Ẩn dụ, cuộc phiêu lưu của chữ (kỳ 4)

Trần Hữu Thục

Chương 4:

Các hình thức ẩn dụ

Tuy đều là chữ, nhưng do cấu trúc của nó, sự hình thành ẩn dụ đưa đến những hình thức khác nhau. Các hình thức này xuất phát từ vị trí của các loại từ, hoặc xuất phát từ tính cách, hoặc từ ý nghĩa hoặc từ quan niệm về ẩn dụ. Sự phân chia các hình thức ở đây không phải là những chỉ dẫn cách tạo ra ẩn dụ, mà chỉ là những phân tích nhằm giúp hiểu rõ hơn bản chất và các đặc tính của các phát ngôn ẩn dụ.

Trong chương này, chúng ta lần lượt đi từ cách phân loại đầu tiên của hai tác giả cổ điển là Aristotle và Fontanier; sau đó, là các hình thức ẩn dụ dựa theo từ loại và chức năng văn phạm; tiếp đến là các hình thức dựa theo quan niệm ẩn dụ tri nhận; và cuối cùng là các loại ẩn dụ dựa trên cấu trúc, tính cách và/hay nội dung xuất phát từ các sáng tác của các nhà văn, nhà thơ hay chính trị gia.

Aristotle và các loại ẩn dụ

Aristotle cho rằng ẩn dụ chứa đựng ngay trong tên chỉ các sự vật. Vì thế, để hiểu ẩn dụ, trước hết phải hiểu các danh từ. Trong Poetics,[1] Aristotle phân biệt rành mạch các loại danh từ. Theo ông, bất chấp cơ cấu của nó như thế nào, một danh từ luôn luôn phải, hoặc là: (1) một chữ thông thường để chỉ sự vật, hoặc (2) một chữ lạ, hoặc (3) một ẩn dụ, hoặc (4) một chữ có tính cách trang trí, hoặc (5) một chữ mới tạo ra, hoặc (6) một chữ kéo dài, hoặc (7) một chữ rút gọn, hoặc (8) thay đổi hình thức.

Ông lần lượt giải thích từng loại danh từ một. “Một chữ thông thường” là chữ sử dụng chung trong một xứ sở; một chữ xa lạ (nước ngoài) là chữ sử dụng ở một nơi khác; “một chữ sáng tạo” là chữ chỉ được dùng bởi nhà thơ, hoàn toàn xa lạ đối với mọi người, vân vân.

Tuy có đến 8 loại, nhưng nói chung theo nội dung của chúng, có thể quy tất cả về hai loại:

– những chữ thông thường, quen thuộc (loại 1) và

– những chữ không sử dụng theo cách thông thường (unusual words, từ loại 2 đến 8).

Về sau, hai loại này được các nhà ngữ học gọi là chữ hiểu theo nghĩa đen và chữ hiểu theo nghĩa bóng.

Ẩn dụ là gì? Aristotle định nghĩa: “Ẩn dụ có nghĩa là quy cho sự vật nào đó một cái tên mà tên này thuộc về một sự vật khác; sự dịch chuyển có thể hoặc là từ loại (species) đến giống (genus)[2] (lấy giống thay loại), hoặc từ giống đến loại (lấy loại thay cho giống), hoặc là từ loại đến loại (lấy loại thay cho loại), hoặc dựa trên nền tảng của sự tương tự.”

Như thế ẩn dụ có thể được tạo thành dựa trên ba thành tố:

a) chữ một;

b) chữ này có cách dùng lệch ra khỏi cách dùng thông thường, tạo nên sự thay đổi nghĩa; và

c) sự thay đổi này dựa trên sự tương tự giữa các sự vật.

Trong định nghĩa ngắn gọn này, Aristotle muốn kết hợp tất cả mọi thành phần của ẩn dụ vào trong một toàn thể mạch lạc. Đó là một ý niệm xuất hiện theo trật tự. Qua định nghĩa này, ta nhận thấy để tạo ra một ẩn dụ, người ta phải, hoặc:

– hướng lên trên để tìm một từ tổng quát hơn; hoặc

– chuyển xuống dưới để tìm một từ đặc thù hơn; hoặc

– đi ngang để tìm một từ tương đương; hoặc

– sử dụng hình thức tương tự dựa theo tỷ lệ.

Như thế là có bốn hình thức ẩn dụ. Aristotle đưa ra những ví dụ sau để giải thích các hình thức đó:

Hình thức 1: giống thay loại. Ví dụ: This ship of mine stands there (Chiếc tàu của tôi đậu ở đó.) Ở đây, người ta dùng chữ “stand” (đậu) thay cho “lying at anchor” (thả neo). Chữ “đậu” thuộc về giống, có ý nghĩa tổng quát (vì dùng chung để chỉ sự dừng lại ở một chỗ nào đó) trong lúc chữ “thả neo” thuộc về loại, có ý nghĩa đặc thù hơn (vì chỉ dùng để chỉ sự dừng lại của chiếc tàu).

Loại ẩn dụ này về sau được các nhà nghiên cứu ngữ học gọi là hoán dụ (metonymy), qua đó, dựa vào sự tương cận giữa hai yếu tố, người ta lấy cái “toàn thể” thay cho cái “thành phần” (whole for part).

Hình thức 2: loại thay giống. Ví dụ: Indeed ten thousand noble things Odysseus did. (Quả thực là Ulyssis đã thực hiện cả chục ngàn công việc cao cả). “Chục ngàn” (loại) thay cho “một số rất lớn” (giống); “chục ngàn” có ý nghĩa đặc thù hơn “một số rất lớn” có ý nghĩa tổng quát.

Loại ẩn dụ này về sau được gọi các nhà ngữ học gọi là đề dụ (synecdoche). Ở đây cũng có sự tương cận giữa hai yếu tố, nhưng ngược hẳn với loại 1, người ta lấy cái “thành phần” thay cho cái “toàn thể” (part for whole).

Hình thức 3: loại thay loại. Ví dụ: Then he drew off his life with the bronze (sword)/Then with the bronze cup he severed the water (cut the flow of blood). (Rồi hắn kết liễu đời mình với lưỡi gươm đồng và với lưỡi gươm đồng hắn cắt đứt mạch máu). Nhà thơ dùng “draw” thay thể cho “sever” và “sever” thay cho “draw”. Cả hai đều cùng có nghĩa là “lấy đi” (take away). Umberto Eco gọi ẩn dụ này là “ẩn dụ ba từ” (metaphors of three terms): một là “từ ẩn dụ” (metaphorizing), hai là “từ được ẩn dụ” (metaphorized) và ba là “từ trung gian” (intermediary).[3]

Hình thức này về sau cũng được sắp xếp vào “hoán dụ”, trong đó người ta lấy một “thành phần” này thay thế cho một “thành phần” khác (part for part).

Do quan hệ lân cận, cả ba hình thức 1, 2 và 3 về sau được các nhà ngữ học gọi chung là hoán dụ và bao gồm ba phó loại: toàn thể thay cho thành phần, thành phần thay cho toàn thể và thành phần thay cho thành phần.[4]

Hình thức 4: Tương tự. Có 4 yếu tố A,B,C,D liên hệ với nhau chặt chẽ đến nỗi, nếu yếu tố A liên hệ với yếu tố B tương tự như yếu tố C liên hệ với yếu tố D, thì người ta có thể thay yếu tố D cho yếu tố B hay B thay cho D.

Nếu A -> B tương tự như C -> D, thì ta sẽ có ẩn dụ: “A là C của B” hay “C là A của D”

Ví dụ a: The wine cup (A) is to Dionysus (B) as the shield (C) is to Ares (D)

Chiếc tách (A) đối với Dionysus (B) cũng giống như cái khiêng (C) đối với Ares (D).

