Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 227): Hồ Trường An (kỳ 7)

LỚP SÓNG PHẾ HƯNG

Chương 7

Sáu Quyên vẫn nằm trên võng. Trời mưa dai dẳng. Buổi tối như đến sớm hơn. Vào giờ giấc nầy chẳng có khách hàng nào nữa. Từ mái lá, những giọt nước nối đuôi nhau rơi xuống rãnh ngầu đục nước bùn. Khi mưa thưa và nhẹ như mưa tro thì ở các đầm xa, ếch nhái và nhóc nhen kêu inh ỏi. Khó chịu nhất là tiếng ễnh ương. Chúng cứ uềnh oang, chát chúa ở mương nước mọc đầy lá môn ngọt.

Sáu Quyên thở dài. Chiều hôm qua, Hai Cường đến đây. Trước hết chàng giả đò mua dầu lửa, nước mắm. Rồi cả hai nói chuyện nhau. Chị kêu chàng bằng mầy, xưng tao. Còn chàng thì tui tui, chị chị. Cả hai nói về gánh hát, về chuyện cưới gả của người Miên bên Sóc, về những chuyến đò máy chạy từ Cần Thơ, xuyên qua các con kinh Bảy Ngàn, Tám Ngàn rồi tới Hỏa Lựu. Chị vốn từng trải việc đời, nói thao thao như thác đổ. Còn Hai Cường chỉ có lóng tai nghe, môi điểm một nụ cười hiền, cặp mắt ướt rượt. Cả hai chuyện vãn cho tới tối mịt, khi tiếng mõ điểm canh hai. Trước khi ra về, Hai Cường cả gan nắm tay Sáu Quyên, tha thiết:
-Tui mến chị lắm. Nhưng chị có vẻ ghét tui, thù tui…
-Tao ghét mầy mà té vàng, té bạc gì. Nếu mầy bớt dúc dắc, bớt trững giỡn thì tao chửi mầy làm chi mà mang khẩu nghiệp?
-Chiều mai, tui đến nói xàm với chị nghen, chị Sáu. Chị nhớ đừng đi đâu nghe.
Cái nắm tay, câu ngỏ ý kia đã làm Sáu Quyên mất ngủ đêm qua. Hơn lúc nào hết, chị thấm thía quãng đời goá bụa của mình. Hơn lúc nào hết, chị thấy rõ mình mê Hai Cường, mê điên, mê khùng, cảm lăn, cảm lóc.
Chiều nay, khi mặt trời chìm xuống sau rặng cây xa, chị bắt đầu nấu nước pha một bình trà và dọn một dĩa trái hồng khô, thèo lèo và trái chà là. Mặt trời vừa lặn thì cơn dông nổi tới, xua mây tứ phương xa lại, để đổ một trận mưa dai dẳng. Đám rau húng, lá quế bên hông nhà tươi lại sau cơn nắng như thiêu như đốt. Đám cây lá cách dường như khỏe mạnh, mập mạp hơn, lá đầm đìa nước mưa,xanh ngăn ngắt.
Con chó sủa ăng ẳng: Hai Cường tới! Sáu Quyên lồm cồm ngồi dậy bới đầu, vén tóc mai cho gọn. Chị hỏi:
-Đi đâu mà ăn bận bảnh bao vậy?
Hai Cường vuốt lại đầu tóc chải láng, vuốt bộ áo bà ba vải xiêm đen lốm đốm nước mưa, nói:
-Nhớ chị quá nên đội mưa mà đến… Chị có thấu cho tui không, chị Sáu?
-Nè, đừng có trổ giọng dê. Tao già rồi, Cường à.
Hai Cường xịu mặt:
-Chị Sáu à, tui không giả ngộ đâu chị. Gái góa chồng như chị bộ dễ kiếm lắm sao? Tui mà nói chơi thì cô hồn các đảng vật tui chết không kịp trối. Chị không tin, soi kiếng thì biết. Trai đa tình nào cũng mê đàn bà góa ráo trọi. Đàn bà góa như cá nấu canh. Đã có bỏ hành, còn thêm tiêu ớt.
