Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 207): Nguyễn Mộng Giác (8)

Tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác

Image result for "Mùa biển động"

MÙA BIỂN ĐỘNG TẬP 2

Chương 14 – Chương 39

BÃO NỔI

Chương 14

Buổi sáng, khi cưỡi xe đạp từ nhà lên Tiểu khu, Ngữ thấy không khí phố xá có vẻ khang khác. Hình như cửa hàng phố mở muộn hơn thường lệ, người đi lại khá vắng vẻ. Chàng ghé vào một hiệu tạp hóa mua bao Ruby Quân tiếp vụ. Bà cụ chủ hiệu nhìn bộ đồ lính của Ngữ một cách khác thường, ánh nhìn chưa biết xếp loại người đối diện vào thành phần nào, bạn hay thù, cần phải thân thiện hay cần phải đề phòng. Ngữ liếc nhìn cái bàn thờ Phật đặt trang trọng ngay giữa gian chính, với ba nén hương đang nghi ngút khói và đĩa sứ hoa quả, đoán biết đây là một gia đình Phật tử thuần thành.

Ngữ rút ví trả tiền bao thuốc, hơi lúng túng vì còn thiếu hai đồng. Chưa kịp đề nghị trả lại bao thuốc nguyên để chỉ lấy mười điếu thuốc Ruby lẻ, bà cụ xua tay bảo:

– Thôi được, ông cứ để đấy, lúc nào có hãy trả sau.

Ra khỏi hiệu tạp hóa, Ngữ cứ băn khoăn thắc mắc về thái độ khác thường của bà cụ. Cái tiếng “ông” được dùng để gọi chàng Ngữ thấy có vẻ gì bất ổn. Đó là một lối xác định thái độ, một sự cảnh giác, xa cách. Chàng đạp xe qua trước rạp xi nê Lido. Tấm bảng quảng cáo một phim cao bồi do Ý sản xuất. Đêm qua tự nhiên trời nổi gió dữ đội, làm sợi dây dừa cột tấm bảng quảng cáo bị đứt. Tấm bảng quảng cáo bị nghiêng qua một bên nhưng chưa có ai kịp sửa lại cho ngay ngắn.

Rạp Châu Tinh phía bên này cầu Gia hội lại đang chiếu một phim cao bồi khác. Nhưng phim Mỹ. Một xác chết nằm sấp trên đường bụi bặm, trong khi khẩu súng vẽ phóng đại ở góc phải vẫn còn bốc khói. . . Ngữ rướn người đạp xe lên cầu. Hai người lính gác chận Ngữ lại, đòi xem thẻ căn cước quân nhân. Một người hỏi:

– Ði đâu đây?

Ngữ hơi bực, đáp cộc lốc:

– Lên Tiểu khu.

Người lính kia nửa đùa nửa thật bảo Ngữ:

– Ðừng đi đưa đám ma, nghe cha nội!

Ngữ kinh ngạc, thành thật hỏi lại:

– Đám ma ai thế?

Câu hỏi của Ngữ khiến hai người lính gác yên tâm. Họ không trả lời chàng, thân mật bảo:

– Thôi đi làm gì. Khỏi phải đứng gác như tụi này là cha chú rồi.

Những câu nói ỡm ờ này lại càng khiến cho Ngữ hoang mang thêm. Chàng đoán có điều gì bất thường đang xảy ra hay sắp xảy ra, nhưng những đêm không ngủ nằm im mỉm cười ôn lại câu Diễm nói, mường tượng nhớ lại đôi vành tai đỏ hồng khi Diễm đưa hai bàn tay ngón nhỏ bịt tai nhăn mặt kêu lên: “Cắt tai, ôi chao, ghê thấy mồ!” đã khiến cho Ngữ sống suốt hai tuần trong trạng thái một người không còn dính dấp gì đến chuyện trần thế. Bước chân chàng nhẹ hẫng, tâm hồn chàng bềnh bồng. Thời tiết vĩnh viễn vào xuân, và ở đâu cũng chỉ có nắng ấm. “Cắt tai, ôi chao, ghê thấy mồ… “ Ngữ nhớ như in nét mặt của Diễm lúc nói câu đó. Khi Diễm đưa hai tay lên bịt tai, đôi vai Diễm chun lại, kéo vạt trước chiếc áo cánh lên khiến cho làn vải phin nõn mầu hồng càng ôm sát lấy bầu ngực tròn. Còn đôi mắt Diễm thì tuy nhắm lại để diễn tả nỗi sợ hãi, nhưng qua làn mi cong, Ngữ nhớ như còn bắt gặp được ánh mắt long lanh tinh nghịch. “Cắt tai, ôi chao, ghê thấy mồ”. Ðôi môi Diễm chu lại, tròn vo ở cuối câu. Ngữ ôn đi ôn lại biết bao đêm bấy nhiêu hình ảnh lời nói ấy thôi, nhưng lạ lùng thay, mỗi lần ôn lại hoạt cảnh ngắn ngủi đơn giản này, chàng đâu tìm ra được những điểm mới mẻ, thú vị.

Không đêm nào Ngữ được ngủ giấc ngủ bình thường, sáng nào chàng cũng thức dậy trong một trạng thái bần thần lơ lửng. Nhưng chàng không mỏi mệt rời rã, thân thể chàng nhẹ tênh, đầu óc chàng lâng lâng như vừa nếm ngụm rượu nếp vừa ngọt ngào vừa nồng nàn. Quanh Ngữ, người ta xôn xao lo lắng trước biết bao chuyện thời sự. Trong từng gia đình, từng cơ quan, những người khác tín ngưỡng e dè nghi ngại hoặc gờm gờm thủ thế với nhau. Ngữ đứng ngoài mọi cuộc, không đủ cả sự bình tĩnh tối thiểu để ghi nhận mọi chuyện xảy ra quanh mình, chứ đừng nói tới chuyện nhận xét hay phê phán.

Chỉ tới buổi sáng hôm đó, chàng mới bắt đầu nhận ra được dần dần những điều khác thường quanh chàng.

Vào đến Tiểu khu, Ngữ khóa xe đạp xong, lững thững chậm rãi tới phòng công văn. Căn phòng trống trơn, không có cả những chiếc mũ vải vất vội trên bàn để kín đáo báo cho sĩ quan trực biết người đội mũ đã đến nhiệm sở đúng giờ. Trên bàn làm việc của Ngữ, cặp bìa cứng đựng công văn đến chỉ có hai phong thu mầu nâu và một bức điện tín. Vì cả ba đều có in dấu “Mật” và “Khẩn”, nên Ngữ khỏi phải lấy kéo cắt sẵn phong bì. Chàng cặp tập hồ sơ đem vào cho đại tá Tiểu khu trưởng.

Ngữ gõ cửa văn phòng tỉnh trường kiêm Tiểu khu trưởng hai lần cho đúng phép, rồi đẩy cửa bước vào. Ông đại tá ngồi im trên chiếc ghế bành bọc nhung mầu vàng đậm, khuôn mặt ông vốn đã ốm, hiện nay trông càng hốc hác hơn. Ðôi mắt ông đờ đẫn như mất ngủ, mái tóc rối phủ lên trán, mặt mày phờ phạc như người vừa ốm dậy.

Ngữ thì thầm: “Tối hôm qua, ngài lại phải ngồi tiếp bài với mấy tay nhà thầu đây… ”. Nhưng càng tiến tới gần bàn viên đại tá, Ngữ càng nhận thấy mối nghi ngờ của mình có vẻ độc địa, quá đáng. Hay ông ấy bị đau yếu gì thật! Ngữ đặt xấp công văn trước mặt đại tá nói nhỏ:

– Trình đại tá.

Rồi đứng nghiêm bên góc trái để chờ xem ông ta có chỉ thị gì không. Viên đại tá ngồi thừ hồi lâu, không cử động, không nói năng. Tiếng quạt máy chạy chậm, nghe rõ cả tiếng không khí lao xao xoay tít. Mãi một lúc sau, ông đại tá mới mệt nhọc đưa tay giở tấm bìa cứng có đề ba chữ “công văn đến”, liếc qua ba cái bì thư, rồi hỏi Ngữ:

– Cậu không mở ra à?

Ngữ lễ phép đáp:

– Thưa đại tá, cả ba đều là văn thư mật.

Ông đại tá chợt gắt gỏng:

– Mật với chẳng mật. Không đọc, tôi đã biết thứ gì rồi!

Ngữ đứng yên, biết có nói gì cũng vô ích, dù là phản đối một thứ lệnh lạc trái hẳn nguyên tắc. Dường như ông đại tá cũng kịp nhận thấy mình vô lý, nên sau khi vuốt mái tóc rối cho ngay ngắn hơn, ông dịu giọng hỏi Ngữ:

– Có ai ngoài văn phòng không?

Ngữ đáp:

– Thưa đại tá, không biết tại sao chưa ai tới cả.

Viên đại tá chán nản nói:

– Họ đi đưa tang Nguyễn Đại Thức cả đấy!

Bây giờ Ngữ mới nhớ ra hết. Nhớ tình trạng gầm ghè căng thẳng giữa những viên tướng ở Trung ương với ông tướng đang nắm giữ quân khu Một. Nhớ cái thế kẹt của những chỉ huy cấp nhỏ không biết giải quyết thế nào trước đòi hỏi của những quân nhân Phật tử đòi được quyền tự do tham dự các sinh hoạt chính trị do nhà chùa tổ chức. Nhớ cảnh khó xử của những người như viên đại tá đang ngồi thừ trước mặt chàng, đang nấn ná không dám mở vội những văn thư khẩn, vì biết trước là lệnh của Quân khu bảo phải làm một đàng, lệnh của Trung ương bảo làm một ngả. Nhớ chuyện những ông tướng ông tá mang trong túi lệnh bổ nhiệm của Tổng tham mưu đến đơn vị mới nhận nhiệm vụ, nhưng vừa bước chân khỏi máy bay thì đã có những ông tướng ông tá khác chờ sẵn ở sân bay để nghiêm mặt bảo họ rằng nếu muốn còn nhìn mặt vợ con thì khôn hồn hãy lên máy bay đem trả tấm giấy lộn ấy cho Sài gòn. Nhớ cái chết của Nguyễn Đại Thức, viên sĩ quan cấp úy ngã xuống ở sân bay Tây lộc trong Thành nội…

Giọng ông đại tá có vẻ chua chát:

– Cậu không đi đưa tang sao?