Từ đó, ta có thể nói: “Chiếc tách là cái khiêng (C) của Dionysus (B)” hay “Cái khiêng là chiếc tách (A) của Ares (D).”

Ví dụ b: old age (A) to life (B) as the evening (C) to day (D)

Tuổi già (A) đối với cuộc đời (B) cũng như buổi xế chiều (C) đối với một ngày (D).

Từ đó, ta có cách nói ẩn dụ: “Tuổi già là buổi xế chiều (C) của cuộc đời (B)” hay “Buổi xế chiều là tuổi già (A) của một ngày (D).”

Ví dụ c: Cũng có 4 yếu tố, nhưng trong đó, yếu tố C không có tên riêng (gọi là x như một ẩn số):

Nếu “A thì B” tương tự với “x thì D”: A/B = x/D

Bằng cách thay A vào x, ta sẽ có: “A là D” là hình thức ẩn dụ Chẳng hạn: Ném một “hạt mầm” xuống đất thì gọi là “gieo” trong lúc “tia sáng mặt trời” cũng ném ánh sáng xuống nhưng không hay chưa có tên (ẩn số x) để chỉ chuyển động đó.[5] Nói khác đi, gieo (A) đối với mầm (B) cũng như không tên (x) đối với tia sáng mặt trời (D). Tức là:

“Gieo (A) hạt mầm” (sowing seed) tương tự như “x…tia sáng mặt trời”. Do đó, dựa vào sự tương tự, thay A vào x, ta có: gieo những tia sáng mặt trời (sowing of sun rays).

Do cách sắp xếp giống như làm một bài toán tỷ lệ, nên hình thức ẩn dụ dựa trên sự tương tự còn được gọi là hình thức ẩn dụ tỷ lệ.

Để làm rõ hình thức ẩn dụ này, Umberto Eco đưa ra vài thí dụ khác gọi là “giả tá” catachresis):[6]

– “cái chân” (A) đối với cơ thể (B) cũng giống như x đối với cái bàn (D); thay cái chân (A) vào x, ta sẽ có cách nói: chân bàn (the leg of the table).

– “cái cổ” (A) đối với cơ thể (B) cũng như x đối với “cái chai”; thay cái cổ (A) vào x, ta sẽ có: cổ chai (the neck of the bottle).

Hình thức 4 mới này chính là ẩn dụ, theo cách hiểu của các nhà nghiên cứu về ẩn dụ ngày nay.

Các hình thức ẩn dụ theo Pierre Fontanier

Theo Pierre Fontanier, ẩn dụ là “trình bày một ý tưởng dưới ký hiệu của một ý tưởng khác gây ấn tượng hơn hay được biết nhiều hơn, mà ý tưởng này lại chẳng có một liên hệ nào với ý tưởng đầu tiên ngoài liên hệ của một sự phù hợp (conformité) hay tương tự nào đó.” Dựa trên tính cách sinh động hay không sinh động của sự vật chứa đựng trong diễn ngôn, Fontanier chia ẩn dụ thành năm hình thức:[7]

– Trình bày một sự vật sinh động (chose animée) bằng một sự vật sinh động khác; nghĩa là chuyển đến một sự vật sinh động cái vốn là đặc điểm của một sự vật sinh động khác. Trong câu “Người đàn ông này là một con chồn,” người ta chuyển đặc điểm “tinh ranh” của con chồn (một sự vật sinh động) đến con người (một sự vật sinh động khác); ý nói người đàn ông này tinh ranh (như con chồn). Cũng thế, trong “Nàng là một con chim bồ câu,” người ta chuyển ý nghĩa hiền lành của chim bồ câu đến cô gái.

– Trình bày một sự vật trừu tượng bằng một sự vật vật lý vô tri (inanimée); nghĩa là chuyển đến một sự vật trừu tượng cái vốn là đặc điểm của một sự vật vật lý vô tri. Trong “Mùa xuân của cuộc đời,” ý nghĩa “thời gian khởi đầu” chứa đựng trong “mùa xuân” là sự vật vật lý không sinh động được chuyển đến “cuộc đời” là một ý niệm trừu tượng.

– Trình bày một sự vật sinh động bằng một sự vật vô tri; nghĩa là chuyển đến một sự vật sinh động cái vốn là đặc điểm của một sự vật vô tri. Trong “Tên sát nhân này là một tai họa của xã hội,” chữ “tai họa” là cái gì vô tri đuợc quy cho “tên sát nhân” là sự vật sinh động.

– Trình bày một sự vật vật lý vô tri bằng một sự vật vật lý sinh động; nghĩa là chuyển đến một sự vật sinh động cái vốn là đặc điểm của một sự vật vô tri. Ví dụ: dày vò bởi lòng hối hận, trút bớt nỗi phiền muộn, chận đứng sự giận dỗi, thả lỏng dục vọng. Lòng hối hận, nỗi phiền muộn, sự giận dỗi hay dục vọng là những điều bất động có tính cách vật lý được trình bày như những sự vật sinh động: dày vò, trút bớt, chận đứng, thả lỏng. Vì cả hai đều thuộc về thế giới vật lý cảm tính (các cảm xúc), Fontanier gọi chúng là những “ẩn dụ vật lý” (métaphore physique).

– Trình bày một sự vật trừu tượng bằng một sự vật sinh động; nghĩa là chuyển đến một sự vật trừu tượng cái vốn là đặc điểm của một sự vật sinh động. Ví dụ: Kinh nghiệm là bậc thầy của nghệ thuật; Thời gian là người an ủi tốt nhất. Bậc thầy, người an ủi là sự vật sinh động (có tính cách tinh thần) để chỉ các ý niệm trừu tượng là kinh nghiệm và thời gian. Vì cả hai yếu tố đầu có tính cách trừu tượng, thuộc về tinh thần nên Fontaniet gọi đây là những “ẩn dụ tinh thần” (métaphore morale).

Để giản dị hóa, Fontanier rút gọn năm hình thức ẩn dụ nói trên thành hai loại:

– ẩn dụ vật lý (métaphore physique) và

– ẩn dụ tinh thần (métaphore morale).

Hình thức từ vựng và chức năng văn phạm của ẩn dụ[8]

Dựa theo các loại từ vựng và chức năng của chúng trong câu, người ta tìm thấy các hình thức ẩn dụ sau:

1. Ẩn dụ danh từ: Đây là hình thức ẩn dụ thông thường nhất. Tùy theo chức năng văn phạm của danh từ, loại ẩn dụ này có thể chia thành:

• Danh từ làm chủ từ:

– Đóa hoa trong tiệc cưới này thật kỳ diệu (Đóa hoa là ẩn dụ ám chỉ một người phụ nữ)

– Con cọp này đã chiến đấu đến cùng (Con cọp là ẩn dụ ám chỉ một người dũng sĩ)

Loại ẩn dụ này thường được gọi là ẩn dụ quy chiếu (référentielle) và có tính lặn (in absentia), nghĩa là vắng mặt, vì chỉ có danh từ quy chiếu (tức là đóa hoa trong ví dụ trước, con cọp trong ví dụ sau) có mặt còn danh từ ẩn dụ (tức là người phụ nữ trong ví dụ trước, người dũng sĩ trong ví dụ sau) không có mặt trong câu.

