Văn Hải ngoại sau 1975 (209): Mùa biển động (10)

Tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác

Image result for "Mùa biển động"



MÙA BIỂN ĐỘNG TẬP 2: BÃO NỔI

Chương 18

Những người viết sử Việt nam khi nhìn lại tình hình năm 1966 luôn luôn tìm cách giải thích cho thỏa đáng vì sao trong lúc cuộc tranh chấp quyền lực nội bộ giữa Sài gòn và Miền Trung gay cấn xáo động như vậy mà tình hình chiến sự chung của Miền Nam Việt nam vẫn êm ả. Tướng Westmoreland lạc quan cho rằng biến động Phật giáo và mầm nội chiến nguy hiểm trong quân đội Việt nam Cộng hòa, thật ra, chỉ là những gợn sóng nhỏ không đáng kể so với công cuộc xây dựng guồng máy chiến tranh qui mô của Hoa Kỳ tại đây. Cơn sốt (nếu thật sự là cơn sốt) nếu có, phải hiểu theo cái nhìn lạc quan là cơn sốt trưởng thành, như đứa trẻ nóng mình mỗi khi mọc răng hay chập chững tập bước. Nhất là thứ răng nhọn cần thiết để chống lại cộng sản Bắc Việt và bước chập chững đi tới một thể chế chính trị ổn định.

Trên các hệ thống truyền thông, tướng Westmoreland xem năm 1966 là năm các lực lượng đồng minh của khối tụ do mở cuộc tấn công qui mô vào lực lượng cộng sản Việt nam. Quận số Hoa Kỳ đổ vào Nam Việt nam gia tăng từng tháng, và cho đến cuối năm 1966, quận số đó đã tới gần bốn trăm nghìn người, vượt hẳn quân số Việt nam Cộng hòa và quân số Việt cộng. Cũng trong năm 1966, số tiền ngoại viện Hoa Kỳ dành cho Việt nam Cộng hòa tăng từ một trăm lẻ năm triệu mỗi tháng vào đầu năm lên hai tỷ mỗi tháng vào cuối năm. Công binh Hoa Kỳ cùng vô số các hãng thầu xây cất với những phương tiện cơ giới tối tân nhất đổ về Miền Nam Việt nam, xây dựng đường sá, cầu cống, doanh trại, bến tàu, và nhất là thiết lập rải rác dọc suốt đất nước nhỏ hẹp này năm mươi chín phi trường. Mỗi tháng, tổng lượng tiếp liệu và vũ khí Hoa Kỳ chở vào Nam Việt nam lên tới sáu trăm nghìn tấn.

Cũng nội trong năm 1966, quân đội Hoa Kỳ đã mở sáu cuộc tấn công “lùng và diệt” vào các đơn vị lớn và căn cứ quan trọng của Việt cộng, nhất là ở vùng phía nam khu phi quân sự và vùng phía nam đèo Hải vân, suốt dải đất chạy dài từ Đà nẵng vào tới Bình định Phú yên.

Theo cái nhìn của tướng Westmoreland, guồng máy chiến tranh khổng lồ đó mới thực sự là yếu tố quan trọng khiến tình hình chung được ổn định, bất kể những vụ xuống đường, tự thiêu, chụp mũ tố cáo, bất kể những tranh giành quyền lực giữa các ông tướng trẻ tuổi, bất kể những vụ ly khai và thanh toán lẫn nhau trong quân lực Việt nam Cộng hòa.

Giới nghiên cứu đại học trong phong trào phản chiến, ngược lại, xem năm 1966 là thời điểm Hoa Kỳ thực sự bắt đầu sa lấy trong chiến tranh Việt nam. Ðể hỗ trợ cho lập luận đó, truớc hết họ dựa vào cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân của Việt cộng để chứng minh rằng guồng máy quân sự mà tướng Westmoreland khổ công xây dựng, chỉ hai năm sau đã tỏ ra vô hiệu, đó là chưa kể những xáo trộn tâm lý và xã hội dữ dội do Hoa Kỳ tham chiến trực tiếp đã khiến cho phe bên kia dễ dàng hơn trong việc động viên quần chúng và khích động lòng yêu nước. Sau đó, họ dựa vào các văn thư tài liệu được phép công bố của Hà nội để bảo rằng sở dĩ tình hình chung tại nông thôn và chiến trường Miền Nam Việt nam hồi ấy lắng dịu, là vì chính giới lãnh đạo Hà nội nhận định rằng chưa tới lúc để lợi dụng tình thế cướp chính quyền. Theo Lê Duẩn, lực lượng cơ sở của Việt cộng còn quá yếu để làm một cuộc phiêu lưu chưa biết kết quả về đâu.

Cả hai lối nhìn đều không màng chú ý đến những người trực tiếp tham gia hay chịu đựng các biến động chính trị trong năm 1966, là người dân Việt nam ở bên này vùng phi quân sự.

Các tướng lãnh Hoa Kỳ vững tin ở sức mạnh vũ khí nên lạc quan ngủ yên trên những con số thống kế; bao nhiêu tỷ đô la đã đổ vào cuộc chiến tranh, bao nhiêu vũ khí đã chở tới Sài gòn – Đà nẵng, bao nhiêu quân nhân Hoa Kỳ đã tham chiến, bao nhiêu cuộc hành quân phối hợp qui mô đã được tung ra, bao nhiêu xác địch đã đếm được. .. Những ông khoa bảng ở trong các khuôn viên đại học vốn không ưa súng đạn thì lại dồn hết lòng tin vào những câu chữ trong những văn thư, giấy tờ, thông điệp, diễn văn được công bố, rán tìm dây liên lạc hợp lý giữa những câu những chữ bất nhất, mâu thuẫn. Lịch sử trở thành bản kiểm kê mớ giấy nát trong nhà kho cung đình, không ghi lại được cuộc sống hôi hổi máu đổ và nước mắt đã nhỏ xuống, không ghi lại được những đêm trăn trở pha lẫn tuyệt vọng và hy vọng, những cảnh tuyệt lộ mà mỗi lựa chọn đều khiến cho từng người mau chóng đánh mất tuổi thơ lý tưởng để thành kẻ xuôi dòng. Lịch sử bất lực không thể ghi lại được những điều phức tạp áy, vì lịch sử đòi hỏi sự hợp lý có hệ thống. Vì lịch sử không thể bỏ công phiêu lưu vào các chi tiết vụn vặt. Vì lịch sử không thể viết về những người vô danh.

