Tiếng cồng (kỳ 2)

Tiểu thuyết của Nam Dao

1- CÂY ÐA NƠI ÐỈNH MIẾU

Chập tối, chuyến xe của cà phê Sinh từ Hà Nội lăn bánh rào rạo trên lớp đá xanh rải trước sân. Mẹ gọi. Khách sạn bật đèn lên. Sa từ dưới bếp vội chạy vào buồng vén tóc, xốc lại áo, rồi ra phòng tiếp khách. Tiếng người hướng dẫn du lịch từ sân vẳng lại một thứ ngôn ngữ có thể hiểu là tiếng Anh, vì cứ chốc chốc, anh ta ngừng nói, đệm vào “exì, exì…”, nghe đoán ra là “yes, yes…”. Mẹ mừng, đứng dậy cười hơ hơ, hỏi nhỏ “… Sa này, được bao nhiêu?”. Nhìn qua kẽ song cửa sổ, Sa đáp “… bốn, năm. Có thể là sáu khách”. “Có thế thôi à?”, mẹ có chiều thất vọng. Sa tần ngần “… mùa này lạnh rồi, mẹ ạ!”.

Khi khách vào, Sa lấy giọng vui vẻ “Welcome to Sapa. Do you have a good trip?”(4). Khách lịch sự gật đầu. Sa đếm, thế là chỉ có bốn. Nàng nhìn sổ rồi sắp phòng. Một cặp, phòng lớn. Còn hai anh độc thân này, mỗi người một phòng nhỏ. Sa hỏi anh hướng dẫn du lịch “… Sao Hà Nội điện xuống bảo có sáu cơ mà?”. Anh ta nuốt ngụm nước, vừa uống vừa đáp “… khách lại bỏ. Mình phải nhập với khách bọn cà phê Trốt Tơ mới đi được. Còn một toán khác ở khách sạn Xuân Hồng…”. Nói xong, anh đổi giọng, trầm xuống một cung, bắt đầu bằng “exì, exì…” và hẹn khách xuống phòng ăn vào lúc tám giờ tối. Anh ngoác mồm cười nhưng không giấu được vẻ mỏi mệt: “Please, take a rest, exì… see you later’’.

Sa cầm chìa khóa, đưa khách vào từng phòng, miệng hỏi “Tây ba lô à?”. Anh hướng dẫn cười “… một thôi “, tay chỉ, anh tiếp “Chú đây người mình! Còn hai ông bà kia là người Pháp. Thằng Tây ba lô là Mỹ chính hiệu đây!”. Sa cười, nhìn cặp vợ chồng, ngượng ngập “… Ah, ah. Bonsoir!”(5). Anh hướng dẫn quay sang nhìn người đàn bà vừa nói vừa cười “Bà này cũng là người mình, không nói được tiếng Việt bao nhiêu, nhưng hiểu một chút…”. Người đàn bà trạc trên bốn mươi nghe rồi gật đầu, nhìn Sa trọ trẹ “… Ah, oui… tên Việt tôi là Lan. Bích Lan…”.

Sapa tối nhanh tựa như trùm chăn, thoáng một cái là đất trời đen màu mực. Ðêm không trăng, không sao. Trước cửa khách sạn, ngọn đèn đường màu vàng bệnh hoạn hắt một khoảng sáng ủ ê xuống con lộ đang sửa lại, bên lề để ngổn ngang gạch đá. Trong phòng ăn, hai ngọn đèn nê ông ở ngay giữa trần nhà, thỉnh thoảng lại chớp chớp như động kinh, trắng lạnh lẽo khiến da mặt người tái bệch đi.

Ðúng tám giờ, đám khách du lịch đã đủ mặt, quần áo tươm tất hơn. Tây ba lô, tên là Billy, dềnh dàng đi lại bàn kéo ghế ngồi. Nó nhìn Sa, nói đùa:

– Come on ! I’m so hungry that I can eat you…(6)

Người đàn ông tuổi trạc trên dưới sáu mươi tuổi lịch sự kéo ghế cho vợ. Bà nói “Merci”. Billy lại lên tiếng, nói với Hà, giọng mũi Texan:

– Này, bạn. Cái gì đây?

Tay cầm lấy bảng thực đơn, Billy chìa ra. Người tên Hà đọc rồi đáp:

– Thịt. Thịt nai. Thịt rắn… Ðủ thứ thịt rừng.

Billy nhăn nhó:

– Tao chỉ thèm một cái Big-Mac và French frites… (7)

Nó quay sang cặp vợ chồng Pháp, cười nói tiếng Pháp giọng Mỹ ngọng ngịu:

– N’est-ce pas, phải không?

