“Bến quê”, một phong cách trần thuật có chiều sâu

Trần Đình Sử

Trong những nhà văn trăn trở tìm tòi đổi mới tư duy nghệ thuật và tiếng nói nghệ thuật. Nguyễn Minh Châu là một ngòi bút gây nhiều hứng thú. Bắt đầu từ truyện ngắn Bức tranh rồi tập Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành và nay là tập Bến quê, truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu xuất hiện như là một hiện tượng văn học mới, một phong cách trần thuật mới.

…Đặc sắc của tập Bến quê, chủ yếu là sự thể nghiệm một hướng trần thuật có chiều sâu. Chiều sâu là một khái niệm tương đối, bởi vì đã là văn học có giá trị thì đều gắn liền với việc phát hiện chiều sâu. Nhưng chiều sâu đời sống có nhiều lớp nhiều tầng mà thực tiễn xã hội từng thời kỳ sẽ huy động hết lớp này đến lớp khác vào việc giải quyết các nhiệm vụ lịch sử của nó, thu hút từng lớp vào hành trình của nó. Trong nhu cầu xã hội hôm nay, nhận thức nghệ thuật không chỉ đóng khung trong các tầng đất quen thuộc. Những cách viết một chiều, định nghĩa, ngợi ca những phẩm chất truyền thống như hy sinh, bất khuất, thương người, kiên nhẫn, lạc quan… trên cơ sở các nhận thức về giai cấp, dân tộc – ngày nay không dễ thỏa mãn nhu cầu người đọc. Không phải là nhu cầu về các phẩm chất và nhận thức ấy trong cuộc sống hôm nay giảm đi mà là trình độ ý thức về chúng không thể dừng lại ở phạm vi đã có. Nguyễn Minh Châu ý thức được điều đó và hướng ngòi bút của anh vào việc phát hiện các hiện tượng đời sống trong chiều sâu triết học và lịch sử, thể hiện nhu cầu chiêm nghiệm, tự đối thoại với chính mình và với ý thức của mình. Cuộc sống trong truyện của anh không diễn ra theo sự quy định của những động cơ, ý muốn chủ quan, mà là kết quả của những tác động khách quan nhiều mặt.

… Có thể nói thiên hướng muốn nắm bắt hiện thực bề sâu ẩn kín là một đặc điểm nổi bật mới mẻ của phong cách Nguyễn Minh Châu. Từ cách tư duy đó nhà văn cố gắng nâng cao tầm khái quát triết học trong các truyện ngắn của anh. Trong một lần nói chuyện Nguyễn Minh Châu khẳng định: nhà văn không có quyền nhìn sự vật một cách đơn giản, và nhà văn cần phấn đấu để đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử. Bến quêDấu vết nghề nghiệp là những chiêm nghiệm có tính chất tổng kết đời người. Phải đến khi ốm liệt giường Nhĩ mới nhận ra “con người ta trên đường đời thật khó tránh những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình”, và ông lão vốn là thủ môn nổi tiếng phải đến tuổi tám mươi mới nhận thấy “con người ta thường xuyên không hoàn hảo” và ngay trong thời kỳ tài năng nở rộ vẫn có những phút “vụng dại, yếu ớt và ngu ngốc”, từ đó mà càng thêm biết ơn sự độ lượng của cuộc đời. Chiếc thuyền ngoài xaMột lần đối chứng là những suy nghĩ da diết về chân lý nghệ thuật và đời sống. Chính khát vọng muốn tìm đến cái đẹp hài hòa, muốn làm cho con người hạnh phúc nhiều khi đã đưa người ta đến chỗ giản đơn hóa, không nhận ra cái thực tế khắc nghiệt, hoặc nói như Ăng-ghen là một thứ chủ nghĩa lãng mạn, vì lý tưởng mà quên mất hiện thực. Đó là bài học của người nghệ sĩ nhiếp ảnh trong truyện trên, còn nhà văn trong truyện dưới lại chiêm nghiệm một bài học cảnh tỉnh khác. Qua quan hệ tình cảm con người và con mèo nhà văn nhận thấy, do nhu cầu đấu tranh để tồn tại, người ta chỉ nhớ được vỏn vẹn cái đạo làm người như một cái gì để đời “mà tưởng chừng có thể quên đi những quy luật tồn tại của sinh vật hỗn mang đã sa vào cả quy luật sống giữa người và người”, cũng như vậy, nhà văn do khát vọng khôn cùng muốn nắm bắt tâm hồn muôn loài do năng lực nhập thân cố hữu để nhận thức thế giới mà đã lẩn thẩn hình dung và gán ghép cho con vật các phẩm chất người mà nó không có. “Tôi không muốn viết một câu chuyện mà loài vật được nhân cách hóa, gán ghép cho loài vật những biểu hiện của lòng nhân ái và trí khôn mà nó không có” – đó là nhận thức về chủ nghĩa hiện thực được rút ra từ thực tế. Các tác phẩm này sẽ khơi nguồn cho loại chủ đề nhận thức chân lý trong văn học ta, một loại chủ đề thường bị chìm lấp trong các chủ đề truyền thống như lẽ sống, ân tình, thương người nghèo khổ…

