Chương XIV
Tý đi học
Thế là Tý đã đi học và cũng chưa biết rõ đi học thích hay khó chịu. Tý bị công việc xô đẩy một cách nhanh chóng và chỉ việc làm theo lời của mẹ, của Mùi, của ông giáo Đông hay bà chủ Nhật Trình. Có hai cái thích và khó chịu, Tý nhận thấy rõ ràng nhất là từ lúc đi học nó thấy ấm áp trong người vì ông giáo Đông cho nó cái áo nịt cũ nhưng nó lại bị cái khó chịu là mẹ đem tắm mỗi ngày một bận và bắt giữ móng tay cho sạch.
Bác Lê gái được ông giáo Đông nói cho biết là ông Đốc trường cần nhất là học trò sạch, mỗi ngày phải tắm ít ra một lần và móng tay không được để dài và đen ghét, nếu không sẽ bị ông đuổi ngay. Bác không biết vì sao cần tắm nhiều thế và cần cắt móng tay ngắn nhưng bác phải làm theo.
Còn về những sự thay đổi khác, Tý thấy lẫn lộn cả thích cả khó chịu. Như hôm đầu tiên được mặc áo dài, quần trắng và đi cái mũ mới, Tý thấy hãnh diện với tất cả mọi người trong xóm, tưởng như ai cũng đương khen ngầm nó; nhưng cách mấy hôm sau, Tý lại thấy không gì khổ hơn là phải mặc quần áo trắng và giữ sao cho nó không bẩn, để ông Đốc khỏi đuổi và mẹ khỏi cốc đầu.
Ngồi học ở trường, điều mà trước kia Tý sợ nhất thì bây giờ Tý lại thấy là một công việc dễ dàng. Tý được ông giáo lớp tư đặt ngồi ở ghế cuối cùng với mấy đứa trẻ mới lên sáu lên bảy và cũng như Tý mới bắt đầu học. Ông giáo chỉ giảng bài cho những học trò ghế trên ít khi để ý đến bảy tám đứa trẻ bé tí ấy và thấy Tý nhớn tuổi nhất ông giao cho Tý việc trông coi những đứa bé ấy. Tý thấy công việc trông nom lũ trẻ bé quan trọng hơn cả việc học nhiều và Tý để hết tâm hồn vào việc ấy nên được ông giáo khen.
Ông giáo cũng khen là Tý học nhanh và Tý thấy việc học không có gì khó cả. Học một tuần lễ Tý đã gần thuộc hai mươi nhăm chữ cái. Ngoài việc học chữ ra, Tý tập viết, nghĩa là cả ngày ngồi gạch những nét sổ dọc cho thẳng và đều nhau, hết trang nọ đến trang kia. Tý không biết tại sao cần sổ những nét gạch ấy nhưng thấy ông giáo khen là thẳng và đều, Tý thấy công việc gạch thế thích lắm. Mỗi lần ông giáo đi xuống cuối lớp Tý lại áp mũi xuống vở, lưỡi thè cả ra ngoài mồm, cố công gạch cho thẳng hơn. Đêm về nhà, Tý cũng gạch có khi mẹ giục đi ngủ mới chịu thôi. Nhưng gạch được ít lâu đã đều và thẳng lắm rồi mà không thấy ông giáo nói gì đến nữa, Tý lại đâm chán. Tý chán nhưng vẫn cứ phải gạch.
Tý bắt đầu thấy lúc nào cũng buồn ngủ; ở lớp Tý không dám ngủ, đêm đến bác Lê gái vặn to ngọn đèn đặt bên cạnh Tý và ngồi xem Tý viết nên Tý sợ mẹ, phải cố sức chống lại giấc ngủ đã làm díu cả hai mắt và gạch, gạch hết trang nọ đến trang kia. Nhìn các em bé đã ngủ say, Tý thấy thèm và tiếc độ còn đi câu tôm.
Bác Lê gái vui mừng thấy Tý đã thông minh lại có tính ham học. Bây giờ bác không coi việc cho Tý đi học là ngông cuồng nữa. Hai hôm sau khi Mùi bảo cho Tý đi học, thì ông giáo Đông cũng tự nhiên sang săn sóc đến Tý, cho nó áo mặc và nói với ông Đốc mà ông giáo Đông bảo là bạn thân để cho Tý đi học ngay. Ông giáo Đông cũng bảo là Tý thông minh đặc biệt không cố cho nó đi học thì phí cả một đời nó và ông hứa sẽ hết sức giúp. Bà Ký Ân cũng nói một giọng điệu ấy.
Chừng ấy người, toàn là người bác đáng tin cả, nên bác yên trí hẳn là Tý thông minh thực và việc đi học của Tý không có gì lạ nữa. Tối đến, bác thức để có cái vui nhìn con ngồi viết và nhất là bác thương con không muốn để nó ngồi học một mình trong khi cả nhà ngủ hết sợ nó buồn. Tý thấy mẹ chưa đi ngủ nên cũng cứ phải cắm cúi lè lưỡi gạch hoài; bác Lê gái cũng buồn ngủ nhưng phải cố ngồi đấy. Thành thử cả hai mẹ con đều buồn ngủ mà cứ phải thức khuya.
Bác Lê lắm lúc cũng khó chịu thấy Tý có khi hàng giờ ngồi gạch, tốn phí bao nhiêu là giấy; bác nghĩ đến câu: ‘‘văn hay chữ tốt’’ và bác tưởng học chữ tây viết đẹp cũng cần như viết chữ nho, nhưng điều cốt yếu là bác thấy Tý chăm học. Sau một tuần, bác Lê gái không thấy Tý gạch dọc nữa mà gạch hai gạch chéo nhau ở giữa, bác cho là Tý đã tiến bộ nên ông giáo bắt viết khó hơn.
Mùi từ khi thấy ông giáo Đông săn sóc đến Tý nàng không thấy thích để ý đến Tý nữa. Hôm đầu tiên thấy ông giáo Đông sang chơi nhà bác Lê, Mùi lấy làm lạ lắm: bác Lê thì làm gì có tiền để dành mà ông giáo nhà ta sang chơi.
