Trò chuyện với Ngu Yên

Kỳ 1 – Ngụ Ngôn Một Thi Sĩ

Những năm 78-89 một thi sĩ lạ xuất hiện trên tập san Văn học Nghệ thuật của Võ Phiến, rồi Văn học bộ mới thời Nguyễn Mộng Giác làm chủ biên. Ngu Yên gây chú ý tức khắc bằng những vần thơ ngang ngang thách thức, đầy phóng túng. Nguyễn Mộng Giác ghi nhận: “Ngu Yên cắm dùi vùng đất ngông của thi ca hải ngoại.” Nhiều thập niên sau, gặp anh, tôi thử đào bới và lật ngược những cánh đầm lầy bên trong thi sĩ.

clip_image002Trần Vũ: Chào anh Ngu Yên. Anh cho phép tôi làm chính ủy tra khảo lý lịch một thi sĩ. Trước khi xuất bản hai thi tập đầu tay Hóa ra nét chữ lên đàng quẩn quanh Tựa đề ở bên Trong, anh là ai, làm gì, tạm trú hộ khẩu ở đâu? Chừng như một giai đoạn anh khoát áo tu rồi tu xuất nhập thế? Anh có thi hành quân dịch trước 75? Anh còn mang tâm trạng di cư hay không? Yêu cầu anh thành khẩn khai báo với Đảng ủy. “Chính quyền trong tay Sô-Viết”, là buổi làm việc ép cung của chúng ta.

clip_image004Ngu Yên: Chào anh Trần Vũ, câu chuyện bút đàm giữa chúng ta, có lẽ sẽ nặng hơn và dài hơn ở phần ý thức nghệ thuật thơ, ý thức sáng tác và ý thức sáng tạo. Tôi sẽ tóm tắt phần đời tư như chuyện tạo ngôn vì mỗi người chúng ta là một câu chuyện dài, có thể tóm gọn như Chử Đồng Tử, Lê Như Hổ, Trạng Trình, Tấm Cám, Ba Giai Tú Xuất, Con Cóc là Cậu Ông Trời, kể cả Con Mèo Trèo Lên Cây Cau.

Qua nhiều năm tháng suy nghĩ về mình và về đời mình, tôi kết luận rằng, đời mình như chiếc bóng của mình. Chiếc bóng bản thân là thằng hề. Nếu mình đứng lên, cái bóng sẽ vươn cao, đầu nó đụng vào trần nhà. Nếu mình ngồi xuống, nó sẽ té bật ngửa. Nếu mình nằm, nó mới chịu nằm chung. Những gì mình làm, đời sẽ diễn theo một cách hài hước, đôi khi ngu ngốc. Nói một cách khác:

1- Khi Chử Đồng Tử vùi thân dưới cát vì không có quần, tôi đang học lớp nhất và tự nguyện đi tu. Trong nhà dòng Sư Huynh, tiểu chủng viện cạnh bãi biển Nha Trang, sát bên trường trung học Lasan Bá Ninh. Tôi đã học được nhiều thứ “tử tế” trong cuộc đời. Học nhạc, học các thứ tiếng La Tinh, Pháp và Anh, học đàn, học thủ công… thú vị nhất là học Thánh Kinh. Thú vị vì tôi thường hiểu khác với những lời giảng dạy trong ngụ ngôn của Cựu Ước và Tân Ước. Sự mâu thuẫn giữa sợ hãi Thiên Chúa và bất đồng với nhiều thứ do Chúa tạo ra, đã tràn ngập tôi nhiều đêm mất ngủ.

Rồi công chúa Tiên Dung xuất hiện, nàng lại che màn, tắm nơi Chử Đồng Tử núp dưới cát. Nước chảy, tình lên. Dần dần Chử Đồng Tử hiện ra nguyên hình. Lúc đó tôi rời tu viện, dấn thân vào đời sống thật sự với cuốn sách gối đầu, Narcissus and Goldmund. Đôi Bạn Chân Tình hoặc Tu Sĩ và Nghệ Sĩ.

2- Khi Rồng Rắn Lên Mây, 1973, vừa đậu xong năm 2 trường Luật, ham đi chơi, không chờ lấy giấy hoãn dịch học vấn, lang thang về Nha Trang. Bị quân cảnh bắt vì để tóc quá dài, sau đó, giấy hoãn dịch quá hạn. Thế là, Xếp bút nghiên theo việc đao cung.