Người đàn ông khó chịu nhìn vợ, hỏi nhỏ:

– Marthe, em ăn gì?

Marthe ngần ngừ rồi bật cười, tay chỉ vào thực đơn:

– Này! André… Du loup sauvage! Anh muốn thử không?

Lắc đầu không tin, André mỉm cười nhờ Hà dịch. Hà gật đầu bảo:

– Thịt sói… Ðúng đấy!

André nhăn mặt. Thằng Billy lại hô hố:

– Ở Hà Nội, ăn thịt chó nhà. Lên đây ăn thịt chó sói!

Lúc đó, anh hướng dẫn du lịch mới nói, giọng khẩn khoản:

– Chó, không phải chó sói đâu! Nhưng tôi đề nghị quí vị đừng ăn. Ở đây, nhỡ đau bụng thì… chẳng phải như ở Hà Nội. Xin hãy chọn những món thông thường như gà, bò…

Bữa ăn là một bữa ăn bình thường như mọi bữa ăn trong những khách sạn dành cho khách du lịch nước ngoài, vừa đắt, vừa không ngon. Sa chạy lăng quăng, lúc nào cũng cười, mang thức ăn, rót nước, và dọn bát đĩa. So với con gái ở đây, Sa cao hơn nửa cái đầu. Tóc nàng đen màu gụ, thắt thành bím dài chấm vai. Khi Sa bảo Sa đã hai mươi tuổi, không một ai tin. Thằng Billy vừa nhồm nhoàm, vừa kêu:

– Mày chỉ độ mười bốn, mười lăm là cùng…

Sa lại cười:

– Cám ơn anh!

Chợt Marthe giơ tay lên làm dấu, miệng khẽ xuỵt xuỵt. Nàng lắng tai rồi nói nhỏ:

– Có nghe thấy gì không? Các bạn… lắng nghe.

Mọi người ngơ ngác. Marthe thì thào:

– Tiếng nhạc. Chắc nhạc bản xứ. Tiếng như khèn… Lại còn tiếng một thứ âm vọng từ chất kim, các bạn nghe thấy chứ?

*

Sáng tinh mơ, tiếng đập đá lót đường trước khách sạn đã vang lên. Marthe choàng chiếc áo len, ra ngoài hiên. Lúc đó, Sa đang ngồi giặt những tấm khăn trải bàn. Ðến gần, Marthe vui vẻ:

– Trời ở đây sáng lạnh nhỉ?

Sa đáp:

– Thưa cô, chốc có nắng sẽ ấm lên!

Marthe hỏi:

– Cô, cô nghĩa là gì?…

Nghe Sa giải thích, bất cứ ai nhỏ tuổi hơn mẹ, đều được gọi là cô, là dì… như người trong gia đình. Cách gọi đó vừa thân mật, vừa kính trọng, và lại vừa lịch sự. Marthe ầm ừ:

– Bên Pháp, gọi là Tata…

Sa lặp lại “… Tata?”. Gật đầu Marthe tiếp:

– Không phân biệt em của cha, hay của mẹ. Tất cả là Tata.

Sa ngước nhìn, cười rũ rượi, rồi nói:

– Thế cháu gọi cô là Tata nhé …

Marthe cũng cười.

Bỗng có tiếng sáo ngang réo rắt từ tầng trên khách sạn vẳng lại. Marthe lắng nghe, hỏi:

– Ai thổi sáo đấy?

– Dạ, ông người Mỹ. Tên là Freddy. Ông ấy bảo đấy là cách gọi tắt Frederic. Thôi, cháu phải vào dọn ăn sáng – Sa cười, giọng ngượng nghịu – Tata nhé…

Nhìn bóng Sa lẩn vào sau, Marthe lững thững đi vào khu vườn nằm phía hông khách sạn. Chuyến xe từ Hà Nội hôm qua khởi hành vào sáu giờ sáng. Thế là sau mười hai giờ đường mới tới Sapa, lắm đoạn xe xóc nẩy lên, người Marthe doãi ra bải hoải. Nhìn lên cao, mây chập chùng vây quanh che những đỉnh núi chót vót. Mắt đảo một vòng, Marthe tự hỏi đỉnh Phăng Xi Păng là đỉnh nào nhỉ? Giữa trời mây trắng kết thành những tảng bông lượn lờ dưới ánh nắng sớm vàng tươi. Ưỡn người hít đầy không khí, Marthe lim dim, tai vẫn nghe tiếng sáo ngang, miệng lẩm nhẩm theo nhạc điệu lúc trầm lúc bổng.

