Trần Hải Anh: Đưa hồi ức chiến tranh Việt Nam của mẹ vào truyện tranh

Hải Anh (trái) và Pauline là đồng tác giả của cuốn truyện tranh ‘Sống’

Hải Anh (trái) và Pauline là đồng tác giả của cuốn truyện tranh ‘Sống’.

NGUỒN HÌNH ẢNH: TRẦN HẢI ANH chụp lại hình ảnh

Trong danh sách những gương mặt xuất sắc dưới tuổi 30 tại châu Á năm 2023 của tạp chí Forbes, có cái tên gây chú ý là Trần Hải Anh, tác giả của ‘Sống’, cuốn truyện tranh tiếng Pháp kể lại hành trình của mẹ cô vào thời điểm cuộc chiến tranh Việt Nam diễn ra ác liệt.

Trần Hải Anh sinh ra và lớn lên ở Paris, có cha là giáo sư kinh tế người Pháp gốc Việt và mẹ là đạo diễn gạo cội Việt Linh, người tạo dấu ấn qua các bộ phim “Gánh xiếc rong”, “Dấu ấn của quỷ”, “Chung cư”…

Bận rộn với công việc, mẹ cô thường xuyên đi công tác nên Hải Anh dành nhiều thời gian với cha. Và cũng như nhiều gia đình hải ngoại khác, khoảng cách thế hệ và khác biệt văn hóa đã khiến mối quan hệ giữa Hải Anh và mẹ xuất hiện những mâu thuẫn.

Tuy nối gót mẹ để trở thành đạo diễn, Hải Anh chia sẻ với BBC News Tiếng Việt về sự khác biệt giữa cô và mẹ:

“Tôi đã từng cảm thấy bực bội vì mẹ ưu tiên công việc, đến mức đôi khi bà bỏ bê sức khỏe của chính mình. Trong khi tôi tận hưởng sự thoải mái trong căn hộ ở Paris, tôi biết mẹ đã có một nền giáo dục hoàn toàn khác trong rừng thời chiến tranh Việt Nam."

Thông qua ‘Sống’, nhà làm phim trẻ sinh năm 1993 cố gắng tìm hiểu về câu chuyện của mẹ, chữa lành những xa cách, hòa giải với nguồn cội, với người thân, với thế giới chung quanh…

Những câu chuyện của đạo diễn Việt Linh kể về quãng thời gian bà sống tại chiến khu từ năm 1969 tới 1975 đã được cô con gái Hải Anh đưa vào cuốn truyện tranh một cách linh hoạt. Tuy sử dụng tiếng Pháp, cuốn truyện tranh có trang bìa và cái tên đậm chất Việt Nam.

Trang bìa đậm chất Việt trên kệ sách ở Pháp

Trang bìa đậm chất Việt trên kệ sách ở Pháp. NGUỒN HÌNH ẢNH: TRẦN HẢI ANH chụp lại hình ảnh

 

Góc nhìn khác về chiến tranh Việt Nam

Ở Pháp, Hải Anh cho biết cô không được dạy nhiều về chiến tranh Việt Nam ở trường học, có nghĩa là người Pháp biết rất ít về đề tài này và chủ yếu lấy thông tin từ các bộ phim Mỹ rõ ràng có tính thiên vị.

Lên đại học về chuyên ngành điện ảnh, cô bắt đầu đọc nhiều sách do cộng đồng người Mỹ và Pháp viết về giai đoạn thời chiến ở quê hương và thực sự thấy cảm động cũng như được truyền cảm hứng bởi các tác giả này.

“Càng đọc tôi càng nhận ra rằng tôi không thể tìm thấy câu chuyện của mẹ tôi ở đâu cả”.

“Sống có một góc nhìn rất độc đáo khi kể về câu chuyện của một thiếu nữ Việt Nam tham gia cách mạng trong chiến khu trong bảy năm,” Hải Anh lý giải.

