Que diêm thứ Tám (kỳ 5)

Tiểu thuyết của Văn Biển

Chương viết thêm:

CHUYỆN NGUYỄN TUÂN

VÀ NHỮNG ĐỨA CON CỦA MÌNH

Người ta kể chuyện một đêm nọ, Nguyễn Tuân đang lơ mơ ngủ bỗng nghe có tiếng gõ cửa. Tiếng gõ se sẽ nhưng cấp bách. Ai tới vào giờ này nhỉ. Bạn bè biết ông không bao giờ tiếp ai mà không có hẹn. Tiếng gõ vẫn tiếp tục. Không dừng được, ông hé cửa nhìn ra. Trời đất không phải người hay ma quỷ. Mà những đứa con yêu quý một thời mang nặng đẻ đau của ông. Không phải như những cái thai của các bà mẹ cứ đủ 9 tháng 10 ngày là lọt lòng chào đời. Mà có cái phải hàng vài năm hoặc hàng chục năm trời. Ông nhìn quanh quất ngoài đường. Giờ này không còn ai nữa. Những người quét rác khuya, những xe phở, lục tào xá đã về nhà từ lâu. Bên ngoài gió rét căm căm. Lòng thương con đã thắng nỗi sợ trong lòng người bố. Ông mở hé cửa cho từng đứa lọt vào. Này là thằng “Chùa Đàn”. Này là “Tùy bút Nguyễn Tuân”, này là “Chém treo ngành”, này là “Vang bóng một thời”. Nhiều lắm… lớn bé một bầy, thậm chí ông không nhớ hết tên.

Khi tất cả đã ngồi quanh bàn. Không khí trở nên im lặng nghiêm trọng. Ông rụt rè hỏi: Lúc bọn con tới có ai nhìn thấy không?

Ai là sao hả bố? Sao bố lại hỏi thế? “Bọn trẻ” nhao nhao hỏi.

Ý bố muốn nói bọn mật thám, phòng nhì hở bố. Bây giờ làm gì còn bọn chúng nữa.

Ý bố muốn nói… tuyên huấn, tuyên giáo đó. Họ còn đáng sợ hơn bọn phòng nhì của Pháp.

Nhưng bố có phải là phản động đâu. Tất cả chẳng phải là đồng chí, đồng rận của bố à? Mà bọn con sinh ra, trừ những đứa em mới sinh sau này, đều là trước 45 cả. Tại sao bố phải từ chúng con. Hôm nay bọn con tới đây trước là thăm bố, sau là để hỏi cho rõ chuyện đó.

Nhà văn cảm thấy run run: Chẳng lẽ chúng nó định mở “phiên tòa” ngay đây. Nhưng chắc chẳng làm gì có chuyện đó. Tất cả là những đứa con yêu quý ông rút ruột đẻ ra. Có điều chúng nó chưa hiểu. Đành phải thú thật với chúng nó.

Bố sợ…

Chúng con có làm hại ai đâu. Chúng con đã làm bố nổi tiếng ít ra cũng một thời. Nói thật, nếu không có bọn con thì ai biết được Nguyễn Tuân là ông bà nào. Tại sao bố lại từ bỏ bọn con.

Bố thề không từ bỏ đứa nào cả. Một chữ, một câu cũng không? Bề ngoài bố làm thế là để được sống. Bố còn tồn tại đến bây giờ là do bố biết sợ.

Bố nổi tiếng nghênh ngang, ngông cuồng mà không bằng bác Nguyên Hồng. Bác ấy cảm thấy tình hình không ổn bèn vứt bỏ tất cả, lếch thếch dắt vợ con kéo lên rừng, không phải để làm lại cuộc Cách mạng, mà để tự do viết, tự do sống khổ, sống sở sau khi thốt ra một câu để đời: “Tao đếch chơi với bọn chúng nó”. Đúng là chất của bác ấy.

Ừ, bố không bằng bác ấy. Bố chỉ được cái ngông thôi. Cái ngông được “hệ thống” cho phép. Bố có lỗi với các con, bố nói lại, đó chỉ là bên ngoài thôi.

Thời Tây bố không sợ thằng nào, thời nay sao bố nhát thế, bố lại là đồng chí với họ.

