Học giả Mỹ

Ralph Waldo Emerson

Hiếu Tân dịch

Thưa ngài Chủ tịch, thưa quý bạn[1]

Tôi chào mừng các bạn nhân ngày khai giảng năm học mới. Buổi lễ của chúng ta là buổi lễ của niềm hi vọng, và có lẽ, không thiếu gắng sức. Chúng ta gặp nhau không phải để thi thố sức mạnh hay tài khéo, để đọc lịch sử, diễn kịch hay ngâm thơ ca ngợi, như những người Hi Lạp thời cổ; cho những nghị viện của tình yêu và thơ ca, như những người Troubadour ; không vì tiến bộ của khoa học, như những người đồng thời của chúng ta ở các thủ đô Anh quốc và châu Âu. Cho đến nay, ngày hội của chúng ta chỉ đơn giản là dấu hiệu thân thiện về sự sống còn của tình yêu văn chương, trong một dân tộc quá bận rộn không thể cống hiến nhiều hơn cho văn chương. Như vậy, nó như một dấu hiệu về một thiên hướng vững bền. Có lẽ đã đến lúc cho một cái gì khác; khi trí năng đờ đẫn của lục địa này từ bên dưới hàng mi mắt bằng thép của nó nên nhìn lên và rót vào niềm kì vọng đã bị trì hoãn của thế giới một cái gì đó tốt đẹp hơn là những cố gắng miệt mài của kĩ năng cơ khí. Cái thời dài dằng dặc mà chúng ta phụ thuộc, chúng ta đi học việc từ các miền đất khác đã khép lại rồi. Xung quanh chúng ta hàng triệu người đang hăm hở lao vào cuộc sống, không thể nuôi họ bằng chút hoa màu còn sót lại từ mùa màng của người khác. Những sự kiện, những hành động bật lên, chúng phải ca hát, chúng phải được ca ngợi. Ai có thể nghi ngờ rằng thơ ca sẽ sống lại và dẫn đến một thời đại mới, như ngôi sao trong chòm sao Harp[2], và nay ánh hồng trên thiên đỉnh của chúng ta, các nhà thiên văn loan báo, một ngày kia sẽ là ngôi sao bắc đẩu cho một nghìn năm sau?

Trong niềm hi vọng này tôi nhận đề tài này không chỉ theo lệ, mà bản chất sự liên kết của chúng ta dường như còn chỉ định nó cho ngày hôm nay – HỌC GIẢ MỸ. Năm này qua năm khác, khi chúng ta đến đây để đọc thêm một chương của tiểu sử của ông[3]. Chúng ta sẽ tìm hiểu xem những ngày mới và những sự kiện mới đã rọi ánh sáng nào lên tính cách và những hi vọng của ông.

Có một ngụ ngôn, từ một thời xa xưa không ai biết, chuyên chở một điều khôn ngoan không ngờ, rằng các vị thần ban đầu chia Người ra thành những con người, rằng như thế người ấy có thể có ích cho bản thân mình hơn, giống như bàn tay chia ra thành những ngón tay, để làm nhiệm vụ của nó tốt hơn.

Câu chuyện ngụ ngôn cũ mang một thuyết luôn mới mẻ và uyên áo, rằng có Một Người, chỉ hiện ra từng phần cho tất cả những con người cụ thể, hoặc thông qua một khả năng; và rằng bạn phải lấy cả xã hội để tìm ra con người toàn thể ấy. Con người không phải là một nông dân, hay một giáo sư, hoặc một kĩ sư, nhưng là tất cả. Con người là thầy tu, và học giả, và chính khách, và nhà sản xuất, và binh lính. Trong trạng thái bị phân chia hay trạng thái xã hội, những chức năng này được chia cho các cá nhân, mỗi người trong số đó nhằm thực hiện phần việc của mình trong công việc chung, trong khi mỗi người khác thực hiện phần việc của họ. Truyện ngụ ngôn nọ ngụ ý rằng, cá nhân, để được tự chủ, đôi khi phải bỏ công việc của riêng mình để trở về ôm lấy công việc của tất cả những người khác. Nhưng buồn thay, cái đơn vị gốc này, suối nguồn năng lượng này đã được phân bố cho vô số, đã được chia nhỏ li ti, đến nỗi nó rã ra thành những giọt, và không thể tụ lại. Trạng thái này của xã hội là trạng thái mà các chi, các bộ phận phải chịu cắt lìa khỏi thân, và đi khệnh khạng như những quái vật gớm ghiếc – một ngón tay, một cái cổ, một cái dạ dày, một khủy tay, nhưng không bao giờ một con người.

Như vậy Con Người biến thành một vật, thành nhiều vật. Người điền chủ, vốn là Con Người được gửi đến cánh đồng để lượm thức ăn, ít khi được cổ võ bởi một ý tưởng nào có giá trị đích thực của mục sư của anh ta. Anh ta nhìn thấy cái giạ và cỗ xe của mình, và không thấy gì hơn, và suy thoái thành một nông phu, chứ không phải Con Người trên nông trại. Nhà buôn chắc chắn không khi nào mang lại một giá trị lí tưởng cho công việc của anh ta, nhưng bị giày vò bởi những thói thưởng của nghề nghiệp, và linh hồn thì khuất phục đồng tiền. Thầ̀y tu biến thành một nghi lễ, luật sư thành quyển sách luật, kĩ sư thành cỗ máy, thủy thủ thành sợi dây chão thuyền.

Trong sự phân bố chức năng này, học giả được giao trí tuệ. Trong trạng thái đúng, anh ta là Người Suy Tư. Trong trạng thái thoái hóa, là nạn nhân của xã hội, anh ta có xu hướng trở thành chỉ là người suy nghĩ, hay tệ hơn, là con vẹt của những tư duy của người khác.

Trong cái nhìn về anh ta như Người Suy Tư có chứa lí thuyết về cương vị của anh ta. Với tất cả sự điềm tĩnh và tất cả lời khuyên bảo của mình, thiên nhiên thu hút anh, khắc họa anh; quá khứ dạy dỗ anh, tương lai mời mọc anh. Tất nhiên không phải mọi người đều là sinh viên, và không phải mọi việc xảy ra đều có lợi cho sinh viên. Và cuối cùng, phải chăng người học giả chân chính là người thầy chân chính duy nhất? Nhưng lời sấm ngày xưa nói: “Mọi vật đều có hai mặt, hãy cẩn thận với mặt xấu.” Trong cuộc sống, học giả quá thường xuyên phạm lỗi với loài người và bị tước mất đặc quyền của mình. Chúng ta hãy xem anh ta trong trường học của anh ta, và xét anh ta trong sự đối chiếu với những ảnh hưởng chính mà anh ta thu nhận.

Ảnh hưởng đầu tiên về thời gian và trước hết về tầm quan trọng đối với trí óc, là ảnh hưởng của thiên nhiên. Hằng ngày, mặt trời, và sau khi mặt trời lặn, là bóng đêm và các vì sao. Gió thổi hoài hoài, và cây cỏ lớn lên liên tục. Từng ngày, đàn ông và đàn bà, chuyện trò, nhìn và bị nhìn. Trong mọi người, học giả là người gắn bó nhất với quang cảnh này. Anh ta phải định được giá trị của nó trong tâm trí mình. Thiên nhiên, với anh là cái gì? Không bao giờ có một khởi đầu, không bao giờ có một kết thúc cho tính liên tục không thể giải thích của cái mạng lưới này của Thượng Đế, nhưng là năng lực tuần hoàn luôn luôn trở lại bản thân nó. Tại nơi nó giống với linh hồn của chính anh, điểm khởi đầu, điểm kết thúc của linh hồn ấy, anh không bao giờ tìm thấy – nó cũng nguyên vẹn như thế, vô biên như thế. Những ánh huy hoàng chói lọi của nàng [tức thiên nhiên – HT], cũng toả đi rất xa, hệ thống này trên hệ thống khác, bắn ra thành những tia, lên, xuống, không có tâm, không có chu vi – bằng khối và bằng hạt, thiên nhiên hối hả bố trí hình dung cảnh tượng của nàng trong tâm trí. Sự phân loại bắt đầu. Đối với những trí óc non trẻ, mọi thứ là cá biệt, tự đứng riêng ra. Dần dần, tâm trí tìm thấy cách kết nối hai vật với nhau, và thấy trong chúng một bản chất, rồi ba, rồi ba nghìn, và như thế, bị áp chế bởi bản năng thống nhất của chính nó, nó tiếp tục kết nối các vật với nhau, giảm đi những dị thường, khám phả ra những rễ chạy ngầm bên dưới, nhờ đó các vật trái ngược nhau và xa nhau dính lại với nhau, và ra hoa từ cùng một cội. Liền ngay đó nó biết rằng, ngay từ buổi rạng đông của lịch sử, đã thường xuyên có sự tích lũy và phân loại các sự kiện. Nhưng phân loại là gì nếu không phải là nhận thức rằng những đối tượng này không phải là hỗn độn và không phải xa lạ, mà có một quy luật cũng đồng thời là quy luật của trí óc con người? Nhà thiên văn học khám phá ra rằng môn hình học, thuần túy trừu tượng của trí óc con người, là phép đo chuyển động của các hành tinh. Nhà hóa học tìm ra những sự cân xứng và những phương pháp dễ hiểu trong toàn bộ vật chất, và khoa học không là gì khác ngoài việc khám phá ra sự tương tự, đồng nhất trong những sự vật xa nhau nhất. Linh hồn đầy tham vọng ngồi xuống trước mỗi sự kiện bướng bỉnh, hết cái này đến cái khác, quy giảm tất cả những thể trạng xa lạ, những năng lượng mới, xuống đến loại và quy luật của chúng, và tiếp tục mãi mãi làm sống động cơ cấu cuối cùng của tổ chức, vùng ngoại vi của thiên nhiên, bằng nhìn thấu.

