Svetlana Alexievich
Diên Vỹ chuyển ngữ từ NPR
Dân Luận: Bà Svetlana Alexievich, người vừa được tặng giải Nobel Văn học 2015 cho những cuốn sách phi hư cấu của mình. Xin giới thiệu vài trích đoạn từ cuốn Voices from Chernobyl: The Oral History of a Nuclear Disaster, trong đó bà thu thập những lời kể từ các nhân chứng trong thảm hoạ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl thuộc Liên Sô cũ vào năm 1986.
Mở đầu: Một tiếng nói đơn độc của con người
Lyudmilla Ignatenko, vợ của lính cứu hoả quá cố Vasily Ignatenko
Buổi tối tôi ngồi trên chiếc ghế nhỏ cạnh anh. Đến tám giờ tôi bảo: “Vasenka, em tản bộ một tí.” Anh ấy mở mắt rồi nhắm lại, để tôi đi. Tôi đi về khu nội trú, lên phòng của mình và nằm lên sàn nhà, tôi không thể nằm trên giường, mọi thứ đều quá đau đớn, vừa lúc ấy bà lao công gõ cửa. “Đi, đến với anh ấy! Anh ấy gọi chị như điên!” Buổi sáng ấy Tanya Kibenok năn nỉ tôi: “Hãy đến nghĩa trang với tôi, tôi không thể đi một mình.” Họ đang chôn Vitya Kibenok và Volodya Pravik. Hai người là bạn của anh Vasya tôi. Gia đình chúng tôi quen biết nhau. Có một bức ảnh của toàn thể chúng tôi trong căn nhà một ngày trước vụ nổ. Các ông chồng chúng tôi thật đẹp trai và hạnh phúc! Đấy là ngày cuối cùng của cuộc sống ấy. Chúng tôi đều rất hạnh phúc!
Tôi quay về từ nghĩa trang và gọi y tá trực ngay. “Anh ấy ra sao?” “Anh ấy mất mười lăm phút trước.” Cái gì? Tôi ở đấy cả đêm. Tôi chỉ vắng mặt có ba tiếng! Tôi bước đến cửa sổ và bắt đầu gào lên: “Tại sao? Tại sao?” Tôi ngước nhìn lên trời và hét lớn. Cả khu nhà đều nghe tiếng tôi. Họ sợ không dám lên gặp tôi. Rồi tôi cũng vượt qua: Tôi sẽ nhìn thấy anh một lần nữa! Một lần nữa! Tôi chạy xuống lầu. Anh ấy vẫn nằm trong phòng cách ly sinh học, họ vẫn chưa đưa anh đi. Những tiếng cuối cùng của anh là “Lyusya! Lyusenka!” “Chị ấy mới bước ra ngoài chút xíu, chị ấy sẽ quay lại ngay,” người y tá bảo anh. Anh thở dài và lặng im. Sau đấy tôi không rời anh ấy nữa. Tôi tiễn anh mãi đến tận nghĩa trang. Tuy nhiên điều tôi nhớ lại không phải là ngôi mộ, nó là cái túi nhựa. Cái túi ấy.
Tại nhà tẩm liệm họ bảo, “Có muốn xem chúng tôi đã mặc gì cho anh ấy không?” Muốn chứ! Họ mặc cho anh bộ lễ phục với cả chiếc mũ. Ho không thể mang giày cho anh vì đôi chân anh bị sưng tấy. Họ cũng phải rạch bộ lễ phục vì không thể mặc nó vào người anh được. Thân thể anh không toàn vẹn để mặc vào. Nó toàn là những vết thương. Hai ngày cuối ở bệnh viện – tôi nhấc tay anh lên, cánh xương tay run rẫy và giống như lặc lìa, cơ thể anh đã rời khỏi nó. Những mảnh vụn của phổi, gan trồi ra ngoài miệng anh. Anh ấy bị nghẽn vì nội tạng của chính mình. Tôi lấy băng quấn vào tay và thò vào miệng anh để lấy chúng ra hết. Thật khó để mà kể, để mà viết, và thậm chí để mà sống. Đấy là của tôi hết.
Anh yêu ơi. Họ không thể tìm được đôi giày nào để vừa chân anh. Họ chôn anh với đôi chân trần.
Ngay trước mắt tôi – trong bộ lễ phục của anh – họ bỏ anh vào chiếc túi nhựa cellophane của họ và thắt lại. Rồi họ đặt chiếc túi vào trong chiếc hòm gỗ. Và họ lại đặt chiếc hòm vào một chiếc túi khác. Chiếc túi nhựa trong nhưng dày, như một chiếc khăn trải bàn. Và rồi họ bỏ tất cả vào một chiếc hòm kẽm. Họ phải nhét nó vào. Chỉ có chiếc mũ là không lọt.
Mọi người đến – bố mẹ anh ấy, bố mẹ tôi. Họ mua khăn tay màu đen từ Moscow. Người của Uỷ ban Điều tra Đặc biệt gặp chúng tôi. Họ đều nói với mọi người rằng: chúng tôi không thể giao xác chồng, con của quí vị cho quí vị, họ bị nhiễm xạ rất nặng và sẽ được chôn cất đặc biệt tại một nghĩa trang ở Moscow. Trong hòm kín bằng kẽm, dưới sàn xi măng. Và quí vị cần ký vào văn bản này.
