Chương 5
ĐI TÌM TIẾNG NÓI MỚI
Nguyễn Đức Tùng
Gánh nặng nếu biết cưu mang sẽ trở thành ánh sáng.
The burden which is well borne becomes light.
Ovid
status updates
Sống trong hiện tại là một việc khó khăn.
Người Việt hải ngoại hầu hết sống ở các thành phố lớn. Người mới đến và không thông thạo ngôn ngữ tập trung quanh các khu vực mua bán, chợ búa. Đến từ một nước nông nghiệp và chiến tranh, họ trở thành công dân của quốc gia kỹ thuật phương Tây và cư dân của các đại đô thị. Nhưng đô thị phương Tây cũng đang diễn ra quá trình xáo trộn với tốc độ chóng mặt, xé rách và nhào nặn, một quá trình phân hủy văn hóa. Người di dân có ba ý thức: ý thức về đất nước bản quán và ngôn ngữ mẹ đẻ, ý thức về tư cách công dân của quê hương thứ hai, như một cư dân đô thị, và ý thức thành viên của cộng đồng thiểu số tại các địa phương rải rác khắp các châu lục. Cộng đồng trở thành một thứ cầu nối hay làng xóm mới, mang theo nó đầy đủ các yếu tố di truyền hay và dở, tốt và xấu, tự do và nô lệ, phản kháng và phục tùng, nguyên tắc và cơ hội, cởi mở và phe nhóm của người Việt Nam. Các đô thị nơi người Việt sinh sống không chỉ là các vùng địa lý mà còn là các tổ chức có tính xã hội. Ngôn ngữ thơ ca trong trường hợp tiếng Việt, hoặc song ngữ, là quá trình tái tạo nối kết cộng đồng được ký gửi qua các thế hệ, chống lại sự phân hủy nói trên.
Thơ người Việt ngoài đất nước liên quan đến vấn đề căn cước di dân, sự biến đổi và hòa nhập, quá trình tự điều chỉnh. Adaptation is a must, điều chỉnh là bắt buộc, ngay cả ở Canada, đất nước nổi tiếng về đa văn hóa. Tôn trọng sự khác, cái khác, chỉ là khởi đầu, biết cách sử dụng nó là chuyện lâu dài cá nhân; cái khác là một khái niệm triết học quan trọng. Như vậy sự xung đột giữa cái khác và cái giống nhau tạo nên quá trình cân bằng. Thơ đầy rẫy sự chú ý, tập trung, khả năng so sánh và hồi tưởng, một mặt mang lại thấu hiểu, mặt khác làm tăng nỗi lo âu ở người đọc, đối diện với cái giống và cái khác.
Chính là ký ức đã giữ chúng ta bên nhau, nhưng cũng chính nó chia rẽ chúng ta. Ký ức được truyền đi bằng ngôn ngữ, là một quá trình chống lại tan rã.
nói thẳng ra những chuyện
với tính cách phù phiếm
sống như thế
quả thực đủ để trở thành người canh giấc ngủ
cừ khôi
của chính mình
(Vương Ngọc Minh)
Việc chuyển đổi từ bút pháp lãng mạn sang hiện thực xảy ra rất sớm ở dòng thơ miền Bắc, bắt nguồn từ kháng chiến chống Pháp, chịu ảnh hưởng của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhưng xảy ra chậm hơn ở dòng văn học miền Nam. Việc thay đổi ấy ở miền Nam chịu tác động của các điều kiện: chiến tranh, các sự kiện ngay sau năm 1975 như tù đày, nghèo đói, vượt biên, và hiện thực mới ở vùng đất hội nhập. Sự dịch chuyển hệ thẩm mỹ cổ điển qua hiện đại, hay sau đó từ hiện đại sang hậu hiện đại, vân vân, bao giờ cũng kèm theo thay đổi hình thức biểu đạt của thơ ca. Cần chú ý rằng khi các nhà thơ chuyển từ một bút pháp nặng về cái đẹp đến một bút pháp mới hơn, hoặc chính trị hơn, hoặc thế sự hơn, không những họ rời bỏ cách làm thơ cũ, mà còn đặt tất cả các phương pháp sáng tạo, các trường thẩm mỹ khác nhau ở dưới sự xem xét lại và sự thử thách. Vì điều này, một số nhà thơ không thể tránh khỏi việc tự đẩy mình đến trạng thái cực đoan thẩm mỹ. Thử so sánh:
khi mời em đi lễ hội anh mới thấy
rằng em chưa biết điểm trang
Người đàn ông nào ngoài năm mươi tuổi, trên hai mươi năm lưu lạc, ngày làm hai jobs, đêm thức đến sáng để tính chuyện viễn mơ, sẽ xúc động khi đọc mấy câu thơ trên của nhà thơ Phan Tấn Hải, khi giật mình quay nhìn lại người phụ nữ. Trong câu chuyện của hai vợ chồng có ẩn chứa biết bao lịch sử hy sinh của cộng đồng và đất nước.
Với thơ Đỗ Kh., như sau đây:
Biệt thự Hoa Lan ở trên đồi và Duyên thì cao.
Nàng ngả người tựa lưng vào ghế bành và dang hai chân ra.
Cho hắn vào.
Kiên vào.
Sẽ thấy sự khác nhau của hai lớp người. Một bên đầy rẫy quá khứ, một bên không có gì cả: Duyên là ai? Nàng là vợ hay bồ cũ? Là hiện tại hay ảo giác?
Trạng thái cực đoan thường được quy vào các hình thức tình dục, nhưng thật ra có thể xảy ra ở bất cứ đề tài nào khác. Nhưng điều quan trọng nhất, trong quan sát của tôi, là: bài thơ thường diễn ra ở thì hiện tại. Khả năng liên kết rất nhanh giữa hai hình ảnh hoặc hai ý tưởng, một đương thời, một ở nơi khác, tạo nên bước nhảy trong thơ. Bước nhảy là sự bất ngờ thẩm mỹ, nếu được tính toán đúng lúc, sẽ là khúc quanh về nhận thức, tăng cường xúc cảm. Những liên kết đột ngột như vậy dường như mở rộng không gian của bài thơ, giúp nó dung chứa nhiều hơn các chi tiết và các nhân vật. Chúng ta muốn sống trong một bài thơ, muốn lớn lên, trưởng thành và già đi trong đó.
thơ có vần và thơ tự do
Hãy xem xét hai giai đoạn trước và sau của cùng một nhà thơ. Ví dụ Tô Thùy Yên, người sở hữu những bài thơ đã thành kinh điển văn học, canon. So với một bài thơ ông viết khi đã đến đất nước tự do, sau mười ba năm trong trại cải tạo:
Nước Mỹ này quá rộng và quá buồn
Anh không còn muốn tự định liệu
Tốc độ cao gài cố định mặc,
Đường trường lái ban đêm,
Như tự nguyện thất giạt
Như một bài tập nhỏ, thì những câu thơ lừng lẫy trước đây:
Chiếc trực thăng bay là mặt nước
Như cơn mộng nhanh
Đúng là cơn mộng. Tôi cũng nhận xét rằng thơ tự do của Tô Thùy Yên thường giàu vần điệu, và đó là ưu điểm và cũng là khuyết điểm.
Tất nhiên chúng ta có thể kể thêm ví dụ ở các nhà thơ khác, viết trở lại, viết khác.
