NHÀ NGHIÊN CỨU LẠI NGUYÊN ÂN: VĂN BẢN HỌC – PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ĐÃ BỊ BỎ QUÊN Ở ĐẠI HỌC

1b. Lai nguyen AnVăn Việt: Khi đọc các tác phẩm nghiên cứu văn học của ông, tôi thấy rằng trong các tác phẩm này thể hiện rõ một người tìm tòi và xử lý các tư liệu văn bản. Theo ông, có phải càng tìm kiếm được nhiều tư liệu thì sẽ càng giúp người đọc hiểu rõ hơn vấn đề ông muốn đề cập tới hay không?

Lại Nguyên Ân: – Có lẽ, tìm tòi và xử lý các tư liệu văn bản – chỉ là một trong số dạng thức các công việc mà tôi đã thực hiện.

Về điều bạn hỏi, thì gần như không thể xác quyết rằng, nói chung, càng nhiều tư liệu thì sẽ càng giúp người đọc hiểu rõ hơn vấn đề đặt ra. Mức độ – nhiều hay ít – tư liệu là tùy vào từng đề tài nghiên cứu cụ thể.

Ta biết rằng, đứng trước một giả thuyết nào đó, thông thường, càng có nhiều chứng cứ thuận chiều thì càng chứng minh được cái giả thuyết kia là hợp lý. Thế nhưng đừng quên rằng những ai muốn phủ định giả thuyết ấy vẫn có thể đưa ra sự hoài nghi bằng một vài luận cứ “ngoại phạm” trái chiều nào đó.

Hãy nêu một ví dụ cụ thể.

Trong văn giới người Việt vẫn có lời truyền tụng rằng tiểu thuyết “Giông tố” của Vũ Trọng Phụng dường như đã gặp sự cố với chế độ kiểm duyệt đương thời, đến nỗi phải đổi tên truyện khi còn đang đăng tải dở dang trên báo chí.

Tôi đã bắt tay khảo sát việc này, thấy rõ truyện dài “Giông tố” đăng đều kỳ trên tuần san “Hà Nội Báo” từ số 1 (1 Janvier 1936); sau 11 kỳ, đến số 12 (25 Mars 1936) toà soạn thông báo chấm dứt đăng tải tác phẩm này “vì một lẽ riêng”. Hai tháng sau, tác phẩm này lại được “Hà Nội Báo” lặng lẽ đăng tiếp, từ số 18 (6 Mai 1936),coi như một tác phẩm khác, với nhan đề mới “Thị Mịch”; lần này tác phẩm được đăng liên tục đến hết ở “Hà Nội Báo” số 39 (30 Septembre 1936).Sang năm 1937, tác phẩm này lần đầu tiên được Nxb. Văn Thanh in thành sách riêng, trong đó gồm cả 10 chương đã đăng dưới tên“Giông tố” lẫn 20 chương đã đăng dưới tên “Thị Mịch”; và một vài khung quảng cáo sách này nói rõ rằng “Giông tố” và “Thị Mịch” tuy có lúc là hai mà thực ra chỉ là một “Giông tố”.

Nhìn sâu vào những khác biệt về văn bản, bên cạnh những dị bản thông thường, tôi thấy có một đoạn gần 500 từ ở chương VIII bản đăng báo (1936) đã bị cắt bỏ ở bản in thành sách (1937). Đoạn này là lời một người dân Quỳnh Thôn có dịp đi ra ngoài làng nói với dân làng về “lý lịch” tham nhũng tệ hại của viên quan huyện mới về thay ông huyện Tây học cũ đã từ chức, mà chính viên quan tham thủ cựu này sẽ xử lại vụ kiện (một cô gái làng bị hiếp dâm) của dân làng Quỳnh Thôn! Thế mới đáng lo cho dân làng!

Từ so sánh dị bản kể trên, tôi phán đoán: truyện “Giông tố” phải tuyên bố ngừng đăng chính là do tòa soạn “Hà Nội Báo” chịu sức ép của giới quan lại Bắc Kỳ khi đó, vốn bị chạm nọc khá sốc bởi sự mô tả “chân dung” của giới họ, với những nét tham lam, nhũng nhiễu đến mức hèn hạ bẩn thỉu, dù là trong một tác phẩm hư cấu chứ không phải trong một phóng sự chỉđích danh.

