Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ miền Nam (kỳ 33): Y Vân: Thúy đã đi rồi

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2018)

clip_image001

clip_image002

clip_image003

clip_image003[1]

clip_image004

clip_image005

Thúy đã đi rồi – Sáng tác: Y Vân

Trình bày: Elvis Phương (Pre-75)

Nghe thêm:

Hoài Nam -70 Năm Tình Ca (31) – Y Vân

Đọc thêm:

TỪ CA KHÚC ‘LÒNG MẸ’

TỚI ĐỜI THƯỜNG NHẠC SĨ Y VÂN

(Nguồn: Người Việt Online)

Về thời điểm ra đời của ca khúc “Lòng Mẹ” mà, cá nhân tôi muốn được gọi là “quốc ca của lòng từ mẫu,” đến nay, đã có tới ba ghi nhận khác nhau.

Trước hết, theo trang mạng Wikipedia/Bách khoa toàn thư mở, phần tiểu sử của cố nhạc sĩ Y Vân, có đoạn ghi nhận nguyên văn như sau:

“Năm 1952 (trước di cư 1954) ông (nhạc sĩ Y Vân) vào Nam, tại đây tiếp tục sáng tác, chơi nhạc và dạy nhạc, ngoài ra còn viết sách dạy nhạc và đàn guitar. Những ca khúc nổi tiếng thời điểm này là: Lòng Mẹ, Hồn Quê, Ðò Nghèo,… ngoài ra ông còn là người đi tiên phong cho dòng nhạc nhẹ với những bài hát có giai điệu Cha cha cha, Disco như: Sài Gòn, Ảo Ảnh, Sáu Mươi Năm Cuộc Ðời, Thôi…”

Ðoạn văn trên mở ra một cánh cửa mơ hồ khá to lớn! Căn cứ vào mạch văn, không ít người suy diễn rằng, ca khúc “Lòng Mẹ” của cố nhạc sĩ Y Vân, đã được sáng tác vào năm 1952.

Nhưng trong bài viết nhan đề “Vài nét về cuộc đời của nhạc sĩ Y Vân,” tác giả Nguyễn Việt viết:

“…Sau một buổi trình diễn với Phủ Tổng Ủy Di Cư về, Y Vân bị mưa ướt như chuột lột, quần áo dơ hết. Mới di cư còn nghèo, chỉ có một bộ đồ coi được nhất để trình diễn, Y Vân rất lo lắng vì ngay sáng hôm sau lại phải đi đàn nữa. Khuya hôm đó, mẹ ông đã đem bộ quần áo ra máy nước công cộng đầu hẻm giặt sạch rồi về nhà đốt than lên hơ cho chóng khô.”

“Sáng hôm sau, Y Vân đã nghiễm nhiên có được bộ quần áo sạch sẽ mặc đi diễn. Ông cảm động lắm và cảm hứng viết nhạc phẩm đầu tay “Lòng Mẹ,” một bài hát đã đi vào lòng hằng triệu người dân nước Việt. Và đó là khởi đầu cho sự nghiệp âm nhạc của một trong những nhạc sĩ tài hoa nhất của Việt Nam…” (2)

Trên thực tế, Phủ Tổng Ủy Di Cư được chính quyền miền Nam thành lập vào năm 1954, với nhiệm vụ lo giúp đỡ thiết thực cho hơn một triệu đồng bào miền Bắc di cư vào Nam.

