Bài phê bình: “Chiến tranh Việt Nam” của Ken Burns sẽ làm thổn thức con tim và chiếm lĩnh tâm trí bạn

James Poniewozik, The New York Times ngày 14/9/2017

Hồng Anh dịch

clip_image002

Một lính nhảy dù của Lữ đoàn Dù 173 sau cuộc đọ súng tháng Bảy năm 1966, trong “Chiến tranh Việt Nam” của Ken Burns và Lynn Novick. Ảnh: John Nance/Associated Press

“Chiến tranh Việt Nam” bắt đầu theo trình tự ngược. Sau phần giới thiệu ngắn là một chuỗi cảnh quay quen thuộc chạy ngược. Bom napalm được hút lên khỏi khu rừng. Bom rơi. Một tù nhân bật sống dậy khi một viên đạn bắn ra từ đầu anh ta trở vào nòng súng.

Trình tự này tựa như một lời tuyên bố cho sứ mạng của bộ phim tài liệu bi thảm, đồ sộ, đôi khi gây mệt mỏi, của Ken Burns và Lynn Novick. Vâng, bạn đã nhìn thấy những hình ảnh này trước đây. Nhưng để có một cơ hội hiểu được mớ hỗn độn này, bạn phải đi ngược lại. Quay trở về.

Tập đầu tiên, phát sóng vào Chủ nhật trên PBS, trở lại năm 1858 khi người Pháp chinh phục Đông Dương. Phần lớn nói về lịch sử thuộc địa của Việt Nam, sự nổi lên của Hồ Chí Minh và chính cuộc chiến thất bại của Pháp.

Nó cung cấp cho bạn một ý niệm về phạm vi của bộ phim, với 18 tiếng và 10 tập, series phim dài nhất của Burns.

[Xem 11 phim tài liệu tiêu biểu của Ken Burns]

Bộ phim cũng đặt ra chủ đề, rằng lịch sử này có lịch sử của riêng nó mà chúng ta đã lờ đi một cách thảm hại. (“Chúng ta” được đề cập ở đây và bên dưới để chỉ người Mỹ, vì dù Burns và Novick có bao gồm trong đó nhiều giọng nói của người Việt Nam, thì cuối cùng điều họ kể đến là lịch sử Hoa Kỳ).

“Chiến tranh Việt Nam” không phải là phim sáng tạo nhất của Burns. Vì cuộc chiến diễn ra trong kỷ nguyên truyền hình, các nhà làm phim ít phụ thuộc hơn vào “hiệu ứng Ken Burns” đã thành thương hiệu: kỹ thuật lia máy quay qua hình ảnh tĩnh [pans over still images]. Vì chiến tranh Việt Nam là “cuộc chiến tranh phòng khách”, lên sóng mục tin tức về đêm, phim tài liệu này không cho chúng ta thấy cuộc chiến với cái nhìn mới, như cách mà “The War” đã làm được với cảnh phim tài liệu được tìm thấy của Chiến tranh Thế giới thứ II.

Nhưng có lẽ đây là bộ phim buồn nhất của Burn. “The Civil War” ảm đạm nhưng ít nhất phe ủng hộ chính phủ Miền Bắc [the Union] được bảo tồn. “The War” thì kết thúc với việc chủ nghĩa phát xít bị đánh bại.

clip_image004

Những lính thủy đánh bộ khiêng một người bị thương trong trận chiến năm 1966, trong “Chiến tranh Việt Nam” của Ken Burns và Lynn Novick. Ảnh: CreditCourtesy of Larry Burrows/Getty Images

Chiến tranh Việt Nam không cung cấp sự cao đẹp nào hay một kết cục hạnh phúc. Nó đơn giản là hàng thập kỷ nối dài những quyết định xấu xa, một dòng xoáy lãng phí đã nuốt chửng nhiều sinh mệnh không vì cái gì. Người kể chuyện Peter Coyole nói, nó “bắt đầu bằng niềm tin tốt đẹp của những người tử tế do những hiểu lầm định mệnh, sự quá tự tin của người Mỹ và những sai lầm của Chiến tranh Lạnh”.

