Chữ cái (Thơ Nguyễn Thị Từ Huy, Nxb Phụ nữ, 2007)

Lê Hồ Quang

clip_image001

Để đọc Chữ cái, hãy bắt đầu từ Lời nói đầu (Để tặng Ba Mẹ) của tác giả. Một tuyên ngôn ngắn gọn về Chữ cái. Về Thơ. Về Nghệ thuật và sự sáng tạo. Tôi xem đây là một sự chỉ dẫn, một gợi ý cần thiết.

– Đấy là “những từ bình thường trong tiếng Việt. Những từ không gây sốc, không khiêu khích, những từ bình dị, không bao hàm một năng lượng đổi mới nào”. Đấy là “các chữ cái đơn lẻ, cô độc, độc lập. Các chữ còn chưa kết hợp lại với nhau để tạo thành từ, các chữ không có nghĩa”.

– “Mỗi chữ cái là một cơ thể, một sinh thể, trong đó các tế từ bào vận động… Chúng chỉ có một thời hạn ngắn ngủi để sống… Chúng không thể chống lại ý muốn của người làm ra chúng, người đó, trong khi muốn thoát khỏi một giới hạn này đã vạch nên một giới hạn khác. Nhưng cũng có thể nói, chúng đã đến như một tiếng gọi, một đòi hỏi được ra đời và vượt qua cái gọi là ý muốn để ra đời… Chúng bị bó hẹp trong chữ, chúng không thể sinh sôi nảy nở một cách tự do trong cái cấu trúc thân xác chật hẹp ấy của chữ cái”.

– “Nó không khi nào thuộc về tôi, kể cả khi tôi tưởng rằng đã tạo ra chúng. Tôi và nó là một mối quan hệ chưa xác định, mặc dù đã được xác lập. Từ đó tôi bước và và đi ra… để trở thành một cái tôi của chữ”.

Hãy xem tư tưởng này được thể hiện như thế nào trong Chữ cái.

Tập thơ gồm có 19 chữ: T, U, A, L, N, B, G, Ô, R, S, C, X, Z, M, Q, K, V, Y, H.

T là chữ cái được trình bày đầu tiên. T là tôi. Tôi là Chữ. Chữ viết nên tôi và Tôi trình hiện qua chữ. Ý thức về Người viết. Về Ngôn ngữ, tiếng nói sáng tạo riêng.

U là một cuộc săn đuổi giữa Tôi và Từ.

A là một cuộc rượt đuổi của Từ với vô tận. Khoảng cách của nó với từ bên cạnh là “lỗ đen mở ra toang hoác”.

L: lúa, liềm

N: tiếng nói

B: một biểu tượng, đại dương – những người đi biển – biển chết/con tàu chết/ những người đi biển chết; khát nước/ khát vọng

G: nắng, gió, giới hạn

Ô: ổ khóa rỉ tét

R: ám ảnh về sự đứt lìa. Giữa tư duy và cơ thể. Con người và thế giới

S: cảm hứng thế sự. Nỗi sợ tượng hình bằng chữ S. Cơ thể đất nước.

C: cơ thể không giới tính. Vẫn là ám ảnh tôi/ phi tôi. Đầu óc/ cơ thể.

X: từ vẫn ám ảnh tôi/ trên đường/ cơ thể

Z: từ như một món ăn, có mùi vị, hương thơm, sự hấp dẫn…

M: ấn tượng không gian, góc khép mở/ sáng tối/ những bàn chân đặt khít trên mặt đất

Q: quá khứ/ vòng ôm/ em, anh

K: không. Sự phủ nhận triệt để. Không Tôi/ Không thời gian/ không không gian/ Không quá khứ/ Tương lai, anh/ em

V: giọng nói bị chôn. Vực sâu rữa nát. Khát khao nói đúng giọng của mình.

Y: sự phân rã của tôi, khát khao hợp nhất bản thể

H: ánh sáng của Từ, ngôn ngữ.