***

Chính cái ý những người trẻ vô danh bắt đầu thức giấc để trực tiếp “làm lịch sử” đã được Tường dùng để khích động các bạn hữu và học sinh sinh viên tham dự cuộc họp ở Quốc học tối hôm đó. Tường đã say sưa khai triển ý tưởng này, làm cho Ngô cảm thấy mình lớn hẳn lên, tự tin hẳn lên. Chính Tường cũng bị lời nói của mình thuyết phuc, những lời nói vào micro được khuếch âm và từ hai bộ loa Nhật phát ra, trở lại tai Tường, đã hoàn toàn khác hẳn lời nói gốc. Nó hùng hồn hơn, âm vang hơn, nó thoát ra khỏi vòng cá nhân để trở thành tiếng nói của đám đông, sứ điệp của lịch sử. Ngữ không dự cuộc họp hôm đó nên không thể nào hiểu được vì sao đột nhiên Ngô hăm hở yêu đời như vậy.

Riêng Tường, chàng cũng cảm thấy mình đổi khác. Như một người thợ nề bắt đầu cho rằng mình đủ sức xây những tòa lâu đài, Tường ít chú ý đến vôi vữa gạch ngói mà chỉ chú trọng cách làm nền, cách dựng đồ án. Chàng muốn cái gì cũng có hệ thống, và xem khả năng tổng quát hóa các hiện tượng phức tạp để tìm được cốt tủy của đời sống là khả năng chủ yếu của một người làm lịch sử. Tường quay sang thương hại Ngữ, xem bạn là kẻ vẫn còn lụy vào các chi tiết vụn vặt. Và Tường đã nói thẳng điều này với Ngữ ngay trong đêm ngủ đò.

Đêm hôm đó sau khi cô gái điếm chèo thuyền thúng vào bờ, Ngô lăn quay ra ngủ môt cách vô tư. Ngữ và Tường không chịu được mùi chăn gối bẩn trong khoang, rủ nhau ra ngồi ở khoang lộ thiên ở mũi đò nói chuyện phiếm. Thành thực mà nói, cả hai đều có cảm giác áy náy về chuyện tình dục vừa qua. Tường áy náy với người bạn đồng thời là anh ruột của Nam. Ngữ thì áy náy không yên ổn vì cảm thấy có tội với Diễm. Tường lấy giọng kẻ cả, lên tiếng chê:

– Thật phí tiền! Vớ phải hạng tệ quá!

Ngữ không nói gì. Tường tưởng bạn không đồng ý, nói tiếp:

– Lại hôi thuốc Cẩm lệ. Nhẽo cả ra rồi!

Ngữ cảm thấy bất nhẫn cho người vắng mặt, bảo Tường:

– Ở đây thì chỉ có thế. Huế nổi tiếng về cái gì không biết, nhưng cái món đó thì tệ nhất nước. Lũ bạn ở Sài gòn ra chơi đều nói như vậy!

– Nhưng tao không ngờ tệ đến độ đó!

Ngữ hỏi liền:

– Mày đi chơi lần đầu à?

Tường nhìn Ngữ thật lâu, ánh nhìn e dè. Môt lúc sau, Tường thú thật:

– Ở Sài gòn thì nhiều, mày hiểu, nhưng ở đây thì là lần đầu.Nghe Ngô rủ, tao tò mò hơn là ham!

– Rồi mày khám phá được cái gì?

Tường dứt khoát:

– Không có gì cả. Chỉ thấy nản!

Ngữ vội nói ngay:

– Tao thì khám phá ra nhiều điều lắm!

Tường tưởng bạn sắp nói tới cái thú chơi điếm, gạt phắt đi:

– Chỉ là giải quyết sinh lý, có gì đâu mà lắm chuyện!

Ngữ giải thích:

– Không. Tao không nói chung, chỉ nói riêng trường hợp cô gái tên… tên Huệ mình gặp đêm nay mà thôi! Mày có chú ý tới cái ảnh treo trong kia không?

– Ảnh nào?

– Cái ảnh treo phía góc phải tấm vách ngăn. Mày không chú ý là phải, vì cái chóa cây đèn bão che khuất phía đó. Tao chỉ chú ý đến tấm ảnh khi đến mồi điếu thuốc. Chốc nữa mày vào xem sẽ thấy. Ảnh của một người đàn ông mặc đồ lính. Tao hỏi ảnh ai đây? Cô ấy không nói. Nhung khi sắp cởi quần áo, cô ấy nghĩ sao, đột nhiên gài lại nút quần rồi đến chỗ cây đèn lật úp tấm ảnh lại. Tao gặn hỏi mấy lần cô ấy vẫn không nói gì, chỉ giục làm cho nhanh rồi tới phiên mày. Sự sổ sàng vồ vập làm tao sợ. Nhưng tấm hình người đàn ông càng làm cho tao sợ hơn. Như có một hồn ma theo dõi những chuyện sắp xãy ra. Cho nên thú thật với mày, cô ta làm hết cách mà tao có hứng nổi đâu! Tao đoán cái ảnh đó là ảnh chồng cô ta, và ông cụ chủ đò với thằng bé không ai khác hơn là cha và con của cô gái điếm. Tao mong mình đoán sai! Tao…

Tường cắt lời Ngữ:

