nói:

– Kết quả mấy cái thông cáo của Đại úy đó. Anh Ba giỏi thật, làm những việc ít người làm, văn chương cũng hay nữa.

Tự nhiên bụng tôi quặn lại. Sao mà nhiều oái oăm thế này, muốn ông Huấn ở Nha Trang thì ông lù lù vác xác ra, viết hai cái thông cáo phần chính để dân chúng bớt dao động, hoảng hốt, lại vồ được vài chục ông đi trình diện. Miền Nam đâu cần vài chục người, cần trăm ngàn người nữa kìa. Thật ra cũng không cần thêm người, chỉ cần những người chỉ huy, quyết tâm đánh. Quang Trung Hoàng đế đâu có nhiều quân. Tôi nói với Kiệm:

– Không phải vì văn chương đâu, vì họ sợ bị bắt đó. Chưa bao giờ Quy Nhơn lại được tuần tiễu kinh hoàng như vậy, họ trình diện là vì sợ đó thôi. Ngày mai ông cho đọc một cái thông cáo kêu gọi dân giữ trật tự thôi. Tôi không muốn đọc cái thông cáo số hai nữa. Nướng thêm một số người cũng chẳng ích gì. Ông vẫn cho người thường trực ở Kho bạc phải không?

– Dạ, ngoài ra tôi có tăng cường thêm nhân viên của trại giam để lập tuyến trì binh phía Bắc thành phố. Tôi không muốn đưa nhân viên đi quá xa. Tôi chỉ tăng cường thêm nửa tiểu đội nhân viên ở Trạm kiểm soát phía Bắc.

– Vậy đủ rồi. Từ giờ trở đi, đào binh trình diện thì giữ lại chuyển qua phòng 1, còn thanh niên tình nguyện thì kiếm cớ cho họ về nhà.

– Đại úy, tôi nghe tin đồn là mình sẽ nhường cho Mặt trận Giải phóng từ vĩ tuyến 14 ra, nghĩa là cỡ từ Nha Trang ra. Đại úy nghĩ coi có lý không?

– Tôi cũng muốn tin như thế lắm. Nhưng giả thử nếu ông có thể đớp được cả tô phở trong lúc đói mờ người, ông có sẻ cho thằng khác nửa tô không?

– Không, nhưng chuyện này đâu có giống tô phở, Đại úy.

– Nó vậy đó, chúng ta chỉ là dăm cọng giá trong tô phở đó mà thôi.

*

Ngày N + 13, 8 giờ tối

Vài sĩ quan bên Quân cảnh Tư pháp lại thăm, họ hỏi tôi về dự tính thế nào trong những ngày sắp tới. Phần lớn họ cùng khóa với Trung úy Kiệm, đôi người là học viên của tôi ở trường Quân cảnh. Cũng như Kiệm, họ có được thông báo một bản về vị trí của tôi: Cái chức vụ “Chỉ huy trưởng Quân cảnh khu chiến miền bắc” nghe vừa giễu, vừa nhà quê. Họ nửa như muốn nhập chung chạy với tụi tôi khi rút lui, nửa họ lại muốn độc lập. Họ dò ý kiến, tôi thì sẵn sàng nếu họ ngỏ ý, nhưng tôi không muốn tự mình gánh thêm một chút trách nhiệm bâng quơ. Tôi có cả ngàn mối lo. Họ thì chỉ muốn biết lúc nào tôi dọt, để dọt theo, nhưng không muốn đi cùng đoàn. Do đó hai bên nói chuyện nhạt nhẽo, gượng gạo. Kiệm nói với tôi:

– Mặt trận Bồng Sơn chắc sẽ vỡ không chịu nổi. Hôm nay ở Trạm kiểm soát mạn Bắc dân chạy về lũ lượt anh Ba à.

– Tôi không sợ Việt cộng tấn công, tôi chỉ lo đêm nay nó tung một tiểu đoàn án ngữ quốc lộ 1 chỗ đồi núi hiểm trở như đèo Đại Lãnh là bọn mình như cá ở trong rọ rồi.

– Ngày mai mình dọt đi anh Ba.