Tài liệu chính thức ghi nhận rằng:

“Sau khoảng một tháng, làn sóng di cư trở nên ồ ạt khiến chính phủ phải thành lập Phủ Tổng Ủy Di Cư Tị Nạn. Phủ Tổng Ủy lần lượt do các ông Nguyễn Văn Thoại (từ ngày10/8/1954), GS Ngô Ngọc Ðối (từ ngày 21/8/1954), BS Phạm Văn Huyến (từ ngày 4/12/1954), ông Bùi Văn Lương (từ ngày17/5/1955) làm tổng ủy trưởng. Tới ngày 21 tháng 8. Mỗi ban ngành đều có đại diện của Phủ Tổng Ủy. Phủ Tổng Ủy có 3 nhiệm vụ: Cứu trợ và di chuyển; Kiểm soát và tiếp cư; Giúp đỡ định cư… (3)

Nếu tư liệu của tác giả Nguyễn Việt về ca khúc “Lòng Mẹ” của Y Vân là chính xác thì, thời điểm sáng tác của ca khúc phải nằm trong khoảng thời gian từ 1954, tới 1955. Bởi vì, sau đó, Phủ Tổng Ủy Di Cư không còn nữa.

Chưa hết, nhạc sĩ Y Vũ, em ruột của cố nhạc sĩ Y Vân, lại kể với phái viên báo Thanh Niên rằng:

“Cuối thập niên 1950, anh Y Vân là nhạc công chơi cho các nhà hàng ở Sài Gòn. Hằng đêm, mẹ ở nhà giặt quần áo ở máy nước công cộng, có lần giặt đến 2 giờ sáng thì bị cảnh sát chế độ cũ bắt vì tội phá lệnh giới nghiêm. Ðến sáng, anh tôi về nhà, biết chuyện đã khóc và viết ra ‘Lòng Mẹ,’” em trai của nhạc sĩ kể lại.

“Câu hát tha thiết: ‘Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu. Tình mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ. Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ. Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ… Thương con thao thức bao đêm dài, con đà yên giấc, mẹ hiền vui sướng biết bao. Thương con khuya sớm bao tháng ngày, lặn lội gieo neo, mái tóc trót đành đẫm sương… ’ Viết xong, anh hát cho mẹ nghe và bà đã khóc…” (4)

Giống như tác giả Nguyễn Việt, nhạc sĩ Y Vũ cũng không xác định rõ thời gian ra đời của ca khúc “Lòng Mẹ.” Nhưng khi ông nói đó là “cuối thập niên 1950…” thì, chắc chắn không phải là khoảng thời gian 1954-1955. Nó càng rất xa điểm mốc 1952 như tài liệu của Wikipedia, khiến nhiều người ngộ nhận (?).

Tuy nhiên, dù “Lòng Mẹ” ra đời ở thời điểm nào thì, căn cứ vào những tư liệu có được, (luôn cả lời kể của người em ruột, Y Vũ), tất cả đều cho thấy, nhạc sĩ Y Vân xuất thân từ một gia đình ngặt nghèo về vật chất. Ông sống với một bà mẹ đơn chiếc, tần tảo, ngược xuôi, một mình nuôi bầy con.

Ở điểm này, tác giả Nguyễn Việt, trong bài viết của mình cho hay, ông biết khá rõ về gia cảnh của cố nhạc sĩ Y Vân; cũng như nguồn gốc của bút hiệu “Y Vân.” Họ Nguyễn viết:

“Nhạc sĩ Y Vân tên thật là Trần Tấn Hậu, sinh năm 1933 tại Hà Nội nhưng quê gốc ở Thanh Hóa. Thuở thiếu niên ông từng theo học nhạc với giáo sư-nhạc sĩ Tạ Phước, và đã tập tành sáng tác từ rất sớm nhưng không mấy thành công.

“Mồ côi cha, nhà nghèo, mấy mẹ con dắt díu nhau nương náu trong một túp lều xiêu vẹo ở ngõ chợ Khâm Thiên. Chính vì thế, Trần Tấn Hậu rất thương mẹ và các em.