Dài dòng lắm các con ạ… Mà lúc đó đâu phải chỉ có bố từ bỏ các con. Bác Hoài Thanh cũng từ bỏ “Thi nhân Việt Nam” – đứa con độc nhất của mình. Nhiều nhà văn khác cũng làm những động tác giả như vậy. Còn cố nặn, cố vẽ thêm những tội lỗi không đáng có để chứng tỏ sự sám hối chân thật của mình. Còn một động tác nữa cũng quan trọng không kém. Hồi đó mỗi nhà văn lớn, nhỏ muốn chứng minh cho Đảng thấy được sự vững vàng về tư tưởng đều cố nặn ra một bài viết đánh đồng chí, đồng nghiệp của mình. Một sự tra tấn tinh thần và thể xác khủng khiếp. Chưa có nước nào, thời nào nhà văn hèn nhát như vậy.

Sao bố không làm như bác Hữu Loan bẻ bút về quê làm thuê kiếm sống, và nhiều người khác nữa.

Thú thật với các con bố không có cái gan đó. Cách sống ngông nghênh của bố đã biến bố trở thành tù nhân của chính mình… Không dám viết, không dám nói. Tóm lại là cái ngông nghênh của một anh hèn. Bố có câu nói nổi tiếng: “Tôi sống được là nhờ biết sợ” và câu nói này của nhà thơ Lê Đạt: “Sợ không dám làm người”. Câu đó còn khủng khiếp hơn.

Có tiếng gà gáy ở nhà bên. Bọn trẻ đứng dậy: Vậy là tụi con hiểu rồi. Vâng, bố không thể làm khác được. Khi đàn con kéo ra khỏi phòng, nhà văn ngấp nghé nhìn ra cửa xem tụi nó ra có ai trông thấy không…”.

Nhà báo trẻ thốt lên: Câu chuyện quá hay và… lạ, hiếm thấy trong văn học thế giới.

Mình khác với ông Nguyễn Tuân, ông từ bỏ những đứa con, dầu chỉ là động tác giả. Ngược lại những “đứa con” từ bỏ mình trước và sau khi chết. Chẳng phải đợi tới lúc chế độ này kết thúc đâu. Cậu có biết Dương Tường nói về mình như thế nào không? Trong Khải có hai con người, một Nguyễn Khải khôn khéo giả dối và một Nguyễn Khải thành thật trắng trợn. Một Nguyễn Khải hèn nhát và một Nguyễn Khải khinh ghét tay Nguyễn Khải hèn nhát kia. Và sự tranh chấp hai con người ấy không bao giờ ngã ngũ.

Theo anh nhận xét đó có đúng không?

Mình muốn nhắn với Dương Tường nhận xét của cậu chỉ đúng một nửa. Cuộc tranh chấp giữa hai gã ấy đã ngã ngũ từ lúc mình còn trên kia, lúc cận kề cái chết.

Nhà báo trẻ chợt hỏi: Anh có nhận xét gì về hai “gã” đó không?

Gã thứ nhất cho mình cuộc sống, miếng cơm, chút danh vọng hảo. Nhưng rồi lại “giết chết” luôn nhà văn. Nói như nhà thơ họ Chế: “Muốn nuôi thân xác phải bán linh hồn” nói chính xác hơn là phải bán rẻ linh hồn. Còn gã thứ hai thì trả lại cho nhà văn chút danh dự khi không còn trên cõi đời. Âu đó cũng là niềm an ủi.

Nhà báo sau một hồi suy nghĩ: Kể về hèn thì hầu như người cầm bút dưới thời Cộng sản phần lớn đều hèn. Nhưng nói như nhà thơ Lê Đạt: “Nguyễn Khải là một thằng hèn đáng trọng”.

Mình nghĩ đó là sự rộng lượng của nhà thơ, ông ấy an ủi vong linh mình.

Đảng hay những người lãnh đạo của Đảng có cái tài làm cho mọi người trở nên hèn từ người dân cho tới trí thức. Vì yếu hèn mới dễ sai khiến hơn nhưng họ không hiểu rằng làm như thế dân tộc, đất nước yếu đi.

Sau một lát, nhà báo trẻ chợt hỏi: Mấy chục năm cầm bút anh hiểu phương pháp hiện thực Xã hội chủ nghĩa là gì? Và anh đánh giá nó như thế nào? Nó có phải là rào cản, là nguyên nhân vì sao cả suốt mấy chục năm văn học nghệ thuật Việt Nam không có những tác phẩm đỉnh cao.

Câu hỏi thú vị đấy, mình sẽ trả lời bằng một mẩu truyện ngắn đọc được lúc còn trên đó, khi nó còn dưới dạng bản thảo.

