Trên tuyến đầu ở Biển Đông: Nhật ký của phóng viên Đông Nam Á Samantha Hawley

Samantha Hawley, ABC News, ngày 20/6/2014

Phạm Nguyên Trường dịch

Lời tòa soạn: Phóng viên Đông Nam Á của bản báo, Samantha Hawley, đã dành gần một tuần để đến gần giàn khoan dầu khổng lồ của Trung Quốc đặt giữa bờ biển Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa trong vùng Biển Đông đang có tranh chấp.

Đi trên con tàu cảnh sát biển của Việt Nam, Hawley đã đến khu vực chỉ cách giàn khoan của Trung Quốc tám hải lí. Giàn khoan này do China Oilfield Services Limited của Trung Quốc vận hành, nằm cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 30 km về phía Nam.

Chứng kiến trực tiếp những căng thẳng giữa hai nước giữa đại dương bao la, cuộc hành trình chắc chắn không phải là chuyến du ngoạn vui vẻ.

Xin đọc bản tường trình về chuyến đi.

Ngày thứ nhất

Khi tôi đến thành phố cảng Đà Nẵng của Việt Nam, tôi được một người do nhà nước phân công đón tiếp. Ông Quang đã tìm cách lấy thẻ nhà báo nước ngoài cho tôi – một việc khá khó khăn –  và ông ấy sẽ giúp đỡ khi tôi làm những công việc trên đất liền tại Việt Nam. Nhưng trên biển thì không. Ông ở lại khi tôi lên tàu cảnh sát biển mang số hiệu CSB 2016 của Việt Nam. Tôi là một trong số mấy nhà báo nước ngoài được Việt Nam, một nước thường có thái độ không cởi mở đối với các phương tiện truyền thông đại chúng, chọn để đưa ra Biển Đông.

Chúng tôi sẽ là những người trực tiếp chứng kiến giàn khoan dầu của Trung Quốc trị giá một tỷ USD đặt gần quần đảo Hoàng Sa – đang tranh chấp – từ đầu tháng Năm.

 “Hãy gọi nó là Biển Đông”, Quang nói với tôi. “Gọi đó là biển Nam Trung Hoa tạo cho người ta ấn tượng là khu vực này thuộc về Trung Quốc.”

Trên đất liền, người Việt Nam đã thết chúng tôi một bữa tiệc gần giống như một bữa ăn khuya. Ông Quang nói với tôi là vùng đó sóng to. Ông hỏi tôi có mang thuốc theo không và tôi có biết bơi không, rồi ôm tôi, tạm biệt. Tất cả những việc đó làm cho tôi không còn quá tự tin nữa. Tôi sợ, không chỉ vì chúng tôi sẽ đi tới một trong số những vùng biển căng thẳng nhất trên thế giới, mà vì năm ngày trên biển trên một tàu biển Việt Nam với thông tin liên lạc hạn chế thì quả là có một chút đáng lo.

Một nhà báo của tờ Washington Times, không được lên tàu, nói với tôi: “Hãy viết câu chuyện của bạn, Sam, và trở về bình an”. Và thế là tôi ra khơi.

Ngày thứ hai

Chúng tôi đi suốt đêm. Tỉnh dậy sau một giấc ngủ bồn chồn, tôi đi lên trên boong tàu để xác thực rằng chúng tôi đang ở giữa đại dương mênh mông. Xung quanh là biển cả và chúng tôi chưa đến đích.

Một nhà quay phim của ABC không được lên con tàu này vì không đủ chỗ và tôi nhanh chóng nhận ra rằng cuộc hành trình này sẽ là thách thức lớn đến mức nào.

Thứ nhất, quay phim đối với tôi là công việc khó khăn, không chỉ vì tôi không làm chuyện đó thường xuyên mà còn bởi vì chúng tôi đang đi trong vùng biển có sóng to mà con tàu thì cứ lắc lư suốt.

Chinese ship follows Vietnamese coastguard in the South China Sea

Ảnh 1 Tàu Trung Quốc (bên phải) đang đuổi tàu cảnh sát biển Việt Nam gần khu vực giàn khoan. ABC News: Samantha Hawley

Một tay lúc nào cũng phải giữ chặt lan can còn tay kia thì cầm máy. Ngoài ra, không người nào không say sóng, thủy thủ đoàn cũng say sóng, tôi cũng thế. Tôi phải cố gắng hết để lờ nó đi.

