Phạm Thị Hoài, Đọc khá gần với Yêu

Trần Vũ thực hiện

Chậm nhất từ ba mươi trở ra, người ta – nhất là đàn ông – phải chịu trách nhiệm cho dung mạo của mình.

[Phạm Thị Hoài]

imageNina McPherson, dịch giả chính thức của Dương Thu Hương kể lại kỷ niệm của mình khi tiếp xúc văn chương Việt: Năm 87, bao sân những vụ nổi dậy chống Bắc Kinh ở Tây Tạng cho Thông Tấn Xã AFP. Năm 89 bao sân biến động Thiên An Môn, bị thẩm cung và bị trục xuất. Chứng kiến những Lạt-ma bị đạn của công an Trung Quốc rồi chứng kiến các sinh viên của mình bị bắt, phải thú tội trên truyền hình, đến phiên chính bản thân bị phát vãng, McPherson trở về Pháp với ám ảnh ray rứt của một Á châu bị đàn áp. Buổi sáng tháng Giêng 1991, lướt ngang qua một hiệu sách, McPherson vô tình trông thấy sau phiến kính bản dịch Pháp ngữ Thiên Sứ của Phạm Thị Hoài. Còn một Á châu khác với những thân phận muốn vượt thoát? Đẩy cửa bước vào. Và từ bấy, là cuộc phiêu lưu với những bản dịch.

Cá nhân tôi có kỷ niệm tương tự: Tôi cũng tình cờ đi qua một hiệu sách khu Maubert-Mutualité, nơi McPherson sinh sống, và, có thể đã nhìn thấy cùng tấm chân dung Phạm Thị Hoài bên cạnh quảng cáo La Messagère de Cristal sau tấm kính. Tôi cũng đã đẩy cửa bước vào, và mua, rồi giống McPherson, là một khám phá. Khi ấy, tuần lễ 24 tháng 1-1991 lúc bản dịch Thiên Sứ bày bán, Phạm Thị Hoài hãy còn xa lạ với độc giả bên ngoài. Editions des Femmes là một nhà xuất bản uy tín, việc quảng cáo rầm rộ Thiên Sứ và cho in dưới chân dung Phạm Thị Hoài câu văn của tác giả: “Je refuse tout uniforme. Ils sont toujours trop étroits ou trop larges pour moi. Qu’on me laisse nue, avec ce corps flétri qui, très tôt, s’est arrêté de grandir.” (Tôi từ chối mọi đồng phục. Chúng luôn quá chật hay quá rộng đối với tôi. Hãy để tôi trần truồng với tấm thân chết khô mà đã từ rất sớm, ngừng lớn lên.) — là một hiện tượng.

Trước Những Thiên Đường Mù của Dương Thu Hương, trước Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh và trước Trái Tim Hổ của Nguyễn Huy Thiệp, Thiên Sứ là tiểu thuyết đầu tiên dịch sang Pháp ngữ của cao trào Văn học Phản Kháng. Các bản dịch khác, đều phát xuất từ bản dịch của Phan Huy Đường. Ít lâu sau, tôi đọc bản Việt ngữ Thiên Sứ in trong tạp chí Tác Phẩm Mới vào năm 86 khi Nguyễn Đình Thi còn làm tổng biên tập. Bản gốc này, với tôi, mới thật sự là một kinh ngạc. Tác giả hành văn như một kiếm thủ, am tường đao pháp và múa đao trên sân Tinh Võ. Không phải trước tác bằng cách viết lên trang giấy, nhưng là đâm, cứa và cắt bằng chữ trong một không gian được cân, đo, đong, đếm từng hạt bụi. Là Phạm Thị Hoài. Áp Tết Mậu Tuất, là dịp hiểu thêm nhà văn có cú pháp lưỡi lam này.

–oOo–

Trần Vũ: Từ giữa thế kỷ 16 ở Âu châu nổ ra một tranh luận mà mãi đến giờ chưa phân giải. Phái Thực hành tin như dân Việt từng tin: Đi một đàng, học một sàng khôn. Tức phải chứng kiến tận mắt, nhìn, nghe thấy và trải nghiệm mới có thể biết thế giới. Như Michel de Montaigne, triết gia của phái này, yêu sách: “Cần du hành để cọ xát và mài dũa trí não của chúng ta với trí óc của đồng loại.” Hoặc St Augustin: “Thế giới là một quyển sách mà những ai không vi hành, chỉ mới đọc một trang duy nhất.” Phái Lý thuyết lập luận cách khác: Kiến thức của nhân loại nằm trong các pho sách. Chỉ cần đọc, sẽ hiểu hết vũ trụ. Vì một cá nhân đi bao xa, gặp bao gương mặt và làm sao trải nghiệm hết thẩy? Có những điều trừu tượng chỉ có thể giảng giải qua sách. Sự thật nằm trong chữ.

Một tranh luận không chấm dứt, vì bên Thực hành vẫn vững tin: Không thể cảm mùi hương của một bông hoa lạ nếu chưa thật sự ngửi thấy. Sách không cho hương.

Trên Talawas, Phạm Thị Hoài từng tin ngôn ngữ cần cọ sát cho vỡ ra các vấn đề. “Dẫn nhập” trên, chính là vì sau này Hoài ít viết hư cấu mà tập trung vào thể tiểu luận với những đề tài gai góc chính trị, giáo dục, văn hóa, y tế… Một Phạm Thị Hoài đã không cần “đi thực tế”, không cần “nghiệm thu trên thực địa” mà vẫn có thể phân tích các vấn đề của quê hương sau hai thập niên vắng mặt, với cảm quan và bằng mỹ quan của một nơi khác. Thang điểm giá trị của “nơi khác”, có luôn luôn toàn bích?

