Bản sắc kiến trúc Việt Nam trong nền kiến trúc đương đại

KTS. Trần Yên Nguyên

Nguyên cán bộ Viện Kiến trúc Quốc gia

phoi canh thiet ke vien VSDT tay nguyen thie_́t ke_́ theo phong cách nhà dài E_đe_

               Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên – bản vẽ phối cảnh thiết kế theo phong cách “Nhà dài” Ê Đê (KTS Trần Yên Nguyên) 

Một điều không nhiều người quan tâm nhưng lại rất quan trọng đối với việc định hướng cho nền kiến trúc đương đại của một quốc gia có chủ quyền. Đó là bản sắc dân tộc .

Mới cách đây vài ngày tôi nghe một kiến trúc sư trẻ say sưa giới thiệu về gói du lịch Kiến trúc Pháp tại Hà nội trên truyền hình. Thật đáng tiếc sao đó lại không phải là bài giới thiệu về khu phố cổ Hà Nội, về kiến trúc truyền thống Việt Nam. Đắn đo suy nghĩ mãi tôi buộc phải đưa ra suy nghĩ của mình vì biết mà không nói thì thật là có tội với tiền nhân và có tội với hậu thế. Bởi kiến trúc khác với những lĩnh vực nghệ thuật khác, sản phẩm của nó còn tồn tại trên trái đất vài chục đến vài trăm năm mà không dễ gì đập đi xây lại!

Cách đây một năm, Bộ Xây dựng có ban hành công văn số 942/BXD-KTQH (ngày 23/5/2013) trong đó nêu: Bộ Xây dựng lưu ý các địa phương không xây dựng các công trình theo hướng nhại kiểu kiến trúc cổ điển Pháp – Châu Âu…. Nhưng sau đó Bộ lại ra văn bản hủy bỏ lệnh cấm này.

Theo tôi việc cấm xây nhà nhại kiến trúc cổ điển Pháp – Châu Âu là việc không nên, nhưng việc hủy bỏ lệnh cấm lại càng sai hơn việc cấm. Bởi nếu ta thuyết phục người dân, tạo dựng cho người dân lòng tự hào dân tộc giáo dục cho các kiến trúc sư tình yêu với nền Kiến trúc Việt Nam, biết nghiên cứu và hiện đại hóa nó thì ta không cần cấm các kiến trúc sư và các chủ nhân công trình cũng không dại gì vẽ và xây dựng những công trình lai căng vay mượn phong cách.

Nói về kiến trúc, kiến trúc nước nào cũng có những nét độc đáo riêng. Kiến trúc Pháp, kiến trúc Nhật và kiến trúc Trung Quốc là 3 dòng kiến trúc ảnh hưởng nhiều đến nền kiến trúc Việt Nam. Hiện nay ở nước ta các công trình kiến trúc này còn khá nhiều, ta nên trùng tu, bảo tồn và xem đó như một chứng tích ghi dấu ấn của lịch sử. Đó chính là hiện vật của bảo tàng kiến trúc nhưng không nên khuếch trương và phát triển, vì đó là nền văn hóa vay mượn chứ không phải của riêng mình. Tất nhiên trong nghệ thuật không có khái niệm tuyệt đối, nó có sự lây lan ảnh hưởng và tương hỗ qua lại, theo thời gian, theo địa chí, theo đường đi buôn bán của các thương gia, theo dòng truyền giáo của các tu sĩ mà thâm nhập vào các nước, hòa quyện với nền văn hóa nghệ thuật bản địa và nhuần nhuyễn dần theo thời gian, theo năm tháng nhưng vẫn phải giữ được cốt cách gốc của văn hóa dân tộc.

Tôi không có vinh dự được đi du học nước ngoài như một số bạn. Nhưng theo tôi, đi du học là để học cái văn minh, học cái kỹ thuật tiên tiến, học cái bản lĩnh và tình yêu với nền văn hóa dân tộc bản xứ của họ để khi trở về Tổ quốc các bạn dùng bản lĩnh lao vào nghiên cứu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để tạo dựng phong cách cho riêng mình dựa vào tất cả những gì đã học hỏi được, chứ không phải để làm cái máy photocopy sao chép, cóp nhặt tạo nên một quần thể công trình hỗn độn, lai căng, thiếu bản sắc.

Cũng do khá nhiều người thiếu hiểu biết, thiếu bản lĩnh, thiếu tình yêu với nền văn hóa vật thể của dân tộc đã tạo cho nền Kiến trúc đương đại rơi vào tình trạng bế tắc và khủng hoảng về phong cách. Các kiến trúc sư, các nhà xây dựng và các chủ nhân công trình đang cố vùng vẫy tìm kiếm phong cách bằng cách vay mượn, cóp nhặt hoạ tiết từ kiến trúc nước ngoài mà không nghĩ tới việc nghiên cứu hiện đại hoá kiến trúc dân tộc để khẳng định phong cách và bản lĩnh sáng tạo cho riêng mình.

