Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 237): Người đi trên mây – Nguyễn Xuân Hoàng (3)

Kỳ 9

Tới đó làm chi? Câu hỏi thật chí lý. Nhưng tôi đâu tới đó để uống rượu. Tôi cũng đâu tới đó để được bắt tay một ông lớn chịu chơi kiếm chút hơi hám quyền lực. Tôi tới đó giống như một người mắc bệnh tò mò muốn tìm xem có chút bí ẩn nào giấu sau cánh cổng của một ngôi nhà bỏ hoang. Và hình như tôi có được đôi chút thỏa mãn. Ông Phan soi chiếu cho tôi thấy đôi nét về cha tôi và về phần ông, ông cũng hé cho tôi thấy tầm mức của một quyền lực đang lớn.
Nhưng tôi có cần tìm cho mình một lời giải thích không? Tôi lảng sang một chuyện khác. Tôi hỏi Ký:
“Anh có nhớ bài Hồ Trường không?”
“Không!”
Tuy trả lời dứt dạt như vậy, nhưng liền đó Ký vung rộng tay đang bưng ly rượu làm sóng sánh nước bia vãi lên bàn.
“Hồ Trường! Hồ Trường! Ta biết rót về đâu? Rót về phương Đông… ư… đếch nhớ!”
Ký đặt mạnh ly xuống bàn.
“Mà tại sao mày lại muốn nghe Hồ Trường?”
“Chẳng có lý do gì. Nhớ thì nhắc vậy thôi!”
“Để yên, tao sẽ đọc cho mày nghe một bài thơ khác. Đồng ý?”
“Đồng ý!”
Ký lại nâng ly lên, ngửa cổ tu một hơi. Xong anh cúi khom người xuống dưới bàn lôi ra một chiếc cặp da dầy cộm bị chôn giữa đám vỏ chai. Anh mở cặp, mò mẫm trong các ngăn đầy sách vở và lấy ra một cuốn tập. Anh dùng một ngón tay thấm nước bọt lật từng trang giấy. Nhưng anh lắc đầu. Ánh sáng ngọn đèn hột vịt không đủ sức soi rõ những chữ. Anh gập quyển tập lại, bỏ vào cặp, vất đại dưới chân bàn.
“Đếch cần đèn! Tao đọc bằng trí nhớ cũng được. Này, tên phá mồi nghe đây!”
Ký lại đổ bia thêm vào ly, bưng ly lên và vung tay ra. Nước trong ly sóng sánh.
“Người con gái lội qua khe
“Bàn chân với nước lạnh đè lên nhau
“Nỗi niềm tưởng lại xưa sau
“Bàn chân với nước cùng nhau lại đè!”

“Tuyệt không? Thơ thế mới là thơ chớ! Tên phá mồi thấy thế nào?” Ký hỏi.
“Rất Bùi Giáng!” Tôi trả lời.
“Hay! Khá lắm! Phá mồi mà cũng biết được thơ của Trung Niên Thi Sĩ thì hơi lạ. Vậy còn bài này?”
Ký không đọc liền, anh rót thêm bia vào ly – đã tràn – bưng ly lên và vung tay ra. Nước trong ly sóng sánh đổ xuống mặt bàn.
“Em về mấy thế kỷ sau”
“Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
“Ta đi còn gửi đôi dòng
“Lá rơi có dội ở trong sương mù.”
“…”
“Sao?” Ký nhìn chăm chăm vào mặt tôi, dò hỏi.
“Chịu!” Tôi lắc đầu.
“Không biết à?”
“Thua!”
“Thế thì phá mồi kém thật!”
“Ai vậy?”
Ký đặt ly bia xuống bàn.
“Thì cũng là Bùi Giáng! Không hay à?”
“Không, không phải vấn đề hay hay dở”. Tôi chống chế. “Vấn đề là nó không có chất Bùi Giáng”.
Ký gật gù.
“Cũng được! Cũng được! Nhưng “dô” cái coi!”
Anh bưng ly lên và cụng vào ly tôi.
“Sao anh không đọc thơ anh?”
Bỗng dưng tôi hỏi Ký một câu lãng xẹt. Anh không trả lời. Tôi đã vô tình động mối thương tâm của anh. Còn nhớ có lần trong một bữa nhậu, cũng tại quán này, hôm đó có Nhật và Tâm, tôi đã nói với anh rằng tôi thích đời sống anh hơn là thơ anh. Và khi anh nghiêng tai về phía tôi yêu cầu tôi nhắc lại điều vừa nói, tôi nói rõ hơn: “Đời sống anh thơ hơn là thơ anh!” Ký không giận, nhưng tôi thấy anh đang ồn ào bỗng trầm hẳn lại. Về sau Nhật trách tôi đã nói một điều không nên nói với một người bạn đặc biệt là Ký. Anh lớn tuổi hơn chúng tôi dễ chừng đến gần một giáp. Tôi nhớ hổi nhỏ khi anh tôi mang về những tờ tạp chí Đời Mới, tôi có lần đã đọc thơ anh. Những bài thơ có vần có điệu nhưng chữ nghĩa là những gì có phần cũ kỹ. Cuối bài thơ dù có để tên anh hay một tên nào khác, tôi nghĩ cũng thế thôi. Có lẽ hồi đó tôi có thành kiến là ai làm thơ hay hơn Quang Dũng – thật ra thì tôi cũng nghe lỏm bõm được câu trước mất câu sau của nhà thơ này mà thôi.
(Em ở Thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt mấy lần quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì…)