Phạm Thị Hoài: Phan Bội Châu ngồi ở Nhật viết Việt Nam vong quốc sử. Hồ Thích ngồi ở Mỹ viết những bài báo gây tiếng vang lớn trong phong trào Tân Văn hóa ở Trung Hoa. Thomas Mann ngồi ở California viết bài cho đài BBC về tình hình Đức Quốc xã. Huống hồ ở thời đại này, con ếch ngồi ở đáy giếng cũng có thể nhìn thấy những khoảng trời to hơn cái vung miễn là smartphone của nó có mạng. Ngồi trước màn hình ở Berlin, tôi dễ dàng sục vào từng ngõ hẻm ở Hà Nội. “Nơi khác” ở thời đại này không còn phụ thuộc vào tọa độ địa lý. Khoảng cách không gian biến mất, nhưng khoảng cách giữa những filter bubble, những bong bóng lọc cuộc đời chúng ta thì ngày càng tăng lên. Cái bong bóng của tôi chẳng có gì chung với cái bong bóng của những người Việt cũng sống ở Berlin nhưng cứ sểnh ra là vỗ tay hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

Tuy vậy, hầu hết các tác gia quan trọng của nhân loại đều là dân du mục. Từ thời Cổ đại đã thế, từ Khổng Tử ở châu Á đến Aristoteles ở châu Âu. Tôi rất thích những nhà văn không có quê hương tự động mà chỉ có quê hương tự chọn, và nếu thấy chưa đủ thì phát minh thêm những quê hương khác của riêng mình. James Joyce tự nguyện lưu vong từ năm 22 tuổi và chỉ về thăm cố hương lúc 30 tuổi, một lần duy nhất ngắn ngủi, Dublin trong tác phẩm của ông thực ra là biến tấu của Trieste. Nabokov buộc phải lưu vong từ năm 20 tuổi và không một lần nào trong đời trở lại Nga. Cả hai là những nhà văn ngoại hạng. Song cũng có những trường hợp khác. Shakespeare cả đời cố thủ trên hòn đảo nước Anh. Tuy nhiên, đó cũng là một trong nhiều chỉ dẫn rằng tác giả thực của các vở kịch mang tên ông ấy là một hoặc nhiều người khác. Ở Đức cuối thế kỷ 19 có một nhà văn tên là Karl May, sống ở vùng quê hẻo lánh, chỉ xê dịch trong phạm vi đường kính 300 km thuộc địa phận bang Saxony ngày nay. Ông ấy chỉ biết tiếng Đức, một thứ tiếng Đức tầm thường, và cũng không học hành, nghiên cứu gì nhiều. Cứ ngồi nhà viết hàng ngàn trang tiểu thuyết du ký, đầu tiên chỉ ngập ngừng qua Sa mạc Sahara, Xích Hải, Thổ Nhĩ Kỳ, Kurdistan, Iran, Iraq, các nước vùng Balkan, sau trót lọt vọt sang tận Bắc Mỹ, và trở thành một trong những nhà văn Đức được đọc và dịch nhiều nhất trên thế giới, tác phẩm phát hành đến hàng trăm triệu bản. Thanh thiếu niên Đức bây giờ đa số không biết Karl Marx là ai, nhưng Karl May thì chắc chắn biết. Tôi chưa bao giờ đọc nổi một trang của ông ấy, nhưng một trong những tác gia Đức mà tôi quan tâm là Arno Schmidt lại nghiên cứu nhà du hành tại chỗ này rất kỹ, tuy không phải để khen ngợi. Thế giới da đỏ made in Saxony rất Kitsch đó cho thấy là tác giả của nó không cần phải đầu cài lông mông quấn khố gì cả. Mà đó là thời bản đồ còn vẽ tay.

–oOo–

Sống ngay tại trụ sở 38 Hàng Chuối của Viện, tôi lại được cái thú là chiều tối thỉnh thoảng ngồi hàng nước góc phố Phạm Đình Hổ xem ông Đỗ Mười mặc pyjama kẻ sọc như quần áo tù ra trước cửa hóng mát và chuyện gẫu với lính gác, lời lẽ thô sơ hơn cả mặt mũi, tăm ngậm miệng, tác phong rất là nhân dân.” [Phạm Thị Hoài]

Trần Vũ: Đọc các tiểu luận Lời thề, Vĩnh biệt một thời đại, Tiễn chú Kiến Giang, Bóng tối, Ném đá và ân xá, Sự lạc quan vô tận, Ngoại giao Tháp Rùa, Đọ sức… tôi luôn cảm giác nhiều bản đàn đang trình tấu trong đầu mình. Chúng vang dậy âm thanh. Vì Hoài chú trọng nhịp, phách, tiết điệu, âm tấu của câu văn. Như thế, văn chương là một tập hợp cú pháp trong một ngữ điệu riêng với những ý tưởng cá nhân? Hay còn là một gì khác?

Viết văn, có giống như Marguerite Duras định nghĩa trong tiểu thuyết Entire Days in the Trees: “Viết, để tránh nói chuyện. Là im lặng. Nhưng là gào la không tiếng động.”? Rộng ra, ý thức phải hoàn chỉnh cú pháp, chặt chẽ hóa ngữ pháp rồi dụng văn phải có đao pháp, để “đường đao đẹp như ánh lửa” đến từ đâu? Ai là bậc thầy tham chiếu?