Nhưng không phải lỗi của thể tự do. Thay đổi một thể thơ không phải chỉ là chuyện đổi số câu trong một đoạn, số chữ trong một câu, cách ngắt hàng, xuống dòng, thêm hay bớt dấu chấm, dấu phẩy. Để vượt các ranh giới, nhà thơ đã ở trong một cuộc sống mới cần những thay đổi lớn lao hơn nhiều, gần như cần một trường thẩm mỹ mới, một hệ quy chiếu văn hóa và lịch sử mới, một cách nói mới, trong khi vẫn là mình.
giã từ biên giới này bắt tay màu cờ khác
đổi tiền nước này xài tiền nước khác
không
đổi
được
nỗi
sầu
(Chân Phương, dẫn theo Inrasara)
Tôi muốn đi tìm một bài thơ làm tôi xúc động ngay từ khởi đầu, gợi ra những vấn đề mà tôi quan tâm, từ chuyện đất nước, chuyện ở đời sống mới, chuyện tình, bất cứ là đề tài gì liên quan đến đời sống của tôi. Hầu hết những bài thơ hiện nay đều được viết theo thể loại thơ tự do. Nhưng tôi có ấn tượng rằng một số nhà thơ không nắm vững được thể thơ của mình so với lúc người ta làm thơ có vần. Một đất nước đang hưng thịnh, cường tráng, phấn chấn không thể có một nền thơ dở và ế ẩm. Ngược lại một nền thơ kém cỏi phản ảnh một tình trạng lụi tàn của xã hội hay ít nhất của một ngôn ngữ, với những lý do khác nhau. Trong những câu thơ thành công của một thời kỳ, trong giới hạn của một câu từ năm bảy chữ đến chín mười chữ, có chất chứa nhiệt độ của mặt đất, tốc độ của thời đại, tính khả ái hay khả ố của một hệ thống xã hội. Hãy so sánh thêm những câu thơ ngày trước của Hoàng Xuân Sơn:
Huế buồn chi Huế không vui
Huế o ở lại Huế tui đoạn đành
O đau sương khói một mình
Và thơ hôm nay:
chúng mình vẫn sóng đôi mà nhiều khi bước hụt
đôi lúc tôi muốn ngửi thử. hít
mùi thời gian đánh mất
trên chốt phòng thủ tân toan
mà ngày đi rất tợn
chốc chốc đã thấy chiếc quai chiều
xốc nách ổ cứng
Khi đã thay đổi về tư tưởng và cảm xúc, nhà thơ khó giữ lại được hình thức biểu hiện cũ, mặc dù Hoàng Xuân Sơn, nối gót những người viết trước một bước như Du Tử Lê, Luân Hoán, Trần Mộng Tú, và nhiều người khác, trong việc thường xuyên quay trở lại với lục bát và thơ có vần với những cách tân táo bạo. Có sự chuyển động từ khuynh hướng cái tôi siêu hình sang cái tôi nhân chứng, từ thơ trữ tình đến thơ tự sự, từ thơ phi chính trị đến thơ phản kháng. Trong thời kỳ đen tối điều cần được nói quan trọng hơn cách nói. Nhưng khi bước ra vùng ánh sáng, cách nói thế nào trở nên quan trọng hơn.
Ẩn dụ là những ngôn ngữ hình ảnh kiến tạo cách nhìn về sự vật. Nguồn gốc của nghệ thuật hình ảnh trong thơ có lẽ khởi đầu từ nhu cầu tự nhiên của con người là so sánh. Sử dụng ẩn dụ và các phương pháp hình ảnh khác bộc lộ hai đặc tính quan trọng: chất liệu thơ ca và bút pháp sử dụng chất liệu ấy. Kế tục thơ tiền chiến và thơ miền Nam, thơ miền Bắc, các nhà thơ hải ngoại nào có khả năng tạo ra những hình ảnh và ẩn dụ đẹp, sẽ nằm lại lâu dài trong lòng người đọc.
Bốn bàn chân buồn
Leo từng bậc thang
(Hoàng Anh Tuấn)
Những người mới làm thơ có thể có chung một ý tưởng sai lầm rằng thơ tự do nghĩa là tự do. Tự do có nghĩa là không có thể thơ. Thật ra tự do là một thể, thể thơ tự do. Có điều mỗi bài thơ đều phải tự mình tạo ra một thể của nó với những quy luật vận động riêng về số chữ trong một câu, số câu trong một bài, sự ngắt dòng, âm điệu, hình thể. Tôi vừa nói hình thể, nhưng không ngụ ý giới hạn vào các loại thơ cụ thể, ví dụ bài thơ có hình giọt mưa rơi, bông hoa, chim bồ câu, đành rằng trong loại thơ đó hình thể là quan trọng.
Thơ được nghe và thơ được nhìn là hai loại khác nhau:
gió nhấm nhẳng cất chưng mùa hẹn hết
vỗ đôi bờ xương thịt ám ui ui
Khi bạn đọc câu này trong trí nhớ, hay nghe người khác đọc, theo đúng trật tự như thế, bạn sẽ có một câu thơ khác, so với khi bạn nhìn nó trên trang giấy:
gió / nhấm nhẳng / cất chưng mùa hẹn, hết
vỗ đôi bờ: xương, thịt ám ui, ui
Tôi chọn Du Tử Lê vì anh là người có nhiều thử nghiệm sớm nhất, và đến nay vẫn không ngừng, trong việc thay đổi cách ghi chép tiếng Việt, chấm, chấm phẩy, hai chấm, ngắt câu, xuống dòng, có thể gọi là phong cách thủ pháp. Mặc dù tất nhiên không phải bất kỳ câu thơ “cầm nã thủ pháp” nào của Du Tử Lê cũng thuyết phục người đọc, nhưng các cách tân này đi trước khá lâu động tác bấm, đẩy, kéo, day dưa, vuốt của kỹ thuật điện toán.
Bất kỳ bài bài thơ nào được nhìn, gồm đầy đủ các dấu, chữ, không những chứa trong nó bài thơ ấy mà còn xuất hiện như một hình thể hay một bức tranh. Một bài thơ thành công mang lại cho người đọc, bên cạnh cảm giác xúc động, hồi ức, còn cả hình ảnh về một cấu trúc vần điệu và văn bản.
Người làm thơ hôm nay quan tâm nhiều hơn đến những nghệ thuật diễn đạt như trên và ít quan tâm hơn đến phản ứng của người đọc. Tuy nhiên khi nó thành công, bài thơ bao giờ cũng có khả năng mở ra sự giao tiếp giữa người viết và người đọc. Thơ trữ tình thế sự và thơ chính trị hải ngoại phần lớn đều là những bức chân dung, một thứ hồi ký của các nhà thơ. Rõ ràng thơ cũng ngày càng hướng về độc giả, vốn là khuynh hướng nổi bật của chủ nghĩa hậu hiện đại, nhưng trong khi ấy, khi nhà thơ lên tiếng, dường như anh ta không chắc chắn lắm có một người nào đang lắng nghe mình hay không. Chính vì vậy các nhà thơ giai đoạn này vẫn còn giữ phong thái cô độc, nhưng mãnh liệt hơn, khốc liệt hơn. Những xúc cảm của nhân vật không được kể lại mà được biểu hiện lên, thậm chí không được biểu hiện, mà được nén lại, trong một ngôn ngữ ngày càng lược bỏ các chú thích. Đó là sự chuẩn bị cho chủ nghĩa hậu hiện đại.
Tôi hiện thân số ít, bạn là số nhiều, đa nguyên
chúng ta hoà tan trong một hợp thể
một tập thể không thành tố
chúng ta nằm giữa thể đặc và thể lỏng
có thể bốc hơi
(Lê Nguyên Tịnh)
Trong những điều kiện thay đổi đến chóng mặt của hoàn cảnh sống, hiện tượng di dân sôi động giữa Việt Nam và các quốc gia, những làn sóng người tị nạn, những thảm họa và những may mắn, chia ly buồn tủi và hội ngộ hạnh phúc, trong thử thách và lòng tin, tủi nhục và ân sủng, tra tấn và cái chết, sai lầm và nhận thức và nhận thức lại, tất cả làm nên những dốc đời, những gập ghềnh, những đại lộ của những người Việt di dân, chạy trốn, bỏ cuộc, làm lại.
