Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 202): Mùa biển động (3)

Tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác

Image result for "Mùa biển động"

MÙA BIỂN ĐỘNG TẬP 1

Chương 1 – Chương 13

NHỮNG ĐỢT SÓNG NGẦM

Chương 5

Như đã nói ở trên, đầu tiên ông Văn đặt tất cả ước vọng của đời mình vào Ngữ. Ông có lý do để hy vọng Ngữ làm được những điều ông bỏ dở. Ngữ mạnh khỏe và thông minh, ham học hỏi ham đọc sách. Sự chân thành cộng thêm với đam mê đối với những gì thuộc về thế giới lý tưởng và khả năng nhạy bén thấy được cái cốt yếu trước mớ bòng bong sự kiện , không phải đứa trẻ nào cũng có. Ở vào tuổi dậy thì, Ngữ trở nên khó tính, hay cãi bướng, hay thích sống cô độc. Ông Văn làm nghề giáo còn lạ gì với các trái chứng của lứa tuổi phát triển. Bà Văn lo âu, ông giở hết sách vở ra chứng minh cho bà hiểu đó chỉ là báo động giả. Rồi thời kỳ xác lập bản ngã của đứa con trai mới lớn qua đi, ông sẽ thấy một đứa con trai đúng y như mơ ước của mình.

Nhưng qua cái tuổi dậy thì mà các trái chứng của Ngữ vẫn còn đó. Tính ưa thắc mắc trở thành hoài nghi, những cơn buồn ngủ tăng trưởng thành thói quen cô độc. Sự vụng về trong cách cư xử thành sự thách đố. Ông chờ. Chờ mãi cho đến lúc Ngữ chê hết sách vở bỏ nhà đi tự lập. Ông thất vọng não nề. Chưa hao giờ ông thấy mình bị phản hội độc địa đến như vậy. Ông cay đắng, đổ thừa cho bà hay nuông chiều con cái. Bà đổ thừa tại ông cộc cằn độc ác với con. Hai vợ chồng kình cãi nhau hoài. Bà khóc, ông đùng đùng xách cặp ra đi. Bà thắp đèn đợi cửa. Ông cảm động quá, làm hòa. Rồi hôm sau, mọi sự lại tiếp diễn.

Nam chỉ thua Ngữ có hai tuổi nên chẳng bao lâu nàng trở thành niềm hy vọng mới của cha. Rút kinh nghiệm lần trước, ông Văn chăm sóc cách ăn mặc, cách đọc sách, kể cả quan hệ giao thiệp của con gái kỹ hơn. Ở phòng học của Nam, ông dán la liệt hết câu danh ngôn này đến câu danh ngôn khác. Nam nhu mì ngoan ngoãn hơn anh, nên nhất nhất mọi thứ đều răm rắp làm theo lời cha. Nàng cũng mẫn cảm như Ngữ, thích sống cô độc như Ngữ. Nhưng Nam yếu đuối thụ động, lười cả đến việc kết bạn. Nhiều hôm chính ông Văn đề nghị dẫn Nam đi xi-nê hoặc dự các cuộc hội họp, xem triển lãm tranh, dự đại nhạc hội. Nam vâng theo lời cha, nhưng qua cách nàng ngáp dài giữa những xuất chiếu bóng hoặc bơ vơ lạc lõng giữa đám đông, ông thấy Nam không thích chỗ đông người. Thay thế cho thế giới sống động của cuộc đời thực, Nam mải miết đọc sách. Nàng mụ người vì đọc, ốm o vì đọc.

Lối chọn sách của Nam cũng không bình thường. Nam không mê những chuyện diễm tình ướt át trong đó chàng nàng gặp hết éo le này đến trắc trở nọ, nước mắt thấm ướt mấy trăm trang giấy để rồi cuối cũng chàng nàng may mắn thoát nạn, dẫn nhau đi trên xác pháo cưới mầu hồng. Nam chê loại sách đó rẻ tiền. Năng ưa những hệ lụy phức tạp, đại loại như cuốn Khung Cửa Hẹp củaAndré Gide hoặc Ðỉnh Gió Hú của Emily Brontë. Trên bàn học của Nam, nàng tìm đâu ra được bức hình Jeanne Moreau đóng vai Alissa trong phim Khung Cửa Hẹp thời xưa đem lồng dưới tấm ni lông trên bàn học để hàng ngày gặm nhấm nỗi đau đớn tuyệt vọng của người con gái bất hạnh. Có thể nói Nam tìm thấy hạnh phúc ở niềm đau khổ dằn vặt phức tạp vay mượn trong văn chương, và thích làm người tuẫn đạo cho cái gì đó Nam chưa tìm được.

Khi Tường tốt nghiệp Ðại học Sư phạm trở về dạy tại ngay trường cũ, chàng thường đến nói chuyện với ông Văn. Hai thầy trò đàm đạo với nhau rất tâm đâu ý hợp. Nam lảng vảng quanh chỗ họ ngồi, khi chờ sai pha cà phê, khi chờ mua bao thuốc lá. Tường là người thanh niên đầu tiền Nam được tiếp xúc gần gũi. Khuôn mặt xương xương, mái tóc dãi bất cần, đôi mắt đăm chiêu thường hay cau có, vẻ bất mãn thường trực đối với mọi sự, những câu chuyện rắc rối trời trang, tất cả những thứ đó đối với Nam thật quen thuộc. Nàng tưởng như gặp một người đã quen biết từ kiếp trước. Nàng suy nghĩ mãi, về sau mới thấy Tường là cái bóng nhòe của Jérôme trong Khung Cửa Hẹp và Heathcliff trong Đỉnh Gió Hú cộng lại. Khám phá đó khiến Nam thích thú, và nàng bắt đầu mơ ước.