Marthe mở cánh cổng bước lên hàng hiên. Khách sạn là một loại vila xây có lẽ từ thời Tây, ba tầng, trần cao, tường mới quét vôi vàng nhưng không che giấu được những vết rạn nứt của một thời đã qua. Vuốt lên thớ gỗ bóng loáng của cái tay vịn cầu thang đi lên tầng trên, Marthe bỗng tự nhiên bùi ngùi mà không rõ tại sao. Nàng lẳng lặng ngồi xuống chiếc ghế bành, vơ vẩn thả mình vào một cõi mông lung. Bất thình lình, anh hướng dẫn du lịch cất tiếng gọi khách. Marthe bước xuống. André ra đón vợ, vòng tay quàng lấy vai Marthe, hôn lên má. Anh hướng dẫn khuyên mọi người ăn cho no trước khi đi trekking(8): “Ngày hôm nay, sẽ đi hai mươi cây số, anh giơ tay, exì, hai mươi cây đường núi chứ không phải đường bằng đâu!”, anh vừa cười vừa nói. Ðám khách du lịch ngồi vào bàn. Thằng Billy nhảy quẫng lên:

– Ăn sáng, bây giờ thì quen ăn phở. No toast, no eggs(9) … chỉ phở.

Mang ra đặt trước mặt Marthe một ly cà phê, Sa chỉ về phía một người mảnh khảnh ngồi trong góc, nói:

– Tata, Freddy đấy… Ông ta ở đây cả tháng rồi.

Ghé vào tai André, Marthe thì thầm rồi đứng dậy đi về bàn Freddy. Marthe mời:

– Anh ra ngồi bàn chúng tôi cho vui.

Freddy lắc đầu, lạnh lùng cám ơn. Marthe chưng hửng, ngượng nghịu:

– Anh là nhạc sĩ? Tôi nghe anh thổi tác phẩm của Richter lúc nãy…

– Không! Bây giờ tôi chỉ thổi sáo cho mình tôi thôi!

Marthe nhẹ nhàng:

– Thế anh làm gì?

Freddy ngửng lên, mắt nhìn Marthe, buông thỏng:

– I chase butterflies! Tôi là kẻ đi săn bướm!

Tay chỉ vào một bộ vợt bướm to nhỏ đủ các cỡ, Freddy thủnh thỉnh tiếp:

– Ngày nào tôi cũng vào rừng… Ăn sáng xong là đi!

Marthe vui vẻ reo:

– Cái nghề đến hay! Thật tuyệt…

Nàng quay về bàn. André ngước mắt lên ra dấu chào Freddy, nhưng hắn đã đứng dậy, lưng quay về phía đám du khách. Tay xách vợt bướm, Freddy đi ra, không nói năng gì. Thằng Billy kêu lớn:

– Này bạn, đi vui nhé!

Thấy Freddy không ngoái lại, nó thò ngón tay trỏ vào thái dương, ý nói chắc là không bình thường. Rồi nó quay ngón tay trỏ, thọc lên trời, lẩm bẩm nhưng để ai nấy đều nghe thấy “Fuck you! Fool!(10)“.

*

Mẹ quờ quạng tìm các gắp than, tay quơ qua quơ lại trên miệng chiếc lò bếp bằng gạch, rồi gọi nhỏ :

– Sa ơi! Mẹ nghe trời lại trở mưa, phải không con? Gió nữa, gió to đấy!

Vừa múc nước đổ vào nồi, Sa vừa nói:

– Mưa rồi… Sáng trời còn trong vắt, đùng một cái là mưa. Này, mẹ…

Mẹ đưa tay đỡ lấy nồi, đặt lên bếp. Nhấc cặp kính đen ra, mẹ lấy khăn chấm mắt, rồi lại đeo vào.

– Cứ mỗi lần mắt chảy nước là y rằng mưa.

Sa ngoảnh lại. Có lẽ cả năm nay mẹ nhập nhòa chẳng nhìn thấy gì nữa. Ðiều đó, có phải là giá phải trả của ba năm mẹ khóc ngày khóc đêm? Sa không biết. Hoặc Sa cố tình cho mình cái phép được coi như không biết? Mẹ lại lên tiếng:

– Ðêm qua tao lại nằm mơ thấy anh mày. Mỗi lần như vậy, là y rằng sắp lại có chuyện gì… Tao thấy nó gõ cửa, tay cứ chỉ lên đỉnh Hàm Rồng, Sa ạ!

Sa tiếp tục thái rau. Mẹ im lặng, quạt bếp phành phạch. Lát sau, mẹ hỏi:

– Ông phát thư qua chưa?