Trên con đường chiến dịch chờ ra chuẩn úy, bị bộ Tổng Tham Mưu đuổi về Trường Luật. Thế là, Con Mèo Trèo Lên Cây Cau, chưa kịp hỏi thăm chú chuột, đã vội vàng trèo xuống.

3- Sớm 27 tháng 4 năm 1975, trời mưa rất nhẹ. Sài gòn có nơi náo loạn, lại có nơi yên tĩnh. Con hẻm Phát Diệm vẫn sinh hoạt bình thường cho dù những thì thầm to nhỏ, âu lo, hiện diện khắp nơi. Tôi rời Sài Gòn, đi Vũng Tàu, để lại mẹ nuôi tôi, còn đang mong đợi người anh mất tích trong chiến trận. Cả đời tôi không quên được cảnh mẹ tôi khóc trên lan can, nhìn xuống những đứa con bắt đầu rời con hẻm. Nếu Thượng Đế dạy người về yêu thương, bác ái, có lẽ chỉ để đùa.

Ngày 29, Thạch Sanh đã lên khỏi hang sâu. Ai đem công chúa lên thang mà ngồi? Thủy thủ chiến hạm Đài Loan đã kéo người yêu và tôi, cùng các em nhỏ lên khỏi sóng gió.

4- Chúng tôi được nhóm bảo trợ tiếp đón nồng hậu ngày lễ Độc Lập, 4 of July 1975. Sau đó sáu tháng, chúng tôi, một đàn sáu anh em, tự lực cánh sinh cho tới hôm nay. Bắt đầu từ phố Little Rock, Arkansas sang đến phố Houston, Texas.

5- Khi còn là sinh viên trường Luật, tôi thích đánh đàn, viết nhạc. Quen với người làm thơ nhưng không có ý định làm thơ kiểu thi sĩ. Thỉnh thoảng làm thơ tặng bạn gái.

Sinh sống ở Little Rock, Arkansas, nơi buồn bã với núi đồi, dốc cao dốc thấp, bốn mùa đầy đủ và thiếu thốn người Việt, tiếng Việt, tự dưng muốn làm thơ vì không có ai thích nghe nhạc mới sáng tác mà chỉ nghe nhạc réo gọi quê hương, thảm thiết nhớ nhà.

Được thời bắt gặp tờ Văn Học Nghệ Thuật do Võ Phiến và Lê Tất Điều chủ trương, tôi xuất hiện lần đầu tiên trong số 4, tháng 7 năm 1978. “Những Đêm Dài Của Mẹ.” là bài thơ thuộc dạng hư cấu hiện thực, tức là dựng thơ. Lúc đó, khi gửi bài tôi không để tên, nên ông Võ Phiến đặt cho cái tên: NGH.L, LittleRock, tức là Nghi vì ông nghĩ rằng tôi đã giấu tên bút hiệu cũ trước 1975. Tôi thật sự, chính thức được Thơ nhận vào chơi từ hôm ấy.

6- Tiếp tục làm thơ, một hôm, tôi cảm thấy NGH… không giống mình. Có vẽ quặt quẹo như Lý Thông. Tôi chọn cho mình cái tên Ngu Yên, theo cách phát âm của người Hoa Kỳ; cũng để đánh dấu ngôn ngữ ở một khúc quanh.

Ngôn ngữ chẳng những là hình thức của thơ, còn là phương tiện cụ thể hóa đời sống tâm trí. Hàng ngày giao tiếp và xâm nhập vào đời sống Hoa Kỳ, tâm tình, trí óc và tâm linh của chúng ta bị tiêm nhiễm, phải đổi thay dù muốn hay không, dù biết hay không. Ngôn ngữ Việt mà chúng ta dùng cụ thể hóa đời sống, suy nghĩ, tâm sự đã đổi thay này, sẽ dần dà mang ý nghĩa và giá trị khác hơn lúc ban đầu. Ví dụ chữ Tự Do dùng trước năm 1975 và chữ Tự Do sau khi chúng ta kinh nghiệm về đời sống Hoa Kỳ, dù giống nhau trong tự điển, sẽ khác nhau trong tâm thức mỗi người. Lãnh vực của các từ cụ thể, nhất là trừu tượng, sẽ tự động mở rộng, đào sâu theo môi trường sinh sống. Vậy thì, ngôn ngữ này ảnh hưởng tới thơ ra sao? Sự diễn đạt, “Tôi tìm thấy tự do…” trước sau, khác ra sao? Trong nước – ngoài nước khác như thế nào? cho dù cùng một câu thơ.