Sáu Quyên hứ một tiếng:
-Dóc tổ. Cái miệng nói dóc thấy muốn vả. Tao ghét cái thứ ba xạo.
Hai Cường cười mơn:
-Chị muốn vả tui bao nhiều cũng được. Hễ khi chị ngưng vả, tui vẫn nói tui mê chị, tui thương chị… Trời đánh, tui cũng nói hoài.
Sáu Quyên nạt:
-Hai Cường, mầy đừng có giỡn mặt tao. Trước kia, hai người cách một con sông, mặc sức nói chơi, trững giỡn với nhau. Giờ đây, giáp mặt nhau, tao lạy mầy nên ăn nói cẩn thận một chút.
Hai Cường nheo con mắt phía tay mặt, coi có vẻ đểu giả vô cùng. Chính lúc đó, chàng xúc động hơn bao giờ hết. Sáu Quyên cũng biết như vậy. Tối hôm nay thằng quỉ sứ, thằng yêu lồi nầy không giả ngộ đâu. Chu choa, trái tim của chị đập sao mà đập như thế nầy không biết. Bên ngoài, sao nạm đầy trời. Gió thổi vào đám dừa nước lào xào. Dế ngâm rỉ rả dưới giàn mướp, giàn đậu rồng. Cái mặt si tình của Hai Cường ngó mà… phát ghét, trông thiểu não kỳ cục. Sáu Quyên run lên tưởng chừng như máu mình đặc sệt, không thể lưu thông được nữa. Thôi thôi, một liều, ba bảy cũng liều. Cầm bằng như trẻ chơi diều đứt dây. Từ bấy lâu nay, thằng ôn dịch đó giả đò chọc mình, nó gặp hoàn cảnh lộng giả thành chân rồi. Còn mình, mình chửi nó, nhưng trong thâm tâm mình, những câu chửi chỉ là lời âu yếm, lời ngỏ tình? Hôm nay thì nước cạn đá bày, mây vén trăng hiện. Thôi thì tôi liều, tôi mặc tình để nó ve vãn. Tôi lấy nó, vui sống với nó một đôi ngày rồi tôi khổ một đời, một kiếp tôi cũng không dám than thở, oán trách gì hết.
Hai Cường gọi:
-Sáu Quyên!
Sáu Quyên tru tréo:
-Ai cho phép mầy hài tên tao ra vậy? Nhờ mầy mà thiên hạ biết tên tao đó mà.
-Sáu Quyên, chị đừng có dối lòng chị nữa. Hai đứa mình mê nhau. Ở đời, thiếu gì trai tơ mà mê cảm, mê điên gái góa. Chị coi, hồi xưa, bác Bảy Hương trai là trai mới lớn lấy bác Bảy Hương gái là gái một con. Đàn bà goá ví như cây đờn kìm, có khảy nhiều lần thì tiếng càng thanh tao. Chị coi, vậy mà hai bác cũng gầy dựng nên cửa nên nhà.
Sáu Quyên phì cười:
-Ai dạy mầy ăn nói như mấy thằng cha o mèo trong tuồng cải lương vậy hả? Hôm nay mầy thấy tao… dễ tánh, mầy gáy lảnh lót quá mà.
-Ai dạy cũng được, miễn là chị thấu cho lòng tui thì thôi.
Sáu Quyên ứ hự, ngồi buồn hiu, nước mắt rưng rưng. Hai Cường tiến lại chị, nắm chặt tay chị, ngó sâu vào mắt chị. Chị hoảng hốt xô chàng ra, nước mắt tuôn như suối. Hai Cường dịu giọng:
-Nếu chị thật bụng thương tôi, thì mình dắt nhau đi xứ khác làm ăn. Chừng có con cái rồi mình về lạy bà già chịu lỗi cũng được. Bà già tui tuy hay chửi, hay rủa, nhưng lại dễ tánh, chửi đó rồi quên đó.
Sáu Quyên càng khóc mùi mẫn hơn. Hai Cường vuốt tóc chị. Chị hỏi:
-Mầy nghĩ kỹ chưa, Cường? Tao chỉ sợ ai kia nói một đàng còn làm thì một nẻo.