– Tôi cam đoan với cậu mình sẽ dọt ngay khi nào những sếp lớn dọt. Tôi không muốn dọt. Tôi muốn đứng lại chiến đấu như những người LÍNH.

– Anh Ba à, lính của mình người ta gọi trại đi quân cảnh là quân kiểng đó, mình là lính kiểng mà nhập cả hai đơn vị lại chưa được hai trăm mống. Đánh chác cái gì anh Ba?

– Từ hôm ra ngoài này tới giờ, tôi chưa bao giờ có ý định đánh nhau, tử thủ gì cả, bởi tôi biết rõ phẩm chất đơn vị mình, biết rõ những người lính của mình. Cái mà tôi toan tính phần lớn là chuyện rút lui, nhưng không thể bỏ chạy nhục nhã như thế. Hễ còn những người chiến đấu phía trước mặt, thì tôi còn ở lại đây. Chẳng để làm gì cả. Nhưng phải ở lại cho tới khi không thể ở lại.

– Thôi kệ mẹ mọi chuyện, anh Ba cho mời mấy ông kẹ của anh Ba lại nhậu vài ly chơi.

– Ông đã cho di tản vợ con binh sĩ của ông chưa? Tôi nản cái cảnh lúc hữu sự vợ bìu con díu lắm.

– Tụi tôi đâu có xe GMC như anh Ba. Nhưng mà tụi nó cũng cho vợ con về nhiều lắm rồi. Những người nào ở lại phần lớn là người địa phương.

– Tôi báo trước cho ông biết, lúc phải đi là sẽ đi liền trong năm phút, mười phút không có chờ đợi bất cứ ai.

– Được rồi anh Ba. Kệ mẹ nó, đi nhậu anh Ba.

*

Ngày N + 13, 11 giờ đêm

Tôi nói với Phúc:

– Chú lái xe cho anh đi xem toán tuần tiễu làm ăn ra

sao.

Phúc và tôi chưa kịp leo lên xe thì đằng sau đã có tiếng

người:

– Anh Ba cho tôi đi với.

Tôi quay lại, bác sĩ Huấn ngượng ngập khi gọi tôi là anh Ba, nhưng tôi đọc trong mắt anh, tất cả những gì quý mến. Có hai sĩ quan trẻ nữa cũng nói theo:

– Anh Ba cho tụi em đi với. Ở đồn này muốn điên lên. Tôi nói với Phúc:

– Thôi chú để anh lái, chẳng lẽ bắt ông Đốc ngồi đằng sau. Mày có buồn ngủ ở nhà mà ngủ, anh đi với ba ông kẹ này được rồi.

– Không em muốn đi, để em vào mang cây súng “Đại Cồ Việt” theo, hễ có thằng Việt cộng mả mẹ nào, em quạt cho nó về với Bác Hồ luôn.

Thành phố không một bóng người, những con chó nhớ chủ lang thang trong các ngõ hẻm, tụ tập nơi những đống rác.

Những con chuột chạy nhởn nhơ trong bóng tối. Quy Nhơn như một con mãnh thú, đã lọt lưới thợ săn, nhưng chưa bị một cái lao, một mũi tên nào. Nó vùng vẫy trong cái lưới cứ mỗi lúc mỗi thu hẹp. Bây giờ nó đang thở dốc. Nó đang thở dồn dập chờ người ta xỏ một cái đòn luồn dưới bụng nó, trói bốn chân lại, thế là xong.

Tôi bắt gặp toán tuần tiễu đang chạy vòng khu chợ, thấy xe tôi, họ ngừng lại. Tôi nói với Thiếu úy trưởng toán tuần tiễu cứ tiếp tục, tôi cho xe chạy vào hàng thứ hai, bản thông cáo số 1 tôi viết đại thay lời ông Tỉnh trưởng kêu gọi dân chúng giữ trật tự được đọc vang lên trong bóng đêm. Tôi ra dấu cho ngừng lại, tôi bảo người sĩ quan trưởng toán:

– Thôi ông đừng đọc nữa. Nghe nản bỏ mẹ, ông không thấy là người ta đã giữ trật tự rồi đó sao, có ai di chuyển nữa đâu mà ông cứ đọc hoài. Phải biết lúc nào cần làm gì thì làm chứ cứ như cái máy ấy.

