Bởi ta chỉ ở nhân gian trong một thoáng

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy

image

 

Tôi đọc Kim Bình Mai, tiểu thuyết được coi dâm thư Tàu từ năm lớp 7. Tôi đọc cuốn gì đấy đại loại có tên Tội lỗi và trừng phạt của Joan Collins năm lớp 8. Joan Collins tiểu thuyết gia diễm tình nổi tiếng người Anh trong tiểu thuyết này viết về cuộc đời sóng gió của một nữ chính xinh đẹp giỏi giang mà, trời ơi, tôi không thể nhớ được tên, nhưng lại nhớ hạnh phúc nơi cuối đường của nàng là một nam thần đẹp trai giàu có tên là Nigel. Tiểu thuyết dĩ nhiên có những màn bỏng cháy, đọc rất hồi hộp, chẳng hiểu gì nhưng đủ biết là họ yêu nhau lắm, và mấy câu văn của đoạn đấy đến giờ tôi vẫn có nhớ.

Thế xong rồi sao? Tôi vẫn lớn lên. Bố mẹ tôi hồi ấy cũng đọc, cả nhà đọc chung cuốn sách. Rồi mang cả cho bạn bè mượn. Đời sống văn hóa nói chung rất là đơn giản như thế.

Chúng ta không thể lảng tránh vấn đề tình dục. Tình yêu không phải ở quanh chúng ta sao? Những đứa trẻ từ đâu mà tới chứ? Sách giáo dục giới tính cho trẻ con từ tiền tiểu học đã có, và sau đó mỗi lứa tuổi lại có sách phù hợp. Năm lớp con tôi lớp 5 tôi có gom một nhóm bạn của con lại và nói chuyện với chúng về các vấn đề tình dục – giới tính. Một thanh niên 17 tuổi đọc sách có các cảnh giường chiếu là hết sức bình thường. Đấy là tôi chưa nói đến cuộc xâm lấn của các thiết bị cầm tay.

Tiếc là tác phẩm Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian đã không được các bạn học sinh đọc và thảo luận. Cảnh làm tình ấy thực sự cần thiết cho câu chuyện. Trong tiểu thuyết, mối tình trên trang trại trồng thuốc lá giữa Chó Con và cậu trai Trevor còn hơn cả sự thỏa mãn thân xác, đấy là chỉ dấu lần đầu tiên, quan trọng, thiêng liêng, cho sự được-nhìn-thấy, được-nhận-ra, được-là đối với nhân vật Chó Con.

Khi chúng ta có quá nhiều điều kiện, nhiều đặc quyền, sự được-nhận-ra dường như là một thứ đương nhiên. Nhưng không phải ai cũng có may mắn đó.

Nhân vật Chó Con trong tiểu thuyết Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian có một lịch sử cá nhân phức tạp và đầy tổn thương. Bà ngoại cậu năm xưa ở Gò Công trong chiến tranh Việt Nam có mang với một người lính Mỹ. Người lính trở về Mỹ, để lại bà ngoại đơn độc với đứa con gái có màu da Mỹ trắng, đó là mẹ cậu. Mẹ lấy ba và sinh ra cậu, một cậu bé da vàng.

Họ nghèo, thất học và hứng chịu những khốc liệt của cuộc sống trong và sau chiến tranh. Bằng cách nào đó gia đình cậu đến với giấc mơ Mỹ. Mẹ cậu mù chữ, đi làm ở một tiệm nails để nuôi cậu và bà ngoại đầu óc ngẩn ngơ, trong khi bố cậu vào tù. Chó Con loay hoay lớn lên, cậu phát hiện mình là gay.

Ta khó có thể hình dung một người lại gồng gánh trên mình từng ấy thứ. Câu hỏi về bản ngã chắc chắn là câu hỏi nhức nhối với Chó Con. Tôi là ai? Tôi thuộc về đâu? Cậu da vàng và mẹ thì da trắng, cậu nói ngôn ngữ của người da trắng trong khi mẹ chỉ có thể nói được ngôn ngữ của miền đất quá khứ, cậu là nhà văn và mẹ cậu mù chữ. Cậu sống trong một gia đình nơi những người đàn ông đi vắng, và trong căn hộ tồi tàn họ vật lộn để tồn tại ở một đất nước xa lạ. Cậu có cơ thể của một người đàn ông nhưng lại chỉ yêu đàn ông. Giữa tất cả mớ hỗn độn này, liệu ai có thể đủ kiên nhẫn và bao dung để nhìn thấy cậu?

Những đứa trẻ có thể mất đi cơ hội để đọc một tác phẩm có hành văn vô cùng đẹp, để chia sẻ nỗi đau của một con người mang nỗi mặc cảm tột cùng, và trân trọng cái chúng đang có – sự được nhận ra. Bởi chúng ta chỉ sống ở nhân gian một thoáng.

Tôi tin những thầy cô chọn sách này cho học sinh đọc là tinh tế và dũng cảm. Nhưng trước áp lực truyền thông và sự muốn làm vừa lòng tất cả, những ý kiến khác biệt đã không thể được nói ra.

image

Comments are closed.