– Mày lại giở cái giọng ru em ra rồi! Mày lụy vào những cái tiểu tiết nên không bao giờ, phải, mày sẽ không bao giờ thấy được cái lớn. Có hai trường hợp được đặt ra: Một là những gì mày tưởng tượng đều không đúng. Cô điếm chỉ lo đi khách. Ông cụ là chủ khách sạn kiêm luôn nghề ma cô. Thấy mày ơ thờ chuyện làm tình mà chỉ suy nghĩ hỏi han lẩm cẩm, cô ta úp sấp cái ảnh lại cho gọn, cho mày làm cho nhanh để còn đi tìm mối khác. Hai là trường hợp mày nghĩ đúng, nghĩa là cô gái phải bán thân nuôi con sau khi chồng tử trận. Nhưng mày phải làm gì trước hàng hà sa số những trường hợp, những thảm kịch tương tự? Mày tìm khắp các ổ nhện, bến đò để làm Thúc Sinh cứu vớt các cô Kiều ấy à? Hay là về nhà làm thơ viết truyện để than cho thân phận con người? Thay vì làm những việc lẩm cẩm đó, mày hãy nhìn thẳng vào sự thật. Trước hết là hãy làm cho nhanh, trả tiền cho đủ, để cô ấy còn có cơ hội đi tìm thêm mối khác nội trong đêm nay. Sau đó, phải tìm hiểu nguyên nhân vì đâu chồng cô ấy chết. Tìm dễ thôi! Và khi đã tìm ra rồi, thì phải xông vào việc tiêu trừ nguyên nhân những bi kịch ấy.

Ngữ không thấy Tường nói thêm gì nữa, chậm rải bảo bạn:

– Ừ, khi ông Guillotine dồn hết thông minh và tài khéo léo chế ra cái máy chém cho cách mạng Pháp, ông ấy chỉ muốn làm sao cho tử tội chết không đau đớn và chết nhanh hơn trước. Không ngờ mọi sự xảy ra ngược lại. Khi hành quyết khó khăn, người ta còn ngần ngại mỗi khi muốn giết người. Từ khi có chiếc máy chém…

Tường tức giận, nói như quát:

– Vậy mày muốn cái gì?

Một lần nữa, họ lại đi vào lối cụt.

____________________________________

Chương 19

Sáng hôm sau, Huế tưng bừng biểu tình như đi trẩy hội!

Đây không phải là lần đầu tiên Huế xuống đường đông đảo để biểu lộ một thái độ chính trị. Không. Huế đã quá quen với những cuộc biểu tình, biểu dương lực lượng, những tối thuyết pháp, những đêm không ngủ, những kháng thư, những tuyên cáo. Tuy nhiên những cuộc xuống đường, hội họp trước đó, do chưa hoàn toàn an toàn, nên chỉ qui tụ được những phần tử kiên quyết và hăng hái nhất, còn những kẻ lo xa vẫn khôn ngoan chân trước chân sau. Ở các công sở hay học đường, ban giám đốc khôn khéo lựa chọn “thái độ bàng quan tích cực” nghĩa là không xen vào hoạt động chính trị của thuộc cấp nhưng nếu cần thiết, vẫn có thể trình cho cấp trên đầy đủ bằng chứng tỏ mình làm tròn phận sự một công chức gương mẫu. Ở các trường, đúng giờ học văn có chuông vào lớp, hiệu trưởng, giám học, tổng giám thị vẫn có mặt tại văn phòng mặc dù học sinh đi học lác đác hoặc nếu có đi đông thì cũng chỉ đến chỗ hẹn là trường học để xuất phát một cuộc biểu tình. Câu mà học sinh vẫn thường được nghe các thầy cô nói là “Các em đã lớn, đã trưởng thành về chính trị nên có toàn quyền phát biểu quan niệm của mình trước thời cuộc, nhưng các thầy các cô là công chức, các em thông cảm.” Ða số trường hợp, học sinh rất thông cảm cho các thầy các cô, không ép họ vào một lựa chọn khó khăn. Chỉ có các thầy cô dạy trường tư như ông Văn là méo mặt, vì nhà trường không có cách nào thu học phí.

Cũng nhờ không khí thông cảm tương nhượng đó mà ở trường Đồng khánh, Quỳnh Như có một vị thế hết sức đặc biệt. Trong ba người thuộc Ban Chấp hành Chi đoàn Học sinh Cứu quốc Ðồng khánh, Quỳnh Như là khuôn mặt sáng chói hơn hết. Cô tổng thư ký tuy lớn hơn Quỳnh Như hai tuổi nhưng ăn nói vụng về, mỗi lần nói trước đám đông cái giọng Truồi quê mùa của cô thường khiến mọi người mất hết vẻ nghiêm trang, thay vì thuyết phục được đám đông lại tạo phản ứng ngược. Cô phó tổng thư ký đặc trách nội vụ thay Diễm thì ngược lại nói năng líu tíu đanh đá quá, giọng nữ cao chát chúa gặp phải cái micro cũ và bộ loa sắt càng trở nên chát chúa hơn. Quỳnh Như ngoại vụ tính cũng lanh chanh vậy, nhưng cô bé thích nghi với các hoạt động quần chúng thật nhanh. Khi cần nghiêm chỉnh, Quỳnh Như biết làm ra vẻ kiên quyết thành thực hơn ai hết, và khi thấy không khí hội trường căng thẳng quá, Quỳnh Như cũng biết trở lại cái giọng đùa cợt pha trò để mọi người thoải mái dễ chịu. Cuối cùng, mọi sinh hoạt chính trị trong trường đều đùn cả vào tay “chị ngoại vụ”. Quỳnh Như trở thành cái gạch nối cần thiết giữa học sinh và ban giám đốc, giữa Chi đoàn Cứu quốc Đồng khánh và Hội đồng Nhân dân Cứu quốc, giữa chị em nữ sinh “thao thức trước hiện tình đất nước” và các nam sinh “dấn thân cho tổ quốc”. Tình thế càng phức tạp gay go bao nhiêu, vai trò của Quỳnh Như càng nổi bấy nhiêu.