Thơ đã đáp ứng với những hoàn cảnh ấy như thế nào? Để hòa nhập vào xã hội mới nhà thơ không thể không quay trở lại với các đề tài vĩnh cửu hơn vốn cũng là đề tài của các nhà thơ xứ bản địa như gia đình, tình yêu, thiên nhiên, cái chết, sự phản bội, hôn nhân, nỗi cơ cực hàng ngày. Chất liệu thơ ca tất nhiên là cái làm nên bài thơ tựa như căn nhà được làm nên bởi gạch đá, gỗ, sắt thép. Sự thật của văn học tuy không phải là thực tế nhưng là một thứ sự thật khái quát, một tuyên bố về các tình trạng, một công cuộc tái xây dựng tự do đã mất, mỗi ngày một mặt trời mọc lên trên một nửa quê hương, tuy không tồn tại nữa nhưng vẫn tiếp tục nuôi dưỡng, không những chỉ người hải ngoại mà còn người trong nước, không phải chỉ người Nam mà còn người Bắc, không phải chỉ những kẻ từng sống qua nó mà còn những kẻ chưa bao giờ được sống qua. Bất cứ một cuộc vận động nào làm mới thơ ca cũng phải có một âm điệu mới so với thơ cũ, để có quyền tồn tại như một vận động mới. Sự bất ngờ, tính chất không báo trước, của ngôn ngữ khiến cho người đọc, người nghe, phải tập trung chú ý.
Thơ mộng du/đèn cầy/thơ ma
Chảy òng ọc 10,000 trang
Mùn phùn, phất lệ,
Ðơn điệu, đu đưa,
Ðã làm nhèm nhẹp bao nhiêu cặp vú lép?
Làm sao để giải phẫu hoàn toàn
Vành tai tiếng Việt?
Sinh ra ở Việt Nam, Đinh Linh gần như là một người Mỹ, trong thơ ca và ngôn ngữ, trong đời sống và hành trạng của anh, thế nhưng anh vẫn dành nhiều suy nghĩ và những xúc cảm cho một đất nước xa bên kia Thái Bình Dương, vì vậy những chủ đề trong thơ anh và các thủ pháp nghệ thuật đều đan quyện vào nhau như một tấm thảm dệt nhiều màu sắc, tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt, trào phúng xen lẫn trữ tình, phớt tỉnh mà sâu sắc, vui chơi mà rầu rĩ, đầy chất lang thang vô sở xứ mà vẫn mang tính chất lưu vong hơn là một kẻ du ca. Người du ca là kẻ không nhà tự nguyện, người lưu vong thì không tự nguyện.
ý thức công dân và nữ quyền
Ý thức xã hội mới đi tìm cho nó một ngôn ngữ thơ mới. Những người di tản đầu tiên đã đặt những bước chân khai phá, bắc những nhịp cầu cho nhiều lớp người đi sau, du học và di dân kinh tế, không những về đời sống và sự nghiệp mà còn cả về ngôn ngữ và văn hóa. Bi kịch cũng là vận may. Thơ công dân, thơ chính trị, thơ phản kháng là tiếng nói của người dân, và nhà thơ là người đại diện của họ, với ba nội dung: vấn đề trong nước, vấn đề của xã hội mới, và những phản kháng phổ biến như nữ quyền. Ngôn ngữ hoài niệm của thơ ca đã làm xong công việc của nó, thơ cần một loại ngôn ngữ mới, cho một thế giới vừa được kiến tạo của quá trình đối lập và bổ sung, phản kháng và xây dựng. Nhu cầu có một nội dung mới, một ngôn ngữ mới đã mở đường cho việc thay đổi của bút pháp thơ ca từ thơ có vần thành thơ tự do vào khoảng những năm 1990, như vậy là tương tự như miền Nam đối với miền Bắc trước đây, trên phương diện đổi mới vần điệu, thơ hải ngoại đi chậm hơn thơ chính thống trong nước, thực chất là thơ miền Bắc, khoảng mười lăm năm.
Đỗ Quang Nghĩa, Đi trong chiều tự do
Chân trời nào cho bạn, cho em
cho tự do nhân phẩm con người
thôi sợ hãi, thôi lọc lừa, xảo trá
thôi cấm đoán, tù đày, bắt bớ
thôi xích xiềng, học thuyết anh minh?
Nếu so sánh cộng đồng người Việt ở hải ngoại và những cộng đồng lưu vong khác như người Trung Hoa, người Triều Tiên, người Do Thái, qua các tác phẩm được dịch từ ngôn ngữ mẹ đẻ sang tiếng Anh, có thể nhận thấy một số khác biệt. Mặc dù những người lưu vong đến từ các đất nước ấy vẫn sử dụng ngôn ngữ riêng của họ, các tác giả thường tự dịch từ ngôn ngữ của họ sang ngôn ngữ tiếng Anh. Các thế hệ tiếp nối có những khoảng cách đối với nhau không quá xa như ở người Việt.
Nhiều người quả quyết
Tôi lạm dụng thuốc phá thai
Có thời làm tiếp viên bia ôm
(Lưu Diệu Vân)
Thời nào cũng thế, người đọc trung bình bao giờ cũng chống lại sự thay đổi, sự làm mới. Ngôn ngữ của thơ ca thật sự là thứ ngôn ngữ không thể đoán trước được, và bao giờ cũng là thử thách cho người đọc. Sự đổi mới trong thơ hải ngoại, sự thành công và thất bại của nó trước sau cũng sẽ có quan hệ đến điểm này.
Khi thời đại thay đổi, con người dường như sống gấp rút hơn, chất lượng sống tăng cường hơn, xúc cảm nhân lên nhiều lần. Có một khoảng cách lớn giữa đời sống nội tâm, khả năng xúc cảm sâu xa của người Việt Nam và khả năng biểu hiện của họ, đời sống bên ngoài của họ. Tôi tin rằng tương lai của thơ hải ngoại xuất phát từ điểm này, tức là từ yêu cầu của người đọc không phải chỉ là người đọc hải ngoại của chính nó mà chính ra là người đọc trong nước. Nhiệm vụ của thơ hải ngoại là trờ thành một phần hữu ích và quan trọng của thơ Việt Nam: vì nhu cầu ấy là có thật và ngày một lớn lên, tương lai của nó chỉ có thể lớn lên mà thôi. Đỗ Lê Anhdao có cách nói thản nhiên sắc sảo mà vẫn tinh tế nghệ thuật:
người tình nhắc tôi thường xuyên
phụ nữ Việt Nam tứ đức
công, dung, ngôn, hạnh
nhưng riêng anh thì vẫn lui tới mấy “quán cà phê bikini” đều đều,
tự do ngâm mộ những cô gái mặc áo dài may bằng loại vải “tơ mỏng”,
lặp đi lặp lại khen khoa học hiện đại biết cách mô cấy vú nhân tạo.
“Em cũng nên đi sửa đi,” anh nói.
Cuối cùng thì chúng tôi chia tay.
Tôi cũng chẳng thèm tìm hiểu coi có phải vì ngực tôi lép hay không.
Tôi không bao giờ tự sửa sang mình cho thích hợp với đòi hỏi của đàn ông.
Đôi khi tôi cũng mặc áo lót, nhưng tôi không có ý định làm vợ.