Sa đáp “Dạ, rồi!”. Nàng chắc chắn rằng dẫu không hỏi nhưng trong đầu mẹ là câu mẹ đã từng hỏi ba năm liền “có thư cha cho mẹ không con?”. Ba năm liền Sa bảo “không!”. Nàng không mở, cất đi những bức thư đó trên kèo nhà, biết sau câu trả lời đó là mẹ lại kêu mệt, nằm dấu mặt vào tường giả vờ ngủ, ấm ức khóc một mình. Sa nhớ tới bức thư nàng viết “… mẹ có người khác lo cho mẹ, chỉ xin cha cho mẹ yên, xây dựng một hạnh phúc mới… và cha đừng bao giờ trở lại đất Sapa này nữa!”. Từ đó cha chỉ thư cho Sa, chẳng nhắc gì tới mẹ. Khi trả lời, không bao giờ Sa trách móc gì cha, úp mở để cha đoán là mẹ sống yên lành vui vẻ.

Chuyến cha vào Ðàng Trong thành một chuyến đi không ngày trở lại. Ðám bạn cũ rủ cha về sống ở Ðà Lạt, rồi cha vẽ và trình bày cho tờ báo có cái tên là lạ là Lang Biang. Sa chưa từng thấy tờ báo. Có dịp về Hà Nội, Sa đi tìm mua. Người ta ngớ ra, bảo “Chưa nghe thấy! Báo gì đấy? Chắc lại là loại Kiến thức phổ thông hẳn?”. Sa không biết, lắc đầu. Cho đến nay, cha chưa biết là mẹ gần như mù. Bức thư cuối, cha viết “… Sa con, cha mừng là con học xong cấp ba, và biết phấn đấu học thêm ngoại ngữ. Cha còn một ước vọng: cha mong con học lên đại học”. Thư trả lời, Sa đáp “… con sẽ đi học ngành Ðiện ảnh như cha khi xưa. Con sẽ thực hiện những bộ phim cha ao ước nhưng chưa làm được. Viết cho đất nước mình một bộ “Chiến tranh và Hòa bình” như Lép Tônxtôi, con sẽ quay phim, mời cha đóng một vai”. Cha vội vã viết ngay “… Thôi, đừng đi theo vết xe đổ, cái ngày con vẽ ra còn xa. Trên Ðại học Ðà Lạt, có môn Luật pháp. Cha đề nghị con học môn Luật, vì đất nước chúng ta sẽ cần, rất cần luật… Mọi việc, cha lo. Bây giờ con phải thuyết phục mẹ. Vả lại, như con đã báo, nay mẹ con đi thêm một bước rồi, để con xa nhà vì tương lai chắc mẹ cũng vui lòng…”.

Mẹ Sa cất tiếng ho khù khụ. Quay sang nhìn mẹ, lòng bỗng chùng xuống, Sa ngậm ngùi :

– Mẹ ạ! Có thư đấy!

Mẹ ngửng lên :

– Của cha à! Cha có nói gì không?

Sa đáp:

– Cha bảo con đi học Luật trên Ðà Lạt, nơi cha ở!

Mẹ im lặng. Nhưng tai Sa văng vẳng vẫn một câu mẹ từng nhắc đi nhắc lại:

– Cha có hỏi gì đến mẹ không?

Câu mẹ hỏi lại đẩy Sa hững người vào một trũng sâu. Nàng quờ quạng tìm lối ra, miệng cứng lại, đắng chát. Cho đến nay, động cơ đẩy Sa hành xử quái ác vẫn mông lung. Chẳng hiểu sao sự mất mát đớn đau của những kẻ thân yêu lại khiến Sa xua đi được cái cảm giác lênh đênh không chỗ bám vào đời sống. Nhưng đồng thời cũng chính nỗi mất mát đó xói mòn cắn rứt khiến Sa không tin vào bất cứ hạnh phúc nào, đầu óc căng cứng ở tư thế đón đợi một thứ bất hạnh ghê gớm sẽ bất ngờ chụp xuống đời. Dần dà, cái hình phạt bắt cả cha lẫn mẹ chịu đựng nay biến thành thứ hình phạt cho chính nàng, vừa tàn ác, vừa vô lý. Nhưng làm sao ngưng hình phạt đó lại được? Nước vạc dầu còn sôi, và trận tắm lửa đã nung nấu thịt da đã ba năm rồi. Nàng cảm thấy bất lực, bỗng chạnh thương thân, nước mắt ứa ra. Mẹ lại nhấc kính lau mắt. Tránh òa lên khóc, Sa vội vàng đứng dậy. Nàng vấp chân vào cái ghế đẩu để lối ra, chúi người, tay đập vào cánh cửa. Mẹ gọi hốt hoảng:

– Sa, Sa. Sao thế con?