Xe tiếp tục chạy trong thành phố như đi trên mây. Tôi quay lại hỏi hai người ngồi sau:

– Mấy ông có vợ con gì chưa?

– Chưa anh Ba. Tụi em còn là con bà phước.

– Thế là tốt rồi. Vợ con lúc nào có chả được. Còn trẻ mà, tàn cơn chinh chiến rồi tha hồ mà vợ con.

– Còn ông Đốc gởi bà ấy ở đâu?

– Nhà tôi có bà cô ruột ở Nha Trang. Tôi biết Anh Ba có ý muốn tôi ở lại Nha Trang, nhưng thú thật với anh Ba, tôi thấy ở trong đó nản quá. Giá chạy được vào Sài Gòn ngay thì tôi đưa vợ tôi về Sài Gòn rồi mới mò ra, nhưng mà đâu có phương tiện để đi. Vợ tôi nó cũng đòi ra lại ngoài này. Sáng nay nó đi chợ mua cả đống đồ ăn cho tôi. Nó biếu Đại úy chục nem với một cây giò, nãy giờ tôi đâu có dịp đưa cho anh Ba.

– Thôi ông cứ giữ lấy, bà xã tôi mua cả đống đồ ăn để trong tủ lạnh ở nhà. Thằng ma gà Phúc này cứ vài tiếng lại về nhà vồ ra ăn. Nó sợ làm ma đói lắm.

– Trung úy Kiệm có đưa một cô nào đó vô trong đồn Quân cảnh đó anh.

Phúc góp vào.

– Kệ ông ấy, mình ở nhờ nhà người ta mà.

– Còn hai ông kẹ ngồi sau, có ông nào cần dẫn cô nào chạy không? Nếu là người tử tế, người yêu của các ông thì tôi chấp nhận được. Còn bán ba hay là cà chớn thì đừng có mang theo, xui cả đám đó.

– Không có đâu anh Ba.

– Về nhà nhậu đi anh, bác sĩ Huấn nói bà ấy gởi biếu anh nem thì về cho rồi. Thành phố gì mà như nghĩa địa ấy.

– Mày chỉ sợ là ma đói thôi. OK. Về nhậu.

*

Ngày N + 14, 9 giờ sáng

Trung úy Kiệm lái xe đưa tôi đi quan sát bến tàu. Quân dụng, cơ giới xếp hàng chờ xuống tàu dài cả cây số. Tôi nói với Kiệm:

– Anh check lại máy truyền tin của họ hộ tôi. Tôi không muốn còn sót lại dù chỉ là một người lính.

– Đừng lo anh Ba, máy truyền tin ở đây có hư cũng còn có điện thoại. Chỉ sợ ở trạm kiểm soát phía Bắc thôi.

– Tôi nghĩ đến chuyện này rồi. Khi phải rút thì toán tuần tiễu đương phiên vòng lên Trạm kiểm soát Bắc bốc hết nhân viên ở đó. Toán ở bến tàu thì đã có xe cơ hữu, trạm kiểm soát mặt Nam thì đương nhiên đoàn xe của mình sẽ ngang qua đó.

– Anh Ba mà không về thì tụi tôi không biết đường nào mà mò.

– Ông nói vậy thì biết vậy, chứ ông đâu có vừa gì. Đã cho vợ con về trước, phút chót nảy ra một cô bồ ở trong đồn. Có mình ông tôi nghĩ ông dám vồ ty Ngân khố lắm.

– Anh Ba nói vậy tội nghiệp. Vồ ty Ngân khố để mà bị xử bắn à.

– Thôi về đi ông.

*

Ngày N + 14, 12 giờ trưa

Đang ăn cơm ở đồn Quân cảnh Quy Nhơn với Kiệm, Huấn, v.v. bỗng tôi nghe cái loa của máy truyền tin vang lên rõ mồn một:

“Phú Quốc gọi Đống Đa Hồng Hà.”

Phú Quốc là danh hiệu tôi đặt cho toán hộ tống của Đại tá Tiểu khu trưởng. Hồng Hà là danh hiệu của tôi. Tôi nuốt vội miếng cơm vừa và, bước tới bục điều hành chỗ để máy.

“Phú Quốc gọi Hồng Hà trả lời.”