Nếu ai đấy bất bình và muốn đem quan tài về nhà, họ được bảo rằng người chết hiện là anh hùng, hiểu chưa, và họ không còn thuộc về gia đình của họ nữa. Họ là anh hùng Nhà nước. Họ thuộc về Nhà nước.
Chúng tôi ngồi trên chiếc xe tang. Những họ hàng và một số người trong quân đội. Một đại tá và trung đoàn của ông. Họ bảo những người lính: “Đợi lệnh của tôi!” Chúng tôi lái vòng quanh Moscow suốt hai ba tiếng, theo quanh những đường vành đai. Rồi chúng tôi quay lại Moscow. Họ bảo những người lính: “Chúng ta không cho bất cứ ai vào nghĩa trang. Nghĩa trang hiện đang bị giới phóng viên nước ngoài bủa vây. Hãy đợi thêm chút nữa.” Bố mẹ hai bên đều không nói gì. Mẹ tôi cầm chiếc khăn tay đen. Tôi thấy mặt mày xây xẩm. “Tại sao họ lại giấu chồng tôi? Anh ấy là ai? Kẻ giết người? Tên tội phạm? Chúng ta đang chôn ai đây?” Mẹ tôi bảo: “Im. Im đi con gái.” Bà vỗ lên đầu tôi. Vị đại tá ra lệnh: “Hãy quay vào nghĩa trang. Cô vợ đang nổi điên.” Tại nghĩa trang xung quanh chúng tôi đều là lính. Chúng tôi có cả một đoàn xe. Và chúng chở chiếc quan tài. Không ai được phép vào. Chỉ có chúng tôi. Họ lấp đất chôn anh ấy chỉ trong vài phút. “Nhanh lên! Nhanh lên!” viên sĩ quan la lớn. Thậm chí họ không cho tôi ôm lấy quan tài. Rồi tất cả lên xe. Mọi thứ đều lén lút.
Ngay lập tức họ mua vé máy bay cho chúng tôi về nhà ngày hôm sau. Suốt thời gian ấy luôn có người bên cạnh chúng tôi. Họ còn không để chúng tôi ra khỏi khu tập thể để mua thức ăn cho chuyến đi. Nhỡ đâu chúng tôi sẽ trao đổi với ai đấy – đặc biệt là tôi. Cứ như lúc ấy tôi có thể trò chuyện được. Tôi còn không khóc nổi nữa mà. Khi chúng tôi lên đường, người đàn bà trực đếm tất cả khăn và tấm trải giường. Bà gấp chúng ngay và đặt vào một chiếc túi polyethylene. Có lẽ họ đem đốt chúng. Chúng tôi phải tự trả tiền ở trọ. Hết thảy mười bốn đêm. Đấy là một bệnh viện chuyên trị nhiễm xạ. Mười bốn đêm. Đấy là thời gian cần có để người ta chết.
Sergei Sobolev, phó chủ tịch Uỷ ban Điều hành Hiệp hội Phong toả Chernobyl
Họ đã viết hàng chục cuốn sách. Những bộ sách dày, kèm theo nhận định. Nhưng sự kiện này vẫn vượt khỏi bất kỳ lời giải thích triết lý nào. Ai đó đã bảo tôi, hay là tôi đã đọc được ở đâu đấy, rằng trước tiên, bản thân sự kiện Chernobyl đã là một vấn đề của việc tự hiểu.
Điều này có vẻ đúng. Tôi vẫn đợi một người thông minh giải thích cho tôi. Kiểu họ đã khai sáng cho tôi về Stalin, Lenin, chủ nghĩa Bolshevik. Hoặc kiểu họ liên tục ra rả về “Thị trường! Thị trường! Thị trường Tự do!” Nhưng chúng ta – những người lớn lên trong một thế giới không có Chernobyl, giờ lại phải sống với Chernobyl.
Đúng ra tôi là một chuyên viên tên lửa, tôi chuyên về nhiên liệu phóng. Tôi làm việc tại sân bay vũ trụ Baikonur. Các chương trình Kosmos, Interkosmos đã chiếm phần lớn đời tôi. Đó là khoảng thời gian kỳ diệu! Bạn đem đến cho mọi người bầu trời, Bắc Cực, tất cả! Bạn đem vũ trụ đến cho họ! Mọi người tại Liên Sô đều lên vũ trụ với Yuri Gagarin, họ vụt khỏi mặt đất với anh ấy. Chúng ta đều như thế! tôi vẫn còn yêu anh ấy – anh là một người Nga tuyệt vời với nụ cười tuyệt vời. Ngay cả cái chết của anh ấy dường như cũng được tập dợt kỹ.
