Nhà văn Thanhhà Lại: Việt Nam và Mỹ – “mọi điều trong tôi đã tan chảy vào nhau”

Phỏng vấn

Nguyễn Hồng Anh thực hiện

Thanhhà Lại (bút danh hiện nay của chị trên tác phẩm, trước đây chị viết không có dấu: Thanhha Lai – có thể đọc là Lại Thanh Hà) là tác giả người Mỹ gốc Việt đương đại, từng đoạt giải thưởng danh giá National Book Award for Young People’s Literature (Giải thưởng Sách Quốc gia Mỹ cho hạng mục Văn học cho giới trẻ) năm 2011 dành cho tác phẩm đầu tay Inside Out & Back Again (2011). Là con của một gia đình tị nạn từ miền Nam Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 1975 khi mới 10 tuổi, Thanhhà Lại lớn lên cùng với trải nghiệm của một người Việt nhập cư trên đất Mỹ. Vốn sống phong phú và sự quan sát tinh tế của đoạn đời đó đã được chị tái hiện phần nào trong tiểu thuyết bằng thơ Inside Out & Back Again, sinh động, trong trẻo và cũng nhiều trăn trở; tác phẩm cũng được đưa vào dạy học ở một số chương trình trung học Mỹ. Những tác phẩm về sau, Listen, Slowly (2015), Butterfly Yellow (2019), Hundred Years of Happiness (2022) và When Clouds Touch Us (phẩn tiếp theo của Inside Out & Back Again, dự kiến xuất bản vào tháng 5.2023) đã định hình phong cách và tên tuổi Thanhhà Lại như là nhà văn của lứa tuổi thanh thiếu niên, nhà văn của dòng văn học di dân người Việt, nhà văn hậu chiến…

Bài phỏng vấn dưới đây được thực hiện qua email trao đổi với nhà văn, bằng tiếng Anh, được chúng tôi dịch sang tiếng Việt.

clip_image001

Ảnh: thanhhalai.com

Hồng Anh: Chị đã rời Việt Nam từ năm 10 tuổi. Hiện nay, Việt Nam ở trong chị như thế nào? Chị đã từng trở về Việt Nam?

Thanhhà Lại: Tôi vừa về thăm Việt Nam vào mùa hè 2022. Chúng tôi về ngôi nhà tuổi thơ của tôi ở khu vực trường Cửu Long, gần chợ Thị Nghè, Sài Gòn. Tôi sẽ không bao giờ tìm thấy nó nếu không có anh trai tôi. Trường tiểu học của tôi cách đó nửa dãy nhà vẫn còn đó, mặc dù bây giờ đã là một trường trung học ba tầng. Khi đứng đó, tôi cảm thấy tận xương tủy rằng mình đã trải qua 10 năm ở chính nơi này trên trái đất, suy nghĩ này khiến tôi thấy được an ủi. Chắc chắn tôi không chỉ là một khách du lịch. Nhưng rất nhiều thứ đã thay đổi. Ngôi nhà cũ của tôi được xây lên ba tầng. Số nhà và tên đường cũng đổi thay. Con đường đất mà tôi đi đến trường ngày nào đã được trải nhựa. Chúng tôi không tìm thấy ai từng sống ở đó với mình gần nửa thế kỷ trước. Tôi thậm chí đã tìm người bán bánh cuốn trước trường học của tôi. Tôi đã từng dành nhiều ngày để xem cô ấy nhấc tấm bánh tráng mỏng ra khỏi nồi hấp. Vì vậy, tôi không biết “Việt Nam trong bạn bây giờ ra sao”, ngoài việc nói rằng nó ở đó.

clip_image003

“Trường tiểu học của tôi giờ đã là một trường trung học ba tầng”.

Ảnh: Thanhhà Lại cung cấp

Hồng Anh: Về căn bản, chị cảm thấy mình là người Mỹ hay người Việt nhiều hơn? Và những giá trị nổi bật nào của Việt Nam và của Mỹ làm nên căn tính của chị?