-Tui nghĩ kỹ trót cả tháng rồi. Chị có chịu thu xếp nhà cửa để ra đi không? Tui có ít chỉ vàng để hộ thân.
Chị càng khóc thêm, trước câu nói chí tình ấy. Lúc cảm xúc, chị đẹp thêm, ôn nhu thêm, tình tứ thêm. Chị gục đầu lên ngực chàng. Gió bên ngoài tạt vào làm chao ngọn đèn.
Sáu Quyên thì thầm:
-Để tui thu xếp, tháng sau tụi mình cùng trốn về Vịnh Trà Bay.
Hai Cường hít hít mùi thơm của lá bồ kết trên đầu người đàn bà. vòng ôm chàng càng chặt. Nước mắt người đàn bà càng tuôn, ướt đẫm ngực chàng.
Khi Hai Cường về nhà thì mưa vừa tạnh và trăng vừa mọc, cong như cái sừng trâu trên nền trời nước biển. Chàng cảm thấy mình hạnh phúc quá, tâm hồn trong sáng, nhẹ nhàng xác thạt như một bông hoa mở cánh đón sương mưa và khí hậu tươi mát.
Cả nhà còn thức và đang tiếp chuyện thầy Năm Kỳ Phụng, Sáu Thoại và Bảy Tường. Hai Cường bước vào nhà, chấp tay xá ba thầy trò.
Thầy Năm nói:
-Giờ đây chúng ta trở thành một nhà. Anh là anh vợ của tui, đừng nên thủ lễ như vậy.
Bà Bếp Luông, trước mặt thằng rể tương lai, không dám chửi thằng con trai đi chơi ta bà rồi về khuya. Bà ngọt ngào hỏi:
-Uống trà đi Hai. Chốc nữa rồi ăn cháo gà.
Ba cô gái đang lúi húi dưới căn bếp sáng rực ánh đèn. Út Biên đứng nép mình trong góc tối, dáng điệu xẻn lẻn lắm. Bà Bếp chỉ cái hộp tròn sơn son thếp vàng, bảo Hai Cường:
-Đây là đồ lễ đi hỏi con Ba, mầy coi qua một chút đi.
Chiếc hộp vừa mở nắp. Hai Cường không giấu nổi ngạc nhiên vì trong đó có một cây kiềng vàng chạm, một đôi bông hột xoàn, một cặp vòng vàng, một chiếc nhẫn ngọc thạch mặt vuông, một cây trâm vàng, một chiếc vòng cẩm thạch huyết.
Sính lễ nầy hậu hỉ hơn sính lễ của Tám Kiệt đi hỏi Năm Nhan với đôi bông ngọc thạch, một cặp neo đeo tay bằng vàng đổ đé.
Thầy Năm Kỳ Phụng hỏi Hai Cường:
-Anh Hai à, Sáu Thoại ngỏ lời cầu hôn cô Tư nhà nầy, anh nghĩ sao đây, anh Hai?
Hai Cường nói:
-Đó là do má tôi và con Tư định đoạt, chớ tôi đâu có ý kiến gì. Nhưng theo tôi nghĩ, anh Sáu là người thị thành, còn con em tôi là gái quê, nếu nó lấy được chồng như anh Sáu thì cũng quá phận nó rồi.
Tuy nói vậy, nhưng Hai Cường vẫn nghĩ là Sáu Thoại và Bảy Tường từ khi tới đây làm những việc tào lao, tào lếu, chưa có cơ sở làm ăn vững chắc. Nhưng chàng sắp làm chuyện động trời là bỏ nhà theo gái góa chồng, chàng còn tư cách gì để xử bỉ lũ em? Trai chưa vợ một khi đụng vào gái góa chồng là mê điên, mê cảm. Thôi thì trước bày thói gió trăng, sau rồi biến thành vàng đá. Chàng cảm thấy mình khó mà sống cách biệt với Sáu Quyên kể từ lúc ăn nằm với chị ta.