“Hồng Hà nghe đây.”

“Phú Quốc đang vào tần số liên lạc stop. Hồng Hà trả lời.”

Năm phút trôi qua, tôi chuyển sang tần số riêng, giọng Thượng sĩ Điệp một nhân viên cũ của tôi ở Pleiku, nhanh nhẹn, tháo vát, một hảo thủ bóng chuyền của cả Quân đoàn 2 được tôi cử đi trưởng toán này. Qua tần số mới giọng Điệp vang lên:

“Phú Quốc gọi Hồng Hà. Trả lời.”

“Không cần phải ngụy thoại nữa. Cứ nói thẳng rõ. Hồng Hà tôi nghe đây.”

“Trình anh Ba, mặt trời lên con chim, có cả sao hai nữa. Mọi khi đi tôi đều được chỉ thị, kỳ này không.”

“Anh đang ở đâu?”

“Cách anh Ba bốn sải phía trước mặt.”

Vậy là họ ở cách đây bốn mươi cây số về phương Bắc. Vậy là họ đang ở Bộ Tư lệnh Tiền phương Sư đoàn 22, “có sao hai” nữa tức là có cả Thiếu tướng Tư lệnh Sư đoàn 22. Như vậy là Bồng Sơn vỡ rồi, không biết họ có lập phòng tuyến mới ở phía sau không? Nếu lập phòng tuyến mới ở Phù Cát thì Quy Nhơn còn đứng vững được hai, ba ngày nữa. Nếu không, Quy Nhơn sẽ vỡ ngay chiều nay. Tôi nói với Điệp:

– Anh cứ zu-lu đi, tôi cho người lên thế.

– Tôi nghe Hồng Hà năm.

Rời máy truyền tin, tôi quay vào bàn ăn nói với Kiệm và Trung úy Đại đội trưởng của tôi:

– Rồi, không có gì cuống quýt cả. Người nào đội nấy, Kiệm cho gọi người của mình ở bến tàu về, chỉ thị toán tuần tiễu đương phiên cứ đi tuần như thường lệ, tiến lên phía Bắc đón toán kiểm soát trì binh của mình rồi tiếp tục đi tuần trong thị xã. Khi nào có lệnh sẽ không quay về đồn. Hẹn gặp họ ở trạm kiểm soát phía Nam rồi từ đó mình đi luôn. Tôi còn chờ báo cáo của toán tuần tiễu ngoài ty Ngân khố. Còn ông cho tập họp 27 tù binh lại.

Tôi muốn nói chuyện với họ. Tôi nghe một giọng nói bâng quơ ở ngoài vọng vào:

– Bắn mẹ nó hết đi anh Ba.

*

Ngày N + 14, 12 giờ 30 trưa

Đây là lần đầu tiên và có lẽ là lần cuối cùng tôi nói chuyện trực tiếp với tù binh. Họ có vẻ lo sợ trong đáy mắt. Dĩ nhiên họ cũng đánh hơi được cái gì bao quanh họ. Họ sợ tôi bạo hành, ngược đãi họ. Không một ai già cả trong đám này. Họ đều là tù binh Bắc Việt xâm nhập. Tôi từ tốn nói với họ:

– Tôi là Chỉ huy trưởng mới của các anh. Thiếu tá Đèo Ngọc Thanh đã đổi đi đơn vị khác. Ở đây ai có cấp bậc cao nhất?

Thái độ cố hữu của tù binh Cộng sản là không bao giờ trả lời.

– Tôi nắm hồ sơ của các anh trong tay. Tôi biết ai là người có cấp bậc cao nhất. Nhưng tôi muốn xem thái độ cộng tác của các anh mà thôi. Cốt cách của các anh tôi biết rất rõ. Hiện tình hình chiến sự bất lợi cho chúng tôi. Tôi được lệnh di chuyển các anh tới chỗ an toàn hơn. Tôi muốn bảo vệ sinh mạng các anh. Nhưng các anh phải tự bảo vệ các anh trước bằng cách tuyệt đối thi hành những mệnh lệnh do toán áp giải của tôi ban ra. Khi di chuyển trên xe phải ngồi, không một ai được đứng. Không được nói chuyện. Nói tóm lại càng giữ im lặng càng tốt. Tôi sẽ có lệnh riêng cho toán áp giải các anh.