Như vậy đối với anh, với cậu học sinh dưới mái vòm của ngày, có gợi ý rằng anh và nó cùng xuất phát từ một gốc rễ; một là lá và một là hoa; mối quan hệ, đồng cảm, rung lên trong mọi mạch đập. Và cái Rễ ấy là cái gì? Đó có phải là linh hồn của linh hồn anh ta không? – Một ý tưởng quá táo bạo? – một ước mơ quá hoang dã. Tuy nhiên khi cái ánh sáng tâm linh đã phát giác ra quy luật của những bản chất trần thế hơn – khi anh ta đã học cách tôn thờ linh hồn ấy, và thấy rằng triết lý tự nhiên bây giờ chỉ là những dò dẫm đầu tiên của bàn tay khổng lồ của nó, anh ta sẽ nhìn ra phía trước hướng tới một tri thức mở rộng hơn như tới một đấng hóa công đang trở thành. Anh ta sẽ thấy rằng thiên nhiên là mặt đối lập của linh hồn, từng phần từng phần một ứng đối với nhau. Một phong kín, một in ra. Vẻ đẹp của nó là vẻ đẹp của tâm trí anh. Những quy luật của nó là những quy luật của tâm trí anh. Phần lớn thiên nhiên anh chưa từng biết đến, phần lớn tâm trí anh anh chưa từng sở hữu. Và, tóm lại, lời giáo huấn cổ xưa “Hãy tự biết mình”[4] và lời giáo huấn hiện đại “Hãy nghiên cứu thiên nhiên” cuối cùng trở thành cùng một câu ngạn ngữ.

II

Ảnh hưởng lớn tiếp theo đến tinh thần của học giả là trí tuệ của Quá khứ – dưới bất kì hình thức nào, dù là văn chương, nghệ thuật, thiết chế, mà trí tuệ in dấu. Sách là kiểu ảnh hưởng tốt nhất của quá khứ, và có lẽ chỉ bằng cách xem xét những giá trị của riêng nó, chúng ta đã có thể tiếp cận chân lí.

Lí thuyết của những cuốn sách thật là cao quý. Học giả của thời đại đầu tiên tiếp nhận vào mình thế giới xung quanh, nghiền ngẫm nó, đưa nó vào việc sắp xếp làm mới lại đầu óc mình, và anh lại phát biểu về nó. Đi vào anh là cuộc sống, ra khỏi anh là sự thật. Đi vào anh, những hành động có đời sống ngắn ngủi, ra khỏi anh, những tư tưởng bất hủ trường tồn. Đi vào anh, công việc, ra khỏi anh, thơ ca. Nó từng là sự kiện chết; nay, nó là tư duy sống động. Nó có thể đứng lại, mà cũng có thể ra đi. Lúc nó cam chịu, lúc nó bay lên, lúc nó truyền phấn hứng. Hoàn toàn tương ứng với chiều sâu của trí tuệ mà nó phát ra, nó bay lên cao vút, nó ca hát vang xa…

Hoặc, tôi có thể nói, tùy thuộc quá trình này đi xa đến đâu, trong việc chuyển cuộc sống thành chân lý. Tương ứng với độ hoàn hảo của quá trình chưng cất sẽ là độ tinh khiết và bất hủ của sản phẩm. Nhưng không có gì là hoàn hảo. Và không có chiếc bơm không khí nào bằng bất cứ cách gì có thể tạo ra độ chân không hoàn toàn, nên cũng không có bất kì nghệ sĩ nào có thể hoàn toàn loại trừ hết sự tầm thường, tỉnh lẻ, dễ hư nát khỏi sách của mình, hoặc viết một cuốn sách có tư tưởng thuần khiết, sẽ có hiệu quả trong mọi khía cạnh cho một thời đại xa xăm, như cho những người đương thời, hay đúng hơn cho thời đại đến sau. Người ta thấy rằng mỗi thời đại phải viết ra quyển sách của nó, hay đúng hơn mỗi thế hệ cho thế hệ kế tiếp. Những quyển sách của một thời kì cũ hơn sẽ không thích hợp với yêu cầu này.

Tuy nhiên như vậy sẽ nảy ra một nhầm lẫn nghiêm trọng. Tính thiêng liêng gắn với hành động sáng tạo – hành động tư duy – biến thành ghi chép. Nhà thơ ngâm nga, và cảm thấy mình thật siêu phàm, bởi thế, khúc ngâm cũng siêu phàm. Nhà văn có tinh thần công bằng và sáng suốt, bởi thế chắc chắn rằng cuốn sách là hoàn hảo, vì tình yêu của nhân vật chính suy thoái thành sự tôn thờ pho tượng của ông ta. Ngay lập tức, cuốn sách trở thành độc hại: người dẫn đường là bạo chúa. Trí óc lờ đờ và đồi bại của đám đông chậm chạp mở ra cho Lý trí tràn vào, có lúc đã từng rất cởi mở, có lúc đã từng chấp nhận cuốn sách này, bây giờ dừng lại trước nó và la hét lên nếu nó bị gièm pha, miệt thị. Các trường đại học được xây trên đó. Những cuốn sách được viết trên đó bởi những người suy nghĩ, không phải bởi Người Suy Tư, bởi những con người tài năng, tức là, những người bắt đầu bằng sai lầm, bắt đầu bằng cách chấp nhận những giáo điều, không phải từ cái nhìn có nguyên tắc của chính mình. Những người trẻ tuổi hiền lành lớn lên trong những thư viện, tin rằng họ có bổn phận phải chấp nhận những quan điểm của Cicero, của Locke, của Bacon, đã quên rằng Cicero, Locke, Bacon cũng chỉ là những chàng trai hiền lành trong thư viện khi họ viết những sách này.

Do đó, thay vì những Người Suy Tư, chúng ta có những con mọt sách. Như vậy, những lớp học-sách, những quyển sách có giá trị của chúng, không liên hệ với thiên nhiên và thể tạng của con người, mà làm thành một loại Đẳng Cấp Thứ Ba đối với thế giới và linh hồn. Những người khôi phục lại việc đọc sách, những người sửa lỗi sách, những người mê sách ở mọi mức độ là như vậy.

