Que diêm thứ Tám (kỳ 7)

Tiểu thuyết của Văn Biển

20.

NGƯI ĐÀN BÀ THÍCH Đ THỨ”

Một người đàn bà trạc 40 béo tròn béo trục từ trong đám người mới xuống, tới dúi cho cụ Thường trực một bọc.

Chút cuốc lủi và đồ nhắm. Dưới này chắc hiếm. Cụ dùng cho vui.

Cụ Thường trực: Chết thực, bà quen thói trên đó, gạt gói quà sang một bên. Tên họ, nghề nghiệp của bà?

Cụ cứ ghi đại là Mụ béo. Còn nghề nghiệp, chuyên trị chỉ trỏ.

Là thế nào?

Là mối lái, gần đây người ta gọi là cò. Thấy cụ Thường trực phân vân. Cụ cứ ghi đại là cò.

Sao lại có chuyện ghi đại được.

Lâu nay người ta quen gọi con như vậy. Nhưng xin thưa trước với bố, con chẳng đăng ký hộ khẩu ở đây đâu.

Linh hồn bà không ở đây thì ở đâu. Đây là nơi trú ngụ của mọi linh hồn, từ những linh hồn đau khổ cho tới những linh hồn thoát xác rồi yên vui nhẹ nhõm.

Cõi Niết bàn cụ ạ. Con thừa tiêu chuẩn để lên hầu cõi Phật. Cả đời con chưa hề làm một điều gì thất đức. Chân con chưa hề dẫm phải con giun cái kiến. Tất cả là chúng sinh đau khổ của Đức Phật tổ Như Lai. Ngày giỗ Phật, con mua thật nhiều chim rồi thả cho chúng nó về cõi trời, chúng sẽ báo cáo Đức Phật có một chúng sinh đau khổ, ngày đêm ăn chay niệm Phật. Chợt thấy một người đàn bà gầy yếu từ ngoài vào, mụ trố mắt nhìn rồi hét lên. A, bà tóm được mày rồi. Con trời đánh thánh vật kia. Bà sẽ xé xác mày thành trăm mảnh, vứt cho diều tha quạ gắp. Mày quỵt tiền của bà tưởng trốn được mãi dưới này à? Bà đòi cả vốn lẫn lãi. Lãi mẹ. Lãi con, lãi cháu lãi chít, tất tần tật. Không đủ, bà lột xác, róc xương mày ra nấu cao bán. Đuổi theo người đàn bà gầy yếu chạy ra ngoài sân.

Loạn rồi. Cụ Thường trực kêu lên. Các người quên đây là nơi trú ngụ cho những linh hồn yên tĩnh. Cho những linh hồn cần yên tĩnh, các người nghe rõ chưa? Lẩm bẩm như nói với mình, vào thời mình, đồ dùng toàn bằng đá. Nếu có thấy vàng, kim cương người ta cũng chỉ nhặt để ném chim, chọi cá. Đêm ngủ không cần cửa nẻo, nằm trên lá khô. Bẻ que, lấy sỏi làm tính. Đời sống chỉ có vậy. Đốt đuốc giữa ban ngày cũng không tìm đâu ra lắm những chuyện lạ lùng này. Các người ra đi, ra cả đi. Cho tôi xin được một phút yên tĩnh. Ai đó đóng giúp tôi cánh cửa, thật chặt vào. Đừng để tiếng hét của mụ ta lọt vào tai, và cũng không cho anh chàng ngỗ ngược đó vào. Ôi, nếu linh hồn mà chết được thì cũng cầu xin Ngọc Hoàng cho họ chết thêm một lần nữa.

21.

VỊ KHÁCH QUAN TRỌNG

Có tiếng gõ cửa. Tấm cửa được nâng lên. Thần Chết và ông Tư bước vào.

Thần Chết: Giới thiệu với bà con, nhân vật quan trọng ở tỉnh ta.

Bác Chủ tịch! Những người ở phòng chờ reo lên.

Ông Tư nhìn khắp lượt: Ồ bà con tỉnh ta cả. Xin đừng coi tôi là nhân vật quan trọng và cũng đừng gọi tôi là Chủ tịch. Cứ gọi tôi là ông Tư, thằng Tư. Cười. Quan nhất thời, dân vạn đại, chân lý muôn đời mà.

