Từ Nguyễn Trường Tộ tới bộ ngũ: “Vĩnh-Quỳnh-Tốn-Tố-Khôi” – Bài 5

Nguyễn Ngọc Lanh

Trí thức thế hệ 2: Vẫn câu hỏi ĐỘC LẬP và CANH TÂN – cái gì trước?

clip_image001

Phan Chu Trinh và phong trào Duy Tân

Ảnh hưởng quyết định của Tân Thư

“Tân Thư” (sách mới) thực ra là những sách có từ lâu bên châu Âu, nhưng lại rất mới với châu Á và Việt Nam. Sách chủ yếu trong tân thư là các tác phẩm của Montesquieu (Mạnh Đức Tư Cưu, 1689-1775) và J. Rousseau (Lư Thoa, 1712-1778); rồi các sách ra đời muộn hơn của Khang Hữu Vy, Lương Khải Siêu và một số tác giả Nhật.

Chính là nhờ đã đọc “tân thư”, mà lớp trí thức thế hệ 2 ở nước ta như chợt bừng tỉnh, như từ trong bóng tối bước ra ánh sáng. Thay đổi lớn nhất là các cụ nhận ra sự lạc hậu của Nho Giáo, phải rũ sạch nó để để tiếp thu một ý thức hệ khác hẳn mà Tân Thư giới thiệu. Nói khác, chính tân thư đã biến nho sĩ thành trí thức. Cảm giác chung của các cụ là… càng đọc, càng ham, vì đọc đến đâu cứ thấy “sáng” ra đến đấy.

Cụ PCT đọc nhiều (có lần chê cụ PBC đọc ít), lại từng sang Nhật, sang Pháp (mở rộng tầm nhìn và tự trải nghiệm), cho nên cụ “sáng” ở mức cao nhất. Đó là cụ thấy rõ sự chênh lệch về trình độ kỹ thuật và sức mạnh quân sự chỉ là phần ngọn. Còn sự khác nhau cơ bản giữa Ta và Tây (hay Á và Âu) là trình độ văn minh.

Nhờ vậy, cụ thấy được nguyên nhân gốc của những thất bại ở giai đoạn chống xâm lược (khiến ta mất nước) và tiếp đó là thất bại trong giai đoạn chống thực dân – đưa đến hết hy vọng giành độc lập bằng vũ trang.

Chú thích. Hiện nay, khái niệm văn minh rất rộng, nó trùm lên cả những gì tổng quát nhất của chủ nghĩa Mác. Đến nay, loài người (sau khi bước qua thời kỳ mông muội) đã trải qua nền Văn Minh Nông Nghiệp, với lao động chân tay và chế độ phong kiến. Thời điểm phát minh ra máy hơi nước đánh dấu sự ra đời của nền Văn Minh Công Nghiệp, với lao động qua máy móc và chế độ dân chủ. Đã có đầy đủ dấu hiệu cho thấy nền Văn Minh Tri Thức đang hình thành.

Cần có bài viết riêng về Lịch Sử Văn Minh.

Việt Nam đứng ở đâu? Chúng chưa thoát khỏi Văn Minh Nông Nghiệp (2/3 dân sống nhờ đất đai, nhưng đang mất quyền sở hữu). 

Ngày nay chẳng có gì khó hiểu về sự khác nhau giữa ý thức hệ phong kiến (Nho giáo) với ý thức hệ tư sản. Đó là sự khác nhau giữa hai thời đại (suy tàn và đang lên), giữa hai nền văn minh (nông nghiệp và công nghiệp). Có thời, ở phe XHCN mọi khái niệm tốt đẹp nếu bị gắn thêm hai chữ “tư sản” đều trở thành xấu. Ví dụ, tự do “kiểu tư sản”; dân chủ “kiểu tư sản”… Liệu có thể coi đây là một trong những thành công của chính sách ngu dân?  