Trần Vũ: Như vậy là “trong quá trình học tập”, anh học Lasan Bá Ninh Nha Trang. Hóa ra trước “Cách Mạng”, chúng ta chung gốc trường Dòng và cùng nghi hoặc thượng đế. Chính ủy và phạm nhân, chung lập trường… Nhưng chừng như anh rất đắm say với ngoại sử, cổ tích và ngụ ngôn? Bóng dáng của các nhân vật huyền tích vây lấy anh, như trong bài thơ có cấu trúc khá lạ của anh gần đây “Dã tràng” ở nơi nào? Có ai thấy ngọc vạn ngôn?”. Anh “đấu tranh” bài thơ này ra sao?

Ngu Yên: Đúng, tôi ra khỏi Tiểu Chủng viện Lasan thì vào ngay trung học Lasan Bá Ninh, hai bên cách nhau một hàng rào. Những ngày trong sân tu viện, nhìn qua sân trường Bá Ninh, tôi thấy sự tự do của học sinh cùng lứa tuổi và họ chắc nhìn chúng tôi như mẫu mực của con cháu thiên thần. Lúc có thể đứng trong sân trường Bá Ninh, trở thành cầu thủ bóng rổ đội B và người đánh đàn hát rong lối xóm, tôi thường tự hỏi vì sao người chăn chiên, trong ngụ ngôn của kinh thánh, lại bỏ lại cả đàn chiên để chỉ đi tìm một con chiên đi lạc? Câu chuyện không có đoạn kết bi thảm, nhưng nếu khi người chăn chiên dẫn con chiên lạc trở về, thấy cả đàn chiên đã bị bầy sói ăn thịt thì sao? Bác ái và công bình đối với một con chiên đi lạc và đối với một bầy chiên trung thành, lý luận sao đây?

Có lẽ vì bị ảnh hưởng kinh Cựu Ước và Tân ước lâu ngày, tôi rất yêu ngụ ngôn. Tôi say mê những bí mật trú ngụ trong ngôn từ. Tò mò và bị kích động bởi những gì ẩn núp trong câu truyện, gọi là ngụ ngôn. Ngoại sử, cổ tích, truyện hư câu, kể cả truyện chưởng cũng thuộc về ngụ trong ngôn. Phải chăng Đông Châu Liệt Quốc, Tam Quốc Chí cũng là ngụ trong ngôn? Thơ thì nhất định là ngụ trong ngôn. Có lẽ, đây cũng là một lý do thầm kín, sau này, dẫn tôi đến thơ.

Từ đó, tôi thường đọc ngụ ngôn của các quốc gia khác, dĩ nhiên, thích nhất là ngụ ngôn Việt. Bản chất của ngụ ngôn là câu chuyện mở. Nó không chấm dứt ở hàng cuối cùng. Những nhân vật, những tình tự, những diễn tiến đeo đuổi người đọc qua nhiều năm tháng. Có khi bừng tỉnh ở một kinh nghiệm trong đời; có khi sâu sắc hơn khi học hỏi một kiến thức mới; có khi giải tỏa được một câu hỏi trong lúc không có manh mối cho câu trả lời.

Ngụ ngôn thật sự không có tác giả, sự khôn ngoan và sâu sắc qua nhiều thời đại, qua nhiều tâm hồn đã dựng nên. Đã truyền đi, đã được sửa chữa cho tốt hơn, hay hơn. Người đọc ở bất kỳ thời điểm nào cũng đồng sáng tạo với ngụ ngôn. Những gì ngụ ngôn nói với người này chưa hẳn nói với người khác. Ngụ ngôn lớn là ngụ ngôn truyền đạt nhiều mức độ khác nhau tùy vào khả năng cảm nhận của mỗi người. Thấy rõ trong truyện Kim Dung. Phải chăng thơ cũng mang ưu điểm này?

Tôi đặc biệt thích Sự Tích Dã Tràng từ thuở trẻ. Tôi đã từng hoang tưởng mơ mộng lượm được một viên ngọc như Dã Tràng để có thể nghe được loài vật nói chuyện. Tôi đã từng vẽ vời biết bao là tưởng tượng chung quanh viên ngọc.

