Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ miền Nam (kỳ 21): Dương Thiệu Tước: Khúc Nhạc Dưới Trăng

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2018)

clip_image001

clip_image002

clip_image003

clip_image004

Khúc Nhạc Dưới Trăng – Sáng tác: Dương Thiệu Tước

Trình bày: Mai Hương

Nghe thêm: Hoài Nam – 70 Năm Tình Ca (5)-Dương Thiệu Tước

Đọc thêm:

Dương Thiệu Tước, mạch tương lai láng chờ phím ngân trùng (trích)

Quỳnh Giao
Trong một dịp bình nghị về nhạc, Phạm Duy đã phát biểu, rằng vào đầu thập niên 40 khi Văn Cao và Phạm Duy còn viết nhạc với âm thanh chuỗi như trong Cung Đàn Xưa hay Khối Tình Trương Chi, thì người đó đã tài tình hòa cả thất cung lẫn ngũ cung trong một khúc tình ca diễm tuyệt. Người mà Phạm Duy nhắc tới đó, chính là Dương Thiệu Tước.



clip_image005

Khúc hát làm Phạm Duy cảm phục mãi tới giờ chính là Trời Xanh Thẳm, mà Dương Thiệu Tước đã viết từ năm 1939. Và Phạm Duy nhớ bài ca vô cùng, vì do nghe Thái Hằng ngây ngất với Trời Xanh Thẳm mà ông đã bị cú sét ái tình… và Thái Hằng trở thành bà Phạm Duy từ đó…
Đối với nhiều nhạc sĩ ở tuổi thất tuần hiện nay, Dương Thiệu Tước là một người đàn anh đáng yêu, không chỉ vì tuổi đời hay tuổi nghề, mà còn vì tài nghệ xuất chúng và cung cách phong nhã khác thường.
Sinh quán ở Vân Đình, Hà Đông, nay là tỉnh Hà Tây, Dương Thiệu Tước là người dòng dõi nho học và quyền quý. Ông nội ông là Dương Khuê hay em ruột ông nội là Dương Lâm đều là danh sĩ và làm quan tới chức thượng thư của triều Nguyễn. Cụ thân sinh là Dương Tự Nhu thì đã làm bố chính Hưng Yên. Nhưng Dương Thiệu Tước lại chẳng chọn đường khoa cử và lánh xa hoạn lộ, để rồi thành một trong những người mở đường cho tân nhạc.
Sau một đời yêu và sống với nhạc và đào tạo bao thế hệ nhạc sĩ, ông đã lánh đục về trong, để lặng lẽ từ biệt chúng ta một năm sau tuổi bát tuần, vào mùa Thu 95 tại Sài Gòn.
Nói rằng ông dành một đời để yêu và sống với âm nhạc là không quá, vì ông mở tiệm bán và sửa đàn, mở lớp dạy nhạc dạy đàn, và là bậc thầy của nhiều thế hệ về Hạ uy cầm và Tây ban cầm. Ông liên tục dạy Tây ban cầm tại trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn từ thập niên 60 cho tới những năm sau 75. Rất giỏi về nhạc lý và nhạc khí Đông Tây, ông được bằng hữu và học trò quý mến vì phong thái khiêm cung ôn tồn mỗi khi luận bàn hoặc chỉ dẫn về nhạc thuật và sáng tác…
Khi nói đến Văn Cao rồi nhạc thuật Dương Thiệu Tước, ta cần nhớ tới vài quy tắc viết ca khúc.
Chẳng hạn như một bài hát nói có một số quy ước về thể thức, với mưỡu đầu hay mưỡu hậu, đủ khổ hay dôi khổ, hay câu gối hạc… thì ca khúc cũng có phần mở đầu, có nhiều chuyển đoạn dẫn tới điệp khúc và trở về chuyển đoạn để chấm dứt với phần coda. Nhiều người đã không viết như vậy, cho nên như ở Buồn Tàn Thu của Văn Cao hay Tạ Từ của Tô Vũ, ta có thể chấm dứt hoặc hát tiếp ở bất cứ đoạn nào.
So sánh, Dương Thiệu Tước mô phạm và có căn bản về nhạc lý cả Đông lẫn Tây nên tôn trọng nhạc thuật ở mức cao nhất, và các sáng tác của ông đều có thể là mẫu mực về kỹ thuật viết nhạc cho nhiều thế hệ sau…
Nói về di sản âm nhạc Dương Thiệu Tước, ta sẽ nói về nửa thế kỷ tân nhạc vì ông sáng tác rất nhiều, ở đủ mọi thể loại và bài nào cũng xuất sắc đáng ghi. Quỳnh Giao chỉ xin giới thiệu về nhạc trữ tình của ông, vì ông là người viết nhạc tình quý phái và trang nhã nhất của chúng ta.