Các bài thơ được trình bày dưới dạng những chữ cái in hoa. Mỗi bài chỉ có một số lượng từ ít ỏi nén lại theo khuôn khổ, hình dạng của chữ. Độ cô đọng về mặt số lượng chữ là yếu tính bắt buộc của những bài thơ – chữ cái. Nhưng đôi khi, vốc chữ ít ỏi được tãi rộng ra, chiếm khoảng trống khá lớn của mặt giấy, ví dụ trường hợp chữ T, M, Z… Như vậy, bản thân hình thức trình bày của các bài thơ cũng là một chỉ dẫn, một gợi ý, hoặc, một ẩn dụ ý nghĩa. Cùng những giới hạn (điều tác giả đã đặt ra ngay trong Lời nói đầu), trước hết là giới hạn số lượng chữ (và cùng nó, những giới hạn khác: nghĩa, ý nghĩa, đời sống, khả năng con người v.v. ), sự trói buộc, cầm tù (định mệnh hay ngẫu nhiên, bắt buộc hoặc tự nguyện…) , chữ cũng bộc lộ những khả năng/ khả năng tự do của nó. Cùng với sự thử nghiệm gò ép, uốn nối chữ, tác giả cho ta thấy độ nén, khả năng chịu đựng của chữ, sự tới hạn của chữ và cả sự bùng nổ, trương nở của nghĩa trong chữ – từ những cách đọc khác, hiểu theo nghĩa cụ thể nhất. Ở các bài thơ Chữ cái, ta có thể đọc theo nhiều cách, từ trái sang phải, trên xuống dưới, hoặc ngược lại. Không hẳn để chơi chữ, dẫu rằng cách đọc nó rất gần trường hợp thơ thuận nghịch của thời trung đại, Chữ cái là một trình bày bằng hình tượng cụ thể về tính chất chất mở của thơ và thơ hiện đại nói chung (trường hợp thơ thuận nghịch không hướng đến mục đích này).

Từ Huy căn vặn những giới hạn của Chữ bằng một đầu óc khoa học, chị nén/ uốn/ vặn/ xếp đặt các chữ cái như những đồ vật/ công cụ ngoài mình. Giữ một cái nhìn quan sát khách quan tối đa, nhà thơ mô tả Chữ cái trong quá trình kết hợp và tạo nghĩa, trong mối quan hệ vừa phụ thuộc vừa đối kháng với chính tác giả. Nhưng từ các chữ cái đơn lẻ trong bảng ký tự ABC đến khi trở thành các bài thơ Chữ cái, chúng đã tồn tại trong tư cách sinh thể độc lập, đối lập với Người sáng tạo, bộc lộ những khả năng, năng lượng không thể kiểm soát. Điều này nằm ở bản thân tính ký hiệu của Chữ, tính cấu trúc của ngôn ngữ, độ mở trong khả năng phát nghĩa và dĩ nhiên, tiếp nhận của độc giả. Trong “cái cấu trúc thân xác chật hẹp ấy”, Chữ cái tự nó sinh sôi, vận động, trương nở nghĩa. Không cần và cũng không thể là Thượng đế trong trò chơi sáng tạo. Nhưng cũng không cực đoan đến mức Thượng đế/ tác giả đã chết. Ở đây, quan hệ giữa người sáng tạo và tác phẩm được diễn tả như một mối quan hệ đầy nghịch lý. Hiểu và chấp nhận nó, chính là khi ta đã bước sang bên kia vạch giới hạn. Và đối mặt với những giới hạn mới.

Chính sự bất lực, không thể kiểm soát nghĩa của chữ là một minh chứng cho sống động cho lý thuyết ký hiệu học. Nhưng đương nhiên, không dừng ở đó, nó còn chính là quá trình con người – Tác giả nhận thức về chính mình và giã từ ảo tưởng mình là Thượng đế trong thế giới duy nhất do mình tạo ra. Một nhận thức đầy đủ hơn về hiện thực, về thế giới và về cái tôi tác giả đã xuất hiện, thế chỗ cho ảo tưởng về vị thế bất khả thay thế của chính mình trước đó. Là nhà nghiên cứu, hẳn đó không phải là điều gì mới lạ với Từ Huy. Nhưng là nhà thơ, Từ Huy đã giữ được cái nhìn tò mò ngạc nhiên thơ trẻ với những con chữ, những con chữ “không gây sốc, không khiêu khích, những từ bình dị, không bao hàm một năng lượng đổi mới nào”.  Cái nhìn tò mò ngạc nhiên ấy đã cho Chữ cái khả năng tự làm lạ chính nó. Đấy là sự ngạc nhiên cần thiết của người sáng tạo.

Chữ cái của Từ Huy là một thử nghiệm hình thức để đẩy chữ tới những giới hạn của nó, ở đó, chị quan sát và khám phá hành trình phản kháng, giẫy giụa, nổi loạn của nó. Hành trình nó từ chối là một công cụ để trở thành một sinh mệnh. Ở đó, chị cũng quan sát và khám phá cái Tôi của mình, từ vị thế toàn năng của Đấng sáng tạo, phải thức tỉnh về vị trí thực sự của mình, kẻ đã đưa đứa con của mình vào đời và bây giờ chấp nhận nó dửng dưng từ giã mình để dấn thân vào cuộc hiện sinh tự nó. Chấp nhận mình chỉ là yếu tố tiền đề, được trình hiện trong nó, qua nó, không phải là kẻ chi phối, dẫn dắt chỉ bảo. Sự thức tỉnh đó không hoàn toàn dễ chịu, với quan niệm truyền thống.