Dầu sao, phán đoán vẫn chỉ là phán đoán, nó có thể khiến nhiều người tin điều đó là sự thực; song, những ai hoài nghi điều tôi vừa chứng minh, vẫn có thể thủng thẳng bảo rằng: ông bạn suy diễn đấy thôi, chứ từ đầu năm 1935, sở Kiểm duyệt đã bị giải tán, có còn áp lực nào lên báo chí ba kỳ nữa đâu!

Văn Việt: Tôi được biết là việc đi tìm các tư liệu văn học và báo chí trước Cách mạng, từ những năm đầu thế kỷ 20, vốn là điều không dễ. Tôi rất mong ông có thể chia sẻ những khó khăn mà ông thường gặp phải trong quá trình tìm kiếm tư liệu.

Lại Nguyên Ân – Tư liệu văn học và báo chí Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX đến 1945, hiện nay tựu trung nằm trong ba nguồn chính: một là nguồn lưu trữ nhà nước; hai là nguồn lưu trữ ở nước ngoài; ba là các nguồn tàng trữ trong dân gian.

Nguồn lưu trữ nhà nước, tức là các kho sách báo thời kỳ 1900-1945 của Thư viện quốc gia Việt Nam ở Hà Nội, của Thư viện tổng hơp ở Tp. HCM, rồi các hồ sơ tư liệu hiện có tại các trung tâm lưu trữ quốc gia 1, 2, 3, v.v. Nguồn này thật ra vẫn là quan trọng nhất, giàu tiềm năng nhất, do dung lượng của nó;hầu như ít ai trong giới Việt Nam học nước ngoàilại chưa từng là độc giả của mấy địa chỉ thư viện, trung tâm lưu trữnày, nhất là ở Hà Nội.

Nguồn tài liệu sách báo Việt Nam ở nước ngoài, nhiều nhất là ở Pháp, vì trước năm 1945, sách báo nộp lưu chiểu tại Đông Dương đều phải đưa mỗi thứ một bản về Thư viện quốc gia Pháp ở Paris; ngoài ra, ở Pháp còn một nguồn lớn nữa là kho lưu trữ hải ngoại Pháp ở Aix-en-Provence.

Nguồn mà tôi gọi là tàng trữ trong dân gian thì thực ra xưa nay vẫn có, nhưng trải qua những thời kỳ mà các sách báo xưa cũ có thể gây ra oan trái cho cư dân, thì nguồn này vừa chịu mất mát vừa bị che dấu, rất khó hỏi mua hay thuê mượn; chỉ khi xuất hiện một thị trường tự do cho các sách báo cũ thì nguồn này mới phát huy hiệu quả.

Các nguồn kể trên, nhất là hai nguồn thuộc các thư viện và lưu trữ quốc gia trong và ngoài nước, ở thời cách nay chừng 60 năm về trước, người cần tìm buộc phải tới tận nơi để đọc trực tiếp các sách báo có thể có những tư liệu cần thiết cho đề tài của mình.

Những năm 1960 xuất hiện phương thức sao chụp và đọc tư liệu sách báo qua vi phim (microfilm); các thư viện có thể mua lại của nhau bản vi phim các tài liệu. Vậy là ngay một tư liệu “độc bản” chỉ duy nhất có tại một thư viện, cũng có thể sao chụp lại để đọc tại những thư viện khác. Giới Việt học ở Mỹ những năm 1960 đã khai thác khá nhiều tài liệu báo chí Việt Nam thời trước 1945 qua những vi phim mà thư viện của họ mua lại từ Thư viện quốc gia Pháp. Sau năm 1991, kho tài liệu về Komitern (Quốc tế cộng sản) ở Moskva cũng được phép bán các bản chụp vi phim cho những trung tâm nghiên cứu ở những nơi cần đến chúng.

Sang đầu thế kỷ XXI, lại xuất hiện thêm phương thức số hóa các tư liệu. Lối này tương tự vi phim, nhưng thuận tiện hơn hẳn. Vậy là tư liệu cũ, dù chỉ duy nhất có một bản (độc bản) lưu giữ ở một nơi nào đó, vẫn có thể được số hóa để chuyển cho nhau qua internet. Các kho sách báo và tư liệu trở nên năng động hơn, tuy rằng để số hóa các nguồn sách báo hiện có thì phải tốn không ít công sức và tiền bạc.