Nam không được mẹ vỡ lòng cho cách làm dáng, hoặc giữ nửa kín nửa hở tình cảm đối với phái nam, nến ông Văn dễ dàng đoán được tâm trạng con gái. Ông vừa mừng vừa lo. Nếu ước vọng của ông thành sư thật? Phải, nếu… Nhưng tại sao lại không thành? Không có ngăn trở nào đáng kể. Nam không đẹp lắm, nhưng Tường đâu phải là kẻ háo sắc? Tường đam mê và sống lim lỉm vào bên trong. Nam tế nhị mơ mộng có thua ai. Huống chi không phải vô cớ mà Tường tìm mọi dịp để đến thăm thầy cũ. Ôn lại tất cả những gì xảy ra, ông Văn thấy dự đoán của mình càng có căn cứ. Ông chưa dám thổ lộ niềm mơ ước ấy với ai, ngay cả với vợ hoặc với Nam. Nhưng lâu lâu, sau khi tiếp chuyện với Tường, ông thường thao thúc cả đêm vì lòng rộn rã, nhìn đỉnh mùng cười một mình.

Tối hôm đó, ông cũng thao thức nhưng không cười được. Câu chuyện với Tường khiến ông ray rứt không yên. Ông hối hận đã làm cho cậu học trò cũ chùn bước. Lúc chia tay ra về. Tường thất vọng trông thấy. “Phải làm cái gì chứ”. Dĩ nhiên. Nhưng làm gì? Ông chưa biết “phải làm gì” và cũng chưa sẵn sàng chấp nhận “cách làm gì” của Tường là hợp lý. Mười giờ đêm. Rồi mười một giờ. Ông Văn vẫn chưa đi ngủ. Bà Văn từ buồng ngòai lâu lâu thức giấc nhắc nhở:

– Mình đi ngủ đi. Mai dạy những tám giờ.

Ông nói dối, bảo còn phải chấm xấp luận để mai trả. Bà Văn chờ không được, lịm ngủ lúc nào không hay. Mười hai giờ khuya. Một bàn tay ngón nhỏ se sẽ đặt lên bàn ông tách cà phê bốc khói. Ngọn đèn bóng tròn có chụp chiếu mầu vàng đậm lên bàn tay dễ thương móng cắt ngắn không tô son. Ông cảm động quá, nắm lấy hàn tay non dại yếu ớt. Bàn tay lạnh cóng vì gió khuya. Ông nghe tiếng thì thào:

– Ba. Ba chưa ngủ sao?

Nam đứng sau lưng ông và đang mỉm cười, như bẽn lẽn. Ông run run hỏi:

– Con chưa đi ngủ à?

– Con chờ ba.

– Chờ làm gì. Ba bận chấm bài.

Nam liếc nhìn lên bàn viết, cười lém lỉnh và biết cha nói dối. Ông Văn cũng cười, rồi bảo:

– Tự nhiên ba không ngủ được.

Đột nhiên Nam hỏi:

– Hồi chiều anh Tường nói gì với ha thế?

Ông Văn ngửng lên nhìn con. Nam nghiêng người đẩy tách cà phê vào giữa bàn để tránh cái nhìn dò hỏi của cha. Ông Văn đau nhói cả lòng. Ông biết Nam đang chờ đợi điều gì. Ngập ngừng một lúc, ông nói:

– Anh ấy mời ba viết báo, nhưng ba thấy khó quá.

Nam rạng rỡ nét mặt, vội hỏi:

– Anh ấy cũng có nói với con. Sao ba từ chối?

– Ba không từ chối. Ba chỉ thấy khó.

– Khó thế nào hở ba?

– Dài dòng lắm. Bạn bè anh ấy ở nhóm Lập Trường còn tự tin, còn nghĩ có thể làm được cái gì độc đáo sáng rỡ. Ba thì thú thực không biết phải làm cái gì đây.

– Ba không tin các anh ấy ư? Không tin Huế đã thức dậy?

– Chính ba còn ngái ngủ thì còn hòng đánh thức ai.

Nam nũng nịu trách:

– Tự nhiên ba chán đời.

Rồi nàng hấp tấp hỏi tiếp:

– Anh Tường còn nói gì với ba nữa không?

Ông Văn lại ngước lên nhìn con. Nam bối rối phân bua:

– Ý con muốn hỏi ba, anh ấy có nhờ ba viết thêm mục nào không?

Ông Văn giá vờ không thấy gì cả, chậm rãi nói:

– Câu chuyện khúc mắc ngay từ đầu, ở chỗ “nên làm gì” cho nên tạm dừng ở đó. Ba còn hẹn xem số báo đầu rồi hãy tính.

Nam khoe:

– Anh ấy còn “mời” con viết nữa đấy. Anh Ngữ thì dĩ nhiên phụ trách phần văn nghệ. Con kể chuyện xảy ra trong giờ triết, anh ấy bảo nên ghi vào phần tạp ghi.

Ông Văn không muốn con thất vọng, liền nói:

– Con cứ thử xem.

– Nhưng con ngại.

– Ngại cái gì?

– Ngại khơi lại sự mâu thuẫn giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Con có nhiều bạn bè ở cả hai phía, không thích ai buồn lòng cả.

– Nhưng chuyện gì xảy ra thế?