Mức độ thấm nhuần tân thư

Tuy nhiên, mức độ thấm nhuần tân thư của mỗi người không như nhau. Có người đọc nhiều, có người đọc ít; có người may mắn được chiêm nghiệm lý thuyết từ thực tiễn; nhất là khi sống ở nước ngoài; thậm chí được gặp gỡ, trao đổi với các học giả… Ví dụ, cụ Phan Chu Trinh từng có quan hệ tốt với các nhân vật tiến bộ ở Paris, kể cả Clémenceau – người sáng tạo từ “trí thức”. Dù các cụ đều thống nhất phải từ bỏ Nho Giáo, nhưng mức độ thấm nhuần tân thư khác nhau, khiến các trí thức thế hệ 2 ở nước ta có biện pháp khác nhau khi hoạt động cứu nước. Thực tế, các cụ chia thành hai phái, với đại diện là cụ Phan Bội Châu và cụ Phan Chu Trinh (từ nay xin viết tắt là PBC, PCT).

Do vậy, đều là yêu nước, thương nòi, nhưng cái “đạo yêu nước” không thể giống nhau ở mọi thời. Có lần, cụ PCT nhận định về cụ PBC như sau: Ông ấy có lòng yêu nước nhưng không biết cái đạo yêu nước (Hữu ái quốc chi tâm, nhi bất tri sở dĩ ái quốc chi đạo)… 

Cũng do vậy, chuyện “canh tân” ở thế kỷ 20 (do cụ PCT đề xuất) cũng rất khác với “canh tân” ở thế kỷ 19 (do cụ Nguyễn Trường Tộ đề xuất). 

Vẫn chỉ là Độc lập trước hay Canh tân trước…

– Thế kỷ 19, khi Âu Mỹ đã bước vào nền văn minh mới – thể hiện bằng xã hội công nghiệp và chế độ dân chủ; nay đua nhau lùng sục khắp thế gian tìm kiếm thị trường, trong khi đó, châu Á vẫn chìm đắm trong văn minh nông nghiệp – với đặc trưng xã hội tiểu nông và chế độ phong kiến chuyên chế.

Ít nhiều chịu ảnh hưởng của văn minh tư bản, Trí thức thế hệ 1 có điều kiện ra đời ở nước ta, nhưng tất nhiên vừa mỏng manh (đốt đuốc đi tìm chỉ được hai vị tạm đủ tiêu chuẩn: Nguyễn Trường Tộ và Nguyễn Lộ Trạch) lại vừa đơn độc (rát họng năn nỉ canh tân, chẳng mấy ai nghe), nên bất lực khi đứng trước hai vấn đề nan giải – liên quan với nhau:

1) Có giữ được độc lập, mới có điều kiện và thời gian kịp canh tân đất nước;

2) Có canh tân thành công mới có đủ sức mạnh để giữ gìn độc lập.

Thật là một nan đề đầy mâu thuẫn của thế kỷ 19 – không những cho nước ta, mà cho cả mênh mông châu Á. Rốt cuộc, chỉ có Nhật (5% diện tích châu Á) thoát được khỏi cái vòng luẩn quẩn nói trên.

– Thế kỷ 20, trí thức thế hệ 2 của ta vẫn tranh cãi khi giải quyết nan đề này. Dẫu lúc này nước đã mất (và đã mất hẳn); nhưng vấn đề vẫn là: giành lại độc lập (rồi sẽ canh tân) hay thực hiện canh tân (để đủ sức giành độc lập).  

Bằng trực giác và từ tâm thức, lẽ ra giới trí thức phải đồng ý với cụ Phan Bội Châu (PBC) mà cho rằng, mất nước thì trước hết là phải giành lại nước (đánh đuổi quân xâm lược). Có độc lập, tha hồ canh tân. Cụ giải thích sự thất bại liên tiếp của mọi cuộc võ trang chống Pháp trước kia là do chưa tuyên truyền và gây cơ sở sâu rộng trong dân, đồng thời chưa biết tranh thủ các nước mạnh ở châu Á (cũng từng là nạn nhân của “bọn da trắng”)… Cụ không tán thành chuyện “hợp quần” và “vận động dân chủ” của cụ PCT, vì làm như vậy người dân sẽ chỉ chú ý “học Pháp”, “phục Pháp” mà sao lãng tinh thần chống Pháp. Cụ viết thư cho cụ PCT, có câu: “Than ôi! Mấy mươi năm ngụp lặn trong ao tù nô lệ lý thuyết phong kiến, có biết đâu tới những chuyện Lư Thoa, Mạnh Đức… Tình trạng như thế, việc hợp quần khó lắm đại huynh ạ! … Ôi dân chủ, ‘dân’ không còn nữa thì ‘chủ’ vào đâu? Lúc bấy giờ nếu đại huynh có bầu nhiệt huyết cũng không còn chỗ thi thố nữa”. Tóm lại, theo cụ, cứ tạm gác chuyện “dân chủ” lại.