Kỳ 10

Cho nên thơ không tỏa ra được cái chất Quang Dũng này là không thể yêu được. Vậy thôi.

Lớn lên đọc thơ anh, tất nhiên bằng một con mắt trưởng thành hơn, tôi thấy có cái gì đó không ổn trong chữ nghĩa và hình ảnh của thơ anh. Tất cả như sao chép lại từ nguyên bản. Rồi tôi quen anh vì cùng dạy chung một trường. Anh là một người ngang tàng. Anh uống rượu như Kiều Phong. Anh có một người vợ đẹp như A Tỷ. Anh sống bất cần đời. Khi chiều xuống là lúc anh say sưa và lúc đó đối với anh trời đất cũng chỉ là hạt cát.
Tôi biết là anh khổ sở vì câu nói của tôi.
Đột nhiên Ký gạt tay ngang mặt bàn. Tất cả ly cốc đồ nhậu rơi dạt xuống thềm xi măng. Tiếng thủy tinh vỡ tung tóe.
-Dzô đi tên phá mồi! Ai biết uống rượu người đó biết thưởng thức thơ. Mày cố học uống rượu đi, nếu không mày vĩnh viễn đếch biết thế nào là thơ.
Khi tôi bưng ly bia lên ực một hơi lắc lắc cho những viên đá chạm vào thành ly, tôi bỗng nhe tiếng thắng gấp của một chiếc xe hơi lết bánh trên mặt đường. Và ào một cái, như sấm chớp, trước mặt sau lưng chúng tôi là những người lính cảnh sát dã chiến.
Một người dáng chừng là chỉ huy đưa tay ra trước mặt Ký nói:
-Ông cho xem căn cước!
-Không có thẻ căn cước! Ký bưng ly bia lên trả lời gọn.
-Ê, đừng giỡn mặt cha nội! Một người lính đứng phía sau nói vói qua vai người chỉ huy. Tôi nghe tiếng lên đạn lách cách.
-Cả mấy ông này nữa! Người chỉ huy chỉ tay vào Nghĩa, Lộc nói.
Tôi nhìn Lộc thấy hắn đã gục trên bàn, đầu gối trên cánh tay nhưng bàn tay vẫn còn giữ chặt ly bia. Nghĩa đã ngả đầu ra sau lưng ghế. Tôi mở bóp lấy thẻ căn cước. Một ngọn đèn pin bật sáng chiếu vào mắt tôi sau đó chuyển xuống tấm giấy chứng minh. Tôi nghe có người đọc tên tôi. Tôi nói:
-Xin mấy anh thông cảm. Đám bạn tôi ngất ngư cả rồi!
Người chỉ huy đưa trả tôi thẻ căn cước, phất phất tay:
-Không sao! Không sao! Hỏi chơi vậy thôi. Tôi biết mấy ông quá mà!
Và quay sang người chủ quán đang đứng xớ rớ bên cạnh, người chỉ huy nói:
-Yêu cầu đóng cửa ngay! Chị không biết tin thiết quân luật à?
Chị chủ quán xoa tay, ấp úng:
-Xin mấy thầy thông cảm!
Tôi hỏi người chỉ huy.
-Xin anh cho biết giới nghiêm từ lúc mấy giờ?
-Mười một giờ! Mấy ông đã vi phạm hơn nửa giờ! Yêu cầu các ông trở về nhà ngay!
Tôi nhìn Ký, Nghĩa và Lộc, nói với người chỉ huy:
-Nhưng…
-Tôi hiểu! Tôi hiểu! Người chỉ huy ngắt lời tôi.
-Ông muốn nói mấy ông nội này quắc cần câu rồi chớ gì?
-Đúng vậy! Tôi gật đầu.
-Bọn tôi sẽ chở các ông về nhà!
-Tôi sợ không tiện!
-Tại sao?
-Ông này ở tận Hàng Xanh – tôi chỉ Lộc; ông này ở tuốt Phú Lâm, Cây Da Xà – tôi chỉ Nghĩa; ông này thì ở Bùi Thị Xuân gần đây thôi – tôi chỉ Ký. Còn tôi, tôi ở Hồng Thập Tự, Ngã Sáu. Tôi đi bộ được!
-A! Người chỉ huy kêu.
-Thế thì rắc rối to. Bọn tôi còn nhiều việc phải làm, không thể đi tùm lum ở những vùng không thuộc phạm vi kiểm soát của tôi.
Ngừng lại một giây, người chỉ huy tiếp:
-Hay là… Hay là tôi sẽ đưa ông về nhà, còn mấy ông thần lưu linh này chúng tôi sẽ giữ tạm một đêm ở bót gần đây, mai về sớm!
-Cám ơn! Tôi ngập ngừng
-Tôi nghĩ là mấy ông bạn tôi cần tôi. Để cho tôi theo mấy ổng, cũng là tiện cho ông!
-Được thôi!
Người chỉ huy ra dấu cho những người lính xốc Ký, Nghĩa và Lộc lên xe. Lúc khiêng Lộc đặt lên chỗ ngồi băng sau xe nhà binh, tôi chợt thấy hắn nhếch mép cười. Chắc hẳn Lộc đang mơ thấy mấy con đầm nhảy điệu can-can của những ngày còn học ở Paris. “Comme au premier jour, toujours toujours…” Hắn hát nữa trời ạ! Những người lính bật cười.