Nàng nghĩ thế và mỉm cười rồi chạy sang bên bác Lê mới biết là ông giáo Đông nghe tin bác Lê định cho Tý đi học nên đến ngỏ lời giúp đỡ. Rồi sau, nàng thấy Đông giúp đỡ thật và nhiệt tâm lắm, đon đả đưa nó đi mua mũ, mua giấy bút sách vở mới, cho nó quần áo mặc, giúp bác Lê tiền rồi đem nó sang gặp ông Đốc và xin nó được vào học ngay. Thỉnh thoảng, Đông lại dắt nó đi ăn quà. Cả xóm ở đâu ai cũng nói đến việc ông giáo Đông giúp con bác Lê đi học và khen Tý là một đứa quí tử mà ông giáo Đông đã tìm ra. Không có ai nói đến Mùi cả. Mới đầu bác Lê gái còn nhắc đến tên Mùi khi có người hỏi; lâu dần đến cả bác, bác cũng chỉ nói đến ông giáo Đông.
Từ hôm ông giáo Đông săn sóc đến Tý thì Mùi cũng thấy cả bà Ký Ân chạy đi chạy lại luôn nhà bác Lê, hỏi đón săn sóc đến việc Tý đi học. Bà Ký Ân thì chỉ hỏi han nói miệng thôi, không bỏ ra đồng xu nào giúp cả. Những lúc rỗi ông giáo Đông thường hay đưa Tý sang chơi bên bà Ký Ân và mỗi lần đưa sang bà Ký Ân lại cho nó ăn chè, bánh. Tý lại về khoe với Mùi làm Mùi càng thêm tức.
Mùi thấy rõ là ông giáo Đông và bà chủ Nhật Trình đã hoàn toàn cướp mất Tý. Nàng cũng thấy rõ là ông giáo Đông chẳng tử tế gì với nhà bác Lê cả; Đông giúp chỉ vì nhà bác Lê nghèo nhất xóm và như thế ai cũng để ý đến cử chỉ hào phóng của Đông, khen Đông có bụng tốt và như thế để bán được nhiều phiếu để dành tiền hơn. Mùi đoán sở dĩ có việc ấy là do mưu mô của bà Ký Ân cả.
Những lần Đông đưa Tý vào cửa hàng ăn bánh cuốn, Mùi không thèm hỏi Tý nửa lời và Tý có hỏi nàng hay khoe cái gì thì nàng làm như không nghe thấy và đương bận ngắm ông Ninh Ký ngồi bên kia phố. Trong thâm tâm Mùi vẫn còn yêu Tý nhưng nàng chỉ muốn tỏ cho Tý biết là nàng ghét Tý. Nàng khó chịu không thấy Tý hiểu; Tý vẫn cười nói và thấy Mùi nhìn ra phố, nó quay về phía Đông, hai tay nắm lấy cánh tay Đông một cách thân mật và cười nói với Đông; lúc đó Mùi nhận thấy Tý là một đứa trẻ khéo nịnh hót.
Có lần Mùi đột ngột hỏi Đông:
“Tại sao ông lại biết là thằng Tý nó thông minh?”
Trước câu hỏi bất ngờ, Đông lưỡng lự chưa biết trả lời ra sao. Thực tình, Đông cũng không bao giờ để ý đến tại sao Tý lại thông minh. Đúng như Mùi đoán, chính bà Ký Ân đã bảo Đông – hay nói cho đúng hơn – gợi Đông nghĩ đến việc giúp Tý và Đông cũng ngầm nhận thấy việc giúp Tý rất có lợi cho công việc bán phiếu của mình. Đông chỉ được bác Lê gái bảo là Tý thông minh vì Mùi bảo thế nhưng chàng cũng quên không nghĩ đến hỏi những chứng cớ vì sao.
Đông ấp úng một lát rồi nói:
“Cô không bảo là nó thông minh à?”
“Đấy là tôi bảo, nhưng còn ông. Nếu ông không nhận thấy là nó thông minh thì đời nào ông lại tử tế giúp bác Lê như thế!”
Đông đưa mắt nhìn Mùi hơi lo sợ; chàng tưởng như Mùi đã thấy rõ là mình giúp Tý không phải vì lẽ Tý thông minh mà chỉ vì việc ấy làm quảng cáo cho mình.
Câu nói của Mùi có vẻ khiêu khích và nhất là Mùi lại dằn vào hai tiếng ‘‘tử tế’’ một cách mỉa mai. Đông nhớ lại hôm Mùi nhắc đến vụ phá sản panama; lần này nếu Mùi cũng ngầm đi nói với mọi người rằng chàng giúp bác Lê chỉ vì lợi riêng thì thật là một việc không hay. Đông mang máng thấy Mùi có cái gì ác cảm với mình; trong nghề chàng chàng cần không có ai là kẻ thù cả. Nghĩ vậy, Đông mỉm cười nói với Mùi:
“Cô bảo nó thông minh, thế không đủ à? Mới đầu bác Lê nói, tôi không tin nhưng sau bác ấy bảo là chính cô đã tìm ra là nó thông minh. Mấy hôm trước ông giáo Canh cũng nói chuyện với tôi là nó học nhanh lắm, đúng như cô đoán”.
Mùi cũng thấy thích là Đông chịu nhận nàng đã tìm ra Tý thông minh. Nàng nói:
“Tôi có đoán đâu, tôi biết chắc”.
Thấy mặt Mùi có vẻ đắc thắng, Đông chợt nghĩ ra được cách làm cho hết cái khó chịu từ hôm thấy Mùi thông thạo về các hội buôn. Mới đây chàng lại được biết là Mùi có một người anh họ mới về và trước đã từng học ở trường Bưởi. Tuy là chưa gặp nhưng chàng cũng đoán thấy người ấy cũng ác cảm với chàng như Mùi và chính người đó đã bảo Mùi về các hội buôn.
Từ trước chàng chỉ khó chịu khi nào để lộ cái dốt của mình ra với một người lạ hay một người kém chàng; đối với một người mà chàng biết là giỏi, chàng tự nhận ngay là mình kém và nhờ người ấy dậy cho biết, chàng nhận mình là dốt và không sợ gì người ấy cho mình là dốt nữa. Thế là chàng yên tâm hẳn.
Bây giờ đối với Mùi, chàng cũng coi hẳn như Mùi giỏi hơn chàng, làm như thế chắc Mùi thích, không tìm cách hại mình, mà chàng cũng không e sợ gì khi nói chuyện với Mùi nữa.
