Lê Hồng Lâm
Ba ngày ở LHP Quốc tế Hà Nội, tôi liên tục di chuyển giữa các rạp chiếu và các suất chiếu, với tần suất 4 phim/ ngày. 6 bộ phim Việt Nam và 6 bộ phim nước ngoài xem xen kẽ, gần vắt kiệt năng lượng dù tôi không phải làm thêm một việc gì khác. Đó là bởi sức nặng của các chủ đề các bộ phim; là đời sống ngột ngạt và những cuộc đấu tranh trong bế tắc, tuyệt vọng của các nhân vật, dù họ ở nơi đâu trên trái đất này. Đó còn là những giây phút thăng hoa do điện ảnh mang lại và cả những lúc nặng trĩu, cũng do điện ảnh mang lại. Như Ilo Ilo của Singapore, bộ phim tôi đã xem lần thứ 3, dài 99 phút, mà vẫn không rời mắt khỏi màn hình một phút nào và vẫn khiến tôi chảy nước mắt. Như Sống cùng lịch sử của Việt Nam, khiến tôi phải bật điện thoại xem giờ không dưới 10 lần, dù nó chỉ dài 87 phút. Nhà phê bình điện ảnh danh tiếng Roger Ebert có nói một câu, “Không bộ phim hay nào quá dài và cũng không bộ phim dở nào đủ ngắn” (No good movie is too long and no bad movies is short enough). Có lẽ chưa lúc nào tôi cảm nhận rõ điều đó như ở LHP lần này. Nhưng cũng thật may, có những giây phút thăng hoa trong 3 ngày xem phim của tôi, đến từ những bộ phim Việt Nam, dù không bộ phim nào đem đến cho tôi cảm giác thoả mãn trọn vẹn, như Mùa len trâu của Nguyễn Võ Nghiêm Minh hay Bi, đừng sợ của Phan Đăng Di trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây…
Đập cánh giữa không trung của nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, có thể coi là sự tiếp nối cái tinh thần độc lập và không khí điện ảnh đương đại của hai đàn anh đi trước, Chơi vơi của Bùi Thạc Chuyên và Bi, đừng sợ của Phan Đăng Di – tạo nên một trilogy (bộ ba) đáng giá của điện ảnh art-house Việt Nam. Cả ba phim, đều chọn chủ đề Hà Nội đương đại, đều mô tả cái không khí nóng ẩm đến ngạt thở của Hà Nội mùa hè. Cả ba, đều đặc tả rất tài tình cái trạng thái chơi vơi, lơ lửng, cái tình thế bế tắc, tiến thoái lưỡng nan của nhân vật. Điều làm nên sự khác biệt giữa Điệp so với Chuyên và Di, có thể nói là lợi thế của cô, chính là cái chất nữ tính, và cũng từ đó, tạo ra cái ngôn ngữ điện ảnh đậm mùi nhục cảm rất đàn bà mà tất nhiên, hai quý ông kia không thể cạnh tranh.
Đập cánh là một bộ phim thuộc dòng phim “coming out-of- age” (có thể hiểu là những bộ phim mô tả giai đoạn trưởng thành của nhân vật), rất thường được các đạo diễn chọn cho bộ phim đầu tay của họ bởi nó chứa nhiều trải nghiệm của bản thân. Có ít nhất hai bộ phim thuộc dòng phim này chọn đề tài những cô gái trẻ mang thai ngoài ý muốn và tình thế tiến thoái lưỡng nan họ, từng rất thành công gần đây là 4 Months 3 Weeks 2 Days (2007) của đạo diễn Rumani Cristian Mungiu (Đoạt giải Cành cọ vàng tại Cannes) và Juno (2007) của đạo diễn Mỹ Jason Reitman rất thành công về thương mại và giành được 4 đề cử tại Oscar 2008. Đập cánh không quá ngột ngạt bi thảm như phim Ba Lan khi chuyện nạo phá thai bị khép vào tội nặng trong những năm cuối của chủ nghĩa cộng sản Rumani những năm 80, cũng không quá hài hước, dí dỏm như bộ phim của Mỹ, một xã hội tự do đề cao quyền con người. Đập cánh mô tả nhiều hơn cái trạng thái bế tắc của Huyền trong hành trình cảm xúc của riêng cô. Cùng với Huyền còn có Linh, một người bạn chuyển giới làm nghề gái điếm và Tùng, cậu bạn trai làm nghề sửa đèn đường. Cả ba bọn họ đều loay hoay trong một tình thế bấp bênh, thiếu sự gắn kết với xã hội và gia đình (Huyền nhiều lần nhắc đến gia đình ở một vùng quê trung du nào đó, và có 2 lần trở về quê, nhưng cô đều quay lại Hà Nội mà không thăm nhà), cả ba đều không biết điều gì chờ đợi họ ở ngày mai…
Đập cánh mang đến những khuôn hình điện ảnh đầy ám ảnh về một Hà Nội quyến rũ, vừa nhếch nhác vừa thơ mộng, vừa ồn ào vừa tĩnh lặng. Giấc mơ của Huyền về cái thai bị sẩy và chảy lênh láng ra sàn nhà những con cá con chết nhầy nhụa có lẽ là một trong những hình ảnh siêu thực ám ảnh nhất, không chỉ với điện ảnh Việt Nam. Dù vậy, mạch phim từ giữa đến gần cuối, khi xuất hiện nhân vật tay doanh nhân kỳ quặc mê những cô gái điếm mang thai, cấu trúc của bộ phim chuyển hướng và nó phá vỡ cái không khí mà bộ phim xây dựng trước đó. Dù nhân vật này có thể chỉ là một “fantasy” (sự tưởng tượng) của nhân vật (hay đạo diễn) nhưng nó không đem lại một hiệu quả nào đáng kể, nếu không nói những cảm giác giả tạo và lãng mạn kiểu motif truyện ngắn của những nhà văn nữ thời thập niên 90 bắt đầu xâm chiếm bộ phim…