Sách là vật tốt nhất trong mọi vật khi được sử dụng tốt; khi bị lạm dụng, nó là một trong những vật xấu nhất. Sử dụng đúng là như thế nào? Một mục đích mà mọi phương tiện tác động đến là gì? Chúng không có tác dụng gì khác ngoài gây cảm hứng. Tôi thà không bao giờ đọc một cuốn sách còn hơn bị sức hấp dẫn của nó làm méo mó đến mất cả quỹ đạo của riêng mình, và biến thành một vệ tinh thay vì một hệ thống. Một vật trong thế giới, có giá trị, là một linh hồn tích cực hoạt động. Linh hồn ấy, mỗi người đều có, mỗi người đều chứa bên trong mình, mặc dù, trong hầu hết mọi người, nó bị tắc nghẽn như chưa được sinh ra. Linh hồn tích cực nhìn thấy sự thật tuyệt đối, và nói lên sự thật, hoặc sáng tạo. Trong hành động này, nó là thiên tài, không phải là đặc quyền của một người được ưa chuộng đó đây, mà là đẳng cấp lành mạnh của mọi người. Về thực chất, nó là tiến bộ. Quyển sách, trường đại học, trường phái nghệ thuật, mọi kiểu tô chức, đều dừng lại với một lời phát biểu quá khứ của thiên tài. Ý tưởng này quá hay – chúng nói – hãy để chúng tôi giữ nó. Như thế, chúng bó buộc tôi. Chúng nhìn lại phía sau chứ không ra phía trước. Nhưng thiên tài nhìn ra phía trước, những con mắt của con người được đặt trên trán chứ không trên gáy: con người cứ hi vọng, còn thiên tài thì sáng tạo. Dù tài năng có thể là gi, nếu con người không sáng tạo thì dòng chảy tràn thuần khiết của Thượng đế không phải của nó, có thể có tro than hay khói nhưng chưa có ngọn lửa. Có những phương cách sáng tạo, có những hành động sáng tạo và lời lẽ sáng tạo; những phương cách, hành động, lời lẽ không phải là dấu chỉ của phong tục hay quyền uy, mà bật ra một cách thanh thoát từ cảm giác về thiện lương và công bằng của trí tuệ.

Ở phía khác, thay vì là nhà tiên tri của chính mình, hãy đề nó nhận chân lí của nó từ trí tuệ của người khác, mặc dù nó trong những luồng ánh sáng, không có lúc nào cô đơn, điều tra, tự phục hồi, và không hề bị hại. Thiên tài luôn luôn là kẻ thù thích đáng của thiên tài vì ảnh hưởng quá lớn. Nền văn chương của mọi dân tộc làm chứng cho tôi điều này. Các nhà thơ-kịch nước Anh đã Shakespeare-hóa hai trăm năm nay rồi.

Chắc chắn có một cách đọc đúng, nên nó được theo một cách nghiêm ngặt, Người Suy Tư không được khuất phục những công cụ của mình. Sách là dành cho những thời giờ nhàn rỗi của học giả. Khi anh ta đã có thể đọc trực tiếp từ Thượng đế, thì thời giờ của anh ta sẽ quí báu đến mức không thể phung phí cho việc ghi lại những gì đọc được của người khác. Nhưng khi những khoảng tối kéo đến – như chúng phải đến – khi mặt trời bị che khuất và những ngôi sao ngừng chiếu sáng, chúng ta chuyển sang đèn dầu và những tia sáng của nó lại tiếp tục dẫn đường cho chúng ta sang phương Đông, nơi có rạng đông. Chúng ta nghe, rằng chúng ta có thể nói. Một câu ngạn ngữ A Rập “Một cây vả, ngắm nhìn một cây vả, sẽ ra trái sum suê.”

Thật phi thường, cái tính cách vui thú mà chúng ta thâu lượm được từ những quyển sách hay nhất. Chúng cho ta cái ấn tượng đầy thuyết phục rằng người viết và người đọc có cùng bản chất. Chúng ta đọc những vần thơ của một trong những nhà thơ lớn nước Anh, của Chaucer, của Marvel, của Dryden, với niềm vui hiện đại nhất – tôi muốn nói, với niềm thích thú vượt thời gian mà những vần thơ của họ tạo ra. Có một chút kinh sợ xen lẫn với niềm vui của ngạc nnhiên, khi nhà thơ này, người sống với một thế giới đã qua cách đây hai hay ba trăm năm, nói những điều gần gũi với tâm hồn tôi, những điều mà tôi cũng đã gần nghĩ và nói đến. Nhưng với tính hiển nhiên nhờ đó ta tiếp cận được học thuyết triết học về bản sắc của mọi trí tuệ, chúng ta có thể hình dung [trong những vần thơ ấy] đã có một sự hài hòa được xác lập từ trước, với những linh hồn sẽ gặp sau này, một sự chuẩn bị để cất trữ phòng thiếu thốn trong tương lai, như ta quan sát thấy ở loài côn trùng, chúng để lại thức ăn cho những ấu trùng mà chúng sẽ không bao giờ thấy.

Tôi sẽ không vì tình yêu hệ thống, vì sự cường điệu của bản năng mà vội vã đánh giá thấp Sách. Tất cả chúng ta đều biết rằng cơ thể con người có thể được nuôi dưỡng bằng bất kì loại thức ăn nào, dù là cỏ nấu hay nước luộc giày, nên trí tuệ con người cũng có thể được nuôi bằng bất kì loại tri thức nào. Những con người vĩ đại và anh hùng đã từng tồn tại, họ hầu như không có thông tin nào từ sách in. Tôi chỉ muốn nói rằng cần một cái đầu thật mạnh để chịu được lối ăn kiêng ấy. Để đọc tốt người ta phải có cái đầu của một nhà phát minh. Ngạn ngữ nói “Ai đã mang về nhà của cải của Ấn Độ, phải sống giàu có như người Ấn Độ.” Do đó có cách đọc sáng tạo cũng như cách viết sáng tạo. Khi trí tuệ được kết nối bởi lao động cật lực và óc sạng tạo, thì bất kì trang sách nào chúng ta đọc cũng bừng sáng lên bởi những ngụ ý nhiều vẻ. Mỗi câu đều có nghĩa kép, và ý nghĩa của tác giả của chúng ta rộng lớn như thế giới. Chúng ta sẽ thấy điều này luôn luôn đúng: giữa những ngày những tháng nặng nề giờ phút tưởng tượng của nhà tiên tri ngắn ngủi và hiếm hoi, phần được ghi lại của nó cũng thế, có lẽ là phần ít nhất trong toàn bộ tưởng tượng của ông ấy. Người sáng suốt đọc trong Plato hoặc Shakespeare phần ít nhất ấy – chỉ lời phát ngôn đích thực của nhà thông thái – tất cả những phần còn lại anh ta vứt đi, cho dù, trong nhiều trường hợp, có thể cả của Plato hay Shakespeare nữa.

Tất nhiên có một nhiệm vụ đọc vô cùng quan trọng không thể thiếu được với một người thông minh. Anh ta phải thật cần cù chịu khó học lịch sử và khoa học chính xác. Tương tự, sự giúp đỡ của các trường đại học là không thể thiếu được – trong việc dạy các môn cơ bản. Nhưng chúng chỉ có thể phục vụ chúng ta tốt nhất khi chúng không nhằm vào luyện tập, mà nhằm sáng tạo, khi chúng thu gom từ xa mọi tia sáng của các thiên tài vào những sảnh đường hiếu khách của chúng, và bằng cách tập trung những đốm lửa, làm bùng cháy những ngọn lửa trong tim giới trẻ. Tư duy và tri thức là những bản chất mà trong chúng máy móc và kì vọng chẳng có ích gì. Những chức giáo sư, những quỹ tiền tệ, cho dù của những thành phố cực kì giàu có, không bao giờ bù lại được cho một tri thức kém cỏi. Các trường đại học Mỹ của chúng ta nếu quên đi điều này sẽ đi thụt lùi về tầm quan trọng công cộng, cho dù chúng vẫn mỗi năm một giàu hơn.

III. Trong xã hội có một quan niệm rằng học giả phải là một kẻ sống ẩn dật, thân thể ốm yếu không thích hợp với lao động chân tay hay lao động công ích, như con dao díp không thích hợp với nhiệm vụ của một cái rìu. Những kẻ gọi là “thực tế” cười khinh bỉ những người lý thuyết suông, như thể vì họ chỉ nghiên cứu và quan sát, thì họ không làm được cái gì cả. Tôi nghe người ta nói giới tăng lữ – thời nay là được coi một cách phổ biến là những học giả hơn bất cứ tầng lớp nào khác – được tiếp chuyện như nói với phụ nữ, rằng họ không nghe những câu chuyện suồng sã của đàn ông, mà chỉ thich nghe những lời màu mè nhạt nhẽo. Họ thật sự bị mất quyền công dân và dĩ nhiên họ được ủng hộ sống độc thân. Dù điều này là đúng với những tầng lớp chuyên cần học hỏi, nó không công bằng và không thông minh. Đối với học giả, hành động là phụ, nhưng nó là cần thiết. Không có nó, bạn chưa thành người. Không có nó, tư tưởng không thể chín thành chân lí. Trong khi thế giới lơ lửng trước mắt bạn như một đám mây đẹp, chúng ta không thể nhìn thấy cái đẹp của nó. Không hành động là hèn nhát, nhưng không thể có học giả mà thiếu trí óc quả cảm. Hành động là lời mở đầu của tư duy, là sự chuyển tiếp mà qua đó nó chuyển từ vô thức sang ý thức. Tôi chỉ biết nhiều nếu tôi sống nhiều. Ngay lập tức chúng ta hiểu, lời của ai thì chất nặng sự sống, ai thì không.