Đấy là khoảng thời gian tuyệt vời! Vì nhiều lý do tôi chuyển về Belarus, hoàn thành sự nghiệp của tôi ở đây. Khi tôi đến đây, tôi đắm chìm vào không gian được Chernobyl hoá, đấy là cách tôi chỉnh đốn lại cảm nhận của mình. Thật khó để tưởng tượng điều gì tương tự như thế, cho dù tôi luôn phải đối đầu với những kỹ nghệ tân tiến nhất, những kỹ nghệ ngoài không gian. Thậm chí khó để giải thích – nó không nằm trong trí tưởng tượng – nó – [ông suy nghĩ] Bà biết đấy, một giây trước tôi nghĩ mình đã nắm bắt được, chỉ một giây trước thôi – nó bắt bạn phải triết lý hoá nó. Cho dù bạn trao đổi với ai về Chernobyl, họ đều muốn triết lý hoá nó. Nhưng tôi muốn nói với bà về công việc của tôi hơn. Chúng tôi làm gì được hơn! Chúng tôi xây một nhà thờ – một nhà thờ cho Chernobyl, để vinh danh Đức Mẹ Đồng trinh, chúng tôi dâng hiến nó cho “Sự Trừng phạt”. Chúng tôi quyên góp tiền bạc, thăm viếng những người mắc bệnh và sắp chết. Chúng tôi chép niên ký. Chúng tôi xây dựng một bảo tàng. Tôi từng cho rằng, với tình trạng bệnh tim của mình thì không thể nào làm nổi việc này. Chỉ thị đầu tiên của tôi là: “Tiền đây, hãy chia ra cho ba mươi lăm gia đình, thế thôi, giữa ba mươi lăm goá phụ.” Những người đàn ông đã bị tiêu ra nước. Vì thế ta cần phải công bằng. Nhưng bằng cách nào? Một goá phụ có một bé gái đang bệnh, một goá phụ khác có hai con, và người thứ ba thì cũng bị bệnh, và đang phải mướn căn hộ, rồi một người khác có bốn con. Nửa đêm tôi giật mình dậy nghĩ, “Làm sao ta có thể không công bằng với bất cứ ai?” Tôi suy nghĩ rồi tính toán, tính toán rồi suy nghĩ. Và tôi không thể làm nổi. Cuối cùng chúng tôi chia đều số tiền cho những người trong danh sách.
Nhưng đứa con thật sự của tôi là nhà bảo tàng: Bảo tàng Chernobyl. [Ông lặng im]. Đôi khi tôi nghĩ mình nên có một nhà tang lễ hơn là bảo tàng. Tôi có chân trong uỷ ban tang lễ. Sáng nay tôi chưa kịp cởi áo khoác thì đã có một phụ nữ đến, bà ấy khóc, không phải khóc mà gào lên: “Lấy hết huân chương và bằng khen của ông ấy đi! Lấy hết cả trợ cấp đi! Hãy trả chồng tôi lại!” Bà ấy kêu gào thật lâu. Và để những huân chương và bằng khen của người chồng lại. Thôi thì sẽ trưng bày chúng trong bảo tàng vậy. Người ta có thể chiêm ngưỡng chúng. Nhưng tiếng khóc của bà, chẳng ai nghe tiếng khóc của bà ấy ngoài tôi, và khi tôi trưng bày những bằng khen này tôi sẽ nhớ đến nó.
Đại tá Yaroshuk hiện sắp chết. Ông là một nhà định lượng hóa chất. Ông khoẻ như trâu, giờ thì nằm liệt. Vợ ông xoay người ông như một chiếc gối. Bà dùng thìa để bón cho ông ăn. Ông bị sạn thận, cần đi bắn, nhưng chúng tôi không có tiền để trả cho một phẫu thuật như thế. Chúng tôi là bọn ăn mày, sống nhờ vào tiền người ta cho. Và chính quyền hành xử như một kẻ cho vay nợ, họ quên đi những người như thế. Khi ông chết, họ sẽ đặt tên ông cho một con đường, hoặc là một ngôi trường, hoặc là một đơn vị quân đội, nhưng chỉ sau khi ông chết. Đại tá Yaroshuk. Ông đi vào Khu vực cấm và đánh dấu những điểm có độ phóng xạ cao nhất – họ lợi dụng ông theo đúng nghĩa đen, cứ như ông là một người máy. Và ông cũng hiểu được điều này, nhưng vẫn đi, ông đi từ chính lò phản ứng và bước qua tất cả các khu vực chung quanh phạm vi phóng xạ. Đi bộ. Với chiếc máy đo trên tay. Ông nhận ra một “điểm phóng xạ” và bước quanh chu vi của nó để có thể ghi vào bản đồ một cách chính xác.