Những trang truyện của ‘Sống’ không nói nhiều về cuộc chiến mà chỉ là về đời sống hàng ngày của một cô gái mười sáu tuổi ở chiến khu: ăn thế nào, ngủ ra sao, phải làm gì khi tới tháng…

Mẹ Hải Anh thời ở chiến khu

Mẹ Hải Anh thời ở chiến khu. NGUỒN HÌNH ẢNH: TRẦN HẢI ANH chụp lại hình ảnh

Hải Anh nhấn mạnh rằng cô cũng muốn tránh xa khái niệm sinh tồn và thay vào đó là một cái gì đó nhân văn và phổ quát hơn.

“Sống” ban đầu được dành cho khán giả Pháp và đó là lý do tại sao tôi muốn có một tựa đề tiếng Việt. Trong tiếng Việt, sống có nghĩa là “còn sống” hay “đang sống”, và tôi cảm thấy đó là động từ hoàn hảo để gói gọn những năm tháng tuổi thiếu niên của mẹ tôi.

Xuyên suốt cuốn sách, mỗi chương đều được giới thiệu bằng một động từ tiếng Việt nhằm thông báo chủ đề, như “gặp”, “nấu”, “yêu”, “chạy trốn” “tiếc nuối”… Nhưng Hải Anh chia sẻ rằng “thông cảm” sẽ là chủ đề trung tâm của tác phẩm.

“Mục đích chính của tôi là nêu bật tầm quan trọng của việc hiểu biết về lịch sử quê hương với nhiều góc nhìn khác nhau, cũng như hiểu cha mẹ, cả khi còn là thiếu niên và khi trưởng thành. Tôi tin rằng khi chúng ta hiểu nhau, chúng ta sẽ hòa thuận hơn, chữa lành vết thương và tiến về phía trước trên hành trình cá nhân của chúng ta”, Hải Anh tâm sự.

Tại sao lại là truyện tranh?

Chiến tranh luôn là một đề tài khó mà bao hàm hết mọi khía cạnh, nhưng dường như truyện tranh, còn được gọi là môn nghệ thuật thứ chín, đã giúp Hải Anh đưa những điều tưởng chừng như khô cứng vào trong tác phẩm một cách hết sức mềm mỏng, duyên dáng.

Cô gái 9x tiết lộ rằng ý tưởng về ‘Sống’ bắt nguồn sự say mê truyện tranh có nguồn gốc phương Tây hay Nhật Bản. Năm 10 tuổi, cô gặp người bạn thời thơ ấu Pauline Guitton, đồng tác giả và là người vẽ minh họa cho ‘Sống’, hai người thường cùng nhau đọc truyện tranh sau giờ học và tới nay vẫn chia sẻ những tác phẩm ý nghĩa cho nhau.

Trong thời gian học ở trường điện ảnh, cô cũng tìm hiểu sâu hơn về thế giới truyện tranh.

Trần Hải Anh

NGUỒN HÌNH ẢNH: TRẦN HẢI ANH

Nói về hành trình của mình, Hải Anh chia sẻ: “Năm 15 tuổi, tôi được cha tặng cuốn "Persepolis" của Marjane Satrapi. Cuốn tiểu thuyết đồ họa (được viết và vẽ theo kiểu truyện tranh) này kể lại thời thơ ấu của tác giả trong cuộc Cách mạng Iran. Tôi bị thu hút bởi các hình minh họa và phong cách viết của Satrapi, đặc biệt là khả năng giữ sự hài hước của tác giả. Tôi nhớ hồi đó mình đã nghĩ: “Sẽ tuyệt biết bao nếu mình viết truyện tranh nhỉ?”

Ngoài ra, Hải Anh cũng được truyền cảm hứng từ Maus, cuốn sách đã đoạt giải Pulitzer năm 1992 của Art Spiegelman, trong đó tác giả cố gắng tìm hiểu làm thế nào mà cha mình sống sót sau thảm họa Holocaust ở Auschwitz.