Thế giới, cái bóng của linh hồn ấy, hay một tôi khác, trải rộng xung quanh. Sức hấp dẫn của nó là chìa khóa để mở ra những suy nghĩ của tôi và để tôi làm quen với chính tôi. Tôi hăm hở lao vào chốn ồn ào náo động này. Tôi nắm những bàn tay của những người đứng cạnh tôi, và nhận lấy chỗ của mình trong nhóm ấy để chịu đựng và để làm việc, được dạy dỗ bởi bản năng, rằng cái vực thẳm câm lặng kia sẽ lên tiếng. Tôi chọc thủng trật tự của nó, tôi xua tan những nỗi sợ của nó; tôi quyết định về nó bên trong cái vòng kín của cuộc sống đang rộng mở của tôi – chỉ trong chừng mực tôi hiểu biết về cuộc sống qua kinh nghiệm, trong chừng mực tính hoang dã mà tôi chế ngự, và trong tầm vươn xa của bản ngã và quyền năng của tôi. Tôi không thấy bất kì ai có thể làm thế nào trốn được bất kì hành động nào mà hắn có thể tham dự, chỉ để chợp mắt và cho thần kinh nghỉ ngơi. Nó là trân châu bảo ngọc đối với diễn ngôn của hắn. Làm lụng cực nhọc, tai ương, uất ức, thiếu thốn, là những ông thày tốt cho tài hùng biện và sự khôn ngoan. Nhà học giả chân chính bực bội nhìn mọi cơ hội hành động trôi qua, như một thất bại của năng lực.

Đó là nguyên liệu để trí tuệ đúc nên sản phẩm tuyệt diệu của nó. Đó cũng là một quá trình kì lạ, qua đó kinh nghiệm biến thành tư tưởng như một lá dâu biến thành tơ. Cuộc chế tạo tiến lên liên tục.

Những hành động và những sự kiện trong thời thơ ấu và thời thanh niên của chúng ta, bây giờ là đối tượng quan sát thầm lặng nhất. Chúng nằm như những bức tranh đẹp trong không khí. Những hành động gần đây của chúng ta – với những công việc chúng ta đang làm – thì không phải như vậy. Chúng ta hoàn toàn không thể suy đoán gì về nó. Những tình cảm của chúng ta cho đến nay vẫn lưu thông qua nó. Chúng ta không còn biết hoặc cảm thấy nó, như chúng ta cảm thấy chân, hay tay, hay bộ óc của thân thể chúng ta. Tuy nhiên hành động mới vẫn là một bộ phận của cuộc sống – vẫn còn lại trong một thời gian, chìm trong đời sống vô thức của chúng ta. Trong những giờ phút trầm tư, nó tách mình ra khỏi đời sống giống như một quả chín, trở thành tư tưởng của trí óc. Ngay khi nó lớn lên, biến hình, cái dễ hư hỏng đã khoác vẻ liêm chính. Từ nay nó trở thành đối tượng của cái đẹp, cho dù nguồn gốc và hàng xóm láng giềng của nó thấp kém như thế nào. Cũng nên nhận thấy việc đề ngày tháng của hành động này luì về trước là không thể. Trong trạng thái ấu trùng, nó không thể bay, không thể toả sáng, nó là một con ấu trùng vô tri giác. Nhưng bỗng nhiên, không ai nhận thấy, vật giống y như nó giương ra đôi cánh đẹp và là một thiên thần thông thái. Vậy không có sự kiện nào, trong câu chuyện riêng của chúng ta, sớm hay muộn, sẽ mất hình thức dính bám, trơ lì của nó và làm chúng ta ngạc nhiên bằng cách bay vụt lên khỏi thân thể chúng ta, tới thiên cung. Cái nôi và trẻ sơ sinh, trường học và sân chơi, và nỗi sợ bọn con trai, sợ chó, sợ thước kẻ của thầy, tình yêu đối với những bé gái, những quả mọng, và nhiều sự kiện khác đã có lúc lấp đầy cả bầu trời, đã biến đi hết; bạn bè và người thân, nghề nghiệp và tiệc tùng, thành phố và nông thôn, dân tộc và thế giới, cũng phải bay lên và ca hát.

Tất nhiên người nào dùng hết sức mạnh trong hành động phù hợp, thì có được sự đền đáp phong phú nhất của sự khôn ngoan. Tôi sẽ không ngăn cấm mình khỏi lĩnh vực hoạt động này, và ghép một cành sồi vào lọ hoa, Khao khát thiết tha, không tin vào lợi tức của một khả năng đơn chiếc nào, và làm cạn kiệt mạch nguồn suy nghĩ của bản thân, rất giống với những người Savoyard (cư dân của Savoy) kiếm sống bằng cách làm bản khắc trên gỗ thông những hình người chăn cừu, nam và nữ, những hình người Hà Lan hút thuốc, đem bán cho cả châu Âu, một hôm ra núi để kiếm vật liệu, thì mới phát hiện ra rằng họ đã đẽo hết đến cây thông cuối cùng. Những tác giả mà chúng ta có, đã viết cạn nguồn cảm hứng của họ, di chuyển bằng tính thận trọng đáng ca ngợi, dong thuyền đến Hi Lạp và Palestine, theo người đánh bẫy đi vào đồng cỏ, hoặc ngao du quanh Algerie để làm đầy kho dự trữ có thể bán được của họ.

Nếu chỉ vì một từ vựng, học giả có thể thèm muốn hành động. Cuộc sống là một cuốn từ điển. Năm tháng được tiêu trong lao động ở nông thôn; ở thành thị – trong việc thấu hiểu thương mại và công nghiệp, trong giao dịch ngay thẳng với đàn ông và đàn bà; trong khoa học; trong nghệ thuật; nhằm đến mục tiêu trong mọi hoạt động của họ nắm vững một ngôn ngữ, nhờ đó minh họa và thể hiện những nhận thức của chúng ta. Tôi hiểu ngay lập tức người nói chuyện với tôi anh ta đã sống nhiều đến đâu, qua lời lẽ nghèo nàn hay phong phú của anh ta. Cuộc sống nằm đằng sau chúng ta như mỏ đá mà từ đó chúng ta lấy đá xây tường và lợp nhà cho công trình của hôm nay. Đó là cách để học ngữ pháp. Trường đại học và sách chỉ sao chép ngôn ngữ mà cánh đồng và xưởng thợ làm ra.

Nhưng giá trị cuối cùng của hành động, cũng như của sách, và hơn cả sách, là: nó là một nguồn tài nguyên. Nguyên tắc lớn của dao động sóng trong tự nhiên, tự thể hiện mình trong hít vào – thở ra của hô hấp, trong khao khát và no chán, trong triều xuống và triều lên của biển; trong ngày và đêm; trong nóng và lạnh, và, cho đến nay ăn sâu vào mọi nguyên tử và mọi chất lỏng, được chúng ta biết đến dưới tên Polarity (tính phân cực), những cái này là “những đợt truyền và phản xạ dễ dàng” như Newton gọi chúng, là quy luật của thiên nhiên bởi vì chúng là quy luật của tinh thần.

Trí óc lúc suy nghĩ lúc hành động, và mỗi đợt tái tạo đợt kia. Khi nghệ sĩ đã dùng hết chất liệu của mình, khi trí tưởng tượng không vẽ nữa khi những tư tưởng không còn hiểu được nữa, khi những quyển sách đọc chán ngắt, ông ta luôn luôn có nguồn để sống. Tính cách cao hơn trí năng. Tư duy là một chức năng. Sống là hoạt động chức năng. Dòng chảy rút lui về nguồn của nó. Một tâm hồn lớn sẽ là mạnh để sống cũng như mạnh để suy nghĩ. Vậy ông ấy có thiếu cơ quan hay phương tiện trung gian để truyền đạt những chân lý của mình không? Ông ấy vẫn có thể dùng đến sức mạnh cơ bản để sống những chân lý ấy. Đây là một hành động tổng thể. Suy nghĩ là một hành động bộ phận. Hãy để cho cái vĩ đại của sự công bằng tỏa sáng trong những công việc của ông. Hãy để cho cái đẹp của tình thương yêu mang lại niềm vui cho mái ấm khiêm nhường của ông. Những người “chẳng có tiếng tăm gì” cùng sống và hành động với ông sẽ cảm thấy sức mạnh của thể chất ông trong những việc làm và sự trôi qua của ngày tốt hơn nó có thể được đo lường bằng bất cứ sự phô bày công khai và có tính toán nào. Thời gian sẽ dạy ông, rằng nhà học giả không mất đi những giờ mà con người sống. Ở đây, ông phô ra hạt mầm thiêng liêng của bản năng được che chắn khỏi ảnh hưởng. Những thứ mất đi trong tính tề chỉnh thì đạt được trong sức mạnh. Người khổng lồ giúp phá đi cái cũ và xây nên cái mới không đến từ những người mà các hệ thống giáo dục đã rút kiệt văn hóa của họ, mà từ bản chất hoang dã không được khích lệ, từ những Druid và Berserkir cuối cùng đã xuất hiện Alfred và Shakespeare[5].