Phạm Thị Hoài: Trong 7 tỉ người trên thế giới, tôi đoán 1 tỉ là nhà văn. Trong số đó, hàng trăm triệu đã sạch nước cản, hàng chục triệu có năng khiếu, hàng triệu có nghề, hàng trăm nghìn có tài, hàng chục nghìn có đẳng cấp, hàng nghìn xuất sắc, hàng trăm kiệt xuất và hàng chục thiên tài. Nếu chỉ tham chiếu Kafka là thành Kafka thì khỏe quá, tôi xin làm thế ngay. Hồi trẻ, tôi vừa đọc 1984 của George Orwell và Brave New World của Aldous Huxley vừa ngáp. Đọc xong chỉ mệt nhoài chứ không sướng đến từng chân tóc. Đó là loại văn chương trình bày viễn kiến và ý tưởng, nghệ thuật chỉ đóng vai trò phương tiện, đúng như tinh thần “văn dĩ tải đạo”. Bây giờ tôi rất mừng là đã đọc chúng. Nước Mỹ đang là một số mảnh ghép từ Brave New World, nhưng Trung Quốc sẽ là kết hợp hoàn hảo của cả hai thế giới phản không tưởng đó. Truyện Kiều của Nguyễn Du, về nội dung không có gì đáng để ý, chưa kể bối cảnh và các nhân vật xa lạ với xã hội Việt. Chỉ cần có một chút đầu óc độc lập là bạn sẽ phải phì cười về những thứ đạo mà người ta bắt nó oằn lưng tải. Chữ Tâm và chủ nghĩa nhân văn chẳng hạn. Giống như tư tưởng nổi bật của người Việt là chủ nghĩa yêu nước. Hay tư tưởng nổi bật của loài ong là siêng năng làm mật cho đời. Nhảm đến thế là hết. Nhưng Truyện Kiều thực sự đặc sắc về ngôn từ, nó tôn vinh một thứ tiếng Việt hàm súc, tinh tế, đầy âm điệu và màu sắc, gợi nhiều hơn diễn, một pha trộn thiên tài của ngôn ngữ bình dân và ngôn ngữ hàn lâm. Truyện Kiều là loại nghệ thuật vị nghệ thuật tuyệt vời nhất. Song đôi khi ta sôi máu muốn ngồi ngay vào bàn viết không phải do cảm hứng từ những tác phẩm kiệt xuất, mà vì quá bực bội trước những tác phẩm giẻ rách của người khác, cho đến khi ta nhận ra rằng mình cũng chỉ làm môi trường thêm ô nhiễm bằng những trang tầm phào.

Trần Vũ: Orhan Pamuk xác quyết: “Một tác phẩm hay phải làm lộ ra những gì ẩn chứa phía sau ánh mắt bình thường.” Các nhà văn lùng kiếm điều này, nhưng đã bắt đầu từ đâu? Vì sao Thiên Sứ? Vì Günter Grass tuyên ngôn: “Sau khi mọi thứ tàn lụi, duy nhất chữ chiếu sáng.” hay vì Heinrich Boll tiên tri: “Với thời gian, văn chương sẽ giải thoát con người bằng chính sức mạnh của văn phong.”?

Phạm Thị Hoài: Ngôn ngữ có một sức mạnh nhất định và văn phong có sức mê hoặc của nó, nhưng tôi chỉ dám hy vọng rằng văn phong là thứ duy nhất phân biệt một nhà văn bằng xương thịt với một robot viết văn, vì nó không đơn thuần là việc đặt chữ này cạnh chữ kia, dù là đặt một cách tối ưu. Ở kỷ nguyên của trí thông minh nhân tạo sắp đến, những thứ không số hóa, không dữ liệu hóa được, chẳng hạn văn phong, sẽ chỉ đóng vai trò rất phụ. Tôi biết về văn chương đủ để không thần tượng nó. Pushkin cho rằng viết là để cho mình, xuất bản là để kiếm sống. Chúng ta đang bán văn kiếm sống thì tất nhiên phải rao cho thật rền vang, phải làm cho người mua tin rằng món hàng khá rẻ mà mình vừa tậu có những tác dụng siêu khủng. Bỏ ra trên dưới chục bạc cho một tập thơ, một cuốn tiểu thuyết là được giải thoát, được cứu rỗi, được gánh bớt nỗi đau, được thắp sáng và chắp cánh ước mơ, được hướng thiện và nâng đỡ tâm hồn. Tôi đang chờ thêm công bố rằng văn chương chữa lành cả ung thư, Alzheimer, Parkinson, HIV… Nhưng cuối cùng chỉ có các nhà văn là cần văn chương, còn lại người ta hoàn toàn có thể sống một cuộc đời đầy cống hiến và niềm vui mà không bắt buộc phải biết đến văn học. Văn chương không làm bất kỳ ai thông minh, nhân hậu, giàu có hay đẹp đẽ hơn. Đa số các nhà văn là những người hèn nhát, ích kỉ, hiếu thắng, háo danh, vô dụng và ham hố đủ thứ vớ vẩn.

Trần Vũ: Pamuk còn đưa ra một giả thuyết bí mật: “Nhà văn, là kẻ dành nhiều năm dài để thử khám phá con người thứ nhì sinh sống trong mình hắn.” Khi rời Viện Sử học, Phạm Thị Hoài bắt đầu đi tìm “con người thứ nhì” này trong cơ thể mình? Đến truyện ngắn Người Đoán mộng Giỏi nhất Thế gian thì tìm thấy và khi chuyển sang thể tiểu luận, tìm ra một phụ nữ khác đang ẩn nấp? Phạm Thị Hoài là ai?