Đông loay hoay nghĩ tìm cách xoay câu chuyện về phía đó.
“Nhưng tìm ra Tý thông minh không tài bằng biết được cả hãng Hôm-Be và các nhà băng. Tôi thì chỗ ấy tôi xoàng lắm. Cô không được đi học nhưng cô chịu khó xem sách biết rộng hơn tôi nhiều”.
Mùi đưa mắt nhìn Đông hơi ngạc nhiên, ông giáo Đông thạo đời, biết lắm cách, vẫn khinh rẻ nàng là một cô gái quê bán bánh cuốn, mà lại nhún nhường cho là nàng biết rộng hơn ông ta. Ông giáo Đông đã khen nàng, phục nàng. Mùi chớp chớp mắt luôn mấy cái; nàng thường làm thế để che đậy cái ngượng và cái thích mỗi khi có ai khen mình. Khi Đông đã nhũn và đã khen nàng rồi thì nàng lại thấy muốn nhún nhường ngay và nàng cũng thấy đỡ ghét Đông hơn trước. Mùi nhìn Đông, mỉm cười hỏi:
“Tôi lấy bia ông xơi”.
“Vâng, cô cho tôi chai bia”.
Mùi vừa mở nút xong, Đông đứng lên đỡ lấy chai bia. Mùi nghĩ thầm: Ông giáo Đông đã kính trọng mình không coi như cô gái bán hàng nhà quê, muốn loè thế nào thì loè và muốn bắt rót rượu bia một cách sỗ sàng thế nào cũng được. Nhưng nàng không để Đông cầm lấy chai; nàng lật cốc để nghiêng và từ từ rót rượu:
“Trước khi ông chưa bảo cách này thì tôi cứ yên trí rượu bia bao giờ cũng có bọt. Có những cái rất dễ mà không nghĩ ra”.
Đông thấy Mùi đã đổi thái độ và cách ăn nói đối với mình. Chàng nói:
“Vâng, có những cái rất dễ mà sau bao nhiêu năm tôi mới nghĩ ra. Như cách làm thế nào rũ sạch bùn khô ở quần, không cần dùng bàn chải; lau xà phòng sạch tóc dính và đánh diêm ẩm không hay tắt.
Mùi để ý ông giáo đã hai lần “vâng” với mình, không “ừ ử” một cách khó chịu như trước nữa. Nàng hỏi:
“Làm thế nào cơ, ông giáo?”
“Nhúng xà phòng xuống nước cho sâu rồi rửa thì tóc đi ngay. Lấy tay vò quần thì hết bùn; còn diêm thì lúc đánh cần chúc đầu xuống”.
“Cách vò quần thì tôi vẫn làm, còn làm cho xà phòng hết tóc thì trước tôi cứ phải cào cạo, mất bao nhiêu thì giờ. Thật lắm cái rất dễ mà không nghĩ ra. Như ông Kha Luân Bố tìm được châu Mỹ, ông ấy đã để được cái trứng luộc đứng trên đĩa bằng cách đập dẹp đầu trứng”.
Đông cũng biết chuyện ông Kha Luân Bố nhưng chàng nói:
“Thế à cô Mùi, tôi không biết đấy. Cô lại thông thạo cả lịch sử nữa. Cháu cụ Cử có khác. Kể ra cũng ít người như cô. Ở nhà quê, bận làm ăn mà cũng chịu khó xem sách, học thêm. Tôi thì lười xem lắm, nên học được bao nhiêu chữ lại trả thầy cả. Cô không biết lần đầu tiên cô hỏi tôi có nhà băng nào đảm bảo, tôi ngạc nhiên hết sức. Tôi đã đi nhiều nơi mà chưa thấy ai, cả những người học giỏi nữa, hỏi tôi một câu như thế. Nếu mà người nào cũng biết như cô mà hỏi thì tôi đành chịu không biết đằng nào mà mò. Hôm nào thong thả, cô làm ơn bảo tôi để nhỡ có ai hỏi thì còn biết mà trả lời”.
Nói xong, Đông thấy nhẹ hẳn người. Từ nay chàng có thể luôn luôn sang hàng uống rượu bia, nhìn mặt đẹp của Mùi mà không phải nơm nớp giữ gìn sợ để lộ cái dốt của mình ra với Mùi nữa. Uống rượu bia luôn cũng khá tốn nhưng đối với việc lấy được tình yêu của cô gái đẹp thì Đông không bao giờ để ý đến tốn kém. Mùi nói:
“Ông giáo cứ nói thế chứ nhà cháu thì biết gì đâu”.
Bỗng nàng đột nhiên hỏi Đông:
“Ông giáo này, sao ông biết mà thuê nhà ông Hai Vinh?”
Đông trả lời ngay:
“Bà Ký Ân bảo tôi”.
“Thế à?”
Mùi không hỏi thêm gì nữa. Đông cũng hơi lạ tự nhiên Mùi lại hỏi về việc ấy, một việc không có liên quan gì đến nàng và đến câu chuyện đương nói. Mùi yên lặng một lúc, ngẫm nghĩ, tự hỏi không biết có nên không và lại sợ mình nóng tính sau lại hối. Nàng chép miệng:
“Lạ nhỉ, thế mà bà Ký Ân lại bảo tôi là ông Hai Vinh bảo ông biết”.
Đông chột dạ vì đã nói một câu hớ. Câu nói của chàng có thể làm cho Mùi giận bà Ký Ân và bà Ký Ân giận chàng. Bà chủ Nhật Trình đã mua phiếu để dành tiền của chàng, bà lại chỉ bảo về tình hình các gia đình ở vùng đó, rất có lợi cho chàng; bà ấy lại hay đi nhiều nơi và mở chuyện. Nếu bà ấy giận là một việc rất không nên. Đông muốn biết rõ câu chuyện để dễ tìm cách đối phó:
“Tại sao bà ấy lại nói thế?”
Mùi kể cho Đông nghe rõ đầu đuôi câu chuyện. Đông vội nói:
“Ồ, thế thì để tôi trả lại cái nhà ấy cho cô vậy”.
“Không, cám ơn ông. Bây giờ thì tôi không cần nữa. Hỏi thế để cho biết là tôi đã đoán đúng thôi. Tôi cũng chẳng giận bà Ký Ân làm gì vì tôi đã biết thế ngay từ lúc đầu”.