Còn những người lính làm việc trên mái lò phản ứng thì sao? Hai trăm mười đơn vị quân đội bị quẳng vào khu vực nóng chảy do cơn thảm hoạ gây ra, tương đương với khoảng 340 nghìn lính. Những người dọn dẹp mái lò bị nặng nhất. Họ mặc áo giáp chì nhưng chất phóng xạ đến từ bên dưới, và họ không được bảo vệ ở đấy. Họ chỉ mang những đôi ủng giả da rẻ tiền của quân đội. Họ làm việc khoảng một phút rưỡi đến hai phút mỗi ngày, và sau đó được trả về, được tặng một giấy khen và phần thưởng – một trăm rúp. Và rồi họ biến mất trong ngoại vi của đất mẹ chúng ta. Trên mái lò họ gom nhặt nhiên liệu và than chì thoát ra từ lò phản ứng, những mảnh bê tông và kim loại. Cần khoảng hai đến ba mươi giây để chất đầy một chiếc xe đẩy, và thêm ba mươi giây nữa để quẳng “rác” khỏi mái lò. Bản thân những chiếc xe đẩy đặc biệt này nặng đến bốn mươi ký. Và ta có thể mường tượng ra: một chiếc áo giáp chì, mặt nạ, xe đẩy, và một tốc độ điên cuồng.
Trong viện bảo tàng ở Kiev có trưng bày một chiếc khuôn bằng than chì có cỡ bằng một chiếc nón lính, họ bảo rằng nếu là thật thì nó nặng 16 ký, điều này cho thấy than chì dày và nặng như thế nào. Những chiếc máy điều khiển bằng vô tuyến mà họ sử dụng thường không đi theo lệnh hoặc làm ngược lại chức năng thường có của mình, vì hệ thống điện tử của chúng bị gián đoạn bởi độ phóng xạ cao. Những “người máy” đáng tin cậy nhất là những người lính. Họ được đặt tên là “người máy xanh” (theo sắc áo lính của họ). Ba nghìn sáu trăm người lính làm việc trên mái nhà của chiếc lò phản ứng bị hư hại. Họ ngủ trên đất, họ đều kể rằng ban đầu họ rải rơm trên nền lều – và chúng được lấy từ đống rơm nằm gần lò phản ứng.
Họ là những người trai trẻ. Giờ đây họ cũng đang chết dần, nhưng họ hiểu rằng nếu không có họ… Những người này xuất thân từ một nền văn hoá đặc biệt, nền văn hoá của những thành tựu vĩ đại. Họ là một vật hi sinh. Lúc ấy có khả năng xảy ra một hiểm hoạ nổ hạt nhân, và họ phải rút nước phía dưới lò phản ứng ra, để một hỗn hợp gồm uranium và than chì có thể lọt vào – nếu có nước, nó sẽ tạo thành một khối lớn đầy nguy hiểm. Sức nổ có thể lên đến ba đến năm triệu tấn. Điều này có nghĩa là không chỉ Kiev và Minsk, mà cả phần lớn châu Âu sẽ không sống được. Bà có thể tin được không? Một thảm hoạ của châu Âu. Vì thế nhiệm vụ là: ai sẽ lặn vào để mở con ốc của van an toàn ? Họ hứa sẽ tặng thưởng một chiếc ô tô, một căn hộ, một nhà nghỉ hè, trợ cấp cho gia đình đến trọn đời. Họ tìm kiếm người tình nguyện. Và họ đã tìm thấy! Những chàng trai trẻ lặn xuống, nhiều lần, và họ mở được con ốc, và cả đơn vị được thưởng 7 nghìn rúp. Người ta quên đi lời hứa về ô tô và căn hộ – nhưng đấy không phải là lý do họ lặn! Không phải vì vật chất, ít nhất là vì những thứ được hứa hẹn. [trở nên giận dữ.] Những người này không còn sống nữa, họ chỉ để lại tên tuổi trong những tài liệu trong bảo tàng. Nhưng nếu họ không làm? Trên khía cạnh sẵn sàng hi sinh bản thân, chúng ta không ai bằng họ.
Giờ thì bà đã hiểu tôi có cái nhìn như thế nào về cái viện bảo tàng? Trong chiếc bình ấy có chút đất từ Chernobyl. Một nắm đầy. Và còn có một chiếc nón thợ mỏ. Cũng đến từ nơi ấy. Một số nông cụ trong Khu vực cấm. Chúng tôi không để các máy đo ở đây – nếu thế thì cơ thể chúng ta sẽ phát sáng! Nhưng mọi thứ ở đây cần phải đúng thực. Không có khuôn thạch cao đúc lại. Cần phải để mọi người tin chúng tôi. Và họ chỉ tin vào những hiện vật thật, vì đã có quá nhiều giả dối về Chernobyl. Đã và vẫn đang gian dối. Họ còn gây quỹ và xây dựng những cơ sở thương mại.