Phạm Thị Hoài: Tôi là một phụ nữ cao 152 cm, nặng 47 kg, mặc cỡ S, đi giày số 34, huyết áp 110/70, đeo kính, tóc cắt ngắn, không sơn móng tay, có cấu trúc mạch lạc, làm từ một số vật liệu bền chắc, chịu được nhiều cọ xát và áp lực. Nếu không viết văn, tôi có thể làm rất nhiều nghề, trừ làm người mẫu, ca sĩ, vận động viên, diễn viên và giáo viên. Nhưng tôi đã chọn văn chương làm cách sống, từ năm 11 tuổi. Đơn giản là một trong những lựa chọn có thể. Không có gì huyền bí cả. Không có thiên chức, sứ mệnh gì. Tôi vẫn đang hài lòng với lựa chọn đó. Ngay cả khi không viết gì hết, văn chương với tôi vẫn là cách sống quy định mọi mặt khác của cuộc đời.

Trần Vũ: Vẫn Orhan Pamuk, đã kể một kinh nghiệm cá nhân: Sinh ra ở Istanbul nằm vắt lên hai miền Âu-Á, Pamuk bị dằn xé giữa Đông và Tây, giữa truyền thống và hiện đại, giữa bảo thủ và cấp tiến, giữa thế tục và phạm thánh. Trong mình Pamuk thường xuyên phát vang những đồng cảm với dân tộc bị thất lạc phải quay về cội nguồn tìm cứu rỗi, cùng lúc là những trỗi dậy của lý trí giận dữ tệ u mê sùng bái. Xâu xé tinh thần của Pamuk dữ dội, vì càng đến gần các giá trị nhân bản bác ái của Tây phương, Pamuk càng đến gần Thiên Chúa giáo, trong lúc bản thân là một tín đồ Hồi giáo. Tuy nhiên, Pamuk đã tranh đấu duy trì một nhà nước thế tục và là nhà văn chống tử lệnh Fatwa của Ayatollah Khomeini xử tử khiếm diện Salman Rushdie. Pamuk còn công nhận thảm sát dân Kurdes dưới đế chế Ottoman, khiến bị kết án “sỉ nhục căn cước Thổ”, phải lưu vong sang Hoa Kỳ. Pamuk, cũng là nhà văn thú nhận: “Những quyển sách của tôi là những ý tưởng ăn cắp không xấu hổ từ thử nghiệm tiểu thuyết của Tây phương, rồi pha với cổ tích và truyền thống Hồi giáo. Sự trộn lẫn nguy hiểm của hai khuynh hướng tương khắc, làm nên ánh lửa mạnh mẽ.” Còn Phạm Thị Hoài? Sống lâu ở Đức, nhà văn có bị “hội chứng Pamuk”? Những khi nhìn đồng hương bị lôi ra tòa Bá Linh vì phạm pháp, làm thông ngôn, Phạm Thị Hoài có trắc ẩn?

Phạm Thị Hoài: Giữa Việt Nam và Đức không chỉ là một khoảng cách về không gian mà trước hết về thời gian. Đa số người Đức đang sống ở thế kỷ 21, trong khi đa số người Việt còn ở thế kỷ 20, thậm chí thế kỷ 19, riêng Bộ Chính trị là đã vọt lên trước, ở thế kỷ 29, là thời đại thiên đường cộng sản. Hai xã hội đó vận hành khác nhau căn bản. Ở Việt Nam, đó là một đám đông vừa tán loạn vừa dính chặt vào nhau, vừa bịt mồm nhau vừa chửi nhau, vừa mất tiền vừa làm tiền nhau, vừa giành nhau từng centimet vừa nhích từng centimet về phía trước, trên những phương tiện lạc hậu nguy hiểm và bóp còi inh ỏi. Ở Đức, đó là một tập hợp lỏng lẻo của những cá nhân tự do nhưng có hình khối kết nối rõ ràng, rất kềnh càng tốn chỗ, nhưng trật tự di chuyển trên những phương tiện hiện đại an toàn và khá yên tĩnh. Tôi thấy mình rất may mắn được quan sát cùng một lúc cả hai thế giới đó, cộng đồng Việt ở Đông Berlin là một xã hội Việt Nam thu nhỏ. Nhưng người Việt phạm pháp ở Đức không thấm vào đâu so với ở chính trong nước. Tôi không hiểu vì sao người ta thấy nhục cho quốc thể khi đồng bào mình lừa đảo, ăn cắp hay buôn lậu ở nước ngoài bị phát hiện. Việt Nam đang là đất nước của lừa đảo, ăn cắp và buôn lậu. Nếu người Việt ra nước ngoài cũng lừa đảo, ăn cắp và buôn lậu thì đó chỉ là thể hiện đúng diện mạo dân tộc, không hơn không kém, họ chỉ trung thành với bản sắc và căn cước Việt Nam hiện tại.

Tôi nghĩ đến việc viết văn. Là sự bận rộn dễ tha thứ nhất trong phạm vi lí tưởng thong thả của phương Đông. Vả lại theo thiển ý tôi, đấy là khả năng vượt rào chắc ăn cho một thằng trí thức Việt kém sự nghiệp. Ở đó hắn chẳng có gì để mất. Dẫu không hẳn có tài nhưng có tâm và liên tục sản xuất thì thể diện của hắn cũng dầy lên thuận với số trang. Tôi nghe nói chữ “tâm” đáng ba chữ “tài”. Chính là những nhà văn có tài bị rủa là thiếu tâm, chứ chưa bao giờ một nhà văn có tâm bị trách là thiếu tài. Vậy là có thể yên lòng. Nếu lấy chữ “tài” làm đầu thì bố ai dám cầm bút nữa! Ngoài ra nhà văn Việt không bắt buộc phải thành đạt. Nhà văn Việt được quyền không có bạn đọc. Và nếu không xuất chúng thì suốt đời chẳng sợ búa rìu của dư luận và chính quyền.