Nam kể chuyện đã xảy ra trong giờ triết. Nghe xong, ông Văn càng xác tín mối hoài nghi của mình. “Phải làm một cái gì”. Vâng, nếu từng thế hệ đủ năng lực và tự tin thì cứ làm, với điều kiện không dẫm lên xác chết một lớp đông đảo khác. Hồi chiều, ông đã muốn nói với Tường:

– Thế hệ tôi đã có nhiều người tìm ra rồi. Tôi thì chưa. Không phải vì tôi không biết họ đã tìm ra, nhưng chỉ vì tôi đã chứng kiến, đã xót xa khi thấy muốn làm điều định làm, họ sẵn sàng dày lên rất nhiều xác chết.

Ông không nói, vì theo ông, có nói Tường cũng không tin. Mỗi thế hệ phải “trực tiếp qua cầu” để đích thân rút lấy bài học lịch sử. Ông đã già, không thuộc trang lứa của các anh em đồng chí hướng của Tường. Ông nói sớm quá chỉ chuốc lấy cái tiếng lẩm cẩm nhát gan.

***

Ông Văn thất vọng đến ngơ ngẩn vì hai đứa con út. Quế thua Nam một tuổi, có tính tình khác hẳn. Nam nhạy cảm bao nhiêu thì Quế thực tiễn bấy nhiêu. Ngay từ nhỏ, tính Quế đã vô tư không thích những điều rắc rối. Học lực ở vào hạng trung bình, không trì độn đến nỗi phải đội sổ làm xấu mặt ông Văn, nhưng cũng không thông minh để lên đứng từ vị thứ mười trở lên. Bù lại, Quế rất siêng việc nhà. Cái thú của Quế là được xách giỏ theo bà Văn đi chợ, la cà hết hàng này đến hàng khác, mải mê ngắm nghía hoa quả, tôm cá, say sưa tận hưởng cái náo nhiệt của chợ búa.

Lên mười tuổi, Quế đã thạo chuyện mua bán. Bà Văn sinh thằng Lãng xong bệnh hoạn hoài nên chuyện nội trợ không ai lo. Quế thay mẹ làm hết mọi việc, xông xáo hứng thú mà làm chứ không phải vì ép buộc. Lúc Quế học lên đệ tứ thì tình trạng tài chánh của gia đình bắt đầu khó khăn. Bà Văn xưa nay không giỏi chuyện mua bán xoay xở nên mỗi lần nhận số lương ba cọc ba đông do chồng mang về, chỉ biết thở dài cộng trừ mãi. Thở dài rồi thở dài. Nợ nần chồng chất mỗi tháng một ít, giật gấu vá vai cũng không đủ. Chính ông Văn gợi ý nên mở hiệu bán sách báo ở gian trước. Vừa làm thầy giáo vừa bán sách báo, cách phối trí như vậy thật hợp với truyền thống nhà nho.

Ông cũng chỉ có ý niệm đơn giản thế thôi, còn đi sâu vào chi tiết như nên chọn sách loại nào để khỏi ế, nên giải quyết thế nào để số sách đọng cong bìa mối đục khỏi chồng chất lớp này lên lớp khác, thì ông chịu. Tiêu chuẩn mua sách của ông na ná như khẩu hiệu của nhóm Tư lực Văn đoàn thời xưa: “Trước vui thích sau ích lợi”. Khổ nỗi sách bán ế thì vừa không vui thích vừa bất lợi, nên mở hiệu sách được một năm, gần Tết âm lịch tính sổ lại, vợ chồng sợ đổ mồ hôi. Bao nhiêu vốn liếng chôn cả vào đống sách ế.

Đúng lúc đó, Quế mới trổ tài. Cô bé xin ba má cho thôi học để đặc trách hiệu sách. Ông Văn không chịu. Rán thêm một vài tháng, không còn ai thèm đến hiệu nữa, trừ bọn con trai choai choai tóc dài đến đứng chờ ghẹo các cô Mai khôi. Mở hiệu sách cũng như mở hiệu thuốc tây, nếu tiếp tục thì còn hòng gỡ vốn ăn dần vào tiền lời giả tưởng. Còn nếu đóng cửa ngang xương thì bao nhiêu vốn coi như tiêu tan theo đống sách vở hoặc thuốc cũ quá thời. Cho nên dù không muốn, cuối cùng hai vợ chồng đành hy sinh một đứa con, cho Quế ở nhà lo việc mua bán. Quế chỉ chờ có thế thôi.

Trong một tháng, cô bé làm thay đổi hẳn cục diện. Quế theo sát thị hiếu của khách mua, kể cả những cậu choai choai đứng chờ nữ sinh Mai Khôi. Trước tiên, Quế đặt mua thêm báo Thiếu nhi và Phụ nữ, Điện ánh có nhiều mầu. Nhật báo thì lựa những tờ ông Văn ghét nhất. Cô mua thêm một tờ cha thích nhất, và khi cha xem xong, Quế kèm theo báo ế trả ngay cho nhà phát hành. Kế hoạch của Quế không nhắm vào việc bán báo. Cô bé xin me ít tiền sắm cái tủ kính bán thuốc lá lẻ, loại vừa thông dụng vừa rẻ tiền hồi đó như Ruby Quân tiếp vụ, Bastos xanh, một ít Capstan. Thuốc Mỹ thì có Kent, Kool, Pall Mall. Khách hàng thường trực dĩ nhiên là các cậu choai choai. Ðứng chờ lâu trước cửa hiệu người ta cũng kỳ, các cậu lấy cớ tìm lựa mua báo để nấn ná. Nấn ná mãi cũng kỳ, phải mua cái gì đó. Bà Văn thiếu thực tế khi chỉ chú ý đến các thứ “phù phiếm” như cục tẩy, viên phấn, bì thư, cây thước. Quế nghĩ ngay đến thuốc lá lẻ.