Ông đã thấm nhuần phong hóa cổ truyền, với đủ nét cầm thi Á Đông, lại được học guitar và nhạc lý với một giáo sư Pháp từ nhỏ, nên sáng tác của ông đều cao nhã với âm điệu Tây phương mà uẩn súc trong nỗi rung động Đông phương. Đằm thắm mà không suồng sã, và dù là kén người hát người nghe, nhạc tình của ông sẽ tồn tại với thời gian vì càng nghe ta sẽ càng yêu quý.
Ca khúc nổi tiếng nhất của ông chẳng hạn, bài Đêm Tàn Bến Ngự, có lẽ tiêu biểu cho nghệ thuật Dương Thiệu Tước trong các cung bậc cổ truyền để diễn tả hình ảnh đậm nét dân tộc, còn hơn hẳn bao nhạc sĩ thường viết về dân ca cải biên. Sinh tại miền Bắc, ông là tác giả của bài ca bất hủ và u uẩn nhất về non nước hương bình.
Một ca khúc thứ hai có âm hưởng dân nhạc là bài Tiếng Xưa, với hình tượng của Đường thi trong làn điệu của dân ca miền Nam. Phải yêu và hiểu nhạc Việt tới chỗ sâu sắc mới viết nên ca khúc như vậy, mà nếu chỉ căn cứ vào lời từ cổ kính với cung đàn nhỏ lệ Tầm Dương, phím loan vương tình… ít khi ta nhớ tới sông nước Cửu Long…
Ấy vậy, cũng Dương Thiệu Tước khi sử dụng tiết điệu Tây phương, lại cho ta nhiều nhạc khúc có âm hưởng Âu Châu cổ điển và cả hiện đại, như bài Bến Xuân Xanh lôi cuốn với nhịp 3/4 của một bài luân vũ bên thành Vienne, hoặc rộn ràng nhịp Tango habanera với Bóng Chiều Xưa, và rực rỡ âm sắc La Tinh với Khúc Nhạc Dưới Trăng hay Hội Hoa Đăng.
Trừ mấy bài như Chiều phổ thơ Hồ Dzếnh, hay Bóng Chiều Xưa có lời từ của Minh Trang, các ca khúc Dương Thiệu Tước dù viết trên cung bậc Tây phương cổ điển hay hiện đại đều có lời từ thuần nhã của một người thấm đậm văn hóa Việt. Chúng ta thấy rõ điều đó ở các tuyệt tác như Áng Mây Chiều, Phút Say Hương, Sóng Lòng, Mơ Tiên, Đêm Ngắn Tình Dài, Kiếp Hoa hay Thuyền Mơ… với lời ca cổ kính, cứ tưởng như ước lệ mà lại gợi ra hình ảnh mới, chan hòa màu sắc và ánh sáng mới.
Ở Dương Thiệu Tước, nhạc là màu sắc và vũ điệu, và thanh âm là thơ, là tình.
Điều đáng tiếc cho ông, và cho cả chúng ta, các ca khúc Dương Thiệu Tước có chất bác học và đòi hỏi một trình độ nào đó về hòa âm và nghệ thuật diễn tả. Dương Thiệu Tước lại quá yêu nhạc để lưu ý tới quảng bá thương mại, cho nên các ca khúc của ông, vốn đã kén người nghe lại ít được thực hiện và phổ biến cho xứng đáng với giá trị của chúng.
Thuở sinh tiền, ông có thấy điều đó và thường mỉm cười trong sự tĩnh lặng của ông. Lòng ông như một phím tơ chỉ chờ rung lên dưới bàn tay nghệ thuật, mà ông lại lạnh tanh với tiếng vỗ tay và, như Duy Trác đã luận, “giữa sân khấu cuộc đời, Dương Thiệu Tước hoàn toàn đóng vai của người vắng mặt.” Nơi ông, lòng yêu nghệ thuật đã quá lớn để ông quan tâm tới tên tuổi của ông hay người thưởng ngoạn.
Chúng ta càng yêu tài và nhớ ơn thì càng kính trọng ông trong sự im vắng của ông. Được sống với ông như người con gái trong những bước đầu bước vào âm nhạc cho tới 1975, Quỳnh Giao luôn luôn trân quý các ca khúc của ông, và thiết tha cầu mong là người Việt sau này sẽ không quên công lao rất lớn của ông cho tân nhạc, từ những năm khơi nguồn cho tới về sau này…
Trong các ca khúc viết về tình yêu, Dương Thiệu Tước ưa nhất bài Ngọc Lan. Đây là tác phẩm trang trọng quý phái nhất của các tình khúc nước ta, và cho thấy chiều cao nghệ thuật và chiều sâu văn hóa của tác giả. Ông họa chân dung người đẹp trong giấc Xuân, yêu kiều như đóa ngọc lan, rồi vẽ đóa thơm tỏa hương như một mỹ nhân, để rồi hoa với người hòa lẫn trong cung bậc đặt dìu, đài các mà không lả lơi, nồng nàn mà không suồng sã.
Ngần ấy hình ảnh đẹp như tranh cổ lại đan lượn trên cung bậc trang nhã của nhạc bán cổ điển Tây phương, để kết thúc mơ hồ như một giấc hư ảo…

(Nguồn: amnhac.fm)

Comments are closed.