[Phạm Thị Hoài, Marie Sến]

Trần Vũ: Tiểu thuyết Marie Sến đã bị khá đông “đồng môn cũ” của Hội Nhà văn khiển trách là đã viết bằng đôi mắt của Việt kiều thiếu thông cảm. Khám xét và kiểm tục, tuy tác giả biết rõ các đồng nghiệp phải sống sót bằng cách “tuân thủ quy trình”. Phạm Thị Hoài trả lời những tấn công này, thế nào?

Phạm Thị Hoài: Tôi đã rất thích thú chép và ghép nguyên xi ý kiến của một số nhà phê bình và đồng nghiệp thành một “Chân dung Phạm Thị Hoài”. Mời bạn thưởng thức một đoạn:

“Qua mỗi trang viết của những tác phẩm sau này như Man Nương, Marie Sến, gần đây nhất là Ám Thị, Phạm Thị Hoài càng đưa người đọc đến sự chán ghét văn chương hiện đại, xô người đọc vào vũng lầy bế tắc của xã hội bằng một thứ ngôn ngữ kinh tởm khó chịu, khiến người đọc thấy mình thấp kém y như những nhân vật trong truyện, vì thế quá oan ức cho văn chương và quá tội cho độc giả. Vì sao họ lại phải đọc những tác phẩm sa đọa, thô lỗ, sống sượng như vậy? Con người dưới mắt Phạm Thị Hoài là một loài vật vô ý thức, thô tục, bẩn thỉu và man rợ. Sở trường của Phạm Thị Hoài là dựng nên một thế giới bỉ ổi, lưu manh, dâm đãng, đểu cáng và hèn hạ, nhằm khinh rẻ, tởm lợm con người, sỉ nhục và thô bỉ hoá giấc mơ của con người. Ả hoàn toàn đánh mất khả năng khám phá ra cái tốt đẹp của thế giới, nghĩa là đánh mất thuộc tính quan trọng nhất của văn học, vậy mà ả còn cả gan bày tỏ thái độ bỡn cợt, khinh thị, nhạo báng nền văn học của chúng ta, và công khai biến trang văn thành câu lạc bộ bệnh hoạn của chứng động kinh phi nhân tính, khinh rẻ và căm ghét con người, tìm mọi cách thối rữa hoá linh hồn và thể xác đồng loại trong cái nhìn bệnh hoạn nhẫn tâm. Bị ám ảnh bởi văn hoá giường chiếu, hành hạ bởi những ẩn ức tình dục của cuộc sống ăn chơi trụy lạc trước đây và phận làm dâu văn hoá đầy mặc cảm dồn nén sau này, lại chịu ảnh hưởng không tiêu hoá kỹ của phương Tây như phân tâm học, và bắt chước một số nhà văn Nhật Bản (Phạm Thị Hoài từng lợi dụng danh tiếng để dịch cuốn tiểu thuyết Nhật cực kỳ vô luân và thối nát nhan đề Chiếc Chìa Khoá, khiến nhà xuất bản phải khốn đốn, cũng như ả từng gây tai hoạ cho nhà xuất bản đã quá cả tin mà cho ra mắt cuốn Man Nương, khiến giám đốc nhà xuất bản đó phải từ chức), ả không có cách nào khác là thực hành một lối văn khiêu dâm nhớp nhúa, lập hội quán libido, núp dưới tên tuổi của Sartre và Camus, Kafka và García Márquez, Proust và Joyce để triết lý ba lăng nhăng dung tục nhằm câu khách rẻ tiền, đua đòi bắt chước những phương pháp sáng tác chợ chiều như Chủ nghĩa Phi lý, Tiểu thuyết Mới và Dã thú Mạt kỳ, tiếp tục thói làm dáng trí thức bằng khả năng nổi loạn dung tục.”

Tôi thật sự không thể viết hay hơn.

–oOo—

“Ông là đại diện cuối cùng của một thế hệ mà chúng ta chỉ còn gặp lại trên những trang hồi kí, Thế hệ Vàng của cuộc Cách mạng Giải phóng Dân tộc, trong sáng, lãng mạn, tràn đầy lí tưởng. Qua mỗi thế hệ đến sau, vàng dần biến thành đồng thau và thế hệ hiện đang lãnh đạo đất nước này trông không khác gì đất sét. Người ta thương tiếc ông như rỏ nước mắt cho những phẩm chất đẹp đẽ cũng theo ông về bên kia, để lại bên này một thế giới chân không về giá trị.” [Phạm Thị Hoài]

Trần Vũ: Cùng thế hệ và ngang ngang tuổi, tuy Hoài sinh ở Thanh Hóa – quê hương của Chúa Trịnh – còn tôi trong Nam. Điểm chung là Hoài tốt nghiệp khoa Sử và tôi say mê Lịch sử. Còn lại là khác biệt giữa chiến xa và tiềm thủy đĩnh. Nhưng vì sao cư ngụ Bá Linh, kho sách chiến tranh và nơi thống chế Gerhard von Scharnhorst xây cất Học viện Quân sự lừng danh với chính Clausewitz giảng dạy tại số 74 Unter den Linden mà Hoài thờ ơ với chiến tranh? Đúng hơn, là thờ ơ với các học thuyết chiến tranh và những trận chiến.