Quả nhiên, số thu nhập tăng vọt. Rồi từ thành công này đến thành công khác, Quế bắt đầu mở tủ sách cho thuê. Ông Văn đòi kiểm duyệt số sách đem ra phổ biến. Quế chiều ý cha, và kiên nhẩn chờ đợi. Tiền vốn bỏ ra nhiều để mua toàn là Chiến quốc sách, Cổ học tinh hoa, Sứ ký Tư Mã Thiền, Cách luyện chí, Cái dũng của thánh nhân, Những cuộc đời ngoại hạng… số thu không bằng một nửa số bán thuốc lá lẻ. Ông Văn bát đầu mất tự tin. Ông chua chát cho rằng đạo đức đã suy vi, chê thế hệ trẻ hời hợt. Cách chê của ông mỗi ngày một chung chung, mù mờ, để rồi cuối cùng ông làm ngơ. Ông chỉ căn dặn con cái không được đọc sách nhảm. Điều ông lo chỉ là thừa, vì Ngữ và Nam không bao giờ đọc đến các sách cho thuê, còn Quế với Lãng thì không bao giờ sờ đến sách. Có hại cho lũ con trai choai choai tóc dài chăng? Biết đâu chính mấy ngón tay vàng rôm vì thuốc lá của chúng làm hại sách chứ không phải sách làm hại chúng. Với mâm cơm khá tươm tất có đủ canh rau, cá kho và một dĩa xào, lương tâm chức nghiệp của ông Văn cũng đủ sức thoải mái.

Những năm gần đây, ông thất vọng nhất về Lãng, đứa con trai út. Nó có dư cái ương ngạnh của Ngữ, nhưng lại thiếu hẳn sự sâu sắc nhạy cảm. Thích chưng diện, thích đánh lộn, thích lông bông, và cái Lãng không thích nhất là học hành. Ông Văn đổ thừa cửa hàng sách, tuy chính ông gợi ý mở cửa hiệu để bù đắp ngân quỹ gia đĩnh. Bà Văn lại đổ thừa ông lười dạy con, suốt ngày cặm cụi với đống giấy cũ. Cãi qua cãi lại, cuối cũng họ đổ thừa cho thời thế, cho xã hội bên ngoài.

Họ bất lực không biết phải làm gì với đứa con hoang. Mỗi lần ông Văn giận quá, lấy roi quất lên cái quần jeans dày cui và bẩn thỉu của nó, Lãng im lặng chịu trận, không chạy trốn hoặc van xin gì cả. Bà Văn nóng ruột đến giật roi khỏi tay chồng, bà ôm con khóc với nó. Van xin năn nỉ nó đổi tính. Nét mặt Lãng không hề thay đổi.

Một tuần sau cái đêm ăn sinh nhật Quỳnh Như với ban nhạc Royal Youth Club, Lãng bỏ học không về nhà. Cha mẹ, anh chị tỏa ra đi kiếm khắp nơi, không thấy tăm hơi. Ông Văn nghĩ đến trường hợp Ngữ, cho đó là cái huông không tránh khỏi của gia đình. Đành phải chờ đời dạy nó vậy. Trường học không dạy được Lãng, biết đâu phải nhờ đến trại lính. Ông đoán đúng. Hai ngày sau cái hôm Tường đến thăm, ông Văn biết tin Lãng đã giả mạo chữ ký cha mẹ để xin đăng lính trước tuổi. Nó thành lính Dù khi vừa đúng tuổi mười bảy.

_____________________________________

Chương 6

Lớp đệ nhị C1 của Quỳnh Như và Diễm học trên lầu, dãy phía trái của trường Đồng khánh. Vì phòng học nằm ngay ở đầu cầu thang nên sau giờ chào cờ, lớp của hai cô phải lên cuối cùng. Diễm chờ đợi suốt buổi chào cờ chẳng thẩy gì cả, nên lúc xếp hàng lên lớp, nàng hỏi nhỏ Quỳnh Như:

– Sao không thấy gì cả?

Quỳnh Như thì thào trả lời:

– Ừ, lạ quá. Anh tao bảo thế nào sáng nay các trường cũng làm đồng loạt ma.

Diễm lo lắng:

– Tao nghe lời mày nên hồi hôm không học thuộc lòng bài “Lạc đường” của Trần Tế Xương.

Quỳnh Như cười hi hí nói:

– Tao cũng vậy. Mày có soạn bài không?

– Không. Còn mày?

– Học có tám câu thơ còn làm biếng huống chi phải soạn bài giảng văn. Anh Tường hại bọn mình rồi.

Diễm kéo bạn đi thật xa phía sau, dặn nhỏ:

– Mày tìm kế hoãn binh đi.

– Làm sao?

– Mày làm trưởng lớp, thiếu gì cách. Như cố kéo dài việc kiểm danh xem có gì xảy ra không.

– Nếu không  có gì cả thì làm sao?

– Nhất định có. Hồi sáng đi ngang Quốc học, tao thấy bên ấy cứ tụm năm tụm ba xì xầm. Hình như có biểu ngữ nữa đấy.

– Thật à? Nhưng sao mày lại nói “hình như”.