Thấy Mùi không định sinh sự với bà Ký Ân, Đông yên tâm và chàng lại có thể tha hồ nói chơi bà Ký Ân để Mùi vui lòng:
“Làm thế không tốt tí nào. Thuê một căn nhà có là quái gì, ăn ở với nhau cốt ở cái bụng dạ”.
“Ông nói rất phải”.
Mùi thấy thích vì ông giáo Đông đã đứng về phía nàng chống lại bà Ký Ân. Không những nàng không ghét Đông mà lại bắt đầu có thiện cảm. Đông ngông nghênh chỉ vì chưa biết nàng là người thế nào, tưởng nàng cũng như bất kỳ cô con gái bán hàng nào ở phố Phủ và Xóm Cầu Mới. Đông là người biết phục thiện vì thế nên một khi đã hiểu nàng rồi thì biết thay đổi thái độ ngay. Nàng đưa mắt nhìn ông Ninh Ký và đoán chắc ông đương khó chịu lắm thấy mình nói chuyện lâu và thân mật với Đông. Nàng nghĩ Đông không sao bằng được Siêu nhưng ít ra Đông còn đi nhiều nơi, thạo đời, có vẻ dân tỉnh thành, không ngốc nghếch ngu đần như ông Ninh Ký cả đời chỉ ngồi ru rú sau những bình kẹo, thùng dầu lạc, để thô lố mắt nhìn nàng, bờm tóc tiên ở hai đầu hết dài lại ngắn, hết ngắn lại dài.
Đông đứng lên đi về và tự lấy làm bằng lòng. Chàng trách mình trước kia làm cao với Mùi và chỉ cốt ở cái thích được Mùi phục mình nên bị Mùi có ác cảm. Giờ thì chàng phải làm đủ thứ để tỏ cho Mùi biết là chàng phục Mùi, chàng phải đánh vào chỗ yếu của Mùi là Mùi có tính kiêu hãnh. Đông định tâm từ nay sẽ có dịp khen Mùi với mọi người. Thế nào cũng có lời khen bắn đến tai nàng và cái đó sẽ làm nàng thích chí và mến mình hơn là những lời khen nói thẳng ngay với chính nàng.
Chương XV
Hờn dỗi
Mùi sang bên hiên nhà thờ để đánh thức Siêu dậy. Siêu cũng đã bắt đầu nghiện chè tàu buổi sáng và cũng bắt chước ông Lang uống nước chè với hoa mộc. Vì chàng không quen dậy sớm nên thường Mùi phải sang đánh thức. Mùi thấy thích công việc ấy lắm và Siêu cũng thế nên lắm buổi sáng chàng đã thức giấc mà vẫn cứ nằm yên để đợi Mùi sang đánh thức mình. Có lẽ chàng nghiện chè tàu một phần vì thế và cũng vì thế chàng không thấy ngại trời rét dậy sớm như trước kia.
Mùi đứng dừng lại ở dưới hiên; ánh trăng hạ tuần chiếu sáng cả chỗ giường Siêu nằm và bóng lá cây in trên vải chăn trắng vì trời yên gió nên trông như là những chiếc lá thêu. Mùi cất tiếng gọi để đánh thức Siêu dậy nhưng gọi rất khẽ vì sợ Siêu thức giấc. Không thấy Siêu trả lời, nàng lại gọi một tiếng nữa và gọi khẽ hơn. Vẫn thấy Siêu nằm yên, Mùi bước lên hiên rồi ngồi rất nhẹ xuống cạnh Siêu. Nhưng nàng cứ ngồi như thế một lúc lâu, yên lặng.
Nàng thấy thích lắm những lúc ngồi yên như thế bên cạnh Siêu còn ngủ; nhất là hôm ánh sáng trăng chiếu sáng rõ nét mặt Siêu và nét mặt Siêu lúc đó Mùi thấy có vẻ êm ả một cách lạ thường, trông như nét mặt một đứa trẻ con. Trông Siêu lúc ngủ lại có phần tươi và đẹp hơn lúc thức.
Nhưng ngồi lâu quá, Mùi thấy không tự nhiên nữa, như là mình phạm cái tội gì và nếu nhỡ Siêu biết nàng sẽ thẹn chết. Nàng giơ tay khẽ lay vai Siêu, gọi:
“Dậy thôi anh. Dậy anh…”
Mùi lim dim mắt và tự nhiên cố làm cho tiếng gọi thành ra uể oải, kéo dài ra như tiếng nói trong lúc nàng còn mê ngủ.
Siêu đã mở mắt nhìn lên nhưng vẫn cứ để Mùi lay vai mình:
“Tôi đã dậy rồi sao cô cứ đánh thức mãi”.
Mùi lại lay vai Siêu thêm một cái mạnh nữa:
“Anh tỉnh hẳn chưa. Hôm nọ đã đánh thức anh ngồi dậy rồi mà anh vẫn còn cự em là lười không chịu sang đánh thức anh. Bây giờ cũng thế, anh hãy còn ngủ”.
“Thế à?” Thế thì tôi lại ngủ thêm một lát nữa vậy”.
Chàng chợt để ý nhìn Mùi. Lúc đó, đầu Mùi vừa đúng che khuất ánh trăng. Những sợi tóc ở viền ngoài sáng loáng như những sợ tơ long lanh; nét mặt Mùi lẩn trong một thứ ánh sáng mờ mờ và đều, hai con mắt đen êm như nhung. Bất giác Siêu nghĩ đến cái cảnh Thuý Kiều sang thăm Kim Trọng và câu thơ: “Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần”. Chàng vội tìm câu nói chuyện để Mùi khỏi đứng lên mất.
“Nhưng còn sớm quá, cô Mùi ạ”.
“Sao anh biết là sớm”.
“Trông ánh trăng thì biết. Cô tưởng tôi ở hiên này cả đêm nằm ngủ với trăng mà lại không biết à?” Cứ theo ngày và trông ánh trăng là có thể biết là bây giờ mới bốn giờ. Đêm thì trông ánh trăng, ngày thì trông ánh mặt trời. Nhưng cần phải thay đổi tuỳ theo mùa; mặt trời mùa hè thì ở giữa đỉnh trời đến mùa đông thì đi xuống thấp dần rồi mùa xuân lại đi trở lên… à hôm nào tôi phải giảng cho cô về thiên văn học. Hay lắm cơ, thí dụ ngôi sao cô nhìn kia”.