Chương viết thêm:

BỨC CHÂN DUNG ĐẸP NHẤT

HAY ÔNG VUA CHỘT VÀ NHÀ HỌA SĨ

Có một ông vua độc tài nọ muốn có một bức chân dung của mình để lưu truyền hậu thế. Nhà vua ra lệnh bức tranh phải được vẽ đẹp và thật. Các họa sĩ trong nước đều lúng túng vì nếu vẽ thật thì không thể nào đẹp được bởi nhà vua bị chột. Dù xấu xí thì họa sĩ bất tài cũng có thể bằng cách này, cách nọ, hoặc dùng màu sắc hay bóng sáng tối che lấp đi được. Nhưng một mắt chột thì… quả là một lời thách đố. Khó hơn tìm ra một Châu Mỹ thứ hai.

Dẫu sao họa sĩ đầu tiên đã phải tới. Sau mấy ngày miệt mài vẽ đi vẽ lại cuối cùng bức tranh cũng hoàn thành. Mọi người đều khen không những bức tranh giống đức vua mà còn lột tả một cách tài tình thần thái của người mẫu. Con mắt chột cũng được ngọn bút tài hoa của họa sĩ diễn tả một cách trung thực.

Một tác phẩm như thế tất nhiên sẽ bị đức vua sổ toẹt. Đức vua không muốn chân dung mình xấu. Họa sĩ bị phạt về tội khi quân.

Họa sĩ thứ hai tới. Người tới sau bao giờ cũng có cơ may hơn người tới trước, vì biết rút ra được bài học.

Song cái khó vẫn là… con mắt chột. Để khỏi phải vẽ nó như thật, họa sĩ vẽ đức vua đang ngủ. Lúc ngủ thì mắt ai cũng như nhau. Họa sĩ xoa tay tự bằng lòng: Ừ, mình khôn thật. Bức tranh được hoàn thành nhanh chóng. Họa sĩ đinh ninh đức vua sẽ bằng lòng. Nhiều người xem tranh khen họa sĩ sáng ý. Nhưng rồi tác phẩm cũng bị đức vua gạt bỏ. Đức vua phán:

Ta phải thức! Dẫu còn một mắt ta cũng phải thức để trông coi đất nước và ngai vàng. Ngươi phải biết điều đó chứ!

Họa sĩ thứ ba được triệu tới. Vợ con bạn bè lo lắng. Liệu tài năng ông có hơn hai người kia không. Bà vợ hỏi. Tôi có cách của tôi bà khỏi lo đi.

Bạn bè góp ý. 36 cách, cách tốt nhất ông nên cáo bệnh hoặc trốn ngay đi.

Xin mọi người cứ an tâm. Họa sĩ nói. Tôi đi vài hôm lại về. Ông hôn vợ con và từ biệt bạn bè.

Họa sĩ tới Kinh Đô gặp đức vua.

Như có thần linh giúp đỡ, sau mấy ngày làm việc căng thẳng, một hôm họa sĩ bỗng kêu lên: Ôi Thần đã tìm ra rồi. Họa sĩ vui sướng như lúc Archimed tìm ra được định luật nổi tiếng khi nhà vật lý đang trong bồn tắm. Họa sĩ vẽ đức vua ở tư thế nhìn nghiêng. Con mắt chột xấu xí được họa sĩ khôn khéo giấu đi khỏi phải đưa vào tác phẩm. Và tất nhiên bức tranh được nhà vua đánh giá cao.

Giỏi, giỏi ngươi xứng đáng là họa sĩ tài ba. Đức vua nói.

Họa sĩ trở về quê với phần thưởng lớn. Mọi người tới chúc mừng. Và tất nhiên sau đó câu hỏi được đặt ra.

Vậy ông vẽ theo trường phái nào? Mọi người náo nức chờ câu trả lời.

Theo trường phái hiện thực một nửa. Họa sĩ trả lời.

Mọi người đều lạ lẫm. Từ cổ chí kim chưa nghe ai nói tới trường phái đó.

Vậy ông học được nó ở đâu?

Ở các nước xã hội chủ nghĩa.

Mọi người cười ồ. Quả là quá đơn giản. Cái tốt bày ra, cái xấu đậy lại.

Hóa ra trong nhiều cái dở, đôi khi có cái dở cũng có ích. Ít nhất cứu một họa sĩ thoát nạn(1).

14.

PHO TƯỢNG NGƯỜI ĐÀN BÀ BỊ TRÓI

Hằng Nga chỉ kho bổi: Anh sắp xếp lại kho bổi, bó thành từng bó to nhỏ.