Cụ Thường trực nói với Thần Chết: Tôi nghĩ dọc đường xe hỏng hay là… cụ lỡ chén chú chén anh với ai để hồn chờ mãi không được nhập lại với xác rồi cũng nên.

Cụ làm như lúc nào tôi cũng có mặt ở bàn nhậu.

Dọc đường tôi có nhờ cụ dừng lại cho tôi ghé thăm đập thủy điện xem sao. Sắp tới mùa lũ. Rồi nhân tiện thăm vài nơi ăn ở của bà con.

Cụ làm việc chừng ấy năm trên đó, lúc ra đi vẫn chưa yên tâm hay sao.

Người ta bảo chết chưa hết là vậy đó cụ ạ. Có cho thêm mấy năm nữa lúc ra đi vẫn có cảm giác chưa xong.

Một người đàn ông trạc 40 tuổi ở ngoài bước vào, mừng rỡ: Bác Tư, có nhận ra thằng Nam này không? Nghe ông xuống mừng quá. Biết mình lỡ lời, xin lỗi, buột miệng nói ra.

Ông Tư vui vẻ. Không sao, tới số thì đi. Trời, sao trẻ lâu vậy?

Chết trẻ khỏe ma mà. Mà cụ làm gì trên đó lâu dữ vậy? Gớm. Tôi cứ nghĩ cụ mải mê chuyện đời quên cả mệt.

Đúng là nhiều việc, lắm lúc quên hết cả mệt. Tới lúc nằm xuống mới biết mình kiệt sức.

Xuống dưới này mà thanh thản như bác kể cũng hiếm đấy.

Xong nhiệm vụ thì về. Giao lại cho lớp trẻ chúng nó trông.

Ông Nam nói với người đàn bà vừa vào: Bà Tư có biết ai đây không?

Bà Tư thoáng nhận ra ngay: Trời! ông.

Kìa bà! Theo thói quen định ôm vợ, nhưng bà né ra, xấu hổ. Ồ, bà vẫn quê như hồi nào.

Gớm, lâu không thấy ông xuống, tưởng ông mê ả nào trên đó.

Lúc bà đi tôi đã ngoài năm mươi.

Bây giờ 70 chưa phải là già. Lại thêm bao thứ trợ lực khác. Nhưng nói đùa thôi, tính ông thế nào tôi chả biết. Nào bây giờ ông kể chuyện bầy nhỏ trên đó ra sao. Thằng út đã lấy vợ chưa? Còn vợ chồng thằng cả…

Hãy gượm, lát về nhà ta vừa ăn vừa nói chuyện.

Ông làm như vừa mới đi công tác về.

Ừ nhỉ, tôi quên mất đây là đâu.

Cụ Thường trực: Xin ông cho biết tên họ, chức vụ nghề nghiệp trên kia.

Thưa, Nguyễn Văn Tư, nguyên Chủ tịch tỉnh.

Lý do chết?

Tới tuổi thì đi. Thật ra thì lúc ra đi cũng còn chút ân hận nhiều việc còn dang dở.

Cụ có nguyện vọng gì không?

Rảnh rỗi thế này có được chơi cờ không ạ?

Mời các vị tha hồ. Chỉ xin lúc thua đừng vác quân cờ, bàn cờ choảng nhau là được. Dưới này cần phải được yên tĩnh. Với nhà văn đang ngồi ở dãy ghế phòng chờ: Nhà văn thường gọi nơi này là gì nhỉ?

“Thành phố của những người im lặng” cụ ạ. Hồi còn trên kia, cứ mỗi lần đi ra phía tây thành phố, nhìn lên đồi cao thấy khu nghĩa trang như một thành phố nhỏ màu trắng. Một thành phố im lặng. Chỉ có gió và tiếng chim.

Ông Tư nhìn ra ngoài cửa ra vào: Nhìn khắp nơi tôi có cảm giác như một an dưỡng đường bao la, vĩnh cửu.

Cụ Thường trực: Vâng, là để cho mọi linh hồn được yên khi thoát khỏi hình hài nặng nề trên trần thế.

Ông Tư từ lúc vào cứ nhìn nhà văn, đang ngồi kín đáo ở một góc, vui vẻ tới bắt tay nhà văn: Xin lỗi nãy giờ tôi cứ ngờ ngợ nhớ gặp anh ở đâu rồi.

Anh về tỉnh được mươi hôm thì tôi ra đi.