Thanhhà Lại: Tôi dành rất ít thời giờ để giải mã phần nào trong tôi là người Việt hay người nào khác. Nó không quan trọng. Mọi điều trong tôi đã tan chảy vào nhau để tạo thành một bản thể lai. Tôi thích việc mẹ tôi chỉ nói tiếng Việt, vì vậy tôi tồn tại trong một cái kén đầy chất thơ với mẹ bởi những lời nói bay ra khỏi miệng mẹ như những cánh bướm. Nhưng rồi tự nhiên tôi nghĩ và mơ bằng tiếng Anh. Về các giá trị, tôi sống trong một đại gia đình, gồm tám anh chị em và một người mẹ. Đó là một mạng lưới an toàn nội tại kiểu người Việt. Đối với các giá trị của Mỹ, tôi đánh giá cao nhất quyền phụ nữ và luật pháp đảm bảo những quyền bình đẳng đó là có thật.

Hồng Anh: “Inside Out & Back Again” thể hiện rất thành công góc nhìn thế giới của một bé gái. Dù đó là trải nghiệm thật đã từng có, nhưng khi lớn lên, ta có xu hướng quên đi hoặc bị thay thế bởi góc nhìn người lớn. Chị có gặp khó khăn nào không khi kể chuyện từ góc nhìn của cô bé 10 tuổi?

Thanhhà Lại: Việc di chuyển khắp thế giới vào tuổi lên 10 gây sốc đến mức nhiều thứ mùi, vị, những đụng chạm, hình ảnh đã được khắc sâu trong não tôi. Tôi nhắm mắt lại và gõ ra cảm giác về nó: trên tàu, học sinh châu Á đầu tiên trong lớp của tôi ở Alabama, chạy trốn khỏi những kẻ bắt nạt. Tất nhiên, cuốn tiểu thuyết là hư cấu, vì vậy tôi cũng bịa ra nhiều thứ.

Hồng Anh: Trong phần “Ghi chú của tác giả”, từ “Inside Out & Back Again”, chị có nhấn mạnh rằng khía cạnh ký ức và cảm xúc là quan trọng để những đứa trẻ có thể hiểu biết về người thân và cội nguồn của chúng. Có phải đó là lí do chị muốn viết truyện cho đối tượng là trẻ em – nhất là trẻ em người Mỹ gốc Việt – để những đứa trẻ này có thể kết nối với nguồn gốc Việt Nam và gia đình?

Thanhhà Lại: Tôi muốn nói một điều gì đó cao cả như tôi đã viết, để thế hệ sau có thể khám phá cội nguồn của mình. Nhưng thực sự là tôi chỉ cần giải quyết một dự án mà tôi có khả năng hoàn thành được. Một câu chuyện tự truyện [“Inside Out & Back Again”] có vẻ là dễ thực hiện nhất sau khi dành 15 năm cho một mớ hỗn độn của một cuốn tiểu thuyết chẳng đi đến đâu. Bởi vì sự kiện gây sốc nhất trong cuộc đời tôi xảy ra vào năm 10 tuổi, nên tôi đã viết từ góc nhìn ở tuổi đó. Tôi chắc rằng nếu tôi rời Việt Nam năm 15 tuổi thì tôi đã viết từ góc nhìn này.

Hồng Anh: Theo chị, ký ức có phải là chủ đề lớn nhất đối với các tác giả di dân người Mỹ gốc Việt? Với riêng chị, ký ức đóng vai trò quan trọng thế nào trong việc hình thành căn tính của chị?