Khánh nhìn bao quát kho đuốc: Tại sao lại có cả một kho đuốc dưới cõi âm này.

Ngọc Hoàng quan tâm tới người sống cả người chết.

Tại sao Ngọc Hoàng lại nghĩ ra kho bổi này.

Nếu không có kho bổi này làm sao tìm được những thứ đã đánh mất trên dương thế.

Nhưng rốt cục có ai tìm lại được chút nào đâu. Có phải là công dã tràng không? Tôi cho đây chỉ là một chiêu an ủi của Ngọc Hoàng. Dừng lại một lúc, Khánh chợt nói, những ý nghĩ anh ấp ủ từ lâu:

Dường như Ngọc Hoàng giấu kín sức hủy diệt khủng khiếp chất phóng xạ trong đất đá để triệu năm sau con người tìm ra tạo thành vũ khí hạt nhân, cũng như Người giấu kín trong vẻ đẹp thiên thần của người phụ nữ, những độc chất chết người.

Anh đem hai thứ đó so sánh với nhau vừa khập khiễng vừa bất công. Anh bảo anh tôn thờ cái Đẹp.

Đó là bi kịch muôn đời của con người.

Chứ không phải xuất phát từ những bi kịch chính anh đã trải qua trên ấy sao?

Ai nói với cô điều đó.

Chẳng cần ai nói cả. Mọi thứ bộc lộ qua cách suy nghĩ của anh.

Hằng Nga như muốn trốn mọi chuyện đã qua, vội cắt: Thôi, anh đi dọn kho bổi đi. Nhưng trước hết anh hãy giúp tôi làm chiếc võng.

Còn lại một mình Khánh bơi trong đống chất đầy cành cây và bổi, Khánh chọn ra bốn cành cây buộc hai đầu lại với nhau rồi anh đi tìm dây cặm cụi bện chiếc võng.

Ngoài kia, Hằng Nga đang đi, bỗng thấy phía trước Ngọc Hoa đi tới.

Ngọc Hoa mừng rỡ: Chị Hằng Nga, em đang đi tìm chị.

Chị có nghe chuyện buồn của Hoa, định bụng muốn gặp em để chia sẻ.

Cảm ơn chị, nhưng đã qua rồi. Thời gian là liều thuốc linh nghiệm chị ạ. Thế anh chàng tù binh đẹp trai của chị đâu rồi.

Hằng Nga chỉ trong kho bổi: Đang bện võng cho chị trong đó.

Chị bắt được anh ta ở đâu thế. Trông có vẻ hiền lành dễ bảo.

Ương bướng số một. Cụ Thường trực không chịu nổi định giao anh ta cho quỷ sứ nhưng chị thương hại đứng ra bảo lãnh.

Tội nghiệp anh chàng. Tránh vỏ dưa lại đụng phải vỏ dừa. Em lại lo ghét của nào trời trao của đó.

Vậy thì chuyện đó không bao giờ xảy ra. Kìa, cậu Đáng chắc đang đi tìm em. Gọi to. Cậu Đáng, lại đây.

Đáng từ xa đến ngẩn ra ngắm Hằng Nga và Ngọc Hoa: Trời đất. Bao nhiêu người đẹp Thần chết hốt hết xuống dưới này.

Thôi đi, đừng nịnh đầm. Cậu đưa cô bạn đi thăm thú nơi này nơi kia đi.

Thế chị không cần thằng em này nữa à?

Lúc nào cần chị sẽ gọi. Với Ngọc Hoa. Lúc nữa chị em mình gặp lại nhé!

Trông thấy Nga vào, Khánh chỉ chiếc võng: Cô xem có cần sửa đổi gì không?

Hằng Nga tới bên chiếc võng ngồi xuống: Thế anh không giận tôi à.

Giận đàn bà có mà dại.

Cảm ơn anh. Tốt quá, thôi anh đi làm việc đi.

Khánh một mình đánh vật với kho bổi, anh phân ra thành từng bó nhỏ vừa tay người cầm. Anh làm việc mê mải, hầu như chẳng để ý người đẹp đang nằm đung đưa trên võng.

Khánh đã xong việc. Chợt nhìn thấy pho tượng tạc bằng gốc cây đang làm dở vất lăn lóc một góc. Pho tượng phụ nữ. Anh cầm lên ngắm nghía một hồi, sẵn đục, cưa, dũa anh tiếp tục hoàn thiện pho tượng một cách chăm chú. Khi anh ngước lên thì thấy Hằng Nga đứng bên cạnh đang nhìn anh làm.