– Tao thấy có hai anh đèo nhau bằng xe Mobylette. Người ngồi sau có ôm cuốn vải trắng và lon sơn.

Quỳnh Như vui mừng nói:

– Nếu thế thì chắc chắn có chuyện rồi. Được, để tao cố câu giờ xem sao.

Họ học hai giờ Việt văn đầu buổi. Vào lớp đã mười phút, cô Tuyết vẫn chưa thấy lên. Cả lớp ồn như cái chợ, trong đó cô trưởng lớp cười to nhất. Lâu lâu giật mình nhớ lại vai vế của mình, Quỳnh Như kêu to:

– Các chị đừng làm ồn. Coi chừng bà Doãn lên đấy.

Nói xong, Quỳnh Nhu quên ngay lời mình. Câu chuyện từng nhóm đều xoay quanh tin đồn sáng nay sẽ có chuyện hay lắm. Chuyện đó là chuyện gì? Không ai biết rõ. Có thể có biểu tình. Có thể có hội họp, có thể… có thể… Dù là gì chăng nữa, “chuyện ấy” phải thích thú vì đỡ phải ngồi suốt hai tiếng đồng hồ nghe cái giọng buồn ngủ của cô Tuyết và hết sợ lựu đạn cay dùi cui như trước. Bây giờ có làm gì cũng là “biểu dương lực lượng” một cách thoải mái hí hửng với đầy đủ biểu ngữ, micro pin, đội trật tự mang nơ đỏ và rất nhiều tiếng cười đùa.

Tiếng guốc cao gót bước mau lóc cóc ở phía cầu thang. Quỳnh Như cười gỡ lần cuối rồi cao giọng nói:

– Các chị im đi chứ. Cô Tuyết sắp lên kìa.

Cô giáo sư Việt văn lên thật. Cả lớp đứng dậy, im lặng như chưa bao giờ nói chuyện như cái chợ vỡ. Cô Tuyết lên ngồi ở bàn giáo sư, đưa tay ra dấu cho phép học sinh ngồi.

Cả lớp Nhị Cl hồi hộp theo dõi từng cử chỉ của cô. Cô giáo nhìn quanh khắp lớp với đôi mắt nghiêm trang khác thường, rồi đưa tay giở cuốn sổ điểm. Nhiều tiếng xì xào lo lắng. Diễm thúc cùi chỏ vào hông Quỳnh Như. Quỳnh Như đứng dậy lễ phép nói:

– Thưa cô, con chưa kiểm diện ạ.

Cô Tuyết cau mày trách:

– Từ nãy giờ làm gì không kiểm diện?

Quỳnh Như quên dè dặt buột miệng nói:

– Con tưởng…

– Tưởng tưởng cái gì?

Quỳnh Nhu mau miệng nói:

– Con tường cô bị bệnh, nhiều chị đã đòi về.

Cô giáo biết Quỳnh Như nói dối, nhưng vì vẫn có cảm tình với cô bé trưởng lớp liến thoắng tinh nghịch, nên chỉ nói:

– Thôi được. Kiểm diện đi.

Quỳnh Như chậm rãi tiến lên bàn cô giáo, chậm rãi giở sổ ra để chậm rãi thông thả gọi từng tên. Có nhiều tiếng phì cười ở cuối lớp. Quỳnh Như giả vờ nghiêm mặt cảnh cáo:

– Các chị phải giữ im lặng để điểm danh xong còn học. Lê thị Bích Ðào đâu? Lê thị Bích
Ðào, có mặt phải không? Đỗ thị Ðông có không? Tôi nhắc lại Ðỗ thị Ðông. Xin chị Đông nói lớn lên một chút. Bây giờ đến chị Lê thị Kim Ðịnh. Có mặt hả? Thưa cô chị Ðịnh có mặt. Nguyễn thị Hồng…

Cô Tuyết cau mặt gắt:

– Làm cái trò gì thế Quỳnh Như? Sao không bảo các tổ trưởng báo cáo như mọi hôm cho nhanh?

Quỳnh Như lễ phép đáp:

– Thưa cô hôm qua các chị tổ trường báo cáo vắng mặt sai cả, có nhiều chị kiện lên phòng tổng giám thị.

Lại có nhiều tiếng cười rúc rích ở góc trái. Cô Tuyết lừ mắt nhìn về phía đó, rồi bảo Quỳnh Như:

– Thôi đưa sổ kiểm diện đây! Các em ngồi đầu bàn thấy có ai vắng mặt đứng dậy cho biết đi! Lâm thị Xuân, Nguyễn thị Vân Hương, Lê thị Vinh, ai nữa?

Cả lớp yên lặng. Cô giáo xếp   kiểm diện lại, rồi lật cuốn sổ điểm. Mọi người xanh mặt lọ âu. Khắp nơi bắt đầu nổi lên tiếng lật vở lào xào và giọng học bài rì rầm. Cô Tuyết mỉm cười nhìn khắp lớp như diều hâu đảo mắt tìm mồi. Cô nhìn Quỳnh Như. Quỳnh Như cúi xuống vờ sửa lại vạt áo dài trắng. Cô nhìn Diễm, Diễm sửa lại quai guốc. Nhìn Bích Đào, Bích Ðào ho vài tiếng rồi rút khăn tay che miệng. Ðúng lúc đó micro bắc ở cột cờ giữa sân có tiếng hú chát chúa, tiếng lao xao mơ hồ của nhiều người cùng nói, cuối cũng là tiếng gõ vào micro rồi đếm 1, 2. 3. Cả lớp nhị C1 thở phào reo lên:

– Có rồi!