Thanhhà Lại: Tôi không biết người Mỹ gốc Việt nên viết về chủ đề gì. Đó không phải việc của tôi. Mỗi nhà văn sẽ viết ra bất cứ điều gì họ quan tâm. Nếu tất cả mọi người đều viết về ký ức, chúng ta sẽ ngạc nhiên đến thế nào? Đối với tôi, tôi thích nhìn lại quá khứ, vì vậy tôi tìm thấy chính mình trong thể loại văn hư cấu lịch sử. Tôi luôn đọc về quá khứ. Hiện tại thì tôi vẫn đang suy ngẫm, còn tương lai tôi để lại cho các nhà văn khoa học viễn tưởng.

Hồng Anh: Trong những tác phẩm của chị như “Inside Out & Back Again”, “Butterfly Yellow”, mở đầu thường là bối cảnh chiến tranh. Chiến tranh đóng vai trò gì với những nhà văn như chị, đặc biệt trong bối cảnh hoà bình?

Thanhhà Lại: Tôi là một đứa trẻ của thời chiến tranh, được sinh ra ngay trong cuộc chiến. Cha tôi vẫn đang mất tích trong cuộc chiến đó. Cuộc đời mẹ tôi đã ba lần đảo lộn vì chiến tranh. Vì vậy, tất nhiên chiến tranh nằm sâu trong xương tủy của tôi. Ngay cả khi tôi viết một cuốn tiểu thuyết trong bối cảnh hòa bình hiện tại, chiến tranh vẫn len lỏi vào để giải thích câu chuyện phía sau. Những câu chuyện về chiến tranh đối với tôi cũng tự nhiên như những câu chuyện về lướt sóng đối với một người lướt sóng.

Hồng Anh: Theo quan sát của chị, chiến tranh Việt Nam có còn là đề tài cần tiếp tục khai thác trong văn học Mỹ Việt, nhất là khi đã xuất hiện những nhà văn Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ thứ hai, không từng trải nghiệm về chiến tranh Việt Nam?

Thanhhà Lại: Một lần nữa, mọi nhà văn tự nhiên sẽ khám phá bất cứ điều gì mình quan tâm. Vậy thì, nếu một người chưa từng trải qua chiến tranh, tại sao họ lại viết về nó, trừ khi nó đáng được quan tâm? Tôi chỉ đi đến nơi mà trí não của tôi dẫn dắt tôi.

Hồng Anh: Chị nghĩ sáng tác của mình đã tác động như thế nào đến độc giả Mỹ?

Thanhhà Lại: Tôi không biết được. Bạn cần phải phỏng vấn họ.

Hồng Anh: Chị kì vọng gì ở tác phẩm tiếp theo “When Clouds Touch Us” (sẽ xuất bản vào 9.5.2023)?

Thanhhà Lại: Tôi đã học được cách không mong đợi điều gì khi xuất bản. Tôi đã gặp rất nhiều học sinh trong những chuyến thăm trường học, và các em luôn hỏi chuyện gì sẽ xảy ra với Hà? Vì vậy, tôi đã trả lời với When Clouds Touch Us.

Hồng Anh: Xin cảm ơn rất nhiều nhà văn Thanhhà Lại!

Thanhhà Lại: Không có chi!

(Phỏng vấn qua email, 2/2023)

clip_image002

Trích Inside Out & Back Again

(Hồng Anh dịch)

Ghi chú của tác giả

Thân chào bạn đọc,

Phần lớn những gì đã xảy ra với Hà, nhân vật chính trong Inside Out & Back Again, cũng xảy ra với tôi.

Năm mười tuổi, tôi cũng chứng kiến ​​chung cục của Chiến tranh Việt Nam và cùng gia đình chạy trốn đến Alabama. Tôi cũng có một người cha mất tích. Tôi cũng đã phải học tiếng Anh và thậm chí bị vặt lông tay trong ngày đầu tiên đi học. Những học sinh lớp 4 muốn chắc chắn rằng tôi là thật, không phải là một hình ảnh họ nhìn thấy trên TV. Rất nhiều chi tiết trong câu chuyện này được lấy cảm hứng từ chính ký ức của tôi.