Tôi đã nhiều lần viết tản văn về sự tích Dã Tràng nhưng chưa lần nào vừa ý…

Trần Vũ: Nhưng vì sao “vạn ngôn”?

Ngu Yên: Dã Tràng là một ngụ ngôn đầy ẩn ý thú vị và sâu sắc. Tầng lớp bên ngoài là một câu chuyện răn đời như bao ngụ ngôn khác. Chia ra nhiều đoạn ngắn, mỗi đoạn răn dạy những chuyện khác nhau như trinh tiết đàn bà: bắn chết con rắn cái lang chạ; bản chất tiểu nhân: bị quạ hãm hại; ở hiền gặp lành: từ tù nhân lên làm quan; yếu tính của hữu và vô: được ngọc và mất ngọc; hy vọng và thất vọng: tìm ngọc biển đông; luân hồi: dã tràng xe cát. Đi sâu vào trong, gặp viên ngọc rắn. Từ khi có sự tích Dã Tràng đến nay, viên ngọc này chưa có tên. Những viên ngọc quí trong lịch sử đều có tên gọi. Còn có viên ngọc nào quí hơn viên ngọc nghe được tiếng muôn loài. Khi quên khi nhớ, tôi vẫn thường nghĩ về viên ngọc rắn. Cho đến một hôm, bật ra chữ Vạn Ngôn. Bài thơ bắt đầu từ hôm đó. Hơn một tháng sau, bài thơ thành hình. Sau hai tháng nghiền ngẫm và sửa chữa, bài thơ “Dã Tràng Ở Nơi Nào? Có Ai Thấy Ngọc Vạn Ngôn?” chính thức hoàn tất. Không nhớ bao lâu sau, mới gửi đăng ở mạng lưới Da Màu. http://damau.org/archives/34958

Trần Vũ: Còn cấu trúc?

Ngu Yên: Anh hỏi về cấu trúc lạ của bài thơ này, tôi xin trả lời vắn tắt vì sẽ bàn kỷ hơn khi đi sâu vào sáng tạo thể thơ. Tóm lại, mỗi thi sĩ, khi làm thơ, mỗi bài thơ hoặc mỗi dòng thơ đều có một thể thơ hoặc vài thể thơ thích hợp. Khi không còn thể thơ nào hiện hành thích hợp, thi sĩ phải tự sáng tạo ra thể thơ để có thể diễn đạt tâm tư và trí tuệ của mình.

Tôi luôn luôn tự hỏi, vì sao phải lệ thuộc vào thể thơ? Thơ thật sự là chữ nghĩa diễn đạt bằng nghệ thuật thơ. Thể thơ phải cưu mang và biến hóa để thể hiện nội dung thơ. Như đổ một ly nước trên nền nhà, ai biết nó sẽ đọng lại hình thù gì? Ly nước lớn, ly nước nhỏ tạo ra hình dạng vũng nước khác nhau. Dù cùng một dung lượng nước, hình vũng nước cũng sẽ khác nhau. Tại sao phải gọi là truyện? Tại sao phải gọi là nghiên cứu? Tại sao phải gọi là lý luận? Tại sao phải gọi là tùy bút… Tại sao phải gọi là thơ? Cái giới hạn này ở đâu? Ai đặt ra giới hạn? Và tôi đã chọn thể thơ thành hình tự nhiên theo sáng tạo, theo cường độ của tình và ý.

Nội dung của bài thơ này chính là khả năng, sự phi thường và giới hạn của ngôn ngữ. Và sự mơ tưởng về một ngôn ngữ chung của thi ca. Có hay không một ngôn ngữ chung của thơ? Tôi nghĩ rằng có.

Ngọc Vạn Ngôn chính là ngôn ngữ chung của nhân loại mà tháp Babel đã làm cho phân hóa. Để khi nào chúng ta bàn về sáng tạo trong ngôn ngữ thơ, tôi sẽ trình bày cùng Trần Vũ về ngôn ngữ nào là ngôn ngữ chung của ngôn ngữ nhân loại, đặc biệt là của thơ.

Trần Vũ: Tôi có quyền nghĩ là Ngu Yên “về nguồn” trong tìm kiếm sáng tạo?

Ngu Yên: Thật sự tôi không quan tâm lắm về việc “về nguồn hoặc xa nguồn”. Túi khôn của nhân loại là kho tàng quí báu. Túi khôn của dân Việt là kho báu cho người Việt. Hốt những gì trong túi khôn, càng nhiều càng tốt, ăn và tiêu hóa mỗi ngày, rồi tải lại những gì đã hốt vào túi khôn tương lai.