Dịu dàng của Lê Văn Kiệt, một đạo diễn Việt kiều có lẽ là một điểm sáng khác của điện ảnh Việt góp mặt tại HNIFF, với tôi. Điểm sáng đầu tiên là dù chuyển thể từ một truyện ngắn của Nga thế kỷ 19 (Một sinh vật dịu dàng của văn hào Dostoyevski, viết năm 1876) sang bối cảnh là một tỉnh lị Nam Bộ Việt Nam đương đại, bộ phim vẫn tạo được một không khí Việt Nam thuần chất, trừ vài câu thoại vẫn còn rất “Việt kiều” của nhân vật Thiện do Dustin Nguyễn đóng. Điểm sáng tiếp theo là cái nhịp điệu và ngôn ngữ điện ảnh mà Kiệt tạo ra khiến người xem khó rời mắt khỏi bộ phim kể về một mối quan hệ tù hãm ngột ngạt giữa một người đàn ông trung niên bảo thủ cứng nhắc và một cô gái trẻ mà hình như sự tổn thương và đức tin đã giết chết cô từ bên trong, dẫn đến cách lựa chọn khó lý giải của cô ở cuối phim. Dịu dàng có lẽ còn thiếu vài thứ để trở thành một bộ phim hay, đặc biệt là những dẫn giải về tôn giáo, đức tin hay thiếu sự chuẩn bị về tâm lý của nhân vật, nhưng bộ phim vẫn dịu dàng xâm chiếm cảm giác của người xem, đặc biệt là diễn xuất tinh tế đáng ngạc nhiên của nữ diễn viên trẻ Nguyễn Thanh Tú (vai Linh) ở bộ phim đầu tay này (mẹ ruột của cô, diễn viên Kiều Trinh cũng có một vai phụ xuất sắc).
Một trong hai bộ phim tôi chờ đợi nhất, Nước 2030 của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, trái lại đem đến cho tôi những cảm giác khá thất vọng. 20 phút đầu của bộ phim khiến tôi tưởng mình tìm lại được một Mùa len trâu xuất sắc của 10 năm trước, nhưng rồi mạch phim bắt đầu trượt dần ra khỏi quỹ đạo của nó. Nguyễn Võ Nghiêm Minh vẫn có nhiều sáng tạo về góc máy (đặc biệt là những hình ảnh bên trong lòng nước) nhưng có lẽ do tham vọng xây dựng một kịch bản giàu thông điệp cùng với sự non tay trong pha trộn thể loại (viễn tưởng, hình sự, lãng mạn) khiến bộ phim càng về cuối càng lỏng lẻo về bố cục, và tệ hơn, triệt tiêu cảm xúc của người xem dành cho bộ phim. Nhiều cảnh đối thoại giữa hai diễn viên Quỳnh Hoa (vai Sáo) và Quý Bình (vai Giang) khiến tôi đôi lúc có cảm giác như đang xem kịch ở sân khấu Idecaf.
Bộ phim Căn phòng của mẹ của một nữ đạo diễn khác, Síu Phạm là một thách thức cho hầu hết khán giả Việt Nam và dù nó chỉ 77 phút, vẫn phải kiên nhẫn mới xem hết được với những câu hỏi hoang mang của nhiều khán giả cố nán lại để xem hết. Dù vậy, nó đem đến những trải nghiệm điện ảnh rất riêng biệt, bởi điện ảnh, qua ngôn ngữ của Síu Phạm không còn bị ràng buộc bởi những khuôn thước. Chị tự do, thoải mái với hình ảnh và câu chuyện của mình. Chị chơi với điện ảnh như những nghệ sĩ trình diễn đương đại rời bỏ những chất liệu truyền thống để thử nghiệm với những thứ nghệ thuật nặng về ý tưởng hơn chất liệu… Và cũng vì tự do, nên đôi lúc cũng tùy tiện. Thêm vào đó là việc theo đuổi xử lý ý tưởng khiến bộ phim đôi lúc hơi khiên cưỡng…
Những đứa con của làng của đạo diễn Nguyễn Đức Việt, một trong hai bộ phim dự thi chính thức, trái lại là một bộ phim rất cũ. Cũ từ thời gian và bối cảnh câu chuyện (một ngôi làng nghèo ở một tỉnh miền Trung nào đó sau chiến tranh), cũ từ cách kể chuyện đến chủ nghĩa biểu tượng minh hoạ thô sơ của điện ảnh Việt thập niên 90. Nhưng bộ phim, ít nhiều vẫn tạo được thiện cảm của khán giả, nhờ những chi tiết khá đặc sắc, nhờ diễn xuất mộc mạc của 3 diễn viên chính. Và rời khỏi rạp, ít nhất tôi không có cảm giác rùng mình và đôi lúc không tin nổi vì sự “lụt nghề” của Lưu Trọng Ninh như khi cố để xem xong Bước khẽ đến hạnh phúc; sự cố gắng đến tuyệt vọng của Phi Tiến Sơn trong Đam mê và Lạc giới và đặc biệt là sự thoả hiệp đáng buồn của Nguyễn Thanh Vân với Sống cùng lịch sử. Bởi nếu buộc phải chọn xem một bộ phim theo cách kể chuyện cũ, tôi thà ủng hộ cách kể chuyện của Nguyễn Đức Việt với Những đứa con của làng.
Nguồn: https://www.facebook.com/khatvongthanglong2010/posts/811077508959913:0