Anh bạn Gaspard

André Menras – Hồ Cương Quyết

Biệt Hiệu dịch

clip_image001

 

LTS – Ngày 23.5.24 tới, nhà xuất bản Les Indes Savantes sẽ phát hành cuốn hồi ký (tiếng Pháp) của André Menras: Le Vietnam entre le meilleur et le pire / 50 ans de fidélité aux combats de ma jeunesse (collection Cinq Points, 386 tr). Giương cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng giữa Quảng trường Lam Sơn mùa hè 1970, hai năm rưỡi bị đánh đập, giam tù tại Chí Hòa; hai năm trời đi khắp năm châu tố cáo cuộc chiến tranh Mỹ và chế độ lao tù của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu; André Menras trở lại cuộc sống giáo viên của anh ở miền Nam nước Pháp, nhưng vẫn đấu tranh không ngừng nghỉ cho công bằng và tự do với tư cách công dân Pháp và công dân Việt Nam. Đấu tranh đòi công lý với bộ máy quan liêu Pháp (liên bộ giáo dục, quốc phòng, ngoại giao…) tả-hữu bằng hai cuộc tuyệt thực trên đỉnh tháp chuông Nhà thờ Đức Bà Béziers. Sát cánh với ngư dân Lý Sơn trên vùng biển Hoàng Sa chống chọi với hải quân Trung Quốc, sánh vai biểu tình với các nhà dân chủ trên đường phố Sài Gòn, Hà Nội. Một bộ hồi ký trung thực, đầy ắp thông tin. Diễn Đàn xin thành thực cảm ơn tác giả đã cho phép đăng lại dưới đây bản dịch một chương ngắn, và, trong một kỳ sau, một chương dài. Nguyên tác tiếng Pháp do công ti Sodis của nhà xuất bản Gallimard quản lý, bạn đọc có thể đặt mua ngay từ bây giờ tại hiệu sách quen, hay đặt mua qua mạng FNAC.

 

 

Tôi thường hay có chuyện với loài gặm nhấm. Những con hai chân thì nhấm nháp của bạn trí não hoặc/và cái ví tiền. Những con bốn chân, ít hại hơn nhiều, đôi khi còn ngon nữa, như con thỏ hoang ăn nấm cèpes vùng Aveyron hay ít hấp dẫn hơn như con chuột đồng Long An mà người ta cắn rón rén một miếng trong lúc ráng tợp một ngụm rượu đế để không mất mặt trước những vị khách khác. Nhưng không bao giờ, tuyệt đối không bao giờ tôi đụng đến Gaspard.

Đó là một con chuột cống thành thị, dân Saigon thứ thiệt, đã lấy tầng một của khu AB, trại giam Chí Hòa làm nhà. Tôi vừa được chuyển qua đó, ngày 26 tháng Tư 1971, sau khi đã kháng cự lại, về thể chất, với việc lưu đày hàng trăm tù chính trị đến những ngục tù hay chuồng cọp ở Côn Đảo.

Sức lực của tôi không phải là lúc tuyệt nhất nhưng cơn thịnh nộ đã làm tôi sôi sục tinh thần. Trong cái xà lim tối tăm dài ba mét rộng hai mét rưỡi này, chỉ có hai lỗ mở: một lỗ tò vò trên cửa đi mở ra hành lang và một cửa sổ hẹp trên cao với ba hoặc bốn chấn song. Chính trong đó, sẽ chậm rãi trôi qua gần như toàn bộ hai mươi ba ngày đêm ròng rã của cuộc tuyệt thực sau trận đòn hội đồng.

Dài nhất là khoảng thời gian ban đêm với cái im lặng nặng nề của nó, thỉnh thoảng lại bị xé tan bởi vài tiếng hét vang lên từ cái vũ trụ của sự đau đớn này. Một cảm giác bao la cô đơn và yếu ớt. Nhất là lúc đầu khi cái đói hành hạ và không buông tha bạn.

