Những giày vò ngày mai – truyện ngắn Phùng Thị Hạ Nguyên

nguyên 6

Phùng Thị Hạ Nguyên

 

Thôi em hãy đứng dậy

người bán hàng đã ngủ sau quầy

anh đưa em đi trốn

những giày vò ngày mai”

(Thanh Tâm Tuyền)

 

Nhà nghỉ nằm gần một ngôi chùa trong hẻm. Khi Hoà đẩy đầu xe vào, lấy thẻ xe từ cậu trai bảo vệ, Huyên vẫn tần ngần đứng ngắm chùa. Ngôi chùa nhỏ màu vàng, thanh sạch, yên tĩnh, Cửa chùa rộng mở nhưng trong sân không một bóng người, chỉ có cây lựu già nằm cạnh cổng nhấp nháy đu đưa cả chục chiếc lồng đèn nhỏ mọc lủng lẳng trên cây.

Lúc Hoà rùng mình gục đầu vào cái hõm nơi cổ Huyên, chỗ xương quai xanh vẫn gồ lên khi Huyên mặc áo cổ thuyền, Huyên chầm chậm vuốt mồ hôi trên trán Hoà, vừa vuốt nhẹ dọc sống lưng người thương, vừa nghĩ đến ngôi chùa màu vàng. Sao người ta lại xây nhà nghỉ bên cạnh chùa? Hàng ngày có hàng chục đôi trai gái như Hoà, Huyên, theo cái bảng ghi giá phòng đầy chào mời mà ghé vào đây, vùi vào nhau vội vàng cho kịp năm mươi nghìn giờ đầu, hai mươi nghìn giờ sau. Phật ở bên chùa đã đắc đạo, liệu có vì vài hơi thở gấp, vài tiếng rên khẽ theo nhịp mà thở dài, mà xao động hay không? Sao khi bên này người ta đi dọn phòng hàng giờ, vứt đi cả chục bao cao su đủ màu đủ mùi, thay hàng chục tấm drap giường nhàu nhĩ thì bên kia, trong hồ sen, bầu trời vẫn trong xanh thơm ngát , tiếng kinh vẫn đều đều xa vắng không chút bụi trần? Nếu ngoại biết Huyên hư thân ngay chốn tu hành linh thiêng, chắc ngoại rầy Huyên lắm.

Huyên gỡ người Hoà chầm chậm, kéo gối lại kê dưới mái đầu bù xù bết mồ hôi, khẽ khàng vào nhà vệ sinh rửa ráy, mặc lại quần áo. Huyên đã quen với cảm giác ê ẩm, hụt hẫng sau mỗi cơn yêu cuồng vội. Những lúc đầu, nằm trong bóng tối Huyên thường khóc. Nước mắt len lén chảy, chẳng vui, chẳng buồn, chỉ thấy rất bơ vơ. Dù Hoà đã vòng tay chặt hơn, hay xoa vai Huyên nhẹ nhàng cho đến khi mệt lả, từ từ chìm vào giấc ngủ. Dần dần rồi Huyên quen, không còn khóc nữa, chỉ nằm lặng rồi suy nghĩ vẩn vơ. Có lúc Huyên cầm khăn bông, tỉ mẩn thấm mồ hôi từng ngóc ngách trên người Hoà, lặng nhìn người thương say ngủ, mặt như đứa bé, không âu lo, tính toán, không cáu gắt, muộn phiền.

Chiều muộn, Hoà thường chở Huyên ra bờ sông, ngắm từng đợt bèo, đợt rác lững lờ trôi theo dòng nước. Nói với nhau những chuyện rất xa xôi. Chỉ trỏ những cô gái có hình xăm trên vai, trên ngực, trên bắp vế, bàn về cách thức ăn xin của những tập đoàn chăn dắt, rồi nhìn lên nền trời mà đặt tên cho những đám mây. Cũng có hôm cãi lộn, Huyên bắt xe ôm về trước. Hoà tới nhà, đập cửa rồi nài nỉ rồi đập chậu cảnh trên balcon rồi khóc rồi nước mắt rồi lại lao vào nhau khao khát, tủi hờn. Nên Huyên thích nhìn Hoà như đứa bé, lịm ngủ trên người mình, khuôn mặt dịu dàng chưa hết ngây thơ.