Nhưng bằng lý trí và cân nhắc, dưới sự hướng dẫn của ý thức hệ mới, và hiểu được tình hình thế giới, hiểu rõ chủ nghĩa thực dân, cụ Phan Chu Trinh (PCT) lại quan tâm canh tân. Cụ khẳng định: Võ trang, bạo động, cách gì cũng sẽ thất bại. Trông chờ vào sự cứu giúp của nước ngoài là “ngu”. Người chủ xướng bạo động có thể dám chết, nhưng không có quyền lôi kéo quần chúng cùng chết (vô ích) với mình. Khi hai cụ đang thăm Nhật (1906), cụ PCT nói: “Trình độ quốc dân Nhật Bản như thế này, mà trình độ quốc dân ta như thế kia… thì không làm nô lệ sao được? Dân trí đã thấp, dẫu có độc lập, người dân vẫn chỉ là đám nô lệ cho giới cai trị bản xứ – không khác chế độ phong kiến. Cụ PCT từng viết: “Nếu chưa có tư cách quốc dân độc lập, dẫu có nhờ cậy ở nước ngoài (để có độc lập) vẫn là chỉ diễn cái trò “đổi chủ để làm đầy tớ lần thứ hai mà thôi”, không ích gì …”. Do vậy, cụ chủ trương canh tân. 

Lời khuyên của Lương Khải Siêu

Trong cuộc bút đàm “đẫm lệ” (1905) giữa cụ PBC và cụ Lương Khải Siêu, cụ Phan “đẫm lệ” nói về khát vọng mưu độc lập cho đất nước. Qua sự trình bày, nhiệt huyết có thừa, nhưng rất thiếu am hiểu tình hình thế giới; do vậy đã được cụ Lương nói cho biết. Khi cụ Phan bộc lộ ý định nhờ Nhật giúp, cụ Lương vội khuyên: Mưu ấy sợ không tốt. Quân Nhật đã một lần vào nước, quyết không lý gì đuổi nó ra được. Theo cụ Lương, người Việt cũng như người Trung Quốc, cần nâng cao dân trí (để khỏi ngu muội) và dân khí (để hết nhu nhược) mới tạo thực lực quốc dân. “Quý quốc chớ lo không có ngày độc lập, mà chỉ nên lo quốc dân không có đủ tư cách độc lập. Thực lực của quý quốc là dân trí, dân khí và nhân tài”. Qua đó, chúng ta thấy Phan Chu Trinh thật sự vĩ đại và cụ PCT chính là Lương Khải Siêu mang quốc tịch Việt vậy! Còn cụ PBC? Phải 20 năm sau, khi cụ bị giam suốt đời ở Huế, cụ mới nhận ra sai lầm của mình.

Tấm gương về sự… cố chấp?

Hai cụ Phan đã ba lần gặp nhau (1903, 1904, và 1906). Hai cụ không khác nhau về lòng yêu nước, thương nòi. Về nhiệt huyết, cụ PBC sôi sục và cảm tính bao nhiêu, cụ PCT kiên định và lý trí từng ấy. Nhưng về cách thực hiện, ngay lần đầu gặp nhau hai cụ đã bất đồng, vì khác nhau về cái “đạo yêu nước”. Và càng bất đồng khi gặp nhau lần cuối (1906).

Đây là dịp gặp nhau dài nhất, sống với nhau hàng tháng trời, lúc đầu ở Quảng Đông, rồi cùng sang Nhật, cùng đàm đạo về con đường cứu nước. Cụ Phan Bội Châu (bị cụ PCT nhận xét là đọc ít) khi tiếp xúc với xã hội Nhật chỉ nhìn ra sức mạnh vật chất đang nằm trong tay giới cầm quyền (năm 1905, họ thắng nước Nga “da trắng”), do vậy cụ hi vọng cường quốc “cùng da vàng như ta” sẽ giúp ta. Cụ viết nhiều, nhưng ít lập luận, ít phân tích tình hình, mà chủ yếu là thiết tha kêu gọi và kích động lòng căm phẫn bọn giặc (nay đã là thực dân). Còn cụ Phan Chu Trinh lại thấy nước Nhật mạnh là nhờ dân trí cao; đồng thời thấy giới cai trị Nhật rất tham lam, tàn bạo – sắp thôn tính Triều Tiên (cũng da vàng). Họ chẳng khác gì quân xâm lược Pháp đã thôn tính Việt Nam. Không thể trông cậy.