(1)
Các yếu tố thuộc về khuynh hướng làm cho thơ hải ngoại trở thành một nền thơ cách tân gồm có: yếu tố nữ quyền, thái độ chính trị, yếu tố tình dục, chủ nghĩa hậu hiện đại, thơ tân hình thức, sự dung hợp các luồng ngôn ngữ Nam Bắc, trong ngoài, tiếng Việt và sinh ngữ, sự đưa vào được ở những mức độ khác nhau không khí sống động của một đời sống bên ngoài biên cương Tổ quốc, không những chỉ thử thách gian khổ mà còn ươm đầy hạnh phúc, sự tiếp tục làm mới do ảnh hưởng của văn chương trong nước.
thơ tình mới
Ngôn ngữ thơ ca có những tác dụng nằm ngoài ý nghĩa, có khả năng mang người đọc trở lại với những cảm giác, giác quan, thân xác, âm nhạc, những thiết chế của tình yêu. Những cây bút lớp trước như Du Tử Lê, Luân Hoán, Thi Vũ, Trần Mộng Tú, Trần Vấn Lệ, Lê Thị Huệ vẫn không ngừng làm thơ tình, nhưng họ có thêm nhiều người cùng đường. Trong các yếu tố cấu thành trích đoạn sau đây, ta có thể nghe được vang lừng điệu nhạc đặc biệt, quen mà lạ:
Hãy tới hãy tới hãy tới Halfmoon Bay với anh
Ở một nơi trăng biếc gió xây thành
Ðêm và mộng và anh cùng ước hẹn
Ở Halfmoon Bay màu trắng rất xanh
Hãy bước khẽ hãy ngồi đây với anh
Ðêm nguyệt tận bầy chim bay không về
Em muốn thấy sao khuya làm hôn lễ
Nghiêng lòng xuống và ở đây với anh
Hãy nói nhỏ hãy nhìn sâu mắt anh
Ðêm thở hơi em nồng nàn cỏ biếc
Ði đi với anh qua cửa trăm năm
Trăng đã rụng và môi em đã chín
Môi ngực ủ trầm hương em đến đây
Bờ cõi mộng đã đầy lên phương này
Lòng anh đã trải nguyệt tràn năm cửa
Ðêm Halfmoon Bay và anh đã say
(Vũ Quỳnh Hương)
(2)
Sự thưởng thức đối với một bài thơ bao giờ cũng có tính lịch sử. Một bài thơ tình, không chỉ viết về tình yêu, mà còn chở đi trong nó những dấu ấn của hoàn cảnh lịch sử, tâm trạng, hoàn cảnh. Một bài thơ tình trong chiến tranh không thể không nói đến cái chết và chia ly. Nhưng vì quá bận rộn với chia ly mà thơ tình cả miền Bắc lẫn miền Nam đã không kịp nói đến những khía cạnh âu yếm của tình yêu, những rắc rối, những phản bội, những bỏ rơi. Một ngôn ngữ bị xáo trộn do hoàn cảnh, sẽ không dừng lại, mà tiếp tục vận động về phía trước và mang theo nó những thay đổi do hoàn cảnh.
Cửa mở ngoài muôn dặm
Mơ hồ sương đầy trời
Thơ ta như cánh nhạn
Chưa bao giờ có đôi
(Viên Linh)
Không nhắc gì đến tình yêu mà vẫn như tình yêu. Kỷ niệm là quá khứ, đau thương là hiện tại. Thơ tình là sự kết hợp giữa cá nhân và xã hội. Chính sự mở rộng đề tài và chủ đề cho phép nó nới rộng các dung tích của ngôn ngữ. Điểm khác biệt lớn nhất của thơ tình hôm nay là nó phải biết suy nghĩ. Cách miêu tả lạnh lùng, thách thức, nhưng bên trong chứa một tình yêu, một trái tim mà bạn không thể biết. Tính chất không thể bước vào của ngôi nhà ngôn ngữ.
Thơ tình ngày trước thường là thơ có vần, dễ đọc, dễ nhớ, ngày nay thơ tình phá luật, thành thơ tự do. Thơ tự do khó hơn để truyền đi các xúc cảm của thơ tình, nhưng khi chúng thành công, ảnh hưởng của chúng thật lớn. Khi ta tìm cách trình bày, thuyết phục, giải thích, ta tìm cách rút ngắn sự phức tạp của hiện thực, tức là trừu tượng hóa, chiết xuất, và bằng cách ấy, thu hẹp các sự vật.
Tôi bắt đầu tháo bỏ chàng
như tháo đôi hoa ra khỏi tai
tháo từng chiếc
từng chiếc một
hai tai đã khỏa thân
(Trần Mộng Tú)
Thơ tình hải ngoại kế tiếp được phần nào truyền thống của thơ tình miền Nam, của chính mình, như trường hợp Nguyễn Tất Nhiên, như ở một số tác giả mới viết gần đây. Trong thơ có một khái niệm gọi là sự gần gũi thân mật. Đây là sự gần gũi có tính cách riêng tư của nhà thơ đối với các sự vật được mô tả, và hầu hết các bài thơ tình đều có tính chất tương giao giữa người và người, là bài hát ngợi ca, là khúc nhạc yêu đương say đắm, hay là lời oán than, tiếc thương hay đau đớn. Tình dục là một đề tài trong thơ tình hải ngoại. Trong thơ tiền chiến và thơ cả hai miền Nam Bắc trước 1975, có thể nói trong thơ ít có yếu tố tình dục. Đây là điều khác biệt: vì trong truyện ngắn và tiểu thuyết thì chúng có. Tình yêu thể xác và tình yêu tâm hồn là những thực thể được tôn trọng như nhau. Chúng cũng có thể hòa vào nhau thành một không thể tách rời.
về sự giao thoa
Thơ hải ngoại bốn mươi năm qua có thể chia làm ba giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài khoảng từ mười đến mười lăm năm: một, từ sau năm 1975 đến cuối những năm tám mươi, thời điểm trùng hợp với phong trào đổi mới trong nước. Thi pháp cổ điển, ngày càng hiện thực, có tính nhân chứng và hoài niệm. Hai, từ cuối những năm tám mươi đến năm 2000. Cách tân nghệ thuật. Các nhà thơ mới viết sau năm 1975. Nhiều chuyển động. Phương pháp siêu thực, chủ nghĩa hiện đại. Ba, từ đầu thế kỳ XXI đến nay. Phát triển văn học mạng. Các nhà thơ mới hơn, táo bạo hơn, giao hoà thơ trong nước và ngoài nước, Bắc và Nam, Anh và Việt.
Năm 2002, tuyển tập 26 Nhà Thơ Việt Nam Đương Đại, một trong những cột mốc đánh dấu khúc quanh đi vào giai đoạn ba, và h ình nh7ư đến nay vẫn là thí dụ duy nhất, đẹp đẽ, của giao thoa văn học trong và ngoài nước, tập hợp những nhà thơ khá tiêu biểu. Từ trong nước: Nguyễn Quốc Chánh, Bùi Chát, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Đạt, Văn Cầm Hải, Vương Huy, Inrasara, Ngô Tự Lập, Ly Hoàng Ly, Phan Bá Thọ, Phan Huyền Thư, Nguyễn Viện. Hải ngoại: Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Đinh Trường Chinh, Phan Nhiên Hạo, Lê Thị Huệ, Đỗ Kh., Đinh Linh, Nguyễn Hoàng Nam, Uyên Nguyên, Thận Nhiên, Thường Quán, Đỗ Quyên, Nguyễn Đăng Thường, Nguyễn Hoàng Tranh, Nguyễn Đức Tùng. Có thể nhận xét rằng tập hợp này bao gồm những khuôn mặt Nam Bắc, Đông Tây, trong ngoài, các châu lục, hầu hết gồm những người viết lúc ấy còn khá trẻ và trong vòng mười mấy năm qua vẫn còn dồi dào sức đi tới.