Nhưng trong các cuộc xuống đường bắt đầu từ hôm 11-3- 1966, Quỳnh Như không còn được sáng chói và cần thiết như trước. Lý do thật dễ hiểu. Vì lần này, chính các thầy các cô đứng ra tổ chức các cuộc biểu tình tuần hành. Mặc dù chưa có lệnh nào từ Trung ương, chưa hề có một văn thư ủy nhiệm nào của Tòa Hành chánh hoặc Bộ Giáo dục, nhưng dường như tất cả công chức Huế đều cảm thấy hợp pháp khi xuống đường tham gia biểu tình. Quân nhân Phật tử tuần hành theo hàng ngũ quân nhân, và mặc quân phục. Cảnh sát cũng mặc sắc phục cảnh sát, chỉ thiếu có dùi cui và súng. Công chức ngành nào xếp hàng theo ngành nấy, y như đi dự mít-ting kỷ niệm ngày ban hành hiến pháp 26-10 hay ngày tổng thống chấp chánh dưới thời Ngô Đình Diệm. Dòng sông Hương trầm mặc trước kia có chút xôn xao trên mặt sóng, lần này an nhiên phẳng lặng như mặt nước hồ thu!

***

Nam nay lên đệ nhất, lớp của Quỳnh Như và Diễm ở tầng dưới dãy phía tay trái trường Đồng khánh. Phòng học ở ngay sát phòng giáo sư, nên trước giờ vào lớp, Quỳnh Như đã đến sớm để hướng dẫn học sinh tham gia cuộc biểu tình. Bà tổng giám thị thân ái dặn Quỳnh Như:

– Em nhớ tìm em nào mạnh khỏe một chút để phân công cầm biểu ngữ. Hôm nay cô thấy gió to quá. Hồi sáng cô đạp xe qua cầu Trường tiền, gió thổi mạnh đến nỗi cô suýt ngã vào thành cầu.

Quỳnh Như đáp:

– Cô khỏi lo. Lớp Nhất B2 có một chị tụi con đặt là Cung Võ sĩ đạo. Chị Cung vẫn thường ưa xắn tay áo dài lên cùi chỏ, cô nhớ không. Ấy cái chị năm ngoái thi thể dục ném tạ suýt nữa làm vỡ đầu thày Toản ấy.

– Ờ, cô nhớ. Cái con hay trốn học giờ triết chứ gì. Nhưng phải cần tới… để cô tính xem nào. Một… hai… ba… bốn, bốn tấm biểu ngữ tất cả. Phải cần tới tám người.

– Lớp con có ba chị to và khỏe lắm. Chị Lan Voi là một này, chị Ý Nheo là hai này, chị Bích Liên Thanh là ba này.

Bà tổng giám thị cú một cái vào đầu Quỳnh Như, mắng yêu:

– Cái con quỉ này nữa! Tên gì mà kỳ cục vậy.

Quỳnh Như chun vai nhận hình phạt của cô tổng giám thị, cười hí hí, rồi giải thích:

– Đúng tên là ba chị Lan Vi, Ý Nhi và Bích Liên. Nhưng vì chị Vi đi đứng hùng dũng đến nỗi làm rung cả sàn nhà nên chúng con đặt là Lan Voi. Ý Nhi thì có tật nheo mắt hả mồm khi chú ý nghe giảng bài, còn chị Liên thì nói nhanh như súng liên thanh.

– Có nhanh miệng bằng “mày” không?

Quỳnh Như cười đáp:

– Làm sao bằng con được. Con là đại sư tỉ, còn Bích Liên chỉ mới là tiểu sư muội!

– Thôi. Đại sư tỉ tìm nhanh ngay cho cô tám người cầm biểu ngữ, các lớp xếp hàng xong phải bảo họ đến gặp cô ở phòng tổng giám thị. Ờ này, bốn tấm biểu ngữ đâu rồi?

– Đúng tám giờ các anh bên Quốc học sẽ đem qua.

Bà tổng giám thị ngạc nhiên, giọng trách móc:

– Trong trường mình hết người hay sao mà Quỳnh Như phải nhờ đến bên đó? Họ làm giùm, viết chữ cẩu thả nguệch ngoạc, coi kỳ lắm. Phòng kế toán của trường chưa xuất quĩ hiệu đoàn cho em làm biểu ngữ hay sao?

Quỳnh Như đáp:

– Có, con có nhận tiền. Nhưng việc gì phải qua phố thuê họ viết biểu ngữ, phí tiền. Cả tiền mua vải nữa, con cũng không nhận một trăm đồng tiền vải cô Nhung chi. Con lấy các khẩu hiệu cũ, hồi biểu tình đả đảo Nguyễn Khánh đó cô.

Bà tổng giám thị lo âu ra mặt:

– Chết, sao lại xài vải cũ. Cuộc biểu tình này có đầy đủ các trường và các cơ quan tham dự, mình làm như vậy, họ nói chết! Với lại chẳng lẽ viết chồng lên những câu cũ!

Quỳnh Như trấn an bà tổng giám thị:

– Con đã báo các anh ấy lấy sơn trắng xoá hết đi, rồi viết lại câu khẩu hiệu mới, chỉ trừ…

Thấy Quỳnh Như ngưng không nói tiếp, bà tổng giám thị càng lo lắng thêm. Bà hấp tấp hỏi:

– Sao Quỳnh Như lại qua nhờ bên Quốc học cho rắc rối vậy?

Quỳnh Như cười, rất tự tin:

– Con có nhờ đâu. Họ tự nguyện làm giùm đấy chứ! Cô yên tâm, chắc chắn là họ viết mấy tấm biểu ngữ của mình đẹp hơn của họ nhiều. Họ lo làm cho mình trước mà!