“Lúc đó chàng nhạc sĩ nghèo chưa lấy nghệ danh Y Vân, ông phải đi dạy đàn để nuôi gia đình. Có một người bạn thân giới thiệu anh đến dạy đàn cho một tiểu thư khuê các, nàng tên là Tường Vân. Rồi giữa họ hé nở một mối tình đằm thắm. Nhưng… tình đầu tan vỡ cũng là lẽ thường, huống chi chàng chỉ là anh ‘Trương Chi’ si tình khốn khổ, còn nàng lại là một ‘Mỵ Nương’ danh gia vọng tộc. Không thành duyên nhưng… thành danh, một loạt các ca khúc của Y Vân (có nghĩa là Yêu Vân) ra đời từ đó như: Ðò Nghèo, Ảo Ảnh, Nhạt Nắng… với phong cách tha thiết, trữ tình rất được công chúng yêu thích (…).

“Năm 1954, ông cùng 2 em và mẹ di cư vào Nam với hai bàn tay trắng, lúc vừa 21 tuổi. Mẹ hiền buôn bán nuôi 3 con. Còn Y Vân thì đã thích nhạc từ nhỏ, học đàn, sáng tác, hòa âm từ trước năm 54 nên vào Nam đã có thể đi trình diễn giúp vui cho đồng bào di cư…” (5)

Tôi không biết có phải vì gia cảnh ngặt nghèo và, mối tình đầu sớm tan vỡ, đã là hai động lực lớn, thúc đẩy tài năng tiềm ẩn của Y Vân/Trần Tấn Hậu, sớm phát tiết và thăng hoa?

Nếu quan điểm này có phần đúng thì, chúng ta cũng nên cám ơn hai bất hạnh kia của họ Trần. Và trước khi từ trần ngày 28 tháng 11 năm 1992 tại Saigon, tôi tin, dù bản chất khiêm tốn, thâm tâm cố nhạc sĩ Y Vân cũng hài lòng, hãnh diện về những năm, tháng cơ cực của gia đình và, cá nhân ông – Qua những gì ông đã cống hiến cho kho tàng tân nhạc Việt Nam. Một cống hiến nghệ thuật lớn lao mà, không phải nhạc sĩ nào cũng có thể đạt được.

clip_image006

Dù cho họ may mắn có hoàn cảnh sống đầy đủ, tốt đẹp hơn ông!

TÌNH KHÚC NHƯ NHÂN CHỨNG KỶ NIỆM

Nói tới đời thường của cố nhạc sĩ Y Vân, tôi nghĩ không ai có thẩm quyền hơn người bạn đời thứ hai, người sau cùng, chia sẻ buồn vui với ông mấy chục năm thăng trầm; nhất là những năm tháng sau biến cố tháng 4/1975. Đó là bà Minh Lâm. Hơn một lần bà tâm sự rằng:

“Nhiều người thêu dệt Y Vân thành một con người đa tình, trăng hoa. Là vợ chồng, mấy mươi năm đầu gối tay ấp nên tôi rất hiểu nhà tôi. Anh ấy là một người đàng hoàng, có gì cũng thật thà kể với vợ (kể cả những việc sâu kín như trường hợp lấy nghệ danh Y Vân). Anh ấy rất có hiếu với mẹ và thương yêu vợ con.

“Thời gian sau năm 1975, Y Vân tham gia Đoàn ca nhạc Hương Miền Nam, rồi nhận viết nhạc cho nhiều nguồn: phối nhạc cho Saigon Audio, viết nhạc phim, nhạc nền cho sân khấu… Anh làm việc cật lực bất kể ngày đêm. Ban trưa, nhìn anh xoay trần viết nhạc dưới mái tôn thấp nóng hầm hập, thấy thương vô cùng. Trời thương, nên giai đoạn đó anh được ‘đặt hàng’ dồn dập, có thể nói là ‘ăn nên, làm ra’, nhờ đó mà gia đình chúng tôi xây lại được căn nhà tạm gọi là ngăn nắp, nhưng anh làm ra cho mẹ con chúng tôi hưởng, bởi chỉ một năm sau thì anh mất…” (6)