Vì hiện bà đang viết cuốn sách này, bà cần phải xem qua một số đoạn phim đặc biệt. Chúng tôi thu thập từng tí một. Nó không phải là một biên niên ký của Chernobyl, không, họ không cho bất cứ ai thu hình về nó, đấy là điều cấm đoán. Nếu ai đấy tìm cách thu hình được, chính quyền lập tức tịch thu cuốn phim và khi trả lại nó đã bi hỏng. Chúng tôi không có biên niên ký về việc họ di tản người dân ra sao, về việc họ vận chuyển gia súc ra sao. Họ không cho phép ai thu hình thảm cảnh, chỉ thu hình các anh hùng. Hiện vẫn có một số bộ ảnh về Chernobyl, nhưng đã có bao nhiêu máy ảnh và máy quay phim bị đập vỡ! Người ta bị cuốn vào guồng máy quan liêu. Cần phải có rất nhiều can đảm để nói lên sự thật về Chernobyl. Vẫn cần như thế. Tin tôi đi! Nhưng bà cần phải xem những đoạn phim ấy: những khuôn mặt sạm đen của lính cứu hoả, giống như than chì. Và những đôi mắt họ? Mắt của những con người thừa biết rằng họ đang từ giã chúng tôi. Có một đoạn phim quay đôi chân của một phụ nữ, buổi sang sau thảm hoạ bà ra làm việc tại mảnh đất gần nhà máy hạt nhân. Bà bước trên cỏ phủ đầy sương. Đôi chân bà khiến ta liên tưởng đến một tấm lưới, cả đôi chân đầy những lỗ chạy lên đến gối. Bà cần phải xem những thứ này nếu muốn viết cuốn sách này.
Độc thoại về những gì chúng ta không biết: Cái chết cũng có thể rất đẹp
Nadezhda Petrovna Vygovskaya, di tản từ thị trấn Pripyat
Thoạt tiên, câu hỏi là Lỗi tại ai? Nhưng sau, khi chúng tôi biết được thêm, chúng tôi bắt đầu nghĩ, Chúng ta nên làm gì?
Chúng ta phải làm sao để tự cứu mình? Sau khi chấp nhận thực tế rằng đây không chỉ là vấn đề của một hay hai năm, mà cả nhiều thế hệ, chúng tôi bắt đầu nhìn lại, lật lại những trang sách.
Lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl sau khi bị nổ
Nó xảy ra vào khuya thứ Sáu. Buổi sáng ấy chẳng ai thấy có gì khác thường. Tôi đưa con trai đến trường, chồng tôi đến tiệm cắt tóc. Tôi đang nấu cơm trưa khi chồng tôi về. “Có một đám cháy nào đấy ở nhà máy hạt nhân,” ông ấy bảo. “Họ bảo chúng ta không nên tắt radio.” Tôi quên nói rằng chúng tôi sống gần thị trấn Pripyat, gần lò phản ứng. Tôi vẫn còn thấy được cái vầng sáng chói màu huyết dụ, cứ như cả lò phản ứng đang phát sáng. Đấy không phải là một đám cháy bình thường, nó giống như một thứ gì sáng chói. Nó rất đẹp. Tôi chưa bao giờ thấy cảnh này trong phim ảnh. Đêm ấy mọi người đổ ra ngoài ban công, những ai không có ban công thì sang nhà bạn bè. Chúng tôi ở tầng chín, vì thế có hướng nhìn tuyệt vời. Người ta mang con ra, bế lên cao và bảo “Nhìn đi! Nhớ đấy!” Và những người làm việc tại lò phản ứng – kỹ sư, công nhân, giảng viên vật lý. Họ đứng trong đám bụi đen, trò chuyện, hít thở, thắc mắc về nó. Từ khắp nơi người ta lái xe, cưỡi xe đạp đến để xem. Chúng tôi không biết rằng cái chết lại đẹp đến thế. Nhưng tôi không thể nói rằng nó không có mùi – nó không phải là mùi của mùa xuân hay mùa thu, mà là của một thứ gì khác, và không phải là mùi của đất. Cổ họng tôi ngứa ngáy, và mắt tôi chảy nước.
Cả đêm tôi không ngủ, và tôi nghe hàng xóm đi lại ở tầng trên, họ cũng không ngủ được. Họ đang di chuyển đồ vật, lục đục, có thể họ đang thu xếp tư trang. Tôi ráng chống cơn đau đầu bằng vài viên Citramon. Buổi sáng sau tôi thức dậy, nhìn chung quanh và nhớ rằng mình cảm thấy – đây không phải là điều tôi nghĩ ra sau này, tôi cảm thấy ngay lúc ấy – có điều gì đấy không ổn, điều gì đấy đã thay đổi mãi mãi. Tám giờ sáng hôm ấy đã có người trong quân đội trên đường phố, đeo mặt nạ chống độc. Khi chúng tôi thấy họ trên phố, với những chiếc xe quân sự, chúng tôi lại không thấy sợ hãi – ngược lại, điều này làm chúng tôi bình tĩnh hơn. Vì quân đội đến giúp đỡ chúng tôi, mọi thứ sẽ ổn thôi. Lúc ấy chúng tôi không hiểu được rằng cái hạt nguyên tử hiền hoà ấy lại có thể giết người, rằng con người thì vô vọng trước những định luật vật lý.
Suốt ngày hôm ấy đài phát thanh kêu gọi mọi người chuẩn bị di tản: họ sẽ đưa chúng tôi đi trong ba ngày, tẩy sạch mọi thứ, kiểm tra toàn bộ. Những đứa trẻ được bảo đem theo sách giáo khoa. Tuy thế, chồng tôi vẫn bỏ giấy tờ và ảnh cưới vào cặp táp của ông. Vật duy nhất mà tôi mang theo là tấm khăn choàng mỏng phòng khi thời tiết xấu.
