Chenn chuyển ngữ
Lần đầu anh nghe về chuyện Hai Bà Trưng như thế nào?
Cha tôi đã kể tôi nghe câu chuyện về Hai Bà Trưng khi tôi chỉ là một cậu bé. Chuyện ấy đọng lại trong tôi vì nó hoàn toàn không như các câu chuyện báo thù khác vốn quen thuộc với tôi. Thay vì kết thúc chuyện với cái chết của phe ác (nhà cầm quyền), sự báo thù của Hai Bà Trưng khích động người phụ nữ chống lại kẻ thù lớn mạnh hơn, tức thế lực ngoại xâm nhà Hán. Trọng tâm không chỉ là “mắt đền mắt” mà sử dụng lòng oán hờn, nhiệt huyết và thù hằn của một người vì lợi ích của dân tộc.
Việc lớn lên với câu chuyện về Hai Bà Trưng có ý nghĩa như thế nào với anh và cách anh nhìn nhận thế giới?
Dù thế nào, tôi luôn liên hệ chuyện Hai Bà Trưng với lịch sử gia đình mình. Tôi chưa từng gặp bà nội vì bà tôi và đứa con mới một tuổi (chú của tôi) đã mất trong lần Pháp ném bom khi bà chỉ mới hai mươi bảy tuổi. Với tất cả những gì tôi biết, bà cũng uy nghiêm như Trưng Nhị và cũng mẫu mực như Trưng Trắc; giả như còn sống, tôi hoàn toàn tin rằng bà có thể tiến hành một cuộc cách mạng. Một hệ quả của việc lớn lên cùng câu chuyện này, tôi cho rằng chính là tôi luôn thoải mái dưới sự lãnh đạo của người nữ.
Vai trò của thần thoại và truyền thống truyền miệng trong văn hóa Việt Nam là gì? Điều đó có ý nghĩa gì với anh?
Tôi không cho rằng mình sẽ nói theo góc nhìn của văn hóa Việt Nam. Chính tôi sinh ra ở Boston và lớn lên tại vùng trung tâm New Jersey. Nhưng thần thoại và truyền thống truyền miệng có vai trò quan trọng trong đời tôi vì chúng tạo ra những khuôn mẫu có khả năng khiến người ta bước vào những vai này và sống trong chúng. Lớn lên vào những năm 1980, truyền thông màn ảnh họa hoằn mới cung cấp một ít mô tả tích cực về các nhân vật gốc Á, người Mỹ gốc Á, hoặc đặc biệt là Việt Nam. Nghe những câu chuyện khắc họa những anh hùng người Việt đã cứu tôi khỏi cảm giác tự ghê tởm (self-loathing) mà có thể tôi đã có nếu chỉ tiếp xúc với những nhân vật người Việt thông qua các miêu tả cuộc Chiến tranh Việt Nam.
Anh đã viết nhiều chuyện hư cấu khác. Điều gì khiến anh những muốn đem câu chuyện về Hai Bà Trưng đến tay bạn đọc?
Đây là chuyện tôi luôn muốn viết nhưng cảm thấy sẵn sàng viết chỉ khi tôi đã viết được một vài đầu sách. Đây là câu chuyện như một bức tranh khổ lớn, đòi hỏi quy mô dễ làm nản lòng, gần như tầm vóc của kịch Shakespeare. Tôi muốn đảm bảo rằng tôi có thể làm điều đó một cách công bằng. Với tôi, giá trị của chuyện Hai Bà Trưng là hiển nhiên, và tôi chỉ mong mình thành công trong việc chia sẻ những phương diện của câu chuyện vốn rất đặc biệt với hành trình trưởng thành của mình.
Là một giáo sư dạy viết văn, lời khuyên nào anh sẽ dành cho sinh viên của mình, và anh có làm theo điều đó khi sáng tác “Trống Đồng” không?
Tôi thích nói với học trò của mình để “theo đuổi sự tò mò của bạn”. Tôi đã nhất nhất làm theo lời khuyên đó khi viết “Trống Đồng”, tác phẩm tôi dành hơn một năm nghiên cứu trước khi đặt tay viết từng chữ. Viết nó như một hành trình khám phá, đây là điều thiết yếu cho bất kỳ nhà văn nào, bởi lẽ nếu thiếu vắng sự khám phá thì niềm vui làm sao xuất hiện được?