Dĩ nhiên, đấy là nói trên phương diện lý thuyết. Dẫu nói rằng Chữ có sinh mệnh, song dưới sự “áp chế” của tư tưởng chủ đạo và kỹ thuật trình bày, đôi khi các chữ cái giãy giụa trong khuôn khổ của nó và những ý tưởng (chứ chưa phải tư tưởng) được trình hiện cách trực tiếp, chưa đủ sức để trở thành các biểu tượng đa nghĩa hơn. Việc trình bày về giới hạn/ hạn chế của Chữ bằng một hình thức mô phỏng chính điều đó, điều này cũng tạo nên những giới hạn của việc phát nghĩa. Không phải lúc nào những bài thơ trong Chữ cái cũng đạt đến độ mở của nghĩa.

Cấu trúc khá chặt chẽ của tập thơ tạo ra một gợi ý, đồng thời cũng là một áp lực đi đến cách hiểu rằng Từ Huy viết Chữ cái như một hành động kiểm nghiệm quan niệm của chị đã hình thành trước đó. Như vậy, sáng tạo, ở góc độ này và với tác giả này, sẽ được hình dung như một hành trình khá thuần lý. Nhưng, cũng từ nhận thức về mối quan hệ giữa tác giả và Chữ/ Tác phẩm đã được tác giả phát biểu ngay từ Lời nói đầu, hãy thử một cách đọc khác, thoát ra khỏi sự “áp chế” của người viết. Hãy bắt đầu từ văn bản, từ những Chữ cái. Khi đó, một lần nữa, ta sẽ thấy sự bướng bỉnh, ly tâm, nổi loạn thật sự của Chữ, đồng thời, cũng thấy được vẻ đẹp sống động của nó trong quá trình phát nghĩa nhờ vào sự cộng sinh giữa Chữ và sự Đọc. Sự “chứng nghiệm”, lần này sẽ đến, không phải để củng cố, xác nhận điều tác giả đã nói sẵn, mà là sự tự nhận thức, tự trải nghiệm của chính người đọc trên hành trình nghiệm sinh cùng Chữ. Đó là điều cần thiết hơn với người đọc.

Nhìn nhận thơ từ góc độ ngôn ngữ, bắt đầu từ chữ, trước đó, đã xuất hiện trong thơ Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Lê Đạt, Dương Tường và tiếp đó là Nguyễn Hữu Hồng Minh, Trần Nguyễn Anh, Như Huy, Nhã Thuyên… Nằm trong mạch “thơ ngôn ngữ” đó, Chữ cái của Từ Huy đặt trọng tâm tìm kiếm bản thể ý nghĩa về Chữ, rộng ra, là về Thơ và cố gắng thể hiện tư tưởng đó bằng một hình thức kỹ thuật trình bày tương thích. Thơ của Từ Huy có một hình thức thích hợp và gây ấn tượng mạnh hơn cả, vì tính thị giác triệt để của nó. Chữ cái vừa là chủ đề, vừa là hình thức thích hợp nhất để nó thể hiện những suy tư về chủ đề ấy. Đồng thời, xuất phát từ hình thức nguyên thủy của con chữ, tự hình thức ấy có thể “nói lên” tiếng nói bản mệnh của ngôn ngữ, của hình thức thơ, trước khi phải nhờ tới sự trợ giúp của các yếu tố khác, ngoài nó. Chữ cái, như vậy, là một hệ thống, bao gồm trong nó những hệ thống nhỏ khác: từ/ câu/ lời nói/ ngôn ngữ/ ý/ nghĩa/ biểu tượng… Nhưng nếu như hành trình của Chữ tìm đến nghĩa là hành trình mở, đầy ngẫu nhiên, bất định, nổi loạn, không thể kiểm soát, thì kết thúc của Chữ cái cũng vẫn là sự không hoàn kết. Hành trình của Chữ luôn là hành trình mở ra những bất an, những mơ hồ, những lỗ đen nhận thức. Đó là hành trình con người trình hiện chính mình trong ý thức về sự bất khả, nhưng không chấp nhận bỏ cuộc. Chữ cái hấp dẫn chính vì nó đã trình bày Chữ như một cuộc hiện sinh của Người, với tất cả sự bất an ấy.

Vinh, 1/1/2019

clip_image002

Comments are closed.