Ngữ đáp:

– Thưa đại tá, không ạ.

– Cậu không phải Phật tử à?

– Thưa không!

– Nhưng tôi có thấy cậu đeo thánh giá đâu?

Ngữ phải giải thích cặn kẽ hơn: `

– Thưa đại tá, gia đình tôi không đi đạo, mà cũng ít khi đi chùa. Trừ…

Ngữ định nhắc đến trường hợp Nam, nhưng viên đại tá ngắt lời:

– Vậy thì cậu ngồi xuống đây đã. Hút thuốc không?

Viên đại tá chìa gói thuốc Pall Mall ra mời Ngữ. Không chút khách sáo, Ngữ rút một điếu thuốc Mỹ. Viên đại tá lục túi lấy cái bật lửa Zippo, phất nhẹ tay để bật lửa theo thói quen nhà binh, mồi thuốc cho Ngữ. Ngữ thấy bàn tay ông đại tá hơi run, đoán biết tâm thần ông vẫn còn lo âu xúc động. Ngữ ngồi yên trên chiếc ghế bên phải ngang trước mặt đại tá Tiểu khu trưởng, kiên nhẫn chờ đợi vì biết viên chỉ huy muốn tâm sự điều gì đây. Ông đại tá hỏi:

– Hồi nãy đi làm, cậu thấy ngoài đường có gì lạ không?

Ngữ rít xong hơi thuốc, chậm rãi đáp:

– Chỉ thấy hơi vắng người thôi, thưa đại tá.

Ông đại tá lấy hơi định hỏi Ngữ điều gì đó, nhưng ông do dự, rồi ngồi ngay người ngửng đầu lên định hỏi, rồi lại thôi. Tay phải ông cứ mở rồi lại đậy nắp cái bật lửa Zippo, tiếng lách cách nghe rõ mồn một trong căn phòng im lặng. Ngữ cảm thấy khó chịu vì phải chờ đợi quá lâu, lại càng khó chịu vì không biết phải nói gì với viên đại tá. Cuối cùng, ông đại tá chỉ nói:

– Anh ra ngoài văn phòng đem cho tôi mượn cái kéo.

Ngữ như người thoát được nợ, vội vã đứng dậy ra khỏi văn phòng Tiểu khu trưởng.

***

Kể từ hôm đám tang Nguyễn Ðại Thức, thì trong số quân nhân làm việc tại Tiểu khu, Ngữ dễ dàng nhận ra “lập trường chính trị” của những người cùng làm việc với mình. Trước đó, mỗi người chỉ cho người khác biết mình có cảm tình với phe nào qua cách họ bình luận thời sự ở quán cà phê trước Tiểu khu. Người thuộc phe “ly khai” hoặc quân nhân Phật tử hay kính cẩn nhắc đến những lời tuyên bố của “các thầy” hoặc phóng đại những đức tính như thẳng thắn, bình dân, cương quyết, chịu chơi của ông tướng vùng. Khi ngồi uống cà phê, họ ngồi chung bàn với nhau, đọc lớn cho nhau nghe những tin tức đăng trên các tờ báo Phật tử hay tờ Lập Trường. Những người không thuộc nhóm đa số này thì thường biểu lộ ác cảm một cách dè dạt và kín đáo hơn, như ít lai vãng ở quán cà phê, hay giả vờ bận bịu với công việc để khỏi bị kéo vào các cuộc tụ họp bàn tán. Nhưng sau đám tang Nguyễn Đại Thức, những phần tử tranh đấu tích cực được nhận diện rõ ràng, chính xác hơn, vì trên túi áo bên trái của họ, người nào cũng ghim một mảnh vải vàng để tang cho Nguyễn Đại Thức. Ban đầu số người đeo băng tang còn ít, cả Tiểu khu chỉ chừng mười người. Thực ra con số này có cao hơn, nhưng trong cảnh lấp lửng tranh tối tranh sáng, một số quân nhân thương mẹ già vợ yếu đã cẩn thận gỡ mảnh vải vàng bỏ vào túi sâu trước khi bước qua cổng Tiểu khu. Thái độ lo xa ấy có gây nên những hiềm khích, trách móc, cãi cọ nhau ở quán cà phê, kẻ chê nhát gan, kẻ chê thiếu chín chắn. Vài ba ngày, rồi một tuần qua, không thấy đại tá Tiểu khu trưởng phản ứng gì, nên số người mang băng tang tăng nhanh, nhanh đến độ Ngữ trở thành cái đích cho những lời xì xào đàm tiếu, cho những cặp mắt e dè nghi ngại.

Chiều thứ bảy cuối tuần lúc Ngữ ra nhà xe lấy xe đạp về Gia hội, thì một quân nhân Phật tử cũng làm ở phòng công văn với chàng đến rủ chàng đi ăn bún bò.

Người bạn vỗ vào cái bóp ở túi quần nhà binh khoe với Ngữ:

– Tớ vừa truy lãnh tiền phụ cấp thằng nhỏ sinh hồi tháng mười hai. Lâu ngày chưa bao cậu chầu bún bò, bữa nay cậu phải đi với tớ mới được.

Ngữ chưa kịp từ chối, anh ta đã tiếp:

– Lâu nay tụi nó xầm xì nhiều chuyện về cậu. Tôi nghe nhưng vẫn không tin. Bữa nay phải nghe chính miệng cậu nói, để tớ mạnh miệng dẹp hết cái tụi ngồi lê đôi mách.

Ngữ ngưng mở khóa xe đạp, ngước lên nhìn ông bạn. Trên ngực áo nhà binh của anh ta, mảnh vải vàng để tang Nguyễn Đại Thức được ghim vào nắp túi áo một cách ngay ngắn kỹ càng. Ngữ không mấy vui, nhưng cũng tò mò muốn biết “nhóm ly khai” nghĩ thế nào về mình. Cho nên Ngữ nhận lời.

***

Ông bạn tên Hân bảo Ngữ để xe đạp ở Tiểu khu, vì anh sẽ dùng chiếc Goebbel cũ của mình để  chở Ngữ lên quán bún bò ở cuối dốc Nam giao cho nó nhanh. Ngữ thắc mắc hỏi:

– Việc gì phải đi xa quá vậy? Tìm cái quán cà phê nào gần đây cho nó tiện.

Hân bảo:

– Không. Trời hôm nay se lạnh. Lên đó ăn bún bò cay và uống cà phê mới thú.

Ngữ thấy có lý, nên chậm rãi khóa xe đạp lại. Hân đèo Ngữ lên quán bún gần đường rầy xe lửa, gọi thêm hai tách cà phê phin sau khi bảo chị bán bún bò đặt gánh hàng trước quán cà phê múc cho hai tô giò heo đặc biệt và mua cả một bao Pall Mall để mời Ngữ hút. Ngữ khách sáo cho có lệ:

– Hôm nay anh hào sảng quá!

Hân cười: .

– Có cậu tớ mới vi vút thế thôi. Lương trung sĩ, bao nhiêu cậu biết rồi. Nhưng nhằm nhò gì máy cái lặt vặt đó. Cậu đã đọc báo hôm nay chưa?

Ngữ thành thật đáp:

– Chưa. Có gì lạ không?

Hân ngỡ ngàng nhìn Ngữ, một lúc lâu mới bảo:

– Cậu có đau yếu gì không?

– Sao anh hỏi vậy?

– Vì một người khỏe mạnh, cả về thể chất lẫn tinh thần, không thể không theo dõi các biến chuyển thời sự mấy ngày nay được. Chẳng lẽ cậu không đọc những lời tuyên bố của ông Kỳ?

Một lần nữa, Ngữ lại thành thật hỏi:

– Ông ấy tuyến bố gì thế?

Hân hỏi vặn lại:

– Cậu hỏi thật hay hỏi đùa?

– Sao anh nghĩ tôi hỏi đùa?

Có lẽ Hân bắt đầu tin Ngữ, nên anh ta bắt đầu dịu giọng, chậm rãi giải thích với giọng kẻ cả:

– Sau vụ anh em quân nhân Phật tử bao vây ông tướng Sài gòn đó ở sân bay Tây lộc, rồi Nguyễn Ðại Thức bị trực thăng ông tướng bắn chết, tình hình trở nên gay go hẳn lên. Điều đó cậu biết rồi. Nếu Sài gòn họ biết điều, mọi sự còn có thể dàn xếp. Nhưng không. Họ vẫn sợ tiếng nói và sức mạnh của Phật giáo. Họ tìm cách hạ cho được “tụi mình”. Và cái cách cũ rích lại được đem ra xài, là chụp mũ cộng sản. Sáng nay, ông Kỳ vừa tuyên bố là cộng sản đã xâm nhập vào hàng ngũ Phật giáo miền Trung để gây chia rẽ trong hàng ngũ quân đội.

Ngữ hỏi:

– Ông ấy có đưa ra bằng cớ nào không?

– Không. Chỉ nói khơi khơi vậy thôi. Nhưng chưa hết. Ông ấy còn dọa sẽ trừng trị nặng nề những quân nhân nào tham gia vào các hoạt động chính trị mà không được phép của sĩ quan chỉ huy trực tiếp.

Lúc ấy, chị bán bún bưng hai tô bún bốc khói đến bàn hai người ngồi. Hân ngừng câu chuyện, ngước lên cảm ơn chị hàng bún. Khi thấy trên ngực áo chị bán bún bò có ghim mảnh vải vàng, đôi mắt Hân sáng lên. Hân ân cần hỏi như hỏi một người đã quen biết từ lâu:

– Khi hôm trên chùa có gì vui không chị?

Chị bán bún sáng mắt lên, nhìn mảnh vải để tang trên ngực Hân rồi nhìn Ngữ, giọng ríu lại vì cảm động:

– Khi hôm Thầy có thuyết pháp sau lễ cầu siêu cho anh Thức. Thầy giảng hay quá, nghe xong ai cũng khóc. Sao “chúng nó” tàn ác thế, anh? Mấy đứa tôi nghe Thầy giảng đứa nào cũng sùi sụt, quên hết mọi thứ. Ðến nỗi nồi canh chay cháy khét lúc nào không hay!