Bà Bếp Luông bảo Út Biên:
-Út, con ra bến sông mời anh Năm mầy lại đây ăn cháo.
Út bước ra cửa. Anh Năm đây tức là Tám Kiệt. Hàng hóa đã bán hết rồi, nhưng Tám Kiệt không về Vịnh Chẻo, vốn là quê hương của mình. Chàng ta cả tuần nay nhờ chú Bảy Cá Trê dọ hỏi mua đất.
Trong bếp, Ba Kiểm đang xắc cây chuối non để trộn rau ghém. Giọng nàng nhỏ xuống:
-Tụi con Lý, con Đào lóng rày lên chưn lắm. Đi đâu tụi nó cũng khoe áo thêu, khoe bánh mứt. Miệng thì khoe, nhưng khi làm bánh thì đóng cửa kín mít, sợ người ta ăn cắp nghề.
Năm Nhan cười hiền:
-Mà tụi nó khéo thiệt chớ. Em học nghề khéo không nổi đâu. Tay em quen làm rẫy, làm vườn, cầm kim không khéo, quậy bột không đều.
Tư Diễm cười bảo:
-Học nghề khéo để làm đẹp lòng chồng.
Năm Nhan nói:
-Anh Tám bảo em rằng anh thích vợ giỏi hơn đẹp. Anh thích ăn ngon chớ không thích ăn những món khéo mà không ngon.
Câu nói vô tình của Năm Nhan làm cho hai cô chị đau nhói. Tư Diễm buồn vô cùng. Mình phải lấy chồng gấp như chạy tiền đóng hụi chết. Mình phải lấy chồng cho mau như gà mái mắc đẻ, phải kiếm ổ. Sáu Thoại cũng đáng tấm chồng, vậy mà cớ sao mình không yêu? Trót đã mê ai rồi thì khó gỡ ra. Nổi buồn nầy chỉ có mình biết, mình giữ suốt đời. Ba Kiểm, Năm Nhan cũng chỉ biết mình là buồn vì có cô em lấy chồng trước hai cô chị mà thôi. Riêng Ba Kiểm đã dạn dầu khi tiếp chuyện với thầy Năm Kỳ Phụng. Vốn mau quên, nàng cũng bớt khó chịu khi giáp mặt Tám Kiệt… Nhưng không vì thế nàng vui mừng hay hãnh diện khi mình sắp làm vợ thầy Năm. Đầu óc nàng luôn mang thành kiến về hai lứa tuổi chênh lệch nhau, dù nàng nhận thấy thầy cũng khôi ngô, dẻo dai, khỏe mạnh.
Tám Kiệt vừa tới, mang theo không khí tươi trẻ, đầm ấm. Chàng nói:
-Thưa má, con vừa đi chợ Vàm Xáng về có mua gói trà Xiểu Chủng cho má. Nè anh Ba, em mua chai rượu Văn Tiết Hương nầy, anh nhắm uống nổi hay không?
Thầy Năm cười:
-Qua tuy lớn tuổi, nhưng dượng tới đâu… qua tới đó.
Tám Kiệt nói:
-Hôm nay, có đủ mặt nào anh Hai, anh Ba, anh Tư, thằng Bảy, thằng Út, mình nên nhậu quắc đi… Mai mốt đây mình sẽ ăn hết đám cưới nầy tới đám cưới khác. À, Út nhớ xuống ghe của anh Năm lấy rổ trứng vịt lộn lên đây. Chìa khóa mở cửa khoang đây nè.
Bà Bếp Luông nói:
-Út nhớ mời chú Bảy qua chơi, nghe con?
Út Biên lấy chìa khóa thong thả đi ra ngoài.
Khi Tám Kiệt tới, Ba Kiểm và Tư Diễm trở nên uể oải, trầm lặng hơn. Năm Nhan thỉnh thoảng nép mình qua cửa ăn thông lên căn nhà giữa, dòm Tám Kiệt bô lô, ba la với mọi người mà mỉm cười, mắt nàng sáng rạo rực. Trước vẻ điềm đạm của thầy Năm Kỳ Phụng, trước thái độ khép kín của Sáu Thoại, nét hoạt bát của Tám Kiệt nổi bật lên.