Bà tổng giám thị yên tâm đôi chút, nhưng vẫn thắc mắc:

– Hồi nãy, Như nói “chỉ trừ” cái gì?

Quỳnh Như đáp:

– Chỉ trừ câu U.S. Go Home! còn xài lại được, còn câu “Đả đảo Nguyễn Khánh” thì mình giữ nguyên hai chữ “Đả đảo”, chỉ thay “Nguyễn Khánh” bằng “Thiệu, Kỳ, Có”.

Nghe Quỳnh Như nhắc đến nội dung hai câu khẩu hiệu, bà tổng giám thị hơi lo ngại. Bà thấp giọng hỏi:

– Em có chắc là sáng nay tất cả công sở đều đóng cửa để tham gia biểu tình không?

– Chắc mà cô!

– Cả quân nhân cảnh sát nữa hả?

– Dạ. Cảnh sát cũng tham gia nữa!

– Ai bảo em thể?

– Anh Tường nói với con hồi hôm. Hồi sáng anh ấy còn nhắc lại nữa!

– Nói trong cuộc họp hồi hôm ở Quốc học à?

– Dạ !

– Nói hồi nào cô không nghe thấy?

– Lúc bắt đầu cuộc họp. Anh Tuờng báo cho biết là lực lượng cảnh sát sẽ tham gia biểu tình, cả phòng hoan hô vang trời, cô không nghe à?

– Cô đến hơi trễ, lúc anh Tường nói về hội nghị Honolulu.

Quỳnh Như thấy cô giám học đến gần, không cần xin phép gì cả, bỏ bà tổng giám thị quay sang hỏi cô giáo chuyên dạy vạn vật:

– Chốc nữa cô nói chuyện với học sinh hay con nói?

Cô giám học đáp dứt khoát:

– Cô nói cho! Em liên lạc với các giám thị đệ nhị cấp để xếp đặt lớp nào đi trước lớp nào đi sau.

Quỳnh Như thất vọng, xịu mặt xuống. Cô giám học không chú ý nét mặt Quỳnh Như, quay hỏi một nam giáo sư dạy cả hai trường Quốc học và Đồng khánh.

– Anh có chắc là trường mình có nhiều học sinh tham dự biểu tình hơn bên Quốc học không?

Thầy Liễu đáp:

– Nhất định đông hơn rồi. Bên đó thời khóa biểu sáng nay có ít lớp học nhất. Mọi lần tôi vẫn thấy cứ đến sáng thứ tư là có nhiều phòng bỏ trống. Chả bù với bên này, tìm một lớp trống dạy thêm toán cho các lớp đi thi, thật khó!

Cô giám học cười thỏa mãn, chợt nhớ điều quan trọng, lại quay qua Quỳnh Như:

– À, em chạy xuống phòng cô lấy cây cờ hiệu đoàn Ðồng khánh, không chút nữa lại quên.

Quỳnh Như tiu nghỉu, nhưng vẫn làm theo lời cô giám học. Cô bé tiếc cái thời biểu tình mà “được” cảnh sát chận đường lăm lăm khẩu súng đe dọa một năm về trước, lòng buồn vu vơ!

***

Cuộc biểu tình êm đềm thật lý tưỏng đối với các thầy các cô, nhưng đối với Quỳnh Như, đây là một cuộc biểu tình nhàm chán vô vị nhất đời. Quỳnh Như không có may mắn ra đời sớm thêm mười năm để được hân hạnh tham dự những cuộc biểu tình mít-tinh biết ơn Ngô chí sĩ, mừng hiến pháp ra đời, kỷ niệm ngày Ngô chí sĩ chấp chánh, ra mắt Thanh niên Cộng hòa, thành lập Phụ nữ Liên đới… cho nên cô bé vẫn xem đây là kỷ niệm buồn tẻ nhất của đời mình. Quỳnh Như không được chủ động làm việc gì cho lớn lao, chỉ làm những việc vặt các thầy các cô sai phái.

Ngay những việc vặt đó, Quỳnh Như cũng gặp toàn rủi ro. Cây cờ cô giám học sai đi lấy không biết lạc đi đàng nào, tìm mãi mới thấy ở xó nhà kho. Việc tìm cho đủ tám người cầm biểu ngữ bà tổng giám thị nhờ, căn cứ vào kinh nghiệm các lần trước, Quỳnh Như tưởng quá dễ dàng. Nhưng Quỳnh Như lầm. Không ai khỏe mạnh cỡ như Lan Voi, Ý Nháy, Bích Liên Thanh tự nguyện cầm biểu ngữ cả. Những nữ sinh ốm yếu hơn thì có đủ lý do chính đáng để đi tay không. Quỳnh Như vừa năn nỉ vừa ép buộc, cuối cùng chỉ tìm ra được có sáu người. Diễm nhảy ra “cứu bồ” vào phút chót là bảy. Vẫn còn thiếu một. Cuối cùng, chính Quỳnh Như phải cùng với Lan Voi cầm hai cây gậy trúc giăng tấm biểu ngữ cũ US Go Home.

Quỳnh Như tự an ủi là dù sao, đây vẫn là phần vụ nhẹ nhàng nhất, vì câu biểu ngữ tuy cũ nhưng ngắn, đỡ phải vất vả khi ra đường lúc có gió thổi!

Một lần nữa, Quỳnh Như đã lầm!

Lúc đoàn biểu tình trường Ðồng khánh đi ngang qua khu đại học, các cậu sinh viên ùa ra đường hoan nghênh tinh thần hăng say tranh đấu của các em gái Đồng khánh. Cuộc xuống đường tranh đấu này có vẻ an toàn quá, nên các cậu không còn cái thú nào khác ngoài cái thú chỉ trỏ bàn tán về những người đẹp. Lúc Quỳnh Như đến trước khu Morin, đám sinh viên văn khoa chen nhau đến tận lề đường Lê Lợi để nhìn cho rõ mặt những nữ sinh đi trong hàng.

