Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 193): Quyên Di – Tuyết Xuống Đêm Qua

Tôi cư ngụ ở California mười mấy năm, chưa bao giờ nhìn thấy tuyết. Khí hậu California ấm áp, nơi cư ngụ lí tưởng của người Việt tị nạn. Vào những ngày mùa Đông, khi tôi rét run, thì những người bạn ở tiểu bang xa về chơi, cứ khen ầm lên là trời mát. Nếu Californịa này có tuyết đi nữa, thì cũng ở những vùng rất cao, như Big Bear chẳng hạn, mà tôi thì lười đi chơi nên chẳng mấy khi lên vùng ấy.

Phải đợi đến chuyển đi Paris vừa qua, mắt tôi mới thấy tuyết thật sự chứ không phải thấy trong xi nê hay trên truyền hình. Paris đang trong những ngày cuối Thu, trời xám và buồn, tuy vẫn đẹp. Nhiều con phố hai bên đường cây cối đã rụng hết lá, còn trơ trọi những cành khẳng khiu. Vườn Lục Xâm Bảo vắng người và vắng luôn cả chim chóc, khác hẳn những ngày nắng ấm, người ta đến đó đông như đi hội, trong lúc những đàn chim họp bạn trên cây hay những bồn hoa, hót ca ríu rít. Chương trình khí tượng trên đài truyền hình loan báo nhiệt độ đã xuống dưới không độ bách phân đến năm, bảy độ. Đi dạo phố, tôi mặc áo ấm hai ba lớp, trông người to gần gấp rưỡi bình thường, cổ quấn khăn quàng, kéo mũ trùm đầu che kín má yà hai tai, vậy và tôi vẫn run lập cập, đôi tai thì lạnh buốt, xem ra muốn rụng rớt xuống đường. Paris có vẻ muốn bắt nạt người ở xa lớ ngớ mới tới.

Buổi sáng hôm ấy, tôi và một người bạn ra khỏi nhà. Chúng tôi sẽ lấy xe buýt ra nhà ga, từ nhà ga đáp xe điện đi một vùng ngoại ô Paris. Đã bảy giờ sáng mà trời còn tối như bưng. Người bạn đưa tôi đi trên những lối nhỏ quanh co dẫn ra trạm xe buýt ở ngoài lộ chính. Đang khi đi dưới những vòm cây, tôi thấy có những vật trăng trắng nhỏ li ti rơi trên đầu. Tưởng là hoa rụng về đêm, tôi ngạc nhiên vì không ngửi thấy mùi hương. Đi qua một ánh đèn đường, tôi mới biết đó không phải là hoa, mà là những bông tuyết. Tôi hỏi người bạn xem có đúng là tuyết không thì anh gật đầu và nói: “Phải, tuyết đã âm thầm rơi từ suốt đêm qua.”

Chúng tôi chờ xe điện dưới ánh đèn vàng vọt. Tuyết mỗi lúc một xuống nhiều. Qua ánh đèn, tôi thấy tuyết bay tơi tả. Tuyết xuống rất êm, không gây nên tiếng động như mưa. Chính vì tuyết rơi âm thầm và êm đềm như vậy, cả đêm qua tuyết xuống mà tôi vẫn ngon giấc, không hay biết chút gì. Tuyết chẳng hề gây kinh động cho bất cứ ai, nhưng kết quả tuyết đem tới thì thật rõ rệt: chỉ một đêm tuyết xuống, sáng ra các mái nhà, mui xe, ngọn cây, cánh đồng… đều phủ đầy tuyết trắng xóa. Cảnh vật trông khác lạ hoàn toàn. Trong âm thầm, tuyết đã thực hiện những việc lớn lao và đổi mới tất cả.

Tôi ngồi trên xe điện, trầm ngâm nghĩ đến hai chữ ”âm thầm” mà anh bạn vừa nói về tuyết, và tôi bắt đầu cảm thấy sức mạnh của sự âm thầm.

Tôi nghĩ đến những mạch nước ngầm âm thầm chảy trong lòng đất. Có thể người ta không biết hoặc không nghĩ đến những mạch nước ấy, nhưng những mạch nước vẫn âm thầm chảy, để một ngày kia vọt lên thành con suối trong hay dâng lên thành lòng giếng ngọt. Cũng có thể mạch nước ngầm ấy chẳng bao giờ thành suối thành giếng, nhưng mạch nước vẫn nuôi sống mặt đất bằng sự tươi mát của mình. Những cánh đồng cỏ xanh tốt, những thảo mộc đâm chồi nảy lộc, những thân cây đâm cành, đơm bông kết trái dấng hiến cho con người hương thơm ngào ngạt và vị ngọt tuyệt vời… đó là những kết quả được tạo nên bằng sự âm thầm của những mạch nước ngầm. Ngọn sóng có thể quét đi khỏi mặt đất mọi thứ, nhưng mạch nước ngầm âm thầm nuôi dưỡng vạn vật.