Hân hỏi:

– Sao lại có chuyện bếp núc vào đây?

Chị hàng bún đưa cánh tay áo dài mầu trắng ngả vàng lên quệt mồ hôi trán, tươi cười đáp:

– Ba chị em chúng tôi vẫn lên chùa giúp giùm việc cơm nước cho các Thầy và anh chị em huynh trưởng Phật tử. Chùa độ này đông quá, anh biết, nhà chùa lo cơm nước không xuể. Vả lại…

Nói tới đây, chị hàng bún ngưng lại, có vẻ do dự chưa biết có nên nói tiếp hay không. Hân giục:

– Vả lại thế nào?

Chị hàng bún liếc nhìn Ngữ, rồi thấp giọng xuống:

– Vả lại, chúng tôi cũng phải canh chừng, không thì bọn chúng nó có thể cho người lẻn vào bếp nhà chùa đầu độc các thầy. Biết đâu được lòng dạ con người. Có phải ai ai cũng có Phật tâm cả đâu!

Ngữ bắt đầu khó chịu, có cảm giác bẽ bàng như cảm giác một người bất đắc dĩ phải nghe chuyện riêng tư của người khác. Hân thích thú, không chú ý đến nét mặt cau có của Ngữ, nói đùa với chị hàng bún:

– Buổi tối chị nấu cơm chay cho Thầy, sáng hôm sau chị lại đi bán bún bò cho đám phàm phu tục tử như hai chúng tôi, như thế đâu có được!

Chị hàng bún bối rối không biết phải cãi thế nào, ngún nguẩy một cách thích thú:

– Các anh nói thế, chứ ai lại không phải sống. Đâu phải ai ai cũng được như Thầy!

Vì có hai người khách nữa mới vào quán, nên chị hàng bún phải chạy đến tiếp khách. Hân thỏa mãn ra mặt, quay sang bảo Ngữ:

– Cậu thấy tinh thần của Phật tử chưa?

Ngữ thắc mắc hỏi:

– Sao có lúc chị ta nói “các thầy”, có lúc chỉ nhắc đến “Thầy” không thôi?

Hân nghiêm mặt đáp:

– Thế cậu không biết thầy Trí Quang đã về Huế hay sao! Có Thầy về, anh em rất yên tâm. Nhưng cậu ăn đi đã kẻo nguội. Gắp miếng giò heo này chấm vào nước tương ớt ăn trước, mới đúng điệu. Đấy, phải như thế đấy.

Hân múc một muỗng nước bún húp thử, nghiêm mặt lại lắng hết tinh thần định vị, rồi tấm tắc khen:

– Ngon lắm. Này, tớ hỏi thật cậu nhé. Gia đình cậu có theo đạo Phật không?

Ngữ ngừng ăn, vừa suy nghĩ vừa đáp:

– Thật khó mà trả lời. Các em tôi vẫn đi chùa đều. Mấy đứa khác thì không. Nói cho đúng thì theo đạo “thờ cúng ông bà”.

Hân reo mừng:

– Thờ cúng ông bà tức là đạo Phật chứ gì nữa.

rồi giọng Hân trở nên âu yếm pha lẫn trách móc:

– Thế mà lâu nay cậu chẳng chịu đi sinh hoạt với anh em. Cậu đã đi nghe Thầy thuyết pháp lần nào chưa?

– Có, nhưng lâu rồi. Hồi ông Diệm chưa chết!

– Có phải cuộc biểu tình tuần hành phản đối vụ cấm treo cờ Phật giáo hồi 1963 không?

– Phải!

– Hồi đó tớ cũng có mặt tại chùa Từ đàm. Cậu thấy không, Thầy có một sức thu hút lạ lắm. Lời Thầy nói ngắn gọn và đơn giản thôi. Nhưng ánh mắt của Thầy, gương mặt của Thầy, có cái gì khác thường, gần như siêu phàm. Thầy nói, là phải tin. Không cần suy nghĩ do dự gì nữa. Thử tưởng tượng nếu không có Thầy, làm sao chế độ nhà Ngô sụp đổ được…

Ngữ không muốn để cho Hân miên man, nên cắt lời ông bạn bằng câu hỏi rất vu vơ:

– Sao lâu quá chưa thấy mang phin cà phê ra. .

Hân bị hụt hẫng, hơi khó chịu, nhưng nhanh chóng tìm cách lấy lòng Ngữ:

– Cậu ghiền cà phê đến thế à? Uống nhiều cà phê và hút nhiều thuốc lá, không tốt đâu. Phải sống đơn giản lại. Cậu coi, các thầy chỉ ăn chay, suốt đời rau quả với tương chao, nhưng ai cũng khỏe mạnh minh mẫn.

Hai tách cà phê phin được bưng đến. Hân lại ngước lên cảm ơn. Bà chủ quán mặc áo bà ba trắng, trên ngực không có mảnh vải vàng để tang Nguyễn Đại Thức. Hân quay trở về phía Ngữ hỏi:

– Chiều mai cậu rảnh chứ?

Ngữ hỏi lại:

– Có việc gì thế?

– Tụi này muốn dẫn cậu đi họp với anh em cho vui.

– Anh em là những ai?

Hân nhíu mày khó chịu, nhưng cố dằn cảm xúc, vui vẻ trả lời:

– Cậu biết rồi, còn hỏi. Toàn anh em quân nhân Phật tử làm việc trong Tiểu khu. Người quen cả. Cậu nên đi, cho tụi nó hết xầm xì về cậu.

Ngữ mím môi lại, một lúc mới hỏi:

– Khoảng mấy giờ, ở đâu?

– Ðúng ba giờ chiều. Ở chùa Từ đàm.

Ngữ lấy làm lạ hỏi:

– Ba giờ chiều còn làm việc, làm sao đi được. Ai qui định giờ họp kỳ cục thế?

Hân cười, ra chiều hãnh diện:

– Không kỳ cục đâu! Ðây là một thử thách. Tụi này biết thừa ba giờ chiều văn còn trong giờ làm việc. Tụi này còn biết là lệnh cấm trại 100% vẫn còn hiện lực, chưa kể những lời đe dọa mới đây của ông Kỳ. Nhưng tụi này vẫn định giờ họp là ba giờ. Để xem thử ai là người dám sống chết với dân tộc và đạo pháp.

Nói xong, Hân nhìn đăm đăm vào mắt Ngữ. Ngữ cũng nhìn đăm đăm vào mắt Hân. Hai người im lặng nhìn nhau khá lâu, cho đến lúc Hân phải dịu nét mặt nhắc Ngữ:

– Nói chơi thế thôi chứ đi hay không là tùy cậu. Chúng ta uống cà phê đi. Cà phê ở đây được anh em Phật tử khen lắm. Nếm thử xem nào. À! Được lắm. Dĩ nhiên không thể nào bằng được cà phê Dung Thành nội. Sáng nay cậu có gặp đại tá tỉnh trưởng không?

Ngữ e de đề phòng, hỏi lại:

– Sáng nào phòng Hai các anh không gặp đại tá?

– Nhưng hồi sáng tớ đến trễ. Ông ấy thế nào?

– Thế nào là thế nào?

Hân bật cười tưởng Ngữ đùa:

– Nghĩa là “Ngài” có bình chân như vại được không? Ngài đứng về phe nào? Phe ta hay phe ông Kỳ?

Ngữ đáp chậm:

– Hình như ông ấy đang lo. Chưa biết phải xử trí ra sao!

Hân tự tin bảo:

– Ba giờ chiều mai thấy Tiểu khu trống trơn, ông ấy biết cách xử trí ngay. Bây giờ không thể đi nước đôi được. Tiếc là ông ấy không dám lên chùa để nghe Thầy thuyết pháp.

***

Hân đèo Ngữ về lại Tiểu khu để Ngữ lấy xe đạp, nhưng Hân không vào hẳn phía trong cổng. Anh chỉ rề xe đỗ ở sát lề đường Lê Lợi, quay lại bảo Ngữ:

– Cậu vào đi. Tớ phải chạy lên chùa để bàn trước với Thầy chương trình ngày mai. Á này!

Ngữ dợm bước về phía cổng, nghe Hân gọi, quay lại hỏi:

– Cái gì nữa?

Hân định nói gì đó, nhưng có lẽ thấy gương mặt Ngữ hơi cau có, nên ấp úng một lúc, mới nói:

– Có việc này… nhưng thôi, mai hãy hay. Cậu có thích Pall Mall lấy cả gói mà hút. Thuốc này nặng quá, tớ hút cứ bị ho.

Ngữ nhận bao Pall Mall, cảm ơn một tiếng ngắn, rồi quay lưng đi. Tiếng nổ chiếc Goebbel cũ của Hân rú lên như giận dữ.

Ngữ đến chỗ để xe mới nhớ còn bỏ quên xấp bản thảo truyện ngắn trong hộc bàn làm việc, nên vào phòng công văn Tiểu khu. Ngọn néon ngoài hành lang bị hư con chuột, lúc mờ lúc tỏ, lâu lâu có tiếng nổ lách cách ở hai đầu ống đèn. Phòng công văn vắng vẻ, giấy tờ bừa bộn trên các bàn làm việc như quang cảnh một ngôi nhà vắng chủ.