Lời bàn tán to tiếng lẫn với tiếng la hét cười đùa vang cả khu phố đầu cầu Trường tiền:

– A ha! Con Nguyệt Vỹ dạ kia kìa!

– Đâu, đâu?

– Nó đi sau tấm biểu ngữ đó. Chỗ trước pharmacie Lê Đình Phòng.

– Có thấy con Nga Nhị C không?

– Nga nào?

– Nga Trưng Nhị đó.

– Nga Kim long phải không?

– Ờ, không thấy! Chắc cô ả cúp cua đi với kép.

– Thằng nào vậy?

– Thằng Hòa học Y khoa. Hôm qua tao thấy anh chị đi chơi chùa Trúc lâm, mùi mẫn lắm.

– Này, cái con bé nào đi bên kia xinh đáo để!

– Con nào đâu?

– Con bé đang cười kìa! Con có cái răng cời.

– Tưởng ai! Em gái ông Tường đấy!

– Tường Quốc học à!

– Ừ! Làm lớn lắm nhá! Ngoại vụ trường Ðồng khánh đấy!

– Câu khẩu hiệu gì nhăn nheo rúm ró thế kia? US Go Home!. Ông bô thấy con gái đòi US Go Home chắc rầu thúi ruột!

– Ông bô nào?

– Ông Thanh Tuyến cha con Quỳnh Như chứ còn ai nữa!

Chờ cho đến lúc Quỳnh Như đến trước mặt, một cậu văn khoa mất dạy cười nham nhở rồi hét to:

– Ê, Quỳnh Như! Đuổi Mỹ về nước thì làm sao ông bô đi thầu đổ rác cho Mỹ. Hô hố!

Quỳnh Như giận tím mặt, quắc mắt nhìn tên con trai lỗ mãng. Giận đến run cả người. Tiếng cười phía sau lưng đuổi theo Quỳnh Như cho đến chỗ tập trung mít-tinh, cho đến đêm hôm đó, và mãi mãi về sau trở thành một nỗi ám ảnh đau đớn. Có lẽ đó là kỷ niệm xót xa khiến từ đó về sau Quỳnh Như đăm chiêu hơn, mất hắn vẻ hăng hái vô tư!

***

Suốt một tuần lễ, ngày nào Huế cũng có biểu tình, và bởi vì không có mối đe dọa đàn áp nào của chính quyền địa phương, được tự do thoải mái xuống đường chống lại bất cứ cái gì mình thích, nên không có cuộc biểu tình nào giống cuộc biểu tình nào. Cuộc biểu tình trật tự đông đủ các ngành các giới hôm đầu tiên chỉ là cái mẫu phóng khoáng cho các cuộc biểu tình sau, nên nội dung các biểu ngữ lần lần được tùy tiện thay đổi.

Các đoàn biểu tình của Phật tử thường đòi bảo vệ đạo pháp và độc lập dân tộc, đòi phe quân phiệt tổ chức bầu cứ quốc hội để trao quyền cho một chính phủ dân cử, yêu cầu tổng thống Johnson tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân Việt nam. ít khi thấy các nhà sư lãnh đạo cuộc biểu tình nhắc nhở gì đến việc ông tướng vùng bị cách chức. Phe học sinh sinh viên tranh đấu thì đòi hỏi những điều cụ thể hơn, như đòi các tướng Thiệu Kỳ Có phải từ chức, đòi CIA Mỹ không được nhúng tay vào chuyện nội bộ Việt nam, tố cáo các tướng lãnh tham nhũng. Những bài đăng trên báo ngoại quốc nói về ông tướng vùng này dính đến mạng lưới buôn thuốc phiện, ông tướng vùng kia mê ca sĩ, vợ chồng ông tướng khác ưa mặc đồ bay đi kinh lý dương oai… được sao ra nhiều bản, phân phát khắp mọi nơi. Chợ không họp, xe hàng không chạy, cửa phố không mở, Huế sống trong một hoàn cảnh khác thường, y như hoàn cảnh một đứa trẻ cấm cung đột ngột được toàn quyền tự do muốn làm gì thì làm, quay sang ơ hờ với sự tự do có được và phần nào nhớ tiếc những ràng buộc cũ.

Quỳnh Như tham dự liên tiếp hai ngày biểu tình, đến ngày thứ ba thì bỏ cuộc nửa chừng, về nằm nhà đọc tiểu thuyết. Bà Thanh Tuyến không phải trông hàng nên hết đi ra rồi lại đi vào, tính tình gắt gỏng. Ông Thanh Tuyến ở Ðà nẵng về, mặt mày buồn xo. Hai vợ chồng xầm xì bàn tán thật lâu, sau đó ông Thanh Tuyến lên phòng đóng cửa ngủ cho tới chiều.

Bữa cơm tối Tường không về nên gia đình chỉ có ba người ngồi vào cái bàn ăn rộng phủ khăn trắng. Thấy nét mặt Quỳnh Như không vui, ông Thanh Tuyến hỏi:

– Con bị bệnh à?

Quỳnh Như vội đáp:

– Không. Con chỉ hơi nhức đầu.

Bà Thanh Tuyến liếc nhìn chồng, hỏi nhỏ con gái:

– Tháng này con có bị trễ… như tháng trước không?

Quỳnh Như hiểu ý mẹ, đỏ mặt, liếc nhìn cha, rồi đáp:

– Không. Con vẫn đều.

Muốn cha không chú ý tìm hỏi chuyện riêng giữa đàn bà với nhau, Quỳnh Như hỏi cha:

– Trong Đà nẵng có… có hăng hái như ngoài này không thầy?

Ông Thanh Tuyến cười nhếch mép, giọng hơi mỉa mai:

– “Hăng hái” à? Ô! Hăng hái hơn ngoài này nhiều. Chính ông thị trưởng dẫn đầu biểu tình, không hăng hái sao được. Nghe nói Hội an, Qui nhơn, Ðà lạt, Nha trang, ở đâu cũng hăng hái hết.