Rồi người ta bảo chúng tôi lên sàn vì một tàu chiến Trung Quốc đang đi ngang qua. Thủy thủ đoàn tỏ ra cảnh giác nhưng họ muốn chúng tôi quay phim. Con tàu đi ngang qua chúng tôi mà không có sự cố nào. Chẳng bao lâu sau chúng tôi đến đến gần một tàu cảnh sát biển khác của Việt Nam, chúng tôi sẽ chuyển sang con tàu này.

Chúng tôi còn cách giàn khoan khoảng 20 km và con tàu này sẽ đưa chúng tôi tới gần hơn và bảo vệ chúng tôi tốt hơn trong khi chúng tôi tác nghiệp. Nhưng chúng tôi vừa tới nơi thì thời tiết xấu hẳn, sóng thậm chí còn lớn hơn và chúng tôi bị mắc kẹt.

Hầu như không thể đi lại trên con tàu mà chúng tôi đang ở, chưa nói đến chuyện chuyển sang con tàu kia. Đại dương gầm rú xung quanh, chúng tôi ở lại đấy suốt một đêm nữa.

Ngày thứ ba

Ban đêm, sóng lớn không ngờ. Chiếc tàu trọng tải 250 tấn của chúng tôi đối phó được, nhưng chúng tôi bị ném qua ném lại ở bên trong. Sáng ra, người ta bàn xem việc chuyển các nhà báo lên tàu cảnh sát biển mang số hiệu CG 8003, lớn hơn, có an toàn hay không.

Thời gian trôi qua, sóng biển giảm dần và người ta quyết định cho di chuyển. Thách thức tiếp theo tới ngay lập tức. Đi từ một chiếc chiếc tàu sang chiếc tàu khác khi sóng to là việc không dễ. Nhưng chúng tôi được đưa xuống một chiếc xuồng cao su bẩn thỉu, nó sẽ đưa chúng ta đến con tàu lớn hơn.

Journalists transfer to Vietnamese coastguard ship on South China Sea

Các nhà báo đang được chuyển sang tàu cảnh sát biển mang số hiệu CG 8003 (ảnh do Pham Duc Hanh cung cấp)

Nơi ăn nghỉ tốt hơn con tàu trước và ổn định hơn nhiều, trọng tải 1.600 tấn.

Chẳng bao lâu sau, chúng tôi đã được đưa lên để lần đầu tiên được nhìn gần hơn giàn khoan đang tranh chấp. Mặc dù chúng tôi có thể nhìn thấy nó trong khoảng cách này, nhưng chúng tôi vẫn còn cách nó khoảng 10 hải lý, và bất thình lình chúng tôi bị tàu cảnh sát biển của Trung Quốc bao vây. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hùng sau đó nói với tôi là 17 tàu Trung Quốc đã bao vây chúng tôi.

Căng thẳng trên biển giữa hai quốc gia Cộng sản là có thực. Một người Việt Nam dùng loa hạ lệnh cho các tàu thuyền rời khỏi khu vực, người này nói rằng những con tàu kia đang vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền của Việt Nam. Nhưng con tàu CG 8003 đã bị đuổi đi theo đúng nghĩa đen của từ này.

Những cột khói đen cuồn cuộn bốc lên từ ống khói khi những con tàu của Trung Quốc theo sát phía sau. Cả hai bên đều nói rằng tàu của họ đã bị đâm trên mặt biển. Các tàu Trung Quốc không đến gần tàu CG 8003.

Thuyền trưởng nói với chúng tôi rằng ông sẽ làm một chuyến hải hành tương tự vào buổi sáng. Kể từ ngày giàn khoan này được hạ đặt vào tháng năm, ngày nào ông cũng làm hai chuyến hải hành như thế để thông báo cho người Trung Quốc biết rằng họ không được chào đón trong khu vực mà ông nói là vùng biển của Việt Nam.

Filming onboard Vietnamese coastguard ship CG 8003

Ngày thứ tư

Sáng sớm hôm nay, thủy thủ đoàn mời chúng tôi dự lễ chào cờ và lòng yêu nước được thể hiện một cách đầy đủ. Không lâu sau, chúng tôi thực hiện chuyến hải hành thứ hai về phía giàn khoan. Một lần nữa, ngay sau khi chúng tôi còn cách giàn khoan tám hải lý, các tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc liền xuất hiện nhằm bao vây tàu Việt Nam.