Ngoài việc ghi nhớ các sự kiện, tôi cố công nắm bắt đời sống tình cảm của Hà. Cảm giác như thế nào khi sống ở nơi bom nổ hàng đêm, cũng là nơi những món ăn vặt ngọt ngào xuất hiện ở mọi ngóc ngách? Cảm giác như thế nào khi ngồi trên một con tàu hướng tới hy vọng? Cảm giác như thế nào khi từ chuyện biết mình thông minh đến cảm thấy mình luôn ngu dại?

Khía cạnh cảm xúc rất quan trọng vì đó là điều tôi nhận thấy ở các cháu trai cháu gái của mình. Nói chung, chúng có thể biết cha mẹ mình đến từ đâu, nhưng chúng không thực sự hình dung được những tiếng ồn và mùi vị Việt Nam, những thách thức hàng ngày khi bắt đầu lại ở một vùng đất xa lạ. Tôi mở rộng ý tưởng này đến tất cả mọi người: Chúng ta hiểu biết đến đâu về những người xung quanh?

Tôi hy vọng bạn sẽ thích khi đọc về Hà cũng nhiều như tôi thích nhớ về năm tháng quan trọng trong cuộc đời mình. Tôi cũng hy vọng sau khi bạn đọc xong cuốn sách này, bạn có thể ngồi gần người mình yêu và xin người đó kể và lại kể câu chuyện của họ.

Thanhha Lai

 

1975: Năm Mão

 

 

Hôm nay là Tết*,

ngày đầu tiên

của năm âm lịch.

 

Mỗi mùa Tết

chúng tôi ăn mứt hạt sen

và bánh tét.

Chúng tôi mặc quần áo mới,

cả bên trong.

 

Mẹ dặn

chúng tôi làm gì hôm nay

là tiên báo cho trọn năm đấy.

Ai cũng phải tươi cười

dù trong bụng có sao

Không ai được quét nhà,

sao lại quét đi niềm hi vọng?

Không ai được xả nước,

sao lại xả mất niềm vui?

 

Hôm nay

chúng tôi đều thêm một tuổi,

dù sinh vào ngày nào.

Tết, Năm Mới của chúng tôi

mỗi người hai lần sinh nhật.

 

Tôi nay tuổi lên mười, đang học hỏi

cách thêu mũi kim tròn,

cách tính phân số thành phần trăm,

cách chăm đu đủ ra nhiều trái.

 

Nhưng tối qua tôi đã bĩu môi

khi Mẹ cứ khăng khăng rằng

một người anh tôi

phải thức dậy đầu tiên

buổi sáng nay

để chúc phúc cho cả nhà

bởi vì chỉ bàn chân nam giới

mới mang lại niềm may mắn.

 

Một nút thắt cũ xưa và giận dữ

nới rộng trong cổ họng mình.

 

Tôi quyết định

thức dậy trước bình minh

và chạm nhẹ ngón chân cái

 

lên sàn gạch

trước nhất.

 

Ngay cả Mẹ,

nằm cạnh bên, cũng không biết được.

11 tháng 2

Tết

*Tết: Tiếng Việt trong nguyên tác (chú thích của người dịch).

 

 

 

Kim Hà

 

Tên tôi là Hà.

 

Anh Quang còn nhớ

tôi vừa đỏ vừa béo

như một chú hà mã con

khi anh nhìn tôi lần đầu

cảm hứng đặt tên

Hà Mã,

Ngựa Sông.

 

Anh Vũ hét lên, Hà Ya,

và khiến tôi nhảy dựng

mỗi lần

anh làm vỡ gỗ hay gạch

bắt chước Lý Tiểu Long.

 

Anh Khôi gọi tôi

Cái đuôi của Mẹ

vì tôi mọi lúc

sau Mẹ chỉ ba bước.

 

Tôi không thể khiến các anh mình

đi chỗ khác ở

nhưng tôi có thể

giấu dép của họ.

 

Mỗi chúng tôi chỉ có một đôi

là thứ thiết yếu

trong mùa khô này

khi đất nóng rẫy.