Trong Cơn giôngKhách ở quê ra nhà văn thể hiện hướng muốn khái quát tổng kết bản chất của những tính cách. Cơn giông muốn phơi bày bản chất ích kỷ cơ hội của một tên phản bội do “luôn luôn tìm cách thỏa mãn mọi thèm khát được sống sung sướng, được ăn ngon mặc đẹp, được mọi người xung quanh chiều chuộng và tôn kính”. Con người đó có thể là người tốt, là người rất cách mạng khi cách mạng thuận lợi đi lên, nhưng hắn sẽ dễ dàng trở thành phản bội trong những giờ khắc thử thách khốc liệt! Qua hình tượng lão Khúng, Nguyễn Minh Châu muốn khái quát cái cốt cách tập quán của người nông dân sản xuất nhỏ hình thành từ ngàn đời: lập nghiệp một mình, thích chơi trội, cậy đông con, hám lợi, chịu lép để yên thân, chỉ tin mình, hoài nghi và dè bỉu những cái khác lạ! Quy luật quyết định của môi trường thực khắc nghiệt. Huệ, cô con gái thành thị nhỡ nhàng làm vợ Khúng cũng đã trở thành người nông dân thực thụ: ky cóp, chắt bóp, tham việc, tham của, có khi lắm điều, thậm chí còn có con mắt hoài nghi nhìn len lén từ trong bóng tối khi có hàng xóm láng giềng sang chơi mà tay đang san rượu lậu vào cái bong bóng! Nhà văn cố tình lướt qua mối quan hệ tính cách Khúng với hợp tác xã để quan sát quá trình hình thành trên một cá thể cái cốt cách chủng loại ấy một cách thuần túy, bởi xét ra, ý nghĩa điển hình của nó có mặt còn bao quát sâu xa hơn mối xung đột của nó với hợp tác xã hoặc trong phạm vi sản xuất nông nghiệp. Con người chúng ta thoát thai từ nền sản xuất nhỏ hàng nghìn năm, mấy ai đã rũ sạch được mọi cốt cách của Khúng. Tính cách ấy chỉ thực sự được khắc phục trên cơ sở nền công nghiệp phát triển, và trong quá trình đô thị hóa.

Sống mãi với cây xanh lại nói về mối quan hệ con người và môi trường cây xanh trong quá trình đô thị hóa đang diễn ra. Đó là câu chuyện biên niên cảm động và tình yêu đối với cây cối và đất cát. Xu hướng trần thuật chiều sâu, phát hiện những liên hệ sâu kín của tồn tại con người đã đưa dắt tác giả tìm đến hình thức ước lệ huyền thoại.

… Rõ ràng cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu đang mang lại những hiện tượng mới và chủ đề mới có ý nghĩa bức thiết đối với đời sống hôm nay. Với cái nhìn ấy, hình tượng nhân vật cũng trở thành hiện tượng nhiều nghĩa, không giới hạn ý nghĩa trong phạm vi hiện lượng được mô tả trực tiếp, và cũng không thể hiện một chiều. Điều đáng chú ý là sự nâng cao tầm tư tưởng triết học ở Nguyễn Minh Châu không làm cho nhân vật trở thành công thức, minh họa. Anh là nhà văn có biệt tài sử dụng chi tiết, miêu tả chân dung, môi trường, khắc họa tâm lý, chỉ trong ít nét mà làm hiện lên một vẻ sống sinh động, điển hình như sinh hoạt khu tập thể, cảnh nhà ga, nông thôn đô thị. Anh lại sành vận dụng ngôn ngữ nửa trực tiếp, dựng lại được những giọng điệu khác nhau của nhân dân, chẳng hạn như Khách ở quê ra, Hương và phai. Thể nghiệm về hình tượng ước lệ trong Sống mãi với cây xanh cũng khá thành công, bởi vì lối xây dựng hình tượng có tính chất “trò chơi” ấy nhìn chung không làm giảm sút sức tác động tình cảm chân thực trong lòng người đọc. Điều chủ yếu là nhà văn khai thác các tình huống có vấn đề để phân tích tính cách, tư tưởng nhân vật cùng ý nghĩa triết học và nhận thức lịch sử chung. Con đường khái quát hóa của Nguyễn Minh Châu là phân tích các quan hệ sâu kín của những hiện tượng và tình huống cá biệt để làm bật lên cái phức hợp nội dung phong phú của nó, chứ không phải bằng con đường mở rộng diện phản ánh, liên kết, tập trung các hiện tượng cùng loại vào một người. Anh tập trung những luồng sáng hàng nghìn nến “vào một khuôn mặt”, xây dựng luật “hội tụ ánh sáng” để soi rọi vào một chi tiết làm cho hình tượng của anh tuy bề ngoài rất cá biệt, nhưng lại có tầm khái quát đáng kể. Cách tiếp cận đó cho phép nhà văn có thể kể “những chuyện chẳng có gì to tát cả nhưng người ta thích đọc” (chữ dùng của nhà văn trong các truyện của anh).

Ba hướng khái quát của Nguyễn Minh Châu – chiêm nghiệm những chân lý đời sống, khái quát những tính cách, phát hiện vấn đề của tồn tại xã hội, như đã nói ở trên, đều có ý nghĩa quan trọng như nhau. Vấn đề đặt ra là làm sao cho yếu tố lịch sử và yếu tố triết học kết hợp với nhau hài hòa hơn nữa. Trong một số truyện như Bến quê, Khách ở quê ra… yếu tố lịch sử còn có phần trừu tượng. Nhiều cốt truyện của anh chưa được tự nhiên như Dấu vết nghề nghiệp, Cơn giông, Sống mãi với cây xanh (phần 2). Con đường tiếp cận nhân vật của anh chưa thật sáng và có chỗ còn tập trung quá nhiều ngẫu nhiên (Cơn giông).

Tuần báo Văn nghệ, Hà Nội, 1990, s.8 (ngày 21.2)

Comments are closed.