• Danh từ làm thuộc từ của chủ từ:

– Phụ nữ này là một đoá hoa

– Người đàn ông này là một con cọp trong cuộc chiến đấu

Loại ẩn dụ này được gọi là ẩn dụ trội (in praesentia), nghĩa là có mặt, vì cả danh từ ẩn dụ lẫn danh từ quy chiếu đều có mặt trong diễn ngôn. Ẩn dụ quy chiếu thường phát sinh từ sự thay thế. Danh từ ẩn dụ thay thế cho một danh từ khác (mà nó thay thế) vắng mặt trong câu. Người ta có thể cải tả (paraphraser) câu này bằng cách thế danh từ làm ẩn dụ (métaphorisant) bằng danh từ được dùng làm ẩn dụ (métaphorisé). Ở đây, ẩn dụ liên hệ đến một từ quan trọng nhất trong câu là động từ “là”. Do đó, người ta còn gọi đây là ẩn dụ vị ngữ (predicative metaphor).

• Danh từ làm tán thán từ:

– Nàng tiên của tôi ơi!

Loại ẩn dụ này ít khi được khảo sát.

• Danh từ làm đồng vị ngữ (apposition)

– Người phụ nữ này, một đóa hoa của thành phố, đã đến dự hội

– Giáo sư X, một Einstein của thế kỷ 21, sinh trưởng ở Việt Nam

Trong những ẩn dụ như thế này, ta thấy sự có mặt của hai từ, từ ẩn dụ và từ được ẩn dụ, nghĩa là một từ nghĩa đen và một từ nghĩa bóng.

• Danh từ làm bổ ngữ:

– Paris là trái tim của nước Pháp

– Nàng là vị cứu tinh của đời tôi

Loại ẩn dụ này có thể phân tích theo kiểu ẩn dụ tỷ lệ (proportionnelle), tức là ẩn dụ loại 4 của Aristotle:

– “Paris là trái tim của nước Pháp” có thể hiểu là “Paris đối với nước Pháp cũng như trái tim đối với cơ thể con người”.

– “Nàng là vị cứu tinh của đời tôi” có thể hiều là: “Nàng đối với cuộc đời tôi cũng như một người anh hùng đối với đất nước”.

• Danh từ làm bổ ngữ gián tiếp (complément indirect) hay bổ ngữ chỉ nơi chốn, phương tiện…

– Cách đây hai tuần tôi đã trải qua những ngày hè trong một thiên đường thực sự.

• Danh từ riêng:

– Tay Pisasso của thế kỷ này đã hoàn thành hai bức tranh kiệt xuất.

– Ông X, một Mozart của thế kỷ 21, đã từ trần hôm qua.

2. Ẩn dụ tính từ:

– tĩnh mạch hiu quạnh (Lưu Diệu Vân)

– tình yêu chín tới

– sân ga ngái ngủ

– dãy phố già nua

Kết hợp giữa danh từ và tính từ, ta có “ẩn dụ liên giác” (cross-sensory) hay “synesthesia”[9] là sự kết hợp hai giác quan khác nhau. Ví dụ:

– giọng nói lạnh lùng (giọng nói: thính giác; lạnh lùng: xúc giác)

– cái nhìn sắc lẻm (thị giác + xúc giác)

– niềm vui rổn rảng (Chinh Yên) (xúc giác + thính giác)

– tiếng chìa khóa lạnh lẽo, khô khốc tra vào cửa (Ngô Nguyên Dũng) (thính giác + xúc giác)

Cũng với cách kết hợp như thế, ta còn có “nghịch dụ” (oxymore)[10] là loại ẩn dụ mang lại gần hai từ có ý nghĩa trái ngược nhau. Ví dụ:

– nắng khuya (Đôi khi nắng khuya chưa lên/Trịnh Công Sơn)

– một nỗi dịu dàng cay đắng

– một ánh lửa lạnh lẽo

– un silence assourdissant/một sự lặng lẽ ồn ào; soleil noir/ mặt trời đen (Charles Beaudelaire)

– voilà un beau jeune vieillard (một ông già còn trẻ) pour quatre-vingt-dix ans! (Molière)

3. Ẩn dụ phân từ: loại ẩn dụ này thường được tìm thấy khá phổ biến trong tiếng Pháp. Ví dụ: pétrifié d’étonnement (ngạc nhiên đến sững sờ), glacé de crainte (lạnh cóng vì sợ hãi), brûlé de désirs (cháy bỏng khát vọng)

4. Ẩn dụ trạng từ (phó từ)

– Nàng hôn tôi (một cách) nồng nàn, tôi nắm tay em (một cách) tha thiết;

– mưa vẫn bướng bỉnh rơi (rơi một cách bướng bỉnh),

– những cây súng nằm (một cách) hiền lành (Nguyễn Phan Thịnh)

5. Ẩn dụ động từ:

– chiều rơi, chiều buông, ươm nắng, lùa nắng cho buồn vào mắt em (TCS)

– Pháo bông đã làm tổn thương bầu trời

– Lời tuyên bố của bộ trưởng ngoại giao đã hàn gắn lại tình hữu nghị giữa hai nước.

Trong các loại ẩn dụ trên, những ẩn dụ động từ, tĩnh từ hay trạng từ thường tạo nên tình trạng vi phạm ngữ nghĩa trầm trọng nhất, đưa đến sự lệch lạc và phi lý, nhưng lại khiến cho câu văn hay câu thơ đậm đà hơn, lạ lùng hơn và gây nhiều ấn tượng đặc biệt, đưa đến những chuyển biến ý nghĩa vô cùng phong phú. Tuy nhiên, nếu non tay hay bị lạm dụng, loại ẩn dụ này sẽ tạo nên một thứ văn phong màu mè, kênh kiệu và rỗng tuếch.

Thang ẩn dụ[11]

Dựa theo các yếu tố cấu tạo nên một câu, Genette thành lập một thang ẩn dụ, từ những ẩn dụ hiển lộ (explicite) cho đến những ẩn dụ ngầm (implicite).

Lấy một ẩn dụ với hai yếu tố: tình yêu (amour) và ngọn lửa (flamme). Tình yêu là yếu tố được ẩn dụ (métaphorisé); ngọn lửa là yếu tố làm ẩn dụ (le métaphorisant). Mặt khác, thang này còn dựa vào hai tính chất căn bản: trội (có mặt) và lặn (vắng mặt).

1. Ẩn dụ so sánh có lý do (comparaison motivée):

Tình yêu tôi cháy bùng như ngọn lửa.

Đặc tính của ẩn dụ này là:

– trội: cả hai yếu tố đều có mặt.

– nghĩa tố (sème) rõ ràng, đó là “cháy bùng”, một tính chất của nhiệt hay hơi nóng. Nó là điểm nối, là trung gian giữa hai yếu tố tình yêu và ngọn lửa, tạo ra một sự tương tự. Với sự có mặt của yếu tố trung gian này (tính cách “cháy bùng”), ẩn dụ là một sự so sánh có tính chất xác định (nghĩa là có lý do) khiến ta không lẫn lộn với một vài tính chất khác, cũng của nhiệt như: tạo ra ánh sáng, có sự linh động (lung linh)…

– có một hệ từ (modalisateur) là “như” chỉ sự ví von, so sánh. Chính hệ từ này đóng vai trò hình thức then chốt của ẩn dụ.

2. Ẩn dụ so sánh không lý do (comparaison non motivée):

Tình yêu tôi giống như một ngọn lửa.

Ẩn dụ này có đặc tính:

– trội

– nghĩa tố ẩn tàng (implicite); nó không cho ta biết tính chất của ngọn lửa để từ đó liên hệ với tình yêu. Ẩn dụ này là không lý do, bất xác, để tùy nghi cho trí tưởng tượng.

– có hệ từ trung gian “như”.

3. Ẩn dụ đồng hóa có lý do (assimilation motivée):

Tình yêu tôi là một ngọn lửa rực cháy.

Ở đây, cần phân biệt giữa “so sánh” (comparaison) và “đồng hóa” (assimilation). Cả hai đều mô tả sự so sánh, nhưng khác nhau ở chỗ: so sánh thì có hệ từ “như”, “giống như” hay “y như” còn đồng hóa thì không. Trong ví dụ này, hai yếu tố xem như “đồng hóa” nhau: tình yêu là ngọn lửa

Ẩn dụ này có đặc tính:

– trội.