Quay qua ông Đại đội trưởng chuyên trách tù binh tôi nói nhỏ:

– Ông đã cho chỉ thị đặc biệt cho nhân viên đi xe này chưa? Còng tay họ lại, nếu cần bịt mắt. Về kỹ thuật giải giao trên xe, chắc tôi không phải nhắc các anh phải không?

– Tôi có ra lệnh rõ ràng chi tiết cho họ rồi. Cũng không cần phải bịt mắt vì xe đó tôi có cho chăng bạt kỹ lưỡng rồi. Chỉ có người tò mò tới tận nơi mới biết xe đó chở tù thôi.

– Mấy giờ rồi ông Kiệm?

– Mười hai giờ ba lăm, anh Ba.

– Ông đã gọi toán hành sự ở bến tàu về chưa?

– Họ về rồi.

– Toán tuần tiễu đã bốc người của mình ở trạm kiểm soát chưa?

– Để tôi lên máy check lại. Từ máy truyền tin vang lên: “Kinh Kỳ gọi Hồng Hà.”

Mọi người căng lên. Kinh Kỳ là danh hiệu tôi đặt cho chiếc xe tuần đặc biệt chung quanh Ty Ngân khố. Ai cũng biết cái gì phải đến đã đến.

“Hồng Hà nghe.”

“Mặt trời vừa mới mọc.”

“Kinh Kỳ zu-lu đến nhà mới sẽ có người đổi phiên. Trả lời.”

“Tôi nghe Hồng Hà năm.”

“Ông Kiệm đâu rồi, check cho tôi toán tuần tiễu đương phiên. Bây giờ là mười hai giờ bốn lăm. Tất cả có mặt ở trạm kiểm soát phía Nam thành phố lúc một giờ ba mươi. Xuất phát từ đây, ông Kiệm đưa toán tuần liễu hạ phiên chạy vòng vòng trong phố một chút rồi hãy trở xuống hướng Nam. Nhớ là tôi không muốn thấy có những người không phải là lính trong đoàn xe. Khoan đã, mình có bao nhiêu xe có gắn đại liên?”

“Đồn có bốn, mình có hai anh Ba.”

“Đây là thứ tự đoàn xe: toán tuần tiễu thượng phiên đi đầu, kế đó hai xe GMC, một xe chở tù có một xe đại liên chạy kế. Rồi tới toán tuần tiễu hạ phiên của ông Kiệm, kế đó là một xe Jeep gắn đại liên, rồi hai xe Dodge, rồi hai GMC còn lại, sau cùng là toán tuần tiễu chót. Mình có bao nhiêu Jeep cả thảy?”

“Đồn và Đại đội D2 Quân cảnh có 9, mình có 5, anh Ba.”

“Giữ cho tôi một Jeep đại liên đi sau chót.” “Trong trường hợp bị phục kích thì sao anh Ba?”

“Thường thường khi phục kích đoàn xe bao giờ địch cũng đánh cắt ra làm hai, ba khúc. Những xe nào đi đầu thoát khỏi dọt đi luôn. Tuyệt đối không quay lại. Những xe bị kẹt lại dĩ nhiên là phải chiến đấu rồi. Bình tĩnh là yếu tố duy nhất để tìm đường sống. Nhảy ngay xuống xe, nấp vào hố, mương, gò đất, gốc cây… Tất cả những xe đại liên nào không trúng đạn giây phút đầu là phải khai hỏa ngay lập tức vào hai vệ đường, đừng có hốt hoảng cứ đằng trước mà nã đạn thì bắn lộn vào quân nhà đó. Phải nhớ là bình tĩnh, bình tĩnh, bình tĩnh.”

“Tôi đi được chưa anh Ba?”

“Rồi, anh có năm phút để dặn lính mấy điều vừa rồi, anh đi ngả kho đạn tới trạm kiểm soát Nam chờ tôi.”

“Bao giờ em đi anh Ba?”

“Toán của ông đi với tôi, chờ ông Kiệm đi trước độ mười phút, toán của ông có hai GMC cứ tà tà đi thẳng quốc lộ 1 không phải vòng vèo đâu.”