Tôi nghĩ, sáng tạo trong sáng tác là xóa bỏ các biên giới: mới và cũ; truyền thống và cách tân; Việt Nam và thế giới; truyện, thơ, hội họa, phim ảnh, v.v… các loại nghệ thuật. Cõi nghệ thuật rộng mênh mông, thời gian dài bất tận, chính con người chia ra thành thời đại, thành bộ môn, khiến cho nghệ thuật bị giới hạn, rồi trước sau gì nghệ sĩ cũng tiến tới biên giới của mỗi bộ môn.

Nghệ sĩ của mỗi bộ môn càng ngày càng phải đào sâu vào nghệ thuật đặc thù vì những tài hoa đi trước đã khai phá hết các tầng lớp trên. Càng sâu thì càng hẹp và càng khó khăn hơn, càng nhiều thử thách. Sáng tạo tác phẩm và sáng tạo phương pháp sáng tác là hai chuyện khác nhau. Từ góc nhìn của sáng tạo sáng tác, sự khác biệt của kỹ thuật và nghệ thuật giữa các bộ môn nghệ thuật không còn quan trọng. Có lẽ chính anh Vũ cũng chạm trán với vấn nạn này trong bộ môn truyện?

Ngày nay, mọi thứ đều mang tính toàn cầu, nhờ những phương tiện kỹ thuật cao. Văn chương cũng vậy. Nói chung, nghệ thuật cũng vậy. Kiến thức toàn cầu, kinh nghiệm cá nhân được toàn cầu hóa, kỹ thuật vănnghệ đăng tải toàn cầu, nghệ thuật toàn cầu nhan nhản khắp nơi, trong tầm tay bấm nút. Vậy thì sáng tác nên đứng trên tiêu chuẩn toàn cầu vì kinh nghiệm sáng tạo toàn cầu đã được ghi lại và trao đổi một cách dễ dàng.

Ngôn ngữ có biên giới cụ thể nên ngôn ngữ của mỗi người không thể hiện tính toàn cầu. Nhưng trí tuệ và tâm tình không có biên giới. Dù viết bằng ngôn ngữ nào, nếu trí tưởng, ý tứ và tâm tư ở mức độ toàn cầu thì bài viết ấy có tầm độ toàn cầu.

Độc giả đọc tiếng Việt ư? Đúng nhưng không giới hạn. Mốt mai, độc giả các ngôn ngữ khác vẫn có thể đọc được bài tiếng Việt.

Nguồn hứng ở đâu? Càng suy tư, càng tiếp tục ngẫm nghĩ về nhiều chuyện, chuyện nhỏ, chuyện lớn, chuyện vui, chuyện buồn, thì nguồn hứng tự nhiên sẽ đến. Tôi tìm sáng tạo bằng cách này.

Trần Vũ: Vì sao thuộc thế hệ bị Hiện sinh ma quỷ của Sartre ám nặng trước 75 mà anh thoát ra được? Tôi sinh sau thời kỳ Phản chiến Buồn nôn của Sartre, nên muốn hiểu tâm trạng anh khi ấy. Không khí vừa chiến tranh, vừa văn chương miền Nam khi đó ập xuống anh như thế nào? Thơ Ngô Kha tác động gì đến anh?

Ngu Yên: Trước năm 1975, tôi chỉ là người đọc. Chiến tranh là chuyện quen thuộc như cơm bữa. Người quen qua đời vì bom đạn đôi khi không còn buồn bã như lúc ban đầu. Còn phản chiến? Tôi rất ghét những người phản chiến. Tôi đã từng tham gia và thủ lãnh nhóm chống phe biểu tình phản chiến tại các trường trung học ở Qui Nhơn, từ lúc còn là học sinh lớp đệ nhị. Phải bỏ học, chạy trốn khỏi Qui Nhơn trong đầu năm đệ nhất vì bị kết án tử hình. Nhưng tôi cũng vui vẻ hát nhạc Trịnh Công Sơn, rong chơi với nhóm bạn Miên Đức Thắng và có nhiều bạn thiên tả. Ngô Kha là thế hệ đàn anh, là người phản chiến thời ấy, không được tôi yêu chuộng.

