Ai là tác giả đích thực của bài Tư thân trên báo Trung lập?

Phan Nam Sinh

Đọc Phan Khôi, tác phẩm đăng báo 1933-1934, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội năm 2013 do nhà nghiên cứu phê bình Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, đến trang 45-46 thấy có bài Tư thân trong mục Những điều nghe thấy với tên tác giả là Thông Reo (bút danh của Phan Khôi), đăng báo Trung lập, Sài Gòn, Tết Quý Dậu, ra ngày 21 tháng 1 năm 1933, trong đó tác giả tự xưng là tôi, có kể câu chuyện đại khái như sau:

Tết năm đó, do được chủ thưởng một khoản khá lắm nên tác giả ôm bạc đi tuốt xuống đường Catinat, Sài Gòn mua quà về biếu cha mẹ. Trong lúc mua lại quên lửng là cha đã chết, mãi tới lúc về tới nhà, soạn đồ ra mới nhớ là cha mình đã chết trước đó ba năm. Tới lúc đó lòng tác giả mới ngùi ngùi ngâm hai câu thơ xưa mà tuôn hai hàng lệ:

Muốn đem tấc cỏ lòng con,

Để mà báo đáp cho tròn ba xuân!

Sự thực, thân sinh Phan Khôi là cụ Phan Trân mãi đến ngày 12 tháng 4 năm Giáp Tuất, tức ngày 24 tháng 5 năm 1934 mới qua đời. Tôi không tin, nhất là với Phan Khôi mà lại vô tâm đến thế. Bởi, dù xa nhà cả nghìn cây số, lại thường xuyên bận việc mưu sinh ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn nhưng Tết nào ông cũng thu xếp về thăm gia đình, thăm cha, lẽ nào lại quên tới nỗi không nhớ năm mất của cha mình?

Hơn nữa, khi ông thân sinh mất, Phan Khôi túc trực cả mấy ngày đêm liền bên linh cữu cha, lại còn sai con trai thứ hai mài mực viết câu đối rất cảm động nữa.

Nguyên văn chữ Hán:

辭 官 未 四 十 宜 閒 境 不 閒 憂 患 曾 年 緣 女 子

負 罪 抑 三 千 欲 孝 猶 無 孝 悲 痠 何 處 訴 高 天

Phiên âm Hán Việt:

Từ quan vị tứ thập, nghi nhàn cảnh bất nhàn, ưu hoạn tằng niên duyên nữ tử;

Phụ tội ức tam thiên, dục hiếu do vô hiếu, bi toan hà xứ tố cao thiên.

Dịch ra tiếng Việt:

Từ quan tuổi chửa bốn mươi, đáng nhàn mà chẳng đặng nhàn, lo lắng mãi vì con cái cả;

Mang tội nặng quá ba ngàn, muốn hiếu nhưng chưa tròn hiếu, đau thương kêu với đất trời hay!

Hơn nữa, “tư thân” chữ Hán viết là 思 亲. Từ điển Bách độ bách khoa (百 度 百 科) của Trung Quốc định nghĩa “tư thân” (思 亲) là 思 念 父 母,思 念 亲 人 (tư niệm phụ mẫu, tư niệm thân nhân). Dịch qua tiếng ta là “tưởng nhớ cha mẹ, tưởng nhớ người thân”. Thế mà cái ông con trong bài Tư thân, đăng Trung lập ngày 21, tháng 3, năm 1933 lại quên cả năm mất của cha mình. Quên tới nỗi mua quà về biếu cha nhưng lúc đặt chân về tới nhà, soạn đồ ra rồi mới nhớ ra là cha mình đã mất trước đó ba năm (?!).

Thế là thêm một chứng cứ nữa để thấy Tư thân không phải là của Phan Khôi. Vì chẳng lẽ Tú tài Phan Khôi lại không biết nghĩa “tư thân” là gì sao? Biết, sao lại còn để cho cái ông con trời đánh nơi bài của mình quên cả năm mất của cha?

Thêm một lý do khác là khi đọc Tư thân, tôi thấy phong cách ngôn ngữ trong ấy có hơi không giống với phong cách ngôn ngữ thường thấy ở Phan Khôi. Đọc thêm vài ba bài nữa ở phần tiếp theo cũng chưa thể nhận rõ đâu là phong cách ngôn ngữ thường thấy ở Phan Khôi, từ cách dùng từ cho tới văn phong. Vì vậy, tôi ngờ rằng, không chỉ có Tư thân mà còn một số ít bài nữa của mục Những điều nghe thấy trong Phan Khôi, tác phẩm đăng báo 1933-1934 cũng là của Thông Reo – Nguyễn An Ninh chứ không phải của Thông Reo – Phan Khôi. Tuy nhiên vấn đề chưa có gì thật rõ ràng, chắc chắn nên tôi không dám khẳng định.

Từ các lý do trên, cho phép tôi tin rằng Phan Khôi không bao giờ quên ngày giỗ của cha mình chứ đừng nói là quên cả năm cha mất.

Hay có thể Tư thân trong Những điều nghe thấy trên Trung lập là một bài báo mang tính chất hài đàm nên Nguyễn An Ninh cố ý đem gán cho bản thân mình, cho gia đình mình bằng câu “… để Thông Reo đem thuật một việc tâm sự của tôi cho bà con suy”; thêm cái chi tiết năm mất của người cha tác giả trong Tư thân trùng khớp với năm mất của cha Nguyễn An Ninh (sẽ nói ở đoạn sau) để qua đó chỉ trích, chế diễu “một mớ người tây học thì cực lực phản đối lòng hiếu thảo với cha mẹ” và cho rằng “cha mẹ sinh ta, nuôi ta là chỉ vì một sự bất đắc dĩ mà phải làm như vậy, chớ không ơn không nghĩa gì với ta hết ráo!”.

Vì vậy, tôi cho rằng bài Tư thân nói trên là của Thông Reo – Nguyễn An Ninh chứ không phải là của Thông Reo – Phan Khôi.

Khẳng định được như thế là vì từ đầu năm 1933, Những điều nghe thấy đăng ở Trung lập từ Phan Khôi viết đã chuyển qua cho Nguyễn An Ninh viết, nhưng vẫn lấy bút danh là Thông Reo. Và, thân sinh Nguyễn An Ninh là Nguyễn An Khương mất năm Tân Mùi, tức là năm 1931. Đem so với năm tác giả đăng bài Tư thân trên tờ Trung lập, tức năm 1933 là đúng ba năm, không hơn, theo như cách tính năm mất của ông bà ta xưa!

Lại được biết, Tư thân từng được con trai Nguyễn An Ninh là Nguyễn An Tịnh đưa vào sưu tập Nguyễn An Ninh, Nhà Xuất bản Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1996.

Phải thế chứ! Lẽ nào Phan Khôi mà lại ngớ ngẩn tới mức quên cả năm mất của cha mình?

Vậy thì ai đúng? Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đúng hay là Nguyễn An Tịnh đúng? Riêng chỗ này, tôi ngờ có nhiều khả năng là ông Nguyễn An Tịnh đúng hơn!

Viết những dòng này, tôi không hề có ý chỉ trích, trách móc nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, tác giả bộ sưu tập đồ sộ Phan Khôi, tác phẩm đăng báo, trước sau có tới 12 tập, dài hơn 10000 trang sách mà tôi là người chịu ơn; chỉ mong sao nếu ông thấy điều tôi nói trên là đúng thì loại bỏ bài Tư thân ra khỏi tác phẩm đăng báo của Phan Khôi một khi bộ sưu tập được tái bản để tránh hiểu nhầm.

8-7-2023

Comments are closed.