 

 

Mẹ nói với tôi

lơ các anh đi.

Ba mẹ đặt tên con Kim Hà,

là theo tên con sông Kim Hà

nơi Ba và Mẹ

tối tối dạo chơi.

 

Ba mẹ nào biết

ba người anh trai

có thể làm gì

cái tên giản dị

Hà.

 

Mẹ nói với tôi,

Chúng trêu chọc con

Vì yêu mến con.

 

Mẹ lầm rồi,

nhưng tôi vẫn thích

được gần bên mẹ, còn hơn cả thích

 

cây đu đủ của mình.

Tôi sẽ tặng mẹ

trái chín đầu tiên.

Mọi ngày

 

 

 

Tin tức trên TV

 

 

Anh Quang từ lớp học

hộc tốc chạy về nhà,

ném xe đạp xuống,

kiệt sức,

không còn đủ tiền

đổ xăng cho xe máy của anh.

Không thể tin được,

anh hét toáng,

và bật TV.

 

Một người phi công phe miền Nam Việt Nam

đánh bom dinh tổng thống

trung tâm thành phố vào buổi chiều hôm đó.

Rồi người phi công bay về hướng bắc

và nhận một huy chương.

 

Tin tức nói rằng người phi công

từng là một điệp viên

cho những người Cộng sản

trong nhiều năm.

 

Cộng sản

đã bắt Ba,

vậy tại sao

 

có người phi công nào

lại chọn phe của họ?

 

Anh Quang nói,

Người ta chỉ có thể biện minh cho chiến tranh

nếu phe nào

cũng phô trương

xác tín mù quáng của mình.

Từ lúc vào đại học

anh còn khoe nhiều hơn

những từ ngữ rối rắm.

 

Tôi bắt đầu nói năng giống vậy

nhưng Mẹ đập đập vào tay tôi,

ra hiệu để tôi bình tĩnh lại.

 

8 tháng 4

 

 

 

Sài Gòn không còn nữa

 

 

Tôi lắng nghe

phần phật

tiếng quạt tay của Mẹ

lời thì thầm giữa những người lớn,

tiếng bom từ khoảng cách xa

hơn bao giờ hết dội về.

 

Người chỉ huy ra lệnh

mọi người xuống dưới boong

mặc dù ông đã chọn

tuyến đường sông an toàn

đi ra biển,

tránh lối thoát lộ liễu

qua ngả Vũng Tàu

nơi Cộng sản đang thả

tất cả số bom còn lại.

 

Tôi hi vọng TiTi* đã thoát rồi.

 

Mẹ say sóng

bụng nôn nao

mặc dù con tàu

hầu như không chuyển động.

 

Chúng tôi nghe thấy một chiếc trực thăng

vòng quanh vòng quanh

 

gần tàu mình.

 

Người ta chạy và la hét,

Cộng sản!

Tàu chúng tôi đánh võng

khi đám đông chạy sang bên trái

rồi chạy về bên phải.

 

Chuyện này không giúp gì cho Mẹ.

Tôi ước gì họ đứng yên

và lặng im.

 

Người chỉ huy nói:

Đừng có hoảng!

Đó là phi công bên phe ta

người đã nhảy xuống nước,

để mặc chiếc trực thăng

lao xuống phía sau mình.

 

Người phi công

xuất hiện bên dưới boong

ướt và run rẩy.

 

Anh ta chào chỉ huy

và la to,

 

Trưa nay Cộng sản

đâm xe tăng

vào cánh cổng

dinh tổng thống

và dựng trên mái

lá cờ với một ngôi sao lớn.

Rồi anh nói thêm

điều không ai muốn nghe:

Hết rồi;

Sài Gòn không còn nữa.

30 tháng 4

Chiều muộn

 

*TiTi: Tên bạn gái thân thiết của nhân vật Hà (chú thích của người dịch).

Comments are closed.