Tin Sáu Quyên và Hai Cường bỏ xóm ra đi làm mọi người bàn tán xôn xao. Thím Bảy Cá Trê không tiếc lời mạt sát Sáu Quyên:
-Vừa khi con đó tới xóm nầy, tui biết ngay là thứ hồ ly tinh rồi. Nó là thứ hảo trai tơ, rù quến trai tơ bỏ cha bỏ mẹ, bỏ cửa, bỏ nhà. Còn cái thằng Hai Cường là thứ dê xồm; hắn tằng tịu với mấy con đĩ lủng ở chợ Vàm Xáng, nên bị ông trời trả báo, gặp con chồn chín đuôi kia. Cùi mít trôi lên, gặp cùi thơm trôi xuống, coi cũng xứng kép, xứng đào.
Bà Bếp Luông xấu hổ, đau khổ lắm, nhưng không làm sao bụm miệng thím Bảy và mấy mụ ngồi lê đôi mách trong xóm. Bà chỉ biết khóc rồi rủa sả, rồi hăm he hễ gặp Sáu Quyên là bà cho “con đĩ chó” đó lãnh thẹo, bà sẽ cạo đầu “con đĩ ngựa” đó trọc lóc như sọ dừa.
Thầy Năm cứ khuyên can bà hoài:
-Nếu anh Hai thiệt bụng thương chị Sáu thì má cũng nên hỉ xả cho hai người. Nghe nói chị Sáu cũng giỏi dắn, biết điều.
Dù có việc bất ổn trong nhà, nhưng đám cưới Ba Kiểm vẫn cử hành. Đàng trai chỉ có vợ chồng người anh của thầy là ông bà Hội Đồng Cảnh ở Phụng Hiệp, hai cô con gái của thầy là Thể Loan và Mỹ Loan ở Sài Gòn. Đàng trai đưa cho đàng gái năm chục đồng tiền chợ. Bà Bếp mua một con heo và một con bò để xẻ thịt.
Thể Loan, Mỹ Loan là hai chị em song sinh trạc mười sáu, mười bảy tuổi, trắng trẻo ốm o không đẹp. Hai cô đến Hóc Hỏa trước một tuần, để có nhiều dịp tiếp xúc với Ba Kiểm. Hai cô kêu Ba Kiểm bằng dì ngọt xớt, làm cho Ba Kiểm thẹn quá.
Bà Hội Đồng Cảnh cầm tay Ba Kiểm:
-Em à, chú nó trước kia lấy vợ lựa chỗ môn đăng hộ đối, nhưng không có hạnh phúc. Má của hai con Loan hỗn dữ, trắc nết nên làm chú nó bầm dập nhiều phen. Chị mong em sẽ đem lại chú nó hạnh phúc về sau. Chú nó là kẻ biết người, biết ta, ăn ở với ai cũng chí tận, chí tình…
Ba Kiểm biết nói sao hơn. Cái quá khứ của chồng nàng chỉ có hé phơi bấy nhiêu. Nàng chợt thấy trong dáng điệu ung dung, đài các của thầy Năm có một vẻ gì uể oải, buồn rầu, cam phận. Và đôi mắt sáng kia vẫn có một chút thống khổ ngấm ngầm. Nụ cười kia lúc nào cũng đượm nét ngậm ngùi, man mác.
Trong cái đêm trước ngày rước dâu Ba Kiểm vụt nhớ thương Tám Kiệt hơn bao giờ hết. Nàng úp mặt vào mớ áo gấm hồng điều, áo cẩm vân màu hoàng yến, áo lụa hồng phấn, quần sa teng tuyết nhung, quần cẩm tự, quần cẩm nhung khóc nức nở. Tư Diễm đã hiểu hết tâm sự của chị mình. Nàng mím môi, nước mắt trào ra, rồi đóng chặt cửa buồng cầm chặt tay chị nói:
-Chị Ba, em hiểu hết tâm sự của chị rồi. Con Năm là em của tụi mình. Mình nên mừng nó phận đẹp duyên ưa mới phải. Còn anh Ba là người tốt, đáng bậc quân tử để chị thờ phụng suốt đời. Chị hãy tìm hiểu chồng để vui sống với chồng.