Quỳnh Như nhớ vụ Tường bị hành hung, hỏi ông Thanh Tuyến:

– Có xảy ra chuyện gì không thầy?

– Chỉ vài vụ thôi.

Nói xong, ông Thanh Tuyến dàu dàu nét mặt. Ông cắm cúi ăn không nói gì thêm. Không khí bàn ăn trở nên căng thẳng, buồn tẻ. Bà Thanh Tuyến thở dài, nói với con:

– Chỉ vài vụ lộn xộn cũng đủ cho thầy mày phải về đây rồi!

Quỳnh Như không hiểu gì cả, ngước lên nhìn hết bà Thanh Tuyến đến ông Thanh Tuyến, chờ cha mẹ giải thích rõ hơn. Ông Thanh Tuyến tiếp tục ăn, cau mày chê canh nấu nhạt quá.

Bà Thanh Tuyến húp thử một muỗng canh gà nấu măng, rồi bảo chồng:

– Canh nếm vừa đủ đấy chứ! Hay mình bị đau, nhạt miệng.

Ông Thanh Tuyến không đáp, lại cắm cúi ăn. Rồi ông nhai phải một miếng cơm có lẫn một hột thóc. Thế là ông quăng đũa, vùng vằng đứng dậy, to tiếng:

– Nấu nướng cái gì lạ thế! Thật bực!

Ông bỏ ăn đi vào phòng, đóng mạnh cửa lại. Bà Thanh Tuyến nhìn theo chồng, nước mắt đoanh tròng. Bà thở dài, ngồi thừ không thiết gì đến ăn uống nữa.

Quỳnh Như đứng dậy đến ôm lấy mẹ, hỏi thầm:

– Thầy gặp chuyện gì buồn vậy me?

Bà Thanh Tuyến vuốt nhẹ tay con gái, đáp nhỏ:

– Chuyện làm ăn trong Đà nẵng gặp khó khăn, con ạ.

– Sao thế me?

Bà Thanh Tuyến ngước lên nhìn con, giọng nói hơi vỡ vì xúc động:

– Con xem, cả dân lẫn lính trong đó biểu tình đả đảo Mỹ, cả cảnh sát cũng lăm lăm cầm súng gác cho bọn con nít quăng đá, đốt xe của họ, làm sao họ không bực cho được. Cả tuần nay các trại lính Mỹ cấm trại, không cho người Việt nam nào vào cả. Lính Mỹ cũng không dám lái xe ra phố. Thầy mày phải bỏ về đây vì vậy!

Quỳnh Như nhớ câu tụi con trai mỉa mai mình trước khu Morin, lòng cảm thấy đau nhói. Nhưng nàng rán an ủi mẹ:

– Ít bữa nữa tình hình yên, đâu lại vào đấy. Me đừng lo.

Bà Thanh Tuyến thở dài, bảo con:

– Nhưng tụi trâu cột ghét trâu ăn bắt đầu tìm cách phá thầy mày rồi!

– Thật hở me? Họ phá thế nào?

– Chúng nó đem chuyện thằng Tường nói xấu thầy mày với tụi Mỹ. Sợ sau vụ lộn xộn này thầy mày không thầu được nữa.

Quỳnh Như không biết an ủi mẹ sao nữa, chỉ biết vừa mếu vừa nói:

– Không sao đâu. Me ơi. Me nghe con nói không? Không sao đâu!

***

Đó là lần đầu tiên Quỳnh Như bỏ không tham dự một đêm không ngủ. Thay vì vào bên trong khu Morin, Quỳnh Như đi Solex lên nhà Diễm.

Ông Bỗng cau mày khó chịu khi thấy Quỳnh Như dựng chiếc Solex trước cửa. Do mặc cảm, lâu nay ông vẫn ác cảm với tất cả gia đình Thanh Tuyến. Mặc dù các con ông đi lại, học hành thân thiết với con cái ông bà Thanh Tuyến, nhưng suốt bao năm, ông Bỗng chưa hề bước chân đến nhà Quỳnh Như. Cũng chưa hề mở miệng hỏi thăm thầy mẹ Quỳnh Như lấy một câu, dù là câu xã giao khách sáo. Cái gì ở Tường và Quỳnh Như cũng khiến ông ngứa mắt, từ chiếc Vespa của Tường, cho đến cái Solex màu đen này.

Quỳnh Như vô tâm vẫn tưởng ông Bỗng không bằng lòng vì mỗi lần nàng tìm đến Diễm, hai chị em cứ quấn lấy nhau cười cợt, nói đủ thứ chuyện đầu cua tai nheo, không cho con gái ông học hành gì. Từ lúc có chuyện tranh đấu xuống đường, vì Quỳnh Như hay rủ Diễm đi họp, nên ông lại càng khó chịu hơn. Quỳnh Như nghĩ ông quá lo lắng cho việc học của các con. Chẳng lo lắng, sao ông Bỗng cứ đem chuyện anh Ngọc của Diễm đang học Y khoa tại Sài gòn ra nói với Quỳnh Như?

Biết trước sẽ phải đối phó với ông Bỗng, nên Quỳnh Như lễ phép thưa với ông:

– Thưa bác, có Diễm ở nhà không ạ?

Diễm nghe tiếng bạn, ở sau bếp chạy ra, nét mặt dò hỏi. Ông Bỗng tiếp tục hút thuốc, không nhìn Quỳnh Như, chỉ lớn tiếng gọi vào phía trong:

– Diễm, có người hỏi!

Diễm len lén đi qua trước mặt cha, dắt Quỳnh Như ra trước đường hỏi nhỏ:

– Có việc gì thế?

Quỳnh Như buồn rầu đáp:

– Chẳng có gì cả. Tao buồn, lên tìm thăm mày, thế thôi.