Bất đồng càng sâu sắc khi cụ được xem kế hoạch hành động của Hội Duy Tân mà cụ Phan Bội Châu đang thành lập. Thực chất, đây là một hội kín (ám xã), chủ trương bạo động. Dẫu được can ngăn, cụ vẫn khăng khăng thực hiện. 

Phong trào Duy Tân và Hội Duy Tân

Nghe cái tên đã có thể phân biệt sự khác nhau. Từ Điển mở (Wikipedia) nói rất đủ.

Phong trào Duy Tân do cụ PCT khởi xướng, nhằm nâng cao dân trí, bài trừ hủ tục, học làm ăn, áp dụng khoa học và tự bảo vệ các quyền lợi hợp pháp. Tổng hợp lại, phong trào muốn tạo ra một giai cấp mới: giai cấp tư sản. Cách thức thực hiện: Ôn hòa, hợp pháp và công khai (do vậy, gọi là minh xã).

Còn Hội Duy Tân là một tổ chức, bí mật (do vậy gọi là ám xã), chủ trương gây dựng lực lượng để chống Pháp bằng bạo động.

Cả hai (Phong trào và Hội) cùng hoạt động song song. Cũng thời gian đó, dân các tỉnh miền Trung do chịu sưu thuế cao, đã đấu tranh ngày càng quyết liệt, xu hướng bạo động ngày càng rõ. Dễ hiểu, các vị lãnh đạo phong trào Duy Tân không tán thành cách đấu tranh như vậy, nhưng các vị ở Hội Duy Tân (đang ở nước ngoài) thì rất khích lệ. Khi Pháp đàn áp “vụ chống thuế”, các vị ở Phong Trào Duy Tân bị vạ lây, còn các vị ở Hội thì an toàn. Cụ Trần Quý Cáp và nhiều người khác bị xử theo luật Gia Long (tử hình, chém ngang lưng). Cụ Phan Chu Trinh đang ở Hà Nội (tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục) cũng bị triều đình gán tội (án tử hình). Thoát án, cụ càng không tán thành cách đấu tranh bạo động, vì chắc chắn sẽ thất bại, mà còn đưa đến cái chết vô ích cho rất nhiều người.  

Phân biệt “quân xâm lược” với “bọn thực dân”

Thời hai cụ Phan hoạt động, tư bản Pháp đã hết đóng vai “quân xâm lược”. Đó là chuyện từ nửa thế kỷ trước. Sau khi củng cố xong bộ máy cai trị ở nước ta, tư bản Pháp đóng vai trò thực dân (colonialist), còn nước ta thành thuộc địa (colony). Người duy nhất phân biệt được xâm lược với thực dân, chính là cụ PCT.

Chú thích. Trong môn Vi Khuẩn Học (Bacteriology) khi cấy một giống vi khuẩn (bản chất là “cây”) từ môi trường này sang môi trường khác, nó sẽ sinh sôi thành một “cụm” – gọi là khuẩn lạc (colony). “Lạc” có nhiều nghĩa, ở đây nó cùng nghĩa lạc trong “bộ lạc”.

Áp dụng vào nông nghiệp, khi đưa một giống cây từ xứ này sang xứ khác, người ta dùng từ “di thực” (di và thực). Như vậy, “thực” (có nhiều nghĩa, chữ Hán viết khác nhau); còn ở đây, nó có nghĩa là trồng, cấy sang môi trường mới.