Sa nghẹn ngào nói trong cổ họng:

– Không. Con vấp. Không sao đâu mà!

*

Ðám khách du lịch bỏ chuyến trekking về đến khách sạn vào cuối trưa. Trời mù mịt mưa. Mây sà thấp xuống trùm lên núi rừng một màn sương u ám. Khí lạnh theo độ ẩm chui qua kẽ áo, thấm vào da thịt, khiến mọi người co ro run rẩy. Thằng Billy nhìn Hà, lầu bầu:

– Fuckin’rain!(11) Tao sợ còn mưa nữa…

Quay sang Sa, nó nham nhở:

– Hey, baby… I’m getting wet.(12)

Marthe và André bước lại. Xoa tay vào nhau, André lập cập hỏi Sa:

– Cô có rượu gì, uống cho ấm bụng?

Sa cười:

– Dạ có.

Nhìn tấm bảng có ghi tên dăm ba loại rượu, André lắc đầu, đưa cho Hà. Hà dịch. Rượu mận. Rượu đào. Rượu táo. Rượu rắn… André hỏi bằng tiếng Pháp có phải là rượu rắn chỉ là tên tưởng tượng ra không? Sa có lẽ chẳng hiểu gì, nói “yes, yes”, tay chỉ vào hiệu Rémy Martin, và tiếp “good, good…”. Nàng quay sang Marthe, mắt sáng lên:

– Tata bảo ông ấy uống rượu Tây. Ngon hơn rượu ta. Cháu bảo đảm không phải rượu giả!

Marthe cười, gật đầu. Hà và André rủ nhau thử rượu rắn. Marthe thè lưỡi nhìn con rắn bằng cái que đũa lơ lửng trong chai rượu màu vàng nhạt. André nhấp rượu, kêu:

– Cũng được. Hơi đắng một chút.

Cửa bỗng bật mở, Freddy bước vào, tấm áo mưa nước nhỏ giọt. Ðể đống vợt vào một góc, hắn cởi áo mưa treo lên cái mắc cạnh cửa, rồi khẽ cúi đầu chào mọi người. André kéo ghế mời. Khi Freddy bước tới, hắn mỉm cười, nhìn Marthe. André giơ tay ra bắt, nói tiếng Anh với giọng Pháp:

– Thật là một ngày xấu trời !

Marthe làm thân, ân cần hỏi:

– Anh có bắt được con bướm nào không?

Freddy lắc đầu.

– Nhưng sao anh lại có thể bắt những con bướm xinh đẹp kia nhỉ? Marthe tiếp.

Freddy trầm ngâm:

– Kiếp bướm, chỉ từ năm ba ngày đến độ một tháng. Không bắt, chúng cũng tự hủy tự diệt. Bắt chúng, tôi biến chúng thành bất tử.

– Bất tử?

– Vâng. Muốn chúng bất tử, không phải dễ. Chất hóa cơ như là chất dính lên cánh bướm thay đổi tùy theo màu, theo loại. Hơn nữa, chỉ để lên một lớp vừa mỏng. Ðể dày quá, màu sẽ đổi, mỏng quá thì màu sẽ phai dần. Lại còn chất phóc-môn trích vào thân bướm, và một loại véc-ni bôi lên chân, lên râu. Làm cho một cánh bướm bất tử, tôi mất từ 45 phút tới một giờ… Sau đó, tôi lại ghi rõ phải bảo quản chúng ở điều kiện nhiệt độ nào, với loại ánh sáng nào…

Trố mắt nhìn Freddy, Marthe thốt :

– Nhưng chúng chết cả rồi…

Freddy bật cười:

– Sự bất tử dĩ nhiên chỉ đến sau cái chết… Tôi có bao giờ nói rằng tôi làm chúng sống mãi đâu. Nhưng cái đẹp của những cánh bướm kia thì tôi giữ được. Cái đẹp đó bất tử. Ðời sống cưu mang cái đẹp đó lại hữu hạn. Công việc tôi làm là lấy cái đẹp ra khỏi sự hữu hạn sống chết. Khả năng đạt đến bất tử sau cõi chết là tạo ra cõi sống của cái gì đó khác đi với sự sống trước đó, một sự sống đã có, nhưng lúc nào cũng tiến đến hủy diệt một cách không khiên cưỡng được…

André đưa tay bóp trán, lắc đầu chậm rãi:

– Tôi là bác sĩ tâm thần. Tôi hiểu. Với con người, câu hỏi lớn nhất vẫn là cái chết. Trốn nó, người ta đặt ra vấn đề bất tử… Ông xem đấy, khái niệm đó, như linh hồn bất tử chẳng hạn, tồn tại trong mọi tôn giáo…

Freddy nhìn vào mắt André:

– Sau sự chết, ông có tin linh hồn có không?