Pho tượng này cô tạc cô đấy à. Cô đặt tên cho pho tượng chưa?

“Kẻ bị trói hay tù binh”.

Nghe nói trên Đà Lạt có pho tượng phụ nữ bị trói do một nữ kiến trúc sư tạc.

… Chị ấy cũng tên là Hằng Nga. Âu cũng là số phận chung của đám chị em phụ nữ.

Tôi tưởng chỉ mỗi thằng Khánh là tù binh của cô.

Đôi khi mình là tù binh của chính mình.

Hằng Nga nhờ Khánh nhặt một số sợi dây và tự mình cùng nhặt dây leo rải rác quanh đấy, rồi sau đó khéo léo quấn chằng chịt quanh pho tượng. Bây giờ trước mặt hai người là pho tượng phụ nữ bị trói chặt từ đầu tới chân. Hằng Nga thốt lên: Đây mới thật chính là tôi. Hình như có những giọt nước mắt lăn trên má nàng.

Khánh nhìn Hằng Nga không chớp, đầy vẻ thông cảm. Khi hai người nhìn ra chợt thấy Ngọc Hoa đã đứng ở cửa từ bao giờ, và mắt Hoa dường như có những ngấn nước…

15.

CÂU CHUYỆN VUI VỚI THẦN CHẾT.

HAI BỐ CON NGƯỜI KỂ CHUYỆN CƯỜI

Trong phòng Thường trực.

Ai đó: Hình như có tiếng gõ cửa.

Cụ Thường trực: Gió đấy. Tháng này trên đó có gió heo may rồi.

Một phụ nữ: Hôm tôi xuống dưới này trời bắt đầu trở lạnh. Chẳng biết con chị có nhớ lấy áo mặc cho em không? Cứ đầu mùa rét là y như thằng nhỏ bị viêm họng.

Anh ấy còn chứ chị?

Dạ còn. Nhưng đàn ông họ đoảng lắm.

Có tiếng cồng gõ vào tấm cửa đá.

Bốn lực sĩ nâng tấm cửa lên, Thần Chết khoác áo choàng đen vào.

Cụ Thường trực: Chào cụ, có khách chứ cụ?

Thần Chết mệt mỏi: Họ tới sau. Bao giờ cũng chậm. Cả cụ già trên trăm ra đi cũng bịn rịn đủ thứ. Giá cho sống trăm năm nữa, lúc ra đi cũng vẫn cứ như vậy. Làm cái nghề này chỉ được mang tiếng ác. Chẳng những thế đôi lúc lại bị mắc lừa.

Cụ nói thế chứ, có ai đi lừa cả Thần Chết.

Nhà văn nãy giờ hý hoáy ghi chép, bèn nói: Giá cụ có trải qua cuộc sống làm người thì khi hành nghề cụ mới dễ làm việc, dễ thông cảm hơn.

Có người bị ung thư giai đoạn cuối đau quá kêu gào đòi được chết ngay. Lúc mình ba chân bốn cẳng chạy tới thì thật là bẽ bàng, chính họ lại muốn sống thêm trăm năm nữa.

Hồi nhỏ ở trên kia tôi được biết người ta hay vẽ cụ, một ông già mặc áo choàng đen tay cầm lưỡi hái. Cụ bỏ chiếc lưỡi hái gớm ghiếc kia rồi à?

Kể từ cha sinh mẹ đẻ tới nay, nào tôi có biết cái lưỡi hái hình dáng tròn méo ra sao. Buồn cười, có người còn đem tôi ra dọa trẻ con đấy. Giả giọng. Kìa, nín đi. Thần Chết đứng ngoài cửa đấy.

Thưa cụ, loài người chung sống với cụ từ ngàn vạn năm rồi. Khi họ nói vậy chắc có lý của họ chứ.

Lý với lẽ gì. Họ sợ chết nên mới nói thế. Nếu họ chịu khó hiểu là mình rời khỏi một thế giới ồn ào hỗn độn, xảo trá đầy cạm bẫy để đến một cõi bình yên vĩnh hằng thì sẽ đỡ khổ biết bao nhiêu lúc ra đi.

Nhà văn cười: Nếu con người mà hiểu được điều cụ vừa nói thì người ta sẽ hình dung cụ như một phụ nữ xinh đẹp, dịu dàng, tay cầm bông hoa nhẹ nhàng bay tới bên giường người hấp hối mỉm cười đón linh hồn họ đi.

Mọi người vỗ tay: Trời, ước gì điều nhà văn nói là có thật. Được chết thế hỏi còn ai sợ chết nữa.