– nghĩa tố rõ ràng, đó là “rực cháy”

– không có hệ từ trung gian.

4. Ẩn dụ đồng hóa không lý do (assimilation non motivée):

Tình yêu tôi là một ngọn lửa.

Ẩn dụ này có đặc tính:

– trội.

– nghĩa tố ẩn tàng, nó không cho ta biết tình yêu giống ngọn lửa ở cái gì. Người nghe sẽ tự đoán lấy, hay tìm biết ý nghĩa bằng cách dựa vào ngữ cảnh hay dựa vào tình trạng phát ngôn.

– không có hệ từ. Vai trò then chốt là động từ “là”.

Đây là một loại ẩn dụ mơ hồ vì nó không có nghĩa tố, không có hệ từ trung gian. Có vẻ như là một định nghĩa hơn là ẩn dụ (nhưng mà là ẩn dụ!). Chẳng hạn như câu khẩu hiệu của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam: “Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội.” Loại ẩn dụ loại này thường dược sử dụng trong tuyên truyền chính trị và quảng cáo, nhưng rất nguy hiểm, dễ đưa đến ngộ nhận, nhất là nếu được dùng trong nghiên cứu khoa học.

5. Ẩn dụ đồng hóa có lý do nhưng không so sánh (assimilation motivée sans comparé):

Ngọn lửa rực cháy của tôi.

Ẩn dụ này có đặc tính:

– trội

– nghĩa tố rõ ràng

– không có hệ từ trung gian

6. Ẩn dụ đồng hóa không lý do và không so sánh (assimilation non motivée sans comparé):

Ngọn lửa của tôi.

Ẩn dụ này có đặc tính:

– lặn: chỉ có yếu tố làm ẩn dụ là “ngọn lửa” có mặt nhưng yếu tố chính, yếu tố ẩn dụ là “tình yêu” không có mặt.

– nghĩa tố ẩn tàng

– không có hệ từ trung gian.

Hai loại ẩn dụ cuối cùng này gần với ẩn ngữ (énigme).

Với thang ẩn dụ này, ta nhận thấy tính cách ẩn dụ đi từ chỗ có hai yếu tố để so sánh, có lý do và không đồng hóa cho đến chỗ chỉ còn yếu tố làm ẩn dụ, đồng hóa, không lý do và không so sánh. Càng về sau, tính cách ẩn dụ càng đậm, càng cô đọng. Nói một cách khác, càng kiệm lời, càng nhiều ý. Chữ thì mất dần nhưng ý thì tăng lên. Đó là nghệ thuật sáng tạo văn chương, nhất là làm thơ.

Những bài thơ hay là những bài thơ được tác giả sử dụng ẩn dụ đến mức thượng thừa như thế!

Các hình thức ẩn dụ theo trường phái “Ngữ học tri nhận” (cognitive linguistic view)

Các ẩn dụ ý niệm có thể sắp xếp theo nhiều hình thức khác nhau tùy theo mức độ và chức năng. Zoltan Kovecses đề ra bốn cách xếp loại:[12]

1. Xếp loại theo mức độ quy ước (Conventionality): Theo cách sắp xếp này, ở hai cực, ta sẽ có ta sẽ có hai mức độ:

– Mức độ quy ước cao (highly conventional/ conventionalized). Đó là những ẩn dụ được sử dụng bình thường trong đời sống hàng ngày do những người bình thường nhằm đến những mục đích bình thường. Do đó, một số ẩn dụ trở thành độc đoán (arbitrary), sáo, mòn đến nỗi không ai nhận ra là ẩn dụ. Nói khác đi, đó là những ẩn dụ đã được từ vựng hóa (…)

– Phi-quy ước hay mới mẻ (unconventional/novel). Đó là những ẩn dụ hoàn toàn mới mẻ, độc đáo do các nhà văn, nhà thơ sáng tạo ra và chưa hề được ai dùng trước đó. Những ẩn dụ này được tìm thấy trong các bài thơ.

2. Xếp loại theo chức năng tri nhận (cognitive function). Sắp xếp theo cách này, các ẩn dụ sẽ được xem như là những ẩn dụ ý niệm, nghĩa là chính ý niệm trong chúng ta đã mượn ngôn ngữ để thể hiện. Có ba loại:

– Ẩn dụ cơ cấu (structural metaphor): trong loại ẩn dụ này, lãnh vực nguồn sẽ cung cấp cơ cấu nhận thức cho lãnh vực đích. Ví dụ: thời gian trôi (như bóng câu qua cửa sổ). Trong ẩn dụ này, người ta xem thời gian như một vật đang chuyển động. Dùng vật chuyển động để hiểu khái niệm về thời gian.

– Ẩn dụ bản thể (ontological metaphor): Đây là những ẩn dụ cho ta nhìn thấy một loại thực thể có một cấu trúc rõ ràng đối với các phạm trù và ý niệm trừu tượng. Nói cách khác, để hiểu những ý niệm trừu tượng như tinh thần, hạnh phúc, danh vọng…, ta hình dung chúng như những vật cụ thể. Chẳng hạn như xem tinh thần là một bộ máy hay một cái thùng chứa. Đầu óc tôi sáng này rỗng không (xem tinh thần như một bình đựng đồ vật); Leo lên đỉnh cao danh vọng (xem danh vọng như một hòn núi). Nhân cách hóa là một hình thức của ẩn dụ bản thể.

– Ẩn dụ định hướng (orientational metaphor): là những ẩn dụ tri nhận dựa vào các định hướng không gian căn bản của con người, chẳng hạn như cao, thấp, trong, ngoài, trên, dưới. Cái gì thuộc về hạnh phúc, niềm vui, danh vọng, giàu sang, thành công thường được hiểu như đi lên, cao; ngược lại, cái gì thuộc về thất bại, buồn chán, nghèo đói, bần cùng được hiểu như thấp, đi xuống. Ví dụ: Rớt xuống bùn nhơ, lên đài vinh quang. Cái gì thuộc về bên trong thường có ý nghĩa gần gũi, thân mật, gắn bó; cái gì thuộc về bên ngoài là xa lạ, lỏng lẻo. Ví dụ: con cháu ngoại, con cháu nội.

3. Xếp loại theo bản chất:

– Ẩn dụ dựa trên kiến thức (knowledge metaphor)

– Ẩn dụ dựa trên hình ảnh (image metaphor), còn được gọi là ẩn dụ đồ-hình (image-schema metaphor).

4. Xếp loại dựa trên mức độ tổng quát:

– Ẩn dụ mức độ phổ quát (generic-level)

– Ẩn dụ mức độ đặc thù (specific level)

Dù đề ra bốn cách xếp loại, trong thực tế, vì cho rằng ẩn dụ có tính cách ý niệm từ trong bản chất và do đó, bao hàm chức năng nhận thức, nên cách xếp loại dựa theo chức năng tri nhận (loại 2 trên đây) là cách xếp loại căn bản của trường phái “Ngữ học tri nhận”. Quan điểm này sẽ được thảo luận một cách chi tiết trong hai chương 7 và 8 bàn về ẩn dụ ý niệm.

Các hình thức ẩn dụ tổng quát

Ngoài các hình thức ẩn dụ được những nhà nghiên cứu về ẩn dụ đề ra trên đây, ta còn tìm thấy sự phân loại các ẩn dụ một cách tổng quát. Cách xếp loại này không dựa trên một nguyên tắc hay một lý thuyết riêng biệt nào mà chỉ dựa trên cấu trúc, tính cách và/hay nội dung của những sáng tác của các nhà văn, nhà thơ, nhà chính luận, vân vân.[13]

Ẩn dụ đơn giản (simple metaphor) Là ẩn dụ qua đó ý nghĩa từ ý tưởng vay mượn (vehicle) chuyển cho ý tưởng chính (tenor) có tính cách phổ thông, tương đối đơn giản, không đòi hỏi nhiều nỗ lực từ người nghe nếu muốn hiểu.