Sự kết hợp giữa trữ tình và tự sự ngày càng mạnh mẽ. Những nhà thơ trong nước đóng góp vào công việc này qua việc xuất hiện đều đặn trên các tạp chí hải ngoại. Gérard Genette đã viết: Chức năng của phép tự sự không phải là ra lệnh, nói lên một ao ước, tuyên bố một điều kiện, vân vân, mà chỉ đơn giản là kể lại một câu chuyện và do đó tường trình một thực tiễn (có thật hay hư cấu), tâm trạng của nó, hay ít nhất là tâm trạng tiêu biểu của nó, nếu nói một cách chặt chẽ, chỉ có thể là cái biểu thị (indicative) (3). Ngôn ngữ thơ ca thay vì có nhiệm vụ xác định các đối tượng mô tả như những điểm tham chiếu thì lại bôi xóa chúng, dịch chuyển chúng.
Việc phát triển nền thơ hải ngoại dựa vào nhiều yếu tố ngoài sáng tác: nghiên cứu của các nhà phê bình Thụy Khuê, Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc Tuấn, Đặng Tiến, Đặng Phùng Quân, Bùi Vĩnh Phúc, Nguyễn Vy Khanh, sự phát triển của văn học mạng, sự giao hòa trong nước ngoài nước, thơ song ngữ, thơ dịch Anh Việt, Việt Anh của Diễm Châu, Hoàng Ngọc Biên, Lê Đình Nhất Lang, Trần Nghi Hoàng, việc các tác giả nghiên cứu “xuyên biên giới” văn học cả trong và ngoài bất chấp địa chỉ cư trú của họ như Hoàng Ngọc Hiến, Phạm Xuân Nguyên, Inrasara (4), Đỗ Quyên (5). Ngôn ngữ trở thành một ngôi nhà dành cho quê hương.
Sự bất ngờ, tính chất không được báo trước của ngôn ngữ thơ ca khiến cho người đọc, người nghe, phải tập trung chú ý. Một nơi chốn của tình yêu siêu thực, trong thơ Đinh Trường Chinh:
Vẫn đêm
tôi cách em vài lóng tay
tôi cách em một cơn mưa
tôi cách em một bài thơ chưa trọn chữ
Lần cuối cùng
Tôi và em chỉ cách nhau vài hơi thở
Từ sau năm 2000, với sự giới thiệu của các nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Hưng Quốc, chủ nghĩa hậu hiện đại bắt rễ nhanh chóng trong các nhà thơ hải ngoại và cả trong nước. Thật ra nếu dò tìm có thể thấy một vài yếu tố hậu hiện đại đã xuất hiện trước đó trong các sáng tác của các nhà thơ như Nguyễn Đăng Thường, Phạm Việt Cường, Lê Thị Huệ, Nguyễn Hoàng Nam, Đỗ Kh., Đỗ Quyên, Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Thị Thanh Bình trước đó. Ngoài ra, phương pháp sáng tác hiện thực kỳ ảo (magic realism) được giới thiệu ở trong nước khá sớm với tiểu thuyết của nhà văn lừng danh Garcia Marquez, cũng làm thay đổi các quan niệm thẩm mỹ trong thưởng thức và sáng tác. Nhiều năm trước, văn học châu Mỹ la tinh còn được khảo cứu bởi dịch giả Đỗ Khánh Hoan, ở Canada, người dịch Tagore trước đây.
Một thi sĩ làm thơ từ trong nước, khi đến Mỹ, tiếp tục viết:
Những ý nghĩ tốt lành
Làm thành bậc thềm đá
Kiên nhẫn chờ
Con tàu đến từ quê hương bị hủy hoại
(Khánh Phương)
Hoa Nguyen là trường hợp khác. Sinh năm 1967 gần Sài Gòn. Lúc 18 tháng, được mang đến Mỹ, thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Chị học về thơ ở San Francisco, có nhiều bài thơ hay về Thiền, tất nhiên bằng tiếng Anh. Tôi thích bài này của chị, mang dấu ấn chiến tranh, trong tập The Wisdom Anthology of American Buddhist Poetry:
house on fire my mom’s
past house a child she
lost the tea post shaped
from a big hard fruit
Gone to the rain
trees how they curved
in to bring water
for store (drink) wash
in the river
nhà cháy nhà mẹ tôi
căn nhà cũ một đứa trẻ mẹ
mất ấm trà có dáng
như một trái cây to cứng
Biến mất trong mưa
cây cối uốn mình
mang nước
về để uống rửa
trong dòng sông kia
(6)
Chị và những người khác như Mộng Lan có thể xem là một phần của thơ hải ngoại không? Tôi không biết, nhưng Czeslaw Milosz nhà thơ giải Nobel sống lâu ở Hoa Kỳ, dạy học ở đó, viết gần một nửa số thơ của ông trực tiếp bằng tiếng Anh, nhưng người Ba Lan vẫn xem ông là nhà thơ Ba Lan.
trường ca, thơ xuôi, thơ về thơ
Các nhà thơ ngày càng viết nhiều hơn “thơ về thơ”, chẳng hạn:
Không chữ nào cao thượng hơn chữ nào. Không chữ nào thấp hèn hơn chữ nào. Không chữ nào thánh thiện hơn chữ nào. Không chữ nào dâm uế hơn chữ nào. Không chữ nào sạch sẽ hơn chữ nào. Không chữ nào nhơ bẩn hơn chữ nào. Không chữ nào đáng yêu hơn chữ nào. Không chữ nào đáng ghét hơn chữ nào. Tất cả những ý niệm cao thượng, thấp hèn, thánh thiện, dâm uế, sạch sẽ, nhơ bẩn… đều nằm trong con mắt và tâm thức của kẻ đối diện với chữ
(Nguyễn Hoàng Tranh)
(7)
dân phê bình à đa phần là ích kỷ và độc đoán văn phiệt thấy mồ cứ đè thơ ra mà bình vì mục đích tham vọng nào đó vô tình hay hữu ý nên hoặc là nhà thơ chết hoặc là nhà phê bình chết còn bài thơ thì sống dở chết dở thương nhất là ở các vị giàu học thuật nghèo tình thương thơ cứ cắm cổ gò lưng đẩy thơ theo con đường chỉ lo cái cỗ xe của mình mà quên rằng nàng thơ vốn tinh nhạy mong manh đỏng đảnh khó tính khó chiều khóc cạn nước mắt rồi tắc tử trong cỗ xe phê bình thành ra nhiều bài phê bình làm nấm mồ chôn nhà thơ nhiều nhà phê bình làm kẻ đào mồ chôn nhà thơ còn bài thơ rồi cả thi ca thì làm sao chôn nổi cứ đạp mồ sống dậy sau mỗi cái chết lâm sàng
(Đỗ Quyên)
(8)
Đoạn thơ thứ hai là một trích đoạn của trường ca.
Thơ xuôi là một hiện tượng đặc biệt, sự giao phối, biên giới giữa thơ và văn xuôi. Nó phủ nhận các quy ước của thơ như ngắt câu, nhịp điệu, giới luật, vay mượn của văn xuôi nhiều kỹ thuật nhưng không bước hẳn vào lãnh địa. Trong thơ xuôi, do dung lượng của nó, sự mô tả trở nên tỉ mỉ đặc biệt. Nói cách khác một khi thơ trở nên quá mơ hồ, quá triết lý, quá trừu tượng, xa rời thế giới vật thể, thì có lại nhu cầu thơ xuôi. Tôi cho rằng thơ xuôi là một nhu cầu nội tại của nhà thơ, hơn là một ý định được biết trước.
Với những bước đi vững vàng trên đất.
Không lấy của ai bất cứ gì. Nhưng phải biết giữ cho mình cái mà lẽ Đất Trời trao tặng.
Điều gì đưa mẹ trôi qua?