– Bắt đầu rồi!

– Thế là thoát!

Cô Tuyết ngơ ngác hỏi:

– Cái gì mà ồn lên thế?

Nhiều người mạnh dạn cùng đáp một lúc:

– Thưa cô sắp có chuyện ạ!

– Thưa cô có biểu dương lực lượng.

– Thưa cô các anh bên Quốc học qua rồi!

– Thưa cô, nghỉ chưa ạ?

Trên micro một giọng nam bắt đầu nói, giọng cố ý trầm bổng cho hùng hồn và diễn cảm:

“A lô, a lô. Ðây là tiếng nói của thanh niên, sinh viên, học sinh thành phố Huế, tiếng nói của những người thao thức trước hiện tình đất nước. Thưa các bạn học sinh Đồng khánh…”

Ngôi trường đang im lặng đột nhiên òa vỡ thành khu chợ phiên. Lớp nào cũng vang dội tiếng đập bàn, tiếng la chí chóe, tiếng cười, tiếng guốc chạy lốp cốp trên hàng lang. Quỳnh Như đứng bật dậy như các bạn, hỏi cô Tuyết:

– Ra được chưa cô?

Cô Tuyết cố thuyết phục học sinh im lặng bằng cách nói:

– Các em rán chờ lênh bà hiệu trưởng.

Nhiều tiếng nói phản đối:

– Các anh ấy kêu gọi tập họp ở sân trường mà cô!

– Các lớp khác đã được nghỉ học rồi cô!

– Lớp mình ra chậm coi chừng bị nó để ý đó cô!

– Lớp Nhị C2 đã ra sân hết rồi!

Cô Tuyết bất lực không biết phải làm gì. Diễm hô to:

– Chị em ra mau kẻo trễ.

Thế là cả lớp ùn ùn chen nhau ra cửa, chen nhau xuống cầu thang. Tiếng cười nói, tiếng xô bàn xô băng chen với tiếng cười tiếng ồn của cả trường.

Diễm và Quỳnh Như bấu vai nhau, cố nện guốc thật mạnh khi chạy nhanh xuống cầu thang gỗ, vừa chạy vừa cười ha hả. Quỳnh Như xuống đến bậc thềm dừng lại chờ Diễm vì Diễm làm rơi cái cặp ở bậc cầu thang cuối cùng. Quỳnh Như giục:

– Mau lên, sợ không kịp. Mày thấy không? Anh Tường nói có là có.

Diễm lau mồ hôi trán bằng tay áo, vừa cười vừa nói:

– Mày khá lắm. Xứng đáng làm trưởng lớp lắm. Nhìn mày câu giờ, tại tao nín cười đến đau bụng.

Nhiều cô bạn bu quanh Quỳnh Như hỏi:

– Bây giờ đi đâu?

– Về hay phải ở lại nghe?

Quỳnh Như ra vẻ đàn chị bảo họ:

– Phải tập họp lại chứ. Về sao được!

– Tập họp ở đâu? có xếp hàng như chào cờ không?

Quỳnh Nhu ngớ ra, không biết phải trả lời thế nào. Lúc ấy trên micro, anh chàng có giọng nói “diễn cảm” vẫn thao thao bất tuyệt, nhưng không cô nữ sinh Ðồng khánh nào chịu ngưng cười giỡn để nghe anh ta nói cả. Lâu lâu họ chỉ nghe mang máng mấy chữ “thao thức”, “bất khuất”, “bi trí dũng”, “hào hùng”, “bốn nghìn năm văn hiến”, “Huế thức dậy”, “cờ tiên phong”…

Quỳnh Như chỉ về phía có nhiều tà áo trắng đông đảo:

– Ðến chỗ kia xem sao!

Diễm khều Quỳnh Như hỏi:

– Còn ô mai không?

– Trong cặp tao còn gói nhỏ. Ở trong hộp đựng bút chì ấy.

– Chút nữa về Gia hội tao bao mày ăn bún bò Huế mụ Rớt. Hôm nay tao có tiền.

– Ở đâu mà sang thế? ừ, mấy chị cứ lại chỗ kia trước đi, chỗ đông đó. Mày có đem xe đạp theo không?

– Tao đi bộ. Anh Ngô mượn xe đạp lên lăng Tự Đức vẽ rồi.

– Vui thế này mà đi vẽ! Thôi được, tao lấy solex đèo mày.

– Ơ, anh Tường kìa!

– Ðâu, đâu?

– Anh đứng gần cột cờ, đang nói chuyện với bà Doãn đấy.

– Hình như họ giăng biểu ngữ thì phải. Lại xem đi!

Hai cô gái chạy đến chỗ năm sáu học sinh Quốc học đang hấp tấp cột hai đầu tấm vải trắng kẻ chữ sơn đỏ vào hai thanh trúc dài. Quỳnh Như liến thoắng hỏi:

– Viết gì trong đó hở anh?

Cậu học sinh tóc ngắn có cái mũi khoằm như mỏ két, cau có ngước nhìn lên kẻ tò mò. Thấy Quỳnh Như, cậu ta đổi ngay nét mặt, tươi cười đáp:

– “Mặt trận Nhân dân Cứu quốc – Phân hội trường Đồng khánh”.Các cô lo tìm người mang cái này đi!

Diễm mau miệng nói:

– Để hai đứa em cầm cho.

Quỳnh Như reo lên:

– Phải đấy, mày đem cặp gửi cho chị cai trường, nhanh lên.