“Chiến tranh Việt Nam” là một bi ca hơn là một bản cáo trạng.

Các cuộc phỏng vấn từ nguồn sơ cấp của Burns và Novick vô cùng hiệu quả. Có thể nói, hiệu quả quan trọng nhất mà Ken Burns mang đến không phải là một thủ thuật trực quan mà là hướng sự tập trung trở lại vào lịch sử về những câu chuyện từ ngôi thứ nhất.

Kịch bản của Geoffrey C. Ward đưa ra một bức tranh rộng lớn mang tính lịch sử – các tổng thống và đại tướng, các trận chiến và các cuộc đàm phán, lý thuyết domino và lý thuyết kẻ điên [madman theory]. Câu chuyện khéo léo dẫn dắt từ Washington đến chiến trường (cả hai phía) đến các phòng khách, phòng thu hình, sân trường và phòng hội nghị.

Nhưng sức mạnh của phim lại đến từ lịch sử qua lời kể. Một cựu binh người Mỹ đã miêu tả việc kéo những xác chết của quân nổi dậy vào đình làng để xem ai sẽ khóc họ, vậy là sẽ có nhiều người đáng ngờ hơn. Mẹ của một người lính nhớ lại sự căng thẳng mỗi lần bà nghe thấy tiếng bánh xe trên đường. Một sĩ quan Bắc Việt hồi tưởng lúc cô được phân công đến một căn nhà bị bỏ lại của một đối thủ miền Nam, một chiếc váy đang may dở của đứa con gái vẫn nằm tại chỗ.

Một người được phỏng vấn tỏ ra nổi trội hơn cả là John Musgrave với lời lẽ nhỏ nhẹ mô tả một trình tự chặt chẽ suốt cuốn phim tài liệu, đưa anh đi từ một lính thủy đánh bộ được thôi thúc bằng lòng hận thù thuần túy đối với quân thù đến một người biểu tình chống chiến tranh. Cảm xúc của ông vẫn còn sâu sắc khi ông nhớ lại một thời điểm đen tối, sau giải ngũ, khi mấy con chó xen ngang lúc ông đang ngồi với khẩu súng chĩa vào đầu. “Tôi nghĩ” – ông nói và như thể sự vô biên đang chạm đến ông vào giây phút đó – “Tôi đã hẳn phải tự … tự… sát”.

Cao trào cảm xúc đến trong tập tám, lên đến đỉnh điểm trong bối cảnh năm 1970, khi đội Cảnh vệ Quốc gia Ohio bắn chết bốn sinh viên biểu tình tại trường Đại học Kent State. Chiến tranh đã giết chết hàng ngàn người. Nhưng với Kent State, cảm giác như nước Mỹ đã tan vỡ.

clip_image006

Mary Ann Vecchio quỳ cạnh thi thể của sinh viên Jeffrey Miller trường Kent State University sau cuộc biểu tình chống chiến tranh ở đây vào tháng Năm năm 1970. Sự kiện này đánh dấu cao trào cảm xúc trong “Chiến tranh Việt Nam” của Ken Burns và Lynn Novick. Ảnh: Courtesy of John Filo/Getty Images

Bạn có thể hiểu sai tập 9, khi nó kết thúc với sự rút quân của Mỹ năm 1973. Nhưng đó không phải là kết thúc đối với dân tộc Việt Nam, với những tù nhân chiến tranh còn lại hay với Hoa Kỳ. Giống như tượng đài Việt Nam của Maya Lin đã mở ra những vỏ bọc sau cuối, “Chiến tranh Việt Nam” không thể đem lại một kết thúc, mà chỉ là sự thanh tẩy.