Tôi nghĩ đến những con sâu âm thầm cuốn mình trong lòng kén. Sâu ẩn mình đi, co rút lại, hầu như bất động trong một thời gian dài. Kết quả của sự âm thầm ấy là một ngày kia sâu cắn tổ kén, mọc cánh thành bướm. Những cánh nhiều màu rực rỡ, nâng thân sâu lên cao, thênh thang bay lượn giữa bầu trời rực nắng. Nếu sâu không tự nguyện chui vào lòng kén, không âm thầm và kiên trì, ”tu luyện” trong kén, chẳng bao giờ sâu có thể tự biến đổi thành bướm. Sâu sẽ chết ở một góc tối nào đó với kiếp sâu.

Tôi nghĩ đến những con người âm thầm theo đuổi một mục tiêu, một lí tưởng cao đẹp. Họ không khua chiêng đánh trống, cũng không cần ai biết đến việc làm của họ để mà khen ngợi. Trong âm thầm, họ phục vụ lí tưởng; trong âm thầm, họ tiến dần tới mục tiêu. Nếu không có sự âm thầm ấy, chưa chắc họ đã đạt được đích điểm. Biết bao điều có thể cản trở họ, kể cả con người của họ.

Tôi nghĩ đến những tình bạn, nảy nở và thể hiện trong âm thầm, tươi đẹp và hữu ích. Trong tất cả những câu chuyện về tình bạn trên thế giới, kể cả tình bạn tri âm ”Bá Nha – Chung Tử Kì”, có lẽ không câu chuyện nào đẹp bằng câu chuyện ”Lưu Bình – Dương Lễ “. Nếu sau khi Lưu Bình thất bại ở trường thi, Dương Lễ làm vui lòng bạn bằng đón tiếp nồng hậu, đon đả giúp đỡ Lưu Bình, hậu đãi Lưu Bình bằng tiền bạc, vật chất, Lưu Bình đã không thành công sau đó. Nhưng trong âm thầm, Dương Lễ đã hi sinh để giúp Lưu Bình một cách hữu hiệu. Tình bạn ấy đẹp đẽ và hữu ích quá.

Tôi cũng có những người bạn, trong âm thầm sửa đổi những nết xấu của tôi, nâng đỡ tôi trên đường bước theo lí tưởng, bênh đỡ tôi khi tôi gặp gian nguy, cầu nguyện cho tôi được ơn lành trong mọi lúc. Những người bạn ấy không cần để ý xem tôi có biết đến sự nâng đỡ của họ không. Chính sự âm thầm của những người bạn ấy đã giúp tôi một cách hữu hiệu.

Tôi nghĩ nhiều hơn nữa đến những bài học âm thầm mà Chúa Ki tô và Giáo hội đã nêu gương và dạy bảo tôi.

Chúa Ki tô dạy tôi bài học âm thầm khi Ngài giáng thế một cách đơn sơ, nghèo hèn trong máng cỏ Bê-lem. Nếu không có sự giáng sinh âm thầm ấy, ơn cứu chuộc đã không đến với con người, trong đó có tôi.

Chúa Ki tô dạy tôi bài học âm thầm khi Ngài sống ẩn dật suốt ba mươi năm tại vùng quê hẻo lánh Nazareth. Trong âm thầm, kế hoạch cứu chuộc nhân loại bằng yêu thương đã hình thành, để rồi sau đó Ngài đem ra thực thi và rao giảng.

Chúa Ki tô dạy tôi bài học âm thầm khi Ngài chấp nhận ẩn mình trong hình bánh, nép thân trong Nhà Tạm, ở lại với con người ”mọi ngày cho đến tận thế”. Không có sự âm thầm đó của Chúa Ki tô, làm sao con cái của Giáo Hội có được diễm phúc kết hợp cụ thể và mật thiết với Ngài?

Giáo Hội cũng đã dạy tôi nhiều bài học âm thầm.

Nếu không có những giáo hữu sống âm thầm trong các hang toại đạo hết năm nọ sang năm kia, chắc chắn đã không có Giáo hội Roma ngày hôm nay.