Bóng ngây thơ mỗi đêm
Những trang thơ chật dần trong hộc tủ. Cuộc chơi duy nhất, mẹ đem cuộc sống mình tham dự. Bản nháp đẹp đẽ trong đời cho tới nay mẹ chưa từng xóa.
Đó là giấc mơ, mẹ đang đi đến bằng trái tim quyết liệt.
Đó là giấc mơ. Cho mẹ sống thật
Nguyễn Thị Khánh Minh, muốn sống giấc mơ của mình, cũng quyết liệt như đã sống cuộc đời thực của chị. Giấc mơ của người phụ nữ hay giấc mơ của dân tộc?
Trong khi các bài thơ ngắn ngày càng chiếm lĩnh văn đàn, kịch thơ, và trường ca, trường thi mang cho con người những điều khác: những xúc cảm lịch sử, các sự tích anh hùng, các tâm trạng của một lớp người, một thế hệ, các lý tưởng và sự phản bội các lý tưởng. Không phải ngẫu nhiên mà cuối thời kỳ chiến tranh Việt Nam, và ngay sau năm 1975, ở miền Bắc và trong cả nước có nhiều nhà thơ bắt đầu viết trường ca hoặc những bài thơ dài, có thể tạm gọi là trường thi. Trường ca Mẹ về biển Đông của Du Tử Lê là một trong số các bài thơ dài, được viết vào loại sớm nhất ở hải ngoại. Do những thay đổi về nội dung và đề tài, về cấu trúc và bút pháp, ngày nay các trường ca không còn được hiểu như là những bài thơ có tính lịch sử, ca ngợi anh hùng, có thể được hát lên, có tính tự sự, có thể được kể lại, mà về thực chất đã trở thành một loại bài thơ dài, trong tiếng Anh gọi là ode. Đặc điểm của Mẹ về biển Đông là cảm giác riêng tư, cá nhân, gần gũi, thân mật nhất trong cánh rừng trường ca Việt ngữ. Kế đến, trường ca Đỗ Quyên, sự pha trộn đẹp đẽ giữa cảm thức lịch sử và trữ tình cá nhân, cái này thúc đẩy cái kia. Những đoạn thơ về thơ trong trường ca của anh không chỉ nói về chính nó, mà bao giờ cũng chỉ ra một điều gì khác nữa, mơ hồ ngoài kia.
vài ví dụ về hậu hiện đại, thơ tân hình thức và khuynh hướng khác
Làm sao để phân biệt một bài thơ hiện đại và một bài thơ hậu hiện đại? Không dễ.
Je t’ai ciré,
Je t’ai frotté,
J’ai pris plaisir
A te donner ma peine,
Ta đánh bóng em
Ta chà xát em
Ta lấy làm vui
Tặng nỗi đau cho người
(Eugène Guillevic, Un Bahut, Cái tủ buýp phê)
Hình dung thấy một tình cảm mãnh liệt, trong bàn tay, trong hành vi chà xát, trong sự đau đớn, trong nỗi giận dữ, nhưng đó là một lực đi có định hướng. Hiệu dụng của nó rõ ràng.
Talking fancy
Without much to
drink
Nói chuyện ba hoa
Mà chẳng có gì
Để uống nhâm nhi
(Lee Ann Brown)
Toàn bài thơ chỉ có ba câu, phá vỡ tính nghiêm nghị của mục đích, bộc lộ tính chất của sự vật một cách hài hước. Nhưng đây không phải là sự hài hước do tác giả mang lại. Mà như thể là một tính chất cố hữu của các sự vật. Như vậy đặc tính của thơ hậu hiện đại là khó thương, phá bĩnh, cười cợt, tấn công cái chính thống bằng cái lẻ tẻ, vụn vặt, nhưng ác nghiệt thay, chính xác. Trong thơ hậu hiện đại Việt Nam hiện nay, sự hài hước xuất phát từ tác giả, hơn là từ sự vật. Ngay cả trong những trường hợp thành công nhất, như thơ Nguyễn Đăng Thường.
(vì hồ lệ đã cạn rồi)
vậy xin mượn lời
alan paton
nhà văn nam phi
cập nhật
gởi
việt nam và tây tạng
“chửi lên đi, ôi quê hương yêu dấu”
Khuynh hướng mỉa mai, cái nhìn từ bên lề được thúc đẩy bởi chủ nghĩa hậu hiện đại làm cho nhà thơ có khả năng đứng lên trên lịch sử hay đứng ngoài lịch sử, từ chối tham dự vào lịch sử như những nạn nhân. Người đọc thơ cần hiểu rằng một nền thơ có những xuất phát riêng biệt, ngược với một nền văn học tuyên truyền, chỉ có khả năng tốt nhất trình bày như một sự đối lập, cái tốt đẹp dịu dàng của tình yêu và của cái đẹp.
Những người giới thiệu và xiển dương thơ Tân hình thức, đặc biệt là nhà thơ Khế Iêm, đã làm dấy lên một phong trào đổi mới hình thức, khoảng những năm đầu thế kỷ 21 ở California, lắng xuống một thời gian, rồi hồi phục trở lại khi được giới thiệu rộng rãi ở trong nước, với sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều nhà thơ trẻ và tài năng, nhất là những nhà thơ quy tụ quanh tạp chí Sông Hương, và đồng thời, trên tờ báo giấy cũng do Khế Iêm chủ trương ra hai tháng một kỳ.
Con mèo đen có linh hồn và chiếc
xương sườn của tôi, mỗi buổi sáng thức
dậy không bao giờ rửa mặt, mỗi buổi
sáng thức dậy không bao giờ đánh răng;
con mèo đen có đôi mắt bằng đất
sét, mở ra và nhắm lại, hay cứ
mở ra và không bao giờ nhắm lại,
trong lúc lên thang xuống thang, mang theo
linh hồn và chiếc xương sườn của tôi
(Khế Iêm) (9)
Bốn đặc tính chính yếu của thơ Tân hình thức: kể chuyện, vắt dòng, hợp vần và cấu trúc khá cân đối.
Có một khuynh hướng mới. Ngôn ngữ rộng rãi, trương nở, dàn trải, mênh mang, gần với chủ nghĩa tối đa hóa (maximalism), với nhiều chú thích, chi tiết phụ tùng, các gợi ý đa văn bản và liên văn bản, trong thơ nhiều người: Đinh Linh, Ngu Yên, Đỗ Quyên, Hoàng Xuân Sơn, Nguyễn Hoàng Tranh, Uyên Nguyên, Nguyễn Đăng Thường. Và Thường Quán:
Trưa như ở một bến xe
bữa ăn của một người xếp xong va li
giữa những tiếng còi đang đổ về từ Lục Tỉnh
tiếng rì rầm của trăm thứ động cơ khác đang quay, xa hơn
Sài Gòn của những cuốn sách treo ngon trên vỉa hè
bạn đứng đó và đi quanh
chẳng một anh tiên tri nào
báo động sớm ngày sẽ vất chụm lửa hủy diệt
Chủ nghĩa tối đa có thể xem là biểu hiện của chủ nghĩa hậu hiện đại, như trong tiểu thuyết với các trình bày chi tiết, các nguồn thông tin phối hợp. Mặt khác, chủ nghĩa tối thiểu (minialist poetry), có vẻ ngược với khuynh hướng trên, thực ra là sự bổ sung cho chủ nghĩa hậu hiện đại.