Quá trình nghiên cứu để viết nên câu chuyện có thật mà xa xưa này như thế nào, nhất là khi nó được xem vừa là huyền thoại vừa là câu chuyện trao truyền qua truyền thống truyền miệng?
Nếu đến thư viện và tìm “Lịch sử Việt Nam”, bạn sẽ tìm thấy hết kệ này đến kệ kia những sách là sách về Chiến tranh Việt Nam và rất ít trong số đó viết về trước năm 1900 và gần như không có gì về lịch sử Việt Nam cổ đại. Ban đầu, tôi thu thập thông tin qua từng chương và các bài viết riêng lẻ từ những cuốn sách có nhan đề như Women of Vietnam, Women Warriors in History, và Tigers in the Rice. Nhưng sau đó tôi tìm thấy những thông tin then chốt hơn trong sách của Keith Taylor và Nam C. Kim. Tôi phải có hơn hàng trăm email trao đổi với nhà khảo cổ Nam C. Kim, người giúp tôi hình dung những chi tiết văn hóa vật chất của xã hội cổ đại. Tôi đã học được nhiều điều từ thông tin của ông ấy khi xây dựng thế giới của người Việt xưa.
Quá trình của anh khi viết tiểu thuyết hư cấu lịch sử ra sao? Làm sao anh tìm thấy sự quân bình giữa “sự thật” và dệt nên một thiên tự sự chặt chẽ?
Là một tác giả hư cấu, tôi nhận thấy ưu tiên hàng đầu của tôi là kể một câu chuyện hay. Nếu tôi có thể kết hợp sự kiện lịch sử và rút ra từ huyền thoại, điều đó có thể củng cố và làm sâu sắc thêm câu chuyện. Nhưng tôi không có ý định dạy lịch sử với cuốn sách này, và tôi không phải bao giờ cũng cho huyền thoại của Việt Nam đương đại về Hai Bà Trưng là có thực. Một trong những điều tôi cực yêu thích về tác phẩm hư cấu chính là tính trung thực – nó không tuyên bố chân lý và chỉ đơn giản yêu cầu bạn sống trong thế giới câu chuyện một lúc mà thôi.
Quá trình viết của anh diễn ra như thế nào? Anh vạch ra một kế hoạch chi tiết hay thích viết một cách thoải mái, để mọi thứ tràn ra trên trang giấy?
Điều này thay đổi tùy thuộc vào từng dự án. Với “Trống Đồng”, sự vận động của tự sự là tuyến tính vì nó được các sự kiện lịch sử dẫn dắt, nên không đòi hỏi kế hoạch chi tiết. Tôi có dàn ý, điều mà tôi luôn bám theo rất sát, nhưng nó cũng rất rộng. Bản nháp đầu tiên dài tới sáu trăm trang giấy, nên phần khó khăn nhất của quá trình là cắt bỏ một phần ba tiểu thuyết và trong quá trình đó, phải quyết định điều gì là thật sự không thể bỏ qua.
Anh có yêu thích nhân vật nào từ “Trống Đồng”? Có những nhân vật nào dễ viết hơn những nhân vật khác không?
Tôi không có một nhân vật riêng yêu thích nhưng tôi chỉ có một số mối tương quan yêu thích trong cuốn sách. Các mối tương quan yêu thích của tôi trong sách là giữa 1) Trưng Nhị và Quý bà Man Thiện, 2) Trưng Trắc và Chúa Trưng, 3) Kha và Thi Sách, và, tất nhiên, 4) Trưng Nhị và Trưng Trắc. Nhân vật được lột tả hay nhất là thông qua sự tương tác, và với tôi, những cặp nhân vật này là sáng giá nhất. Nói thêm, tôi khá thích viết về Mã Viện, thực ra bởi vì tôi thích viết về những kẻ phản diện giàu lòng trắc ẩn, và cũng có nhiều ghi chép lịch sử về Mã Viện.
Những tác giả nào đã truyền cảm hứng và ảnh hưởng đến sáng tác của anh?