Hiện nay, giới tư liệu, thư viện trong ngoài nước cũng trở nên năng động hơn trong việc thông tin về các nguồn sách báo hiện lưu trữ ở các kho của mình. Ví dụ Thư viện quốc gia VN đã bước đầu giới thiệu các bộ tư liệu sách báo số hóa, có những tài liệu đã có thể đọc qua internet.

Việc đi tìm tài liệu thực ra tùy thuộc người nghiên cứu. Tùy đề tài cụ thể, bạn sẽ tính tới những khu vực tư liệu cần tìm, những địa chỉ thư viện hay trung tâm lưu trữ xa gần có thể tiếp cận, rồi bạn bè và đồng nghiệp có thể mách nước, “tư vấn” cho nhau, ta sẽ có được những nhận định về tiềm năng của mỗi địa chỉ để gắn bó lâu hay mau với chúng, khai thác những tài liệu cần thiết.

Văn Việt: Tư liệu có thể giúp đánh đổ nhiều niềm tin sai lầm về một vấn đề nào đó. Khi tìm ra những tư liệu như vậy, ông thường gặp những thách thức nào để có thể công bố tư liệu ấy ra?

Lại Nguyên Ân – Tôi thường tìm kiếm tài liệu ở những khu vực đã “nguội” chứ không còn “nóng”, không còn quá “nhạy cảm”, cho nên hầu như không bị thách thức quá lớn để có thể công bố. Tôi biết, những người săn tìm tư liệu thường đứng giữa những thái cực: nếu tư liệu bạn tìm ra chỉ có rất ít người quan tâm, bạn sẽ bị giảm sự hào hứng; nhưng nếu tư liệu bạn tìm được lại liên quan đến khá nhiều người, thậm chí có thể đe dọa một số lợi ích của họ, thì bạn có thể bị đe dọa; thế nhưng chính tình thế ấy kích thích bạn mạnh hơn, bạn tự thấy hào hứng hơn để công bố nó!

Văn Việt: Những nguy cơ nào sẽ đến với công việc phê bình và nghiên cứu văn học nếu cứ tiếp tục không dựa trên tư liệu văn bản mà chỉ dựa trên lý thuyết – một phương pháp khá chính qui hiện nay? Tại sao ông lại quyết định bước đi trên con đường khảo cứu tư liệu?

Lại Nguyên Ân – Trước thế hệ tôi, trong nghiên cứu văn học ở miền Bắc hồi 1960-1980 có một thế hệ chừng như đã lấy làm tự hào vì cố ý dứt bỏ và đã dứt bỏ được lối nghiên cứu khảo tả cụ thể của lớp người đi trước, cho đấy là lối kê cứu theo cái học “phong kiến” hoặc tệ hơn, theo cái học thực chứng “tư sản”! Vậy là trên sách báo nghiên cứu chỉ còn lại toàn là những thuyết giảng, luận bình về ý nghĩa, tác dụng, về quan điểm lập trường “giai cấp”, có hay thiếu ‘tính’ này ‘tính’ kia, tràng giang đại hải. Lối khảo chứng cụ thể biến mất. Khi cần đến lối này, ví dụ dịp kỷ niệmNguyễn Du, Nguyễn Trãi, để làm một niên biểu, người ta đành phải nhờ tay một học giả “cũ”: Hoàng Xuân Hãn, khi ấy ở Paris (Pháp). Tiện thể nên biết thêm: công trình thư mục học có uy tín nhất của những năm 1960-80 ở miền Bắc là của một học giả “cũ”: Trần Văn Giáp.

Có lẽ chính từ nỗi thất vọng trước lối nghiên cứu của không ít bậc đàn anh, tôi đã trở lại với lối khảo tả cụ thể.Lối làm của tôi thật ra đã được định danh là nghiên cứu thực chứng, một lối làm việc đã có từ xưa, cả Tây cả Đông.