Thỉnh thoảng bộ phim vọng lại những đề tài hiện nay, như kế hoạch thông đồng với nước ngoài trong một cuộc bầu cử Mỹ. Richard M. Nixon đã làm một thỏa thuận bí mật với nhà lãnh đạo miền Nam Việt Nam Nguyễn Văn Thiệu để ở bên ngoài cuộc đàm phán hòa bình, nhằm nâng cao cơ hội của Nixon trong cuộc tranh cử năm 1968. Tổng thống Lyndon B. Johnson đã nhận ra thỏa thuận này qua giám sát tình báo và tin rằng đó là phản bội, nhưng đã chọn không công khai nó.

Tuy nhiên, ông đã gọi cho Nixon nhưng Nixon đã thản nhiên nói dối ông ta – chúng tôi nghe thấy trên băng ghi âm cuộc gọi của họ. Và chứng hoang tưởng của Nixon về việc bị vạch trần đã đưa ông đến chiến lược đột nhập và che giấu [sự dính líu của mình trong vụ Watergate], cuối cùng dẫn đến việc ông từ chức.

Người ta dễ cho là bình thường về số lượng tư liệu Burns và Novick đã trình bày ở đây, nhưng nó thật đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, “Chiến tranh Việt Nam” đôi khi bị chìm đắm trong nhu cầu đề cập mọi chuyện liên quan đến sự xung đột: Chiến tranh Lạnh, phản văn hóa, vụ Watergate.

Tất cả đều là những câu chuyện đã được kể nhiều, được gia tăng bằng các yếu tố âm nhạc quá quen thuộc từ những bộ phim điện ảnh và truyền hình trước đây: “For What It’s Worth,” “All Along the Watchtower,” “White Rabbit.” (Cùng với nhạc phim theo thể loại pop là phần khí nhạc của Trent Reznor và Atticus Ross, với phần nhạc bổ sung của Silk Road Ensemble và Yo-Yo Ma)

Nhưng bạn có thể nghĩ rằng điều đoán trước được này là có mục đích. Burns sẵn sàng chấp nhận rủi ro vì dự án của ông không phải nhằm tìm kiếm những quanh co đáng ngạc nhiên về lịch sử nước Mỹ. Nó nhằm tạo ra một chuẩn tắc lịch sử theo cách biểu đạt được chấp nhận rộng rãi nhất.

Điều này có thể phần nào là đường lối ôn hòa theo kiểu truyền hình đại chúng, nhưng nó cũng là một ý thức hệ. Các phim của Burns giả định rằng người Mỹ có thể có một bộ chuẩn thống nhất – về chính phủ, chiến tranh, sắc tộc và văn hóa – mà từ đó sẽ tiến lên.

Trong những thời kì tương đối bình yên, cách tiếp cận này dường như vô vị, như thể phim đang tranh cãi về những giá trị đạo đức mà mọi người đã đồng lòng. Trong những thời điểm như hiện nay, có vẻ ngây thơ khi nghĩ rằng không có sự việc nào có thể phản bác, không thể bị tranh chấp bởi các phe đối lập. Trong những chia rẽ do chiến tranh, bạn có thể thấy những vết phồng rộp của các bong bóng chính trị không thể xuyên thủng ngày nay.

Điều đáng buồn nhất về bộ phim tài liệu bi thương này ắt hẳn là lòng tin nó đặt vào khán giả của mình. “Chiến tranh Việt Nam” vẫn còn giữ hi vọng rằng chúng ta có thể học được từ lịch sử, sau 18 tiếng chứng minh điều ngược lại.

Đính chính: ngày 14, tháng Chín, 2017

Trong chú thích bức ảnh minh họa trong phiên bản bài báo này đã đăng trước đây có nhầm lẫn khi liên kết nạn nhân bị bắn ở trường Đại học Kent State và người chứng kiến, Mary Ann Vecchio. Ở đây có nạn nhân là một sinh viên; nhưng Vecchio thì không.

J. P.

Comments are closed.