Diện mạo của thơ ca hải ngoại là diện mạo của thơ Việt Nam trên một không gian đặc biệt: ngoài Việt Nam, phân tán khắp nơi, di chuyển mọi lúc, khác nhau nhiều đến nỗi chỉ có thể tập hợp lại dưới một danh từ hay một tính từ, hải ngoại.
buổi sáng
mail tới lai rai
lửng lơ chốn ảo
hai bài ngẫu nhiên
một thơ tình, một bài thiền
nhặt tinh mơ sớm
gợi phiền lụy xa
(Vũ Hoàng Thư)
sự tiếp nhận, lời kết
Thành tựu của thơ Việt hải ngoại trong khoảng mười lăm năm gần đây tập trung nhất vào những trường hợp làm mới bút pháp (10). Tuy nhiên tất cả đều khó đọc hơn trước.
T. S. Eliot: Hầu như chắc chắn là các nhà thơ của nền văn minh chúng ta, như thể nó đang tồn tại lúc này, phải là các nhà thơ khó đọc. (11). Như thế Eliot cho rằng thời đại chúng ta đủ sức để hiểu sự phức tạp của ngôn ngữ, các biến đổi của nó, con người ngày càng phải trở nên thông minh hơn và tinh tế hơn, nhu cầu của họ không những ngày một rắc rối hơn mà sự thỏa mãn những nhu cầu rắc rối ấy cũng phải ngày càng phức tạp hơn. Theo tôi đó là định nghĩa của sự khó khăn trong thơ. Liệu sự phong phú của hình ảnh, sự giàu có của ngôn ngữ có tăng lên cùng với mức độ khó của thơ, và ngược lại hay không?
Khi tiếng đàn Tính Tịch Tình Tang không
còn mê hoặc lòng người bằng tiếng đồng
tiền Leng Keng dễ hiểu,
Khi Thạch Sanh vỡ lẽ cả đời mình chưa bao giờ
có đất, khi đi đốn củi trong rừng cũng như
khi về lầu son làm công chức
(Tiếng đàn mới của Thạch Sanh)
Lê Đình Nhất Lang có khả năng viết những câu thơ như văn xuôi, dễ bị bỏ qua, nhưng chứa nhiều nội lực. Vấn đề của thơ hôm nay là tính chất riêng tư của nó. Gần như chống lại khuynh hướng riêng tư này, nhà thơ T.S. Eliot, như được trích dẫn ở đoạn trước, đã từng đưa ra tuyên bố rất đẹp rằng, tính chất riêng tư sẽ mau chóng bị hủy hoại, nếu chúng không được gói lại trong nước đá hay trong muối.
Lằn ranh phân biệt giữa thơ dở và thơ hay, giữa một nhà thơ tài năng và một nhà thơ tập sự, thậm chí giữa một nền văn học thực sự và một nền văn học nhảm nhí ngày càng trở nên mơ hồ, rối loạn. Điều này không những đúng cho thơ mà còn cho cả văn xuôi hải ngoại, cho văn học trong nước, kể từ năm 1975 đến nay. Trong một bối cảnh như thế, các nhà phê bình không có nhiều chỗ đứng. Hầu hết đều chọn im lặng. Sự trao đổi qua lại giữa các nhà thơ hoặc giữa những người viết nói chung thường có tính chất thù tạc.
Đọc thơ không hề là việc dễ dàng. Theo quy ước một bài thơ gồm có những đơn vị căn bản là câu thơ. Câu thơ dễ nhận ra trong các thể thơ có vần, trong thơ tân hình thức, nhưng khó nhận ra hơn trong thơ tự do. Khi đọc một câu thơ được đặt đúng phương vị giữa các câu khác, bạn có cảm tưởng như nó chuyển đi một năng lượng, năng lượng ấy được đẩy xa tới bên bờ mép, và thu hồi lại lập tức. Nhưng nếu câu thơ được ngắt không đúng chỗ, hoặc quá sớm hoặc quá trễ, hoặc không cần thiết, bạn có cảm giác luồng năng lượng vượt ra khỏi bờ mép, rơi xuống phung phí tản mạn.
Chính là bằng những biểu đạt mới, phi quy ước, mà con người được tự do. Nhưng sự tiếp nhận sẽ khó khăn. Bài thơ sau đây của Đinh Linh, viết về sự kiện 9-11, đăng trên Talawas mấy năm trước:
Hắn có thân hình vạm vỡ
Với cả ngàn cái nứng lên
Làm rực bầu trời về đêm
Nhưng không gì nứng cao hơn
Đôi cặc sinh đôi.
đã gây ra cảm xúc rất mạnh ở một số người đọc. Có lẽ đối với họ bài thơ của anh là sự xúc phạm. (12).
Nhưng đọc thơ là một kinh nghiệm đặc biệt mà các hoạt động khác không thể mang lại. Ngày xưa con người sống chậm, họ chỉ có một quê hương, một trái tim, một bài thơ để nhớ. Ngày nay con người sống vội, họ có hơn một quê hương, hơn một mối tình. Và cần nhiều bài thơ, viết khác. Trong khi ý nghĩa của ngôn ngữ là cốt lõi thì tác dụng thẩm mỹ đóng vai trò quan trọng không kém. Cũng không thể bỏ qua một điều: thơ có nhiệm vụ đem lại sự vui thú cho người đọc.
Trong lúc chuẩn bị tiểu luận này, tôi lật vài tờ báo ra xem lại và đọc:
Hạnh phúc
Là được sống với trái tim mới lạ
Cởi bỏ hận thù, một cõi xót xa
Ngồi xuống hát ca
Với cây cỏ đụn tranh mái nhà em bé
Sao lòng canh giữ mãi
Đó là những câu thơ trong bài Hạnh phúc mới, trên Làng Văn, tháng 3 năm 1992. Một tác giả chắc bây giờ ít người biết: nhà thơ Nguyễn Lý.
Năm 1992, bạn còn nhớ không?
Bài thơ trên giờ chỉ còn nằm lại giữa hai trang giấy ố vàng, bên lề có chữ viết tay loáng thoáng như sợi tóc cũ, đã ngừng xuất bản. Tác giả có lẽ không tiếp tục sáng tác nữa, nhưng khi đọc nó hôm nay tôi ngạc nhiên và nghĩ ngợi. Nó nói đúng tâm trạng của chúng ta, thời điểm ấy.
Tại sao thời điểm ấy?
Khái niệm trung tâm và ngoại vi đối với người Việt ngày nay không còn đơn thuần là mối quan hệ giữa chính thống và phản kháng, giữa cái đa số và cái thiểu số, giữa truyền thống và cách tân. Ví dụ: trên thế giới, nhiều thành tựu đỉnh cao là tác phẩm bị cấm đoán. Khi các nhà thơ viết về dân tộc mình, họ phải tìm cách vượt qua các biên giới, ngăn cách một bên là các điều kiện sống thực tại của nhà thơ ấy, sự may mắn kèm theo bất hạnh, công việc, lo toan, nhà cửa con cái, những nhiệm vụ cụ thể của người dân nước sở tại, bổn phận công dân mới, của một không gian đô thị, hiện đại và lạnh lùng, phân cách, và một bên là ngôn ngữ thơ ca, một thứ ngôn ngữ không dùng trong giao tiếp hàng ngày, nhưng lại cần thiết cho những giao tiếp tâm hồn, và riêng trường hợp người Việt, cần cho những giao tiếp lịch sử, thương thảo với quá khứ trước cánh cửa tương lai. Trong khi ngôn ngữ thơ có thể chuyển hóa những kinh nghiệm đời thường thành một ngôn ngữ giàu có, đặc biệt, nén chặt, có tính mặc khải, thì nó được giao một nhiệm vụ lớn hơn là truyền đi những tang chứng của lịch sử, là mở những cánh cửa đã khép chặt từ lâu giữa người Việt và người Việt. Tôi tin rằng thơ hải ngoại không chết đi, như đã từng được dự đoán bởi nhiều người, và các nhà thơ hải ngoại hiện nay, được bổ sung bởi thế hệ mới và bởi những nhà thơ đến từ trong nước, có thể làm được điều mà những nhà thơ đi trước họ chưa hoàn tất: thay đổi cách viết để sống còn. Đó là ghi lại một cách giàu có, trung thực và táo bạo những yếu kém, bất hạnh và những vận hội mới của dân tộc, trong hiện tại. Thơ Việt sẽ đi con đường dài, nhưng hiện nay nó chỉ có thể đi từng bước một. Tôi viết những dòng này ngay sau buổi tối 6.6.2015 ngồi nghe Khánh Ly hát Gia tài của mẹ của Trịnh Công Sơn, nhân dịp văn nghệ bốn mươi năm người Việt lưu vong. Gia tài của mẹ là nước Việt buồn. Bài hát được ca sĩ trình bày lần đầu năm 1969. Gia tài ấy dù thế nào cũng sẽ được truyền xuống, giữ gìn, mang theo, gởi lại, chuyển đi, bởi tất cả chúng ta, bởi mỗi người viết và người đọc. Bằng cách nào?