Ngữ lấy xấp bản thảo, dọn dẹp giấy tờ trên bàn mình cho ngăn nắp, nhưng đúng lúc chuẩn bị ra về thì đột nhiên cảm thấy ngầy ngật khó chịu. Chàng ngồi thừ trên ghế không hiểu do đâu. Có những nỗi bất an đến bất ngờ, và cũng đi bất ngờ. Mỗi lần gặp trạng thái như vậy, Ngữ ngồi lặng hồi lâu để tìm hiểu mình, nhưng không lần nào Ngữ tìm ra nguyên do tin được. Sự bực bội phải đi ăn với Hân chiều nay chăng? Hay cảm giác bẽ bàng khi thấy mình yếu đuối thiếu hẳn tự chủ, thấy mình không dám nói “không” một cách dứt khoát, như thời Ngữ dứt khoát bỏ học khi khám phá ra rằng những sách vở lời giảng ở trường hoàn toàn nhạt nhẽo vô vị. Điều Ngữ vẫn thường lo sợ nhất, cho riêng mình, là thái độ buông xuôi thỏa hiệp. Là tìm cách giải thích thật hợp lý tất cả mọi điều, kể cả những điều hoàn toàn trái ngược. Ngữ bắt đầu nghi ngờ mình, cho rằng những điều chàng tin tưởng lâu nay, những xác tín chàng nhắc đi nhắc lại nhiều lần với bạn bè như Tường hoặc Ngô, chẳng qua chỉ là một cách làm dáng của hạng con gái cấm cung. Của loại trí thức phòng trà chưa hề phải đối phó với những khó khăn cam go, chưa hề phải lựa chọn giữa những con đường nghiệt ngã như những người dân sống ở vùng xôi đậu.

Mỗi lần giật mình phản tỉnh, soát xét lại chính mình, soi gương để nhìn lại khuôn mặt mình, quay lại đoạn phim ghi đúng cử chỉ thái độ của mình, Ngữ đều cảm thấy hụt hẫng, mất hết tự tin, và từ nỗi hổ thẹn, chàng luôn luôn cảm thấy ngầy ngật như một người đang đứng trước hố sâu hun hút. Những lúc đó, Ngữ ao ước được sống cuộc sống vô tư như Quế, như Lãng biết chừng nào!

Mấy tháng gần đây, Ngữ ít cau có gắt gỏng với Lãng hơn, dù vẫn không thể nào ưa nổi lũ bạn đầu trâu mặt ngựa của em. Ban đầu, chàng nghĩ mình cũng bị cuộc sống cơm áo cuốn hút như mẹ. Nói gì thì nói, phải công nhận Lãng trở thành cột trụ của gia đình, đứa con hoang ngày nào không ngờ bỗng chốc trở thành người cứu cả nhà ra khỏi cơn bối rối. Nhưng lối giải thích ấy quá đơn giản, Ngữ cho không phải là nguyên do chính. Chàng nghĩ phải tìm nguyên nhân ấy ở chính tâm hồn mình. Có thể do Ngữ tìm thấy rằng càng đi đến tận cùng của suy tưởng, càng xa với cuộc đời vốn tự nhiên giản dị. Có thể là lòng hoài nghi, khi Ngữ thấy mình vụng về trước những hoàn cảnh phức tạp như vụ Lãng vào tù. Có thể là nỗi lạc lõng của kẻ cảm thấy mình đứng bên lề của thời cuộc, không đủ quyết tâm để tham dự theo dòng mà cũng không đủ dứt khoát để lội ngược dòng, cuối cùng cay nghiệt đay nghiến mình trong khi khoan dung dễ dãi với kẻ khác.

Chính vì vậy mà Ngữ không tài nào viết tiếp được những truyện ngắn cùng loại với truyện “Vòng hoa dành cho Ngài lãnh tụ”, mặc dù Tường và các bạn cứ thúc giục chàng viết những truyện như vậy để đăng trên tờ Lập Trường.

Mỗi lần Tường nhắc nhở, Ngữ lấy cớ bận quá không viết được gì cả. Sự thực, chàng đang tìm một lối dựng truyện thích hợp để viết lại câu chuyện chàng nghe một người bạn làm việc bên Quân y viện Nguyễn Tri Phương kể, câu chuyện thế này:

Một anh địa phương quận dưới Phong điền đi phục kích một toán Việt cộng, không ngờ tiểu đội của anh bị phản phục kích, và trong trận đó, anh ta bị thương. Vết thương nhẹ thôi. Viên đạn AK-47 xuyên qua bắp chân anh, nhưng đạn không nhằm phải xương. Điều may mắn ấy đi liền với một điều không may mắn. Phương tiện tải thương thiếu thốn nên lúc xe Dodge-4 của quận đưa anh về bệnh viện Nguyễn Tri Phương, thịt quanh cái vết thương xoàng ấy đã thối. Không có cách nào khác ngoài giải pháp phải cưa chân anh. Người bạn lính quân y của Ngữ làm ở phòng mổ. Buổi tối hôm ấy, buổi tối bác sĩ phẫu khoa cưa chân anh lính may mắn và rủi ro, người bạn của Ngữ ngạc nhiên thấy một bà cụ ăn mặc lam lũ cứ thấp thỏm đứng chờ ở hành lang bên ngoài phòng mổ, tay ôm một bao ni lông dày màu xanh rêu loại quân đội Mỹ vẫn dùng để đựng rác. Người bạn Ngữ hỏi: “Mệ chờ ai thế hở mệ?” Bà cụ ngừng nhai trầu, đáp rất tự nhiên: “Mệ chờ thằng Thành” . “Thành nào hở mệ?” Bà cụ hỏi lại: “Răng lâu rứa cậu?” Người bạn Ngữ không hiểu: “Mệ có con cháu gì nằm ở phòng hồi sức à? Bây giờ đâu phải giờ thăm bệnh! ” “Không. Mệ chờ trong nớ họ cưa chân thằng Thành”. Bấy giờ anh̉ bạn của Ngữ mới biết bà cụ là mệ của anh địa phương quân bị thương dưới Phong điền. Sáng hôm ấy, anh phải phụ với bác sĩ phẫu khoa để mổ gắp đạn cho năm thương binh, trong đó có Thành. Anh bạn Ngữ hỏi bà cụ cho có hỏi, vì tự nhiên có cảm tình với người mẹ đáng thương: “Mệ cần loại bao ni lông tốt của nhà thương, loại dày và dai hơn thứ này, con đi lấy cho mệ vài cái?” Bà cụ đáp: “Cái này đủ rồi. Cảm ơn cậu”. Bạn Ngữ đâm thắc mắc: “Mệ dùng cái bao này làm gì?” “Mệ đem theo để đem cái chân thằng Thành về”!

Nghe bà cụ đáp như vậy, người bạn của Ngữ đột nhiên cảm thấy lạnh cả xương sống. Mặc dù đã quá quen thuộc với cảnh máu me chết chóc, cảnh những người bị bom đạn rên la quằn quại, những vết thương bầy nhầy hôi tanh, những khuôn mặt người chết lạnh cứng trợn trừng… nhưng mỗi lần phải đẩy chiếc xe lăn chở những bộ phận thân thể con người bị cắt, cưa ra khỏi thể xác còn lại, anh không thể dằn được cảm giác buồn nôn ngầy ngật. Một bàn tay khẳng khiu, một khúc chân đen đúa còn nguyên vết máu, một chùm ruột… khi đã tách lìa khỏi thân thể, không hiểu sao, bạn Ngữ cảm thấy trở nên ghê tởm, ma quái. Nó như thuộc về một thế giới khác, và mặc dù biết chủ nhân của những bộ phận ấy hiện vẫn còn nằm ở phòng hồi sức, bạn Ngữ vẫn cứ nghĩ bàn tay co quắp kia, khúc chân ốm o kia đã có một hồn ma riêng, và bất cứ lúc nào, có thể là lúc bạn Ngữ đang đẩy chiếc xe lăn qua khúc hành lang tối dẫn xuống nhà xác, bàn tay vô hồn trong túi ni lông trong suốt kia sẽ cử động, rồi từ từ tự cởi nút buộc bao ni lông, từ từ bay lên, từ từ mở rộng mấy ngón tay ra để nắm lấy yết hầu người bạn Ngữ. Cho nên anh trố mắt nhìn bà mẹ quê, cố tìm xem lúc đáp câu anh hỏi, bà cụ có cảm giác sợ hãi nhờm tởm nào đối với khúc chân bị cưa của đứa con không. Bạn Ngữ thấy bà cụ có nét mặt hoàn toàn thản nhiên, miệng tiếp tục nhóp nhép nhai trầu. Anh thêm tò mò, nên hỏi: “Mệ đem cái chân về làm gì?” Bà cụ đáp, giọng phân trần như sợ bị từ chối: “Cậu làm ơn nói giúp cho mệ. Mệ nghe nói nhà thương không cho phép, nhưng cậu tính coi, không xin cho được cái chân đem về chôn, lỡ một mai con nó chết, thân thể không đủ chân đủ tay, tội nghiệp nó. Cậu gắng thưa với bác sĩ cho mệ”!

Nghe bạn kể tới đó, chính Ngữ cũng thấy lạnh cả xương sống. Không phải lạnh vì ác cảm nhờm tởm, mà lạnh vì đột ngột đối diện với cái gì vĩ đại bao la quá, đến nỗi cả đến chân để cuộc sống nội tâm Ngữ tưởng là vững chải, thoáng một chốc, hoàn toàn tan tành sụp đổ.

Người me quê ấy đã được đào luyện thế nào để có thể can đảm chấp nhận sự rủi ro một cách bình tĩnh như vậy. Lòng thương con không thôi, chưa đủ. Có khi lòng thương con còn khiến cho người mẹ dễ dàng ngã gục trước những tai ương xảy đến cho con cái. Phải thêm cái gì đó, cái gì vững chãi lắm để đủ bình tĩnh chấp nhận một sự thực đau long: là biết trước thế nào đứa con trai thân yêu cũng lìa đời trước mình, và phải chuẩn bị chôn cất thi hài của nó ngay từ bây giờ. Cái chân “đi trước” thì lo trước cái chân. Phải xin cho được “nó” về, đặt vào một cái quách gỗ tạp, chôn “nó” bên nấm mồ của người chồng quá cố, thắp cho “nó” vài nén hương, và điều quan trọng nhất là đánh dấu thật kỹ phương hướng để khi lên nhà xác lãnh về phần thân thể đứa còn lại của con, bà cụ có thể ráp đúng một thân xác nguyên vẹn đầy đủ.