Ngay từ đầu tôi đã cảm thấy chúng tôi là dân Chernobyl, rằng chúng tôi là những người khác biệt. Chiếc xe buýt của chúng tôi dừng lại tại một ngôi làng; mọi người ngủ trên nền nhà của một ngôi trường, những người khác ngủ tại một câu lạc bộ. Chẳng có nơi nào để ở. Một phụ nữ mời chúng tôi vào nhà ngủ. “Vào đây,” bà bảo, “Tôi sẽ trải vài tấm khăn cho quí vị. Tôi thấy tội nghiệp cho con trai bà.” Bạn bà ấy liền kéo bà xa khỏi chúng tôi. “Bà điên à? Họ đã bị nhiễm xạ!” Khi chúng tôi đã ổn định tại Mogilev và con trai chúng tôi bắt đầu đi học, ngày đầu tiên nó về nhà khóc ròng. Họ xếp nó ngồi cùng một bé gái, cô bé này nói cô không thích ngồi với nó, nó bị nhiễm xạ. Con trai chúng tôi đang học lớp bốn, và nó là đứa bé duy nhất trong lớp đến từ Chernobyl. Những đứa trẻ khác sợ nó, chúng gọi nó là “Sáng bóng”. Tuổi thơ của nó chấm dứt quá sớm.
Khi chúng tôi rời Pripyat thì có một hàng quân đi ngược lại hướng chúng tôi. Có rất nhiều xe quân sự, lúc ấy tôi bắt đầu thấy lo sợ. Nhưng tôi không gạt bỏ được cảm nghĩ rằng điều này chỉ xảy ra với người khác. Tôi khóc, đi tìm thức ăn, chốn ở, ôm con trai, vỗ về nó, nhưng bên trong luôn có cảm giác tôi chỉ là một kẻ đứng nhìn. Tại Kiev họ cho chúng tôi ít tiền, nhưng chúng tôi không mua được thứ gì cả: hàng trăm nghìn người đã bị di dời và họ đã mua hết, ăn hết mọi thứ. Nhiều người bị tai biến và đột quị, ngay tại nhà ga xe lửa, trên xe buýt. Tôi được mẹ mình cứu. Bà sống lâu và từng trên một lần bị mất hết tất cả. Lần đầu là vào những năm 30, họ tịch thu bò, ngựa và nhà của bà. Lần thứ hai là một vụ hoả hoạn, vật duy nhất mà bà giữ được chính là tôi. Giờ đây bà bảo, “Chúng ta phải vượt qua nó. Nói cho cùng, chúng ta vẫn sống sót.”
Tôi nhớ được một điều: chúng tôi đang trên xe buýt, mọi người đều khóc. Một người đàn ông ở phía trước quát vợ anh ta. “Tôi không hiểu tại sao bà ngu quá! Ai cũng đem theo hành trang còn chúng ta chỉ có võn vẹn mấy cái lọ ba lít!” Vợ anh ta cho rằng vì được đi xe buýt nên chị ấy xách theo mấy chiếc lọ đựng dưa cho mẹ mình vì tiện đường. Họ mang những chiếc túi cồng kềnh to đùng để gần ghế ngồi, chúng tôi luôn vấp phải chúng trên suốt quãng đường đến Kiev, và đấy là những gì họ mang theo đến Kiev.
Giờ thì tôi tham gia ban thánh ca của nhà thờ. Tôi đọc Kinh thánh. Tôi đi lễ – đấy là nơi duy nhất người ta nói về cuộc sống vĩnh hằng. Họ an ủi người khác. Ta không nghe được những ngôn từ như thế ở những nơi khác, vì thế ta lại muốn nghe chúng.
Tôi thường mơ thấy mình cùng con trai đi qua Pripyat ngợp nắng. Giờ đây nó là một thị trấn không người. Nhưng chúng tôi đi qua và ngắm nhìn các bụi hồng, có rất nhiều hoa hồng ở Pripyat, những bụi hồng lớn đầy hoa. Tôi còn trẻ. Con trai tôi còn bé xíu. Và trong giấc mơ tôi quên hết những sợ hãi, cứ như mình là chỉ là kẻ đứng ngoài.
Độc thoại về việc đưa ra các biện pháp
Marat Filippovich Kokhanov, cựu kỹ sư trưởng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử thuộc Học viện Khoa học Belarus
Ngay vào cuối tháng Năm, khoảng một tháng sau khi tai hoạ xảy ra, chúng tôi nhận được các mẫu vật từ khu vực trong phạm vi ba mươi cây số để thử nghiệm. Cơ quan làm việc suốt ngày đêm, cứ như là một cơ quan quân sự. Lúc ấy chúng tôi là những người duy nhất ở Belarus có chuyên môn và dụng cụ để làm việc này.
Một tháng sau khi vụ nổ, công nhân Chernobyl phải vào làm việc trong một môi trường bị nhiễm xạ cao.