“Xe anh Ba đi ở chỗ nào?”

“Kế chiếc xe đại liên sau cùng. Kể từ giờ tất cả các máy truyền tin phải mở 24/24.”

*

Ngày N + 14, 1 giờ trưa

Tôi nói Thiếu úy Cảm cứ dẫn đoàn xe đi từ từ tới điểm hẹn, tôi muốn nhìn thành phố Quy Nhơn lần chót. Chính nơi đây vợ tôi đã sinh ra, và đã lớn lên. Chính nơi đây ngay sau khi thành hôn tôi phải về ra mắt cả họ ngoại vợ tôi. Vì tôi là một anh Bắc Kỳ, mấy người anh em họ với vợ tôi lúc đầu nhìn tôi hơi kỵ, nhưng rồi họ thân với tôi ngay. Chính nơi đây qua Nguyễn Bắc Sơn tôi giao tình với Nguyễn Mộng Giác, Lữ Quỳnh. Từ liên hệ này lan sang những Lữ Kiều, Nguyên Minh, xem chừng ra Quy Nhơn tặng cho tôi nhiều hơn những nơi khác. Những nơi khác tôi đến với lòng phiền muộn và đi với lòng buồn bã, ở đâu đâu tôi cũng làm rơi vãi tuổi trẻ, ở đâu đâu tôi cũng chỉ thấy cái không khí thời chiến hủy hoại chúng ta đến tận cỗi rễ. Chỉ nơi đây Quy Nhơn cho tôi được đôi điều ấm cúng của tình người, để sau cùng hết sức oái ăm, hết sức oan trái, tôi đến đây ba ngày nhìn thấy Quy Nhơn rồi cũng chẳng còn gì. Có còn chăng chỉ là mấy cái tháp của dân Chàm đã dựng cách đây vài thế kỷ. Rồi những tháp Chàm này sẽ đứng vững được bao lâu?

Tôi đi ngang qua một cây cầu nhỏ ở đầu thị xã, mấy người nghĩa quân già vẫn giữ an ninh đầu cầu. Tôi nhìn thấy những cánh bèo của mùa hè đầy hoa tím, tôi nhìn thấy những ngọn lúa ngã rạp dưới gió. Và đây những cao ốc đầu tiên của thành phố, những người cảnh sát dã chiến còn đang đứng gác trên các cao ốc, những bầy sẻ vẫn bay lên, sà xuống, những con én lạc đàn của mùa xuân đang chao mình trong nắng. Tất cả có biết không? Những người có trách nhiệm với Quy Nhơn đang tìm cách đào tẩu. Những người mới mấy tháng trước đây còn khệnh khạng ra vào, còn quyền uy ngập mặt, họ đang cúi đầu xuống, giấu mặt đi, len lén đào tẩu không một lời báo động với thuộc hạ. Cả tôi nữa, tôi đã dàn ra một số những xen kịch đủ để làm cho những người dân yên tâm ở trong nhà, đủ cho những người nghĩa quân già gác trên đường vào thị xã, những người cảnh sát dã chiến phòng thủ trên các cao ốc. Tôi cũng bỏ đi như một tên ăn cắp. Phải chi tôi được chỉ huy bởi những tiểu tướng của Quang Trung. Những tiểu tướng ít tài nhưng có dư lòng quyết chiến. Đất Quy Nhơn ơi! Sao cay nghiệt thế này?

*

Ngày N + 14, 1 giờ 30 chiều

Bây giờ thì xa hẳn rồi. Quy Nhơn ở đằng sau lưng mười cây số. Trong suốt mười cây số vừa qua, có những lúc tôi giận mình đến nghẹt thở, muốn bảo Phúc thắng xe lại, để tôi xuống, đưa cho tôi khẩu “Đại Cồ Việt” của ông Thanh. Tình hình này rồi sớm hay muộn cũng có lúc mình là cá nằm trên thớt. Tại sao không nhân cơ hội cái lưới chưa chụp xuống thì làm bậy một vài đường gươm.

Phải đổi máu của mình lấy một chút gì chứ? Phải đổi thịt của mình lấy một chút gì chứ? Nhưng rồi tôi vẫn ngồi bất động trên xe và bây giờ là đoàn xe trước mặt, Quy Nhơn mười cây số sau lưng.