Lunch onboard Vietnamese coastguard ship

Ăn cơm trên tàu cảnh sát biển Việt Nam. Samantha Hawley (thứ 2 từ trái sang) đang ăn cơm với thuyền trưởng Nguyễn Văn Hùng (cực trái)

Đó là một kịch bản rất căng thẳng, người Việt Nam lại một lần nữa ra lệnh cho Trung Quốc rời khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của họ, và sau đó màn rượt đuổi lại bắt đầu. Chẳng khác gì trò mèo vờn chuột với khả năng xảy ra hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều.

Nói chung, Việt Nam nói có 10 tàu Trung Quốc tham gia và lần này họ đến gần con tàu của Việt Nam hơn khi con tàu này chuyển sang hướng khác.

Việt Nam nói rằng họ tới với thông điệp hòa bình, và pháo và những vũ khí khác trên tàu được che đậy là biểu tượng của điều đó. Nhưng trong khi lúc này tình hình là tương đối hòa bình, khả năng xảy ra sai lầm trong tính toán hoặc thay đổi trong chiến thuật của một trong hai phía có thể đẩy hai quốc gia này vào một cuộc xung đột nghiêm trọng hơn nhiều.

Trong khi “chính sách bên miệng hố chiến tranh” đang diễn ra trên biển thì đã có những vụ va chạm nghiêm trọng. Hai bên đều đổ lỗi cho nhau. Một tàu đánh cá Việt Nam bị lật úp và chìm ở trong vùng biển tranh chấp, nơi tàu đánh cá của Trung Quốc và Việt Nam đi sát nhau. Một lần nữa hai bên lại đổ lỗi cho nhau.

Nhưng rõ ràng là Bắc Kinh có lợi thế hơn trong vụ tranh chấp này, không chỉ vì sức mạnh và nguồn lực của họ. Việt Nam nói có 119 tàu Trung Quốc ở vùng xung quanh giàn khoan, trong khi Việt Nam chỉ có 30 chiếc. Và sau khi được chứng kiến từ trên cao kịch bản đang được triển khai, rõ ràng Trung Quốc có lợi thế hơn.

Ngày thứ năm

Đây là ngày cuối cùng trước khi chúng tôi quay trở lại thành phố cảng Đà Nẵng. Chúng tôi chuyển sang một chiếc tàu cảnh sát biển nhỏ hơn, vì chiếc CG 8003 sẽ không quay về bờ. Nhiệm vụ trên Biển Đông của con tàu này còn lâu mới kết thúc. Buổi sáng, chúng tôi được đưa đến gần giàn khoan một lần cuối. Nhưng lần này, chúng tôi hầu như chưa đi thì đã bị bao vây rồi. Các tàu cảnh sát biển của Trung Quốc đứng thành nửa vòng tròn xung quanh con tàu của chúng tôi. Gần giống như một trận đấu bò; tàu Việt Nam ở một bên, tàu Trung Quốc ở phía bên kia.

Ngay sau khi con tàu CG 8003 vừa tiến lên được một chút thì bên cũng tiến lên. Khoảng 10 tàu Trung Quốc đứng xung quanh chúng tôi. Con tàu lớn của chúng tôi bỏ đi với thông điệp tuyên truyền phát đi từ cái loa, nhưng một tàu biên phòng của Việt Nam, nhỏ hơn, đi bên cạnh thì lại quá chậm.

Chúng tôi theo dõi và quay phim khi con tàu của Trung Quốc đến rất gần, đến mức có thể đâm vào con tàu của Việt Nam. Nhưng nó không đâm. Nó dừng lại vài phút rồi sau đó quay đi. Nhưng đó là tín hiệu chắc chắn gửi cho Việt Nam rằng Trung Quốc có đủ sức mạnh để giành chiến thắng trận chiến này.

Phải mất một thời gian thì mới hiểu kĩ được về Biển Đông và đấy là một cuộc hành trình không hề dễ dàng. Nhưng đấy là cuộc hành trình quan trọng, bởi vì những gì đang diễn ra trong các đại dương nằm ở phía Bắc Australia có thể có tác động nghiêm trọng tới khu vực và thế giới.

Crew of Vietnamese coastguard ship in the South China Sea

Dịch giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.