Họ mang đến cho chúng tôi nội tạng của các thú vật nuôi lẫn hoang dã. Chúng tôi thử nghiệm sữa. Sau lần thử nghiệm đầu tiên rõ ràng là những thứ mà chúng tôi nhận được không thể gọi đúng là thịt – nó là một thứ sản phẩm phụ của chất phóng xạ. Bên trong khu vực cấm đàn bò được chăm sóc theo ca – những người chăn bò đến rồi đi, những người vắt sữa được đưa vào để chỉ lấy sữa. Các xí nghiệp sữa vẫn thực hiện kế hoạch của nhà nước. Chúng tôi thử nghiệm loại sữa ấy. Nó không còn là sữa, nó là một sản phẩm phụ của chất phóng xạ.
Một thời gian dài sau đó chúng tôi dùng sữa bột và sữa đặc đóng hộp từ nhà máy sữa Rogachev trong các buổi thuyết giảng của mình như là ví dụ tiêu chuẩn về nguồn gốc nhiễm xạ. Và trong khi ấy, chúng lại được bán ra tại các cửa hàng. Khi người dân biết được sữa ấy từ Rogachev và không mua nữa, thình lình lại xuất hiện những hộp sữa không dán nhãn. Tôi không nghĩ rằng đấy là vì họ bị hết giấy.
Trong chuyến đi của tôi vào Khu vực cấm tôi đã đo thấy mức độ nhiễm xạ trong rừng cao gấp năm hay sáu lần so với trên đường hoặc trên đồng. Nhưng độ nhiễm xạ cao có mặt ở khắp nơi. Những chiếc máy cày đang chạy, những nông dân đang cày xới trên mảnh ruộng của mình. Trong vài ngôi làng chúng tôi đo lường độ hoạt động tuyến giáp của người lớn và trẻ em. Nó cao gấp một trăm, đôi khi gấp hai trăm hoặc ba trăm lần độ cho phép. Có một phụ nữ trong nhóm chúng tôi, bà là một nhà phóng xạ học. Bà hốt hoảng khi thấy trẻ em đang ngồi chơi trong một hố cát. Chúng tôi thử nghiệm sữa mẹ – nó cũng bị nhiễm xạ. Chúng tôi vào các cửa hàng – như trong nhiều cửa hàng của làng, quần áo và thức ăn được bày gần nhau: Áo vét và áo đầm, kế bên là xúc xích và bơ. Chúng cứ nằm phơi ra đấy, thậm chí không được che bằng bao nhựa cellophane. Chúng tôi lấy một cây xúc xích, một quả trứng – chúng tôi độ phóng xạ – đấy chẳng phải là thực phẩm, đấy là một sản phẩm phụ của chất phóng xạ.
Chúng tôi bắt gặp một phụ nữ ngồi trên băng ghế gần nhà bà ta, đang cho con bú – sữa của bà ta có chất cesium trong ấy – bà là Đức mẹ Madonna của Chernobyl.
Chúng tôi hỏi cấp trên, Chúng tôi phải làm gì? Chúng tôi phải nghĩ gì? Họ bảo: “Lấy số liệu đo lường. Rồi đi xem truyền hình.”
Trên truyền hình Gorbachev trấn an dân chúng: “Chúng tôi đã đưa ra những biện pháp cấp bách.” Tôi tin lời ông. Tôi làm kỹ sư trong hai mươi năm, tôi biết rất rõ các định luật vật lý. Tôi biết rằng những thứ gì còn sống cần phải di dời khỏi nơi ấy, dù chỉ trong một thời gian. Nhưng chúng tôi đã tận tình thu thập số liệu và ngồi xem truyền hình. Chúng tôi đã quen với việc tin tưởng. Tôi xuất thân từ thế hệ sau chiến tranh, tôi lớn lên với lòng tin này, với đức tin này. Nó đến từ đâu? Chúng tôi từng chiến thắng cuộc chiến tranh khủng khiếp ấy. Cả thế giới lúc ấy đã biết ơn chúng tôi.
Vì thế đây là câu trả lời cho câu hỏi của bà: tại sao chúng tôi cứ im lặng khi biết được những điều mình biết? Tại sao chúng tôi không ra giữa phố và hét lên sự thật. Chúng tôi tổng hợp báo cáo, chúng tôi thu thập các ghi chú giải thích. Nhưng chúng tôi cứ im lặng và thực hiện nhiệm vụ của mình mà không hé một lời vì kỷ luật Đảng. Tôi là một người Cộng sản. Tôi không nhớ có đồng nghiệp nào của mình từ chối làm việc trong Khu vực cấm. Không phải vì họ sợ bị mất thẻ Đảng mà vì họ có niềm tin. Họ tin rằng chúng tôi sống tốt và công bình, rằng với con người chúng tôi đấy là điều cao quí nhất, là thước đo của mọi thứ. Sự sụp đổ niềm tin này trong nhiều người cuối cùng đã dẫn đến những vụ đột quị và tự tử. Một viên đạn vào tim, như trong trường hợp Giáo sư Valery Legasov [người đứng đầu ban điều tra Chernobyl, thật ra ông đã thắt cổ tự tử vào năm 1988, vào dịp kỷ niệm hai năm vụ nổ], vì khi ta mất đi niềm tin ấy, ta không còn là người trong cuộc, ta chỉ là kẻ đã từng, ta không còn lý do gì để tồn tại. Tôi hiểu việc tự tử của ông ấy như thế, như là một dấu hiệu.