Hoài không duy nhất, tôi kiểm nghiệm hầu hết các nhà văn Việt không quan tâm đến chiến tranh. Nhưng vì sao Hoài đã không dịch Clausewitz mà mất công sức tái lập bản dịch trọn vẹn của Thomas A. Bass về Phạm Xuân Ẩn? Một bản dịch chính xác với bản gốc của Clausewitz sẽ giúp ích cho dân tộc nhiều hơn là cuộc đời của một điệp viên hoàn hảo, ngay cả khi mục đích nhằm phơi bày cắt cúp và biên tập của chính sách kiểm duyệt.

Nhưng Hoài say mê góc độ chính trị của chiến tranh, như hầu hết… Đọc Mâm xôi cúng cụ, Tên “Bác” trên môi, Văn minh Sicagô, Hồ Chí Minh: Tôi hạ lệnh cho nhân dân và nhiều tiểu luận khác, tôi nhận ra tác giả của Thiên Sứ theo dõi sát sao hành trình, sự nghiệp và từng chữ viết của “Chủ tịch”. Ngay cả khi trưng bày khía cạnh négatif, vẫn gần như là một mê mẩn. Có thật vậy?

Phạm Thị Hoài: Trừ cuốn Lò Mổ Số 5 của Kurt Vonnegut, tôi hầu như không đọc văn học chiến tranh, vì loại ngợi ca một cuộc chiến hào hùng thì không đáng đọc, còn loại phản chiến thì rất dễ rơi vào cái bẫy đau đớn, cảm thán, rồi lại còn kêu gọi, dạy dỗ, lên án, cảnh tỉnh, toàn những chất diệt trắng nghệ thuật. Tất cả những đoạn chiến trận trong Chiến Tranh và Hòa Bình tôi đều phòng xa mà bỏ qua hết, để giữ nguyên lòng yêu mến với Tolstoi. Còn các học thuyết quân sự ư? Bây giờ chiến tranh vẫn còn là con người bấm nút, song sắp tới những người máy sẽ bấm nút, thuật toán hoàn toàn thay thế thuật dùng binh. Nhưng tôi biết một số doanh nhân và chuyên gia dạy bí quyết thành đạt ở Việt Nam rất thích trích dẫn binh pháp Tôn Tử, với tinh thần chiến trường thời nay là thương trường. Có lẽ Tôn Tử chịu trách nhiệm không nhỏ cho tình trạng phát triển của Việt Nam. Hồ Chủ tịch lại là một câu chuyện khác. Đó là người đã kéo được lịch sử đi theo ý mình trong một thời gian dài, đã mê hoặc được cả một dân tộc từ giới tinh hoa đến dân mạt hạng, đã đặt được cả một quốc gia vào một số phận trở thành định mệnh, đã đóng dấu ấn toàn diện lên bản sắc của cả một xã hội. Chỉ chừng ấy đã đủ để ám ảnh tôi rồi, huống hồ đó lại là một nhân vật như thể được hiện thực hư cấu, với một tiểu sử đầy những lỗ hổng được trét bằng huyền thoại, lồng giữa một bối cảnh khốc liệt của chiến tranh, hận thù, chia ly, phản trắc, bạo lực. Không tiểu thuyết gia nào có thể dựng nên được một nhân vật như vậy. Tôi đang đọc và so sánh hàng loạt bài diễn thuyết của ông Hồ ở nhiều thời kỳ khác nhau trước nhiều tầng lớp dân chúng khác nhau. Kết luận sơ bộ của tôi là: Hồ Chí Minh là chủ biên của chế độ, trái với niềm tin của những người tiếp tục tiếc nuối rằng nếu chế độ này thực sự làm đúng những điều “Bác Hồ” mong muốn thì nó đã ít nhiều nhân bản hơn, ít nhiều dân chủ hơn. Còn “nếu” gì ở đây? Ông ấy thậm chí là người đã tôi luyện cái ngôn ngữ tuyên huấn khủng khiếp chúng ta vẫn đang nghe hôm nay.

–oOo–

“Sau mười ba năm đầu viết văn, 1988-2001, tôi đã ngừng hẳn sáng tác văn chương để chuyển sang báo chí. Bây giờ, sau mười ba năm tiếp theo, 2001-2014, giai đoạn làm báo của tôi với talawaspro&contra cũng khép lại. Nó để lại trong cuộc đời tôi dấu ấn quá sâu đậm, khiến một lời kết như thế nào cũng thành bất lực.” [Phạm Thị Hoài]

Trần Vũ: Không duy nhất là một nhà văn, Phạm Thị Hoài còn là người sáng lập và điều hành trang web nổi tiếng Talawas rồi Pro&Contra. Tuy đình bản đã lâu nhưng đến này vẫn còn nhiều người băn khoăn về ý nghĩa của hai “thương hiệu” đó. Tôi trong số đám đông này và từng tự diễn dịch: “Ta” là chúng ta, “La” là la mắng và “Was” là phân thì quá khứ của động từ to Be. Có nghĩa “Ta mắng quá khứ”, tức chối từ quá khứ thụ động, phân rẽ và hiềm khích của dân tộc, hoặc “Ta là quá khứ”, vì tri thức thụt lùi so với thời đại. Với tôi, Talawas mang nghĩa này. Còn Pro&Contra, “Pro” là Professionnalisme tức chuyên nghiệp và “Contra” là chữ tắt của Contraste (tương khắc), tức “Khác biệt một cách chuyên nghiệp”. Đa phần là tôi hiểu sai?