Khi mới ra trường cũng như bao các kiến trúc sư khác tôi lao vào thiết kế các công trình kiến trúc lai căng nửa tây, nửa ta, nửa kim, nửa cổ. Dấu ấn đáng hối hận nhất trong cuộc đời KTS của tôi là công trình “Phòng khám bệnh Bệnh viện Việt Đức”. Khi đó có 3 đơn vị với 8 phương án tham gia, chuyên gia Pháp đã chọn phương án của tôi. Thực ra nếu nói về dây chuyền công năng sử dụng của một phòng khám bệnh ngoại khoa, tôi cho đó là công trình hợp lý. Nhưng về phong cách kiến trúc thì thú thực mỗi khi đi qua góc phố Tràng Thi – Phủ Doãn tôi lại day dứt vì sản phẩm mình vẽ ra quá tồi tệ . Đáng lý ra mặt ngoài công trình phải mang phong cách như những công trình kề cạnh nó mới không gây đối chọi làm mất sự hài hòa của cảnh quan đô thị. Sai lầm trầm trọng trong cuộc đời Kiến trúc sư là đã sản sinh ra những công trình không hoàn mỹ mà không dễ gì đập đi xây lại.

vien ve sinh dich te tay nguyen - ảnh co_ng trình trong đe_m le_̃ khánh thành na_m 1995

                                                                                         Viện VSDT TN trong đêm khánh thành (1995)

Một dấu ấn vô cùng quan trọng đã làm tôi tỉnh ngộ. Ngày 23/11/1991, bố tôi (cố họa sĩ Trần Duy) có cuộc triển lãm tranh đầu tiên ở Hà Nội. Tôi không nhớ chính xác số lượng tranh của ông trong triển lãm đó nhưng trong hàng trăm bức tranh: con trâu, cái cày, bụi tre, đình làng, cổng làng, chùa làng, chợ quê… thì chỉ có 2 bức duy nhất ông vẽ Sapa và Đà Lạt, ai xem triển lãm cũng thích và tấm tắc khen 2 bức tranh đó đẹp lắm « cảnh rất Tây ». Sau triển lãm tất cả mấy trăm bức tranh rất Việt Nam bán hết sạch, hai bức tranh duy nhất không bán được chính là 2 bức tranh « cảnh rất Tây » mà ai cũng khen đẹp.

Khi đó tôi mới bừng tỉnh và ngộ ra một điều người nước ngoài đến Việt Nam họ muốn kiếm tìm những gì rất Việt Nam mà họ không thể thấy được ở đất nước họ. Kể từ đó tôi đã lao vào nghiên cứu Kiến Trúc truyền thống của Việt Nam và cũng dồn hết tâm huyết cho việc vận động bảo tồn loại hình di sản văn hóa dân tộc này và nghiên cứu hiện đại hóa hóa nó cho phù hợp với nền kiến trúc đương đại.

Tôi cho rằng, các kiến trúc sư nên nghiên cứu kỹ kiến trúc cổ Việt Nam và hiện đại hoá nó, làm sao để khi nhìn vào một đô thị thì dù kiến trúc có hiện đại nhưng vẫn mang phong cách và nét độc đáo của kiến trúc dân tộc. Ví dụ như các công trình kiến trúc hiện đại của Nhật Bản, nhất là các công trình của KTS Kenzotan, dù rất hiện đại nhưng phong cách vẫn rất Nhật Bản, ta không thể nhầm với bất kỳ kiến trúc một quốc gia nào khác. 

Nhìn vào các đô thị Việt Nam, nhất là những khu phố mới, một quần thể kiến trúc ganh đua, đối chọi, chen chúc, chút Âu, chút Á, chút cổ, chút kim, người ta không thể nhận biết được đó là đô thị của quốc gia nào, phải chăng vì từ phương hướng đào tạo kiến trúc sư ta đã không nghiêm khắc và quan tâm nhiều đến vấn đề bản sắc dân tộc trong thiết kế kiến trúc? Ta có nên buồn không khi các tạp chí thuộc ngành kiến trúc xây dựng in bài, ảnh nhà cửa có lẽ 70% đến 90% là kiến trúc nhà tây, nhà hộp, nhà hiện đại! Ước mong sao các tạp chí này đưa độc giả đến nhiều hơn với nền kiến trúc dân tộc, vì cứ ngắm nhìn mãi các công trình kiến trúc cổ rồi ta sẽ cảm nhận được cái hồn Việt trong kiến trúc, sẽ tìm thấy cái duyên của mái đình, cổng làng, sẽ tìm thấy sự tinh tế từ các hoạ tiết chạm khắc.

Xét thấy ở nước ta, trừ những công trình di tích, tất cả những công trình kiến trúc độc đáo mang bản sắc của các dân tộc Việt Nam được đánh giá là công trình tầm cỡ như Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Toà Giám mục Buôn Ma Thuột, Trường Đại học Tây Nguyên,… thì đều do người nước ngoài thiết kế. Điều đó chứng tỏ kiến trúc Việt Nam rất đẹp và độc đáo, nó có khả năng thu phục người xứ lạ, chỉ tiếc chúng ta sống quá quen với nó nên không cảm nhận được cái đẹp độc đáo và cái duyên tinh tế của nó mà thôi.

Thật đáng tiếc là không nhiều người Việt Nam có được sự hiểu biết về bản sắc văn hóa dân tộc. Cầu mong sao tất cả chúng ta cảm nhận được cái đẹp độc đáo của kiến trúc truyền thống, biết tự hào về di sản văn hóa dân tộc. Tạo dựng cho mình tình yêu để nghiên cứu bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam, khẳng định phong cách cho nền kiến trúc đương đại.

Một đôi điều mạo muội, tôi biết bài viết này của tôi sẽ làm mất lòng không ít những người đang say sưa với nền kiến trúc ngoại lai. Thành thật xin lỗi những ai không cùng quan điểm .

Comments are closed.