– Niềm vui đã trở lại với nàng (nàng vui vẻ)

– Cô ta ăn nói độc mồm độc miệng (lời nói ác)

– Hắn nổi nóng (nổi giận)

Ẩn dụ đơn giản còn được gọi là ẩn dụ chặt (tight metaphor)

Ẩn dụ chìm (submerged metaphor)

Khác với ẩn dụ đơn giản, trong ẩn dụ chìm, phải trải qua một hoặc hai bước liên tưởng mới có thể hiểu được ẩn dụ.

– Tiền không mọc trên cây

“Mọc trên cây” làm liên tưởng đến “lá” hay “cành”; lá hay cành phát triển tự nhiên, dễ dàng, không tốn nhiều công sức. Ý nghĩa chính là “kiếm tiền không dễ dàng” ẩn tàng trong “không mọc trên cây.”

Ẩn dụ khuyết (dormant metaphor)

Ẩn dụ trong đó, liên hệ giữa ý tưởng chính và ý tưởng phụ không rõ ràng. Nó có thể được hình thành khi một câu chưa hoàn chỉnh hay bị giản lược.

– Tôi bị lạc lối trong suy tưởng.

– Nàng đánh rớt tình yêu. Ẩn dụ khuyết ít gây ấn tượng, vì nó không đưa ra một hình ảnh toàn diện. Y như thể nó còn ngái ngủ (dormant).

Ẩn dụ hoạt động (active metaphor)

Ẩn dụ chưa hề được dùng bao giờ trước đó. Có thể xem đó là ẩn dụ mới được sáng tạo của nhà văn hay nhà thơ. Ẩn dụ mới là cách dùng chữ mới mẻ để truyền đạt một ý mới mẻ, có khi là hoàn toàn mới mẻ, thường được sử dụng trong thơ hay trong những bài diễn văn hùng biện nhằm kích thích cảm quan của người nghe. Từ ngữ và ý nghĩa của nó không dễ dàng hiểu ngay. Chúng đòi hỏi người đọc phải suy nghĩ về cách dùng và ý định của tác giả. Những ẩn dụ mới thường kén chọn độc giả, vì chúng cần đến trí tưởng tượng, sự thấu hiểu về thơ và kiến thức. Nếu khéo chọn chữ và hình ảnh, ẩn dụ sống sẽ là dấu hiệu của tài năng; nếu không khéo chọn, nó sẽ trờ thành một lối nói hoa mỹ dở dang. Ẩn dụ này còn được gọi là ẩn dụ sống (live metaphor).

– Mỗi tiếng hát như một lát dao băm vào vết đau khổ trong lòng mình (Chinh Ba)

– Hơi thở thơm ngát

– Anh dốc ngược đời mình (Cao Thoại Châu)

– Mà lòng mình phơi trên kè đá (Thanh Tâm Tuyền)

Lời nhạc Trịnh Công Sơn là một kho ẩn dụ hoàn toàn mới mẻ vào thời điểm mà chúng xuất hiện. Nó mới mẻ và sống động đến nỗi cho đến bây giờ, năm mươi năm sau, một số trong chúng vẫn còn mới mẻ, vẫn gây ra một cảm giác thích thú y như khi chúng mới xuất hiện lần đầu. Chúng vẫn còn là những ẩn dụ sống.

– Đôi khi trên mái tình ta nghe những giọt mưa, tình réo tình… sầu réo sầu…;

– Môi nào hãy còn thơm, cho ta phơi cuộc tình;

– Treo tình trên chiếc đinh không.

Tuy nhiên, thật ra, khó mà nói một ẩn dụ là tươi mới hay không, vì ngôn ngữ phát triển hàng ngày. Cái ta tưởng là ẩn dụ mới, độc sáng, có thể đã có ai đó dùng rồi ở đâu đó, mà ta không hay chưa có dịp tiếp cận. Đó là ngay trong phạm vi nhỏ của một nền văn hóa như ở Việt Nam. Còn rộng ra trên thế giới và từ cổ chí kim thì thật khó mà kiểm chứng tính mới mẻ và sáng tạo của một ẩn dụ. Tuy nhiên, trừ trường hợp đạo văn hay đạo thơ, mới vẫn là mới. Ẩn dụ tươi sống luôn luôn là dấu hiệu của tài năng.

Ẩn dụ ẩn tàng (implicit metaphor)

Là loại ẩn dụ ta không tìm thấy ngay ý nghĩa của nó trong một câu hay một đoạn văn hay thơ. Những ẩn dụ này đòi hỏi phải đặt trong ngữ cảnh của bài văn, bài thơ hay trong khung cảnh của một sự kiện, một giai đoạn lịch sử, một biến cố nào đó.

Ta nhặt từng trang sách rách toang

đứa ngu đã xé vứt ra đường

ta gom từng hạt cây luân lạc

mong mỏi gầy lên một địa đàng (Mùa hạn/Tô Thùy Yên)

Ta chỉ có thể hiểu ẩn dụ bao hàm trong đoạn thơ trên nếu đặt trong ngữ cảnh của bài thơ Mùa Hạn, đồng thời chứng kiến cảnh những người Cộng Sản thi hành chính sách gọi là “bài trừ văn hóa đồi trụy” (đốt sách) sau biến cố tháng 4/1975 ở miền Nam.

Ẩn dụ phức hợp (complex metaphor): là một ẩn dụ đơn là cái nền cho một ẩn dụ thứ hai. Ví dụ: “ánh sáng ném đến” (throwing light). Ở đây ánh sáng là ẩn dụ để chỉ kiến thức. Thay vì nói “Ánh sáng soi chiếu” (shining light) thì lại dùng “ném” (throwing). “Ném” là ẩn dụ thêm vào dựa trên ẩn dụ thứ nhất là “soi chiếu”.

Ẩn dụ ghép (compound metaphor): Ẩn dụ gồm có nhiều thành tố kế tục nhau, mỗi một thành tố có thể được dùng để tạo thêm nghĩa mới, nhất là khi được tăng cường thêm bởi những trạng từ hay tính từ.

Là cô liêu chói chang

Tinh âm buốt hết nàng

Nằm chết xanh tuyệt đối

Một trời thơ đỏ ối

Ta khóc rống ly tan

Mưa trong veo hồn đàn (Nguyễn Lương Vỵ trong “Tinh âm”)

Trong đoạn thơ trên, tác giả tạo ra những ẩn dụ riêng biệt nhưng kết nối vào nhau. Có thể nói trong lúc “ẩn dụ phức hợp” gồm những ẩn dụ kế tiếp nhau, cái này tạo điều kiện cho cái kia thì ẩn dụ ghép là một cú ra đòn liên tiếp, ẩn dụ này chồng lên ẩn dụ kia, tạo ra một ấn tượng dịch chuyển đột ngột. Những cụm từ như “chói chang”, “buốt”, “chết xanh”, “đỏ ối”, “khóc rống” vừa có tính cách tính từ lại vừa có tính cách trạng từ, tăng cường tối đa sức mạnh của ẩn dụ.

Loại ẩn dụ này còn được gọi là ẩn dụ lỏng (lẻo) (loose metaphor).

Ẩn dụ mở rộng (extended metaphor) Là ẩn dụ khi ý tưởng chính được tăng cường với những ý tưởng phụ và các ẩn dụ bổ sung khác.

