Lê Quỳnh
Sáng nay, ngày 11.12.2018, một tác phẩm public art nho nhỏ xuất hiện trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1) đã tạo cho nhiều người dân tại đây và đi qua khu vực này một niềm vui nho nhỏ trong một ngày mới của Sài Gòn, sau một cơn mưa gió tối trời.
Tác phẩm này được dựng lên ngay tại vị trí gốc cây cuối cùng của con đường vừa được đào lên vào hôm chủ nhật , ngày 9.12 – giờ đã trở thành con đường “di sản” với những hàng cây cổ thụ trong lòng người dân Sài Gòn.
Một người dân chạy xe ôm tại khu vực này cho hay: “nghe nói cây này đã được ai đó dựng lên vào 4g sáng nay. Sáng giờ có nhiều người đi qua chụp hình lại và tỏ ra rất thích thú”.
Tìm hiểu Người Đô Thị, nhà thơ – nghệ sỹ thị giác Ly Hoàng Ly là tác giả của tác phẩm public art (nghệ thuật công cộng) này.
Ly Hoàng Ly cho biết, sau một thời gian dài tìm các đầu mối để có thể đặt tác phẩm tại đây hợp pháp không thành, chị đành… liều “trồng cây” Ký ức – Hy vọng này.
Tác phẩm được chị dựng lên vào 4g sáng hôm nay, với hy vọng ai đi ngang qua, nhớ gửi cho hố cây cuối cùng của đường Tôn Đức Thắng một ánh nhìn, để nhớ về con đường từng rợp bóng cây cổ thụ này.
Lấy cảm hứng từ chính cột chỉ bảng đường dựng ngay chỗ gốc cổ thụ cuối cùng bị đào đi (ngã tư Tôn Đức Thắng – Lê Thánh Tôn), tác phẩm là một cây cột có hai bảng chỉ đường, một tên Ký ức (Memory) và một tên Hy vọng (Hope).
Chữ sẽ ánh màu của ánh sáng phản chiếu lên nó.
Hai dòng chữ này sẽ xoay theo gió thổi, và xoay vòng vòng rất mạnh khi gió thổi mạnh. Bất cứ ai cũng có thể chơi với tay hay cầm cây đẩy cho nó xoay.
“Tôi nghĩ nếu con đường Tôn Đức Thắng có vài tác phẩm public art để lưu lại điều gì đó về lịch sử của nó thì hay lắm. Coi như tôi liều dựng “cây” Ký ức – Hy vọng ở đây như một lời ngỏ, một lời đề nghị cho tương lai với chính quyền thành phố. Hy vọng tác phẩm nhỏ này có thể đứng được lâu lâu tại đây”, Ly Hoàng Ly chia sẻ.
Thời gian qua, chính quyền TP.HCM đã có quyết định chặt 258 cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng để làm cầu Thủ Thiêm 2, nối quận 1 với bán đảo đô thị mới Thủ Thiêm. Dù quyết định đã được đưa ra, nhưng có nhiều ý kiến chuyên gia phân tích và nhận định: việc đốn chặt và di dời đi gần 300 cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng là một quyết định không phù hợp.
Bài toán cầu Thủ Thiêm 2 không chỉ cần được nhìn ở góc độ kết nối giao thông (theo quyết định của thành phố), mà còn cần nhìn ở góc độ quy hoạch đô thị, bảo tồn cảnh quan, di sản, hiệu quả kinh tế,… nhất là trong thực tế hiện nay, vấn đề quản lý đô thị, quy hoạch đô thị vẫn có độ trễ, và yếu.
Sau một thời gian dài hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng bị chặt hạ di dời, các hố to sâu của gần 300 cây cổ thụ nay đã được cán nền xi măng mới tinh, không còn dấu vết.
Nhưng cũng như những người buôn bán ở đây, cây bị chặt thì họ bỏ chai đựng xăng quảng cáo bán xăng, ngồi bán bánh tráng trộn, v.v… “cây Ký ức – Hy vọng” mọc lên từ người nghệ sỹ thành phố là ứng tác với cuộc sống bằng nghề của mình. Đó không chỉ là những giá trị làm “mềm hoá” cuộc sống, mà còn là tiếng nói, cho thấy một đời sống văn hóa, tinh thần trong cuộc sống đô thị/thị dân Sài Gòn…
Những hình ảnh kinh điển mà thuật ngữ “Public Art” (nghệ thuật công cộng) gợi ra thường là các cấu trúc tĩnh tại bằng đồng hay đá nguyên khối. Ngày nay, thể loại nghệ thuật này đã vượt ra ngoài sự thường trụ và vững chắc, tìm cách gắn kết với cộng đồng, đưa cộng đồng dấn mình theo một cung cách không hề loại bỏ những phương pháp của quá khứ, mà đưa những phương pháp ấy vào đời sống như một phần của cộng đồng. Nghệ thuật công cộng đương đại không chỉ đơn giản là một phương diện của cảnh quan, nó mở rộng tới việc khảo cứu xem xét các ý tưởng dấn thân gắn kết của cá nhân và cộng đồng, của ngữ cảnh và sự tái tạo ngữ cảnh của địa điểm và kích thích sự trao đổi ý tưởng và căn cước trong lòng một cộng đồng.
—–
Người Đô Thị xin giới thiệu vài hình ảnh về “cây Ký ức – Hy vọng” trên đường Tôn Đức Thắng chụp sáng nay, ngày 11.12.2018:
“Cây Ký ức – Hy vọng” ngay tại gốc cây cổ thụ cuối cùng trên đường Tôn Đức Thắng bị đào đi. Ảnh: Lê Quỳnh
“Cây Ký ức – Hy vọng” giữa con đường Tôn Đức Thắng trống hoác, lạ lẫm với người dân Sài Gòn, sau khi gần 300 cây cổ thụ tại đây đã bị bứng bỏ. Ảnh: Lê Quỳnh
Con đường rợp bóng cây cổ thụ, hài hòa giữa không gian sống Sài Gòn trên đường Tôn Đức Thắng, trước khi bị bứng hạ. Ảnh: TL
Và con đường Tôn Đức Thắng hiện tại. Ảnh: Lê Quỳnh
Nguồn: Người đô thị