Do đó tôi vui sướng nghe bất kì cái gì đang bắt đầu để được nói về chân giá trị và sự cần thiết của lao động đối với mọi công dân. Trong cái cuốc cái mai vẫn có công dụng đối với những bàn tay có học và không có học.

Và lao động được hoan nghênh ở khắp nơi, chúng ta luôn được mời làm việc, chỉ có điều hạn chế này mà ta thấy, là một người không vì để hoạt động rộng hơn mà hi sinh bất kì ý kiến nào cho những phán xét và những cách thức hành động của công chúng.

Tôi đã nói về giáo dục của học giả bằng thiên nhiên, bằng sách và bằng hành động. Vẫn còn mấy điều cần nói về bổn phận của anh ta.

Họ đã trở thành Người Suy Tư. Tất cả họ vốn có lòng tự tin. Sự giúp đỡ của học giả là cổ vũ, gây dựng và hướng dẫn mọi người bằng cách chỉ ra cho họ những sự thật giữa những cái vỏ bề ngoài. Họ ra sức làm cái nhiệm vụ buồn tẻ, không vinh quang và không được trả công, là quan sát. Flamsteed và Herchels[6] trong những đài quan sát lắp kính của các ông có thể lập danh mục các vì sao được mọi người ca tụng và kết quả thật huy hoàng và hữu ích, vinh quang là chắc chắn. Còn anh, trong đài quan sát riêng của anh, đã lập danh mục những ngôi sao tối và những đám tinh vân của trí óc con người, mà cho đến nay chưa có ai nghĩ đến – quan sát nhiều ngày nhiều tháng và đôi khi, vì một vài sự kiện, vẫn còn phải sửa chữa những ghi chép cũ của anh – phải từ bỏ phô trương và sự nổi tiếng tức thời. Trong thời kì chuẩn bị khá dài, anh thường phải để lộ ra sự dốt nát, vụng về, cứng nhắc trong các nghệ thuật quần chúng, chịu sự khinh thường của những kẻ có tài muốn hất anh ra. Anh sẽ phải nói lắp trong các bài nói chuyện của mình. Tệ hơn, anh thường phải chấp nhận nghèo và cô đơn. Thay vì dễ dàng và vui thích bước trên con đường cũ, chấp nhận những lề thói, nền giáo dục và tôn giáo của xã hội; anh gánh lấy bổn phận tự mình làm lấy, tất nhiên, tự lên án, trái tim yếu ớt, sự thường xuyên không chắc chắn, và mất thời gian, vốn là những trở ngại trên con đường tự lực và tự chủ; và trạng thái chiến tranh thực sự trong đó anh đứng về phiá xã hội, đặc biệt là xã hội có học thức. Cái gì đền bù cho tất cả những mất mát này, những khinh bỉ này? Anh sẽ đi tìm an ủi trong thực hành những chức năng cao nhất của bản chất con người. Anh là một người đã nâng mình lên từ những lí do riêng tư, và thở và sống trên những tư tưởng công cộng và nổi tiếng. Anh là con mắt của thế giới. Anh là trái tim của thế giới. Anh sẽ chống lại sự giàu có tầm thường nó thoái hóa về tình trạng dã man, bằng cách gìn giữ và truyển đạt những tình cảm cao thượng, những tiểu sử cao quí, những vần thơ du dương, và sự kết thúc của lịch sử. Dù lời tiên tri nào trái tim con người, đã thốt lên trong mọi lúc khẩn cấp, trong mọi giờ long trọng, như một lời bình luận của nó về thế giới hành động, anh sẽ nhận và truyền đi. Và dù lời kết án mới nào tuyên đọc từ ghế ngồi bất khả xâm phạm của Lí trí, lên những người đi qua và những sự kiện của ngày hôm nay, anh sẽ nghe và truyền bá.

Đấy là những chức năng của anh, nó khiến anh cảm thấy hoàn toàn tự tin vào bản thân mình, và không bao giờ chiều theo ý muốn của công chúng. Anh và chỉ có anh là người hiểu thế giới. Thế giới trong bất kì khoảnh khắc nào đơn thuần là bề ngoài. Một số phép tắc luật lệ, một số điều mê tín vào chính phủ, một số nghề nghiệp phù du, hoặc chiến tranh, hoặc con người, được một nửa nhân loại ca ngợi, và nửa kia chê bai, như thể mọi thứ lệ thuộc vào sự ca ngợi hoặc chê bai này. Điều kì quặc nhất là toàn bộ vấn đề này không đáng để học giả phải mất công bỏ ra một suy nghĩ nhỏ nhất cho cuộc tranh cãi này. Đừng để anh ta từ bỏ niềm tin rằng một cây súng đồ chơi là một cây súng đồ chơi, mặc dù những người thời cổ và đáng tôn kính trên trái đất đã khẳng định rằng đó là ngày phán xử cuối cùng. Trong im lặng, trong sự vững vàng, trong trừu tượng nghiêm ngặt, hãy để anh ta tự đứng vững, quan sát tiếp theo quan sát, vẫn kiên trì khi bị bỏ mặc hay bị chê trách, đợi một thời cơ, thật hạnh phúc nếu anh có thể thấy thoải mái một mình, rằng hôm nay anh đã nhìn thấy điều gì đó một cách thật sự. Thành công trên mọi bước đi đúng đắn. Vì bản năng là chắc chắn, nó nhắc nhở anh nói với người anh em của anh anh đang nghĩ gì. Khi đó anh biết rằng trong lúc đi sâu vào bí mật của trí óc anh, anh đã đi vào bí mật của mọi trí óc. Anh biết rằng anh là người đã nắm được mọi quy luật trong những suy nghĩ riêng tư của anh, anh cũng nắm được trong phạm vi những người mà anh nói được ngôn ngữ của họ, hoặc những người mà tiếng nói của anh có thể được dịch sang tiếng của họ. Nhà thơ, hoàn toàn một mình nhớ những ý nghĩ bất chợt của anh ta và ghi chúng lại, rồi thấy rằng anh ta đã ghi chép những điều mà trong những thành phố đông đúc người ta cũng cho là đúng. Nhà hùng biện lúc đầu không tin vào sự phù hợp của những lời bộc bạch thẳng thắn của mình – do ít hiểu biết những người mà lời nói của anh ta đang hướng tới – cho đến khi anh ta cảm thấy mình hoàn toàn là phần bổ sung cho những khán thính giả của anh ta – thấy họ nuốt từng lời của anh vì anh đang thực hiện bản chất của họ; anh càng lặn sâu vào hiện diện riêng tư, bí mật của họ, thì càng ngạc nhiên thấy đây là sự thật dễ chấp nhận nhất, công khai nhất và phổ biến nhất. Mọi người vui thích trong đó; phần tốt hơn trong mỗi con người cảm thấy: đây chính là âm nhạc của tôi, đây chính là bàn thân tôi.