Lâu lâu nằm trong bóng tối Huyên thường nhớ đến khung cửa sổ nhỏ phòng trọ cũ của Hoà. Đối diện là hàng rào lưới leo đầy những ngọn mồng tơi, người ta phơi quần áo trên đó, thấp thoáng trong cái màu non mướt của lá là những xi líp ren đỏ, quần đùi ngả màu, khẩu trang hình búp bê sặc sỡ. Huyên đã thành đàn bà trong chao nghiêng những cú nhấp, chao nghiêng những sắc màu rộn rã ấy. Khung cửa sổ thật buồn. Nhân gom mớ khăn giấy đầy máu thấm giữa hai đùi Huyên, cho vào túi đen đem vứt vội vã, khi Huyên chưa kịp hỏi xin một tờ đem ép vào nhật ký. Nước mắt chảy dài, nằm nghe mùi xào nấu từ căn bếp hàng xóm, tiếng trẻ con nô đùa ngoài đầu hẻm, thấy một cái gì đó vừa rơi rất sâu, mãi vẫn chưa chạm tới đáy. Đứa bé gái tên Huyên đã chết nơi phòng trọ tối, tường nhà dán giấy báo nham nhở, cửa sổ hẹp và bầu trời rất xanh. Chỉ còn lại Huyên – đàn bà, thành thục, yếu đuối, hay ngẩn ngơ, hay buồn, hay khóc.

Mỗi lần Hoà gút đầu cái bao cao su mới dùng xong, cho vào gói giấy đem vứt, Huyên trầm trồ đống dịch nhỏ màu trắng ở cuối bao, “Bao nhiêu là em bé anh nhỉ?”. Hoà chỉ xoa đầu Huyên cười, nhìn cô gái nhỏ của mình thơ dại, vừa trẻ con vừa rất mực đàn bà. Huyên thì mải bận ngồi tính toán, nếu như mỗi lần mình “làm” mà đẻ một em bé thì đến bây giờ đã có bao nhiêu con. Những mẩu dịch không gặp nhau, những em bé không thành người, sẽ nô giỡn ở đâu nhỉ?

Huyên và Hoà nuôi chung một con heo đất, mơ giấc mơ Sapa sương mờ, Mù Căng Chải ruộng bậc thang lúa chín vàng trong gió, mơ váy cưới trắng muốt, chiếc xe tay ga lướt êm ru, khi dừng đèn đỏ không cần trả số. Mà mỗi tháng Huyên đều phải lấy nhíp khoèo ra vài tờ năm chục, một trăm, khi tới tháng mà vẫn chưa có lương, mẹ Huyên đau lưng hay em gái Hoà cần học phí. Heo ăn mãi không no, những giấc mơ dang dở, hai đứa tặc lưỡi, thôi ráng chờ tháng sau.

Có trưa trốn máy lạnh công ty xách hộp cơm ra công viên ăn trưa, nhìn dòng người ngược xuôi xuôi ngược, nhìn nắng đan qua kẽ tay, Huyên rút điện thoại nhắn cho Hoà một tin, “Em thương hai đứa mình lắm”. Rồi ngồi ngẩn ngơ không biết hôm nay Hoà được phân giao hàng ở quận nào, trời nắng có bịt khẩu trang không.

Nhà trọ toàn ở ghép, Hoà đến chỉ để ăn cơm, góc của Huyên là cái ô nhỏ gần cửa sổ, ăn xong vội vàng dọn rửa rồi dắt díu nhau ra đường. Bờ sông, ghế đá, bãi cỏ dưới chân cầu đi hoài cũng chán, rồi cũng tấp vào năm mươi bảy mươi(1), quýnh quáng yêu rồi mệt nhoài về chờ đến tối mai. Thành phố nhỏ quá, giấc mơ thì lớn, tình của Huyên chắc cũng như bèo, trôi hoài hoài rồi mệt nhoài, chết giấc trên đường theo sông ra biển.

Huyên thích nằm dụi đầu vào ngực Hoà trong bóng tối, rờ rẫm từng chỗ hõm, từng nốt ruồi, vết bớt. Rồi tưởng tượng đến lúc chia tay, Hoà lấy vợ, người ta cũng sờ, cũng biết từng vết sẹo, từng nốt chai. Bất giác nước mắt chảy. Rồi lại nhớ thơ Thanh Tâm Tuyền, “Anh là thằng điên khùng/Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới”(2). Rồi lẩm nhẩm những bài thơ tình mòn mỏi trong sổ tay.

Có tiếng chuông chùa. Âm vang, gần lắm mà xa lắm. Huyên không muốn đánh thức Hoà dậy. Cứ nằm mãi ở đây, ngủ yên an trong lòng nhau. Không quá khứ, không tương lai, không buồn thương, không mất mát, không mệt nhoài.

Trong giấc mơ của Huyên tối nay sẽ có áo cưới phồng xoè ren trắng, có Sapa lồng lộng sương gió, có những giọt dịch trắng được ấp ủ trong lòng Huyên thơm ngát, thành rất nhiều em bé phúng phính nô đùa…

 

Chú thích:

(1) Tiếng lóng chỉ nhà nghỉ bình dân.

(2) Trích bài thơ Dạ khúc của Thanh Tâm Tuyền.

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.