Một thanh niên: Lúc đó dẫu chưa tới số tôi cũng xin tự nguyện… Ôi, cứ nghĩ tới cảnh được một cô gái đẹp cầm hoa tới giường bệnh rủ mình đi thì dẫu có xuống mấy tầng âm ty địa ngục cũng cứ vui.

Thần Chết: Là các vị nói vậy cho vui thôi. Lúc đó dẫu có trăm cô chân dài tới anh cũng lắc đầu quầy quậy, cố bấu víu cái sống dầu chỉ còn là một sợi chỉ mỏng manh.

Cụ có nhớ hết các khuôn mặt cụ đưa đi không?

Làm cái nghề đưa đò này, khách lên khỏi thuyền, chủ và khách quên nhau. Vì đây là loại khách thường chỉ đi một lần.

Nhà văn chợt hỏi: Xin hỏi cụ, trong quãng đời làm nghề đưa đò này có lúc nào cụ gặp chuyện bất ngờ không?

Tôi xin kể chuyện này. Một hôm được tin có người tử nạn nhưng lúc đó đang mải vui chén chú chén anh với vài anh em, khi tàn cuộc rượu, tới nơi thì hồn chờ không được nhập vô xác trở lại, người ta cười bảo: “May Thần Chết chê không rước đi”. Từ đó tôi thề không đụng tới rượu nữa.

Theo cháu, cụ cứ uống rượu đi, cho thiên hạ nhờ.

Các vị nói cho vui thế thôi chứ sống chết là việc quan trọng, bỏ bê chểnh mảng thế nào được. Sẵn đang nói chuyện rượu, tôi kể chuyện này.

“Một hôm có anh chàng trông bộ thiểu não bước vô quán rượu, chọn một góc vắng. Anh ta gọi ly rượu rồi cứ thế ngồi nhìn chằm chằm vô ly rượu, cứ như muốn tìm trong ly rượu một ý tưởng hay một tứ thơ. Ngồi hơn nửa tiếng đồng hồ mà môi chẳng động vô ly rượu. Lúc ấy có một anh chàng đang lâng lâng trông thấy cảnh tượng ngứa mắt bèn tiến tới giật ly rượu đang trên tay của người nọ nốc cạn một hơi rồi thong thả đặt úp chiếc ly không xuống bàn.

– Chú mày muốn làm gì tao nào!

– Chẳng làm gì hết. Để tôi kể anh nghe chuyện này. Hôm nay là ngày xúi quẩy nhất đời. Sáng nay tôi đi làm trễ mất một tiếng, bị đuổi việc, thu xếp đồ đạc ra về khi tới chỗ đậu xe chẳng còn thấy chiếc xe mình đâu cả. Thế rồi cũng tìm cách về được nhà. Vừa vào phòng thì thấy cô vợ yêu quý, từng thề non hẹn biển đang ôm thằng bạn thân nhất, cả hai đang trần truồng trên giường. Buồn quá ra quán rượu gọi một cốc.

Nhưng sao không uống lại cứ nhìn vô đó? Định tìm lại chiếc xe hay cô vợ chung thủy trong cốc rượu à?

Không, tôi đã bỏ gói bả chuột vô đó rồi ngồi nhìn ly rượu nhấm nháp cái chết đang dần dần tới. Chưa kịp uống thì anh đã uống hộ mất, chẳng lẽ bắt đền anh?

Anh chàng kia mặt mày tái xanh, chưa biết phải làm gì thì cả người gục xuống(2).

Cả phòng xôn xao.

Đấy, cái chết lãng nhách không ra làm sao cả. Còn sau đây là một cái chết… êm ái khác.

“- Ông chồng đang hấp hối, bà vợ ngồi cạnh giường khẽ vuốt ve cho chồng.

Người chồng cảm động nhìn vợ âu yếm, thều thào. Trước lúc lên đường, anh có điều muốn nói với em.

Không cần đâu anh. Anh cứ nằm yên nghỉ.

Không, anh muốn ra đi với lòng thanh thản, nhẹ nhàng. Em hãy để anh nói, giúp anh trút bỏ gánh nặng tội lỗi. Thấy vợ ngồi im như có vẻ đồng ý, người chồng nói với giọng đang yếu dần. Anh đã ngủ với em gái em, với cô bạn của em gái em. Và cả… với bạn của bạn em nữa. Với sự cố gắng cuối cùng, anh chồng thều thào: Vợ nhân từ hãy tha thứ cho anh.