“Cách Art Spiegelman nhìn nhận mối quan hệ của ông với cha mình thực sự gây ấn tượng với tôi. Đó là nguồn cảm hứng tức thời để viết câu chuyện về mẹ tôi và ngay khi đọc xong câu chuyện thứ hai, tôi đã liên hệ với Pauline và may mắn thay, cô ấy đã ngay lập tức đồng tình với ý tưởng này.”

Mặc dù đều làm việc trong lĩnh vực điện ảnh, Hải Anh và Pauline đều chọn truyện tranh để truyền tải tác phẩm đầu tay. Cô cho biết thậm chí cho đến hôm nay, cô vô cùng hạnh phúc vì đã đưa ra lựa chọn này bởi vì “tôi tin tưởng rằng loại hình nghệ thuật này vừa mạnh mẽ vừa đẹp đẽ mặc dù nó bị đánh giá thấp một cách đáng buồn”.

Khán giả Pháp đón nhận

‘Sống’ đã được nhà xuất bản Pháp Ankama chọn mặt gửi vàng với 8.000 ấn bản được in trong lần đầu. Đây cũng là cuốn sách bán chạy nhất trong số tám tác phẩm được Ankama mang đến tham dự Liên hoan truyện tranh quốc tế Angoulême lần thứ 50 cuối tháng 1/2023.

Tác phẩm cũng nhận được đánh giá tích cực từ truyền thông Pháp. Tờ Le Monde đánh giá đây là tách phẩm nổi bật, thể hiện góc nhìn độc đáo của nữ giới về chiến tranh Việt Nam.

Nhà phê bình Florian Moine nhận xét: “Sống vừa là bằng chứng nội tâm về chiến tranh Việt Nam, vừa là câu chuyện nhạy cảm về sự truyền tải ký ức giữa người mẹ và con gái của bà”.

“Chúng tôi vô cùng hạnh phúc và biết ơn vì sự đón nhận nồng nhiệt mà ‘Sống’ đã nhận được ở Pháp. Nhưng khoảnh khắc kỳ diệu nhất là trong các chuyến ký tặng sách, nơi chúng tôi gặp gỡ độc giả. Thực sự tuyệt vời”, Hải Anh nói với BBC.

Buổi ký tặng tại Liên hoan truyện tranh quốc tế Angoulême

Buổi ký tặng tại Liên hoan truyện tranh quốc tế Angoulême. NGUỒN HÌNH ẢNH: TRẦN HẢI ANH

Hải Anh cũng nói về dự định phát hành bản tiếng Việt cho cuốn sách, đồng thời chia sẻ về các dự án tiếp theo. Trong số đó có một cuốn truyện tranh khác cho một tạp chí khoa học viễn tưởng nổi tiếng của Pháp, dự kiến sẽ được xuất bản vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, nhà làm phim trẻ cũng đang phát triển bộ phim ngắn đầu tiên của mình và tìm kiếm ý tưởng cho một cuốn sách khác.

Khi được hỏi về dự định sẽ ở lại Việt Nam hay quay về Pháp để phát triển sự nghiệp, Hải Anh tâm sự rằng nước Pháp sẽ luôn giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim cô, vì đó là nơi cô đã trải qua thời thơ ấu và tuổi đôi mươi. Tuy nhiên trong thời kỳ đại dịch, cô đã chọn chuyển đến Việt Nam.

“Tôi bị thu hút bởi Sài Gòn vì tôi tin rằng mình có nhiều điều để học hỏi ở đây với tư cách là một nghệ sĩ cũng như một con người.

“Tôi may mắn được làm việc trong ngành công nghiệp sách và điện ảnh, điều này cho phép tôi duy trì mối quan hệ của mình với nước Pháp và đi qua lại giữa hai quốc gia," Hải Anh tâm sự.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c6pndp071kwo

Comments are closed.