Độc thoại về đứa bé tật nguyền
Nadezhda Afanasyevna Burakova, cư dân làng Khoyniki
Một hôm con gái tôi nói với tôi: “Mẹ, nếu con sinh ra một đứa bé dị tật, con sẽ vẫn yêu quí nó.” Bà có thể tưởng tượng được không? Nó chỉ đang học lớp mười, và nó đã có những suy nghĩ như thế. Bạn bè nó cũng thế, chúng đều nghĩ về việc này. Một người bạn của chúng tôi vừa sinh con trai, con đầu lòng. Họ là một đôi vợ chồng trẻ đẹp. Và con trai họ có miệng kéo dài đến tai và không có tai. Tôi không còn đến thăm họ như trước đây, nhưng con gái tôi lại không nề hà, nó đến thăm họ thường xuyên. Nó muốn đến đấy, có thể chỉ để nhìn, hoặc có thể để thử xem.
Chúng tôi có thể bỏ đi, nhưng chồng tôi và tôi nghĩ lại và quyết định không đi. Chúng tôi sợ phải đi. Ở đây, chúng tôi đều là dân Chernobyl. Chúng tôi không e sợ nhau, và nếu ai cho ta một quả táo hoặc quả dưa trồng từ vườn họ, ta nhận và ăn chứ không xấu hổ giấu vào giỏ rồi quẳng nó đi. Chúng tôi đều có chung những kỷ niệm. Chúng tôi có chung số phận. Ở những nơi khác, chúng tôi là người ngoài, chúng tôi là bọn cùi hủi. Mọi người đã quen thuộc với những từ ngữ “dân Chernobyl,” “trẻ em Chernobyl,” “dân tị nạn Chernobyl.” Nhưng bà không biết gì về chúng tôi cả. Bà sợ chúng tôi. Có lẽ bà sẽ không cho chúng tôi ra ngoài nếu bà có thể, bà sẽ đưa công an đến phong toả, điều này sẽ làm bà yên tâm hơn. [Ngưng nói]. Đừng tìm cách bảo tôi là nó không như thế. Tôi đã trải qua điều này. Trong những ngày đầu… Tôi mang con gái chạy đến Minsk, đến em gái tôi. Em gái ruột tôi đã không cho chúng tôi vào nhà cô ấy, cô ấy đang có con nhỏ và đang cho bú sữa mẹ. Bà có thể tưởng tượng được không? Chúng tôi đã phải ngủ tại nhà ga.
Tôi đã có những ý nghĩ điên rồ. Chúng tôi nên đi đâu? Hay là chúng tôi tự sát hết để không phải đau khổ. Đấy là chỉ trong những ngày đầu. Mọi người bắt đầu mường tượng ra những căn bệnh khủng khiếp không tưởng tượng nỗi. Tôi là bác sĩ. Tôi chỉ có thể đoán được người ta đang nghĩ gì. Giờ đây nhìn lại con cái mình: chúng đi đâu cũng sẽ thấy mình là kẻ lạ. Con gái tôi đi nghỉ hè tại một trại thiếu niên tiền phong, những đứa trẻ khác sợ không dám chạm vào nó. “Nó là một con thỏ Chernobyl. Nó toả sáng trong bóng tối.” Ban đêm chúng bắt nó ra sân để xem người nó có toả sáng không.
Người ta nói về chiến tranh, thế hệ trong chiến tranh, họ so sánh chúng tôi với những người ấy. Nhưng những người ấy được hạnh phúc! Họ thắng trận! Điều này tạo cho họ một năng lượng sống cao, như chúng ta thường nói bây giờ, nó tạo cho họ một động cơ mạnh mẽ để sống còn và tiếp tục. Họ chẳng sợ hãi điều gì, họ muốn sống, học tập và sinh con. Còn chúng tôi thì sao? chúng tôi sợ hãi mọi thứ. Chúng tôi sợ cho con cái mình, cho lớp cháu vẫn chưa ra đời. Chúng chưa chào đời mà chúng tôi đã sợ rồi. Người ta ít cười, ít ca hát vào ngày lễ. Bối cảnh đã đổi, vì thay vì ruộng đồng thì rừng rậm lại mọc lên, và tính cách của quốc gia cũng thay đổi. Ai nấy đều trầm cảm. Đấy là cảm giác tận thế. Chernobyl là một ẩn dụ, một biểu tượng. Và nó làm thay đổi cuộc sống hàng ngày cũng như suy nghĩ của chúng ta.
Đôi khi tôi nghĩ bà không nên viết về chúng tôi thì tốt hơn. Vì người ta sẽ không quá sợ hãi. Không ai nói về ung thứ trong nhà của một người đang mắc bệnh ấy. Và nếu ai đấy đang ở tù với án chung thân, cũng chẳng ai đề cập đến.
Nguồn: https://www.danluan.org/tin–tuc/20151011/svetlana–alexievich–nhung–tieng–noi–tu–chernobyl