Chính lúc đó tôi mới coi trọng Gaspard hay ít ra là sự bầu bạn của chú ta. Đó là một chú chuột đen, có tính tình và cung cách tò mò. Cứ đúng giờ, chú lại đến, lúc gần nửa đêm. Chú đứng im lìm trên bậu cửa sổ. Cái mõm nhỏ nhọn của chú đảo quanh phòng như radar, rình bắt mọi thông tin dù nhỏ nhất, trong lúc mắt chăm chăm nhìn tôi như dọ hỏi. Tôi không dám động đậy để chú khỏi sợ. Nhưng chú thấy rõ là tôi không ngủ. Và chúng tôi cứ ở yên như vậy trong nhiều phút, như hóa đá trong sự chờ đợi, với tôi, là nỗi lo mất thăng bằng bất chợt sẽ làm chú chạy mất. Sau khi tôi thắng được những ý nghĩ đen tối, do cái bao tử bị giày vò gợi ý ma quỷ trên con người của “chú chàng” vô tội này, cuộc hẹn hò đêm khuya của chúng tôi dần trở nên như một sự đồng cảm lạ lùng. Tôi thích gán cho chú một hình thức thương xót nào đó dành cho tôi. Có thể đó là tình đoàn kết. Lâu dần, những chuyến thăm viếng đầu tiên của chú vì muốn tìm thức ăn nay biến thành những cuộc gặp mặt xã giao đơn thuần, hoàn toàn vô vị lợi, giữa hàng xóm với nhau như hoàn cảnh chúng tôi.

Ba mươi hai năm sau, ở đầu bên kia trái đất, lúc tôi cắm trại trong cái xà lim ngoài trời dưới cái tháp chuông khổng lồ của Vương cung Thánh đường Béziers (Xem chương “Nước Pháp êm ái”), tôi cũng đã có mối tương giao kỳ lạ với hai chú bồ câu, thường bay đến đem chút rộn ràng cho sự cô độc của tôi và đậu im lìm cách tôi vài mét. Còn gần đây hơn nữa, tôi vẫn nhớ con chim én mảnh khảnh, giữa vùng biển Đông Nam Á, đã đến thăm tôi trong ca bin của một tàu đánh cá, trong lúc cả thủy thủ đoàn đã ngủ say. Nó đứng vài phút cách tôi khoảng một mét, móng bám chặt gần bánh lái, nhìn tôi chằm chằm bằng cặp mắt tròn nhỏ, trong lúc tôi đang cảm thấy thật cô độc với xương vai bị gãy và tinh thần ủ rũ. Phải chăng như vậy chỉ là để nghỉ ngơi đôi chút? Thôi, dừng phỏng đoán đi, trong tất cả những tình huống đó, chuột, bồ câu hay chim én, trong lúc rơi vào tình cảnh yếu ớt cực kỳ, tôi vẫn là chủ thể được loài vật thương xót nhất. Tôi thấy chúng quan tâm, tin tưởng, đầy khích lệ và mạnh mẽ, trong lúc tôi thì yếu đuối và mất phương hướng, tôi bất giác thấy mình ao ước được tự do như chúng.

Vượt lên trên mọi cung cách vị lợi vì chẳng có chút đồ ăn nào để mà trông đợi, có vẻ cảm tình của Gaspard đã tỏ lộ với tôi. Tuy vậy, nhiều khi tôi tin là đã đọc được sự chê bai của chú qua những cú rung động ria mép. Quả vậy hàng ngày hai tên chó săn trực nhật đều đi vào phòng, một tay cầm dùi cui, tay kia là một tô thức ăn xấu xí. Ngay khi được đặt xuống đất, cái tô sẽ lăn về phía cửa và đồ ăn trong đó vương vãi khắp trên đường nó lăn. Rõ ràng, Gaspard không thích sự phí phạm đó. Làm sao giải thích cho cái bao tử đói meo của chú hiểu rằng tự do của tôi phải đi qua mớ lãng phí đó và chính sự yếu ớt phải chấp nhận này mới khiến tôi mạnh mẽ?

Sau một tuần đầy những trao đổi không lời, mối quan hệ của tôi với Gaspard bị cắt đứt vì cuộc chuyển trại khá gân guốc của tôi vào bệnh viện tâm thần Biên Hòa. Mục đích của nhà cầm quyền là cắt ngang cuộc tuyệt thực để kết lại là do suy sụp tinh thần khiến cuộc đấu tranh mà tôi tiến hành mất hết ý nghĩa chính trị và có thể là cái cớ để trục xuất tôi một cách hào hiệp được tuyên truyền cùng khắp.