Diễm không tin, đấm nhẹ vào vai bạn, nói:

– Mày mà buồn! Trời sập chưa?

Quỳnh Như đáp:

– Tao buồn thật đấy.

Diễm văn chua tin:

– Hay mày phải lòng ông anh tranh đấu nào rồi?

– Không. Tao buồn mới lên tận đây tìm mày. Lại kia ngồi nói chuyện đi.

Nghe giọng Quỳnh Như, Diễm tin lời bạn. Hai người dẫn nhau đến ngồi trên lề đường, chỗ khuất ánh sáng. Diễm tìm cách hỏi để an ủi bạn:

– Bên nhà có chuyện không vui phải không? Ôi chao, hơi đâu mà buồn. Nhà tao lâu lâu cũng vậy, riết rồi quen!

Quỳnh Như nhớ hôm biểu tình, Diễm cũng có nghe câu nói đùa độc ác của cậu sinh viên lỗ mãng, và nếu Quỳnh Như không làm, thì hình như hôm đó Diễm cũng cười phá lên. Cho nên nàng quay qua hỏi Diễm:

– Anh Ngô có nhà không?

– Không. Hồi chiều anh Tường mày lên chở anh tao đi! May lúc đó ba tao chưa về.

– Anh ấy còn vẽ vời hăng như trước không?

Diễm cười:

– Dẹp hết rồi. Cổ cao cũng không, mà cổ mập cũng không. Ảnh đóng cửa “xưởng vẽ” rồi. Ðóng cửa để làm văn phòng tranh đấu.

– Để làm cái gì?

– Làm chỗ hội họp.

– Thì vẫn bộ ba Tường, Ngữ, Ngô chứ có ai khác không?

Diễm vội đáp:

– Không, lâu nay anh Ngữ ít lên đây.

Quỳnh Như không hiểu vì sao Diễm cải chính một điều không mấy quan trọng như vậy, nhưng nàng chẳng để tâm, hỏi sang chuyện khác:

– Lâu nay mày học được không?

– Khó học quá. Mày hăng tranh đấu không có thì giờ học còn có lý. Tao ngồi nhà, mà học không vô. Cầm cuốn sách triết là buồn ngủ. Quỳnh Như này!

– Cái gì?

Diễm muốn Quỳnh Như trở lại chuyện gì liên quan tới Ngữ, nhưng chua biết gợi ý như thế nào. Thấy Quỳnh Như chờ đợi, Diễm ấp úng nói:

– Mày… mày có dư cuốn Tâm lý học nào không?

– Không. Nhưng nếu mày cần, tao nhượng cuốn tao đang dùng cho.

– Rồi mày lấy gì để học?

– Tao lấy cuốn của anh Tường cũng được. Hay là tao hỏi mượn sách cũ của chị Nam cho mày.

Lòng Diễm rộn rã khi nghe Quỳnh Như nói đến một người trong gia đình ông bà Văn, nhưng nàng vẫn chưa tìm được cách chuyển từ cô em gái sang ông anh. Diễm cúi xuống lượm một viên sỏi nhỏ vệ đường rán quăng viên sỏi xuống con sông đào trước mặt. Viên sỏi rơi thật gần, chỉ quá vệ đường um tùm cây cỏ dại bên kia một chút. Quỳnh Như bật cười:

– Mày không phải lực sĩ ném tạ nghe Diễm. Để tao! Coi này!

Quỳnh Như lượm một hòn sỏi khác, lấy hết sức ném về phía sông. Viên sỏi vuột ra khỏi tay Quỳnh Như, rơi ngay xuống lòng đường. Được dịp cho hai cô gái cười, đơn giản hoá bớt cuộc sống phức tạp.

Diễm vui vẻ nói:

– Một lần anh Ngữ cũng thách với anh Ngô ném cho được viên đá bằng nắm tay tới lòng sông. Thấy gần kề, nhưng không anh nào ném tới cả. Anh Ngữ…

Quỳnh Như hấp tấp hỏi:

– Anh Ngữ ném xa hơn anh Ngô à?

Diễm đáp:

– Ngược lại, mới ngộ chú! Làm tao cười nhạo ảnh được một bữa!

Đột nhiên Quỳnh Như hỏi Diễm:

– Mày thấy anh Ngữ thế nào?

Diễm đỏ mặt, như người bị kẻ khác soi rõ cả lòng mình. Diễm lúng túng nói:

– Anh Ngữ… tao… chắc quen quá nên tao chẳng nghĩ thế nào cả! Mày nghĩ thế nào?

– Tao thấy anh ấy sao sao! Cứ lờ vờ phơ phất, không quyết tâm làm cái gì cả!

Diễm hấp tấp cãi lại:

– Mày nói thế sao được. Mỗi người mỗi tính. Mày ham vui, ưa chỗ đông người, ưa xuống đường hội thảo. Mày cho ông anh mày là nhất. Nhưng…

Diễm ngừng lại, vì thấy Quỳnh Như nhìn mình với đôi mắt ngạc nhiên xoi mói. Quỳnh Như mỉm cười bảo Diễm:

– Sao tự nhiên mày bênh người ta chầm chập thế? Mày “nhưng” cái gì?

– Nhưng…

Quỳnh Như bật cười:

– Thôi đi bà nội! Nhưng nhụy hoài. Tao biết rồi nhé!

– Tầm bậy!

Quỳnh Như ôm Diễm, cười lớn hơn. Diễm không biết cải chính cách nào cho xuôi, cũng đành cười trừ. Tiếng cười trong trẻo của hai người bạn gái nhập vào đám sương khuya lãng đãng trên mặt sông, vang xa ra, tỏa lên cao hơn. Cả Quỳnh Như lẫn Diễm đều cảm thấy lòng lâng lâng yêu đời, trong lúc Huế tiếp tục lên cơn sốt.

Comments are closed.