– Không có gì đâu anh, em biết lâu rồi mà. Anh nằm im thuốc ngấm dần.

Ôi, vợ nhân từ của anh. Đến nước này còn thuốc thang gì nữa em yêu.

– Không anh yêu, chỉ một ít độc dược thôi mà, vừa đủ…”.

Cả phòng lặng im như đang mặc niệm cái chết vừa đau vừa lãng xẹt của người chồng (3).

Từ ngoài cửa đi vào phòng chờ hai người đàn ông, một già một trẻ. Cả phòng chờ mắt sáng lên định hỏi nhưng người đàn ông lớn tuổi đưa tay ra hiệu.

Xin các vị chờ cho một tẹo. Cho phép hai bố con tôi được hỏi cụ Thần Chết vài câu. Chào cụ. Cụ có còn nhớ chúng tôi không?

Thần Chết cố nhớ: Để xem, để xem. À! Xin chờ một chút cho cỗ máy vi tính, chỉ cái đầu, khởi động… Tôi nhớ đây đúng là một trường hợp quá ư đặc biệt có một không hai – Hai bố con chết cùng một lúc.

Cháu nghĩ là cụ đã đoán ra được 50% rồi.

Cả phòng chờ hồi hộp.

Thần Chết suy nghĩ một lúc: Sắp được mà… hôm đó… hình như lâu lắm rồi… Đúng là hơn trăm năm trước, hai bố con cùng ra đi một lúc, lại đang mạnh khỏe.

Không phải do rượu có bả chuột hay thuốc độc chứ?

Chắc chắn là không rồi.

Có phải hai cha con choảng nhau vì một chuyện gì đó, lỡ quá tay.

Tôi nhớ lúc đó không có cảnh sát, bác sĩ khám nghiệm.

Vậy là do kẻ cướp rồi.

Người đàn ông lớn tuổi lắc đầu: Hai bố con chúng tôi nghèo, có mời trộm cũng không thèm vào. Mà nếu chúng có lỡ vào, lúc trở ra tay trắng còn bị chúng mắng: Lần sau phải đóng cửa cài then, đừng để bọn tao mất công.

Chắc là bị ngộ độc hay trúng gió…

Trong các vị không ai đoán đúng hết. Thần Chết nói. Hôm đó tôi có việc đi ngang qua cổng, nghe trong nhà có tiếng cười. Bình thường không ai cười như vậy. Tôi lấy làm lạ ghé mắt nhìn vào. Có hai người, một già một trẻ đang cười nghiêng ngả, cười như đang lên đồng, cười lộn ruột lộn gan. Tôi linh cảm có chuyện lạ rồi, bèn đứng lại chờ xem. Một lát tiếng cười chợt tắt. Tôi kinh hoảng chạy vào thì cả hai đều đã chết, hình như họ chết trong lúc đang cười nên nét mặt có khác với những cái chết khác. Chẳng biết hai người đó có phải là hai vị đây không? Một già, một trẻ. Tôi đoán là hai bố con.

Người đàn ông có tuổi: Vậy là đúng rồi. Cụ nhớ giỏi thật.

Nhưng có điều cho tới nay tôi vẫn không biết nguyên do gì dẫn hai người tới cái chết trong lúc đang vui, còn khỏe mạnh. Mãi sau, cảnh sát có tới nhưng không ai biết vì sao cả.

Số là thế này bà con ạ. Lúc hai bố con chúng tôi làm xong cuốn truyện tiếu lâm, để kết thúc, mỗi người hãy kể lại một chuyện. Chuyện nào cũng làm chúng tôi cười lộn ruột. Cho tới lúc kể tới truyện cuối cùng hai bố con lăn ra cười đến nỗi sặc không thở được rủ nhau đi luôn. Truyện cười thì còn trên đó còn hai bố con tôi thì ở dưới này. Đầu đuôi chỉ có vậy. Chúng tôi nghĩ do vậy nên ngôn ngữ dân gian có từ “chết cười” chớ có ai nghe nói “chết khóc” đâu.

Chắc trên kia rốt cục không ai biết vì sao các vị chết.

Các vị khỏi lo. Trong lời tựa cuốn truyện tiếu lâm họ có kể lại chuyện cái chết của hai bố con tác giả.

Chuyện của hai vị vui thật. Vậy hôm nay có quà gì cho chúng tôi không?

Hai bố con nhìn nhau rồi cùng “ôkê”.