Kỳ 11

Đêm đó, trong bót cảnh sát, chúng tôi tặng cho bọn muỗi một bữa no nê. Ký, Lộc và Nghĩa ngáy như gỗ. Phần tôi, mãi đến gần sáng mới chợp mắt được.

Choáng đầy giấc mơ chập chờn của tôi là ông Phan và Uyên. Quyền lực của người già và sắc đẹp của tuổi trẻ. Đó là hai gọng kềm đang khép tôi lại. Liệu tôi có thể ra khỏi được thứ xiềng xích vô hình ấy không? Bàn tay ướt rịn mồ hôi của ông Phan đẩy tôi ra, nhưng đôi mắt to đen, nốt ruồi tham lam ở khóe môi Uyên hút tôi vào. Hình ảnh đầy trong một giấc ngủ lưng.
Khi tôi bắt đầu chợp mắt thì cửa phòng tạm giam mở. Người cảnh sát đập bọn chúng tôi dậy và báo cho biết là chúng tôi có thể ra về. Ký soạn lại cặp sách, càu nhàu luôn mồm. Nghĩa cười cười như còn vướng vất hơi rượu đêm qua. Lộc tỉnh hẳn và bắt đầu nói như sáo.
Chúng tôi rủ nhau đi uống cà phê và điểm tâm ở một quán hủ tiếu Tàu. Lộc dạy chúng tôi uống cà phê bằng cách đổ lên chiếc đĩa lót và bưng húp như húp nước mắm.
Chúng tôi chia tay khi Saigon đang đón những chiếc xe thổ mộ cuối cùng chở hoa xuống chợ Bến Thành.
Tuy sớm vậy mà trước cửa phòng tôi, ai đã đặt sẵn một bao thơ từ hồi nào: Đó là giấy báo của nhà trường triệu tập buổi họp khẩn cấp của hội đồng giáo sư.
Ở hành lang trường, tôi gặp lại gần như đầy đủ các bạn đồng nghiệp. Những khuôn mặt đăm chiêu hằn những nụ cười buồn. Đời sống của một người dạy học vốn đã khó khăn, tình trạng chiến tranh càng đẩy họ vào ngõ hẻm của sự thanh bần cưỡng bách.
Dù sao, buổi họp cũng đã diễn ra nhanh chóng. Người hiệu trưởng trẻ tuổi nhưng nghiêm nghị, thông báo cho mọi người biết là kể từ không giờ sáng nay, mọi công dân, theo lệnh chính phủ, bị đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Lệnh Tổng Động Viên đã được ban hành và mọi sĩ quan biệt phái phải ở trong tư thế chờ đợi trả về đơn vị gốc của quân đội.
Đối với tôi, điều đó có nghĩa là mùa hè vẫn chưa hết, mặc dù cây phượng duy nhất trước sân trường đã rụng hết bông, và chiến tranh chỉ là một con quái vật tuy ghê tởm nhưng vẫn đứng thấp thoáng bên ngoài ngưỡng cửa của một Saigon bất khả xâm phạm.