Mùi mỉm cười vì Siêu mới thức dậy đã nói luôn miệng. Nàng quay mặt nhìn theo phía tay Siêu chỉ:
“Ngôi sao nào cơ anh?”
Siêu thì không nhìn vào ngôi sao nào cả, chàng nhìn vào con mắt của Mùi vừa sáng lên dưới ánh trăng.
“Ngôi sao nào cũng được. Thí dụ thế. Ngôi sao ấy cô trông thấy nó, nhưng có khi nó đã tắt hàng mấy trăm năm rồi, thế mà cô không biết”.
“Thế sao anh biết”.
“Tôi tính thì tôi biết. Ánh sáng nó chạy…”
“Ánh sáng nó biết chạy, hở anh”.
“Có chứ, nó chạy nhanh lắm. Nhưng vì ngôi sao ở xa lắm nó phải đi một nghìn năm mới tới chỗ cô ngồi. Nó tới thì cô trông thấy nó. Thế bây giờ thí dụ ngôi sao đã tắt ba trăm năm trước, ánh sáng của nó vẫn còn đi chưa tới nơi và bảy trăm năm sau cô mới trông thấy nó tắt. Nếu bây giờ tôi với cô được may trông thấy một ngôi sao tắt thì có khi cái việc ấy nó đã xẩy ra ba nghìn năm trước rồi. Ghê không?”
Lần này Mùi không hiểu một tí gì về những câu giảng của Siêu và nàng cho thiên văn học là một thứ học ghê gớm lắm. Nàng mỉm cười đứng lên:
“Ghê thật. Nhưng đây là chuyện trên trời dưới biển không cần lắm. Bây giờ em phải đi cân gạo. Anh dậy mặc áo đi. Anh không nhớ hôm nay là ngày em khai cân à?”
Siêu cũng hất chăn ngồi dậy:
“Có, tôi nhớ. Nhưng cô đi cân gạo chứ có phải tôi đi cân đâu mà tôi phải dậy sớm thế này”.
“Chính em đi cân, anh mới cần dậy sớm chứ”.
“Tại sao thế?”
“Tại thế. Anh không nghĩ ra à?”
Câu Mùi định sắp nói với Siêu, nàng đã nghĩ đến từ mấy hôm trước nhưng nàng vẫn thấy ngài ngại. Mỗi buổi sáng, đi từ nhà ra ngoài xóm đem một số tiền lớn, cần phải có người khoẻ mạnh đi theo để phòng xa kẻ cướp giật. Bà Huyện Thanh đi từ Phủ sang phải có hai người vác gậy đi theo. Nàng nghĩ ở nhà, ngoài Siêu ra không còn ai có thể cùng nàng đi ra xóm được, và cái ý tưởng được mỗi buổi sáng cùng đi với Siêu một cách tự nhiên làm tim nàng hồi hộp. Nhưng nàng khó chịu ở chỗ lại nghĩ ra được là Nhỡ mà nàng bảo đừng đi kéo xe nữa, ở nhà khuân cân, trông nom hàng sáo, đổ gạo và cho gạo vào bao, Nhỡ rất có thể mỗi buổi sáng vào đón nàng. Nàng chắc ngoài nàng ra chẳng ai nghĩ đến Nhỡ. Sáng nay vẫn chưa quả quyết hẳn nói ra với Siêu vì nàng mang máng thấy như thế hơi phiền cho Siêu một tí và sợ Siêu phiền mà từ chối; nàng thấy thích được đi với Siêu mà nếu Siêu lại chỉ thấy ngại thì chắc là Siêu để cái phiền của mình lên trên cái thích giúp đỡ nàng, mà sự giúp đỡ ấy cũng không khó nhọc gì. Mùi nghĩ thầm: “Nếu anh ấy phiền thì mình phải nói thẳng vào mặt là việc cân gạo cũng là việc của anh ấy, anh ấy cũng phải dự một phần vất vả”, nhưng chính vì nghĩ thế và sợ xẩy ra như thế nên Mùi lưỡng lự. Sáng nay, đến lúc nói câu: “Anh không nghĩ ra à?” Mùi đã toan tiếp theo: “Anh không phải dậy uống nước chè à, nếu em đi thì ai đánh thức anh”. Nhưng không biết tại sao Mùi lại cất tiếng nói với Siêu:
“Từ đây ra phố, đem nhiều tiền đi, anh cần đi với em phòng xa. Ngoài anh ra không còn ai có thể đi với em được. Thầy em và Triết đều yếu cả. U già đi với em thì có cũng như không. Không làm phiền anh chứ”.
Mùi phải nói hết chứng cớ với Siêu vì nàng sợ Siêu từ chối. Nàng nhìn nét mặt Siêu dưới ánh trăng để cố dò ý tứ, nàng đoán nếu Siêu cũng như nàng thì chắc Siêu phải thấy ngay việc đó là thích. Nhưng nét mặt Siêu, Mùi thấy tỏ vẻ khó chịu. Siêu đáp:
“Chẳng phiền gì lắm, nhưng…”
Mùi hồi hộp đợi. Siêu tiếp theo:
“Nhưng sao cô bảo ở đây từ ngày có ông Phủ mới về thì yên ổn lắm, không bao giờ có cướp cả”.
Mùi đã thấy hơi nóng ở hai tai và hối hận rằng đã chót ngỏ ý ra với Siêu. Nàng nói không nghĩ ngợi:
“Cướp thì vẫn không có, nhưng cướp giật thì biết đâu đấy. Bà Huyện Thanh sáng nào ra cân cũng phải có hai người vác gậy đi theo. Với lại có anh đi, em yên tâm hơn. Thế không đủ à?”
Hai câu sau cùng, Mùi nói thêm vào thật nhanh như sợ hãi là đã nói ra. Nói thế chắc là Siêu không kiếm cớ từ chối, nhưng nếu nói thế mà Siêu vẫn cứ từ chối thì nàng sẽ khổ lắm; dẫu thế nào đi nữa nàng cũng không xoá bỏ được cái cảm tưởng đầu tiên là Siêu đã kiếm cớ và không lấy việc đó làm thích gì cả.