Ngục thất còn nhỏ hẹp hơn cái phòng biệt giam Chí Hòa, tường thì đầy dấu phân như những dấu phẩy, tiếng la hét của bệnh nhân… Ngay đêm đầu tiên tôi đã tiếc nuối sự vắng mặt của Gaspard. Sau bốn ngày “thăm khám”, ông bác sĩ mang tên Hiệp nói tiếng Pháp đã can đảm cấp cho tôi giấy chứng nhận sức khoẻ tâm thần tốt trong lúc ông thú nhận riêng với tôi là rất lo lắng cho sức khỏe thể chất của tôi. Như vậy tôi sung sướng trở về lại xà lim Chí Hòa với anh bạn Gaspard và đôi mắt ranh mãnh của chú. Sau hai mươi ba ngày, mất đi 17 ký cân nặng và không nhận được gì từ những yêu sách, tôi lại bắt đầu ăn uống theo lời khuyên của các bạn tù Việt. Họ lo sợ điều xấu nhất, tôi đang trong giai đoạn biệt giam một mình trong sự nôn nóng ngày càng tăng của những tên sát nhân máu lạnh, chúng có thể xông vào xà lim của tôi lúc nào chúng muốn mà không có nhân chứng. Cũng may là dư luận của công chúng ở Pháp, được lãnh sự quán truyền lại dù muốn hay không, khiến ban quản đốc trại phải kềm bớt lũ chó của họ lại.

Và anh bạn Gaspard tận dụng ngay khoảng lặng này vì từ giờ tôi luôn để lại một chút thức ăn trên bậu cửa sổ nơi sáng sáng tôi treo mình lên để làm động tác đẩy tay cực nhọc. Chú ta cũng được nếm cả những thức ăn ngon lành nấu kiểu Ấn Độ mà những bạn tù láng giềng ở xà lim bên cạnh, Bachir và cha anh, người dân tộc Ta min, thỉnh thoảng đem cho tôi qua anh giám thị tốt bụng vừa được phái đến chỗ tôi. Đó là khoảng thời gian mà những thư từ bày tỏ tình đoàn kết, bị kiểm duyệt gạch đen từng mảng bằng viết lông, đến từ Pháp hàng trăm bức, lúc mà cửa phòng giam được mở càng lúc càng thường xuyên cho phép tôi ra vào hành lang tự do. Đến mức mà Gaspard phải chia sẻ tôi với những người bạn Ta min tử tế, với một bạn tù Trung Quốc hay gọi tôi là "Sì Hải" (tứ hải) và với Mười Để thân mến, ở cuối hành lang, một người “độc cước”, được cho là đã quy thuận vì chịu chào cờ nhưng thật ra là giao liên của tôi với các bạn tù chính trị ở các khu khác. Tôi cảm thấy Gaspard không thích những vụ xen ngang đột ngột đó vào tình bạn của chúng tôi. Nhưng có gì đâu mà phải ghen tỵ: chính chú ta là kẻ giữ được phần hay nhất. Chú là người duy nhất quan sát tôi ban đêm, vào giờ mà cửa đã khóa chốt và lỗ tò vò không còn mở nữa, tôi chăm chú ghi chép trên một tờ giấy pơ luya bằng thứ chữ nhỏ xíu để tiết kiệm chỗ, những thông tin để gởi ra ngoài. Vào những lúc đó chú ta trở thành, theo một cách nào đó, chú chuột gác của tôi. Sự có mặt của chú làm tôi an lòng, vì tôi biết chú sẽ báo động cho tôi biết tất cả những động thái khả nghi ngoài hành lang. Đồng cảm đến tận sự riêng tư, chú ta không hề quay mắt ra chỗ khác khi tôi nhẹ nhàng gấp tờ giấy quý giá đầy chữ lại cho vào một phong bì mỏng bằng nhựa và nhét vào quần lót. Rồi tuần này tiếp sang tuần khác, những chuyến thăm của con thú gặm nhấm thân thương ấy ngày càng thưa dần. Rồi tôi không còn gặp chú nữa.

Có thể vì chán nản, chú ta đã vào bưng khi biết một phái đoàn Hồng Thập Tự quốc tế, sau khi ghé thăm trại giam đã viết trong một báo cáo chính thức rằng tôi được “đối xử tử tế và có sức khỏe tốt” mặc dù “đang ở trần và không tuân thủ nội quy trong trại giam”. Ôi! Những con người, lại còn là người Thụy Sĩ nữa, rất sạch sẽ bề ngoài và hay nói xấu loài chuột…

Nguồn: https://www.diendan.org/sang-tac/anh-ban-gaspard

Comments are closed.