Nếu không có các vị truyền giáo chấp nhận sống cuộc sống âm thầm giữa những nơi rừng già núi thẳm hay giữa những xã hội bán khai, Tin Mừng của Chúa làm sao có hi vọng ”loan truyền khắp mọi nơi trên mặt đất.”

Nếu không có những tu sĩ, nữ tu âm thầm cầu nguyện Iiên lỉ trong các nhà dòng, hành trình truyền giáo của các vị thừa sai chưa chắc đã thành công.

Nếu không có những nữ tu tươi tắn, xinh đẹp cả tâm hồn lẫn thể xác, tự nguyện sống âm thầm trong những trại phong cùi, ai sẽ là người săn sóc, an ủi, nâng đỡ những con người phong cùi đau khổ đó?

Nếu không có những thánh lễ được dâng lên âm thầm hằng ngày, hằng giờ tại khắp mọi nơi trên thế giới, Giáo hội làm sáo đứng vững trước mọi cuộc bách hại của trần gian, và làm sao thực hiện sứ mệnh rao truyền Tin Mừng cứu độ của mình?

Giáo hội đã âm thầm sống giữa lòng những chế độ công khai bách hại mình. Giáo hội cũng đã âm thầm sống giữa lòng những xã hội mà tư tưởng vô thần, phủ nhận Thượng Đế được công khai cổ võ.

Trong âm thầm, Giáo hội đã gieo xuống lòng đất hạt giống Tin Mừng, để một ngày nào trổ sinh thành cây lúa trĩu nặng hạt vàng. Trong âm thầm, Giáo hội đã làm mọc lên cho nhân loại và thế giới những cây trái tươi tốt, đem lại vị ngon ngọt và sức bổ dưỡng cho con người.

Bài học của Chúa Ki tô và Giáo hội giúp tôi thêm cảm phục những gương sống âm thầm.

Tôi cảm phục những ”Martha của thời đại”, âm thầm phục vụ cộng đồng. Tôi ý thức rằng khi bất cứ một môi trường, một tổ chức nào được thăng tiến, trong đó chắc chắn đang có những con người thiện chí đang âm thầm hi sinh.

Tôi cảm phục những người cha, người mẹ âm thầm hi sinh cho con cái, chịu đựng mọi vất vả để mua lấy tương lai tươi sáng cho các con, không cần biết các con có đền ơn hay biết ơn mình không.

Tôi cảm phục những con người, những tổ chức, trong âm thầm dọn một con đường tươi sáng hơn, vinh quang hơn cho dân tộc tôi. Tôi kính trọng những anh hùng vô danh, những vị không được nêu tên trên bảng vàng, bia đá, nhưng trong âm thầm đã dâng hiến những hi sinh lớn lao vì đại nghĩa dân tộc:

“Họ là những anh hùng không tên tuổi,

Sống âm thầm trong bóng tối mông mênh,

Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh,

Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.”

(Đằng Phương)

Tôi cảm phục những người trong âm thầm, dùng gương sống của chính mình, chứ không bằng những lời tuyên bố, cải thiện khuôn mặt của môi trường mình đang sống.

Trên chuyến xe điện lao đi trong cơn mưa tuyết ngày hôm ấy, tôi đã suy nghĩ nhiều đến những khía cạnh cao quí và hữu ích của sự âm thầm. Và rồi ngồi trên chuyến xe ấy, nghĩ đến một bến đỗ đang đợi chờ, tôi cũng nghĩ về một chuyến đi dài nhất trong cuộc đời tôi mà bến đỗ là cuộc đời vĩnh cửu. Kiểm điểm lại, tôi nhớ rằng trên chuyến đi này, nhiều khi tôi đã chạy một cách ồn ào, hay đã vừa đi vừa hò hét. Cũng có khi tôi đã chán nản đứng lại hay mệt mỏi ngồi bệt xuống vệ đường. Nhưng nghiệm lại, những bước chân làm kinh động người khác, những bước chân hối hả vội vã, những bước chân có kèm theo tiếng kèn tiếng trống, có lẽ không ích lợi và hữu hiệu bằng “những bước chân âm thầm ” nhưng kiên trì và nhẫn nại.

Dĩ nhiên, đi với những bước chân âm thầm không có nghĩa là tôi bước đi trong lẻ loi cô độc. Bởi thế, tôi mong rằng sẽ có những người bạn cùng tôi đồng hành với những bước chân âm thầm ấy.

(Trích trong Nhìn Xuống Cuộc Đời, California: Thời Điểm, 1995)

Nguồn: http://lethikimphuong.blogspot.com/2017/01/tuyet-xuong-em-qua-nhin-xuong-cuoc-oi.html

Comments are closed.