Siêu thì thấy việc đó nhiều phiền hơn là thích. Chỉ có mỗi một cái thích là đi với Mùi nhưng ngày nào cũng phải đi thì đến cái thích ấy cũng chỉ thành ra sự phiền ngay. Chàng cố hỏi Mùi cho hết cách, nếu việc đó thật không thể nào tránh được thì lúc đó chàng đành phải làm vậy. Chàng cất tiếng bảo Mùi:
“Thế sao cô không thuê người đem gậy vào đón như bà Huyện Thanh”.
“Tốn tiền chết”.
Mùi nói là sợ tốn tiền nhưng trong bụng Mùi đã tức uất lên là Siêu lại nghĩ đến việc thuê người. Nàng vừa nghĩ đến Nhỡ và thấy mình tự thẹn với mình là đã biết Nhỡ có thể làm việc đó, không tốn thêm đồng xu nào, mà nàng lại giấu không nói ra, và chính vì lẽ ấy nàng lại thấy giận Siêu thêm.
Siêu đứng lên đi về phía treo áo:
“Thôi được để tôi đi với cô cũng được, không sao. Cô lên nhà trước đi để tôi mặc áo”.
Mùi thấy không thế nào bỏ đi như thế với cái tức còn đầy ứ ở cổ.
“Anh thấy ngại à?”
Thấy Siêu không để ý đến lời mình nói, cho tay vào áo một cách miễn cưỡng, nàng nói dằn:
“Anh ngại thì anh cứ bảo thẳng em”.
Siêu thấy giọng Mùi hơi khác, quay mặt lại. Mùi nói luôn:
“Anh thấy phiền thì thôi. Em có cần đâu…”
Siêu nói:
“Ô hay, cô này. Tôi bảo là tôi đi cơ mà”.
Mùi bước một chân xuống bực hiên. Nàng giận ứ lên cổ vì cái giọng của Siêu lúc nói tiếng “cô này”:
“Thôi chẳng cần anh đi nữa”.
Cái tức của nàng cứ theo lời nói mà tăng thêm:
“Anh ngại thì anh ở nhà mà ngủ cho ấm. Em đi một mình…”
Nước mắt nàng đã trào ra. Nàng không sao giữ được miệng nữa:
“Việc cân gạo cũng là việc của anh. Nhờ anh có một tí thế mà anh cũng ngại. Thôi em cũng chẳng cần gì cả. Em hơi đâu vất vả vào thân. Thôi, chẳng đi đâu nữa… Sao mà khổ thế này, giời đất ơi!”
Nàng chạy đến giường nằm úp mặt trên gối, nức nở khóc. Việc đã xẩy ra đúng như nàng sợ trước mà lại đúng vào hôm bắt đầu cân gạo mong đợi từ lâu mà đáng lẽ vui biết bao. Tại sao nàng lại hỏi Siêu làm gì để xẩy ra như vậy. Bây giờ, sau mấy câu nói sau cùng, mọi sự đều hỏng hết. Nàng cắn vào cái gối, ấn mặt xuống cho tiếng khóc khỏi to sợ ông Lang nghe thấy. Bỗng nàng nhận thấy hơi nóng ở chiếc chăn bông thấm vào người và mùi tóc của Siêu trên mặt gối. Mùi thấy mình ngừng khóc một lúc lâu rồi lại bắt đầu nức nở, ấn mặt xuống gối và áp người vào chiếc khăn bông chặt hơn.
“Thôi chẳng cần thì thôi. Sao đời em khổ thế này…”
Đợi lâu không thấy Siêu nói gì cả, Mùi cất tiếng gọi: “Anh Siêu, chốc nữa trả lại anh cả ba trăm, anh muốn làm gì thì làm. Tôi không cân gạo nữa. Thế là hết chuyện. Rồi nàng giơ tay kéo cả cái chăn áp mạnh vào ngực và khóc nghẹn ngào như không thở được nữa. Một lúc sau, Mùi nhận thấy tiếng khóc của mình đã đều đều và nhỏ dần, cơn tức đã nguôi chỉ còn lại một sự hờn dỗi dìu dịu. Mùi kéo hẳn chăn lên đắp chùm cả đầu và sau mấy tiếng nức nở còn rớt lại, nàng thở dài một cái thật sâu và nằm yên.
Đợi đến lúc đó, Siêu mới đến ngồi xuống cạnh giường, khẽ gọi:
“Cô Mùi…”
Mùi thấy dễ chịu là Siêu hỏi đến nhưng nàng cũng không đáp lại. Siêu phiền hết sức đã vô tình làm Mùi dỗi; nhưng biết tính Mùi chàng phải cố đợi; để Mùi khóc một lúc cho nguôi giận đã. Chàng tự trách mình là đối với Mùi, một người đã giúp đỡ, chiều chuộng chàng đủ thứ mà nhờ chàng có một việc cỏn con chàng cũng để lộ sự khó chịu của mình ra cho Mùi mất lòng.
“Cô Mùi, có phải tôi ngại gì đâu. Cô giúp đỡ tôi bao nhiêu thứ, dẫu phải vất vả đến đâu đi nữa tôi cũng vui lòng, huống chi một việc cỏn con mà chính tôi cũng thích lắm. Nhưng cô nghĩ xem”.
Chàng không dám nói ra cái cớ đi hai người không tiện:
“Cô nghĩ xem, tôi đưa cô ra hẳn đến chỗ cân không được rồi; nếu chỉ đến gần xóm rồi lại lẩn lút trở về, ngộ có ai trông thấy thì thật là khó coi, mà chắc lâu thì thế nào cũng có người nhận thấy chỗ lạ lùng đó, họ sẽ rêu rao lên và chẳng bao lâu cả xóm sẽ thì thào về việc đêm nào tôi cũng đưa cô đến gần xóm rồi lẩn trốn về. Cô nghĩ lại xem. Nếu cô giận, oan tôi quá. Tôi thề với cô…”
Chàng định nói thêm là “tôi không ngại gì” nhưng thấy đó là câu nói dối, chàng bỏ lửng câu nói. Mùi nằm nghe, trong lòng nhẹ hẳn; cái cớ Siêu viện ra đúng lắm, Siêu ngại chỉ vì nghĩ đến chỗ đó thôi; còn nàng, nàng không nghĩ ra nên giận oan. Dẫu sao, Mùi vẫn thấy khổ là đã bị một lúc giận uất và đã nói những câu phân bì tôi, anh không bao giờ nên nói ra với Siêu và cái vui của ngày đầu tiên đi cân gạo nữa, tự nhiên bị tan vỡ. Nàng lại nức nở khóc và lần này khóc vì ân hận. Siêu thì tưởng Mùi lại giận mình hơn:
“Xin lỗi cô, tôi đã làm phiền lòng cô”.