Tôi biết phẩm chất lính của tôi. Họ đều có người thân ở Nha Trang, Sài Gòn. Và cả tôi nữa. Trăm tay súng của hai đơn vị gộp lại, chúng tôi cũng chỉ là một con chốt nhỏ. Bõ bèn gì. Phúc vừa lái xe vừa liên lạc, gã nói vào ống liên hợp:

“Hồng Hà gọi.”

“Phú Quốc nghe năm.”

“Kinh Kỳ nghe năm.”

“… nghe năm.”

“Hồng Hà đã nhìn thấy nhà mới.” Tôi giằng lấy cái ống liên hợp nói không ngụy thoại gì cả:

“Kiệm, Cảm cho khởi hành đi, giữ tốc độ đều, khoảng cách đều. Xe đi đầu đừng có chạy nhanh quá.”

*

Ngày N + 14, 3 giờ 30 chiều

Qua con dốc này là tôi đã có thể nhìn thấy những cánh đồng đầu tiên của tỉnh Tuy Hoà. Từ cuối đoàn xe tôi thấy chiếc đầu tiên đã lên tới đỉnh. Tự nhiên tốc độ phía trước chậm lại. Tôi nghe báo cáo từ cái loa truyền tin:

“Kinh Kỳ gọi Hồng Hà.”

“Tôi nghe.”

“Trình anh Ba, một GMC bị hư không chạy được.”

“Đẩy nó sát vệ đường, san người sang những xe khác. Tôi lên đó ngay bây giờ.”

Chiếc xe đã bò lên được đỉnh đèo, tôi bảo Phúc mời mấy sĩ quan lại hội ý với họ một chút. Vài phút sau mọi người hiện diện đủ. Tôi nói:

– Tôi muốn có ý kiến chung về một việc. Bây giờ là ba giờ rưỡi. Mình nghỉ đây nửa tiếng rồi lên đường. Mình có thể tới Tuy Hoà vào lúc hơn năm giờ, nếu mình đi luôn tối nay thì mới có hi vọng tới Nha Trang. Trong trường hợp phải đi đêm, tôi muốn biết ý các ông đi thẳng hay ghé Tuy Hoà nghỉ mai đi.

Một phút nặng nề trôi qua. Trung úy Kiệm lên tiếng trước:

– Nghỉ đêm ở đây đi anh Ba. Mình dọt khỏi Quy Nhơn rồi. Thế là an toàn tương đối rồi. Đi đêm tôi sợ đường không bảo đảm.

– Ý kiến các ông kia sao?

– Anh Ba quyết định sao cũng được. Tụi em không có ý kiến.

– Tôi thấy đã đi thì đi luôn. Mình sẽ vượt đèo Đại Lãnh vào lúc sáu giờ rưỡi. Trời hãy còn sáng. Nhỡ đêm nay họ chỉ cần có một đại đội mò được đến đây, rồi đóng chốt bít khúc đèo Đại Lãnh lại thì mình công cốc.

Thế là mấy người nhao nhao lên:

– Đi luôn đi anh Ba.

Đúng lúc dó tôi thấy còi xe inh ỏi. Một đoàn xe lẫn lộn năm chiếc vừa Jeep cảnh sát, vừa xe du lịch dân sự lại có thêm một chiếc Jeep nhà binh bắt đầu leo dốc. Đó là đoàn xe của Đại tá Tiểu khu trưởng tiểu khu Bình Định, cùng Trung tá Trưởng ty Cảnh sát. Tôi quay mặt đi, giấu một nụ cười, không có lẽ giấu một hạt lệ thì đúng hơn. Tôi cười vì tôi đã tính đúng giờ khắc phải bỏ. Tôi khóc cho những người ở lại vẫn tin rằng giờ này cấp chỉ huy của họ còn đang hiện diện đâu đó trong nhiệm vụ. Tôi không sợ phải chạm mặt Đại tá ở đây, nhưng không muốn nhìn thấy ông khi đi ngang chỗ tôi, nên cố tình ngồi quay lưng lại. Dầu sao thì tôi cũng chẳng hơn gì ông ta. Nói cho cùng tôi cũng chỉ là một sĩ quan đào nhiệm, dù cho tôi có mang hết được binh sĩ của tôi, tôi vẫn là một cấp chỉ huy hèn nhát không hơn kém. Tôi nghe giọng một người sĩ quan trẻ nói bâng quơ:

– Anh Ba Râu nhà mình giỏi thật.