Marthe ngắt lời Freddy như để lái câu chuyện sang hướng khác, tươi cười:

– Câu hỏi lớn nhất, là tình yêu. Not life, but love in death(13) mà! – mơ màng, Marthe tiếp – mà này, tôi lại nghe thấy tiếng… một thứ nhạc khí… mà không thể định loại được…

Freddy nghiêng tai:

– Không… Tôi không nghe thấy gì!

Marthe ngước mắt:

– Có đấy!

-Xưa tôi chơi cho dàn hợp tấu Philharmony of NewYork. Không lẽ tai tôi bây giờ tồi thế.

– Anh lắng nghe đi…, Marthe nhẹ nhàng.

André cũng chăm chú nghe, nhìn Freddy. Hắn lại lắc đầu, hỏi Marthe :

– Bà là nhạc sĩ?

– Không! Tôi là chuyên viên âm nhạc. Tôi nghiên cứu về nhạc những dân tộc thiểu số miền Bắc Borneo.

Freddy mỉm cười rồi đứng dậy:

– Thật ra, khi tôi muốn nghe gì tôi chỉ nhắm mắt lại một lúc là tôi nghe được. Ðó, không phải nghe bằng tai, mà nghe bằng tâm cảm và trí tuệ… Có lẽ bà đang nghe như vậy, và chỉ có bà, bà mới nghe thấy tiếng nhạc khí đó. Thanh âm, như cánh bướm đẹp kia, đã thuộc về bất tử rồi…

Nốc hết ly rượu rắn, Hà bắt chước Freddy lịch sự cáo lỗi rồi cũng đứng lên. Chàng đi về phía cuối phòng, mắt ngước nhìn. Trên tường, một bức tranh khổ khá lớn treo ngay chính giữa, khung làm bằng gỗ gụ đen bóng. Mỉm cười, Hà thầm nhủ, chắc lại thêm một sự bất tử nữa ở đậu bằng sơn dầu trên cái cõi đời mỏng mảnh phù du này. Ðến gần, Hà chăm chú nhìn. Bức tranh vẽ một cây đa, rễ xù xì vươn ra như vòi bạch tuộc uốn lượn quanh cái hốc đen ngòm. Cạnh gốc cây, là cái miếu mái xiêu vẹo, chênh vênh như sắp đổ. Cửa ngỏ toang hoác, trong miếu có một cái bàn thờ. Trên bàn thờ, lư hương vỡ làm đôi, những cây nhang cháy dở đã tắt nằm ngơ ngác bên một ngọn nến tàn, chân nến chảy nhiễu xuống trông như những giọt nước mắt đang rơi. Phải để ý lắm, Hà mới thấy trên nền miếu, còn một tờ sách nát nhàu, rách rưới, nằm chơ vơ lạc lõng.

*

Cho đến đêm mưa vẫn rả rích. Trừ một mình Hà, đám khách du lịch đã đi ngủ hết. Khoác áo mưa, chàng lẳng lặng ra khỏi khách sạn. Nhồi thuốc vào tẩu, Hà bật quẹt. Mùi khói thuốc thơm lừng lên rồi tản mạn vào trong cái không gian cao nguyên ẩm ướt.

Sapa chỉ có một con phố chính. Phố co mình nằm cong như như một con sâu đen ngòm, với dăm khoảng sáng hắt ra từ những khách sạn loại mini và những quán karaoké đèn chớp chớp như cái nháy mắt mời mọc khách vào chơi. Ði dọc phố, sau bưu điện là nhà thờ Sapa. Ngôi nhà xây từ thời Tây, mái chuông nghễu nghện cắm cây thập tự chơ vơ vươn lên cao, tường gạch đỏ long lở, trông ngoài như bỏ hoang. Một vị thừa sai còn đó, nhưng nhà thờ thật hiếm con chiên. Họ chỉ độc vỏn vẹn bốn người. Tuy không có lễ, họ vẫn đều đặn gặp nhau ngày Chủ Nhật. Vị thừa sai, dĩ nhiên. Một bác làm vườn nay đã già lắm. Một mụ đàn bà người H’mong, xưa nay lên chợ ngày thứ bảy, ngủ lại dưới mái hiên nhà thờ cho đến trưa Chủ Nhật mới về giồng(14). Và cuối cùng, một ông cụ làm nghề ăn mày từ đầu Cách Mạng Tháng Tám.