Chưa bao giờ Ba Kiểm thâý đôi mắt em gái mình đẹp kỳ dị như trong giây phút đó. Ôi đôi mắt từ bi ngập tràn thông cảm nhưng sao mà mang mác, bâng khuâng?
Sau bao ngày nhóm họ, sau buổi rước dâu, giờ đây là buổi tối trong căn nhà ở ngoài Vàm. Thầy Năm đi tắm, còn Ba Kiểm ngồi trong căn buồng cưới, có thắp sáng bởi một cặp hồng lạp lớn bằng cườm tay. Nàng băn khoăn, lo sợ. Trời ơi, mình phải trao thân cho một người lạ quắc, từ kiến thức, ngôn ngữ, địa vị cho tới cách sống. Nàng thu mình ở góc giường, sau bóng cây cột lớn, tay áp chiếc gối lụa thêu cặp chim uyên ương vào ngực. Mình phải lấy chồng đứng tuổi, tròm trèm tuổi mẹ mình.Vậy mà ông ta kêu mẹ mình bằng má ngọt xớt, cách xử sự rất tự nhiên.
Thầy Năm tắm xong, bước vào buồng cưới, khêu cặp đèn cho sáng, hỏi:
-Sao em không thay đồ mát?
Thầy ngồi ở mép giường, mặt mày tươi rói. Thầy chỉ mặc chiếc xà rông bằng vải rằn, để mình trần. Ba Kiểm nghĩ thầm: “Đây là thân thể của một thanh niên, chớ không phải thân thể của người đàn ông tuổi bốn mươi”. Nhưng mà, thầy vẫn là kẻ xa lạ đối với nàng. Nàng ghì cái gối thêm chặt, lòng cồn cào lo sợ và đau khổ. Thầy Năm tiến tới nàng, nâng cầm nàng lên, nhìn sâu vào mắt nàng. Nàng nhắm mắt lại. Tiếng thầy mơn trớn:
-Em có điều gì bất mãn chăng?
Ba Kiểm lắc đầu. Thầy ôm chặt lấy nàng, vuốt ve nàng. Không còn tủi cực nào hơn khi nàng nghĩ tới nỗi rạo rực của Năm Nhan trước viễn ảnh ngày thành hôn sắp tới với Tám Kiệt. Nàng phân vân không biết mình phải làm gì đây đối với người chồng ngồi trước mặt nàng? Nàng muốn mở mắt ra để hưởng cái nhìn tình tứ của chồng, nhưng nỗi nhột nhạt, ray rứt càng làm nàng khép chặt đôi mắt hơn. Thầy Năm hôn nàng. Mùi thuốc lá trong hơi thở thầy làm nàng càng ngại ngùng hơn. Nhưng cũng bắt đầu từ cái hôn đó, nàng biết rằng dù gì thì dù, người đàn ông xa lạ đó giờ đây là chồng của nàng, mà lễ nghi và pháp lý đã trói buộc hai người trên chiếc giường tân hôn kia. Bên ngoài mưa sầm sập đổ. Cặp nến cháy chập chờn. Trong không khí, mùi nhang trầm từ gian nhà giữa thoảng tới. Ba Kiểm khóc nức lên, gục đầu vào vai chồng, không biết phải làm sao hơn.
Hôm đó mưa vẫn rơi dai dẳng. Không khí thoảng vào phòng trộn hương hoa lài, hương hoa dạ lý và hương trái bình bát. Lòng Ba Kiểm dịu hẳn đi. Nàng gối đầu lên cánh tay chồng. Nàng nhìn thầy Năm bạo dạn hơn. Đôi mắt thầy hiền quá, thông cảm quá. Nàng trào lệ, nhưng lòng vơi ray rứt, sầu khổ, và nàng êm đềm đón nhận cái ve vuốt và những nụ hôn của chồng.