Kể lại phản ứng của thân mẫu nhạc sĩ Y Vân / Trần Tấn Hậu, người đàn bà không đi thêm bước, dù còn trẻ khi người chồng qua đời (Bà ở vậy nuôi con. Nhờ thế, chúng ta có được ca khúc bất tử “Lòng Mẹ”), người vợ tấm cám của cố nhạc sĩ Y Vân cho biết: “Dạo ấy, đứng trước quan tài của anh đang được quàn tại Hội Âm nhạc TP. Mẹ chồng tôi không hề khóc một tiếng. Có lẽ tất cả nước mắt để khóc thương con, bà cụ đã âm thầm nuốt ngược vào trong. Chúng tôi nghe bà cụ nói: “Người đời thường bảo: Con ‘đi’ trước mẹ là bất hiếu, nhưng mẹ chẳng trách con đâu bởi con đã làm tròn chữ hiếu ngay từ lúc viết xong bài ‘Lòng mẹ’… Con đi trước mẹ nhưng không nợ mẹ, vì mẹ nuôi con 20 năm nhưng con đã nuôi mẹ đến 40 năm…’

“10 tháng sau, Mẹ nhạc sĩ Y Vân mất.” (7)

Về âm nhạc của cố nhạc sĩ Y Vân không chỉ có “Lòng mẹ.” Ông còn để lại cho đời mảng tình khúc, phong phú, rậm rạp như một khu rừng tâm tưởng thăng hoa.

Tôi hằng nghĩ, một tình khúc khi đạt được cả hai yếu tố: Giai điệu đẹp, và ca từ ý nghĩa hoặc, tâm lý thì, những tình khúc ấy sẽ có một vị trí, một chỗ đứng như những kỷ niệm bất hoại trong nhiều cuộc tình đôi lứa. Như những hạt giống gieo trồng an ủi những tâm hồn cô độc. Chúng như người bạn đồng hành, như nhân chứng đi theo tới cuối đời kẻ nào từng có đôi lần hát lên trong ánh sáng yêu thương hay, bóng tối đoạn lìa.

Theo tôi, hầu hết tình ca Y Vân / Trần Tấn Hậu đều có được tính chất đặc biệt này.

Nhìn lại, chúng ta thấy hàng trăm tình khúc của họ Trần chẳng những được đón nhận một cách nồng nàn ngay khi tác phẩm mới phổ biến mà, chúng còn được yêu quý trải qua nhiều thế hệ – Hiểu theo nghĩa chúng đã ở lại bền lâu trong ký ức.

Những tình khúc của Y Vân như “Đồi thông,” Ngăn Cách,” “Đêm giã từ (phổ thơ Thể Vân), “Thôi,” “Đừng lừa dối nhau,” Người em sầu mộng” (phổ thơ Lưu Trọng Lư),  “Hãy yêu tôi” (phổ thơ Đinh Hùng), “Những bước chân âm thầm (phổ thơ Kim Tuấn), v.v. dù với nội dung nào, cũng đều như những nhân chứng của kỷ niệm. Như người bạn thân thiết nhất của những kẻ lạc lõng, cô đơn!

Bên cạnh đó, ca khúc “Ảo ảnh” của Y Vân, sớm được nhiều giai thoại (hay huyền thoại) tìm đến, vây quanh!

Tôi không biết “Ảo ảnh” với những chi tiết được báo Thanh Niên, cột mục “Nghệ thuật yêu” đăng tải, có nằm trong điều mà, người bạn đời của cố nhạc sĩ Y Vân từng than phiền là “thêu dệt” (?) – Nhưng, cách gì thì, dưới đây cũng là một giai thoại làm mủi lòng nhiều người:

“Y Vân lập gia đình năm 1963, lúc này anh đã là trưởng ban nhạc Y Vân danh tiếng ở Sài Gòn (cùng với sự cộng tác của các ca sĩ Thanh Thoại, Tuyết Mai, Mai Hương…). Một buổi trưa năm 1965, từ đài phát thanh, Y Vân dắt xe máy ra cổng chuẩn bị về thì có một chú bé chạy đến mời anh vào quán nước cạnh đấy. Nơi đây, một thiếu nữ khá xinh ngồi chờ sẵn, chú bé giới thiệu đó là chị của mình, tên Huyền, đang là sinh viên Ban Việt-Hán, Đại học Văn khoa Sài Gòn. Huyền có đôi mắt to, đen và buồn. Trên bâu áo của nàng có một mảnh tang đen. Y Vân cố nhớ lại xem mình đã gặp cô gái này ở đâu chưa, nhưng chịu thua. Theo phép xã giao anh ngỏ lời chia buồn. Nhưng cô gái lắc đầu, buồn bã: ‘Em đâu có người thân nào qua đời. Mảnh tang này là dành cho mối tình của em đó!’. Y Vân sượng sùng, anh cũng manh nha đoán rằng phải có một điều bí ẩn gì đó mới khiến cô gái này vượt qua nỗi e dè thường thấy của phái nữ, không ngại điều thị phi để đánh bạo gặp anh, nhưng cũng khó mở miệng để hỏi, đành chỉ ngồi nói chuyện bâng quơ một lát rồi viện cớ cáo từ.

“Hai hôm sau, Y Vân tìm đến nhà Huyền theo địa chỉ cô đã cho. Đó là một căn nhà vách gỗ đơn sơ nhưng ngăn nắp, sạch sẽ nằm bên chiếc ao rau muống trong con hẻm đường Trương Minh Giảng (gần chợ Phú Nhuận bây giờ). Huyền không có nhà nhưng cậu em trai đã thổ lộ với chàng nhạc sĩ những điều thầm kín của chị mình. Chú bé cho biết họ là con của một địa chủ tiếng tăm ở Long An, được gia đình gửi lên Sài Gòn trọ học.

Huyền rất thích âm nhạc và ca hát, đặc biệt là thích nhạc của tác giả Y Vân. Những cuốn vở học trò của Huyền cũng được cô kẻ khung, chép nhạc (hầu hết là nhạc của Y Vân). Tiền gia đình gửi lên để Huyền hoàn tất chương trình cử nhân Văn khoa lại được nàng đem đóng học phí vào… lớp dạy đàn Tây Ban cầm. Suốt ngày Huyền chỉ ôm đàn và hát nhạc Y Vân.

“Việc học bê trễ, mấy năm liền chẳng đậu thêm được chứng chỉ nào. Thấy vậy, ông bố đã bắt hai chị em về quê, ép gả Huyền cho một anh trung úy hải quân. Huyền quyết liệt từ chối. Bẽ mặt với nhà trai, ông bố đăng báo từ con. Huyền đau khổ, trút tâm sự với em trai rằng đã yêu nhạc sĩ Y Vân. Sau khi bàn tính, hai chị em trốn nhà lên Sài Gòn, Huyền phải tìm việc làm để mưu sinh và nuôi hy vọng có ngày sẽ được cùng người trong mộng kết tóc se tơ. Sau nhiều lần dò hỏi, biết chắc nhạc sĩ Y Vân đã có gia đình, Huyền làm một mảnh tang đen, luôn đeo nó trên bâu áo…” (8)

Tác giả bài báo kết luận, ca khúc “Ảo ảnh” ra đời từ chuyện tình tuyệt vọng ấy.

THÊU DỆT VÀ SỰ THẬT

Tôi vẫn nghĩ, cái giá mà một người nổi tiếng phải trả, chính là những tin đồn, những dư luận xấu / tốt thêu dệt bên cạnh hào quang của người ấy. Nhất là với các nghệ sĩ ở lãnh vực âm nhạc và trình diễn.

Mức độ tin đồn, thêu dệt xấu / tốt thường tỷ lệ thuận với tiếng tăm mà nghệ sĩ ấy đạt được.

