Những buổi học chính trị

Lê Học Lãnh Vân

Sau thời gian khoảng một năm tổ chức cho thanh niên, sinh viên tham gia các hoạt động, các chiến dịch xã hội như đánh tư sản… rồi cuối cùng, năm 1976, các trường đại học cũng tổ chức học tập cho sinh viên.

Khi trường đại học mở lại, thời gian đầu Vương và các bạn phải học chính trị. Lứa bạn Vương học về Khoa Học Tự Nhiên, chỉ chú tâm các môn Toán, Vật Lý, Địa Chất, Hóa Học, Sinh Học… Trong khi nhiều bạn cảm thấy giờ học chính trị vô ích, hoặc thấy thật khó nuốt những khái niệm và những từ ngữ mới lạ thì một số ít bạn lại chăm chú.

Nhìn chung các bạn sinh viên chấp nhận các bài học một cách bình thản, nhẫn nhịn, xem như một bổn phận phải chấp hành trước khi bước vào phần học chuyên môn. Sinh viên được chia thành từng tổ khoảng 15-20 người, sau mỗi bài lên lớp là các buổi thảo luận chính trị tại tổ. Giáo viên chính trị, cán bộ tuyên huấn đoàn chia nhau đến từng tổ hướng dẫn thảo luận. Do thiếu người hướng dẫn thảo luận, một số sinh viên khoa chính trị cũng được phân công tham gia thảo luận.

Mỗi buổi thảo luận chính trị được hướng dẫn bởi các câu hỏi đại loại như sau:

a) Bạn hãy làm rõ nội dung…

b) Hãy nêu lên và thảo luận điều bạn tâm đắc nhất…

Các điều tâm đắc nhất được nêu lên luôn thuộc về âm mưu cướp nước Việt Nam của đế quốc Mỹ, dã tâm bán nước của chính quyền Ngụy, nền văn hóa phản động đồi trụy của Miền Nam, nền kinh tế phồn vinh giả tạo của Miền Nam, sự cấu kết điên cuồng của tư sản mại bản Miền Nam với chính quyền quân sự Ngụy, tính hơn hẳn của chủ nghĩa Xã hội (và chủ nghĩa Cộng sản) đối với chủ nghĩa Tư bản, sự tất thắng trong tương lai của chủ nghĩa Cộng sản trên phạm vi toàn thế giới, sự sụp đổ tất yếu của chủ nghĩa Tư bản đang giãy chết, công lao vĩ đại giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam (do Bác Hồ thành lập và lãnh đạo)… Đa số các bạn sinh viên ngồi nghe và cố tỏ vẻ chăm chú, một số ít bạn biểu lộ sự uể oải rõ rệt. Chỉ có một vài cá nhân thay phiên phát biểu sau mỗi câu hỏi của cán bộ hướng dẫn…

Tuy nhiên, một số bạn thật sự quan tâm tới chính trị, học thuật thì bàn tán thật tình. Họ cùng với một số thầy cô lập thành nhóm thật sự có kiến thức và cầu thị. Các buổi thảo luận kiểu này thường được tổ chức tại nhà riêng của một thành viên trong nhóm…

Thỉnh thoảng ông Nguyễn Trọng Võ tham dự các buổi họp mặt đó. Giáo sư Nguyễn Trọng Võ giảng dạy tại trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn từ trước năm 1975, nổi tiếng vì các bài báo và các hoạt động chống đối chế độ Sài Gòn, ủng hộ Hà Nội, ủng hộ Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam.

Ông Nguyễn Trọng Võ lên tiếng, họ nói đúng đó. Ý ông muốn nói những cán bộ dạy chính trị nói đúng. Mọi người mở to mắt, im lặng. Ông chậm rãi giải thích:

“Tôi nghĩ rằng họ thật lòng. Trình độ của họ chỉ ở mức đọc các tờ báo lá cải, các tiểu thuyết ba xu cho nên họ nói văn hóa miền Nam đồi trụy. Trình độ của họ chỉ ở mức tiếp xúc với các bài xã luận chính trị rẻ tiền, với các chửi bới thô tục của đám chính trị gia nô, nên họ nói văn hóa miền Nam phản động. Họ làm sao với tới tầm của các luận thuyết cao sâu, các chương trình hậu chiến, các lý luận chính trị về tổ chức xã hội dân chủ của miền Nam?”