Những dự đoán mông lung ấy, Ngữ ghi hết lên giấy, và muốn xếp đặt để viết thành một truyện ngắn dài độ hai mươi trang giấy in. Chàng ngồi nán lại phòng công văn, đọc kỹ những ý rời về câu chuyện sắp viết. Ngữ định lấy khung cảnh của truyện là hành lang hơi lạnh lẽo tối tám trước phòng hồi sức, và câu chuyện diễn tiến theo đối thoại giữa bạn Ngữ và bà cụ. Nhung Ngữ ngại mình không đủ tài để qua những câu nói chuyện ngắn ngủi, đôi khi rời rạc ngớ ngẩn, có thể làm nổi bật cái triết lý sống đơn giản mà cao cả của bà mẹ Việt nam.

Nếu chàng theo người bạn xưng “tôi” để kể chuyện trong vai thứ nhất, có lẽ dễ hơn. Nhất là để cho việc chen vào giải thích những suy nghĩ bên1ề, những điều đối thoại ngoài cuộc đời thực không thể nói hết. Có lẽ Ngữ phải chọn giải pháp này. Chàng yên tâm hơn, chuẩn bị ra về thì đại tá tỉnh trưởng từ ngoài đi vào. Ngữ bối rối, vì mặc dù trước đó có nghe tiếng xe Jeep phanh ngay trước Tòa Hành chánh, nhưng chàng không nghĩ viên đại tá lại vào Tiểu khu vào giờ này.

***

Đại tá tỉnh trưởng khá ngạc nhiên khi trông thấy Ngữ. Sau vài giây ngỡ ngàng, ông có vẻ vui mừng như gặp được người đồng cảnh ngộ giữa cơn hoạn nạn. Ông hỏi, giọng hết sức ngọt ngào thân ái:

– Tối nay cậu trực à?

Ngữ cũng bối rối không kém. Chàng đáp:

– Thưa đại tá, không ạ.

Thấy xấp giấy bản thảo còn đặt trên bàn làm việc của Ngữ, ông tưởng Ngữ nán lại đêm để làm cho xong việc Tiểu khu. Giọng ông hơi run vì cảm động:

– Nếu ai cũng như cậu, thì…

Ngữ tự thấy phải cải chính cho lương tâm bình yên:

– Thưa giấy tờ công văn đã làm xong từ chiều.

Viên đại tá cười mỉm, không chú ý đến câu Ngữ vừa nói. Ông hơi do dự, không biết nên chấm dứt câu chuyện vào văn phòng tỉnh trưởng hay nên tiếp tục chuyện vãn với anh trung sĩ phòng công văn. Cuối cũng ông tiến đến ngồi lên cái ghế gỗ trước bàn Ngữ.

Ngữ lúng túng không biết phải làm gì cho phải. Ngồi xuống ghế của mình để tiếp đại tá như tiếp một người khách thì có vẻ bất kính. Mà đứng để tiếp chuyện, thì Ngữ cảm thấy mình kém cỏi khúm núm quá. May là viên đại tá bảo Ngữ:

– Cậu ngồi xuống đó đi. Thế nào, lâu nay có viết lách được gì thêm không?

Hỏi xong, ông cười, khá ranh mãnh như vừa bắt gặp một cậu bé đang lén chơi một trò chơi riêng không muốn cho ai biết. Ngữ đỏ mặt vì thẹn:

– Thưa đại tá, viết lách lăng nhăng cho vui vậy mà.

Ông đại tá cười, rồi nghiêm mặt bảo:

– Sao lại lăng nhăng? Tuy cậu lấy bút hiệu, nhưng ai mà không biết. Nhất là cái truyện móc lò ông tướng vùng. Cậu bạo gan thật!

Ngữ liếc nhìn nét mặt ông đại tá, để đoán xem cái giọng thân ái ấy phải chăng là trò chơi khăm của chú mèo đang vờn chuột. Đôi mắt viên đại tá sáng lên ánh vui, nụ cười thỏa mãn, gần như thông cảm hay khuyến khích nếu không nói là đồng lõa. Ngữ nhận thấy hình như đại tá tỉnh trưởng không ưa ông tướng vùng bao nhiêu! Cho nên chàng yên tâm hơn, ngửng lên hỏi viên đại tá theo cách hỏi giữa một tác giả với một độc giả:

– Đại tá thấy cái truyện ấy thế nào?

Viên đại tá cười, đáp gọn:

– Được lắm. Nhưng…

Chờ mãi chưa thấy viên đại tá nói tiếp, Ngữ hơi nóng ruột. Vừa tò mò vừa tự tin hơn, Ngữ hỏi:

– Nhưng thế nào ạ?

– Nhưng nếu theo quân kỷ thì cậu đáng bị tống vào quân lao đấy!

– Theo ý đại tá, thì một cấp dưới viết về cấp trên như vậy, có đáng bị kỷ luật hay không?

Viên đại tá cười lớn, đập nhẹ tay lên bàn, rồi chỉ mặt Ngữ bảo:

– Cậu chơi khó tôi phải không? Nhưng tôi không sợ đâu! Này, cậu có biết là trước khi vào Thủ đức, tôi đã theo Văn khoa ba năm không?

– Đại tá học ban nào ạ?

– Ban triết. Cho nên cái vụ lương tâm và chân lý, cái vụ…cái vụ.. nói thế nào cho đúng nhỉ? Tạm gọi là sự băn khoăn giữa trách nhiệm đối với lương tâm và ràng buộc đối với xã hội, đối với đời sống.

Rồi bằng một giọng hãnh diện, viên đại tá tiếp:

– Cậu thấy không, cái dáng võ biền khô khan của tôi chỉ là cái áo ngoài. Bên trong… .

Nói đến đó, viên đại tá dừng lại. Nhưng Ngữ hiểu ông muốn nói gì. Sau một lúc im lặng trầm ngâm, ông nói:

– Trong những hoàn cảnh như thế này, tôi mong có được những lúc chuyện vãn thoải mái như bây giờ. Tìm được một người để nói chuyện cho ra hồn, khó quá!

Đột nhiên Ngữ muốn biết một điều mà ở hoàn cảnh bình thường không bao giờ Ngữ dám tìm hiểu : chàng muốn biết ý kiến của đại tá tỉnh trưởng, và nếu được, muốn biết phản ứng của ông tướng vùng về truyện ngắn của mình. Sau một lúc do dự, Ngữ đánh bạo hỏi:

– Trên Quân đoàn họ có biết đến cái truyện ấy không, thưa đại tá?

Viên đại tá giật mình, ra khỏi phút trầm ngâm, ngước lên hỏi:

– Cậu nói gì?

Ngữ nói rõ hơn:

– Trung tướng có biết cái truyện ấy không?

Hình như viên đại tá cho câu hỏi ấy ý nhị lắm, nên ông thích thú cười ha hả, rồi đáp:

– Chắc ông ấy không biết đâu. Ông ấy chỉ thích cái gì vui vẻ, cái gì đơn giản. Cho nên cấp dưới không dám trình những chuyện lặt vặt phiền phức như vậy. Nhưng bên An ninh Quân đội thì họ biết.

Nói đến đây, viên đại tá dừng lại, nhìn thẳng vào mắt Ngữ để xem Ngữ có vẻ sợ sệt lo âu nào không. Ngữ cổ giấu cảm xúc riêng, rán bình tĩnh hỏi như hỏi chuyện người khác:

– Họ qui tội nặng lắm, phải không đại tá?

Ông đại tá cười:

– Còn phải hỏi. Bây giờ tôi mới nói cho cậu yên tâm, vì dù sao vụ đó cũng êm rồi. Không có tôi, cậu không yên được đâu.

Nói xong, viên đại tá đưa tay lên xem giờ, rồi vội vã đứng dậy bảo Ngữ:

– Ðã chín giờ hơn rồi. Tôi vào văn phòng giải quyết một số công việc, vả lại còn phải để cho cậu về nghỉ. À này, hồi chiều tôi có ký nội lệnh nhắc lại vụ cấm trại 100% đối với quân nhân phục vụ trong Tiểu khu đấy. Mai cậu nhớ đến sớm gửi gấp đi các nơi. Nhớ phân phát đầy đủ cho các phòng ban nhé!

Ông đại tá vỗ vai Ngữ thay cho lời chào, rồi tiến về phía phòng tỉnh trưởng. Ngữ nhìn theo ông cho đến lúc cửa phòng tỉnh trưởng đóng lại, băn khoăn không hiểu tất cả những điều ông vừa nói với chàng có thật hay không có thật. Chàng cũng không thể biết tình cảm thực sự của ông đối với mình thế nào. Chỉ có một điều rõ ràng, là viên đại tá không ưa ông tướng vùng!

__________________________________

Chương 15

Ngữ đạp xe theo đường Lê Lợi để qua cầu Trường tiền về Gia hội. Đêm ấy trăng tròn. Ngữ chỉ chú ý đến trăng, vì khi chuẩn bị lên xe đạp thì cảm thấy đau lưng dữ dội. Chàng ưỡn người ngửa mặt lên trời cho xương sống bớt nhức, và đúng lúc đó, Ngữ bắt gặp mặt trăng tròn vành vạnh nấp một nửa sau chòm lá đen. Cảm giác lâng lâng dễ chịu không biết từ đâu, có lẽ là từ ánh trăng vàng lụa trên bầu trời mênh mông. Cũng có thể là từ hơi gió nhẹ thổi từ mặt sông Hương về, mang theo một thứ hương vị đặc biệt pha trộn nào mùi tanh của rong rêu, mùi chua của lá nõn, mùi khét nhạt của bụi đường, mùi băng phiến phảng phất còn sót lại sau khi những tà áo trắng Đồng khánh đã bay về khắp ngả hữu tả ngạn…

Tự nhiên Ngữ thấy dễ chịu, lòng trở nên nhẹ lâng lâng. Cây hai bên đường Lê Lợi giao cành làm thành một vòm cung dài tít tắp, và những bóng đèn đường soi rõ mầu lá xanh bóng, mỗi lần gió nhẹ thổi qua là mỗi lần mặt lá phản chiếu ánh sáng thành những tia lóng lánh. Ngữ yêu nhất con đường này của Huế, con đường mang nhiều dấu vết thơ mộng nhất của tuổi học trò. Cả các bạn Ngữ cũng đồng ý như vậy, tuy mỗi người có một cách giải thích riêng không ai giống ai.

Ngô thích đường Lê Lợi không phải vì ở ngay ga Huế nơi bắt đầu con đường chạy dọc theo sông Hương, mà vì, theo cách nói của Ngô, con đường đó giải thoát người ta khỏi Huế ẩm mốc.