Trước đây nhiều năm, khi công nghệ thông tin chưa phát triển, tin đồn hoặc những thêu dệt quanh đời riêng một nghệ sĩ nổi tiếng, chỉ được phổ biến bằng phương tiện truyền tai. Người này kể với người kia những điều mà họ hãnh diện cho rằng chỉ mình họ biết được!

Nếu những dư luận mang nhiều tính “hư cấu” kia, có được phổ biến trên mặt báo thì, cách gì nó cũng vẫn bị giới hạn với số lượng ấn bản tờ báo đó bán được.

Nhưng từ khi Internet ra đời thì, đây là một biến cố lớn của sinh hoạt nhân loại. Hiểu theo cả hai nghĩa tốt và xấu; đúng và sai…

Thí dụ, ở một nơi xa xăm hay một quốc gia nào đó, thiên tai xảy ra; tức thì, chỉ ít phút sau, mọi người đều biết. Thay vì chúng ta phải đợi, để biết sau nhiều giờ, do báo chí, truyền thông loan tải. Tiếp theo mức độ nhanh nhậy này, là sự lên tiếng chia buồn, tiếp tay cứu trợ nạn nhân, giúp đỡ của các quốc gia khá; tùy theo hoàn cảnh, phương tiện của từng quốc gia ấy. Sự liên đới mang tính tương thân, tương ái này, theo tôi, là một hành động rất ý nghĩa của cộng đồng nhân loại. Từ đó, dù bị bất hạnh bởi thiên tai, các nạn nhân cũng được an ủi, cảm thấy ấm áp phần nào khi họ thấy rõ mình không bị lãng quên.

Nhưng mặt trái của sự nhanh nhậy kia, lại là tính chất vô trách nhiệm: Không thể kiểm chứng những tin tức, bài vở thuộc loại tin đồn, thêu dệt chung quanh đời riêng của các văn nghệ sĩ – Một khi loại tin tức, bài vở ấy được phổ biến trên on-line, tức không-gian-ảo.

Lại nữa, những nhân vật bị / được nói tới, hay những người có liên hệ hầu như không có thói quen lên tiếng đính chính, hoặc chỉnh sửa những dữ kiện thiếu trung thực.

Vì thế, những người muốn nghiên cứu, viết về một tác giả nào đó, vào on-line để tìm thêm tin tức như tiểu sử, sự nghiệp, đời thường một nhân vật, không có cách nào để kiểm chứng đúng / sai – Ngoài sự chọn lựa một trong hai điều, tùy mục đích người viết là:

– Lọc ra những gì được coi là tốt đẹp, hoặc ngược lại về nhân vật mình định viết…(9)

Với nhạc sĩ Y Vân, ông không chỉ nổi tiếng với hàng trăm ca khúc trữ tình mà, còn là tác giả ca khúc “Lòng mẹ” một ca khúc mà tôi muốn được ví như một thứ “quốc ca của tình mẫu tử” thì, tin tức, bài viết liên quan tới ông, từ tiểu sử, sự nghiệp sáng tác tới sinh hoạt đời thường của ông, đương nhiên được nhiều người ghi nhận. Thậm chí, có tác giả vì qúa yêu mến ông (?) mà, tạo thêm những “huyền thoại” bao quanh đời thường của ông.

Trước những tin tức, bài vở không đúng hoặc, mang tính “thêu dệt” phổ biến trên các trang mạng, sau khi nhạc sĩ Y Vân từ trần, thân nhân (tôi muốn nói vợ, con) của tác giả “Ảo ảnh” đã không hề có lời đính chính, giải thích.

Tuy nhiên, may thay, sau loạt bài viết về cố nhạc sĩ Y Vân / Trần Tấn Hậu, chúng tôi đã nhận được những tin tức chính xác, rất hữu ích cho những ai muốn nghiên cứu sâu xa về đời riêng của tác giả “Biển sầu.”