Sáng hôm sau, Ba Kiểm dậy sớm. Thấy chồng còn ngủ, nàng kéo mền đắp chiếc ngực trần của chồng. Buổi sớm mai yên tĩnh. Con chim chìa vôi hót ríu rít ở mái nhà. Nàng ngồi trước gương, vừa chải tóc, vừa lắng nghe tiếng chim. Nàng vẫn bình tĩnh, lòng tràn ngập một cảm giác mới và ôn lại những cảm giác, cảm nghĩ trong đêm qua. Mà lạ lùng chưa, nàng cảm thầy mình như xa lạ hẳn những ngày tháng cũ trước khi bước về ngôi nhà gạch, mái lợp ngói nầy. Thầy Năm vẫn ngủ, sắc mặt thanh thản. Trước hôm cưới vợ, thầy đã nhuộm tóc. Ai dám bảo đó là người đàn ông tuổi bốn mươi, nếu lấy vợ sớm sẽ có con trạc tuổi nàng. Ba Kiểm mỉm cười. Nàng không sợ hải trước cảnh đời làm vợ người đàn ông xa lạ như nàng thường nghĩ đâu. Một tình cảm mới mẻ đang manh nha sưởi ấm trái tim nàng. Nàng muốn xuống bếp nấu nước, pha trà cho chồng vừa khi nàng rời khỏi gương lược thì thầy Năm Kỳ Phụng tỉnh giấc, hỏi:
-Em định đi đâu đó?
-Em xuống pha trà, nấu cháo cho mình.
Nụ cười như chiếu sáng gương mặt hiền hậu của thầy. Thầy ngồi nhổm dậy, tới bên nàng, hôn lên mái tóc nàng, dịu dàng bảo:
-Chúng mình lại nhà Sáu Thoại ăn xôi lót lòng đi. Hôm nay em không nên làm gì cả. Hãy sống thong thả, nhàn rỗi bên anh. Cơm nước đã có lũ đệ tử của anh lo.
Ba Kiểm ngước nhìn người đàn ông đã ăn nằm với mình trong đêm qua. Nàng vẫn còn lạ lùng ông ta, tuy nàng không còn cảm thấy buồn rầu, lạc lõng bên cạnh ông ta nữa. Người đàn ông nầy đã đến xóm Hóc Hỏa với năm người đệ tử, mang lại một tia nắng mới vào cuộc đời bùn lầy nước đọng của đám dân quê. Ông ta chưa làm chuyện gì lớn, chỉ cùng đám đệ tử khuyến khích dân quê tương trợ lẫn nhau, phụ cất cho nhau những nếp nhà cao ráo, sáng sủa, thoáng khí, bày dăm ba đồ mộc giản tiện, ưa nhìn. Ông ta bố thí thuốc men cho dân quê, săn sóc sức khỏe cho họ, chữa trị một vài chứng bịnh thông thường của họ; đôi khi, ông ta giúp họ một vài phương tiện để họ may mặc quần áo tươm tất, lành lặn. Dân chúng ở đây theo đạo thờ ông bà thì ông ta khuyên họ chọn một tôn giáo để làm lành, lánh dữ. Tới đâu, ông ta cũng thong dong, trầm tĩnh, lóng tai nghe lời thuật, câu chuyện kể của dân chúng, rồi giải thích, khuyên bảo và lăn xả vào giúp đỡ họ, ánh mắt lúc nào cũng reo vui, nụ cười lúc nào cũng đầm ấm.
Thầy Năm Kỳ Phụng choàng tay qua vai vợ:
-Cưng à, sáng nay em đẹp quá. Cái miệng cười có hai đồng tiền… dễ thương lạ.
Chiếc áo túi lụa trắng, chiếc quần sa teng trắng như biến Ba Kiểm thànhh một bông huệ. Nàng không được trắng lắm vì phải giãi nắng, dầm sương. Song da nàng không phải là loại da tối, nó sẽ nuột nà nếu nàng không ngồi chợ bán rau cải, bắp khoai nữa.