Hà bước qua sân, cỏ dại mọc tua ra từ kẽ những hòn gạch lát đường, lững thững đi vào. Ðứng dựa cột chống mái hiên nhà thờ, chàng lại bật quẹt châm lại mồi thuốc vừa tắt. Chung quanh, sự sống chỉ còn tiếng dế rỉ rả, tất cả im ắng chìm vào màn đêm đen nghịt.

“Pu man xi khan a…”, một tiếng nói khe khẽ vẳng lên cạnh tai. Giật mình quay lại, Hà nhận ra một thanh niên tay đang giơ lên điếu thuốc lá xin lửa. Hà lại bật quẹt. Dưới ánh lửa trong gió chập chờn, một thiếu nữ ngồi thu lu, mình quấn chăn, đầu đội khăn mầu đỏ au. Có lẽ, Hà thầm nghĩ, cặp vợ chồng này gập mưa đành trú lại. Anh thanh niên rít thuốc, nói tiếng Kinh giọng lờ lợ “Giồng xa, xa la!” như để giải thích. Hà chỉ tay vào ngực mình lơ đễnh “…Giồng tôi cũng xa, xa đến chẳng biết ở chốn nào…”. Hà ngạc nhiên nghe tiếng mình nói tiếp “…và biết bao giờ mới về được!”. Anh thanh niên không hiểu, nhếch miệng cười, răng vàng ánh lên trong tối. Vỗ vai anh, Hà lẳng lặng bước ra, luồn đi trong bóng đêm dày đặc.

Về khách sạn, người đợi cửa là Sa. Lách người vào, cái lạnh khiến Hà run rẩy. Sa cười:

– Mưa thế, chú đi làm gì cho lạnh. Tối mưa như tối nay, Sapa chẳng có gì. Quán karaoké cũng đóng hết…

Hà hỏi chai rượu rắn uống dở bữa chiều, nói khẽ:

– Sa buồn ngủ cứ đi ngủ trước.

Cầm ly rượu đến trước bức tranh vẽ cây đa và cái miếu cổ, Hà nheo mắt ngắm. Tranh vẽ kiểu siêu hiện thực. Nhìn kỹ, nó đang tìm bắt một cái gì đó, ma quái, huyền ảo và lẫn lộn cả đau thương. Thấy Hà chăm chú, Sa bảo:

– Cha cháu vẽ đấy. Chú cũng là họa sĩ?

Hà lắc đầu, uống cạn ly rượu, rồi lại rót.

– Thế chú làm gì bên ấy?

– Broker.

– Thế là gì hở chú?

– Là mua qua bán lại. Mua rẻ bán đắt…

– Ở đây người ta gọi thế là gian thương đấy!

Hà bật cười. Sa lại hỏi:

– Thế chú mua bán gì?

– Những con số. Khi mình đoán một con số sắp xuống, bán nó. Rồi mua một con số khác mình nghĩ là nó sắp lên. Ðấy, nghề của tôi thế đấy…

Sa trề môi, giọng ngờ vực:

– Cháu chỉ thấy người ta mua sổ số. Còn mua bán như chú, cháu chưa bao giờ nghe qua… ngay như ở Hà Nội. Thế chú có kiếm được tiền không?

Hà không đáp. Lát sau, Hà nói như nói một mình:

– Kiếm thì kiếm được, nhiều nữa là khác. Nhưng chán lắm. Hóa ra cái đồng tiền khiến người ta khổ vì nó chỉ là những con số vô hồn lên lên xuống xuống…

Không nhìn Sa, Hà quay sang bức tranh, hỏi:

– Cha cháu đâu không thấy?

Sa đáp, giọng buồn buồn:

– Cha cháu nay ở Ðà Lạt.

– Chắc đi vẽ. Ðà Lạt có nhiều cảnh đẹp…

Sa lắc đầu:

– Cháu chẳng biết. Cha cháu vào với bác P, viết lách cái gì đó, tên nghe đâu như có tấm bảng chỉ đường của trí tuệ. Cha cháu nói thế…

Tò mò, Hà đến gần, mắt dán vào bức tranh. Sa giọng bùi ngùi:

– Cha cháu có dạy cháu xem bức tranh này. Cây đa, chú nhìn thật kỹ, thấy gốc nó đang bị sâu bị mối ăn. Cái hốc đen đấy, nhìn chếch về phía trái, chú sẽ nhận ra những con sâu xanh xám. Ở dưới, có những con mối li ti trắng… Còn lá, lá xanh đang úa, chuyển sang vàng nhưng trời không phải là mùa thu vì cây cỏ xung quanh vẫn tươi tốt. Cha cháu bảo cây đa đang bị bệnh…

-???