Không đầy năm phút sau, Quỳnh Như và Diễm đã mang tấm biểu ngữ đi quanh khắp trường. Theo sau họ, từng đoàn nữ sinh áo trắng kẻ cầm nón kẻ ôm cặp đi đứng lộn xộn không hàng ngũ, mặt người nào cũng hớn hở. Cuộc biểu dương lực lượng bắt đâu thành hình. Lúc Quỳnh Như và Diễm ra khỏi cổng trườn g, “Đoàn Học sinh Cứu quốc” Quốc học cũng đã túa ra đường Lê Lợi.

Huế hớn hở thức dậy đúng như bài xã luận đã đăng trên số 1 tờ tuần báo Lập Trường của “anh em” Tường!

***

Đầu niên khóa, theo thông lệ mỗi trường trung học đều tổ chức rầm rộ cuộc bầu cử Ban Chấp hành Học sinh gồm một tổng thư ký, hai phó tổng thư ký và nhiều trưởng ban phụ trách văn nghệ, báo chí, thể thao, học tập, tài chánh, thủ quỹ. Trường nữ trung học Đồng khánh cũng có một Ban Chấp hành như vậy, chức tổng thư ký do một nữ sinh lớp đệ nhất B2 đảm nhiệm. Khi Mặt trận Nhân dân Cứu quốc thành phố Huê thành hình sau cuộc biểu dượng lực lượng náo nhiệt vui vẻ hôm đó, bộ phận tổ chức còn đặt các đại diện ở các trường trung học và phân khoa đại học để tiện việc thông báo chủ trương đường lối và kiểm soát đôn đốc các hoạt động. Cô tổng thư ký là Phật từ nhiệt tín nên việc kiêm nhiệm không gặp trở ngại nào. Nhưng hai cô phó tổng thư ký đặc trách nội vụ và ngoại vụ đều là người theo đạo Thiên chúa. Do đó, Mặt trận khá bối rối. Phải tìm người khác vậy. Công việc tổ chức vận động thuở ban đầu khá phức tạp vì cần phận biệt kẻ ham vui, kẻ cơ hội, kẻ thụ động với nhiều người thực sự có nhiệt tình.

Chọn ai đây? Hơn nữa phải chọn ngay, chọn gấp để lên khung. Còn chọn ai nữa ngoài những người đã tỏ ra mạnh dạn hăng hái nhất trong cuộc biểu dương lực lượng!

Cho nên quá dễ hiểu và tự nhiên về trường hợp “thăng quan tiến chức” chóng vánh của Quỳnh Như và Diễm. Quỳnh Như trở thành phó tổng thư ký đặc trách ngoại vụ Mặt trận Nhân dân Cứu quốc của phân hội Đồng khánh. Diễm nhận đảm trách phó tổng thư ký đặc trách nội vụ. Nội với ngoại không do ai sắp xếp ngoài chính hai cô bé. Khi được Tường gọi ra cổng trường giao khoán cho hai chức lớn, hai cô bé đỏ mặt vì sung sướng. Tuy có làm bộ ngún nguẩy từ chối với những câu đại khái như:

– Em chịu thôi!

– Em nói ai nghe. Chưa nói đã cười hì hì rồi!

– Tụi em mới học đệ nhị làm sao điều khiển được các chị đệ nhất! vân vân và vân vân…

Nhưng khi Tường lên vespa đi rồi, Quỳnh Như mới nghiêm trang chậm rãi hỏi Diễm:

– Mày liệu có làm nổi không?

Diễm bị chạm tự ái, hỏi lại:

– Mày liệu có làm nổi không?

Thế là huề, cả hai đều dư năng lực để làm cái chức cỏn con. Vấn đề còn lại là “phân công phân nhiệm”. Họ cũng giải quyết nhanh, Diễm nói:

– Mày có cái solex chạy đi chạy lại dễ. Lại là em gái anh Tường. Mày lo ngoại vụ đi.

Quỳnh Như thấy chữ ngoại oai hơn chữ nội nhiều, vì rộng rãi bao la hơn, lãng mạn phóng khoáng hơn, linh hoạt phong phú hơn, nên chịu liền. Để an ủi kẻ xấu số, Quỳnh Như nói:

– Phải đấy, mày không có xe đạp lo nội vụ là phải. Anh Ngô còn lấy xe lên lăng vẽ nữa không?

– Hết rồi, ảnh bị bạn bè chê quá, sợ quê nên quẳng cả bút vẽ khung vải vào xó. Nhưng ảnh không chịu trả cái xe đạp cho tao.

– Sao vậy?

– Ảnh phải lên nhà in lo mi trang và vẽ tranh cho tờ Lập Trường. Mày đọc báo không nhận ra nét vẽ của ạnh tao sao?

– Thảo nào! Tao ngắm hình vẽ mấy cô Phật tử trên tờ Lập Trường cứ ngờ ngợ thế nào. Cổ cô nào cũng dài ngoằn. Nhưng phải nhận là đẹp. Sang lắm! Này!

– Cái gì?

– Hồi sáng anh Tường có bảo làm sao vận động bán thêm báo ở Đồng khánh đấy. Cả trường trên hai nghìn học sinh mà chỉ mua được có trăm số báo, ít quá.

Diễm hăng hái nói:

– Chuyện đó để “bà nội” lo cho! Này…

– Cái gì?