Sau đó tôi có tìm đọc mấy cuốn của anh nhất là cuốn cuối như những lời sám hối. Đúng là tiếng sét giữa trời quang…

Nhà văn cười: Thưa… Cố Chủ tịch. Đất nước ta có lúc nào trời quang đâu ạ.

Ông Tư cười: Câu vừa rồi là tôi buột miệng nói ra. May dưới này gặp lại anh, còn có dịp để trao đổi. Trên đó bận túi bụi. Thật thú vị, nhìn tập bản thảo dày trên tay nhà văn. Ít ra dưới này anh còn có việc để làm và không sợ những vùng đất cấm nữa.

Thế Đạt vừa tới: Đồng chí Chủ tịch!

Ồ anh Đạt, thật không ngờ…

Vâng, không ngờ cuối cùng chúng ta lại gặp nhau ở đây.

Dưới này anh đã gặp cô…

Có, tôi đã gặp Nga. Bác có nhớ anh chàng Khánh dạo nọ ở Viện tôi không?

Kỹ sư hóa phải không?

Đúng, kỹ sư đầu bò, tác giả bản đề án chống rỉ đã một thời làm mệt nhoài cả Viện tôi và đau đầu các vị lãnh đạo tỉnh. Bác biết không, hiện cậu ta đang là tù nhân dưới sự cai quản của cô ấy.

Ồ, chuyện lạ thật.

Ông Nam: Dưới này còn khối chuyện lạ.

22.

CHUYN CU TÈO, CÁI HĨM VI MÓN NỢ… NGHÌN CÂN

Cu Tèo ngồi trên lưng cái Hĩm: Cậu định đi đâu?

Không thấy các anh chị thanh niên đằng kia à. Trông có vẻ vui lắm. Bọn mình tới tham gia đi.

Đi đâu cũng được. Nhưng trước hết cho mình xuống đây đã.

Cậu cứ ngồi trên lưng tớ.

Nhưng không ai hiểu tại sao mình lại mang món nợ ngàn cân này.

Cậu bảo món nợ ngàn cân nào? Cậu đang ngồi trên lưng tớ kia mà.

Đúng, nhưng chuyện lại hoàn toàn ngược lại. Một thằng con trai lành lặn khỏe mạnh lại ngồi trên lưng một đứa con gái gầy nhom bắt nó làm bò cưỡi.

Mọi chuyện đều có nguyên nhân của nó.

Nhưng họ có hiểu cho đâu. Đằng ấy thích thì tới với các anh chị ấy. Tớ không đi đâu hết. Định trèo xuống đất.

Cái Hĩm vẫn bò dưới đất: tớ bảo cậu trèo lên lưng tớ đi. Người ta nói gì tớ chịu cho.

Người ta không nói mà người ta chửi vào mặt tớ.

Họ chửi họ nghe.

Rốt cục đằng nào tớ cũng thua cậu.

Ơ hay, làm gì có chuyện được thua ở đây. Thôi đừng nghĩ ngợi nhiều chóng già đi đấy. Cứ ngồi yên cho vững tớ phóng tới chỗ anh chị ấy.

Con ngồi vững rồi cụ ạ. Các anh chị có hỏi vì sao có trò này cậu liệu mà trả lời.

Trước mặt hai đứa bỗng xuất hiện Đáng và Ngọc Hoa.

Đáng dang tay chặn cu Tèo và Hĩm.

Cu Tèo ngơ ngác: Có chuyện gì vậy anh?

Mời ngài xuống đây ta nói chuyện.

Cu Tèo trèo xuống đất: Nhưng ông anh cất bộ mặt ác ôn đó đi được không? Ông anh muốn hỏi gì.

Cậu chạy cho mình xem một đoạn có được không?

Em chạy tốt.

Vậy sao suốt ngày lại cứ phải ngồi trên lưng cái Hĩm. Không biết xấu hổ à.

Cu Tèo tức quá… ú ớ: Chuyện riêng của hai đứa em.

Kể từ nay thấy mày cưỡi trên lưng cái Hĩm tao dẫn xuống Diêm vương cho ông cụ ném vô vạc dầu. Nghe rõ chưa?

Anh Đáng ơi, vậy là anh xâm phạm vô chuyện riêng tư của bọn em rồi. Cái Hĩm nãy giờ mới lên tiếng.