Vận dụng vào chính trị, thực dân (Pháp) là những người (Pháp) được “cấy” (cho mọc, sinh sôi) ở nước ta. Nói khác, đó là những người đang và sẽ sinh cơ lập nghiệp (nhiều đời) ở vùng đất mới. Họ vẫn có quan hệ với chính quốc, chịu sự chi phối của chính quốc, vẫn thực hiện mọi thể chế và pháp luật của chính quốc. Để có cuộc sống không kém bên chính quốc (mà họ đã quen hưởng) họ thực tâm xây dựng một xã hội phù hợp ở thuộc địa, trước hết dành cho chính họ. Thực dân da trắng ở Nam Phi, hoặc thực dân Anh ở Úc, trong thời gian không dài lắm đã phát triển đất nước này không kém chính quốc (nước Anh). Mandela – dù sinh sau cụ PCT tới nửa thế kỷ, đã hành động giống như cụ PCT của ta. Chỉ có điều Madela thành công, còn cụ Phan thất bại. Ở Việt Nam dưới thời thuộc Pháp có hai thể chế: Triều đình (luật Gia Long, rất lạc hậu và tàn bạo) và thể chế của nước Pháp áp dụng cho giới thực dân. Cụ PCT chủ trương triệt để xóa bỏ thể chế lạc hậu, đòi thi hành thể chế của nước Pháp cho toàn dân. Muốn vậy, phải nâng cao dân trí để dân “hợp quần” đòi hỏi dân chủ.

Nói ngoài bài. Ngay năm nay (2015) nếu ta thay Hiến Pháp XHCN bằng HP của của nước Pháp thời cụ PCT thì sao? Có ai để tâm suy nghĩ chuyện này không?

Có thể nói, qua chủ trương “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, “Ỷ Pháp cầu tiến bộ” (dựa vào Pháp, mong tiến bộ) và “Chi bằng học” (không gì bằng học”… cụ Phan Chu Trinh (PCT) là vĩ nhân duy nhất ở nước ta đã nhìn ra “thực dân” khác với “quân xâm lược”. Bản thân hai cụ PCT và PBC đều thoát chết là nhờ luật pháp thực dân. Chả là, chiếu theo Luật Gia Long, triều đình ghép hai cụ vào tội “chống Vua”, phản loạn. Nói theo ngôn ngữ thời nay, đó là “chống Nhà Nước”. Đây là tội “chắc chết”, vì chỉ càn mắc tội “khi quân” (dối vua) đã đủ chết đứ đừ rồi. Nhưng may, về sau các cụ được xử theo “luật thực dân” (luật của nước Pháp) và tòa án có vị trí độc lập, nên hai cụ thoát án tử. 

Ý kiến của cụ PCT về giác ngộ dân quyền

Khi cụ PCT từ Nhật chuẩn bị về nước (1906), cụ tha thiết dặn lại cụ PBC: 1) Nên ở lại Nhật (đừng về nước thực hiện chủ trương “bài Pháp”; 2) Tính dưỡng, giữ sức khỏe; 3) Chú tâm vào việc viết sách giác ngộ dân chớ không “hô hào bài Pháp”. Và cuối cùng là “Chỉ nên đề xướng dân quyền, dân mà đã biết có quyền tức mọi việc khác có thể lo tính dần dần”.

Như vậy, một cách nâng cao dân trí là làm cho dân biết mình có những quyền gì.

Té ra, chẳng có gì khó hiểu. Nhiều viên chức trong bộ máy cai trị của Pháp lẽ ra có trách nhiệm thực hiện những quy định về “quyền dân”, nhưng vì lợi ích riêng, họ cứ lờ đi. Thời nay, ngay các vị đảng viên CS dù đã leo lẻo tuyên thệ trước cờ, nhưng vì lợi ích riêng vẫn cứ vi phạm các quyền hợp pháp của dân. Trách gì các viên chức 150 năm trước?

Những “nhóm lợi ích” trong bộ máy cai trị thời đó còn đủ khả năng gây áp lực để các vị quan Toàn Quyền (do chính phủ Pháp cử sang) – nếu là người tiến bộ (cản trở nhóm lợi ích lộng hành) – bị triệu hồi về nước.

Bên Pháp, có nhiều tổ chức (đảng phái) tiến bộ. Các nhân vật thuộc các tổ chức này sẵn sàng lên tiếng nếu nhận được các tố cáo về những hành động vi phạm. Những chính khách thuộc các tổ chức này, nếu được cử sang đứng đầu bộ máy cai trị ở Đông Dương, đều thực thi các chính sách tiến bộ. Nhiều người muốn để lại những thành tích và tiếng khen. Nhưng sử học Marxist cứ nhất loạt lên án. Cụ Phan Chu Trinh phân biệt rất rõ “xâm lược” và “thực dân” nên đề xuất mộ đường lối rất phù hợp. Trước hết là nâng cao dân trí, trong đó cần cho dân biết mình có những quyền gì.