Trong sự tự tin bao gồm mọi đức tính. Học giả phải tự do – tự do và can đảm. Tự do ngay cả với định nghĩa về tự do[7], “không có bất kì cản trở nào không nảy sinh từ thể trạng của chính hắn”. Can đảm, vì sợ hãi là thứ mà học giả do chính chức năng của mình, phải vượt qua. Sợ hãi luôn luôn nảy sinh từ ngu dốt. Thật nhục nhã cho anh ta nếu sự yên ổn của anh ta, giữa những thời thế nguy hiểm, nảy sinh từ điểu giả dịnh rằng, cũng như đàn bà và trẻ con, anh ta thuộc tầng lớp được bảo vệ, hoặc nếu anh ta đi tìm sự yên bình tạm thời bằng cách lái tư tưởng của mình trệch khỏi các vấn đề chính trị và tranh cãi, rúc đầu vào trong bụi rậm như những con đà điểu, nhìn vào kính hiển vi, và chỉnh lại nhạc điệu như những cậu trai huýt sáo để giữ vững tinh thần. Làm như vậy nguy hiểm vẫn là nguy hiểm, nhưng nỗi sợ hãi càng tệ hại hơn. Tính cách đàn ông giúp anh quay sang đối mặt với nó. Anh hãy nhìn thẳng vào mặt nó và tìm hiểu bản chất của nó, điều tra nguồn gốc của nó – nhìn con sư tử non này – nó nằm không xa phía sau, khi đó anh sẽ thấy trong anh có sự hiểu biết hoàn hảo về bản chất và phạm vi của nó; từ nay trở đi anh có thể thách thức nó, và chuyển sang thế thượng phong. Thế giới bây giờ thuộc về anh, người có thể nhìn thấu những kì vọng của nó. Tật điếc lác nào, phong tục mù quáng nào, sai lầm lớn quá nhanh mà anh nhìn thấy, có đó là do sự mặc nhiên dung thứ của anh. Nhìn nó như sự dối trá, là anh đã phang cho nó một đòn chí tử.

Vâng, chúng ta sợ hãi, chúng ta không đáng tin. Cái quan niệm rằng chúng ta đã đến với thiên nhiên quá muộn, rằng thế giới đã kết thúc từ lâu, là một quan niệm tai hại. Vì thế giới là dẻo và lỏng trong tay Thượng đế, nên chúng ta gán cho nó quá nhiều thuộc tính của Người. Đối với ngu dốt và tội lỗi, nó là viên đá lửa. Chúng thích nghi với nó khi có thể, nhưng trong một tầm vóc như một người mang trong lòng một điều thiêng liêng, bầu trời bay qua trước anh ta và mang dấu hiệu và hình dáng của anh ta. Anh ta không phải là con người vĩ đại đến mức làm thay đổi được vật chất, nhưng là người có thể làm thay đổi trạng thái tâm trí của tôi. Họ là những ông vua của thế giới, những người mang màu sắc của những ý nghĩ hiện thời của họ đến cho toàn bộ thiên nhiên và toàn bộ nghệ thuật, và thuyết phục mọi người bằng cái vui vẻ thanh thản của việc họ xử lý vấn đề, rằng việc mà họ làm này, là trái táo mà các thời đại đã muốn giật, nay cuối cùng đã chín, và mời mọc các dân tộc đến hái. Con người vĩ đại làm những việc vĩ đại. “Chỗ nào Macdonald ngồi, chỗ ấy có nhân vật kiệt xuất[8]”. Linnaeus[9] làm cho thực vật học trở thành môn học hấp dẫn nhất, và giành được nó từ tay những người nông dân và những bà lang thuốc. Davy[10], hóa học, Cuvier[11], hoá thạch. Thời cơ luôn luôn thuộc về những người làm việc một cách bình thản và những mục đích lớn. Những đánh giá về con người trong tâm trí đầy ắp chân lý, trồi sụt như những đợt sóng triều của Đại Tây Dương lên xuống theo chu kỳ mặt trăng.

Về lòng tự tin này, lí do sâu hơn có thể đo lường – tối hơn có thể soi sáng. Tôi khôn thể mang theo tình cảm của các thính giả của tôi khi nghe tôi tuyên bố về niềm tin của tôi. Nhưng tôi đã bộc lộ cơ sở niềm hi vọng của tôi, nhưng ám chỉ cái học thuyết chủ trương con người là Một. Tôi tin rằng con người đã sai, tự bản thân hắn đã sai. Hầu như hắn đã đánh mất cái ánh sáng có thể dẫn dắt hắn trở về với đặc quyền của hắn. Con người đã trở thành vô giá trị. Con người trong lịch sử, con người trong thế giới ngày nay là những sâu bọ, là đám trứng ếch nhái và được gọi là “quần chúng” là “bầy đàn.” Trong một thế kỉ, trong một thiên niên kỉ – chỉ có một hoặc hai người, ấy là nói, một hoặc hai đạt gần tới trạng thái chân chính của mọi con người. Tất cả đám còn lại thì nhìn thấy trong người anh hùng hay thi nhân chín chắn trưởng thành, cái con người non nớt và thô thiển của chính họ – vâng, và cam lòng chịu thấp kém hơn, sao cho sự thấp bé ấy vừa với tầm vóc của chính nó. Thật tuyệt vời, cái bằng chứng đầy oai phong và trắc ẩn, sinh ra theo yêu cầu của bản chất của chính hắn, bởi kẻ thành viên tội nghiệp của thị tộc, tay đảng viên tầm thường của băng đảng, hân hoan với vinh quang của lãnh tụ của hắn. Bọn thấp kém và tầm thường tìm thấy chỗ cải thiện cho năng lực đạo đức của chúng, cho sự phục tùng của chúng trong địa vị thấp bé về chính trị và xã hội. Chúng cam chịu bị quét đi như những con ruồi khỏi đường đi của một nhân vật lớn, để cho lẽ công bằng sẽ được nhân vật ấy thực hiện cho cái bản chất tầm thường ấy, mà niềm khao khát thiết tha nhất trong mọi khát khao, là thấy nó lớn lên và được ca ngợi. Chúng tắm trong cái ánh sáng của con người vĩ đại kia, cảm thấy nó là một yếu tố của chính bản thân chúng. Chúng tước bỏ cái phẩm giá con người khỏi bản ngã suy đồi của chúng, ném nó lên đôi vai của một anh hùng, và sẽ tàn lụi khi bổ sung thêm một giọt máu cho trái tim vĩ đại kia đập, cho cho những nguồn sinh lực khổng lồ chiến đấu và chiến thắng. Người (vĩ đại ấy) sống cho chúng ta, và chúng ta sống trong người.

Họ là những con người như vậy, kiếm tiền hoặc quyền một cách rất tự nhiên, và quyền lực, bởi vì nó cũng “ngon lành” như tiền bạc – cái gọi là “bổng lộc” làm hư hỏng quan chức. Và tại sao không? Họ khao khát cái cao nhất, và cái này, trong cơn mộng du của họ, họ mơ nó là cao nhất. Đánh thức họ, thì họ sẽ rời bỏ lợi ích sai trái đó, nhảy về chỗ đúng, và bỏ mặc chính phú lại cho những kẻ cạo giấy và những bàn giấy. Cuộc cách mạng này sẽ được thực hiện bằng cách từ từ làm cho ý tưởng Văn hóa[12] trở nên thân thuộc. Sự nghiệp táo bạo chính yếu của thế giới để đạt tới huy hoàng, kì vĩ là sự vươn dậy của con người. Đây là vật chất trải trên mặt đất. Đời sống riêng tư của một con người sẽ là một nền quân chủ lừng lẫy hơn – dữ dội hơn đối với kẻ thù của nó, ngọt ngào và yên ả hơn trong ảnh hưởng của nó với bạn bè, hơn bất kì một vương quốc nào trong lịch sử. Vì khi nhìn một cách đúng đắn, thì một con người bao hàm những bản chất riêng, cụ thể của mọi con người. Mỗi một triết gia, một thi sĩ, một diễn viên đã – giống như người được ủy nhiệm – chỉ làm cho tôi những gì mà một ngày nào đó tôi có thể làm cho bản thân mình. Những quyển sách mà có thời chúng ta quý hơn con ngươi của mắt mình, chúng ta đã đọc đến cạn kiệt. Điều đó chỉ nói lên rằng, chúng ta đã đến được quan điểm mà trí tuệ phổ quát giữ qua đôi mắt của một người-viết; chúng ta đã là người ấy, và chúng ta đi tiếp. Chúng ta hút cạn những nguồn nuôi dưỡng này, hết bể chứa bể này đến bể khác và nhờ thế, cứ từ từ lớn lên, nhưng chúng ta vẫn thèm muốn một đồ ăn ngon hơn và thừa thãi hơn. Con người chưa bao giờ sống ấy nuôi dưỡng chúng ta mãi mãi. Trí tuệ nhân loại không thể cất giữ trong một con người, vì người này sẽ đặt một thanh chắn lên bất kì phía nào của quốc gia không biên giới và không thể có biên giới này. Nó là một ngọn lửa trung tâm, bùng lên khi thì từ đôi môi của Etna[13], soi sáng mũi Sicily và khi thì từ cổ họng của Vesuvius[14], soi sáng những ngọn tháp và những vườn nho của Naples. Nó là ánh sáng chiếu ra từ một ngàn vì sao. Nó là linh hồn làm sống động mọi con người.