Người đàn ông lớn tuổi: Có một cụ già vừa tắt thở con cháu xúm lại khóc than. Mấy người con kéo nhau ra một chỗ ngồi bàn bạc kế hoạch mai táng. Người anh cả nói: Bố lam lũ cực khổ cả đời chưa được một ngày sung sướng, nay anh em mình đứa nào cũng làm ăn khấm khá. Chưa vào hàng đại gia thì cũng là trung gia, tiểu gia. Nay bố mất đi, đây là một dịp trước là báo hiếu, sau là để bà con xóm giềng nhìn vào. Anh tính thế này, ba anh em mỗi đứa bỏ ra một tỷ, một tỷ mua đất xây mộ. Một tỷ lo việc ma chay, còn một tỷ cho chiếc quan tài loại gỗ tốt, các chú xem có được không? Hai người em còn đang suy nghĩ chưa kịp có ý kiến thì đằng giường bỗng mọi người hoảng hốt bỏ chạy miệng kêu í ới. Ba người con chạy tới giường thì thấy ông cụ ngồi dậy, thều thào nói:

– Các con ạ, nếu vậy thì bố chưa muốn chết đâu. Anh cả lúc nãy nói đúng đấy. Cả đời bố chưa được sướng ngày nào, bố sẽ ăn hết mấy tỷ của các con vừa nói đó chứ chôn xuống đất làm gì cho phí. Hết tiền rồi bố chết cũng được, lúc đó bố không cần quan tài, mộ miếc gì cả, một manh chiếu rồi đem thủy táng cũng xong. Các con xem thế có được không? Mấy người con trông thấy thế muốn té xỉu (4).

Nhiều tiếng vỗ tay.

Người con:

Nhà bị dột. Người chồng leo lên mái nhà lợp lại, bỗng trượt chân rơi xuống đất. Biết chắc chắn mình sẽ bị chết. Khi ngang qua cửa bếp cố gọi với vào trong bảo vợ “Chiều nay mình nhớ cắt bớt một suất cơm”. Bà vợ nghe chưa hiểu đầu cua tai nheo ra sao, chạy ra vừa lúc người chồng đang nằm hấp hối trên đất. Thấy vợ ra bèn nói với vợ một câu “Vừa rồi bà có nghe tôi dặn tối nay cắt một suất cơm không?” Bà vợ khóc: Ông khỏi lo, nghe rồi, nghe rồi… Người chồng nói thều thào: “Thế thì được”, nói xong nhắm mắt đi luôn (5).

Chuyện hay nhưng ngắn. Phải bù thêm.

Vâng, tôi xin kể thêm chuyện này. Có hai vợ chồng có tuổi, một đêm nọ nằm chờ ngủ, người vợ than: “Mình có nhớ ngày nào không, trước lúc ngủ bao giờ mình cũng nắm tay, vuốt nhẹ cánh tay em”. Tưởng gì chứ chuyện đó dễ thôi, ông nắm cánh tay bà vợ vuốt lên vuốt xuống nhẹ nhàng. Một lát bà lại dịu dàng: “Sau đó ông không quên hôn em và chúc em ngủ ngon”. Ông bèn nhổm dậy, hôn mái tóc, bờ vai và đôi mắt nàng rồi nói: “Chúc… bà ngủ ngon”. Tưởng đã hết rồi, bà bỗng nói thêm giọng ngọt ngào: “Anh còn quên một khoản cuối cùng mà em rất thích”. Không đợi ông hỏi, bà nói luôn: “Sau đó anh còn cắn vào đôi vai trần của em”. Tuy có đau nhưng là nỗi đau nhớ đời. Tưởng ông sẽ thực hiện ngay như hai lần trước một cách ân cần âu yếm, nhưng ông không nói không rằng, ngồi nhổm dậy rồi xuống giường bỏ đi. Bà hoảng hốt gọi giật lại: “Kìa, ông làm sao vậy?”. Bà mếu máo như sắp khóc: “Nếu ông không thích thì thôi”, nhưng ông từ tốn nói: “Tôi vào toalet lấy hai hàm răng đã chứ”(6).

Cả phòng cười ầm, vỗ tay rôm rả.

Hai bố con người kể chuyện cười cảm ơn mọi người rồi ra cửa. Có một nhóm người ái mộ đang đợi ngoài sân.


(1) Trích trong tập truyện ngắn: “Chiếc bóng của tôi”­ (Văn Biển) chưa xuất bản.

(2), (3) Theo Văn Diên USA.

(4), (5) Truyện cười Gabrovo (Bulgari).

(6) Nguyễn Ngọc Ngạn.

Comments are closed.