Những tác giả Mỹ yêu thích của tôi là Mark Twain, Willa Cather, Herman Melville, James Baldwin, và Edith Wharton. Gần đây hơn thì là Louise Erdrich, Min Jin Lee, Madeline Miller, Karen Russell, Zachary Mason, George Saunders, và Colson Whitehead. Những tác giả quốc tế yếu thích của tôi là Italo Calvino, Marcel Proust, Chinua Achebe, Naguib Mahfouz, Jin Yong, và Eiji Yoshikawa. Về các tác giả chuyện hư cấu ngắn gần đây tôi yêu mến bao gồm Alexander Weinstein, Nafissa Thompson-Spires, Nana Kwame Adjei-Brenyah, Ted Chiang, và Anjali Sachdeva. Trong số những tác giả này, tôi muốn nói những người có sự ảnh hưởng trực tiếp nhất sáng tác của tôi là Mark Twain, Louise Erdrich, Italo Calvino, và Eiji Yoshikawa. Những độc giả thân thuộc với các tác phẩm của tôi sẽ nhận thấy cuốn này khác biệt với cuốn kia. Mỗi cuốn sách phải là sự khác biệt so với các cuốn còn lại để tôi có thể trở nên thật sự phấn khích về chúng, và tôi nhìn nhận mỗi cuốn tôi viết trở thành một phần của các tiến trình văn học khác nhau.
Nguồn: https://www.amazon.com/Bronze-Drum-Phong-Nguyen-ebook/dp/B09N3F6DY4/
Về tác giả Phong Nguyen
Phong Nguyen là giáo sư của trường Đại học Missouri.
E-mail: nguyenpv@missouri.edu
Học vấn
PhD 2007, University of Wisconsin-Milwaukee
MA 2002, Emerson College
BA 2001, Providence College
Nghiên cứu và giảng dạy
Viết văn (Hư cấu) và Văn học Mỹ Thế kỷ 19
Phong Nguyen là tác giả ba cuốn tiểu thuyết, The Bronze Drum (Grand Central Publishing, 2022), Roundabout: An Improvisational Fiction (Moon City Press, 2020) và The Adventures of Joe Harper (Outpost19, 2016), giải the Prairie Heritage Book Award; và hai tuyển tập truyện ngắn: Pages from the Textbook of Alternate History (C&R Press, 2019) and Memory Sickness and Other Stories (Elixir Press, 2011), giải the Elixir Press Fiction Prize. Ông là đồng chủ biên, cùng với Dan Chaon và Norah Lind, cuốn Nancy Hale: On the Life & Work of a Lost American Master (Pleiades Press/LSU Press, 2012), một phần của the Unsung Masters Series. Ông là chủ biên của series tuyển tập Best Peace Fiction (University of New Mexico Press). Ông là chủ biên và biên tập viên phần văn hư cấu cùa tạp chí Pleiades: Literature in Context trong 11 năm, trong thời gian đó ông xuất bản tác phẩm thời kỳ đầu của một số nhà văn hư cấu được tán thưởng nhất trong mấy chục năm gần đây: Bonnie Jo Campbell, Amina Gautier, Zachary Mason, Christine Sneed, Alexander Weinstein, Tiphanie Yanique,và nhiều người khác. Ông là chủ biên tạp chí Cream City Review trong ba năm, và thực tập biên tập cho tờ The Atlantic Monthly. Truyện ngắn của ông đăng trên 50 tạp chí văn học quốc gia, trong đó có Agni, Boulevard, Chattahoochee Review, Iowa Review, Massachusetts Review, Mississippi Review, Ninth Letter, North American Review, PANK, Prairie Schooner, River Styx, và Texas Review.
Giải thưởng và Vinh danh
Prairie Heritage Book Award, 2019, The Adventures of Joe Harper
Pushcart Prize Special Mention 2019, truyện ngắn, "We’re So Blessed, We’re So Lucky"
Pushcart Prize Special Mention 2011, truyện ngắn, “My Hand Is My Cup”
9 Pushcart Prize Nominations, 2007-2018
Elixir Press Fiction Award 2010, Memory Sickness and Other Stories
Xuất bản (chọn lọc)
The Bronze Drum (Grand Central Publishing, 2022)
Roundabout (Moon City Press, 2020)
The Adventures of Joe Harper (Outpost19, 2016)
Pages from the Textbook of Alternate History (C&R Press, 2019)
Nancy Hale: On the Life & Work of a Lost American Master (Pleiades Press/LSU Press, 2012)
Memory Sickness, and Other Stories (Elixir Press, 2011)