– Trước đây cha cháu không cho ai xem bức tranh này ngoài bác P. Nhưng bây giờ khác rồi. Mới lại cháu mang tranh treo đây cha cháu đâu có biết – Sa bật cười, tinh quái – cây đa thế, thật là hợp với cái cái bàn thờ tổ xiêu vẹo, nến thì đổ, hương thì tàn…

Mơ hồ tưởng ra một người họa sĩ cô đơn với những dằn vặt khó có ai chia sẻ, Hà lặng lẽ nâng ly rượu lên môi. Giọng Sa đều đều:

– Cha cháu dặt tên bức tranh là Cây đa nơi đỉnh miếu. Nói với bác P, cha cháu bảo miếu là Miếu Xã Tắc đấy. Rồi cha cháu cười, mong có dịp đi vẽ lại Ðền Hùng của thời đại mới này. Bác P buồn lắm, lại quay về cái chuyện vẫy gọi nhau và trí tuệ gì gì đó…Bác hôm ấy mời cha cháu vào Ðà Lạt. Thế là mấy hôm sau cha cháu đi…

Hà lại uống. Lần này chàng để cả chai vào miệng tu ừng ực một hơi. Thấy chai rượu đã cạn, chàng bảo:

– Cho chú thêm một chai nữa!

Sa kêu:

– Eo ôi, chú uống ghê quá! Hơn cả mấy ông Tây.

Mang rượu ra, Sa nhăn mặt, nói “…thôi, cháu đi ngủ đây!”. Không đáp, Hà chỉ gật đầu. Cứ thế, Hà vừa uống vừa chăm chăm ngắm bức tranh. Ðầu dần dần nặng, Hà cúi xuống chai rượu. Cặp mắt con rắn cổ bành ra bỗng sống động nhấp nháy. Hà lại đưa chai lên tu, con rắn uốn éo múa lượn trong cái dung dịch vàng nhạt, cổ cong lên như sẵn sàng mổ vào mặt. Hà bất giác cười, ngửa cổ tu một hơi, miệng bốc lửa, lưỡi tê đi, môi cứng lại. Cây đa rỗng ruột bỗng ở đâu chìa ra những cánh tay chờn vờn đe dọa. Con rắn nhẩy khỏi chai rượu, uốn éo bò lên bàn thờ. Nó bạnh cổ, thở phì phì, cong thẳng mình lên như một khúc tre già, lưởi thoăn thắt thè ra thụt vào, lấp loáng như lưỡi dao sắc và lạnh. Hà bỗng hoảng sợ lùi lại, loạng choạng ngã chúi xuống đất.

Không biết bao lâu sau Hà mới có cảm tưởng ai đó đang lay mình dậy rồi kéo cho ngồi lên. Hà chỉ ngửi thấy một mùi hương nồng ngát đến từ da thịt. Cố gắng ngóc lên, nhưng nặng như đeo chì, đầu chàng lại gục xuống, mặt úp vào một khoảng mềm mại. Chàng rúc vào, mơ hồ lội ngược dòng, miệng hé ra như thuở còn bú mớm. Dẫu thoáng qua, chàng bất chợt thấy an bình, hệt như lúc ngã vào tay mẹ chàng khi chập chững tập đi trong cõi nhân gian này. Hình như chàng gọi “Mẹ, mẹ ơi !”. Hình như chàng khóc. Hình như chàng mân mê bầu vú đã nuôi chàng bằng những dòng sữa ngọt thơ ấu. Rồi lịm đi, chàng ngây ngất quay về những lối mòn tưởng đã thật phai mờ, có dăm con chuồn kim cánh xanh biếc da trời đậu trên hàng dậu một thời đã qua. Qua nhưng chưa là xa vắng.

Khi tỉnh dậy sáng hôm sau, Hà ngạc nhiên thấy mình nằm trên giường với một tấm chăn đơn phủ ngang bụng.

N.D.

Chú thích:

(4) Mừng quí khách đến Sapa. Chuyến đi vui chứ?

(5) Xin chào!

(6) Nhanh lên! Ðói đến ăn được cả mi đây.

(7) Ham-bớc-gơ và khoai tây chiên.

(8) Đi leo núi.

(9) Không bánh, không trứng…

(10) Đ… mẹ mày, thằng điên!

(11) Ð… mày mưa!

(12) Này em…Tao ướt hết!

(13) Không đời sống, nhưng có tình yêu trong cái chết.

(14) Làng, tiếng H’mông.

Comments are closed.