Hồi tình hình an ninh còn khá, những đứa con của Huế bỏ quê cha đất tổ đi học xa hay tha phương cầu thực đều phải qua đường Lê Lợi lên ga Huế. Lúc đường hỏa xa bị phá hoại, xe hỏa chỉ còn chạy được những quãng ngắn và chạy thất thường, cơ quan hỏa xa phải nhường ga Huế cho Hàng không Việt nam và một lần nữa, những đứa con của Huế đi xa mưu sinh hay học hành nhớ mãi con đường xanh bóng cây thẳng tắp ấy như một lưu niệm đẹp cuối cùng.

Tường chê lối giải thích ấy vừa không hợp lý vừa không hợp tình. Không hợp lý vì không phải những đứa con của Huế chỉ có thể rời tổ ấm bay xa độc nhất qua con đường ấy. Huế là nơi sinh ra, lớn lên, học hành đậu đạt, nhưng không thể là nơi để tất cả mọi đứa con của Huế chen nhau tìm chỗ đứng hay lập nghiệp. Huế quá chật để đủ chỗ cho mọi người. Huế lại có quá nhiều gia đình quyền thế đến nỗi muốn ngoi lên chỗ sáng sủa, những đứa con của Huế phải tránh đi chỗ khác, ra khỏi cái tàng che của những thế gia vọng tộc. Phải vượt qua đèo Hải vân đi về phương nam, không tìm được một chỗ sáng sủa mát mẻ ở Quảng nam thì hãy đi vào sâu nữa, Quảng ngãi, Bình định, Phú yên, Nha trang, Phan rang, Phan thiết.. Cho nên đường Lê Lợi dù có bị tắt nghẽn vì lý do nào đó, bắt buộc Huế phải mở một con đường khác. Chưa nói không phải đứa con nào của Huế khi xách gói ra đi tha phương cầu thực cũng đủ giàu để mua vé máy bay. Phần nhiều là một tấm giấy sự vụ lệnh chưa ráo mục khuôn dấu đỏ, một lá thư gửi gắm, vài bộ quần áo, một ít tiền lộ phí, và một ước vọng tiến thân vô bờ…

Lối giải thích ấy cũng không hợp tình, vì theo ý Tường, Ngô đã nhìn mọi sự qua nỗi ẩn ức của mình.

Ðời sống gò bó chật chội trong căn nhà cũ do một cơ quan vận tải sạt nghiệp cấp cho gia đình Ngô, ước vọng đuợc một ngày nào đó lên những chuyến máy bay Hàng không Việt nam xa hẳn Huế, bỏ lại thành quách rêu phong và cuộc sống trầm lặng duới kia, sự tìm kiếm vô vọng đường nét màu sắc riêng biệt cho tranh của mình, tất cả những cái đó, theo ý Tường, đã khiến Ngô thấy Huế tù túng ẩm mốc thêm lên. Sự thực không phải vậy. Sự thực Huế vẫn âm ỉ sức nóng và sắp đứng dậy. Các biến cố gần đây chứng tỏ rằng Huế vẫn còn là một trung tâm quyền lực như thời các vua Nguyễn còn tại vị. Huế chỉ tạm thời thiêm thiếp vì những đứa con Huế ở lại mà bạt nhược hay ra đi vì tham lam. Huế đã thức dậy!

Vì thế, Tường cho rằng cái đáng yêu của đường Lê Lợi nằm ở chỗ con đường thẳng tắp và xanh bóng cây ấy có quá nhiều sử tính. Khác hẳn với khu thành quách cổ kính hay phố xá ồn ào bụi bặm bên kia sông, khu hữu ngạn bên này là khu hành chánh của Huế. Khu quyền lực của Huế, thứ quyền lực thực sự chi phối lịch sử chứ không phải là những cái ngai sơn son thếp vàng bụi bặm trong Ðại nội. Khỏi cần tìm đâu xa. Cứ lấy một tòa công ốc trên đường Lê Lợi rồi quay ngược lại quá khứ, người ta đủ thấy những chủ nhân ông của tòa nhà ấy liền tiếp nhau lèo lái lịch sử, thay nhau hét ra lửa hoặc hái ra tiền, từ viên khâm sứ Pháp cho đến toàn quyền Nhật bên cạnh chính phủ Trần Trọng Kim, rồi Phan Văn Giáo thủ hiến Trung Việt, rồi đại biểu chính phủ Miền Trung Trung phần… Bao nhiêu thế lực tôn giáo, văn hóa, chính trị đều cố chường mặt ra đường Lê Lợi. Những phong trào quần chúng muốn biểu dương lực lượng hay biểu lộ niềm phẫn nộ cũng chọn đường Lê Lợi. Giống như đường Catinat ở Sài gòn, con đường này là chỗ ghi dấu tất cả mọi biến cố của lịch sử. Mỗi gốc cây, mỗi góc đường, mỗi hè phố là một chương trong cuốn sử dài, cho nên theo ý Tường, đi trên đường Lê Lợi có cái khoái cảm như được lật từng trang của cuốn sưu tập cố sự với đầy đủ tiếng khóc tiếng cười, người thiện kẻ ác, giọt nước mắt hân hoan pha lẫn giọt nước mắt thống khổ, máu pha lẫn mồ hôi…

Mỗi lần nghe hai ngưòi bạn thân huyên thiên theo lối đó về vẻ đẹp độc đáo của đường Lê Lợi, Ngữ chỉ im lặng mỉm cười. Chàng không nói gì, vì cho rằng càng cố giải thích, Ngô và Tường càng đi xa cái thực. Mà sự thực thì đơn giản. Huế đẹp nhờ con sông Hương, điều ấy ai cũng công nhận. Và dòng sông hiền lành độ lượng chia sớt vẻ kiều diễm thơ mộng cho hai con đường chạy dọc hai bờ. Nhưng đường Trần Hưng Ðạo bên kia sông không biết làm gì với ân huệ đó, vì một phần con đường chạy qua trước mặt đám thành quách rêu phong, phần còn lại bận bịu suốt ngày suốt đêm chuyện buôn bán tất tả. Chỉ có đường Lê Lợi là biết tận dụng phần chia sớt rộng lượng. Hai hàng cây xanh ôm ấp mặt đường nhựa phẳng, những tà áo nữ sinh Ðồng khánh đi về, những cuộc hò hẹn trên công viên, giọng rao chè thảnh thót trong đêm, những tòa biệt thự hay công ốc giữa khu vườn rộng. .. bấy nhiêu cũng đủ khiến cho con đường vốn đẹp ấy thêm đẹp trong tưởng nhớ của những người con Huế.

Ngữ nghĩ đơn giản như vậy, và tin rằng mình đúng.

***

Về đến nhà, Ngữ được Nam cho biết hồi chiều có Tường đến tìm. Ngữ thấy nét mặt em không tỏ ra vui vẻ hay sượng sùng khi báo tin ấy, nên hơi thắc mắc. Chàng hỏi:

– Nó có nói chuyện gì quan trọng không?

Giọng Nam buồn rầu:

– Anh ấy hỏi anh đâu. Em bảo anh ở Tiểu khu, không hiểu tại sao giờ này vẫn chưa về.

– Tường nó có bảo sẽ quay lại không?

– Không biết. Anh ấy thấy không có anh, vội vã đi ngay. Em hỏi có cần nhắn gì không, nhưng…

Nam ngưng giữa câu, không nói tiếp. Ngữ ngạc nhiên nhìn Nam, thấy em gái có vẻ xanh xao buồn hiu, như vừa qua một cơn đau. Chàng đoán giữa Tường và Nam có chuyện gì không vui. Ngữ tới chỗ bàn nước rót một tách trà nguôi, uống cạn cho đỡ cơn khát, mắt vẫn lâu lâu liếc nhìn em dò xét. Nam lo dọn dẹp đồ đạc bừa bộn ở căn nhà dưới, và mặc dù Ngữ không nói gì, hình như nàng vẫn không muốn đi chỗ khác. Ngữ đoán em gái có điều gì muốn nói với chàng, một điều thật khó nói cho đúng cho đủ, và còn đang do dự vì chưa biết nên nói hay không. Ngữ lấy bao Pall Mall Hân cho rút ra một điếu, tìm lửa châm thuốc. Tìm mãi vẫn không thấy cái bật lửa ở đâu, Ngữ hỏi em:

– Dưới bếp còn hộp diêm nào không?

Nam đáp:

– Dạ còn. Ðể em đi lấy.

Ngữ cởi đôi giầy nhà binh, cởi đôi tấc len bắt đầu hôi, nhét cả giầy lẫn tấc vào gầm chiếc phản gỗ, rồi ngả lưng lên ghế duỗi chân cho đỡ mỏi. Nam đem lên cho anh xấp diêm Mỹ kẹp trong miếng bìa nâu loại các chàng G.I. vẫn thường dùng. Ngữ nghĩ: “Của thằng Lãng đem về đây”. Chàng hỏi Nam:

– Ba ngủ chưa?

– Chắc ba còn thức. Vì trong phòng còn ánh đèn. Anh muốn nói chuyện với ba à?

– Không, chỉ hỏi vậy thôi. À, trong nhà còn thứ đồ khô nào để mai anh đem theo ăn không?

Nam ngạc nhiên hỏi:

– Anh không về nhà an cơm cho nóng?

– Mai anh phải ở lại Tiểu khu. Cấm trại 100%.

Giọng Nam thì thào, như sợ hãi:

– Liệu có việc gì không anh?

Hỏi xong, nàng đến ngồi trên cái ghế đối diện với Ngữ, dáng nhu mì yếu đuối như cây lau sợ gió.

Ngữ không đáp, hỏi lại:

– Khi chiều, Tường có cho em biết tình hình có gì lạ không?

Nam buồn rầu đáp:

– Em có hỏi, nhưng anh ấy không nói.

rồi nàng cười, cố lấy giọng giễu cợt:

– Anh ấy đứng dậy được là chạy mất tiêu. Tìm anh ấy còn khó hơn tìm chim nữa!