Phạm Thị Hoài: Trong tất cả các khía cạnh thực tế của một công việc, phương châm của tôi là đơn giản tới mức tối đa và tránh mọi phiền toái không cần thiết. Sẽ rất phiền, nếu tờ báo của bạn mang tên là Khai Trí hay Khai Sáng hay Tiến Bộ hay Nhân Văn hay Hành Tinh Lang Thang chẳng hạn. Hàm lượng của nhân dân trong tờ Nhân Dân và sự thật trong tờ Pravda cho thấy là understatement, tiết chế, tốt hơn là ra sức bày tỏ. Apple không bán táo mà bán iPhone. Google thì hoàn toàn vô nghĩa, do một lỗi đánh máy. Tuyệt đại đa số người dùng Uber không cần biết nó có nghĩa gì. Talawas là gì, điều đó không quan trọng. Trong các trường phái nghệ thuật, chỉ có DadaPunk là đem lại cho tôi cảm hứng lâu dài. Tôi tin rằng những người đồng sáng lập Talawas sẽ không phản đối nếu tôi đặt nó vào luồng cảm hứng đó. Pro&Contra thì không thể đơn giản hơn, dịch nôm na là Bênh&Chống.

Trần Vũ: Talawas thành công rực rỡ, từng là diễn đàn của trí thức và các nhà văn trong-ngoài nước. Tuy nhiên cũng chính trong thời gian này không ít học giả đã xem Talawas là một chợ trời xào xáo. Khi chuyển sang Talawas blog, hiện tượng “phản hồi du đãng” thêm gia tăng. Trước đây Mai Thảo, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác không cho phép thị phi trên các diễn đàn của họ. Chính Phạm Thị Hoài là người đưa tiếng nói của bạn đọc lên sân khấu. Một cách công bằng, đã có những ý kiến xác đáng nhưng bên cạnh, khá nhiều sàm báng. Trên các trang Magazine Littéraire, Lire hay Granta The Magazine of New Writing, không có hiện tượng ấy. Các tạp chí quân sử Guerres & Histoire hay Ligne de Front, Les Grandes Batailles tuy có thư bạn đọc nhưng không cho phép nặc danh, họ đặt dấu nhấn lên authentification: Anh là ai, căn cước, nghề nghiệp, địa chỉ phải chứng minh xác thực trước khi có quyền phản biện. Tây phương không chấp nhận nặc danh nhưng trên Talawas tràn ngập. Có phải đây là dark side của Internet tiếng Việt mà chính Phạm Thị Hoài cũng nhận ra đang tạo môi trường cho “tiêu cực” phát triển, nên đã hủy phần phản hồi perverse này khi làm Pro&Contra?

Phạm Thị Hoài: Đó thực ra là câu chuyện của nền dân chủ và những xã hội mở. Dân chủ là thể chế duy nhất có thể tự kết liễu hợp pháp bằng những phương tiện của chính nó. Chưa có nhà độc tài nào hạ lệnh đánh rụp là từ mai ta sẽ chuyển sang dân chủ, ai không theo sẽ bị cắt cổ. Nhưng đã có một số nền dân chủ tự nguyện bỏ phiếu cho một kẻ độc tài. Những nhân vật sáng láng như Alexis de Tocqueville, Winston Churchill, Albert Einstein đều đau dạ dày vì những nguy cơ đến từ đám đông, từ đa số, nhưng họ vẫn suốt đời cổ vũ và cống hiến cho dân chủ. Talawas đã thực hành dân chủ bằng một diễn đàn mở. Tôi chưa bao giờ thấy cần phải xét lại quyết định đó. Vấn đề của chúng tôi là đã không đủ phương tiện về thời gian, về nhân lực, về kỹ thuật, về tài chính để lập và duy trì những thiết chế yểm trợ cho diễn đàn mở đó. Dân chủ rất tốn kém và đòi hỏi rất nhiều kỹ năng. Pro&Contra chỉ là một blog cá nhân, ở đó tôi càng không có phương tiện gì, dù chỉ để bảo vệ nó về mặt an ninh. Nhưng nó được kết nối với Facebook, ở đó ai cũng có thể tham gia phản biện, vì vậy chức năng nhận phản hồi trên blog không cần thiết nữa.

Trước đây tôi tưởng rằng cư dân mạng ở các nước văn minh phương Tây cũng văn minh hơn, và những hiện tượng kinh hoàng như Quan Làm Báo hay Chân Dung Quyền Lực chỉ là đặc sản của người Việt. Nhưng tôi nhầm. Fake newshate speech là của chung nhân loại. Tôi tin rằng chỉ trong vòng 20 năm tới chúng ta sẽ chứng kiến những khả năng và chiều kích của truyền thông và mạng xã hội mà so với chúng thì một website hoạt động như Talawas giống như thẻ trúc khắc chữ trước khi công nghệ in trên giấy ra đời. Khi ấy, có lẽ nặc danh không còn là tiêu cực, mà là một quyền thiêng liêng phải bảo vệ và sẽ được tính vào hàng nhân quyền.

–oOo–

“Nếu có thể đơn giản chia các nhà văn thành hai trường phái, một bên dùng ngôn ngữ để miêu tả thế giới, một bên dùng ngôn ngữ để dựng nên thế giới, thì Alice Munro, chủ nhân giải Nobel năm nay, thuộc trường phái thứ nhất. Tôi nghiêng về trường phái thứ hai. Bà không biết phải làm gì với William Faulkner, một trong những tác giả tôi ngưỡng mộ. Tôi không biết phải làm gì với Carson McCullers, một trong những tác giả bà cảm phục. Tôi sẽ không chọn Alice Munro nếu bị lưu đày ra một hòn đảo vắng mà chỉ được đem theo một cuốn sách. Nhưng tôi mừng và biết ơn là đã đọc bà. […]