Có một vài bài viết của người thời nay, bàn về khái niệm dân trícách nâng cao dân trí, chẳng qua là dựa vào ý kiến của cụ PCT từ 1906 mà thôi

Thứ “sử học” lệch lạc, cực đoan

Chê gì, chê hết lời. Khen gì, khen lấy khen để. Và công khai thừa nhận: Sử học phục vụ chính trị. Do vậy, khi nói về thời kỳ thuộc Pháp, thứ “sử học” này chỉ một mực lên án.

Các chủ trương hợp thời và tiến bộ của cụ PCT đã bị thứ “sử học” này gọi là “chủ nghĩa cải lương” thì còn trông mong gì chuyện đánh giá cụ cho công bằng? Vậy “chủ nghĩa cải lương” là gì? Không thiếu tài liệu. Dưới con mắt của các nhà sử học Marxist, chủ nghĩa này cực xấu, đáng nguyền rủa. Kautsky, Bertein là những lãnh đạo kỳ cựu của Quốc Tế CS II, rất thân thiết với Engels, và hơn Lenin hàng chục tuổi. Khi hai vị này chủ trương đấu tranh hợp pháp, hòa bình, trong xã hội tư bản để cải thiện quyền lợi cho công nhân, đã bị Lenin coi là theo “chủ nghĩa cải lương”. Một vị bị Lenin gọi là “tên phản bội”, cụ kia bị gọi là “tên xét lại”. Sách báo của đảng ta cũng có (nhiều) bài về hai “tên” này. “Chúng” cùng một duộc với cụ PCT.    

Nếu chúng ta chỉ rảnh rỗi 60 phút…

Thời nay, nên đọc gì để tạm đủ hiểu các cụ PBC và PCT?

Số tư liệu viết về các cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh có thể đo bằng đơn vị “ngàn trang”, “ngàn trang” và “ngàn trang”…, lại rất dễ kiếm. Chọn đọc loại nào và đọc ngần nào… là tùy theo mục đích riêng mỗi người.

Bài 5 này, dù có “tóm” cách nào cũng không tránh được dài dòng, mà vẫn thiếu. Nếu trong bài, tư liệu đã không mới, lại chẳng có nhận định gì mới, lại càng vô duyên. Nhưng nếu chúng ta chỉ có thể dành ra 60 phút, với yêu cầu “tạm đủ để hiểu tổ tiên” thì có lẽ – ngoài wikipedia – có hai bài đáng đọc (và sẽ thấy cần biết ơn tác giả của hai bài này).

– Một bài giúp ta thấy được sự khác nhau giữa hai cách thức cứu nước, trong đó cách của cụ PCT là phù hợp, lẽ ra cần áp dụng cho thời đó. Và điều sửng sốt là nó vẫn hiệu quả tối đa nếu áp dụng cho ngay thời nay (thế kỷ 21).

Đó là bài:

Ý nghĩa tác phẩm TÂN VIỆT NAM của Phan Châu Trinh

GS Vĩnh Sính (tháng 11, 2006; nhân 100 năm Phong Trào Duy Tân 1906-2006)

http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/100-phong-trao-duy-tan

Một bài khác, cho thấy cụ PCT có cả một cương lĩnh. Điều kinh ngạc là cương lĩnh này vẫn còn phù hợp và tiên tiến ngay ở thời đại chúng ta. Nói khác, nó phù hợp và tiên tiến hơn tất thảy những “cương lĩnh” đã và đang có mặt ở nước ta.

Đó là bài: Cương lĩnh chính trị của Phan Châu Trinh, tác giả: Mai Thái Lĩnh.

http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/cuong_linh_chinh_tri_phan_chau_trinh.html

Nguồn: http://nghiencuulichsu.com/2015/08/29/tu-nguyen-truong-to-toi-bo-ngu-vinh-quynh-ton-to-khoi-bai-5/

Comments are closed.