Tay chới với bên đời

Khi xác thân là điểm tựa

Anh chọn hoài một phút xa anh

để thấy anh còn đó

đong đưa đời mình trên chiếc dây đu

ôi tấm thảm oan khiên giăng chờ anh phía dưới

liều lĩnh nào cũng chỉ dẫn nỗi sầu qua (Hà Nguyên Thạch)

Khác hẳn với loại “ẩn dụ ghép” trên kia, qua đó, ta không tìm thấy một chủ đề nào rõ rệt, đoạn thơ trên được triển khai bằng nhiều ẩn dụ bổ sung lẫn nhau, đề cập đến một chủ đề chính: tính chất mong manh của đời sống trong thời nhiễu nhương.

Ẩn dụ gượng (mixed metaphor).

Cũng có thể gọi là “hỗn dụ”, là loại ẩn dụ trong đó các yếu tố tạo thành ẩn dụ không gắn kết với nhau hoặc nếu có gắn kết thì cũng rất gượng gạo, nên không làm nổi bật ý tưởng chính. Có thể nói ẩn dụ gượng là loại ẩn dụ được sử dụng bởi những tay mơ, sính dùng cách nói hoa hòe, nhưng sáo rỗng.

The waves of emotion have punctured my heart. (Những đợt sóng xúc cảm đã đâm thủng trái tim tôi)

Ẩn dụ thường có tính cách đụng độ ngữ nghĩa, nhưng không phải bất cứ một đụng độ ngữ nghĩa nào cũng tạo nên ẩn dụ thực sự có giá trị. Câu phát ngôn trên là một cấu trúc ẩn dụ. Ví von các đợt sóng với cơn xúc động thì nghe hợp lý, nhưng xem đợt sóng như con dao là một vật nhọn để “đâm thủng” trái tim thì rõ là có cái gì gượng gạo. Có thể nói như Aristotle, ẩn dụ gượng là một hình thức lạm dụng ẩn dụ.

Thực ra thì cũng khó mà xác định thế nào là một ẩn dụ gượng về mặt tu từ thuần túy hoặc chỉ dựa vào một hoặc hai câu thơ. Tính cách ẩn dụ thường chứa đựng trong cả một đoạn văn hay trong toàn thể một bài thơ. Mặt khác, nội dung, cấu trúc, ngữ cảnh và cảm xúc cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành ẩn dụ. Do đó, giá trị của ẩn dụ nằm trong một cấu trúc toàn thể. Đánh giá ẩn dụ phải dựa trên cái “toàn thể” này.

Ẩn dụ tuyệt đối (absolute metaphor):

Một ẩn dụ tuyệt đối là ẩn dụ không có một mối liên hệ nào giữa chủ đề và ẩn dụ, không có một sự tương tự nào, dù xa hay gần, giữa ý tưởng chính và ý tưởng phụ. Ẩn dụ tuyệt đối còn được gọi là siêu dụ (pataphor) hay phản dụ (antimetaphor). Đó là một hình thức ẩn dụ tối đa, chạm đến giới hạn, nơi ẩn dụ chính không được nêu ra, chỉ có những ẩn dụ mở rộng được sử dụng mà không cần quy chiếu:

He put brakes on his fear, accelerated his anger and rammed into the house. (Hắn hãm nỗi sợ, tăng tốc sự giận dỗi và đâm sầm vào căn nhà)

Ẩn dụ nói chung là mang đến những ấn tượng mới mẻ, nhưng trong hình thức cực đoan của nó, siêu dụ mang lại những điều cực mới đến chừng như vô nghĩa và bí hiểm. Siêu dụ lần đầu tiên được diễn tả bởi tác giả Pablo Lopez, dựa trên khái niệm về một thứ “khoa học” gọi là “pataphysics” do Alfred Jarry (1873–1907) đề ra.[14]

Có thể xem lời của hai bản nhạc “Vết lăn trầm” và “Dấu chân địa đàng” của Trịnh Công Sơn là một loại siêu dụ.

Vết lăn vết lăn trầm Hằn trên phiến đá nâu thêm ưu phiền Như có lần chim muông hằn dấu chân Người đi phiêu du từ đó chưa thấy về quê nhà Rộng đôi cánh tay chờ mong Người chợt nhớ mình như đá, đá lăn vết lăn trầm (Vết lăn trầm)

Ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng Vùng u tối loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng Một đời bỏ ngỏ đêm hồng Ngoài trời còn dâng nước lên mắt em. (Dấu chân địa đàng)

Đây là một cấu trúc chữ khác thường, dùng ngôn ngữ để phá ngôn ngữ. Lời ca dường như không chuyển tải một ý nghĩa nào, hay nếu có, là một ý nghĩa cực kỳ mơ hồ. Những ẩn dụ chứa đựng trong lời ca này hoàn toàn tách rời khỏi hiện thực. Ý nghĩa của nó, nếu có, nằm ngay trong cấu trúc ngôn ngữ. Có thể nói ý nghĩa của nó được tìm thấy trong sự vô nghĩa đối với người đọc.[15]

Ẩn dụ gốc (Root metaphor)

Là ẩn dụ ăn sâu trong một ngôn ngữ hay một nền văn hóa, trở thành một quan niệm sống hay là một cách hành xử bình thường trong một nền văn hóa nào đó. Thời gian là tiền bạc: ví von thời gian với đồng tiền là quan niệm chủ đạo của con người sống trong một xã hội công nghiệp (khác với cách ví von: thời gian là bóng câu qua cửa sổ); Con trâu là đầu cơ nghiệp: xem sức kéo là điều kiện đầu tiên để làm giàu trong một xứ nông nghiệp; Cuộc đời là một giấc mộng: một cách nhìn bi quan về cuộc sống của người Á đông.

Ẩn dụ gốc thường gắn liền với một nền văn hóa nào đó, trong một giai đoạn nào đó mà không tìm thấy ở những nền văn hóa khác ở một giai đoạn khác.

Ẩn dụ ý niệm (Conceptual metaphor)

Là loại ẩn dụ không bày tỏ một cảm xúc cá nhân về một hoàn cảnh đặc thù, mà chứa đựng một ý niệm triết lý nào đó. Ở đây, ẩn dụ được dùng như một cách nhìn thế sự và cuộc nhân sinh.

có lẽ huyền thoại

đã bỏ chúng mình lại

giữa thân xác rách đôi

để nhắc nhở sự thật sau cùng

là chưa từng có

biển hay mặt trời

chỉ có

vết thương kinh niên của nước

nỗi vô vọng mù lòa của lửa

cũng như chưa từng có

em hoặc tôi

chẳng qua

là hai bàn tay

quờ quạng suốt đời trong quên lãng

thế thôi (Chân Phương)

Ngôn ngữ nhẹ nhàng, mềm mại như một áng thơ tình, nhưng lại ẩn chứa một cảm thức siêu hình: ý niệm về sự chênh vênh của con người và/trong vũ trụ. Cũng cần phân biệt: ẩn dụ ý niệm ở đây khác với quan niệm cho rằng “ẩn dụ là ý niệm” của Lakoff. Ẩn dụ ý niệm, sau khi Lakoff and Johnson công bố tác phẩm “Metaphors We Live By” thành lập nên trường phái “Ngữ học tri nhận”, không phải là một hình thức ẩn dụ, mà là một quan điểm về ẩn dụ. Theo quan điểm này, ẩn dụ có tính ý niệm ngay trong bản chất. Nghĩa là, không phải chỉ có một số ẩn dụ nào đó thuộc về hình thức ý niệm, mà tất cả những ẩn dụ đều là ý niệm. Lakoff và Johnson dùng chữ “ẩn dụ” để chỉ những đồ chiếu ý niệm (conceptional mappings) bởi vì chúng là cái duy nhất chịu trách nhiệm về hiện tượng được gọi một cách truyền thống là ẩn dụ. Chính ý niệm nằm đàng sau ngôn ngữ và khiến cho ngôn ngữ tạo ra ẩn dụ.[16]

Ẩn dụ chết (dead metaphor)

Những ẩn dụ do được sử dụng quá nhiều, lặp đi lặp lại qua thời gian, dần dà mất hết đi tính cách tươi tắn, sáng tạo và trở thành một ý tưởng hay hình ảnh thông thường. Ví dụ: dòng đời, lãng phí thời gian, ngập đầu trong công việc, mở mang trí tuệ, chiếm đoạt tình yêu, con tim rung động, hại sức khỏe (hút thuốc có hại cho sức khỏe), xâm phạm tiết hạnh, hỏi thăm sức khỏe (sở thuế vụ đã đến hỏi thăm sức khỏe anh ta), Sở Khanh (hắn ta nổi tiếng là một tay sở khanh), vân vân.