Đáng quay lại nói như quát với cái Hĩm: Còn cô nữa. Tại sao lại suốt ngày làm bò cho con trai cưỡi.

Đây là chuyện riêng của bọn em.

Tôi nói lại. Tôi mà bắt gặp trò này một lần nữa thì liệu hồn. Thấy tôi nói có gì sai các em thử hỏi cô Hoa xem sao?

Cái Hĩm và cu Tèo với Ngọc Hoa: Có phải anh ấy… độc đoán không chị.

Ừ có hơi độc đoán. Nhưng theo chị có chơi trò làm bò cưỡi thì chính Tèo làm bò mới đúng.

Nhưng chị ạ, một món nợ hồi còn trên trần thế, xuống dưới này em phải trả. Câu chuyện dài không thể kể một lúc được. Thôi, tụi em đi đây. Bò xuống bảo Tèo trèo lên lưng, quay lại nói với Đáng. Anh có bắt đưa tụi em xuống Diêm vương thì cũng vậy thôi, có vứt vô vạc dầu rồi em vẫn cứ làm bò cho Tèo cưỡi. Cõng Tèo chạy.

Đáng nhìn theo lắc đầu bất lực.

Theo em chắc phải có nguyên cớ sâu xa nào đó.

Anh cũng chắc vậy. Miệng lưỡi con bé không vừa.

23.

CHUYỆN TÌNH YÊU CỦA ĐÔNG

Một nhóm thanh niên nam nữ đang quay quần ngồi chuyện trò.

Anh Đông. Anh hãy cho bọn này biết cuộc tấn công của anh tới đâu rồi?

Đông đỏ mặt: Thú thực với các bạn vẫn chưa tiến thêm một bước nào.

Chiến dịch biên giới năm 79 anh từng được phong Dũng sĩ diệt địch đó sao. Chẳng lẽ đối với một đối tượng gió chưa thổi đã bay như chị Hằng Nga mà hơn một năm rồi anh còn nói chưa tiến thêm một bước, nghe sao được.

Cuộc chinh phục này không có liên quan gì tới chuyện anh hùng với dũng sĩ. Nếu phải dùng tới vũ khí thì phải loại vũ khí siêu nhẹ như tờ Euro, USD trên kia các đại gia hay dùng, cộng với bao nhiêu thứ khác, biệt thự đẹp, xe hơi siêu hạng… Nhưng dưới này các thứ đó chẳng tác dụng. Các bạn gái xem có kế gì hay. Một bạn trai nói.

Bọn em trên kia chỉ như con mồi, lúc nào cũng lo bị săn bắt, bị chộp.

Cả nhóm cười ồ:

– Xưa rồi Diễm. Bây giờ là thời a còng. Có nhà thơ đã viết: “Anh ước là con mồi, cầu mong em săn được”. Nhưng bây giờ thì khác, các cô gái giăng bẫy vồ các anh.

Tôi có cách này. Thương lượng với người đẹp đổi tù binh.

Nhiều tiếng vỗ tay.

Hằng Nga và Khánh đang đi tới. Hằng Nga tay cầm cây roi. Khánh đi trước lom khom vác bó bổi.

Một người trong bọn họ gọi to: Người đẹp và anh chàng tù binh ơi, vào đây một tý với bọn này. Với Hằng Nga vừa tới. Trên kia công việc của anh ấy là ngồi trước máy tính hoặc trong phòng thí nghiệm.

Lao động cải tạo con người các bạn ạ.

Chị quên mất anh ấy là kỹ sư…

Có một thời trên kia khối trí thức văn nghệ sĩ phải lao động cải tạo.

Đám thanh niên cười ồ:

Xuống dưới này chị còn học cách chơi của trên đó à.

Sau thời gian đi cải tạo về, nếu còn sống, có ai viết hay hơn, vẽ đẹp hơn đâu.

Hằng Nga lúng túng một lát, các anh có cách gì hay hơn bày cho tôi.

Nếu có ai trong bọn này tự nguyện làm tù binh thay thế anh ấy chị có chấp nhận không?

Hằng Nga ngạc nhiên: Sao lại có chuyện lạ thế.

Số là thế này. Anh ta muốn tự trừng phạt mình để lòng được nhẹ nhõm. Anh ấy xin được tự nguyện.

Tôi chưa từng nghe nói tự trừng phạt mình bằng cách tự nguyện làm tù binh.