Số lượng tin tức quý báu mà chúng tôi vừa nhắc tới, được cung cấp bởi bà Như Hường, người bạn đời thứ nhất của cố nhạc sĩ Y Vân / Trần Tấn Hậu. (10)

Từ bà Như Hường, tương lai, những ai muốn nghiên cứu hay viết tiểu sử về cuộc đời tác giả “quốc ca của tình mẫu tử” sẽ có những dữ kiện xác thực sau đây:

Năm 1959 (không phải 1962 hay 1963), nhạc sĩ Y Vân chính thức kết hôn lần thứ nhất với bà Như Hường.

Một năm sau, năm 1960, họ có với nhau, con trai đầu lòng. Sau đó, là 3 ái nữ.

Những ca khúc nổi tiếng, còn lưu truyền tới bây giờ của cố nhạc sĩ Y Vân / Trần Tấn Hậu như “Ảo ảnh,” “Ngăn cách”, v.v. được họ Trần sáng tác trong thời gian chung sống với người bạn đời thứ nhất của ông.

Riêng “Biển sầu” và “Người vợ hiền” là hai ca khúc nhạc sĩ Y Vân viết cho bà Như Hường, như một bày tỏ cụ thể tình yêu, lòng trân trọng của ông dành cho người bạn đời thứ nhất của ông.

Hơn mười năm sau, tức năm 1970, với sự hy sinh rất hiếm xẩy ra trong thời hiện tại, bà Như Hường đã đi cưới vợ cho nhạc sĩ Y Vân.

Theo tiết lộ của Như Hường thì người vợ thứ hai của cố nhạc sĩ Y Vân, tên Minh Lâm – – Là em con cô, con cậu với bà Như Hường. (Thân phụ của bà Minh Lâm là em trai của thân mẫu bà Như Hường.) Cảm thông trước mối tình mãnh liệt của em gái, bà Như Hường đã có quyết định trên, mặc dù bà gặp nhiều phản đối trong gia đình. Điều đáng nói thêm, hai chị em rất hòa thuận.

Nhạc sĩ Y Vân ăn ở với người bạn đời thứ hai của ông, có thêm 4 người con. Cũng gồm có 1 trai và 3 gái. Nói cách khác, cố nhạc sĩ Y Vân có tất cả 8 người con, gồm 2 trai 6 gái.

Bà Như Hường còn xác nhận, bản chất cố nhạc sĩ Y Vân rất đứng đắn. Bà nêu thí dụ chuyện cô Huyền yêu nhạc sĩ Y Vân, từng được đề cập trên báo Thanh Niên, cột mục “Nghệ thuật yêu,” sau đấy phổ biến trên Internet, là một trong những “thêu dệt” do người viết vì quá yêu mến (?) nhạc sĩ Y Vân, nên đã gán ghép cho ông!.

Để kết luận, tôi nghĩ, tuy thiếu thời, nhạc sĩ Y Vân / Trần Tấn Hậu không được thong thả như những người bạn cùng trang lứa với ông – Nhưng bù lại, với lòng hiếu đễ, bản chất nghiêm túc và, tài năng thiên phú, tác giả “Lòng mẹ,” xứng đáng nhận được tình yêu thương, sự hy sinh cao cả mà, người bạn đời thứ nhất, bà Như Hường, đã dành cho ông.

Du Tử Lê (Calif. Oct. 2012.)

Chú thích:

(2), (3), (4), (5): Nguồn đd.

(6), (7): Nguyễn Việt, bđd.(8): Nguồn đd.

(9): Cá nhân tôi, trong hầu hết các bài viết của mình, những ngày gần đây, cũng nằm trong số người này. Vì không thể kiểm chứng tin tức được phổ biến trên on-line / không-gian-ảo, nên tôi luôn ghi chú rõ tư liệu được trích dẫn từ đâu, cũng như danh tánh trang chủ (web-site) tức nguồn của những bài vở ấy.

Comments are closed.