– Buổi phát thanh chiều hôm qua của Mặt trận ở trường mình yếu lắm. Con Huệ đọc cũng tạm được, nhưng không nghe được gì ráo. Cái ampli của trường cũ mèm từ thời Bảo Đại còn mang tã. Bốn cái loa kêu rè rè.

Ðến phiên Quỳnh Như hăng hái nói:

-A há, “bà ngoại” này dư sức lo chuyện đó. Tao về lấy ampli Sansui 500A và bốn cái loa Pioneer ở cửa hiệu là xong. Mai mày tìm sẵn mấy người biết mắc dậy để thay quách hệ thống loa đi.

Về sau, Diễm phải lấy tiền chợ mạ giao bù đắp tiền báo, còn Quỳnh Như thì bị bà Thanh Tuyến mắng cho một trận nên thân. Nhưng cả hai đều vui. Vì họ hưởng cái thú được “hy sinh” cho công cuộc cứu quốc vĩ đại!

Trong bọn trẻ quen biết chỉ có một người chưa thực sự nhập cuộc là Ngữ.

Tường giữ đúng lời hứa với thầy Văn và Nam, có tìm gặp Ngữ để đưa cho bạn đọc tờ Lập Trường số ra mắt chưa phát hành. Bản in nháp mực còn ướt và còn các dấu chữ chưa kịp sửa chữa. Ngữ cảm động vì sự tin cẩn tế nhị ấy, đọc thật kỹ từ đầu đến cuối.

Đọc xong, chàng vội vã lấy xe đạp của ông Văn chạy lên nhà Tường. Tường đi vắng. Chàng lên trường Quốc học. Hôm ấy bạn chàng không có giờ dạy. Lên tòa báo cũng không. Thất vọng đạp xe về nhà, Ngữ may mắn gặp Tường lái xe vespa ngược chiều trên đường Lê Lợi. Hai người kéo nhau đến quán cà phê cạnh Ðại học Y khoa để nói chuyện. Vừa ngồi xuống ghế, Ngữ nói ngay:

– Tao đã đọc rất kỹ tờ báo của mày.

Tường ngước lên nhìn bạn, tự tin chờ lời khen. Ngữ nói:

– Tao không cần khen vì chắc chắn khi số báo ra mắt phát hành, bọn mày sẽ nhận được rất nhiều tán thưởng. Tiếng vang sẽ xa lắm. có thể nói là một hiện tượng lạ cho cái thành phố trì trệ “mưa man man vô tuyệt kỳ” này. Bọn mày đánh thức được Huế dậy là cái chắc! Nhưng tao không đồng ý cái cách đánh thức!

Tường chau mày hỏi:

– Mày nói rõ xem sao?

Ngữ xòe bàn tay phải trước mặt bạn, rồi lấy bàn tay trái lần lượt gập từng ngón một để đánh số thứ tự:

– Thứ nhất bọn mày núp vào mái nhà chùa, vì nhà thờ đã cháy rồi. Nhà chùa có phải là chỗ thích hợp để đánh thức Huế hay không? Hay tiếng chuông chùa cũng đánh thức kẻ trầm luân ở sông Mê đấy, nhưng lại đưa họ lại cái bến Giác khác hẳn bến tụi mày.

Tường cương quyết bảo:

– Không. Qua lịch sử, Phật giáo có số phận dính liền vói số phận dân tộc. Phật giáo thịnh như thời Lý, Trần thì quốc gia vững mạnh, ngược lại quốc gia suy vi thì đạo Phật cũng suy. Nhưng chuyện ấy tao với mày cãi nhau đến trăm năm cũng chưa xong. Tao lại đang bận. Mày thử nói điểm thứ hai xem.

– Thứ hai: Ðánh thức bằng cách đòi tận diệt Cần lao.

– Dĩ nhiên phải vậy. Không dọn nền thì làm sao xây nhà?

– Nhưng không ai muốn xây nhà trên bãi tha ma.

– Mày nói gì thế? Chém giết ai? Tụi tao nói rõ chỉ đấu tranh đòi dân chủ bằng phương pháp bất bạo động.

– Không có cuộc cách mạng đúng nghĩa nào không cần đến bạo động. Chẳng những thế, ngay những cuộc phiêu lưu chính trị lãng mạn cũng tạo ra bạo động.

– Vậy mày muốn gì? Muốn về nhà ru em à?

– A, hóa ra trong thâm tâm mày cũng nghĩ bạo động không thể tránh khỏi. Nếu thế thì việc gì phải viết bất bạo động vào cương lĩnh?

Tường giận quá đấm tay xuống bàn nói lớn:

– Mày lý luận đúng như một anh lính ăn lương nhà nước. Chỉ có bọn tướng tá trả lương cho mày được quyền dùng súng đạn hay sao? Bạo động hay không, điều đó đâu quan trọng gì. Ðiều quan trọng, tao nhắc lại cho mày nhớ, là thứ vũ khí hữu hiệu ấy nằm trong tay ai, tay kẻ cướp hay tay kẻ cần chống cướp giữ làng.

Ngữ thấy Tường hoàn toàn mất hết bình tĩnh, nên không muốn tranh luận thêm nữa. Chàng biết càng nói họ càng xa nhau. Tốt hơn hết, hai người nên dừng lại ở chỗ này. Chỗ xác nhận sự cần thiết của bạo động trong vận động lịch sử như một thứ “mal nécessaire” và sự cần thiết phân biệt cho ra ai là kẻ cướp và ai là kẻ chống cướp.

___________________________________________

Nguồn: https://nhungdotsongngam.wordpress.com

Comments are closed.