Nhưng có lẽ tôi đã quá chăm chú một cách chán ngắt vào khía cạnh trừu tượng này của học giả. Tôi không nên trì hoãn nữa để bổ sung những điều tôi cần phải nói, tham chiếu gần hơn đến thời gian này và đất nước này.

Về mặt lịch sử, có những tư duy khác biệt trong những tư tưởng chiếm ưu thế vượt trội trong những thời đại kế tiếp nhau, và có những dữ liệu đánh dấu thiên tài của thời Cổ điển, thời Lãng mạn, và bây giờ là của thời Suy tư, hay Triết học. Với những cái nhìn này tôi đã gợi ý về tính duy nhất hay đồng nhất của trí tuệ thông qua tất cả các cá nhân, tôi không chăm chú nhiều đến sự khác biệt này. Trong thực tế, tôi cho rằng mỗi cá nhân đều qua cả ba thời kì đó. Chàng thiếu niên là một người Hi Lạp, thanh niên là Lãng mạn, và người trưởng thành, Suy tư. Tuy nhiên tôi không phủ nhận rằng một cuộc cách mạng trong tư tưởng chủ đạo có thể được vạch ra một cách khá rõ ràng. Thời đại chúng ta bị than thở là thời đại hướng nội. Nhu cầu đó có nhất thiết là xấu không? Dường như chúng ta, những người có óc phê phán, chúng ta tha thiết với những tư tưởng thứ yếu, chúng ta không thể thích thú bất cứ cái gì vì khao khát hiểu biết mà niềm vui thích ấy bao gồm, chúng ta xếp hàng bằng mắt, chúng ta nhìn bằng chân: thời đại đã bị nhiễm nỗi đau khổ của Hamlet:

Một màu bệnh hoạn bao trùm, cả ý nghĩ cũng xanh xao nhợt nhạt

Hamlet, Màn III, cảnh i, I.85

Vậy tồi tệ đến thế sao? Cái nhìn là thứ cuối cùng được thương hại. Chúng ta có mù không? Chúng ta có sợ chúng ta nên nhìn nhiều hơn vào thiên nhiên và Thượng đế, và uống cạn sự thật. Tôi nhìn sự bất mãn của giới văn chương, vì chỉ tuyên bố về sự thật, mà họ thấy bản thân họ không trong trạng thái tinh thần của cha ông họ, và tiếc rằng trạng thái đang đến là chưa được thử thách, như một cậu trai sợ nước trước khi biết rằng cậu có thể bơi. Nếu có một thời nào mà người ta muốn sinh ra – thì đó không phải là thời Cách mạng; khi cái cũ và cái mới cùng tồn tại bên nhau, và chấp nhận để so sánh, khi mọi người đi tìm nghị lực bằng sợ hãi và bằng hi vọng, khi những vinh quang trong lịch sử của cái cũ có thể được bù lại bằng những khả năng giàu có của thời đại mới. Thời đại này, giống như mọi thời đại, là thời đại rất tốt, chỉ cần chúng ta biết làm gì với nó.

Một trrong những dấu hiệu này là cái sự kiện, là chính một phong trào ảnh hưởng đến sự đi lên của cái gọi là giai tầng thấp nhất trong nhà nước, lại mang trong văn chương một diện mạo rõ ràng và tốt lành đến thế. Thay vì cái cao cả và cái đẹp, thì cái gần gũi, cái thấp bé, cái tầm thường lại được khám phá và thi vị hóa. Điều đó đã bí phớt lờ và bị dẫm lên bởi những ai đóng yên cương và chuẩn bị đầy đủ, dự phòng cho bản thân trong cuộc du hành dài đến những đất nước xa xôi, và bỗng nhiên thấy mình giàu có hơn tất cả những kẻ ngoại quốc. Nền văn học của người nghèo, những tình cảm của trẻ con, triết học của đường phố, ý nghĩa của cuộc sống gia đình, là những đề tài của thời đại. Nó là một bước rất dài. Nó là một dấu hiệu. Phải chăng nó thuộc về một sức mạnh mới khi những biện pháp cực đoan được thực hiện, khi những luồng sinh lực nồng nhiệt được chảy vào những bản tay và những bàn chân? Tôi không đòi hỏi cái vĩ đại, cái xa xăm, cái lãng mạn, những việc đang được làm ở Italy hoặc Arabia, nghệ thuật Hi Lạp là gì, hoặc người hát rong Provence là ai. Tôi quý cái tầm thường, tôi khám phá và ngồi trên đôi bàn chân của cái thân thuộc, cái thấp bé. Cho tôi nhìn thấu vào hôm nay, và ta sẽ có những thế giới cổ đại và tương lai. Chúng ta thật sự hiểu biết ý nghĩa gì? Sữa mới vắt trong xô nhỏ; sữa trong bồn lớn, khúc ballad trên đường phố; tin tức của thuyền; cái liếc của mắt, hình dáng và điệu đi của cơ thể, hãy cho tôi biết lí do cơ bản của những vấn đề này, chỉ cho tôi hiện diện cao cả của căn nguyên tinh thần cao nhất đang ẩn nấp, như nó luôn luôn ẩn trong những vùng ngoại vi và thái cực của thiên nhiên; hãy cho tôi thấy mọi chuyện nhỏ mọn, vặt vãnh đầy dẫy những cái đối chọi nhau, đưa nó lên hàng một quy luật vĩnh cửu; chuyện làm ăn, cày bừa, sổ sách kế toán đều quy chiếu đến một nguyên nhân tương tự như nguyên nhân gây ra sóng ánh sáng và thi sĩ hát ca – và thế giới không còn là một đống hỗn độn mờ mịt và buồng chứa đồ tập tàng nữa, mà có hình dạng và có trật tự; không có chuyện nhỏ mọn; không có vấn đề bối rối khó xử, mà là một đồ án thống nhất và làm sống động đỉnh cao xa nhất và hào sâu nhất.

Tư tưởng này đã gợi hứng cho Goldsmith. Burns, Cowper, và trong thời đại gần hơn, Goeth, Wordworth và Carlyle. Họ đã theo tư tưởng này một cách khác và cõ những thành công khác nhau. Trái ngược với cách viết của họ, phong cách của Pope, của Johnson, của Gibbon, có vẻ lạnh lùng và mô phạm. Cách viết này đầy nhiệt huyết. Người ta ngạc nhiên thấy những sự vật gần gũi cũng không kém đẹp đẽ và kì diệu hơn những sự vật xa xăm. Cái gần giải thích cho cái xa. Giọt nước là biển cả thu nhỏ. Một con người liên hệ với toàn bộ giới tự nhiên. Cảm nhận này về giá trị của cái tầm thường sinh ta nhiều khám phá. Trong chính chuyện này, Goeth – người hiện đại nhất trong những người hiện đại – đã chỉ cho chúng ta thấy, thiên tài của những người cổ đại, mà chưa bao giờ có ai làm thế.

Có một thiên tài, đã làm nhiều cho triết học về đời sống – giá trị văn chương của ông vẫn chưa được đánh giá đúng. Tôi muốn nói Emanuel Swedenborg[15]. Là người có trí tưởng tượng cao nhất, nhưng viết với độ chính xác của một nhà toán học, ông đã cố gắng ghép một Đạo đức học triết học vào đạo Cơ đốc phổ biến trong thời đại của ông. Tất nhiên một cố gắng như thế nhất định phải gặp khó khăn, mà không một thiên tài nào có thể vượt qua. Nhưng ông thấy và trình bày mối liên hệ giữa thiên nhiên và những niểm trắc ẩn của linh hồn. Ông chọc thủng biểu tượng hoặc tính cách tâm linh của thế giới nhìn thấy, nghe được, sờ mó được. Đặc biệt nàng thơ của ông bay liệng bên trên và làm sáng tỏ những phần bên dưới của tự nhiên, và ông biểu lộ mối ràng buộc bí mật nó liên kết cái ác đạo đức với những dạng vật chất hôi thối, và đã đưa ra trong những ngụ ngôn sử thi một lí thuyết về sự điên rồ, về những quái vật, về những sự vật không sạch sẽ và đáng ghê tởm.