Ngữ không muốn em kéo dài lối nói chuyện gượng gạo nửa vời mãi, nghiêm mặt hỏi Nam:

– Anh hỏi thật, có phải em với Tường giận nhau không?

Nam ngồi yên, cúi xuống nhìn ngón tay đang di di vết nước trà trên bàn, không nói gì. Ngữ lúng túng không biết phải nói gì thêm cho em thành thật tâm sự với mình, hoặc an ủi em. Hai anh em ngồi lặng như vậy thật lâu. Dưới bếp, cái vòi nước bị hư Ngữ chưa kịp sửa nên nước chảy rỉ rả xuống bồn rửa chén, tiếng nước nghe hơi giống như tiếng dế.

Nam vẫn tiếp tục cúi gằm mặt xuống nên Ngữ không thể thấy được nét mặt của em. Mái tóc trước trán Nam rủ xuống, ánh đèn điện trên trần soi rõ cả mấy cái kẹp tóc bên trên thái dương. Ngữ đổi sang chuyện khác cho em bớt xúc động. Chàng hỏi:

– Má với con Quế còn ở lại Đà nẵng à?

Nam đáp nhỏ:

– Dạ!

– Hồi chiều em đi học về có kịp làm cơm cho ba không?

– Kịp!

Dù trả lời gióng một, nhưng Ngữ nhận thấy giọng nói của Nam càng ngày càng bình tĩnh hơn. Nên Ngữ hỏi:

– Lúc Tường nó lại, ba đã về chưa?

Nam ngửng lên nhìn anh, và đúng lúc đó, Ngữ thấy đôi mắt Nam lóng lánh nước mắt. Nam biết mình sắp khóc trước mặt anh, không giữ ý nữa, vừa sụt sùi thút thít vừa đáp:

– Ba có gặp anh ấy. Nhưng…

Thấy em lại ngập ngừng, Ngữ giục:

– Nhưng thế nào?

– Anh ấy bảo có việc gấp cần gặp anh thôi, nên chỉ nói vài câu với ba, rồi xin về. Chắc thế nào anh ấy cũng trở lại.

Ngữ bảo Nam:

– Em đừng buồn. Nó đang say, không nhìn thấy ai đâu!

Nam thì thào:

– Em biết thế. Em sợ cho anh ấy…

Có tiếng xe Vespa nổ trước cửa, rồi tắt. Nam hốt hoảng bảo:

– Anh ấy đến. Anh ra mở của giùm em.

Nói xong, Nam đi nhanh vào buồng trông như chạy trốn.

***

Đúng là Tường trở lại tìm Ngữ. Không muốn cho Nam phải bối rối, Ngữ đề nghị trước:

– Tụi mình tìm quán cà phê nào vắng ngồi nói chuyện thú hơn!

Tường tán thành ngay, giục bạn:

– Lên Vespa tao chở đi.

Ngữ nói:

– Ðể tao vào mang giầy đã. Hồi chiều mày có tìm tao phải không?

– Phải. Tiểu khu có việc gì mà mày ở lại tối thế?

Thấy Tường không nhắc đến Nam, Ngữ thất vọng. Chàng chậm rãi mang tấc mang giầy, cho Tường chờ đợi. Khi ra đến cửa, Ngữ hỏi bạn:

– Có việc gì quan trọng không?

Tường không đáp, chỉ giục:

– Uống cà phê rồi hãy hay. Ðến tiệm nào gần để chở mày về xong, tao còn đi công chuyện.

Họ ghé vào quán cà phê ngay cạnh rạp xi-nê Lido. Vừa ngồi xuống chưa kịp gọi cà phê, Tường hỏi ngay:

– Mày thấy tên tỉnh trưởng thế nào?

Ngữ cười, cố gắng che bớt vẻ mỉa mai:

– Hôm nay tao gặp hên. Nội một buổi chiều, đã có tới hai người tìm tao để hỏi một câu y như vậy.

Tường không chú ý giọng khó chịu của bạn, hỏi dồn:

– Ai hỏi mày thế?

– Môt tay trung sĩ phòng Hai trong Tiểu khu.

– Hắn thuộc phe nào?

– Phe mày. Vì là quân nhân Phật tử có để tang Nguyễn Đại Thức đàng hoàng.

Tường bắt đầu khó chịu, trách Ngữ:

– Sao hôm nay mày ưa nói cái điệu dấm dẳng thế? Mày làm như mày chẳng dính dấp gì những chuyện đang xảy ra cả. Mày kênh kiệu đứng ngoài. Giữa bạn thân, tao nói thẳng, mày có giận, tao chịu.

Ngữ không muốn làm Tường tức giận thêm, làm hòa:

– Mày muốn biết tay tỉnh trường đứng về phe nào chứ gì?

Tường vui mừng đáp:

– Ừ. Ðiều đó quan trọng lắm. Vì…

Tường nói đến đó, chợt dừng lại. Có lẽ Tường nghĩ Ngữ không thích đi sâu vào vấn đề, hoặc Ngữ chưa dấn thân đủ để biết những dự tính của mình, của phong trào, của Hội đồng Nhân dân Cứu quốc. Nhưng vài phút do dự qua đi, Tường vẫn nói:

– Nếu biết chắc tay tỉnh trưởng theo về phe mình, thì mọi sự có thể đơn giản hơn. Thay vì chú ý đối phó với Tiểu khu, mình dồn sức đối phó với Sài gòn. Trong tình thế này, bớt được đối thủ nào hay đối thủ đó.

Ngữ nói ngay cho Tường đỡ sốt ruột:

– Tay tỉnh trưởng có vẻ không thích ông tướng vùng. Khi chiều ông ấy vừa ký nội lệnh nhắc lệnh cấm trại 100%. Chưa biết ngày mai nhóm quân nhân Phật tử trong Tiểu khu sẽ phản ứng thế nào!

Tường chồm người về phía Ngữ, hăng hái đáp:

– Cần gì phải phản ứng. Cứ coi hắn như không có. Thật tức cười cho mấy ông thầy chùa. Đã đến nước này mà các ông ấy còn sợ phép nước. Tối hôm kia họp bàn kế hoạch để thành lập chiến đoàn Nguyễn Đại Thức, các ông trên Từ đàm cứ đòi chọn ngày chủ nhật để quân nhân Phật tử tham gia đông đảo. Chính tao đề nghị chọn một ngày thường, hơn thế nữa, chọn ngay giờ làm việc. Những kẻ còn sợ không dám đi họp lúc ba giờ chiều, là vứt đi. Không đáng quan tâm. Phải xem đó là một thử thách về ý chí, về sự quyết tâm. Chiến đoàn đâu cần hạng công chức quân nhân sáng vác ô đi tối vác về…

Ngữ cắt lời Tường:

– Hóa ra cuộc họp ngày mai là sáng kiến của mày?

Tường hãnh diện nói:

– Không có tao, các ông ấy cứ đi quanh mãi, tranh đấu mà làm như gõ mõ tụng kinh. Thấy mà sốt ruột. Tao có bảo với bên Hội đồng là đừng trông cậy nhiều vào nhà chùa, mình phải thúc họ đi. Họ qui tụ được Phật tử, nhưng qui tụ xong chẳng biết phải làm gì cả. Phí cả cơ hội và thì giờ!

Ngữ hỏi dò:

– Thế mà lâu nay tao vẫn tưởng Từ đàm giữ vai chính.

Tường sáng mắt lên, đua ba ngón tay phải lên trước mặt Ngữ phân tích tình hình:

– Mày phải thấy hiện có ba lực lượng, mỗi lực lượng tranh đấu đều có phần mạnh phần yếu của mình. Lực lượng Phật tử thì đông, răm rắp nghe lời các ông sư, nhưng đông mà thiếu tổ chức. Hồi còn ông Diệm, đem chuyện đàn áp Phật giáo ra để khích động quần chúng Phật tử, dễ lắm. Bây giờ khó hơn. “Bảo vệ Phật pháp”, khẩu hiệu đó trừu tượng quá. “Bảo vệ các thầy”, dễ hiểu hơn, dễ qui tụ hơn, nhưng lối đó chỉ tạo được những ngọn lửa rơm. Khi chính đời sống của mình hoặc vợ con bị đe dọa, thì nhiều người ngại, không dám xông ra báo vệ các thầy nữa. Chưa nói tới thực tế hiện giờ các thầy còn an toàn quá, còn được Phật tứ cưng chiều bảo vệ kỹ quá, khiến các thầy kiêu căng không xem hai lực lượng kia ra gì hết.

Lực lượng quân đội thì như mày biết, trừ một số quân nhân Phật tử, số còn lại giữ thái độ “chờ xem”. Ông tướng có gây được cảm tình với nhiều sĩ quan và quân nhân vùng Một đấy, nhưng nếu ông bị Sài gòn hất cẳng, không phải ai ai cũng liều chết để giữ ghế cho ông ấy. Nói thẳng thừng thì chỉ có những người thấy quyền lợi sắp mất nếu ông tướng không còn, mới hăng hái thôi. Đa số khôn ngoan thì đi hàng hai, chờ xem bên nào thắng thế thì theo. Có lẽ tay tỉnh trưởng của mày cũng thuộc loại đó, đúng không?

Ngữ không đáp, giục Tường:

– Mày nói cho hết đã. Còn lực lượng thứ ba?

– Lực lượng thứ ba là giới học sinh sinh viên trí thức tiến bộ của tụi mình. Mày đừng chau mày. Mày cũng đừng chối là đã khó chịu khi tao dùng hai tiếng “tụi mình”. Vì tao biết, trước sau gì mày cũng phải nhập cuộc. Ðể tao nói hết đã. Lực lượng thứ ba này mới là lực luợng nòng cốt làm nên lịch sử. Đó không phải là nhận định của riêng tao, mà của tất cả “anh em”. Một nhận định hoàn toàn khách quan, vì “anh em” đã mổ xẻ kỹ lưỡng cả ưu lẫn khuyết điểm của lực lượng này. Hãy nói về khuyết điểm trước. Rõ ràng về ảnh hưởng đối với quần chúng, về khả năng qui tụ đồng bào, chúng ta không thể bằng được mấy ông sư. Dân Huế nói chung, nhất là các bà, các cô, lâu nay vẫn xem các ông sư như một bậc siêu phàm, cái gì mấy ổng nói đều là chân lý cả. Dù có nhiều ông sư trẻ hăng tiết vịt lên, nói nhiều điều ngô nghê lảng nhách. Tuy vậy, hễ “các thầy” nói là người ta tin. Còn bọn tụi mình là “con cháu trong nhà”, đa số còn ăn cơm cha mę đi học, nên lời vận động không có sức nặng.