Văn chương, theo Paul Valéry, là nghệ thuật đùa với tâm hồn người khác. Có người đùa bằng sức mạnh của ngôn ngữ. Có người đùa bằng trí tuệ siêu phàm. Bằng kiến văn bao la. Bằng trí tưởng tượng rực rỡ. Bằng năng lực đi trước hoặc năng khiếu đi cùng thời đại. Bằng cảm xúc và cảm hứng. Bằng thủ pháp hay thủ đoạn. Bằng thử nghiệm hay những mớ thần kinh cách điệu… Tất cả những thứ ấy không có chỗ trên những trang viết nhỏ của Alice Munro.” [Phạm Thị Hoài]

Trần Vũ: Trước đây khi viết về Nguyễn Tuân, Hoài từng mô tả: “Ông là ngọn đồi thấp trên địa hình bằng phẳng của văn học.” Về tổng bí thư Đỗ Mười: “Lời lẽ thô sơ hơn cả mặt mũi.” Còn Alice Munro: “Bà viết nhỏ“, tức không có tác phẩm lớn. Và Hoài “sẽ không chọn Alice Munro nếu bị lưu đày ra một hòn đảo vắng mà chỉ được đem theo một cuốn sách.” Vô cùng mềm mại nhưng vẫn là một phi tiêu với một nhát chùy trong một chiêu pháp tuyệt mỹ. Nhưng điều tôi muốn biết: Nếu phải ra hoang đảo ngay bây giờ, và chỉ được đem theo một quyển sách, thì Phạm Thị Hoài đem gì?

Phạm Thị Hoài: Hoang đảo thực ra không phải là môi trường lý tưởng để đọc sách. Đọc ngược hẳn với tập yoga. Một đằng là rút ra, một đằng là cho vào. Ra đảo, chỉ tập yoga là hợp lý. Nhưng đọc khá gần với yêu. Có những cuốn sách bao nhiêu người thèm muốn và ta cũng khao khát, tay chỉ rờ vào gáy nó, mũi chỉ chạm nhẹ hít hà mùi giấy mực là ngực đã đánh trống, nhưng càng đọc lòng càng nguội lạnh, càng đọc càng thấy nó với mình chẳng liên quan gì, cố ép chẳng qua là tự lừa dối. Có những cuốn khiến ta bối rối, chẳng biết thế là yêu hay là không yêu. Có những cuốn ta phải lòng ngay từ dấu phẩy đầu tiên, vừa đọc vừa cầu xin nó đừng kết thúc. Có những cuốn ta từng gắn bó tha thiết, tưởng số phận là đây, định mệnh là đây, một thời gian sau gặp lại chỉ thấy nhạt phèo, thậm chí muốn độn thổ vì tự ngượng với mình. Có những khi ta lên cơn thèm, sách nào cũng được, cốt là thỏa ham muốn. Có những khi trái tim ta đóng cứng, tưởng chẳng còn rung động nổi trước trang sách nào. Cũng như những cuộc tình phần lớn là dang dở, đa số các cuộc đọc trong đời ta là dở dang. Cũng như không một mối tình duy nhất nào đi suốt được một đời người, không một cuốn sách hay bộ sách duy nhất nào có thể theo trọn một đời đọc. Tôi dự định trước khi chết sẽ đọc hết Ulysses mà tôi bỏ dở đều đặn, bắt đầu từ đúng 40 năm trước, rồi 30 năm, 20 năm, 10 năm trước, năm nay cũng thế, như một nghi lễ lẩn thẩn. Nhưng không có gì đảm bảo dự định đó sẽ thành công và nếu thành thì tôi có hạnh phúc không. Cũng như trong tình yêu, hạnh phúc trong đọc sách chỉ là một lời hứa.

Trần Vũ: Trong Lời Tạm biệt bạn đọc Pro&Contra, Hoài viết: “Nếu được lùi trở lại, tôi không do dự chọn mười ba năm vừa rồi để làm đúng những việc đã làm. Song từ ngày mai, mở đầu một năm mới, tôi đã bồn chồn cho một giai đoạn mới.” Trước khi chấm dứt, Phạm Thị Hoài cho biết giai đoạn hậu Pro&Contra trong đời sống của mình.

Phạm Thị Hoài: Tôi đang chuẩn bị một bộ sách. Khi nào xuất bản, tôi sẽ quảng cáo rằng bạn hãy quên nhân sâm, mắm nhum, mật gấu, sừng tê giác, vi cá mập đi nhé. Sách của tôi ngâm với rượu quốc lủi chữa bách bệnh. Đó mới là văn học vị nhân sinh đích thực. Người Việt rất mê thần dược. Chỉ cần một phần trăm người Việt toàn thế giới chịu mua là tôi thành triệu phú. Tôi sẽ dùng số tiền đó để ủng hộ những trang mạng độc lập như Luật Khoa của các nhà báo và trí thức trẻ với hai đại diện xuất sắc là Phạm Đoan Trang và Trịnh Hữu Long. Không có thực lực tài chính, báo chí và truyền thông độc lập của chúng ta rất sớm đi hết giới hạn của nó, trong khi chủ nghĩa toàn trị và chủ nghĩa xã hội giáo điều đang trở lại, mạnh hơn bao giờ hết với một Trung Hoa đang chuẩn bị thay chân Mỹ đứng đầu thế giới. Cơ may để Việt Nam thoát khỏi quỹ đạo Đại Hán là một phần nghìn. Trong thập niên tới, những người đang tranh đấu cho một nước Việt Nam dân chủ sẽ gặp khó khăn gấp bội.

Trần Vũ thực hiện qua điện thư

Đăng lần đầu trên Đặc san Trẻ số Xuân Mậu Tuất 2018

Comments are closed.