*

Ngày N + 14, 6 giờ chiều

Tuy Hoà ngay trước mặt, có một giây tôi muốn rẽ vào, nhưng xe tôi chạy gần đoạn hậu, tự nhiên tôi thấy nóng ruột kỳ lạ, máy mắt, tim đập loạn xạ. Trong suốt một tháng nay, nhiều lần cái chết xảy ra ngay trước mắt, nhưng chưa bao giờ gặp hiện tượng này. Tôi nói với Phúc:

– Tự nhiên anh linh tính như có chuyện bất trắc sắp xảy ra. Anh muốn trở lại Tuy Hoà đêm nay.

– Chắc tại anh suy nghĩ nhiều quá đó, bây giờ mình trở đầu đoàn xe không kịp đâu anh.

Lúc đó tôi mới để ý tới trên đường thiên lý, không phải chỉ có một đoàn xe của tôi. Một đoàn xe khá đông, nhưng tôi đoán chắc là gồm rất nhiều đơn vị, họ qua mặt đoàn xe tôi dễ dàng vì tốc độ của chúng tôi tương đối chậm. Tôi muốn đoàn xe của mình không bị chen kẽ bởi những xe lạ. Tất cả cứ trôi về phương Nam trong lúc nắng chiều lịm dần. Ban đầu tôi còn nhìn thấy những xe chạy đầu, dần dần chỉ thấy vài xe trước mặt. Xe đã phải lên đèn, những chiếc xe đầu đoàn đã bắt đầu leo dốc đèo Đại Lãnh. Đúng vào lúc đó tôi thấy một bó lửa túa ra từ bụi cây ven đường, một chiếc xe chạy bên hông đoàn xe tôi bị trúng đạn, nó chạy nghiêng hai bánh vài chục thước nữa trước khi lật xuống bên vệ đường. Đoàn xe của tôi bị cắt khúc, trên đầu bốn chiếc Jeep của toán tuần tiễu một, cùng với chiếc GMC chở tù binh và một chiếc Jeep đại liên đi kế lồng lên chạy về trước. Phúc thắng xe thật gấp, liếc mắt lại đằng sau, thấy đường trống, bẻ quặt tay lái, chân đạp thắng, chiếc xe như oằn lại, chồm lên vệ cỏ bên đường rồi trở mũi ngược lại hướng Tuy Hoà không đầy chớp mắt. Tôi hét to:

“Stop lại.” Tôi nhảy xuống núp vào một mô đất ngay bên đường. Cả đoàn xe còn lại của tôi đã dừng lại kịp thời, những binh sĩ trên xe nhảy xuống. Một số người chạy ngược lại phía tôi. Tôi thấy đã đến lúc phải đứng dậy. Tôi xách khẩu “Đại Cồ Việt” chạy lên phía trước. Súng nổ ran ở phía đầu đoàn xe. Hai chiếc xe đại liên phía trước khai hỏa không ngừng dọc theo hai vệ đường. Vài binh sĩ xách súng chạy lúp xúp theo tôi. Địch chỉ bắn có một trái B40 rồi thôi. Tôi nói với Kiệm và ông Đại đội trưởng của tôi:

– Đi tiếp hay quay lại?

– Quay lại đi anh Ba.

– Tôi nghĩ là mình nên đi bừa đi, hiện giờ nó mới có chỉ ít người bắn một trái B40 rồi thôi. Đợi đêm nay nó về đây đông hơn là mình bỏ mẹ.

– Tôi chỉ sợ mình lên được nửa đèo nó lăn đá xuống mình cũng đủ lật xe mà chết.

– OK. Mình quay lại. Bây giờ xe tôi đậu đầu, đường hiện trống, các ông ra lệnh cho trở đầu đoàn xe mình về lại Tuy Hoà.

(Xem tiếp kỳ sau)

Comments are closed.