Thế chị không biết có một đạo tự hành xác à. Tự hành xác là một cách giải thoát tội lỗi, linh hồn được nhẹ nhõm.

Vậy tôi gặp anh ấy được không?

Họ vui vẻ đẩy Đông ra đối diện với Hằng Nga: Đây, người cần chị giúp.

Tưởng ai xa lạ, hóa ra anh Đông, dũng sĩ diệt địch năm 79.

Vậy chị nhận anh ấy làm tù binh chứ?

Anh ấy là người chúng ta phải công kênh lên.

Anh ấy tự nguyện kia mà.

Thôi được, để tôi nói chuyện trực tiếp với anh Đông. Anh Đông, có phải một hai anh tự nguyện làm tù nhân của tôi không?

Đông rụt rè: Đó là ý của các bạn ấy.

Các bạn nghe rõ rồi chứ. Chào anh Đông nhé. Hẹn lát nữa gặp lại anh.

– Anh Đông ơi, anh làm xấu hổ bọn em quá.

– Anh sợ chị ấy ăn thịt à?

Một cô gái: Thôi các bạn, tha cho anh ấy đi. Anh Đông không biết, đàn bà chúng em là giống thích bị trị. Đàn ông càng hung dữ, tàn bạo thì phụ nữ chúng em càng thích.

Chuyện đó xưa hơn Trái đất cô em ạ. Chị ấy hứa lát nữa sẽ gặp, biết đâu tình thế sẽ thay đổi.

– Anh Đông nhớ phải luôn luôn tỏ ra mình là thằng đàn ông.

– Đàn ông thứ thiệt trăm phần trăm.

– Khỏi phải dạy anh ấy. Anh chàng nào chẳng học điều ấy từ lúc còn trong bụng mẹ.

– Không bàn tán nữa. Ta núp vô lùm cây đằng kia chờ lát nữa chị ấy tới xem sao.

Mọi người chạy về phía lùm cây, vừa đi vừa hô: Ta nhất định thắng, địch nhất định thua.

24.

“GIÓ KHÔNG VÔ TÌNH” BÀI THƠ CA CU TÈO

Còn lại một mình Đông ngồi bệt xuống bãi cát. Anh cầm que vẽ rồi xóa, xóa rồi vẽ. Từ xa cái Hĩm đang làm bò chở cu Tèo tới. Lúc này Đông đang ngồi mơ mộng.

Anh Đông đang mơ tưởng tới người đẹp đó à?

Đông giật mình quay lại nhìn đôi bạn nhỏ chống chế: Ờ… ờ… các em miệng còn hôi sữa biết gì chuyện người lớn mà nói.

Nếu còn trên kia tụi em nay cũng đã 17, 18 rồi ông anh ạ, thừa sức nói tới những chuyện này rồi.

Mà anh định dối tụi em làm sao được. Chẳng phải mấy nét ký họa kia không phải anh vẽ chị Hằng Nga thì còn ai vô đó nữa. Chị ấy sướng thật. Có người làm tù binh, có người suốt ngày vẽ chân dung mình. Xuống dưới này còn bao người mê.

Cu Tèo nói như quát: Cậu có chịu bớt mồm bớt miệng lại một chút không?

Em nói có đúng không anh Đông. Chẳng phải là anh đang vẽ chị Hằng Nga đó sao.

Ngồi buồn vẽ cho vui. Mà sao em bảo suốt ngày anh vẽ chân dung chị ấy.

Trên bãi cát chỗ nào mà chẳng thấy hình chị ấy.

Anh cứ nghĩ là gió sẽ xóa đi hết đấy.

Cu Tèo nói như reo lên: Em nghĩ hình như gió có mắt, gió xóa đi những cái gì cần xóa. Còn những nét vẽ đẹp gió để lại.

Cu Tèo ơi, nếu còn ở trên kia em sẽ là nhà thơ.

Tại sao anh lại nghĩ vậy.

Câu em vừa nói lúc nãy chẳng phải là thơ sao. Nó còn đẹp hơn những bức vẽ của anh. Câu em vừa nói có thể diễn dịch thành thơ.

Gió đi qua cát

Vô tình xóa tất

Những gì mỏng manh

Còn lại

Những bức chân dung của nàng.

Cu Tèo: Bài thơ có thể đặt tên “Gió không vô tình”.