Chàng lật chăn kéo tay Mùi:
“Cô dậy thôi để đi cân, cô mà không đi cân thì cô làm khổ tôi. Dậy đi…”
Chàng kéo mạnh tay Mùi bắt ngồi dậy:
“Tôi lạy cô”.
Mùi rút tay mình ra. Lại gục đầu vào trong chăn.
“Tôi chẳng đi đâu. Tôi không cân với kiếc gì cả”.
Siêu đã nói đến thế mà nàng còn giận. Siêu thấy hai bàn tay mình run run và quả tim đập mạnh. Chàng đã bắt đầu cáu và một khi cơn tức lên thì chàng không còn biết mình làm gì nữa. Chàng kéo mạnh tay ôm lấy cổ, lấy vai Mùi kéo mạnh nàng ngồi dậy. Chàng vừa thở mạnh vừa nói:
“Tôi van cô”.
Rồi chàng cất tiếng nói to như ra lệnh:
“Cô dậy đi cân!”
Mùi ngoan ngoãn để Siêu ôm mình kéo ngồi dậy. Nàng đã muốn làm lành, nhưng muốn để Siêu ôm mình lần nữa, nàng lại ngả người như định tâm nằm xuống, miệng nói:
“Em khổ lắm…”
Bỗng Siêu hất nàng một cái mạnh làm nàng rúc người vào đống chăn. Nhưng tuy bị Siêu hất một cái mạnh quá nàng lại thấy choáng váng dễ chịu và sung sướng.
“Phải, tôi làm khổ cô. Ngay ngày hôm nay tôi sẽ đi khỏi cái nhà này. Không cần nói nhiều”.
Ông Lang vừa sực thức và nghe thấy tiếng Siêu nói to, ông vội hỏi:
“Cái gì thế ?”
Mùi vội vàng ngồi ngay dậy, quấn lại khăn:
“Thưa thầy không ạ”.
Ông Lang đoán là hai anh em to tiếng về một câu chuyện gì đó nhưng ông cũng không hỏi thêm cho biết rõ. Mùi nhìn Siêu ngồi gục đầu bên thành giường, hai tay nắm chặt; đợi một lúc lâu không thấy ông Lang hỏi gì nữa nàng hạ giọng và dịu dàng nói với Siêu:
“Em làm anh khổ lắm phải không”.
Không thấy Siêu nhúc nhích, nàng tiếp theo:
“Khổ, em động một tí thì hờn dỗi. Xin lỗi anh…”
Bỗng nàng cảm thấy tất cả cái buồn khổ trong tâm Siêu lúc đó. Ông Cai trốn tránh, bà Cai điên, Siêu về đây được yên ổn ít lâu, nàng săn sóc đến gia đình Siêu chưa được mấy tí; thế mà chỉ vì Siêu hơi tỏ cái khó chịu đưa nàng ra xóm, mới có thế thôi, mà nàng đã vội giận và nói ra những câu không còn tình nghĩa gì nữa. Nàng chỉ biết đến cái tức của mình, quên hẳn cái khổ của Siêu. Nghĩ đến đấy, Mùi lại mủi lòng và nước mắt lại trào ra. Nàng vừa nức nở vừa giơ tay lay vai Siêu:
“Anh tha lỗi cho em. Em lạy anh, anh tha lỗi cho em. Khổ, anh còn giận em thì em chết mất. Đi, anh”.
Thấy Siêu quay lại yên lặng nhìn mình, Mùi đưa vạt áo lau nước mắt.
“Bây giờ em không khổ vì giận anh nữa nhưng em lại khổ vì anh giận em. Thành ra bây giờ em lại khổ bằng mấy lúc nãy. Thế có khổ không”.
Bất giác nàng mỉm cười vì câu nói của mình. Siêu cũng mỉm cười:
“Tôi cũng nóng tính lắm. Từ rầy không nên nóng tính”.
Mùi ngước mặt nhìn Siêu:
“Có phải không anh”.
Thế rồi nước mắt nàng lại trào ra và nàng khóc một cách sung sướng. Siêu nói:
“Thôi cô lau nước mắt rồi đi cân gạo chứ”.
“Thế anh ở nhà nhớ”.
“Thôi, tôi đưa cô đi, chắc cũng chẳng ai để ý”.
“Không cần anh ạ, anh đưa em đi một buổi sáng này thôi. Ngày mai em bảo anh Nhỡ vào đón. Phải, thế mà em không nghĩ ra”.
Nói đến chỗ ấy, Mùi thấy ngượng mồm tệ và mỉm cười hất cằm một cái để tự chế giễu mình. Siêu nói:
“Nhỡ à? Đi thế không tiện”.
“Có gì mà không tiện. Ngày nào cũng đi sợ phiền anh quá”.
Ngưng một lát, rồi Mùi mỉm cười tinh nghịch hỏi Siêu:
“Hỏi thật anh, có phải thực tình lúc nãy anh cũng thấy ngại không”.
Siêu cũng bật cười và thẳng thắn đáp:
“Kể thì cũng hơi ngại một tí”.
Nhưng câu ấy bây giờ lại làm Mùi sung sướng.
“Đấy thế, em có tinh không. Thế là lúc nãy em giận anh chẳng oan tí nào cả. À, thế ra anh ngại thật à. Việc cân gạo cũng là việc của anh, mới một tí thế mà sợ vất vả. Thế em đi cân không sợ vất vả à? Thôi em chẳng đi cân nữa, ở nhà ngủ cho ấm. Ba trăm bạc trả lại cả anh”.
Siêu lo lắng nhìn Mùi nhưng thấy ánh mắt nàng tươi cười, Siêu hiểu và nói:
“Nếu cô còn nói nữa thì nội ngày hôm nay tôi sẽ đi khỏi cái…”
Mùi ngắt lời:
“Khỏi cái nhà này”.