Nhiều nhà ngữ học không chấp nhận cái gọi là ẩn dụ chết, vì ẩn dụ là ẩn dụ, không chết và cũng không sống. Người ta xem đó như là hiện tượng của một ẩn dụ đã trở thành quy ước, hòa tan trong ngôn ngữ hàng ngày, nhưng bản chất vẫn là ẩn dụ. Do đó, ẩn dụ chết không hề là một loại hình riêng biệt của ẩn dụ, mà chỉ là một quan niệm về ẩn dụ. Ẩn dụ chết, thực ra, là ẩn dụ từ vựng (lexical metaphors), nghĩa là ẩn dụ đã biến thành từ vựng, ghi lại trong tự điển, trở thành cách dùng phổ biến trong một cộng đồng bản ngữ. Mặt khác, một ẩn dụ có thể là “chết” ở một nơi này, đối với người này, vào thời điểm này nhưng vẫn là “sống” ở một nơi khác, với một người khác hay tại một thời điểm khác.

Theo Nelson Goodman, ẩn dụ chết là ẩn dụ đã bị đông cứng, nhưng vẫn không đánh mất tính cách ẩn dụ của nó. Cái biến mất, theo ông, “không phải là tính chân xác của nó mà là tính sống động của nó.”[17]

Ẩn dụ mòn (dying metaphor)

Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu tiên trong bài tiểu luận “Politics and the English Language” của George Orwell.[18] Đó là thứ thứ ẩn dụ đã được sử dụng quá nhiều đến nỗi nó không còn hiệu lực như một ẩn dụ và xem như ẩn dụ chết, nhưng nó vẫn có thể được dùng trở lại với tính cách sống động của nó.

Có thể lấy ví dụ từ một đoạn thơ của Tô Thùy Yên để hiểu rõ hình thức ẩn dụ này:

Ta về như lá rơi về cội

Bếp lửa nhân quần ấm tối nay

Chút rượu hồng đây xin rưới xuống

Giải oan cho cuộc biển dâu này (Tô Thùy Yên)

Đoạn thơ hầu như sử dụng lại những ẩn dụ khá cũ càng (lá rơi về cội, bếp lửa nhân quần, rượu hồng, cuộc biển dâu), nhưng do cấu trúc mới mẻ, nên tất cả như được hồi sinh và hồi sinh dưới một hình thức mới.

Với cách hiểu này, ta nhận thấy rằng ẩn dụ tự nó không mòn (và cũng không chết/ẩn dụ chết). Cái mòn, cái chết là do cách sử dụng. Ví dụ:

Anh ơi, đừng vội bóp nát trái tim em, đừng gian dối tình em nghe anh.

Câu hát chứa đầy ẩn dụ, nhưng nghe sáo rỗng, màu mè và chẳng ẩn dụ tí nào!

Giả tá (catachresis)[19]

Giả tá được định nghĩa như là “cách dùng không đúng cách của một từ” (improper use of a word), nghĩa là dùng chữ để diễn tả một điều không có nghĩa trong ngôn ngữ đương dùng. Thông thường nhất, người ta dùng một bộ phận nào đó của cơ thể (đầu, chân, tay, miệng, cổ…) để nói về các phần của sự vật. Ví dụ như: chân bàn (leg of a table), đầu kim (head of a pin), chân núi (foot of a mountain), chân trời, miệng chén…

Ngoài ra, người ta còn dùng sự vật này để nói về sự vật khác: cạnh đáy (một tam giác), cửa sông (phần con sông tiếp giáp với biển/nơi nước sông bắt đầu đổ ra biển). Theo Fontanier, “catachresis” cũng là một loại chuyển nghĩa (tức là dụ pháp) nhưng là chuyển nghĩa ép (forcé). Lý do là vì ở đây, không có sự chọn lựa một từ nghĩa bóng thay cho một từ nghĩa đen, do đó, không phải là ẩn dụ. Chính vì thế, hình thức giả tá, nếu được xử dụng như những ví dụ về ẩn dụ, lại không cho ta cảm giác như đó là ẩn dụ.

Max Black xem giả tá là cách dùng một chữ trong một nghĩa mới nhằm bù vào sự thiếu hụt trong từ vựng, nghĩa là nhằm lấp đầy cái được gọi là “khoảng trống ngữ nghĩa” (lacune sémantique).

Thực ra, ta có thể dùng hình thức ẩn dụ số 4, ví dụ c trong cách phân loại ẩn dụ của Aristotle để giải thích các ví dụ về hình thức giả tá nêu trên. Xin nêu trở lại cách mà Umberto Eco áp dụng hình thức ẩn dụ số 4 đưa ra trong phần đầu tiên của bài viết này để giải thích cách hình thành “giả tá”:

– Chân núi: ví cái chân đối với con người tương tự phần phía dưới (chưa có tên) của hòn núi.

– Miệng giếng: ví cái miệng đối với con người tương tự như phần phía trên (chưa có tên) của cái giếng.

– Cửa sông (biển): ví cái cửa đối với ngôi nhà tương tự như phần phía cuối sông (chưa có tên) nơi nước đổ ra biển.

– Cạnh đáy: ví đáy của một cái chai tương tự như cạnh nằm ngang phía dưới (chưa có tên) của một tam giác.

Hiểu như thế, thì giả tá là một hình thức ẩn dụ như mọi ẩn dụ bình thường khác: mái tình, phiến buồn…

Ẩn dụ điển tích (allusion)

Điển tích hay điển cố có nghĩa là chuyện hay sự kiện được chép trong kinh sách cũ. Ở đây tôi tạm dùng chữ điển tích với nghĩa rộng hơn để dịch chữ allusion là một loại ẩn dụ qua đó, những nhân vật, nơi chốn, các sự kiện xảy ra, có thật trong đời sống hay hư cấu trong tác phẩm văn chương, nghệ thuật được sử dụng như là yếu tố làm ẩn dụ. Ngô Tự Lập, trong bài “Điển tích và sự mở rộng khái niệm điển tích”[20] còn đi xa hơn: “Khi nói đến điển tích, ta thường nghĩ đến một câu chuyện hay sự kiện, nhưng thực ra mỗi thành ngữ cũng là một điển tích. Đằng sau những thành ngữ như “ba chân bốn cẳng”, “con ông cháu cha”, hay “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”… rất có thể đã từng có một câu chuyện nay đã thất truyền, nhưng ngay cả những thành ngữ như “mắt ốc nhồi”, “đồ mặt mo”… cũng dẫn chiếu đến một ký ức chung, cái gọi là “nghĩa” của thành ngữ.