Ba Kiểm ngó dáo dác như sợ có ai thấy. Thầy Năm Kỳ Phụng trầm giọng, tha thiết hơn:
-Em yên lòng. Cửa ngõ, cửa vườn sau đã đóng kỹ. Giờ đây, căn nhà nầy là thế giới riêng cho vợ chồng ta.
Ba Kiểm ngoan ngoãn ngả đầu lên ngực chồng, áp tai vào ngực chồng, nghe tim thầy Năm nhảy rộn ràng. Nàng tưởng chừng ở đây không còn ai nữa. Mọi người ở thế gian nầy đều quên lửng hai vợ chồng mới cưới.
Thầy Năm hôn nàng thật dịu dàng, thì thầm:
-Thế giới riêng của vợ chồng mình. Một ngày dành riêng cho vợ chồng mình. Kiểm, em hiểu lời anh không?
Ba Kiểm buột miệng:
-Vợ chồng mình?
-Chớ sao, chúng ta không là vợ chồng thì là giống gì đây? Mình nhắc lại cho anh nghe coi nào?
Ba Kiểm mắc cỡ quá, lắc đầu, nhưng lòng hây hây sung sướng. Chưa chi người đàn ông đã chinh phục nàng bằng những cử chỉ âu yếm, bằng lời ngọt mà nàng chưa nghe ở cửa miệng chồng kẻ khác. Nhưng nàng lại thấy thích. Thầy kèo nài mãi nàng lập lại ba tiếng “vợ chồng mình”. Nàng lặp lại, giọng nhỏ và thấp như sợ hãi có ai nghe.
Tới hôm lễ phản bái, Ba Kiểm đã tự coi mình là thím Năm Kỳ Phụng rồi. Nàng mua cho mẹ cặp vịt cà cuống, một cặp cá chái. Thầy Năm Kỳ Phụng khăn đóng, áo dài, kéo róc năm người đệ tử đi theo. Hôm nay là lễ phản bái của cặp Kỳ Phụng, Ba Kiểm mà cũng là lễ hỏi của Sáu Thoại, Tư Diễm.
Bà Bếp Luông cho mời bà Bảy Hương, vợ chồng chú Bảy Cá Trê, cô Lý, cô Đào… Tám Kiệt mang lại nhiều thứ rượu tàu bào chế ở Bình Tây nào là Sâm Nhung Huyết Tửu, nào là Ích Thọ Tửu, nào là Văn Tiết Hương, nào là Huệ Tuyền…
Tiệc dọn cho đàn ông ở ngoài sân, dưới bóng mát của đàn bầu. Đàn bà thì ăn ở dưới bếp. Ba Kiểm mặc áo bà ba đen đeo xâu hột ngọc thạch. Màu ngọc thạch nổi bật lên màu áo lụa đen. Ai cũng biết nàng sung sướng. Nhưng Ba Kiểm tỏ vẻ tế nhị, không dám phô bày sự sung sướng bồng bột của nàng, vì sợ Tư Diễm tủi thân. Hôm nay, năm người đệ tử quên thầy của mình. Trước mặt họ, đó là chú rể mới rất trẻ trung. Vừa khi Tám Kiệt khơi mào sự đùa giỡn là họ chọc ghẹo chú rể mới nào là có vẻ mệt mỏi, nào là có vẻ buồn ngủ, nào là có vẻ lơ lơ lửng lửng… Thầy Năm chỉ cười thật hiền, mặt vui tươi như hoa nở.
Khi đối diện riêng với Tư Diễm, Ba Kiểm dặn:
-Hai con cá chái nầy là dành riêng cho bà già và tụi bây. Đừng có đem đãi khách nghe chưa?
Tư Diễm nói nhỏ:
-Em rất mừng chị được sung sướng.
-Ừ, chị rất bằng bụng chồng chị.
-Làm sao chị có thể thương yêu chồng một cách dễ dàng?
Ba Kiểm cười buồn:
-Chị ráng tìm hiểu chồng. Tuy chưa hiểu, nhưng chị cũng biết mình đã gặp người đa tình, khéo chìu chuộng vợ.
Tư Diễm nhìn chị hoài nghi, nhưng không biết nói gì thêm.

Comments are closed.