Tôi muốn gì ư? Bằng các công việc cụ thể, tôi muốn đưa tới bạn đọc và bạn nghiên cứu những dữ liệu của sự thực, qua đấy kích thích giới nghiên cứu trẻ trở lại tìm sự thực và cảm hứng từ những xúc tiếp ở mức trực tiếp tối đa có thể có với những văn bản có sớm nhất, − tuy khó để có các bản chép tay nhưng ít ra cũng là các bản in ngay thời tác phẩm mới ra đời!

Tôi cảm thấy sự nghiên cứu sẽ mất hết sức sống nếu chỉ loanh quanh với những thuyết giảng, luận bình về ý nghĩa, tác dụng, về quan điểm, lập trường, về sự thiếu hay thừa ‘tính’ này ‘tính’ nọ.

Văn Việt: Nhiều người cho rằng, tìm kiếm tư liệu văn bản là một công việc khô khan và không cảm xúc, công việc của người nghiên cứu văn bản học là một công việc khoa học thuần túy. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Lại Nguyên Ân – Tất nhiên, tìm kiếm tư liệu, nghiên cứu văn bản là công việc của lý tính, cần được dẫn dắt bởi lý trí tỉnh táo; nhưng trong hầu hết các hoạt động của con người, kể cả hoạt động khoa học, lý trí thường không tách rời xúc cảm. Mỗi chuyên gia văn bản là một con người cụ thể;việc họ lựa chọn đề tài này hay khác làm đối tượng nghiên cứu đã bao hàm trong đó cả lý tính lẫn xúc cảm rồi. Còn trong đời thường, công việc là công việc; không nhất thiết mọi công việc đềuhàm chứa cảm xúc. Tuy vậy, nếu người nghiên cứu say sưa với đề tài của mình thì mỗi kết quả trên đường thực hiện nó chắc chắn sẽ làm nảy sinh sự hứng thú!

Văn Việt: Hiện nay tại khoa Văn học hoặc Ngôn ngữ của các trường đại học Việt Nam, họ đang giảng dạy gì về tìm kiếm và xử lý văn bản? Cách giảng dạy ấy có hiệu quả hay không?

Lại Nguyên Ân – Hiện nay tại các khoa Văn học hoặc Ngôn ngữ của các trường đại học ở Việt Nam, nơi nào có ngành học Hán-Nôm thì nơi đó trên thực tế đã giảng dạy về văn bản và xử lý văn bản.

Còn lại, trên thực tế, mọi cơ sở nghiên cứu, đào tạo đại học hay sau đại học ở Việt Nam đều chưa nơi nào đặt vấn đề nghiên cứu văn bản họcđối với tất cả các loại tác phẩm từng được viết rabằng tiếng Việt, tức là bằng chữ Quốc ngữ.

Chúng ta biết, chữ Quốc ngữ được cộng đồng người Việt cùng nhau sử dụng từ giữa những năm 1860s, liên tục trong hơn 150 năm, trải qua nửa sau thế kỷ XIX, rồi toàn bộ thế kỷ XX và nay đã sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI. Gắn với đời sống dân Việt ở ba thế kỷ ấy, số lượng sản phẩm bằng văn tự Quốc ngữ đã tích lại rất nhiều. Cho đến giờ mà vẫn chưa có ngành văn bản học để xử lý các tác phẩm viết bằng chữ Quốc ngữ, thì thiết nghĩ đã hơi chậm trễ rồi, tuy rằng chậm trễ còn hơn không. Trong một số trường hợp cụ thể thì người ta đã phải xử lý các vấn đề văn bản học rồi. Thế nhưng ở phương diện lý thuyết chung cũng như ở phương diện thực hành, có thể thấy vẫn hiện tồn những luận điểm, những ứng xử sai lệch, thậm chí sai trái, xét về mặt văn bản học. Theo tôi, cần sớm lập ra ngành văn bản học chữ Quốc ngữ tại các cơ sở nghiên cứu và giảng dạy bậc đại học và sau đại học về ngữ văn, về báo chí, về xuất bản. Đây là một việc cần kíp rồi.

Văn Việt: Xin cảm ơn ông! Tôi cũng rất mong các khoa Văn học trong các trường Đại học ở Việt Nam sẽ sớm có chuyên ngành Văn bản học!

06/12/2015

Comments are closed.