Bằng cách làm tươi mới ngôn ngữ mỗi ngày, lịch sử chính là bây giờ và nơi đây.
Nguyễn Đức Tùng
Chú thích của chương 5
(*) Người viết trân trọng cám ơn các thi sĩ đã hết lòng ủng hộ, gởi bài hoặc giới thiệu. Với những vị có thơ hoặc văn trích đăng mà chúng tôi đã không có dịp liên lạc, xin được miễn thứ và xin bày tỏ lòng tri ân nơi đây. NĐT.
(1)
“Đàn bà mà không mặc áo lót là không biết làm vợ” người tình nhắc tôi thường xuyên phụ nữ Việt Nam tứ đức công, dung, ngôn, hạnh nhưng riêng anh thì vẫn lui tới mấy “quán cà phê bikini” đều đều, tự do ngâm mộ những cô gái mặc áo dài may bằng loại vải “tơ mỏng”, lặp đi lặp lại khen khoa học hiện đại biết cách mô cấy vú nhân tạo. “Em cũng nên đi sửa đi,” anh nói. Cuối cùng thì chúng tôi chia tay. Tôi cũng chẳng thèm tìm hiểu coi có phải vì ngực tôi lép hay không. Tôi không bao giờ tự sửa sang mình cho thích hợp với đòi hỏi của đàn ông. Đôi khi tôi cũng mặc áo lót, nhưng tôi không có ý định làm vợ. (Đỗ Lê Anhdao) Bài thơ song ngữ: “Women Who Don’t Wear Bras Can’t Be Wives” this was told to me by my first lover handsome, charming, Vietnamese who called himself a traditionalist, swore by 555 cigarettes and French ca phe he often reminded me the 4 virtues of a Vietnamese woman labor, beauty, speech, and conduct but he himself always frequented “bikini coffee shops”, freely “admired” the young women in transparent ao dai’s, repeatedly thanked modern science for implants. “You should get yours done too,” he suggested. We eventually broke up. I didn’t bother to find out whether it was due to my modest bust size. I never fixed myself to conform to men’s expectations. Sometimes I wear a bra, but I do not plan to get married. |
(2) http://www.gio-o.com/VuQuynhHuongDoiGio.html
(3) Genette, Narative Discourse, NXB Cornell, 1972, p161
(4) Đỗ Quyên, “Văn học Việt ở ngoài nước trong vài năm qua”
http://vietvan.vn/vi/bvct/id1388/Van-hoc-Viet-o-ngoai-nuoc-trong-vai-nam-qua-/
(5) Inrasara, Thơ đến từ đâu? – một tác phẩm hậu hiện đại lớn bất toàn. http://inrasara.com/2010/07/21/inrasara-th%C6%A1-d%E1%BA%BFn-t%E1%BB%AB-dau-m%E1%BB%99t-tac-ph%E1%BA%A9m-h%E1%BA%ADu-hi%E1%BB%87n-d%E1%BA%A1i-l%E1%BB%9Bn-b%E1%BA%A5t-toan/
(6) Andrew Schelling, The Wisdom Anthology of North American Buddhist Poetry, Wisdom Publications, 2005, p. 183
(7) Lời nói đầu, Chữ, Tiền Vệ, 2005, Dẫn theo Inra Sara, http://inrasara.com/2009/12/14/th%C6%A1-vi%E1%BB%87t-t%E1%BB%AB-hi%E1%BB%87n-d%E1%BA%A1i-d%E1%BA%BFn-h%E1%BA%ADu-hi%E1%BB%87n-d%E1%BA%A1i-16-nguy%E1%BB%85n-hoang-tranh/
(8) https://trangchunhat.wordpress.com/2015/04/05/tho-thoi-gian-trich-truong-ca-do-quyen-2/
(9) Con Mèo Đen là một trong ba bài thơ hay nhất trong tháng 12-2007 của Diễn đàn thơ Mỹ Poetry.about (http://poetry.about.com)
(10) Thơ hiện đại, thơ nữ quyền, thơ tối đa hóa, thơ hậu hiện đại, thơ sinh thái, thơ tân hình thức, thơ trữ tình chính trị, thơ tối giản, trường ca, với những tác giả tiêu biểu không thể nhắc hết ở đây.
(11) Garick Davis, Praising It New, NXB Swallow, 2008, p152.
(12) phivu56 nói:
“Là một người Mỹ gốc Việt, vào năm 2001, tôi “đau” nỗi đau của “Hoa Kỳ” vì đất nước Hoa Kỳ đã “cưu mang” tôi và gia đình của tôi khi tôi rời Việt Nam vì những người Việt Nam Cộng Sản tuy cùng nguồn gốc nhưng đã làm cho gia đình tôi phải tan nát. Không biết rằng ông nhà thơ Mỹ gốc Việt này có gì “thù hằn” với Hoa Kỳ mà “thở” ra những câu thơ như thế này. Tại sao ông không ở lại Việt Nam để được hưởng “độc lập tự do” mà phải sang Hoa Kỳ? Đừng làm cho những người Mỹ gốc Việt chúng tôi phải mang tiếng “vong ân bội nghĩa” với Hoa Kỳ, một quốc gia đã cưu mang những người “tỵ nạn Cộng Sản” chúng tôi. Bây giờ ông có thể trở về Việt Nam như Nguyễn Cao Kỳ, Phạm Duy cũng chưa muộn lắm đâu.”
Các tài liệu tham khảo:
Gaston Bachelard, The Poetics of Space, Beacon, 1969
Mieke Bal, Narratology, Introduction, University of Toronton, 1985
Thi Vũ, Bốn mươi năm thơ Việt Nam 1945- 1985, Quê Mẹ, 1993
Caroly Forché, Against Forgetting, Norton, 1993
J.D. Mc Clatchy, The Vintage Book of Contemporary World Poetry, Vintage, 1996
Hà Minh Đức, Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Giáo dục, 1998
Nhóm Việt Thường, Tuyển tập thơ văn hải ngoại năm 2000, Văn Mới, 2000
26 Nhà thơ Việt Nam đương đại, Tân Thư, 2002
Nguyễn Bùi Vợi, Quang Huy, Vũ Quần Phương, Thơ Việt Nam thế kỷ XX, Thơ trữ tình, Giáo Dục, 2005
Jennifer Ashton, From Modernism to Postmodernism, Cambridge Press, 2005
Nguyễn Hưng Quốc, Thơ con cóc và những vấn đề khác, Văn Mới, 2006,
Agnieska Gutthy, Exile and the Narrative/ Poetic Imagination, Cambridge Scholars, 2010
Võ Phiến, Văn học miền Nam tổng quan, Người Việt Books, 2014
Du Tử Lê, Phác họa toàn cảnh 20 năm văn học nghệ thuật miền Nam, Người Việt Books, 2014