Cái Hĩm: Chỉ có người đẹp là vô tình thôi.

Kìa, chị ấy đang tới.

Thôi bọn em xéo đây, anh ở lại với chị ấy nhé.

Đông lại ngồi loay hoay vẽ trên cát. Không biết Hằng Nga đang đứng sau lưng nhìn anh vẽ.

Anh Đông, anh vẽ ai mà say mê thế?

Đông lúng túng đứng dậy: Tôi vẽ… Nga.

Chỗ nào cũng thấy hình tôi.

Đông đứng im như người ăn vụng bị bắt quả tang.

Tôi tưởng khi vẽ chân dung ai phải có người đó ngồi làm mẫu.

Đông lúng túng một lát rồi ấp úng. Cứ nhắm mắt là Nga hiện ra.

Hằng Nga cảm động: Có được mối tình như anh thật là quý. Đó là của trời ban. Tiếc rằng…

Tôi hiểu, không cần Nga phải nói.

Nhưng sao anh nhát thế. Chẳng lẽ hồi trên kia lúc còn đi học anh cũng vậy sao.

Cũng không được bạo lắm. Nhưng không giống như lúc này. Có lẽ vì Nga đẹp quá.

Anh sinh nhầm thế kỷ rồi. Đi khắp cả hoàn cầu không bói ra một thanh niên nhát gái như anh. Bất ngờ hôn vào má Đông. Đấy, anh thấy có làm sao đâu.

Tôi sẽ giữ mãi kỉ niệm này.

Cảm ơn anh. Thôi tôi phải về kho bổi đây. Thỉnh thoảng chúng ta gặp nhau nói chuyện cho vui. Nga bất ngờ hôn vào má bên kia của Đông rồi chạy biến đi, để lại Đông đứng một mình sững sờ. Từ bụi rậm đám bạn ùa ra vây quanh Đông.

Dám hôn nhau giữa thanh thiên bạch nhật mà lâu nay cứ đóng kịch vờ như chưa từng biết nhau.

Đông kêu lên: Chỉ mỗi cô ấy hôn mình.

Một cô gái: Anh ấy nói thật đấy. Nhưng đó chỉ là những cái hôn an ủi.

Có thể đúng đấy.

Nhưng hỏi thật lúc được chị ấy hôn anh có cảm giác thế nào.

… Nếu ở trên kia cả tháng mình sẽ không rửa mặt.

Cả bọn cười ngặt nghẽo:

Trời, bẩn thế con gái nào dám yêu.

Cứ đứng trước người đẹp người mình cứ run lên.

Thế thì suốt đời mồ côi ông anh ạ.

Phải coi tụi em như kẻ địch, như một mục tiêu cần phải tấn công.

Tấn công từ bốn phía.

Và cả từ trên xuống dưới không chừa một chỗ nào.

Cả đám cười ầm ĩ ôm anh chàng nọ đấm túi bụi.

Đang vui bỗng Quý – một thanh niên trong nhóm bỗng ngoái lại đằng sau reo lên: Lại đây, bọn anh đang chờ.

Cả nhóm nhìn theo Quý, từ xa một thanh niên giống Quý như đúc rụt rè đi tới. Cả bọn chạy lại chỗ người đang đứng, vui vẻ: Nhập bọn với tụi mình đi. Sao rụt rè như con gái vậy?

Các anh không biết… em là lính… ngụy. Anh Quý không nói gì với các anh à?

Chẳng ai là ngụy, ai là tà cả. Đó là cái người ta tự ý đặt ra.

Được làm vua, thua đi tù. Thôi dẹp bỏ chuyện cũ đi. Chúng ta đều là anh em với nhau cả. Cùng ruột rà máu mủ – cái dại của một thời.

Chương viết thêm:

CHUYỆN HAI ANH EM TRÊN BÀN THỜ

Trong một hẻm nhỏ không tên, cuối hẻm có một ngôi nhà nhỏ thờ hai anh em tuổi trạc 18 – 20. Hai anh em giống như cặp sinh đôi, có điều hơi khác. Thằng lớn mặc quân phục bộ đội cụ Hồ, đội mũ tai bèo. Thằng em mặc quân phục lính miền Nam. Ảnh hai anh em đứng sát nhau. Mỗi lúc có cán bộ phường tới thăm hoặc làm việc, bà mẹ vội vàng cất tấm ảnh thằng em đi. Đợi khách đi rồi bà mẹ đem ra đặt lại trên bàn thờ, y chỗ cũ.