Truyện Kiều hay Cung oán Ngâm Khúc, chẳng hạn, chứa đựng rất nhiều ẩn dụ điển tích. Và ngược lại, những nhân vật trong Kiều như Sở Khanh hay Tú Bà… hay những nhân vật trong “Chí Phèo” của Nam Cao như Chí Phèo, Thị Nở cũng được sử dụng làm ẩn dụ điển tích trong văn chương về sau. Tựa đề câu chuyện hay một câu nói của nhân vật trong truyện, có khi cũng trở thành ẩn dụ điển tích: Biết rồi, khổ lăm nói mãi, anh phải sống, chuyện thường ngày ở huyện… Gần đây nhất, những biến cố chính trị hay sự kiện xã hội cũng là những ẩn dụ điển

tích: Arab spring[21], cách mạng hoa lài.

Ví dụ: Với bộ máy kềm kẹp của nhà nước Cộng Sản, Arab Spring (hay cách mạng hoa lài) không dễ dàng diễn ra ở Trung Quốc.


[1]Aristotle, Poetics, bản dịch Anh văn của Ingram Bywater, NewYork 1984, các đoạn từ 1457b 1-30 đến 1459a-14. Tham khảo thêm Umberto Eco, Semiotics and the Philosophy of Language, Indiana University Press, 1984, phần 3, Metaphor, từ tr. 87-129.

[2] Bảng phân loại sinh vật học (biological classification) liệt kê thứ hạng từ đặc thù đến tổng quát theo thứ tự như sau: species (loại), genus (giống), family (họ), order (bộ), class (cấp), phylum (hệ), kingdom (giới), domain (vực) và life (sinh).

[3] Umberto Eco, Semiotics & the Philosophy of Language, Indiana University Press, 1986, tr. 92,93

[4] Xem lại chương 3: Nhận diện ẩn dụ.

[5]Sowing to seed as X to sun rays, while the action of the sun in scattering his rays is nameless; still this process bears to the sun the same relation as sowing to the seed.

[6] Umberto Eco, sđd, tr. 94. Về ẩn dụ “giả tá”, xem tiểu mục “Các hình thức ẩn dụ tổng quát” ở cuối của chương 4 này.

[7] Pierre Fontanier, Les figures des discours, Flammarion, Paris 1977 (101-103).

[8] Tham khảo Catherine Détienne, Quelle est la forme lexicale et la fonction grammaticale de cette métaphore? Xem ở: http://www.info-metaphore.com/grille/forme-lexicale-fonction-grammaticalede-la-metaphore.html

[9] Synesthesia (Greek, syn = together + aesthesis = perception) is the involuntary physical experience of a cross-modal association.

[10] Oxymore : une figure de style qui vise à rapprocher deux termes (un nom et un adjectif) que leurs sens devraient éloigner, dans une formule en apparence contradictoire. (Wikipédia)

[11] G. Genette (1970) (Dẫn theo Cédric Detienne): http://www.info-metaphore.com/grille/explicite-implicite-tertium-comparationiscomparaison-motivee-in-praesentia-absentia.html

[12] Zoltan Kovecses, Metaphor, a Practical Introduction, Oxford University Press, NY 2002, tr. 29-41.

[13] Tham khảo ở trang mạng “Changingminds”:

http://changingminds.org/techniques/language/metaphor/metaphor.htm

[14] pataphysics, xem ở http://en.wikipedia.org/wiki/%27Pataphysics

[15] Thực ra, đối với tác giả, cái tưởng là vô nghĩa (trên văn bản) bao giờ cũng đầy ý nghĩa. Xin đọc một trích đoạn trong bài “Thư tình gửi một người, cuốn sách giải mã ca từ và soi chiếu con người Trịnh Công Sơn” (Tạp chí Sông Hương số 270, tháng 8/2011) đề cập đến bài hát “Dấu chân địa đàng” sau đây: “Hình ảnh “dạ lan” được nhắc tới trong ca khúc “Dấu chân địa đàng”: “Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng”. Ca khúc này còn có tên là “Tiếng hát dạ lan”. Nhà Dao Ánh (cách nhà Trịnh Công Sơn một cây cầu là cầu Phú Cam) trồng nhiều hoa dạ lan và loài hoa này không chỉ thơm ngát trong vườn nhà Dao Ánh mà còn lừng hương trong nhạc Trịnh và trong nhiều bức thư tình tha thiết, da diết của Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh: “Dạ lan giờ này chắc đã ngạt ngào cả một vùng tối đó rồi, đã cài lên từng sợi tóc của Ánh” (thư Blao, 31.12.1964), “Anh ao ước bây giờ mở cửa ra bỗng dưng có chiếc cầu bắc qua dòng sông và anh bước qua cầu rồi rẽ về phía tay phải đi đến căn nhà có mùi thơm dạ lan và đứng đó gọi tên Ánh thật thầm để chỉ vừa đủ Ánh nghe” (thư Blao, 26.9.1965). Cũng trong ca khúc “Dấu chân địa đàng”, bên cạnh hình ảnh “dạ lan” là hình ảnh “loài sâu” được nhắc đi nhắc lại với nhiều trạng thái như ngủ: “Mùa xanh lá loài sâu ngủ quên trong tóc chiều”, ca hát: “Vùng u tối loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng”, giải thoát ưu phiền: “Rồi từ đó loài sâu nửa đêm quên đi ưu phiền”. Loài sâu này chính là một phiên bản khác của phận người, ôm chứa những buồn vui của nhân sinh, điều này càng được thấy rõ hơn trong những bức thư của Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh: “Ngôn ngữ đã mất đi với những ngày nằm co như một loài-sâu-chiếu ở Blao” (thư Đà Lạt, 19.9.1964), “Ở đây cũng có loài sâu đất reo đêm” (thư Đà Lạt, 19.9.1964), “Đêm sáng mờ bên ngoài. Sâu đất reo rất trong ở bãi cỏ” (thư Blao, 23.10.1964), “Đêm đã lạnh và đã buồn. Cây cỏ lao xao. Anh chỉ còn nghe rõ tiếng sâu đất và tiếng dế reo… ” (thư Blao, 29.12.1964), “Đêm rất dày đen. Sâu đất của núi rừng cũng đã reo lên âm thanh rất nhọn” (thư Blao, 23.9.1965). Có thể xem ở: http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c247/n8824/Thu-tinh-gui-mot-nguoi-cuonsach-giai-ma-ca-tu-va-soi-chieu-con-nguoi-Trinh-Cong-Son.html

[16] Lakoff, “More Than Cool Reason”/ University of Chicago Press, 1989) tr. 138. Quan điểm này sẽ được trình bày chi tiết ở bài “Ẩn dụ và ý niệm”.

[17] Nelson Goodman/Languages of Art/trong Mark Johnson, sđd, tr. 123.

[18] A newly invented metaphor assists thought by evoking a visual image, while on the other hand a metaphor which is technically “dead” (e.g., iron resolution) has in effect reverted to being an ordinary word and can generally be used without loss of vividness. But in between these two classes there is a huge dump of worn-out metaphors which have lost all evocative power and are merely used because they save people the trouble of inventing phrases for themselves. https://www.mtholyoke.edu/acad/intrel/orwell46.htm

[19] Theo “Từ điển Pháp-Việt” của Đào Duy Anh, giả tá 假 借 là“mượn tạm”.

[20] Ngô Tự Lập, Điển tích và sự mở rộng khái niệm điển tích, http://www.viet-studies.info/NgoTuLap_DienTich.htm

[21] Còn được gọi là Arab Revolution (cách mạng Á Rập) hay cách mạng hoa lài: chỉ những làn sóng nổi dậy cách mạng của nhân dân diễn ra trong các nước Á Rập (Tunisia, Ai Cập, Lybia) bắt đầu từ ngày 18/10/2012 tại Tunisia, nơi hoa lài tượng trưng cho đất nước này.

Comments are closed.