Ông im lặng một chút rồi tiếp: “Tất nhiên họ cũng có những người trí thức đáng kính thật sự. Những người này, nếu ở miền Bắc thì làm sao tiếp xúc được với các tài liệu cấp cao này? Còn nếu ở miền Nam thì có thành kiến nên không tỉnh táo trong phán đoán. Các anh cũng biết tôi là người trước đây ủng hộ chế độ Hà Nội. Tôi vẫn khâm phục trình độ hiểu biết cao sâu của giáo sư Vũ Quốc Thúc, giáo sư Nguyễn Văn Bông, nhưng tôi lại nghĩ rằng các ông dùng kiến thức của mình bênh vực chế độ Sài Gòn, chống lại Cách Mạng, chống lại độc lập và thống nhất đất nước”.

Lại một hồi im lặng nữa, rồi ông nói tiếp: “Rõ ràng, khi đã định sẵn một hướng trong đầu thì người ta không còn sáng suốt và sáng tạo nữa. Tôi đã bỏ hết các căn bản của phương pháp tư duy, phương pháp luận khoa học… để chỉ chạy theo một định hướng chính trị cứng nhắc”.

Và ông kết luận: “Ai cũng có sai lầm. Bây giờ hòa bình rồi, chúng ta kiên nhẫn với họ, tranh luận với họ. Tôi nghĩ đó là cách tốt nhất đóng góp cho đất nước”.

Những buổi học chính trị như vậy thỉnh thoảng được chen vào bởi báo cáo của cán bộ tuyên huấn. Trong số đó có một anh bí danh Năm Phẳng, thuộc cánh Thành Đoàn. Anh phê phán phim ảnh chế độ Mỹ Ngụy phản động và đồi trụy, lối sống chế độ xã hội Ngụy hưởng thụ bơ sữa và chấp nhận bị Mỹ nô dịch… Trước mặt cử tọa là thành phần trí thức bao gồm sinh viên và các thầy giáo đại học trẻ tuổi, anh lôi trong túi quần ra một quyển kinh nho nhỏ rồi phê phán từng câu trong đó. Phật dạy nhân từ đối với tha nhân, anh phê phán đó là dạy miền Nam buông khí giới chống ngoại xâm; Phật dạy chữ nhẫn, anh phê phán đó là dạy nhẫn nhục cúi đầu chấp nhận chế độ thực dân mới của Mỹ tại miền Nam… Anh nói chuyện trước đám đông với ngôn ngữ “bình dân” hơi thái quá, hay vỗ đùi và dùng cụm từ “con bà nó”…

Năm 1998 Vương có dịp gặp mặt các anh từng đấu tranh trong phong trào sinh viên đô thị trước 1975. Một lát sau có một anh nữa tạt ngang. Giọng nói, cách nói chuyện của anh chừng quen quen? Bỗng dưng Vương sực nhớ, “A, anh Năm Phẳng. Không biết anh Năm có nhớ tôi không, nhưng tôi nhớ anh Năm Phẳng”. Nghe nhắc lại những buổi báo cáo chính trị năm xưa, anh đứng lên vái Vương trịnh trọng một cách bông đùa: “Thôi, anh cho tôi xin. Tôi đã quên hết thời gian đó của tôi rồi. Anh cũng quên giùm các lời tôi nói hồi đó”.

Rất thông cảm với anh Năm Phẳng. Anh đã sống trung thực với những gì anh tin là đúng. Anh đã hoạt động hết mình một cách trong sáng cho một thời kỳ sôi nổi khi anh còn thấy nó đúng, và anh cũng thật lòng chấp nhận sự ấu trĩ của một giai đoạn sống của mình. Anh là người xin ra đảng rất sớm, cách nay vài chục năm. Anh cũng đã ra khỏi sân khấu cuộc đời này, không cần đơn từ xin xỏ!

Ông Nguyễn Trọng Võ, anh Năm Phẳng đã ra đi. Những bài học chính trị, khóa học chính trị bắt buộc còn ở lại với xã hội cho tới bao giờ?

Ngày 26 tháng 4 năm 2018

Comments are closed.