Cả hai người cùng bật cười lên một lúc. Mùi đứng lên với cái khăn của Siêu lau kỹ nước mắt, sợ chốc nữa ông Lang biết mình đã khóc. Nàng nhanh nhẹn bước xuống hiên để về buồng đếm tiền. Mùi lại thấy sung sướng hơn là khi chưa xẩy ra chuyện gì. Nàng vừa đếm tiền vừa tưởng tượng đến hơi nóng trong tấm chăn của Siêu, mùi tóc của chàng trên áo gối và nhất là lúc Siêu kéo tay nàng, Siêu ôm lấy cổ vai nàng bế ngồi dậy và nàng cưỡng lại. Nàng thấy không những chỉ mình nàng để ý đến và đoán mang máng hình như Siêu cũng không phải hoàn toàn vô tình trong những cử chỉ đó. Bao nhiêu những cái tức đều biến đâu mất, tan hẳn đi, hình như không từng có song cái thú được nằm trong chiếc chăn còn ấm hơi người Siêu ôm trong tay thì lạ lắm, còn lại rõ ràng và làm nàng phiêu phiêu trong người.
Mùi bỗng mỉm cười vì vừa nhận ra rằng nàng đương ao ước hôm nào lại có cái may xẩy ra một chuyện cãi nhau như thế nữa.
Siêu lúc đó vừa rửa mặt vừa nhìn vào cái áo gối dưới ánh trăng có mấy chỗ sẫm lại vì nước mắt của Mùi và cái chăn bông bị Mùi vất lung tung, một góc chăn chạm cả xuống nền gạch. Lúc nãy thật tình chàng đã cáu lắm khi kéo Mùi ngồi dậy bắt đi cân nhưng ngay trong lúc cáu chàng cũng nhận thấy được cái may là trong lúc vội vàng tay chàng lại nắm trúng được cổ Mùi. Chàng vẫn thấy cái cổ của Mùi, nhìn ở đằng sau có một vẻ đẹp rất ý nhị. Cái cổ không gầy không béo quá, thon thon từ ở vai áo đưa lên, da gáy màu trắng lẫn trong những làn tóc lơ thơ rũ xuống, có những nét thần diệu và có một thứ duyên lạ lắm đối với riêng chàng. Có khi chàng ngồi rất lâu chỉ ngắm nghía cái gáy của Mùi, trong lòng bâng khuâng như thấy trước mắt một thứ gì êm dịu lắm, thanh thanh, phảng phất có vẻ thần tiên và ngầm ở trong một thứ gì khác nữa. Chàng cũng không biết tả sao; nhưng cảm thấy như là có một nỗi vui nhẹ lắm thấm ở trong tóc, trong da thịt đương toả ra, xông ra nhưng xông rất ít gần như không có nữa.
Trong đời Siêu có hai thứ giống nhau chàng nghĩ mãi không hiểu: gáy của Mùi và những ngọn lá khoai lang, tuy hai cái không có gì giống nhau cả. Từ bé đến giờ, hễ có lần nào nhìn những ngọn lá khoai lang bất cứ là lá xanh hay lá đỏ là chàng thấy như mình nhìn vào một cái gì vui lắm. Không phải là nhìn những lá ấy chàng thấy vui đâu, chính chàng thấy cái vui nó ẩn ở ngay trong ngọn lá, chàng thấy lá xanh vui hơn lá đỏ, và khi nào ngọn lá ướt nước thì lại càng vui hơn. Chàng thấy làm lạ lắm nhưng nghĩ mãi vẫn không hiểu vì sao, chàng đoán có lẽ khi còn bé lắm, trong một lúc đương vui sướng về cái gì chàng lại tình cờ đứng nhìn mấy ngọn lá khoai và nhìn lần đầu tiên, lúc còn bé cảm giác rất mạnh, nên nỗi vui sướng của chàng thấm vào lá khoai và bây giờ mỗi lần nhìn, chàng lại thấy hiện trong lá khoai nỗi vui của chàng đã cảm từ ngày nào mà chính chàng đã quên hẳn rồi. Siêu nghĩ đến lắm đêm chàng đã mê thấy cái gì vui lắm những sáng ngày quên hẳn đi, nghĩ mãi cũng không nhớ ra nhưng cái vui thì chàng còn cảm thấy rõ trong người chàng và mặc dầu không nhớ nhưng người chàng vẫn vui. Ngọn lá khoai chắc đã thấm và giữ lấy cái vui xưa cũng như chàng đã giữ lại cái vui của giấc mơ. Cổ Mùi chàng chắc cũng có một nguyên do như lá khoai.
Thuở bé trong một lúc vui chắc chàng cũng đương nhìn vào gáy Mùi và chàng đoán việc ấy xảy ra khi hai người đánh đáo cõng. Lúc Mùi cõng vì Mùi yếu và thấp nên chàng chỉ để hờ tay lên vai và ruỗi hai chân lê trên đất cho khỏi nặng. Có lẽ trong một lúc Mùi cõng, chàng đã nhìn vào gáy Mùi. Siêu bỗng mỉm cười, tự nghĩ:
“Nhìn vào thấy vui thì cứ nhìn việc quái gì mà nghĩ ngợi tìm tòi như tìm duyên cớ khói pháo tàn vì sao ra thơm, giấy pháo tàn vì sao tan xác”.
Chàng chỉ đoán thế thôi chứ chắc cả đời cũng không bao giờ tìm được lý nhẽ đích xác tại sao nhìn lá khoai và cổ Mùi lại thấy vui. Có lần Siêu ao ước được đặt tay vào cổ Mùi thì việc cãi nhau sáng nay lại vừa cho chàng cơ hội và cái may được ôm lấy cổ Mùi một lúc khá lâu. Chàng cũng nhớ cả lại cái thú được ôm lấy Mùi trong cái không khí âu yếm toả ra của một tấm chăn nóng hơi người tưởng như Mùi đã là vợ chàng, thoáng trong một lúc.
Nguồn: Nhất Linh – Trong Tự lực Văn đoàn. Xóm Cầu Mới (Bèo giạt). Nhà xuất bản Văn Mới, California, Hoa Kỳ, 2002. Bìa: Nhất Linh. Hoạ bản: Nhất Linh. Trình bày: Nguyễn Tường Thiết. Copyright © Nguyễn Tường Thiết. Bản điện tử đăng trên talawas do Nguyễn Tường Thiết cung cấp.
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10126&rb=08