Một dấu hiệu khác của thời đại chúng ta, cũng được đánh giá bằng một phong trào chính trị tương tự, là tầm quan trọng mới được gán cho con người đơn độc. Mọi thứ có khuynh hướng cô lập các cá nhân – vây quanh họ bằng những thanh chắn tự nhiên, sao cho mỗi người cảm thấy thế giới là của mình, vả con người đối xử với con người như một nhà nước có chủ quyền đối xử với một nhà nước có chủ quyền, có khuynh hướng hợp nhất, liên kết thật sự cũng như cao cả thật sự. Pestalozzi[16] u sầu đã nói “Tôi biết rằng không có ai trên mặt đất rộng bao la này của Chúa sẵn lòng hoặc có khả năng giúp đỡ bất kì một ai khác”. Giúp đỡ phải đến tự đáy lòng. Học giả là người phải thu nhận vào bản thân mình tất cả khả năng của thời đại, tất cả đóng góp của quá khứ, và tất cả hi vọng của tương lai. Anh ta phải là một vũ trụ của tri thức. Nếu có một bài học hơn những bài học khác, nó phải xuyên vào xe của anh ta. Thế giới không là gì cả, con người là tất cả, trong bản thân anh là tất cả quy luật của tự nhiên; và anh chưa biết một giọt nhựa thông vận chuyển lên trên như thế nào; trong bản thân anh toàn bộ Lý trí thiu thiu ngủ, đó là để cho anh biết tất cả, đó là để cho anh dám làm tất cả. Thưa ông Chủ tịch và quý bạn, niềm tin vào sức mạnh chưa được khám phá này của con người, bằng mọi động cơ, bằng mọi lời tiên tri, bằng mọi sự chuẩn bị, thuộc về Học giả Mỹ. Chúng ta đã nghe những suy tưởng phong nhã của châu Âu quá lâu rồi. Tinh thần của người Mỹ tự do đã bị nghi ngờ là nhút nhát hay bắt chước, nhạt nhẽo vô vị. Tính tham lam, hám lợi chung và riêng làm cho bầu không khí chúng ta thở đặc quánh và nhờn nhẫy. Học giả là người khuôn phép, lười nhác, chiều lòng người. Trông thấy trước hậu quả bi thảm. Trí tuệ của đất nước này, vốn được dạy để nhầm những mục tiêu thấp, vắt mũi bỏ miệng. Không có công việc cho bất kì ai trừ những người phải phép và chiều lòng người. Những người trẻ là những hứa hẹn đẹp nhất, những người bắt đầu cuộc sống trên những bờ bến của chính mình, căng phồng lên vì những cơn gió núi, được chiếu sáng bằng tất cả những ngôi sao của Thượng đế, tìm thấy đất dưới chân không phải trong trạng thái hoà đồng với tất cả những cái này – mà bị cản trở hành động bởi sự ghê tởm những nguyên tắc gợi hứng cho kinh doanh, trở về cuộc sống lao khổ hoặc chết vì ghê tởm – một số còn tự tử. Lấy gì cứu chữa? Họ chưa nhìn ra, và hàng ngàn người trẻ đầy hi vọng nay chen chúc trước các barrie chờ một sự nghiệp, mà chưa thấy rằng nếu một người đơn độc đứng một cách bất khuất trên thiên hướng của mình, và chống đỡ được, thì thế giới vĩ đại sẽ kéo đến quanh anh. Kiên nhẫn, kiên nhẫn – với cái bóng của tất cả những gì tốt đẹp và cao cả, đề làm bầu bạn, và để an ủi, cái viễn cảnh của cuộc đời vô hạn của chính anh; và để làm việc, nghiên cứu và thông đạt về các nguyên tắc, làm cho thiên hướng này lưu hành, sự biến chuyển của thé giới. Việc không phải là một đơn vị – không được tính là một tính cách – không gặt hái được những thành quả cụ thể mà mỗi người được tạo ra để mang, không phải là nỗi ô nhục lớn trong thế giới, nhưng được tính trong một tá, trong một trăm, trong một nghìn của đoàn người cùng đi, bộ phận mà chúng ta thuộc về, và ý kiến của chúng ta được dự đoán về phương diện địa lý, như miền bắc, hay miền nam? Không phải thế, các anh em và các bạn, nhờ ơn Chúa, chúng ta sẽ không như thế. Chúng ta sẽ bước đi trên đôi chân của chúng ta, chúng ta sẽ làm biệc bằng những bàn tay của chúng ta, chúng ta sẽ nói ra những gì chúng ta nghĩ. Việc nghiên cứu văn học sẽ không còn là cái tên để thương hại, để nghi ngờ, và để nuông chiều cảm giác xác thịt. Nỗi khiếp sợ của con người và tình yêu của con người sẽ là những bức tường thành bảo vệ, và những niềm vui cuồn cuộn vây quanh tất cả. Một dân tộc của những con người sẽ lần đầu tiên tồn tại, bởi vì mỗi người tin tưởng bản thân mình sẽ được truyền cảm hứng bới Linh hồn Thần thánh, là Linh hồn truyền cảm hứng cho tất cả mọi người.


[1] Bài nói của Emerson trước Hội Phi Beta Kappa trường Đại học Harvard, ngày 31 tháng 8 năm 1837 như một tiếng súng của “người nông dân xung trận” của tác giả, hồi kèn đầu tiên báo hiệu sự phục sinh của văn học Mỹ. Emerson không có những kì vọng hào hùng như thế, ông đã khiêm tốn ghi lại thoả thuận của ông với số phận trong nhật kí của ông “nếu Đấng Toàn năng cho tôi ánh sáng, tôi sẽ viết cho trường Cambridge một lý thuyết về nhiệm vụ của học giả.” Nhưng Lowell, 34 năm sau nhớ lại với “sự tán thành nhiệt liệt” (trong “Thoreau,” những cửa sổ nghiên cứu của tôi, 1871) thấy một sự thức tỉnh tinh thần thời đại: “Cuộc Cách mạng đã cho chúng ta độc lập về chính trị, nhưng về xã hội và tri thức vẫn còn bị buộc vào tư tưởng Anh cho đến khi Emerson cắt những dây trói”. Hay như Holmes: “Bản Tuyên ngôn Độc lập về Trí tuệ của chúng ta”.

[2] Chòm sao Lyra có chứa ngôi sao trắng Vega, ngôi sao sáng thứ tư trên bầu trời.

[3] Vì những rắc rối trong cách dùng đại từ nhân xưng tiếng Việt, sau đây người dịch xin dùng từ “anh” (có thể hiểu chung là anh-chị) để chỉ HỌC GIẢ, hiểu như tác giả nói đến các học giả trong quá khứ của nhân loại, nhưng đồng thời cũng nói với những người đang và sẽ là học giả.

[4] “Know thyself” được coi là của Solon (638-558) ở Athens.

[5] Druid là những thày cúng Celte thời tiền sử, berserkir là những chiến binh dã man khó tin trong huyền thoại Na Uy. Alfred (849-899) là một trong những ông vua Xason lớn nhất, là một người yêu nước, nhà làm luật, và cha đẻ của văn xuôi Anh.

[6] Những nhà thiên văn học kiệt xuất trong thời của Emerson.

[7] Trong Từ điển Webster (1828) mà Emerson có lẽ đã dùng, tự do được định nghĩa là “một trạng thái thoát khỏi quyền lực hoặc kiểm soát của người khác” và “không bị chướng ngại, ngăn trở”

[8] Một ngạn ngữ không rõ nguồn. Trong Don Quixote của Cesvantes cũng có câu tương tự, nhưng thô hơn, và tên người không phải là Macdonald.

[9] Linnaeus (Carl von Linné, (1707-1778) Nhà thực vật học, bác sĩ, nhà động vật học Thụy Điển.

[10] Sir Humphry Davy, (1778-1829) Nhà hóa học Anh.

[11] Cuvier (1769-1832) nhà tự nhiên học người Pháp.

[12] Một nghĩa đặc biệt của từ “Văn hóa” (Culture) theo Emerson: “Cơ sở của văn hóa là cái phần thuộc bản chất con người mà triết học gọi là lý tưởng” và là “mục đích chủ yếu của con người.”

[13] Etna là một núi lửa đang hoạt động, ở bờ biển phía đông Sicily, Italy.

[14] Vesuvius: núi lửa ở vịnh Naples, cách Naples 9 km về phía đông.

[15] Emanuel Swedenborg (1688-1772) là một nhà khoa học, triết học, thần học, mặc khải, và nhà huyền học người Thụy Điển.

[16] Pestalozzi (1746-1827) nhà giáo dục Thụy Sĩ, “u sầu” về thất bại rõ ràng của lý thuyết của ông, chỉ thành công sau khi ông mất.

Comments are closed.