Còn so với phe quân nhân, thì lực lượng trẻ kém hẳn họ về kinh nghiệm chiến đấu. Họ có súng trong tay, mình thì không. Nếu cần chống nhau với Sài gòn, họ còn biết chỗ nào là điểm quan yếu để đóng chốt, và chốt nào thì dùng loại vũ khí gì. Tao với mày dù có giao cho súng cũng chẳng biết phải dùng sao cho đúng. Mày, lính văn phòng quên cha nó các bài học ở Đồng đế. Còn tao thì đi dạy, đến tháo cơ bẩm cái Garant M1 mà học hai tuần nay tao tháo còn chưa thạo. Nhưng tụi mình được hai ưu điểm rất lớn, đó là có quyết tâm tranh đấu hơn phe quân nhân, và có kế hoạch tranh đấu và có óc tổ chức hơn mấy ông sư. Cho nên tụi mình làm cái gạch nối giữa hai lực lượng kia, nói trắng ra là đứng lên trên để lãnh đạo hai lực lượng kia. Lực lượng học sinh sinh viên trí thức trẻ chúng ta dùng ảnh hưởng quần chúng của các ông sư để lôi kéo đám đông, và dùng súng và kinh nghiệm tác chiến của phe quân nhân để làm “cú đấm sắt” khi kế hoạch tranh đấu dài hạn của tụi mình cần đến. Mày còn nghe tao nói không, sao nét mặt mày như người mất hồn thế?

Ðúng là Ngữ đang lơ đãng, vì có hai điều khiến Ngữ băn khoăn. Thứ nhất là càng nghe Tường, Ngữ càng có cảm tưởng vừa kinh hãi vừa ngây ngất của những đứa trẻ đang tham dự vào một trò chơi lớn. Ngữ chưa làm quen được với lối phân tích lạnh lẽo, lối dùng chữ thẳng thừng khinh bạc của Tường. Lâu nay Ngữ vẫn xem bạn là một thứ snob, rất ưa được sống và nói huyên thiên về những gì đang thời thượng. Chàng quen thân Tường đã lâu, nên làm sao quên được cái thời Tường say mê hiện tượng hiện sinh cuối mùa của những năm cuối thập niên năm mươi ở Huế, thời Tường chen vào những bài luận quốc văn đủ thứ từ ngữ khó hiểu nhặt nhạnh từ thơ Holderlin, triết của Heidegger, văn của Sartre hay Camus, làm thành một thứ hổ lốn khó nuốt để giải thích những vấn đề thật đơn giản như tình yêu thiên nhiên của Nguyễn Khuyến, quan niệm về chí nam nhi của Nguyễn Công Trứ, thú hát cô đầu trong thơ Dương Khuê… Khi Tường trở về Huế dạy học, gặp lại bạn sau mấy năm mỗi đứa một phương, Ngữ kinh ngạc một cách thích thú vì thấy Tường đổi khác. Bạn chàng có một đam mê mới, đam mê làm một cuộc “cách mạng trong sạch và nhân đạo nhất trong các cuộc cách mạng”. Lối sống, lối ăn mặc, lối dùng chữ của Tường thay đổi hẳn, không có chút dấu tích nào của “thời hiện sinh” cũ. Tóc cắt ngắn hơn, ăn mặc giản dị sạch sẽ chứ không có những cái cẩu thả bất cần cố ý như trước. Thay vào những cuốn sách triết Tây phương dày cộm chi chít các ghi chú và gạch xanh gạch đỏ, là những cuốn lịch sử cách mạng Pháp, cách mạng Nga, thuật lãnh đạo, tâm lý quần chúng… Ngữ mừng bạn đã tìm được một thứ thời trang ít phù phiếm hơn, đôi lúc còn thích thú nghe Tường phân tích nguyên nhân thành bại của cuộc cách mạng này hay một biến cố kia, bằng những lời lẽ văn hoa. Tường vẫn thế, lúc nào cũng nhìn con người theo cái nghĩa thuần lý của nó, do đó những buổi nghe Tường say sưa nói hết cuợc cách mạng này đến cuộc cách mạng khác, Ngữ cảm thấy cách mạng y như một bài thơ tình.

Thành thử bây giờ nghe lời Tường phân tích tình hình, Ngữ ngỡ ngàng. Trò chơi mới ấy không biết sẽ dẫn đến đâu, nhưng Ngữ e ngại đã vượt quá tầm tay của bạn. Như một đứa trẻ lên mười được giao cho tự do sử dụng một cây súng nhạy cò!

Điều thứ nhì khiến Ngữ thêm băn khoăn, là ba tiếng “cú đấm sắt” thật lạ tai chàng nghe Tường nói lần đầu. Mấy tiếng đó, quanh Ngữ, chưa nghe ai nói như vậy. Có phải cũng cùng một nguồn như “bọn can thiệp Mỹ”, “nhân đạo chung chung”, “ra ngõ gặp anh hùng” Tường đã từng xài hay không? Ngữ không dám khẳng định, nhưng không thể không ngờ vực. Câu hỏi mà một lần Ngữ đặt ra với Ngô lại về: “Tường không còn hy vọng con đường nào khác ư?” Hay nghe đài Hà nội, dùng chữ của đài Hà nội đã trở thành một thời trang mới, như một thời Tường mê thơ Holderlin hay văn của Sartre.

Thấy lâu quá Ngữ không đáp câu mình hỏi, Tường quay về phía cái loa đang phát lớn bài “Đêm tàn bến Ngự” của Dương Thiệu Tước trong quán cà phê, thắc mắc:

– Hay mày chết mê chết mệt vì bài nhạc ru ngủ đó?

Ngữ ngồi ngay người đáp, cho bạn yên tâm:

– Không đâu! Tao vẫn nghe mày nói. Nhưng liệu tụi mày có đứng trên được hai lực lượng kia không?

Tường bực bội bẻ lại:

– Tại sao cho đến giờ, mày vẫn nói theo điệu của kẻ đứng ngoài. Tại sao lại nói “tụi mày”?

Ngữ nói cho qua:

– Thôi được, “tụi mình”. Nhưng thực lực lực lượng trẻ… của… tụi mình ra sao, tao đâu biết!

Nét mặt Tường rạng rỡ, khi đáp lời Ngữ:

– Chắc vì thế mày ngại chứ gì! Tao nói sơ cho mày hiểu. Tụi mình tuy ít, nhưng đã gài người vào một số vị trí quan trọng, kể cả hệ thống quân đội lẫn hành chánh. Nói nhiều không tiện, mày chỉ cần thấy thị trưởng Ðà nẵng (điểm chiến lược quan trọng nhất sau Sài gòn) là ai, là đủ hiểu. Và ngày mai, trong cuộc họp thành lập chiến đoàn Nguyễn Ðại Thức, mày sẽ thấy không có ông sư chống gậy nhai trầu nào đâu! Sẽ có những ông sư tuyên úy trẻ, năng động, thực tiễn chủ trì.

Ngữ hỏi:

– Ngày mai mày có mặt không?

Tường cười, có vẻ thương hại bạn:

– Tao chường mặt ra làm gì! Cứ để cho quân nhân Phật tử họ làm như là họ tự nguyện. Nhưng tao cũng biết trước chính chiến đoàn Nguyễn Đại Thức cũng hữu danh vô thực nếu không có một nhóm nòng cốt do chính tụi này nắm. Như một thứ “cảm tử quân” vậy. Những ngày sắp tới đây là nhỉmg ngày lịch sử nhớ đời. Sài gòn đã lớn tiếng đe dọa, gọi thẳng chúng mình là quân ly khai, là tay sai của cộng sản. Tin mới nhất cho biết chúng sẽ cử một ông tướng khác ra nắm lại quân đoàn Một. Tay đó có dám ra hay không, và người Mỹ sẽ có thái độ nào, phải chờ xem. Cho nên tao nói thật với mày, nếu mày muốn khỏi thẹn về sau, phải nhập cuộc. Ngay cả trường hợp mày muốn viết lách cho đlàng hoàng, cũng phải xông vào để có chất liệu sống mà xài.

Ngữ bối rối, không biết nói gì hơn ngoài cách bảo bạn:

– Cám ơn mày!

Tường reo lên:

– Có thế chứ! Thôi trở lại vấn đề chính: Theo mày thì tay tỉnh trưởng có vẻ “phản động” phải không?

Ngữ vội cải chính:

– Tao không nói vậy. Ông ta có vẻ không ưa chuyện rắc rối, cũng như không ưa ông tướng.

Tường cười, xoa tay thỏa mãn:

– Chỉ lo mất lon mất ghế thôi, chứ không dám đối mặt đương đầu, phải thế không?

– Có lẽ thế!

– Thôi được. Tao phải về.

Tường đi lại chỗ quầy trả tiền cà phê. Bài “Đêm tàn bến Ngự” lại được mở lần nữa, theo lời yêu cầu của mấy cô cậu vừa bước vào quán cà phê. Tường trở lại chỗ Ngữ bảo:

– Tao đèo mày về, rồi còn chạy đi lo chút việc nữa!

Lúc ngồi sau xe Vespa của Tường, Ngữ muốn hỏi bạn vì sao vẻ mặt Nam khác thường như vậy, nhưng không biết chuyển mạch từ những vấn đề cao xa trọng đại như thế qua chuyện tình cảm em gái ra sao. Xe đến trước nhà Ngữ. Chàng hỏi:

– Mày vào chơi chút không?

Tường không tắt máy xe, nói lớn để át tiếng máy nổ:

– Không. Tao đi nhé!

rồi chàng phóng xe trở ngược lên phố. Sương khuya xuống thật dày, đêm càng thêm mộng ảo.

___________________________________

Nguồn: https://baonoi.wordpress.com

Comments are closed.