Đợi đến đêm thanh vắng, hai anh em nói chuyện với nhau.

Anh thấy có tội mẹ không? Sao mẹ không cất quách tấm hình em đi. Những lúc có các ông cán bộ Phường tới, trông bộ mẹ tội nghiệp thế nào ấy. Nếu biết trước thế này, thà mẹ đừng sinh em ra.

Em lại nghĩ xa xôi… vớ vẩn rồi. Nếu có trách hãy trách lịch sử. Tại sao lại sinh ra cuộc chiến tranh Nam Bắc tàn khốc huynh đệ tương tàn kéo dài suốt 20 năm.

Thằng em bỗng bật cười: Sao chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng đổ cho lịch sử. Lịch sử là do con người làm ra. Một lát thằng em lại hỏi:

Theo anh do đâu?

Hồi đó bọn anh được giải thích là đồng bào miền Nam sống cực khổ dưới ách đô hộ của Mỹ – Diệm. Bác Hồ thương xót đồng bào miền Nam, đêm quên ngủ, ngày quên ăn.

Sao em nghe nói ngoài đó sợ trong này để càng lâu miền Nam càng giàu có lớn mạnh thì càng khó thống nhất…

Sau này ngoài đó cũng có nhiều người nghĩ như vậy.

Em nghĩ nói “ngoài đó” nghe chung chung và oan cho nhân dân. Chẳng có người dân nào thích đánh nhau đâu. Cái chết, tang tóc, đau thương bao giờ cũng thuộc về người dân. Có nhà thơ đã nói đúng, trong chiến tranh dẫu bên nào thắng thì kẻ thua thiệt vẫn là người dân(1).

Thằng anh trầm ngâm… Ừ, lịch sử chỉ là cách nói thôi.

Hỏi thật anh, ngồi sát bên em anh có thấy hổ thẹn không?

Sao em lại nói thế?

Vì em là lính ngụy mà.

Ngụy là do bên kia tự ý đặt ra. Một đằng theo Liên Xô, theo Tàu. Sau mấy chục năm anh cả sụp đổ tan thành mây khói, anh hai ngày càng lộ nguyên hình tên cáo già xỏ lá, âm mưu xâm chiếm Việt Nam. Còn một đằng theo Mỹ. Đi ba đồng bảy đổi cuối cùng bên kia lại trở về với con hổ giấy. Người ta bảo phải mất 70 năm để đi một đường vòng cộng với bao nhiêu xương máu mới làm được chuyện này. Nếu ta thử làm một phép tính cộng.

Thường không ai nghĩ tới chuyện này. Tâm lý người đời chia sẻ niềm vui chứ ít ai cộng lại các nỗi đau, mất mát.

Còn chuyện con hổ giấy là do thằng Tàu đặt ra.

Chính Mao đặt ra. Nhưng hắn là kẻ muốn làm thân với Mỹ nhất. Nghe nói lúc Nicxơn sang hắn chờ từng giây từng phút, theo dõi từng bước đi của con hổ giấy.

Tuy là hổ giấy nhưng móng vuốt của nó là móng vuốt thật.

Vậy rốt cục anh em mình chết oan à? Anh bị bom từ máy bay Mỹ trên đường Trường Sơn. Còn em bị chết do mìn phía anh. Em hỏi thật anh, nếu tình cờ… của lịch sử anh em mình mỗi người ở một bên chiến hào, trông rõ mặt nhau, nhận ra nhau, lúc đó anh có bắn thằng em ngụy này không?

Em hỏi hơi ác đấy. Khó trả lời. Còn tùy theo tình huống thực tế lúc đó. Bọn anh được dạy căm thù Mỹ Ngụy từ lúc còn ngồi ở ghế nhà trường, miệng còn hôi sữa.

Thế còn em. Liệu có bắn anh không?

Chắc chắn là không. Lúc anh đi rồi, mẹ kể nhiều chuyện về anh, chuyện của hai đứa mình. Lúc nào anh cũng nhường nhịn em. Miếng bánh chia đôi, phần lớn anh nhường cho em. Em chỉ mong gặp anh… Nhưng không phải gặp anh trong trường hợp cả hai đứa đều trên bàn thờ.