Những bài phóng sự chiến trường của Nhật viết từ vùng lửa đạn kề cận nỗi chết, vẫn chưa đủ sức hâm nóng trái tim nguội tanh của người Saigon. Tôi nhớ mỗi lần trở lại thành phố sau một chuyến tham gia trận đánh, Nhật hay nói đùa một câu rất Cổ Long, một tay viết tiểu thuyết kiếm hiệp cũng lừng danh như Kim Dung, rằng “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ!” Đó là lúc tôi thấy Nhật buồn rầu rõ nét nhất.
Thật ra Saigon lúc này đang có cuộc chiến tranh của nó. Những tin đồn đủ loại áp lực lên nỗi lo âu của người thành phố như hơi nước trong nồi súp de. Rồi xuống đường, biểu tình, phe nhóm, đảng phái, tôn giáo, truyền đơn… như những mồi lửa bên thùng thuốc súng… Thôi thì đủ thứ. Saigon như một cô gái đẹp bị xâu xé giữa những chàng trai hung hãn.
Ở phòng họp ra, tôi phóng xe như bay xuống phố. Quán nước quen vẫn đông người, nhưng bên ngoài cửa kính là một lượt lưới sắt to cọng phủ kín. Để vào được quán phải lách qua một cánh cửa nhỏ chỉ vừa một người. Bên trong, mọi người vừa ăn uống vừa ngóng ra đường như chờ đợi một điều gì. Trên nét mặt căng thẳng, trên những đôi mắt giương to, người ta có thể đọc thấy hiu hắt một nỗi lo âu.
Tôi may mắn tìm được một chỗ ngồi khá tốt: vừa gần cửa kính nhất để có thể trông qua tòa nhà Quốc Hội bên kia đường, vừa khuất sau một cây cột để người từ ngoài bước vào không trông thấy tôi, nhưng tôi thì có thể quan sát được họ. Nơi công viên, quanh chỗ giữ xe gắn máy, những cuộn dây kẽm gai vừa được cảnh sát kéo giăng ngang.
“Lại xuống đường nữa rồi!” Người đàn ông ngồi gần bàn tôi nói trống không sau khi nhấc tẩu thuốc ra khỏi miệng và thở mùi “seventy nine” thơm nức cả phòng. Tôi cũng cùng ý nghĩ như ông ta, nhưng không biết phe nhóm nào? Hôm qua nghe nói nhóm của Linh Mục Tr.H. Th., còn hôm nay nghe đâu đến lượt mấy ông “ký giả ăn mày!” Tại sao lại ký giả ăn mày nhỉ? Tôi không hiểu gì hết. Dẫu sao nỗi lo lắng của tôi lúc này là Quỳnh. Ở phòng họp sáng nay tôi đã gọi dây nói cho Quỳnh và hẹn nàng. Tôi nhắc nhiều chỗ hẹn và nói tôi rất cần gặp Quỳnh. Quỳnh quả quyết: “Em cũng cần gặp anh. Thế nào em cũng đến. Nhớ chờ em. Đừng đi đâu!”

Nguồn: https://ngo-quyen.org/p3623a3696/nguyen-xuan-hoang-nguoi-di-tren-may-ky-10-11

Comments are closed.