Tuy phải nói một cách công bình, thơ của Ngô Kha có lửa và có tâm sự. Ông làm thơ tự do, mới trong thời điểm trước 1975. Thơ của ông chứng tỏ tài hoa, những câu thơ làm cảm động lòng người, tuy không độc đáo nhưng độc hành. Con đường đã dẫn ông đi vào cõi chết quá sớm. Thơ chưa kịp mùa nở hương.

Sartre ảnh hưởng tôi nhiều nhất có lẽ là cà phê, thuốc lá và một lối sống bất cần đời. “Bách Tô xanh gắn chặt ngón tay vàng, Jean Paul Sartre với đề tài hiện sống…” Câu nói đùa trên bàn cà phê vẫn còn trong ký ức hôm nay. Tôi có đọc tác phẩm Buồn Nôn nhưng không hiểu gì. Đọc những bài viết về Hiện Sinh, đọc sách dịch, giới thiệu học thuyết Hiện Sinh với các tên tuổi như Kierkegaard, Heidegger, Sartre, Gabriel Marcel, Nietzsche… với những chữ nghĩa “phi lý”, “hư vô”, “siêu nhân”… không hiểu gì cả. Đọc như mọt sách. Nói lại như vẹt. Học hai năm ở ban triết, văn khoa Sài Gòn chỉ đủ để gật gù thời thượng.

Nhưng tôi yêu nhất, cảm nhất, say mê nhất là cuốn sách dịch “Zarathustra Đã Nói Như Thế” của Nietzsche, dịch giả Trần Xuân Kiêm. Rồi đọc tiếp “Buổi Hoàng Hôn Của Những Thần Tượng”, cũng của Nietzsche do Nguyễn Hữu Hiệu dịch. Chính nội dung của cuốn sách đã giúp tôi sau này, luôn luôn làm kẻ tìm kiếm và không dừng lại lâu ngày ở bất cứ một thần tượng nào. Như anh thấy, trước 1975, Nietzsche ảnh hưởng tôi nhiều hơn Sartre. Cùng với Nietzsch là Kinh Dịch, Đạo Đức Kinh, Nam Hoa Kinh đã xây dựng nền tảng suy tư của tôi. Lẽ ra không nên đọc Đạo Đức Kinh và Nam Hoa Kinh lúc tuổi còn trẻ. Thay vì thu nhận được sự tích cực của kinh điển, tôi lại thấm thía không khí tiêu cực của các bậc dị nhân. Những tiêu cực này ám ảnh thơ tôi rất lâu ngày, mãi sau này mới thoát được.

Yêu cuồng sống vội, phong trào Hippy được hiểu đơn giản như vậy. Vào lứa tuổi hai mươi, yêu cuồng là chuyện thích ứng và ham muốn. Với chiến tranh càng ngày càng dữ dội, sống vội là điều dễ hiểu và dĩ nhiên. Mãi về sau qua đến hải ngoại mới có dịp nghiền ngẫm Sartre và Buồn Nôn.

Từ đó, Sartre ảnh hưởng tôi về ý thức và trách nhiệm của một người có tự do khi sáng tác.

Viết văn, làm thơ, để vui chơi trong tháng ngày phù phiếm, điều này đúng cho sinh hoạt cá nhân. Văn chương, thi ca tự nó không phải để vui chơi cho dù có thể là trò chơi. Chưa kể sự khác biệt giữa người ý thức vui chơi và người vui chơi tùy tiện.

Có người cho rằng viết chỉ để chơi nhưng nếu có ai phê phán về bài viết, lập tức người ấy phản pháo, tức giận như bị chọc gan rồng, như vậy thì đâu phải để chơi? Anh nghĩ sao về chuyện vui chơi với văn chương?

Trần Vũ: Văn chương, với công chúng là văn hóa. Với nhà văn, phải là một tín ngưỡng. Giai cấp sáng tác Việt, ngược lại, thay “tín ngưỡng”, “văn hóa” bằng “văn nghệ”. Chính tính cách văn nghệ khiến số đông sa trầm vào dễ dãi, trong lúc văn chương cần thuần khiết và nên là một sự cực đoan tinh thần. Các nhà văn thế giới, vui chơi ít mà dấn thân cho những điều họ viết. Chúng ta không được vậy.

Hết phần 1.

Bản cắt ngắn in trong Tuần san Trẻ Dallas tháng 6 và 7-2015

Bản nguyên trên Văn Việt

Trần Vũ thực hiện qua điện thư tháng 5 và 6-2015

Comments are closed.