Buồn thật.

Buồn và đau khổ nhất vẫn là mẹ. Mẹ đều thương hai đứa như nhau. Chắc mẹ nghĩ chẳng có thằng nào bên ta, bên địch cả.

Sao hồi đó anh không trốn quân dịch. Em trốn quân dịch mấy lần, cuối cùng cũng bị bắt.

Lúc đó anh đang học ở Liên Xô, nghe tin miền Nam đang bị Mỹ xâm chiếm, anh và vài anh em khác hăng hái viết đơn xin về nhập ngũ rồi vượt Trường Sơn vào trong này.

Bây giờ anh có tiếc không?

Bi kịch của lịch sử mà. Mình chỉ là con bài, con tốt của số phận.

Bất ngờ cậu em hỏi:

Anh có biết cuộc giải phóng miền Nam đã cứu bà con miền Bắc không?

Anh chưa từng nghe nói chuyện đó. Trông thằng anh vẻ ngạc nhiên.

Người ta bảo nếu miền Bắc không bận tâm suốt 20 năm trời vào công cuộc giải phóng miền Nam thì rảnh rỗi thế kia làm gì không tính chuyện làm một cuộc cách mạng văn hóa long trời lở đất như người thầy vĩ đại bên kia. Mà hậu quả của cách mạng văn hóa còn kinh khủng gấp mấy cuộc cải cách ruộng đất. Cải cách ruộng đất chỉ tập trung trong mấy vùng nông thôn, còn cách mạng văn hóa thì có thể chơi luôn toàn quốc, muốn đánh ai thì đánh bất kể người đó là ai kể từ ông Chủ tịch nước trở đi. Người ta tính cuộc cách mạng văn hóa ở Tàu đã giết chết hàng mấy chục triệu đồng chí, đồng bào, những phần tử ưu tú của Đất nước.

Thằng anh nghe nói bỗng rùng mình. Ừ, cũng có lý.

Có bao giờ anh tự hỏi giá ngày đó miền Bắc đừng đánh miền Nam thì bây giờ miền Nam sẽ thế nào.

Trước mắt sẽ không phải chờ mấy chục năm sau cả hai miền mới đuổi kịp thằng Thái Lan bây giờ. Vậy cái người ta gọi là được hóa ra… thằng em bỗng dừng lại quay sang chuyện khác. Giả sử hồi đó hai miền thống nhất theo một kiểu khác, nếu miền Nam thắng chắc chắn không có chuyện hàng triệu người bỏ nước mà đi bằng mọi giá. Và sau mấy chục năm nhân dân cả hai miền sẽ không nghèo đói cực khổ, xã hội ngày càng xuống cấp, tha hóa mọi mặt như bây giờ. Em lại giả sử hồi đó…

Thằng anh cảm thấy ớn lạnh vội cắt ngang:

Lịch sử không có chuyện nếu với giả sử. Cái gì phải tới thì cũng tới rồi. Thôi, ta nói sang chuyện khác đi. Nói mãi chuyện thế sự thì sẽ có hàng trăm ngàn câu hỏi “tại sao” mà không phải ai cũng trả lời được và câu nào cũng giải thích được.

Em vẫn không hiểu…

Thì anh có hiểu gì hơn em đâu. Nói chung do lịch sử cả mà.

Thằng em không nín được cười.

Ừ, đúng. Cứ đổ hết cho lịch sử là êm chuyện.

Hóa ra lịch sử là cái bồ chứa đựng những điều may rủi định đoạt số phận cả đất nước nhưng lại lệ thuộc vào ý chí của một vài người, mà khổ thay, không phải lúc nào cũng đúng. Thậm chí sai lầm lại nhiều hơn. Những sai lầm chết người.

… Thằng em như vẫn còn áy náy:

Em nghĩ giả sử hồi đó…

Lần này thằng anh giả vờ lim dim ngủ để tránh những câu hỏi không thể trả lời được… Nếu cứ giả sử mãi thì rốt cục cũng sẽ thành chuyện “Nghìn lẻ một đêm”… Mà toàn chuyện đau lòng… dầu cho vài trăm năm sau có trở thành chuyện cổ tích. Lịch sử không quên, không bỏ xót một điều gì.

V.B.

(Xem tiếp kỳ sau)


(1) Nguyễn Duy.

Comments are closed.